Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

THỜI ĐÀM (X): NHÀ GIÀU HỌC GIỎI

Hôm vừa rồi, qua nhà ông hàng xóm đại gia nhâm nhi “hàng xách tay”, đại gia báo cho tôi hai tin mừng ông mới nhận được: Cô con gái út đã được ghi danh vào một đại học danh tiếng của Anh, tin thứ hai là cô chị đã được các giáo sư hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu nhận hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Mỹ. Tôi thực mừng cho đại gia vì nuôi dạy hai đứa con khỏe mạnh, đạt được những thành tựu học tập đáng ngưỡng mộ như trên chẳng dễ chút nào.

Đành rằng, nhờ tài sản của một triệu phú USD, hai “công chúa” của đại gia không phải vừa đi học vừa đi làm thêm ở xứ người mà chỉ chuyên tâm cho việc học, song nếu không có sự nỗ lực của hai nàng thì có tiền tỷ USD cũng “chào thua”. Tôi nói ra suy nghĩ đó, liền được đại gia tán đồng:

- Đúng là chú chỉ hướng nghiệp thôi, chuyện học hành của nó tự nó lo lấy, ai mà học thay được. May mà các con chú đều ý thức được tầm quan trọng của tri thức và có khả năng tự học rất tốt.

Nói đến đây, giọng ông bỗng trầm đi chuyển sang câu chuyện khác.

- Chú có ông bạn làm giám đốc quản lý hơn 5.000 công nhân. Kì thi đại học tới đây, chắc ông ấy sẽ nhận được tin buồn. Thằng con ông ấy nổi tiếng lười nhác, nó chỉ chuyên “nghiên cứu giấc mơ”, chưa thi cũng biết nó sẽ trượt. Nguyên nhân một phần cũng tại ông ấy, ông ấy không biết cách hướng dẫn nó đi theo con đường học vấn. Chú đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện ông ấy nói với con toàn là chuyện làm ăn đâu đâu, khiến thằng bé ảo tưởng chẳng cần học cũng có thể thành công như bố nó.

- Vậy là người giàu cũng khóc rồi!
- Ừ. Nhưng chú chỉ thấy hơi kì lạ; ở nước mình, người ta nhìn nhận thành tích học tập tốt của con nhà giàu là điều đương nhiên, nhà có điều kiện không giỏi mới là lạ. Họ đâu biết rằng, đôi khi nhiều tiền lại nguy hiểm. Như con út nhà chú học suốt ngày và phải giỏi toàn diện các môn mới được nhận vào học bên Anh. Vì nhà có điều kiện nên nó đã phải tự kiểm soát ham muốn đua đòi khá thông thường ở lứa tuổi của nó: nó không sắm hàng hiệu, không có xe máy, ít đi chơi đàn đúm khoe khoang ta là “tiểu thư”, tránh những trò vô bổ đẻ khỏi phân tâm đến việc học. Cũng chính vì dư dả tiền bạc không phải lo chuyện cơm áo nên sức ép phải học giỏi luôn đè nặng lên vai con chú. Giờ nghĩ lại vẫn còn thương!

- Chú đừng trách người ta không hiểu nỗi khổ của con nhà giàu vì truyền thông ở ta hình như chỉ giúp con nhà nghèo học giỏi kể khó kể khổ!

- Đó là một sự tuyên truyền khá lệch lạc. Khi đã có ý định chiếm lĩnh tri thức việc anh có bao nhiêu tiền không có vai trò quyết định; vấn đề nằm ở sự chăm chỉ, lòng say mê, phương pháp học và khả năng tiếp thu kiến thức... mới dẫn đến thành công trong học vấn. Đành rằng, những ai nghèo học giỏi đều đáng nêu gương nhưng đáng lẽ cần phải nêu gương bất cứ ai thành công trong học tập không phân biệt là con nhà giàu hay nhà nghèo. Năm ngoái, sau khi kết quả kì thi đại học công bố, báo chí lại đi theo lối mòn là liên tiếp ghi nhận các thủ khoa con nhà nghèo vượt khó để khơi dậy tinh thần hiếu học. Nhưng, chú nhớ chỉ có một tờ báo tìm kiếm xem trong số thủ khoa có ai là con nhà giàu và khá bất ngờ con số đó cũng không phải là ít. Chẳng nói thẳng, nhưng tờ báo đó ngầm tôn vinh những “thiếu gia” có ý chí phấn đấu mà không dựa vào núi tiền của các cụ! Chú tiếc là lẽ ra báo chí nên phản ánh thật công bằng!

- À này, mà cháu cũng là nhà giàu học giỏi chứ còn gì?

- Gia cảnh nhà cháu thì chỉ đáng gọi là trung lưu loại khá đâu phải là đại gia, với lại cháu cũng đâu có giỏi toàn diện, cháu học lệch trầm trọng. Về hoàn cảnh riêng, cháu cũng phải chịu thiệt thòi đôi chút. Bố cháu là bộ đội đóng quân tận biên giới ít khi về nhà. Mẹ cháu là giáo viên đi dạy cả ngày, mẹ con chỉ gặp nhau vào bữa tối. Gần như từ bé, cháu phải sống tự lập, chẳng ai bảo cứ tự giác ngồi vào bàn học. Đến khi đi học đại học ngoài Hà Nội cũng tự lo lấy cuộc sống. Kể ra thì buồn cười, nhiều người nhìn bề ngoài cứ nghĩ cháu là dạng công tử ăn chơi, được các cụ trang bị tận răng. Nhưng cháu kệ, việc mình, mình làm thôi!

- Cứ tiếp tục làm những gì cháu ước mơ đi. Cụng ly chúc thành công nào!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét