Vở kịch Tương tác do 29 sinh viên năm thứ 3 Khoa Sân khấu (Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) trình diễn tối 14-12 có thể xem là một điểm nhấn đáng chú ý của sân khấu Thủ đô vào cuối năm. Vở kịch có sự hợp tác với Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) với kịch bản và sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn đến từ Pháp Jean-Marie Lejude.
Vở kịch Tương tác thực chất là sự kết nối liên hoàn hơn 20 vở kịch mi-ni lấy cảm hứng từ những câu chuyện ngụ ngôn của nhà thơ ngụ ngôn người Pháp vĩ đại Jean de La Fontaine (1621-1695). Chọn chất liệu trên chứng tỏ sự khôn ngoan của biên kịch khi giúp người xem Việt Nam tiếp xúc với nội dung quen thuộc bởi truyện ngụ ngôn La Fontaine đã “ăn sâu” vào kí ức người Việt đến nỗi nếu không tìm hiểu hẳn nhiều người lại nhầm truyện Con ve và con kiến là truyện dân gian Việt Nam. Nhưng sự quen thuộc ở chất liệu cũng là sự khó khăn để vở kịch thành công nếu không làm mới truyện ngụ ngôn La Fontaine. “Đề bài” làm mới nội dung ngụ ngôn đã được ê-kíp vở kịch giải quyết một cách xuất sắc dựa trên những thủ pháp của kịch nghệ hậu hiện đại; bởi một đặc trưng quan trọng của văn hóa hậu hiện đại chính là “làm lại” các tác phẩm cũ dựa trên những cách biểu đạt và điểm nhìn mới mẻ.
Điểm đầu tiên của sự làm mới chính là ý đồ hình thức hóa vở kịch trở thành một sô truyền hình trực tiếp kể truyện ngụ ngôn La Fontaine thế nên thiết kế sân khấu đã dựng các khung vuông bao quanh sân khấu giống như khuôn hình ti-vi. Mặt khác khi “giả” làm một sô truyền hình nên biên kịch đã “mạnh tay” xen giữa các màn kịch mi-ni thêm hai mục quảng cáo là hai vở kịch hài ngắn nói thuốc diệt chuột và bột giặt lấy điển tích từ vở chèo Quan âm thị kính và truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Chúng vừa giúp khán giả đỡ “mệt” khi thưởng thức các triết lý ngụ ngôn; đồng thời tạo thêm sự đa dạng trong nội dung vở kịch. Ngoài ra, suốt chương trình còn có một M.C vừa giới thiệu nội dung các vở kịch vừa giao lưu với nhà thơ La Fontaine đã hơn… 300 tuổi. Những điểm phụ trợ cho vở kịch như âm nhạc, phục trang hay ánh sáng và các hình động trên màn hình đều lấy cảm hứng ở thời hiện đại, xóa nhòa khoảng cách thời gian hơn 3 thế kỷ của nội dung các truyện ngụ ngôn.
Những điểm làm mới vở kịch vừa nêu trên thực ra chỉ là “râu ria”, điểm quan trọng vẫn chính là cách thức làm mới các màn kịch mi-ni. Lần lượt, ở mỗi màn kịch đều có một diễn viên kiêm luôn người kể câu chuyện ngụ ngôn góp phần tạo ra sự tương tác với khán giả. Điều cố tình “vi phạm” phương pháp tự sự kịch truyền thống khi người dẫn truyện vốn ẩn mình đằng sau cánh gà. Sự “vi phạm” còn được thể hiện qua các tình huống kịch như ở màn kịch Bình sắt và bình đất. Sau khi bình đất vỡ tan khi va vào bình sắt thể hiện qua hành động ước lệ là nam diễn viên hóa thân là bình đất nằm xuống sàn diễn; để nói về triết ký của câu chuyện, diễn viên bỗng “sống” lại nói với khán giả: “Ở đời không nên chơi với người ngang bằng mình nếu không muốn gặp phải tai họa như bình đất”; rồi lại nằm vật xuống sàn “chết” hẳn.
Một khía cạnh được làm mới là sự Việt hóa các triết lý của văn hóa Pháp qua hoàn cảnh đương đại ở Việt Nam như trong màn kịch của truyện Thỏ và rùa được lồng vào cảnh đua xe của một số thanh niên ăn chơi, kèm theo tiếng loa của lực lượng giữ gìn an toàn giao thông: “Đề nghị các phương tiện tham gia giao thông đi chậm lại…”. Ngoài các triết lý vốn có sẵn trong các công chuyện mà khán giả có thể rút ra dễ dàng, vở kịch còn lồng ghép các thông điệp tiến bộ cho thời đại như về bảo vệ môi trường…
Thành công vở diễn được thể hiện ở việc ghế ngồi ở Nhà hát Lớn tối hôm đó đã được lấp đầy và không có ai bỏ về giữa chừng. Thành công của vở kịch mở ra một lối đi mới cho kịch nói; qua đó kéo khán giả quanh trở lại với ánh đèn sân khấu. Song, nên nhớ, vở kịch vẫn do một người Pháp viết kịch bản và đạo diễn. Điều đó càng làm cho những người trong ngành sân khấu ở nước ta càng ý thức ráo riết hơn ở việc cách tân nghệ thuật và giới thiệu những thành quả cách tân đến với đông đảo khán giả chứ không chỉ tồn tại mỗi một buổi diễn.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét