Từ lâu, nhiều người đã thử so sánh giá trị giữa tượng vàng Oscar (Mỹ) và Cành cọ vàng Cannes (Pháp). Việc làm đó hoàn toàn vô bổ; đơn giản, hai giải thưởng này có những tôn chỉ và mục đích khác nhau.
Oscar nổi tiếng hơn Cannes vì luôn hướng đến những bộ phim dễ hiểu, thời sự, đôi khi thiên về kĩ xảo làm “sướng” mắt; vì vậy, thỉnh thoảng, có phim đoạt giải Oscar khá dễ dãi “mua vui” chốc lát mà không ám ảnh người xem. Là một giá trị khác, Liên hoan phim (LHP) Cannes chấp nhận mọi khuynh hướng, song thường vinh danh những bộ phim giàu tính nghệ thuật hoặc có tính đổi mới. Tôn chỉ đó có thể được minh họa qua lời của ngài chủ tịch LHP Gilles Jacob: “Điều quan trọng không phải là thể loại của tác phẩm mà chính là góc nhìn của người thực hiện, để chuyển tải một thông điệp”. Với sức hút riêng biệt, không khó lý giải khi hàng triệu người đến thành phố biển miền Nam nước Pháp để được xem những bộ phim cần sự suy tư trong thưởng thức, rồi in sâu vào trí nhớ một khoái cảm… vừa sướng vừa khổ!
Cannes 2011 là một kỳ LHP xuất hiện nhiều nét mới. Hơi buồn một chút khi sự kiện mới mẻ đầu tiên lại là một vụ xì-căng-đan, đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier-từng đoạt Cành cọ vàng, đã trở thành đạo diễn đầu tiên phải rời LHP trước lễ trao giải sau khi ông tuyên bố hưởng ứng chủ trương bài Do Thái của Hitler. Một sự kiện kém vui khác là bộ phim võ thuật Nhất đại tôn sư (The grandmasters) của “thi sĩ điện ảnh” Vương Gia Vệ (Hồng Kông, Trung Quốc)-đạo diễn của những phim lãng mạn, đã không kịp hoàn thành khiến Cannes 2011 thiếu vắng điện ảnh Hoa ngữ, mất đi sự đa dạng và phong phú của LHP.
Dù có những chuyện buồn, Cannes 2011 vẫn là kỳ LHP đổi mới bởi lần đầu áp dụng mô hình 1/3 cho 20 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng: đạo diễn từng đoạt giải-các đạo diễn có tiếng-các đạo diễn trẻ; thay cho phương thức 50-50, tức là nửa các tên tuổi lớn và nửa các tài năng trẻ.
Trong số các phim của các đạo diễn trẻ, có 3 đạo diễn lần đầu tiên có phim được tuyển chọn là Maiwenn (Pháp), Julia Leigh (Úc), Markus Schleinzer (Áo). Và khá bất ngờ khi phim “Poliss” (biến âm “police”-cảnh sát) của nữ đạo diễn 35 tuổi Maiwenn đã giành Giải của Ban giám khảo. Ngoài Maiwenn, khá nhiều người được vinh danh Cannes 2011 mới đạt đến độ chín của tài năng và đều lần đầu được đạt được vinh quang như: đôi diễn viên xuất sắc nhất là nam diễn viên Jean Dujardin (39 tuổi) và cô đào nóng bỏng Kirsten Dunst (29 tuổi), Nicolas Refn giành giải Đạo diễn xuất sắc vào tuổi 41 tuổi… Có thể nói, Cannes 2011 đã vinh danh về một thế hệ làm phim mới.
Niềm vui của người này lại là nỗi buồn kẻ khác, trường hợp lỗi hẹn đáng tiếc nhất là tài tử Mỹ Brad Pitt. Sau khi kiếm bộn tiền và nổi như cồn với các vai diễn anh hùng cơ bắp trong phim Ông bà Smith hay Troy…, B. Pitt chuyển sang đóng các vai đòi hỏi chiều sâu diễn xuất như phim Trường hợp dị thường của Benjamin Button (2008). B.Pitt đã diễn xuất trên mức chờ đợi và đạt đến trình độ thượng thừa trong phim Cây đời (The tree of life, 2011). B. Pitt hẳn đã giành giải Nam diễn viên xuất sắc nếu Jean Dujardin (phim Nghệ sĩ) không hiện diện trong vai diễn viên hết thời George Valentin cùng với thể loại phim câm đi vào cuối mùa. Jean Dujardin đã vào một vai cực khó khi sử dụng ngôn ngữ hình thể để chuyển tải nội dung của… phim câm đen trắng! Tài tử Pháp diễn xuất thăng hoa đến nỗi dù ai có tiếc cho tài tử Mỹ cũng khó có thể cất lời bào chữa.
Tiếc nuối không kém là trường hợp hai bộ phim được dư luận ca ngợi là Cảng Havre (đạo diễn Kaurismaki) và Chúng ta cần nói về Kevin (đạo diễn Lynne Ramsay). Hai bộ phim không đoạt giải với lý do… trùng thông điệp với những bộ phim đã đoạt giải các năm trước. Cảng Havre là câu chuyện của những người nhập cư với thông điệp hướng tới sự đại đồng giống với thông điệp phim Lớp học (Cành cọ vàng 2008). Phim Chúng ta cần nói về Kevin đề cập đến sự lệch lạc hành vi của trẻ em xuất phát từ những chấn thương tâm lý giống với phim Dải băng trắng (Cành cọ vàng 2009).
Dẫu vậy, ban giám khảo cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khi trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim đáng chờ đợi nhất và cũng xứng đáng nhất: Cây đời (đạo diễn Terrence Malick). Đáng chờ đợi vì dự án bộ phim đã thai nghén trong chừng… 40 năm. Sự chờ đợi còn tăng lên khi đạo diễn phim là một con người kì lạ. Suốt 40 năm làm phim, Terrence Malick chỉ làm đạo diễn 5 phim. Mỗi bộ phim của ông được đánh giá là kiệt tác, là dấu mốc đáng nhớ của điện ảnh, và Cây đời cũng không phải là ngoại lệ. Báo Libération (Pháp) phải thốt lên: “10 phút đầu đủ để nhớ suốt đời… Một bộ phim ngoại hạng”.
Bộ phim Cây đời kể về cuộc sống thường ngày của một gia đình trung lưu tại Hoa Kỳ những năm 1950. Người cha (ông O’ Brien) do Brad Pitt thủ vai có tính cách gia trưởng, luôn bị ám ảnh về sự thành đạt của ba đứa con trai. Vợ ông do Jesssica Chastain đóng lại hiền hậu, luôn tìm cách động viên các con. Jack khi lớn do diễn viên kì cựu Sean Penn đóng vai, thường xuyên tra vấn về quá khứ của tình thương lẫn sự nghiêm khắc. Tất cả những sinh hoạt của gia đình ông O’ Brien được đan xen vào trong khung cảnh của sự ra đời của Trái đất, sự xuất hiện của sự sống và sự tiến hóa...
Bộ phim phản ánh một đề tài cũ nhưng Terrence Malick đã có những cách biểu đạt mới mẻ, khiến người ta có cảm tưởng bộ phim như là một luận văn triết học bằng hình ảnh về sự sống của riêng Terrence Malick-cựu sinh viên triết Đại học Harvard. Ngoài ra, Cây đời đạt đến sự mới mẻ đáng kinh ngạc xuất phát từ cách làm phim kì lạ. Giống như các phim của Vương Gia Vệ, phim Cây đời không đi theo một kịch bản sẵn mà vừa quay phim vừa viết dần. Mỗi cảnh quay chỉ diễn hai lần để đạt đến lối diễn tự động, để diễn viên bộc lộ hết bản năng tiềm ẩn. Các yếu tố khác như âm nhạc và hình ảnh được Terrence Malick trau chuốt đến tận lúc… mang tới trình chiếu tại LHP!
Khi những giải thưởng đã được trao, Cannes 2011 cũng kết thúc. Những giá trị truyền thống khởi từ 64 năm trước vẫn được duy trì, đồng thời những nét mới cũng đã xuất hiện. Vế sau mới là điểm nhấn khiến Cannes 2011 trở thành một kỳ LHP đáng nhớ.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét