(Một bài nữa được đặt hàng)
Tháng 1-1957, Tạp chí
Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên, với nhiệm vụ là phục vụ bộ đội bằng sáng tác
và phải là nơi phát hiện tập hợp và bồi dưỡng các cây bút trẻ. Phương châm hoạt
động ngay từ buổi đầu đã định hình phong cách một tờ tạp chí văn nghệ đặc sắc
khó lẫn với bất cứ ấn phẩm văn nghệ nào khác.
Một tờ tạp chí văn nghệ
có nghĩa là không bám sát sự kiện thời sự từng giây từng phút, mà phải phản ánh
sự kiện thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật theo chiều sâu. Những bài
thơ, những truyện ngắn, bút ký... của các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ quân đội
suốt 55 năm qua, luôn luôn bám sát hoạt động của quân và dân ta để biến sự kiện
thời sự trở thành chất liệu cho các tác phẩm. Tạp chí đã từng đi theo những
chặng đường hành quân của người lính khắp các chiến trường, và nay, khi đất
nước đã im tiếng súng, Văn nghệ quân đội vẫn là “món ăn tinh thần” không thể
thiếu của người lính. Sự đồng hành nói trên có thể đến một cách tự nhiên vì đa
số những nhà văn tại “nhà số 4” (số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội-trụ sở của Tạp chí Văn
nghệ quân đội) đều từng là người lính trước khi về công tác tại Văn nghệ quân
đội; nhiều nhà văn đã đi từ ngôi nhà số 4 để vào các chiến trường phía Nam
trong kháng chiến chống Mỹ, và có người đã không về như Anh hùng LLVT nhân dân,
nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi). Ngày nay, các nhà văn đang công tác tại
Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn là những cây bút sung sức tiếp tục sáng tác về đề
tài chiến tranh cách mạng.
Riêng nhiệm vụ thứ hai
là bồi dưỡng các cây bút trẻ, nhất là trong quân đội cũng có thể ghi công lao
cho tạp chí trong việc xây dựng và nâng cao công tác văn nghệ của quân đội.
Nhiều trại sáng tác đã được mở ra, các nhà văn thành danh của tạp chí đã truyền
lại những kinh nghiệm nghề nghiệp cho những cây bút trẻ tuổi nghề. Thường xuyên
hơn, nhiều sáng tác của bạn đọc dù là ai, ở đâu, viết đã vững hay còn vụng đều
được các nhà văn-biên tập viên của tạp chí gửi thư góp ý chân thành.
Sự động viên khuyến khích đó đã giúp nhiều nhà văn trẻ tự tin hơn, quyết
dấn thân vào nghiệp chữ và sau đó trở thành nhà văn lớn như trường hợp của nhà
văn Nguyễn Minh Châu.
Ngày hôm nay, Văn nghệ
quân đội đã ra 2 số một tháng và ra đời Tạp chí Văn nghệ quân đội điện tử như
để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của người lính thời văn minh
tin học, mà vẫn giữ được định hướng chính trị, không sa vào xu hướng thương mại
hóa tầm thường.
Văn giới nước nhà lâu
nay hay gọi “nhà số 4” là “ngôi đền thiêng” của văn chương Việt Nam. Điều làm
nên cái danh hiệu thiêng liêng ấy, ngoài yếu tố truyền thống hơn nửa thế kỷ đổi
bằng mồ hôi và cả xương máu của những người lính cầm bút, phải kể đến chất
lượng sáng tác của những người đã và đang là người “nhà số 4”. Nói như câu nói
cổ điển của nhà thơ Xuân Diệu: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”, cách ngôn ra
trường hợp “nhà số 4” thì “Ngôi đền thiêng tồn tại là nhờ tác phẩm”.
Những nhà văn đang công
tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội ngoài nhiệm vụ bảo đảm chất lượng tờ tạp
chí, họ còn phải sáng tác riêng cho bản thân, sức ép sáng tạo để có một tác
phẩm chí ít đọc được chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng, nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua,
hầu hết người “nhà số 4” đều có tác phẩm được bạn đọc nhớ đến. Đặc biệt, nếu
nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 hay còn gọi là nền văn
học cách mạng thì “thương hiệu” Văn nghệ quân đội đã góp những tên tuổi chủ
chốt nhất như: Hồ Phương, Vũ Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hữu
Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng…; cùng với đó là vô số các giải thưởng văn
chương uy tín bậc nhất như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật, Giải
thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Bộ
Quốc phòng về Văn học-Nghệ thuật...
Ngày hôm nay, Tạp chí
Văn nghệ quân đội đang bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ, tương lai gần ở
tạp chí sẽ không còn một nhà văn nào trưởng thành trong chiến tranh. Có những
bài viết từng lo ngại cho việc lớp nhà văn trẻ khó tiếp nối được truyền thống
của thế hệ đi trước. Có lẽ những lo lắng ấy là hơi... lo xa. Dù có trẻ tuổi
nghề, song những nhà văn đang công tác tại tạp chí đều là những nhà văn chuyên
nghiệp, họ đều ý thức rằng nhiệm vụ của nhà văn là viết hay; nếu không, bản
thân văn nghiệp của họ và thương hiệu “nhà số 4” sẽ không còn người đọc chú ý.
Với đề tài người lính và
chiến tranh, dù các nhà văn trẻ không sống trong chiến tranh, biết đâu chính
lại là lợi thế để họ có thể nhìn cuộc chiến đã qua dưới một cái nhìn khác mà
thế hệ cầm bút trước không có được. Mặt khác, điều làm nên một thế hệ nhà văn
mới là ở sự khác biệt với thế hệ trước, chứ rất khó để so sánh hơn kém. Đây là
điều mà bạn đọc trong và ngoài quân đội trông chờ ở các nhà văn khoác áo lính
tại “nhà số 4” trong các tác phẩm sắp tới.
MỘC LAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét