Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM LẦN THỨ VII-NGÀY VỀ NGUỒN (23-11-2011): CƠ HỘI "VÀNG" QUẢNG BÁ DI SẢN VĂN HÓA BẮC TRUNG BỘ


Từ ngày 21 đến 23-11, Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII-Ngày về nguồn 2011 sẽ được tổ chức với chủ đề “Tuần văn hóa di sản Bắc Trung Bộ tại Hà Nội 2011”. Hoạt động này còn mở đầu công tác tuyên truyền, quảng bá Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012.

Do đã nhiều lần tổ chức nên đơn vị được giao chủ trì tổ chức là Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam đã chủ động phối hợp cùng với 6 Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bắc Trung Bộ lên kế hoạch từ một năm trước, để thống nhất nội dung, lựa chọn những di sản phi vật thể và vật thể tiêu biểu nhất của mỗi địa phương, giới thiệu với người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế. Nhờ vậy, khung chương trình đã được “chốt” ngay từ đầu tháng 11. Bên cạnh đó, các công tác tuyên truyền, quảng bá sự kiện trên cũng đã được xúc tiến sớm, dự kiến “Đêm di sản văn hóa Bắc Trung Bộ tại Hà Nội năm 2011” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 23-11.
         
Tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày và chủ yếu tại khuôn viên Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) nhưng Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII sẽ dày đặc các hoạt động là: Ngày văn hóa xứ Thanh-nét đẹp văn hóa xứ Thanh, Ngày văn hóa Huế (biểu diễn nghệ thuật, thao diễn tay nghề truyền thống, ẩm thực Huế…), đêm giao lưu văn hóa nghệ thuật Bắc trung Bộ (hát ví, ca Huế…), thi thuyết trình du lịch, chương trình Road show giới thiệu quảng bá du lịch di sản Bắc Trung Bộ, tọa đàm tổng kết đánh giá kết quả ngày về nguồn. Hiệu quả các hoạt động quảng bá tác động tới du khách đến đâu còn là dấu hỏi mà phải chờ đến ngày hạ màn mới có thể kết luận. Nhưng, theo ông Phạm Văn Thủy-Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam nhận định, Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII là cơ hội “vàng” quảng bá các di sản văn hóa Bắc Trung Bộ mà lâu nữa mới quay trở lại. Ông Thủy lấy dẫn chứng là sau 10 năm được tổ chức lần đầu, đến năm 2012 chương trình Những ngày văn hóa Tây Nguyên mới quay trở lại Thủ đô.   

Sau thành công của Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ-Phú Yên 2011, khu vực Bắc Trung Bộ được chọn để tổ chức Năm du lịch Quốc gia không phải vì luân phiên thay đổi vùng miền, mà còn gắn với việc tôn vinh các di sản văn hóa độc đáo. Trước tiên là những di sản văn hóa vật thể, mới nhất là việc Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cố đô Huế tuy đã có tiếng nhưng sẽ tiếp tục được quảng bá sâu rộng hơn để tuyên truyền trước cho Festival Huế 2012 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII còn là cơ hội để các tỉnh Bắc Trung Bộ giới thiệu những giá trị văn hóa phi vật thể ít người biết đến. Ở thời trung đại, khu vực Bắc Trung Bộ vốn là vùng biên ải của nước Đại Việt nên nó vừa lưu giữ các nét văn hóa gốc của người Việt khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng, vừa giao thoa văn hóa với các nền văn hóa khác; cho nên, nó tạo ra sự đa dạng ngay trong nội tại vùng lãnh thổ. Ví dụ, hò sông Mã (Thanh Hóa), ví dặm (Nghệ An), ca Huế đều do cư dân vùng sông nước trình diễn nhưng không hề giống nhau; ẩm thực Huế hoàn toàn khác biệt với các tỉnh còn lại trong cách chế biến và nguyên liệu còn về mùi vị cơ bản lại giống.

          Sự giàu có tự thân của di sản văn hóa Bắc Trung Bộ, cộng với sự chuẩn bị chủ động, nội dung chương trình phong phú có thể tin tưởng, qua Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII các giá trị di sản văn hóa Bắc Trung Bộ sẽ được nhiều người biết đến, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” của khu vực ngày một lớn mạnh.

          HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét