Chỉ cần học qua cấp 3, bất cứ người Việt Nam nào cũng thấu rõ hoàn cảnh khó khăn như nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa non trẻ ra đời cách đây 65 năm. Để giải quyết các vấn đề dân sinh cần rất nhiều tiền. Nhưng khi đó, ngân hàng Đông Dương đang bị Nhật chiếm chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương mà non nửa (586 ngàn đồng) là tiền hào rách còn đồng tiền mới của Chính phủ vẫn chưa ra đời. Thế nên, việc đóng góp của người dân, đặc biệt là các nhà tư sản thực to lớn giúp Chính phủ “vô sản” vượt khó.
Không phải chờ đến khi nước nhà độc lập mà ngay khi Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh còn trong “bóng tối”, các nhà tư sản đã bí mật ủng hộ. Ngoài tấm lòng yêu nước, đa phần tầng lớp tư sản Việt Nam từ khi ra đời đều bất mãn với chính sách khai thác thuộc địa của Pháp và sau này là Nhật. Các chính sách kinh tế của thực dân đã kìm hãm sự phát triển của tư sản Việt Nam nên trước năm 1945 các doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ chiếm 1% tổng số vốn và chỉ sử dụng 9% số lao động trong công nghiệp. Thiểu số là vậy nhưng nếu phải thống kê đầy đủ những cái tên và đóng góp của các nhà tư sản cho Chính phủ thời kỳ lập nước cộng hòa phải là một cuốn sách dày dặn của các nhà làm sử chuyên nghiệp.
Nói đến nhà tư sản yêu nước, một trong những người nổi tiếng còn lưu lại ngày nay là ông Đỗ Đình Thiện (1904-1972). Ông không phải là người đóng góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng và Quỹ Độc lập nhưng lại là người đóng góp tất cả những gì làm ra cho cách mạng và sau năm 1954 là viên chức nhà nước nhưng không hề lấy lương.
Ông Thiện đi du học ở thành phố Toulouse đã gia nhập Đảng cộng sản Pháp và sau đó bị trục xuất vì tội rải truyền đơn vào năm 1932. Cho nên, không khó để cắt nghĩa hành động vào tháng 8-1943, ông đưa 3 vạn đồng Đông Dương cho người phụ trách tài chính Đảng là Nguyễn Lương Bằng khi trong tay chỉ có 24 đồng. Cũng trong năm 1943, ông còn đưa cho ông Nguyễn Tạo (sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp trung ương) 2 vạn đồng.
Theo sắc lệnh số 4 ngày 4-9-1945 do chủ tịch Hồ Chí Minh kí đã cử ông bà Đỗ Đình Thiện “làm phụ trách Quỹ trung ương ở Hà Nội” trong Tuần lễ vàng. Để có thể vận động những bạn làm ăn ủng hộ cách mạng, bản thân ông bà Thiện đã làm gương khi ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4 kg vàng) vào Quỹ Độc lập và 100 lạng vàng vào Tuần lễ vàng. Đặc biệt, ông Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng bức tranh vẽ Bác vào ngày 23-9-1945 rồi sau đó tặng lại cho Thành phố Hà Nội để rước chân dung Bác biểu dương lực lượng cách mạng.
Năm 1946, trước nhu cầu in tiền, ông Thiện bỏ tiền mua nhà in Taupin (nay là số 5 Lê Duẩn-Hà Nội) tặng cho chính phủ. Khi quân Pháp chiếm lại Hà Nội, nhà máy in tiền chuyển về đồn điền Chi-nê mà ông Thiện mua từ năm 1943 với giá 2 ngàn lượng vàng từ tỉ phú Pháp Bô-ren. Chính đồn điền này sản xuất 200 tấn thóc đã nuôi đoàn quân chiến khu II mùa 1946-1947. Ngày 24-2-1947, sau khi đồn điền bị ném bom, ông bà Thiện giao lại đồn điền cho Đảng quản lí còn hai ông ba lên chiến khu làm việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem gia đình ông như người nhà bởi chính sự đóng góp vô tư của ông Thiện. Khi ông đau ốm rồi qua đời, những người đứng đầu Đảng và nhà nước luôn đến thăm viếng.
Nhưng không phải trường hợp nhà tư sản có đóng góp cho cách mạng như ông Thiện cũng được công nhận bởi những lí do khách quan. Nhờ sự giới thiệu của anh Trần Kiến Quốc (con tướng Trần Tử Bình) mà đại tá Nguyễn Duy Thành đã đồng ý kể câu chuyện về người cha là ông Nguyễn Duy Thân (1917-1952) và những câu chuyện liên quan đến nhà các nhà tư sản ủng hộ cho cách mạng chưa được chứng nhận.
