Mấy năm qua, việc
dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt đã có bước phát triển vượt bậc.
Ngoài các loại sách best-seller, nhiều kiệt tác văn chương thế giới
như: “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của I. Calvino, “Lolita” của
V. Nabokov… cũng đã đến với độc giả Việt Nam. “Dịch xuôi” đã ổn nhưng ở
chiều “dịch ngược”-tức dịch các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài không có
tiến triển nào đáng ghi nhận. Dù đã có Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn
học Việt Nam ra nước ngoài cách đây đã 2 năm, chuyện xuất khẩu văn
chương Việt vẫn nằm trên giấy. Giống như tình trạng “Cha chung không ai
khóc”, người trong giới văn chương ai cũng đau đáu chuyện xuất ngoại văn
chương Việt nhưng không có một cơ quan nào chỉ huy công việc “dịch
ngược”; hệ quả là chẳng ai làm công việc nói trên!
Tưởng
chừng việc “dịch ngược” còn lâu mới tìm thấy lối ra thì bất ngờ Công ty
TNHH Văn hóa và Truyền thông Lệ Chi (nhãn hiệu sách Chibooks) của dịch
giả Nguyễn Lệ Chi đã ký hợp đồng làm đại diện cho 10 nhà văn đương đại
là: Phan Hồn Nhiên, Trần Thu Trang, Cấn Vân Khánh, Bùi Anh Tấn, Vũ Đình
Giang, Dương Bình Nguyên, Hồ Anh Thái, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc
Tiến, Nguyễn Đình Tú, với 40 tác phẩm để chào bán ra nước ngoài trong
vòng từ 8 đến 10 năm. Chibooks cũng sẽ đầu tư cho việc quảng bá thông
tin và PR cho các tác giả tại nhiều quốc gia; ngược
lại, Chibooks nhận 10% giá trị hợp đồng bán bản quyền của mỗi tác
phẩm. Trong năm 2012, Chibooks sẽ đi tham dự các Hội chợ sách quốc tế để
chào bán bản quyền như: Hội chợ bản quyền sách Kuala Lumpur
(Ma-lai-xi-a), Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc)…
Khác
với kiểu xuất khẩu hữu nghị do quan hệ cá nhân của các nhà văn đối với
các NXB nước ngoài hoặc vì sự yêu thích của các dịch giả nước ngoài đối
với tác phẩm văn học Việt Nam, dự án của Chibooks mang tính thương mại
nên cần phải chiến lược bài bản mới có thể thành công. Được biết, công
việc đầu tiên của Chibooks là dịch tóm tắt tác phẩm hoặc thậm chí dịch
một chương đầu ra tiếng Anh, tiếng Trung… Và xây dựng cho mỗi tác giả,
mỗi tác phẩm một hồ sơ riêng đầy đủ thông tin về sức ảnh hưởng trong xã
hội, những bài báo đã đăng về tác giả hoặc tác phẩm… Công việc đầu tiên
tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ lại hết sức quan trọng vì hầu như văn học
Việt Nam không có tiếng vang nào với bạn bè quốc tế. Thế mới có chuyện,
trong lần giao lưu văn học ở Hà Nội, giới văn chương Thủ đô ngạc nhiên
tột bậc vì được một nhà Việt Nam học người Pháp cho biết danh tính một
cuốn tiểu thuyết “thường thường bậc trung” lại được xem là tác phẩm văn
học lớn của Việt Nam, trong khi nhiều tác phẩm có giá trị hơn lại không
hề được biết tới.
Triển
vọng của dự án xuất khẩu văn chương Việt có thể xem là khả quan vì
Chibooks là đơn vị hiểu rõ các khâu mua bán bản quyền với các đối tác
nước ngoài. Mặt khác, 40 tác phẩm mà Chibooks xuất khẩu ra nước ngoài đa
phần đều đề cập đến cuộc sống và con người Việt Nam đương đại mới mẻ.
Đất nước Việt Nam thường chỉ được biết đến thông qua chiến tranh Việt
Nam nổi tiếng, còn một nước Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trên con
đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chắc chắn không nhiều người nước
ngoài biết rõ. Cho nên, các tác phẩm sẽ đáp ứng thói chuộng lạ
(exotisme) của độc giả nước ngoài. Vô hình trung dự án cũng sẽ quảng bá
hình ảnh đất nước hiệu quả, trong bối cảnh các loại hình văn hóa khác
như điện ảnh hay âm nhạc chưa đủ tầm vượt ra ngoài biên giới hình chữ S.
Dự
án xuất khẩu văn chương Việt là một nỗ lực đơn độc của một đơn vị tư
nhân; thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ dự án như các nước
khác vẫn đang thực hiện. Ví dụ như ở Hung-ga-ry có Quỹ sách Hung-ga-ry
là một trung tâm thông tin văn học và hỗ trợ xuất bản được Bộ Văn hóa
Hung-ga-ry thành lập. Quỹ này ngoài hỗ trợ các NXB của Hung-ga-ry còn
trợ giúp tài chính cho các NXB nước ngoài muốn dịch và phát hành tác
phẩm văn học Hung-ga-ry. Quỹ từng hỗ trợ tài chính để tiểu thuyết nổi
tiếng “Không số phận” của nhà văn Hung-ga-ry Kertész Imre (Nobel Văn học
2002) xuất bản sang tiếng Việt năm 2010. Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt
động văn hóa tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, vậy tại sao
một dự án có nhiều lợi ích thiết thực như dự án xuất khẩu văn chương
Việt lại chưa được hỗ trợ?
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét