Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

THỜI ĐÀM (XVI): ĐẦU TIÊN LÀ CHẤT LƯỢNG NGHỆ THUẬT...


Mấy năm trở lại đây, khi phim tư nhân đạt được thành công đáng kể là kéo khán giả Việt đến rạp, đồng nghĩa ở điện ảnh Việt Nam tồn tại song song hai dòng phim riêng rẽ: Phim tư nhân sản xuất với mục đích thương mại và phim Nhà nước được đầu tư với mục đích tuyên truyền.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu lâu nay có một bộ phận không nhỏ dư luận không chú ý mục đích ra đời của hai dòng phim, để rồi có những nhận xét thiếu khách quan, ví dụ: Lấy tiêu chí doanh thu để chê bai phim tuyên truyền hoặc cho rằng, phim tư nhân chỉ là phim thương mại rẻ tiền, chất lượng thấp kém. Cả hai luồng ý kiến trên nếu xét từ góc độ mục đích ra đời của hai dòng phim đều hết sức vô lý.

Phim tư nhân là do các đơn vị tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, thì mục đích tối thượng của họ phải bán được vé để bù đắp chi phí sản xuất. Vì thế, họ phải chọn đề tài nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) quan tâm, và đề tài đó càng nhạy cảm càng tốt như: Đồng tính, tình tay ba, an ninh... ; dàn diễn viên phải đẹp và nổi tiếng dù trình độ diễn xuất chưa cao. Nhưng nếu chỉ làm được vậy thì phim tư nhân hiện nay sẽ không khác gì trào lưu “phim mì ăn liền” đầu thập niên 1990. Phim tư nhân đã dần đi theo mô hình chuyên nghiệp rõ nhất là việc quảng bá phim đã thành một công nghệ. Nội dung một số phim tư nhân đã được chăm chút tránh khỏi tình trạng nhảm và nhạt. Đóng góp của phim tư nhân còn thể hiện ở các yếu tố về kỹ thuật làm phim như kỹ xảo điện ảnh, phục trang... Đó là những điều dù ai không thích nội dung cũng phải thừa nhận đóng góp to lớn của phim tư nhân như là “máy cái” đưa điện ảnh Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp.

Phim Nhà nước với mục đích tuyên truyền thì hạn chế lớn nhất là kinh phí sản xuất thấp nên không diễn đạt hết ý tưởng của ê-kíp làm phim. Đó là chưa kể gần như không có bộ phim Nhà nước nào có kinh phí quảng bá phim, trong khi công thức ở các nền điện ảnh chuyên nghiệp thì kinh phí quảng bá chí ít cũng phải bằng 1/3 chi phí sản xuất phim. Vì vậy, đôi khi phim Nhà nước hay nhưng không ai biết đến! Bù lại khiếm khuyết trên, ê-kíp làm phim tuyên truyền đều được đào tạo bài bản, và “chất nghề” rất cao. Đề tài của phim tuyên truyền luôn đứng đắn, có tác dụng giáo dục tốt nhưng không phải là đề tài câu khách nên kén người và từ đó không trụ lâu được ở rạp. Nhưng nhờ hệ thống phát hành phim nên phim tuyên truyền vẫn đến được với người xem, góp phần là công cụ cho công tác văn hóa tư tưởng của Đảng. 

Nếu ai cũng nhận thức được mặt mạnh và yếu của hai dòng phim hẳn sẽ không còn xuất hiện những tranh cãi vô bổ. Phim tư nhân hãy cứ tìm những vấn đề gay cấn để tăng doanh thu, đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm phim và vốn sản xuất để tạo dựng nền công nghiệp điện ảnh nước nhà. Phim tuyên truyền hãy cứ đi vào chiều sâu nội dung, làm nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao phó.

Nhưng có vấn đề sau cùng, mà cả hai dòng phim có lẽ không nên xa rời đó là chất lượng nghệ thuật của phim. Đây là tiêu chí số một để đánh giá sự hay-dở của bộ phim, xét cho cùng, mục đích thương mại hay tuyên tuyền chỉ là yếu tố thứ hai. Nếu bộ phim về đề tài đồng tính câu khách mà không biết đi sâu vào tâm lý mặc cảm, cố gắng hòa nhập cuộc sống bình thường của những người ở “thế giới thứ ba” thì đích thị là phim rẻ tiền. Một bộ phim chiến tranh mà không khai thác sự kỳ lạ của tâm lý con người quên đi sự sống cái chết để lao vào cuộc chiến mà chỉ cảnh chiến trận, những lời hô hào thì mục đích tuyên truyền dù tốt đẹp cũng không thể ăn sâu vào trí nhớ khán giả.

Chỉ khi đạt được tầm cao nghệ thuật, một bộ phim mới có thể chiến thắng thời gian, được ghi nhớ từ thế hệ này qua thế hệ khác.  
                     
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét