Trương Đăng Dung đã làm được hai điều khiến người ta kinh ngạc. Thứ nhất, ông được xem là một trong những nhà lí luận văn học hàng đầu của nước ta với những công trình quan trọng: “Từ văn bản đến tác phẩm văn học” (NXB Khoa học xã hội, 1998), “Tác phẩm văn học như là quá trình” (NXB Khoa học xã hội, 2004)… Trong ba bộ phận hợp thành Khoa nghiên cứu văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học vẫn còn khá nhiều nhiều người dấn thân nghiên cứu, thì số người làm lí luận văn học luôn ở tình trạng “của hiếm”. Có đốt đuốc đi tìm đỏ mắt cũng chỉ đếm được trên đầu một bàn tay những người suốt đời nghiên cứu lí luận văn học và có tác phẩm tầm cỡ như Trương Đăng Dung.
Một điều kinh ngạc nữa, Trương Đăng Dung là một nhà thơ được văn giới thừa nhận dù ông làm thơ không nhiều và thơ ca không phải là mối bận tâm lớn nhất của ông. Người ta ngạc nhiên khi một Phó Giáo sư-Tiến sĩ đạo mạo, nguyên Phó viện trưởng Viện văn học lại có tài thơ. Thực ra, do người ta quá bám vào câu “Văn là người” của Buffon nên mới ngạc nhiên, chứ thực ra ai cũng có thể làm thơ nếu như thực sự có nhu cầu nội tại khám phá bản thể và diễn đạt cách nhìn nhận con người và thế giới. Dĩ nhiên, nhà thơ tư duy và viết để thể hiện các trạng thái, các tình huống bằng hình ảnh chứ không làm việc bằng khái niệm như nhà lí luận văn học.
Đọc thơ Trương Đăng Dung dễ nhận ra ảnh hưởng từ một con người có óc tư biện nên thơ của ông diễn ý từ những khái niệm triết học và mỹ học. “Vật chứng” là bài thơ tiêu biểu của phong cách thơ Trương Đăng Dung.
Nội dung bài thơ đọc qua cũng đã có thể hiểu ngay tức thì. Bài thơ là chuỗi độc thoại của chàng trai nói với người yêu nỗi sợ của mình. Tài thơ của Trương Đăng Dung phát lộ ở khả năng sử dụng từ ngữ “phổ thông” để diễn đạt những điều vô hình phát sinh từ những nỗi sợ rất khó nắm bắt: “Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc”, “Sợ tiếng bước chân em xa dần/ khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ”...
Đọc những câu thơ trong “Vật chứng”, người đọc như gặp lại nỗi sợ tình yêu phai nhạt dần theo thời gian mà “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã từng diễn đạt một cách tinh vi: “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” (bài thơ “Giục giã”). Hóa ra, với những kẻ có “nòi tình” khi đã “vào cuộc”, sự si mê quá mức đã bộc lộ những nỗi sợ mơ hồ chưa hề hiện hữu. Nhưng Trương Đăng Dung không giống Xuân Diệu! Ông không kêu gọi người yêu sống gấp, yêu gấp hưởng thụ sự ngọt ngào của ái tình mà lẳng lặng chấp nhận bi kịch muôn đời: Tình yêu cũng như bất cứ điều gì tốt đẹp được tạo dựng trong cuộc sống nên đều biến mất trước dòng thời gian. Cho nên, một nhà thơ khác là W. Goethe (Đức) đã nói một câu bất hủ mà nhiều người thuộc: “Không có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu”.
Hiểu được sự “tàn phá” của thời gian, Trương Đăng Dung đã có một phản ứng mơ mộng chỉ có ở nhà thơ với những đòi hỏi vô lí:
Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.
Tất cả những đòi hỏi đó chỉ để đáp ứng một mục đích: “Anh cần vật chứng/ trước thời gian”. Mục đích trên thực ngây thơ! Nhưng nhà thơ nào mà chẳng ngây thơ như đứa trẻ; và khi đã yêu si mê con người cũng trở nên ngây thơ hơn bao giờ hết.
Vượt qua khỏi ý nghĩa của bài thơ tình, “Vật chứng” còn là minh họa cho vấn đề thời gian trong siêu hình học. Thời gian được người Hi Lạp cổ đại ví như thần Cronus ăn thịt những đứa con của mình; thời gian hủy diệt những gì nó sáng tạo ra. Thời gian thực ra là một trong những yếu tố quyết định thân phận con người, nó tạo thành giới hạn không thể chịu đựng nổi. Trước một “kẻ thù hắc ám” (chữ của nhà thơ Pháp C. Baudelaire) là thời gian, con người có nhiều cách phản ứng khác nhau: cam chịu than vãn, hoài cổ, nổi loạn, sống gấp… Nhưng có một cách khác chiến thắng thời gian đó là nghệ thuật: Cái chết không thể bẻ cong các ý tưởng hay phủ nhận những sáng tạo. “Vật chứng” là bài thơ hay đủ khiến nhiều người nhớ và như thế, nhà thơ Trương Đăng Dung đã có một vật chứng trước thời gian.
Vật chứng
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
Sợ bóng tối sẽ tràn vào
khi em mở tung cửa sổ
cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ.
Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc
khi môi ta rời nhau
hơi ấm đã thuộc về quá khứ.
Sợ căn phòng trở nên trống rỗng
khi em xếp lại chăn màn
kí ức không còn nơi ẩn náu.
Sợ tiếng bước chân em xa dần
khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ
ta còn lại gì sau mỗi lần tình tự?
Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.
Anh cần vật chứng
trước thời gian.
Bài viết rất hay. Tại sao bạn không thử gửi cho tuần báo Văn nghệ? Mình cũng thích thơ của thầy TĐD.
Trả lờiXóaTks bác nạc danh đã khen, em thấy bài bình thơ này thường thui. Bài này đã đăng trên Trang văn học thứ 6 báo Quân đội nhân dân, đăng lại sao được. Mời bác và văn thi hữu có hứng viết văn thơ phê bình thì cứ gửi bài qua mail này nhé: hoanghoangqdnd@gmail.com
Trả lờiXóaUi, mình không phải ẩn danh đâu. Đăng kí sao cũng không vào được. Bạn cho mình hỏi số mấy của báo QĐND được không? Mình có vào báo in đọc và tìm nhưng không thấy đâu. Chỉ cho mình với. Cảm ơn bạn nhé!
Trả lờiXóaHoàng Thụy Anh
Ban click vào trang 5 số báo ngày 5-7 qua link này: http://baoin.qdnd.vn/
Trả lờiXóaBác Trần Hoàng Hoàng ơi, em gửi bài này cho trang lyluanvanhoc được không?
Trả lờiXóaBác THH ơi, em vào nhưng không có. Bác xem lại chính xác cho em với. Cảm ơn bác nhiều.
Trả lờiXóaSorry bạn,trang 5 ngày 5-8 qua link này: http://baoin.qdnd.vn/ . Bạn đừng cho lên trang web lyluanvanhoc, ngại lắm.
Trả lờiXóaEm cảm ơn bác!
Trả lờiXóa