Nhiều khi thấy tôi sắm quần áo mới, bà cô làm nghề giáo viên lại chép miệng: “Lớp trẻ bây giờ sướng thật, chả bù cho cô ngày xưa có mỗi bộ quần áo tử tế để đứng lớp”. Nhân tiện, bà lại kể cái chuyện đói ăn thời bao cấp, rồi kể chuyện tranh thủ đi bỏ mối hàng tạp hóa, làm thêm xong lại tất tưởi đến trường “gõ đầu trẻ”, ai hỏi thì trả lời bông đùa: “Tranh thủ đi dạy!”. Tôi nghe nhưng chẳng mấy để tâm đến câu chuyện ngỡ như hoang đường thời quá khứ!
Nhưng tôi đâu biết, những chuyện đói khổ tưởng như đã lui vào dĩ vãng của người làm công ăn lương ở nước mình vẫn còn đâu đó, nhất là với công chức ở cơ sở, vùng cao khó khăn. Vừa rồi, trong chuyến đi miền núi, tôi đã vỡ ra nhiều điều về đời sống của những con người bám trụ ở vùng cao. Trên quãng đường hơn 15 cây số, trò chuyện rủ rỉ mới biết anh xe ôm chở tôi là Hiệu phó một trường tiểu học. Hè đến, học sinh của anh không ngồi trên lớp mà ngồi trên… lưng trâu. Anh đành làm… xe ôm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh thật thà kể:
- Mình làm giáo viên vùng cao đến nay tròn 13 năm. Học sinh trường mình toàn con em đồng bào dân tộc ít người, không có chuyện dạy học hè như ở thành phố để có thu nhập thêm. Mình chẳng biết làm gì khác, thôi thì đành đi làm xe ôm để cải thiện. Vợ mình trước cũng là giáo viên nhưng giờ ở nhà trông hai cháu vì từ nhà đến các phân hiệu trong huyện có khi hàng chục cây số đường rừng nên chỉ một người đi làm được thôi. Kể cũng ngại khi đi làm thêm như thế này nhưng thời buổi khó khăn đành phải tự khắc phục.
Lên đến một chợ phiên, tôi thấy một chị bán hàng thổ cẩm nói tiếng Anh khá chuẩn, nhấn nhá trọng âm rõ ràng không phải tiếng Anh “bồi”. Tôi đoán chị phải là người được học hành bài bản, hỏi dò thì đúng vậy. Chị kể:
- Em là giáo viên tiếng Anh, tranh thủ thứ bảy và chủ nhật có chợ phiên là đi bán hàng. Gian hàng này em thuê 400 ngàn một tháng, nhờ có vốn tiếng Anh để giao tiếp với khách Tây nên em bán được nhiều hàng hơn người khác, nhưng trừ mọi chi phí cũng chỉ có lời chút đỉnh, gọi là có thêm tí thức ăn cho các cháu. Chuyện cán bộ viên chức ở đây đi làm thêm vào ngày nghỉ nhiều lắm anh ơi! Giá cả có như xưa nữa đâu nên ai cũng phải cố gắng.
Tôi dự hai phiên chợ vùng cao vào hai ngày nghỉ gặp vô số các cán bộ nhà nước đang đứng bán hàng: Anh bán tạp hóa là kế toán, chị buôn vải thiều là nhân viên văn phòng xã… Trò chuyện với từng người thì được biết, ngay cả hai vợ chồng đều có công ăn việc làm nhưng với giá cả leo thang như hiện nay trông chờ vào đồng lương thì không đủ sống. Đi quanh chợ hỏi giá cả các loại hàng hóa mới hay đầu óc mù tịt về kinh tế của tôi đã “bé cái lầm”, hóa ra giá cả lương thực thực phẩm ở trên miền núi chẳng rẻ chút nào; một số mặt hàng tiêu dùng lại đắt hơn dưới xuôi vì phí vận chuyển lên vùng cao đã đội giá lên.
Những bất ổn kinh tế hiện nay ảnh hưởng đến mọi nhà, ngay cả một vị bộ trưởng cũng bảo vợ ông đi chợ về kêu lắm. Nhưng có lẽ không ở đâu như ở vùng cao tác động của giá cả lại mạnh đến vậy. Khó khăn gian khổ trong công tác họ đã quen nhưng nay với sự vất vả trong đời sống thường ngày liệu họ có nản chí? Liệu họ bỏ những bản làng xa xôi để chuyển về miền đất khác thuận lợi hơn? Hoặc chí ít cũng chuyển một nghề nào đó nhàn hơn là phải “cắm bản” để công tác? Đem những thắc mắc đó hỏi các cán bộ miền núi thì hầu hết không ai bày tỏ ý định rời bỏ công tác, họ đều bảo mảnh đất họ đang công tác là “mảnh đất giữ người”, ra đi không nỡ.
Tôi tin là họ nói thật. Chở tôi ra bến xe về Hà Nội, vị Hiệu phó đang hành nghề xe ôm bảo: "Mình làm nốt tháng này đến tháng sau lại quay về bản đi dạy". Trên khuôn mặt xạm đen nhễ nhại mồ hôi, đôi mắt sáng như vẫn ánh lên tin tưởng ở những điều tốt đẹp trong tương lai với nghề giáo cao quý mà anh đã nguyện gắn bó. Còn tôi trên đường về Hà Nội, những lời ca của một bài hát quen thuộc lại vang lên trong đầu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình”. Tôi chẳng biết làm gì hơn là cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những con người bình dị mà nhiều dũng khí ở miền núi rừng xa thẳm.
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét