Điều mà những người yêu mỹ thuật mong mỏi bây giờ là chất lượng nghệ thuật của các dự án hội họa ngoài giá vẽ chứ không còn bức thiết đòi hỏi số lượng như trước đây.
Nếu là thị dân sống ở Hà Nội và Sài Gòn, mỗi tháng, người xem ít ra cũng có khoảng 2-3 cơ hội dự các triển lãm mỹ thuật. Trừ những triển lãm mà tác phẩm được “đặt hàng” để tuyên truyền hoặc các tác phẩm “kinh điển” được trưng bày lại thì số triển lãm mới có nhiều đột phá không nhiều, kể cả hội họa phi giá vẽ đang là lĩnh vực mà nhiều nghệ sĩ trẻ lao vào thể nghiệm.
Hơn chục năm trước, người xem vẫn còn kinh ngạc khi được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt… thì nay mọi chuyện đã thay đổi. Người ta không còn xem những nghệ sĩ trình diễn như Đào Anh Khánh trong các chương trình Đáo Xuân là kẻ lập dị, nhiều người còn bỏ ra nhiều phút cố công tìm hiểu ý nghĩa tác phẩm. Thêm vào đó, các website, nhiều trung tâm nghệ thuật ra đời để truyền bá mỹ thuật đương đại; ngoài ra, các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng đã dành nhiều “đất” cho các loại hình mỹ thuật đương đại kèm theo cái nhìn tích cực. Chưa kể đã có cuộc thi nghệ thuật trình diễn thu hút được sự quan tâm của khán giả. Hội họa phi giá vẽ đã có những “quả ngọt đầu mùa” sau hơn một thập niên của “bén rễ” ở nước ta.
Tính tương tác trực tiếp của hội họa phi giá vẽ đã xóa bỏ khoảng cách giữa người xem với tác phẩm. Điều này hơn hẳn các bức tranh vốn chỉ hiện hữu ở những không gian thuần túy nghệ thuật và mục đích vẽ cái hiệu quả của sự tri giác thực tại là đặc trưng của các chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, chủ nghĩa tối thiểu… nên càng xa cách với cách tiếp nhận của người xem “phổ thông” vốn đòi hỏi một bức tranh phải biểu đạt trung thành thực tại.
Gắn chặt với đời sống, các tác phẩm hội họa phi giá vẽ thường lấy những chất liệu và vật liệu được làm sẵn trong đời sống để hình thành tác phẩm từ cái bếp lò, gường, vòi nước, tủ… Mục đích của tác phẩm thường là nhằm trực tiếp châm biếm, phản biện lại những hành vi, lối nghĩ mà nhiều người xem là bình thường. Chẳng hạn, tác phẩm Sờ thấy vinh quang của nghệ sĩ Phạm Huy Thông được thực hiện vào ngày sĩ tử thi đại học năm 2010. Anh quỳ giữa những hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu, trên lưng là “tấm bia” giấy: “Xin đừng sờ đầu rùa!” để phản ứng lại hành vi xâm hại di tích và gián tiếp đánh đổ niềm tin vào vận may trong thi cử nhờ sờ đầu rùa đá. Trên thực tế, tác động tích cực của tác phẩm chỉ là trong một thời gian ngắn trong phạm vi hẹp nhưng như thế đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Tác động lớn hơn của tác phẩm là tạo cảm hứng, kích thích các nghệ sĩ khác tìm tòi và sáng tạo ra các tác phẩm khác tạo thành một trào lưu chứ không còn là sự tự phát như trước đây.
Cụm từ “phát triển bền vững” vốn là câu cửa miệng ở lĩnh vực kinh tế; nhưng nếu dùng cụm từ này để “hô hào” cho hội họa phi giá vẽ hiện nay thì thật thích hợp. Khi mà số lượng các cuộc triển lãm tăng lên, người xem không chuyên ít nhiều nhận ra sự trùng lặp ở các ý tưởng và cách thực hành của các nghệ sĩ. Chưa kể, sự thỏa hiệp trong tư duy nghệ thuật của một số nghệ sĩ, đơn cử trong một triển lãm sắp đặt của một họa sĩ Hà Nội lại trưng hai bức tranh trừu tượng không hề ăn nhập đến cấu trúc triễn lãm lẫn không gian nghệ thuật trưng bày.
Các nghệ sĩ trẻ đang dồn năng lượng sáng tạo vào việc thu hút khán giả và “thuyết phục” những nhà quản lí văn hóa nhìn nhận tích cực tác phẩm chứ chưa thực đi sâu vào việc tìm kiếm tính khả năng biểu đạt mới của hội họa phi giá vẽ. Việc thực hành các loại hình mỹ thuật đương đại của các họa sĩ trẻ phần nhiều vì các bức xức xã hội như một họa sĩ từng viết trong lời đề dẫn triển lãm: “Không hiểu sao tôi thấy mỗi đô thị, cũng chẳng khác cái bếp lò, sáng bóng, nhẵn nhụi lúc mới đầu, nhưng nhanh chóng nhếch nhác”. Thậm chí, đôi khi là sự bắt chước, đi theo một thứ “mốt”. Nhìn trên diện rộng, các tác phẩm hội họa ngoài giá vẽ vẫn thiếu một chiều sâu triết học, cụ thể hơn là triết học nghệ thuật. Ngay từ khởi đầu, các sinh viên mỹ thuật tiếp cận hội họa phi giá vẽ theo kiểu “cuỡi ngựa xem hoa” thông qua bộ môn Lịch sử mỹ thuật chứ họ không được học một chương trình giảng dạy mỹ thuật đương đại riêng như ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Hiển nhiên, không ai sáng tác dựa trên lý thuyết nhưng nếu nghiên cứu lý thuyết một cách bài bản là nền móng cho việc “đi xa” trong con đường sáng tạo; qua đó, mỗi tác phẩm sẽ được “bảo hiểm” bởi nội lực văn hóa của nghệ sĩ. Tín hiệu đáng mừng gần đây là hai cuốn sách của Cynthia Freeland do Như Huy dịch là: Thế mà là nghệ thuật ư?, Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật cùng với các bài lẻ giới thiệu lý thuyết nghệ thuật đương đại là một nỗ lực để bắt kịp với tầm tư duy, nhận thức của mỹ thuật thế giới.
Việc đòi hỏi nhà nước cấp tiền hỗ trợ cho các loại hình mỹ thuật đương đại là điều khó ở thời điểm hiện tại và điều này thực ra không cần thiết bởi hơn chục năm phát triển của hội họa ngoài giá vẽ phát triển bởi tiền cá nhân nghệ sĩ và của các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước. Chẳng hạn, họa sĩ Ngô Lực không hề khá giả nhưng vẫn bỏ ra vài chục triệu cho dự án Vào chợ, Ra đường là minh chứng hùng hồn.
Trong tương lai, muốn hay không, các cơ quan quản lý phải có hàng loạt chính sách cụ thể với mỹ thuật đương đại nếu không muốn mỹ thuật Việt Nam “giẫm chân tại chỗ”. Những nỗ lực cá nhân của các nghệ sĩ như Như Huy, Ly Hoàng Ly, Ngô Lực, Trần Lương, Đào Anh Khánh… đương nhiên là đáng quý, nhưng để tạo bước đột phá trong nghệ thuật, hình thành một làn sóng mới cho hội họa phi giá vẽ là một khối lượng công việc khổng lồ nhiều khi vượt qua khả năng của các cá nhân. Những vấn đề về không quan trình diễn, việc giảng dạy trong nhà trường… đương nhiên thuộc về các nhà quản lý.
Trên hết, với các nghệ sĩ, điều họ cần là sự tự do trong việc thực hành các ý tưởng. Thái độ của của cấp quản lí hiện nay là không phản đối nhưng cũng không nhiệt tình ủng hộ, thỉnh thoảng lại răn đe với những tác phẩm bị cho là quá trớn như màn trình diễn nude Bay lên của nữ họa sĩ Lại Thị Diệu Hà tại Nhà sàn Đức hồi tháng 8 vừa qua. Khi mà các cấp quản lí chưa phân biệt giữa nude là cách biểu đạt nghệ thuật, giúp người xem thanh tẩy khác hoàn toàn với nude để giải trí, mang tính kích dâm thì chắc chưa thể kì vọng ở sự thay đổi được tư duy quản lý nghệ thuật. Điều này, đồng nghĩa với việc làm sao nghệ sĩ đa phương tiện có thể phản ảnh được các thực tế đang đè nặng lên cuộc sống và dự báo những nguy cơ xấu có khả năng xảy ra trong một tương lai không xa khi mà họ lại thuộc một hệ thống đào tạo cũ kĩ và được những quan chức mỹ thuật quản lý theo kiểu “bảo hoàng”
Tự do đó là yếu tố đầu tiên và sau cùng để nghệ thuật đích thực!
HÀM ĐAN
hay đấy
Trả lờiXóaEm thích cái này lắm các bác ah