Trước khi bị bị đi tù Sơn La vào năm 1941, ông Thân-vốn sinh ra trong gia đình buôn bán đã bí mật vận động nhiều nhà tư sản ủng hộ cách mạng. Đến khi Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, ông được cử làm 1 trong 5 ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội. Ông thuyết phục những người quen như cụ Tam Kỳ, cụ Hương Sang, ông thủ bạ Tuân… hiến tiền và tài sản cho chính quyền non trẻ. Trong đó, trường hợp vận động thành công nhất người họ hàng cùng quê Đình Bảng (Bắc Ninh) là cụ Tam Kỳ (tên thật là Nguyễn Hữu Nhâm). Có lần, để tránh mật thám Pháp theo dõi, ông Nhân phải rút tấm sét 10 vạn đồng Đông Dương cho người em tham gia cách mạng, đợi rút tiền xong, ông mới đăng báo kêu mất tấm séc. Hòa bình lập lại, ông Nguyễn Hữu Nhâm đã đứng ra huy động giới thương nhân Hà Nội mua lại nhà máy Da Thụy Khuê với giá 2 triệu đồng tiền Đông Dương. Sau này, ông Nhâm đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng gia đình có công với nước.
Người chứng nhận công với nước cho ông Nhâm không phải là ông Thân bởi ông Thân đã mất đột ngột khi học ở Trung Quốc năm 1952. Vì thế, nhiều người ủng hộ bí mật cho cách mạng thông qua ông Thân đều không có người chứng nhận. Một chuyện lạ kì khác là bản thân ông Thân là Đại biểu quốc hội khóa I nhưng ông không có một giấy chứng nhận có công với nước vì vợ của ông là bà Phan Thị Sang (1919-2010) cũng là Đại biểu quốc hội khóa I không muốn làm hồ sơ để xin công nhận cho chồng! Theo sự lí giải của Đại tá Nguyễn Duy Thành vì cụ bà không muốn mang tiếng là “công thần”.
Trong những ngày màu thu cách mạng, có những người đóng góp thầm lặng cho sự độc lập của nước nhà những mãi tới hơn nửa thế kỷ sau mới được công nhận. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Dực và bà Lê Thị Tý.
Ông Nguyễn Dực (1921-2000) vốn là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Trước năm 1945, ông là chủ cửa hàng Nguyễn Dực Radio ở 43 Hàng Bài. Dù giàu sang nhưng ông vẫn tự nguyện tham gia cách mạng và đóng góp số tài sản cá nhân rất lớn thời bấy giờ là các thiết bị âm thanh hiện đại nhất thời mua từ Kong Kong, Singapore. Ngày 17- 8, mít-tinh tại Nhà hát Lớn, không chỉ Nguyễn Dực làm công việc phụ trách âm thanh mà người vợ ông Dực là bà Lê Thị Tý đang có mang 7 tháng chính là chủ nhân của lá cờ đỏ sao vàng lớn nhất cho buổi lễ (34,5 m2).
Ngày 25-8-1945, ông Dực là người đầu tiên đọc trước micro câu: “Đây là Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Phát thanh từ Hà Nội, trên làn sóng điện 41 mét”. Đó là thời khắc đánh dấu sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đến ngày 2-9-1945, ông Nguyễn Dực chịu trách nhiệm phụ trách âm thanh cho buổi lễ Độc Lập. Ông chuẩn bị 3 micro để đề phòng có bất trắc trong đó chiếc micro ở giữa 4 mặt hiệu Phillips là cái micro tốt nhất. Thật may là nó đã hoạt động tốt. Để âm thanh truyền xa, ông Dực sử dụng một lượng dây điện rất lớn kéo dài từ vườn hoa Ba Đình đến nhà thờ Cửa Bắc và vườn hoa Lê-nin bây giờ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Dực đem tài sản riêng đóng góp xây dựng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Ông sống lặng lẽ đến cuối đời; cho đến năm 1996, nhân một bài báo trên tờ Người cao tuổi, các cơ quan chức năng mới biết đến những việc làm của ông Dức hồi năm 1945. Năm sau, ông được công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa.
Ba câu chuyện với những hoàn cảnh và sự đóng góp khác nhau của các nhà tư sản yêu nước chắc đã đủ để phác qua tinh thần của một lớp người bỏ qua quyền lợi và no ấm của cá nhân để đặt lợi ích của Tổ Quốc lên trên hết.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét