Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

TÌNH DỤC THỜI BAO CẤP


Người trẻ bây giờ thật khó hình dung đến thời bao cấp. Ở thế kỷ 20, đó là thời kỳ tệ hại có lẽ chỉ sau nạn đói năm 1945. Đói mọi thứ vậy còn chuyện sex thế nào? Ở ta chuyện sex vẫn khó nói cho nên chẳng có ma nào nghiên cứu trong môn tình dục học cả. Sau đây chỉ là vài ba câu chuyện lẻ tẻ do nghe được cần kiểm tra lại:
1. Hồi bao cấp có CV không? Câu trả lời là có nhưng rất ít, cực kì ít thì đúng hơn. Cùng lắm là một số người quá nghèo hoặc từ quê lên đành làm liều sống qua ngày. Do không có tự điểm chứa lẫn công an đi tuần nên đánh quả lẻ hay nấp ở gốc cây thấy người qua là gạ gẫm. Hồi ấy ở công viên Thống Nhất cũng có. Có câu chuyện kì khôi là tay quan bên ngành văn hóa tên là L. thì phải thèm quá ra công viên tìm CV bị công an túm cổ. Nhưng sau không biết bị xử lí thế nào?
Cũng chính vì không có nhiều CV nên đàn ông thời đó thủ dâm rất nhiều. Đàn bà chưa chồng, không chồng, chồng chết cũng thèm nhưng ít người chủ động tìm giai như bây giờ nhưng nếu được "gợi ý" lập tức đồng lõa ngay. Có chuyện kì lạ trong cửa hàng thịt những năm 70. Hồi ấy mua thịt hay bất cứ thứ gì đương nhiên phải xếp hàng. Một tay thanh niên đứng sau một bà lớn tuổi hơn. Tay này thèm quá dí chim vào mông bà đứng trước để "tự sướng". Bà này chắc cũng biết nhưng cứ để tay này tự do "làm việc". Đến khi sướng quá bắn lung tung mấy người bị dính cái "sữa ông thọ" hỏi um lên: "Cái gì thế nhỉ?". Bà đứng trước thản nhiên nói: "Mỡ vụn bắn ra ấy mà".
2. Thanh niên thời ấy có "máu" như bây giờ không? Câu trả lời là có nhưng lén lút và buồn cười hơn bây giờ nhiều.
Con gái một nhà thơ rất nổi tiếng cực kì quậy (bây giờ chắc cũng hơn 40 rồi). Ban đêm mò vào KTX nam đòi các SV nam thò của quý ra để em "thổi kèn" (oh, my god).
Lại có chuyện các chú miền Nam tập kết ra Bắc thèm quá nhưng không biết làm sao. Một anh cưới một cô vợ hờ để 7 anh dùng chung. (giời ơi móa thế không biết?).
Sinh viên thời ấy cũng ghê. Một cô học ĐH ngoại ngữ (bây giờ là ĐH Hà Nội) quãng năm 72 gì đó đến nhà bồ ở Tuệ Tĩnh và "làm việc" chung với hai anh bạn nữa. Khó hiểu ở chỗ thời ấy chẳng có "bao bì" gì cả nhưng có "hậu quả" rất hiếm.
Đó là ở thành thị còn nông thôn rất lắm chuyện. Đàn bà thì nhiều trong khi đàn ông ra trận hết chỉ còn ông già mắt toét hơi sức đâu với chuyện giường chiếu hoặc trẻ con buồi bằng quả ớt chẳng khác gì tăm nhoáy trong ống bơ. Đàn ông chỉ còn lại các bác HTX, với cán bộ nhưng hồi ấy người ta hết lòng vì tiền tuyến nên chuyện thậm thụt ít vô cùng. Cùng lắm là anh chủ nhiệm HTX gọi chị X lên hỏi thăm. Vặn cái đèn hoa kì để đủ sáng cái nhà HTX ẩm thấp. Anh chủ nhiệm hỏi đại khái: "Các cháu thế nào?" "Anh có gửi thư về không?"... trong khi đó tay anh đã sờ đến đầu ti của chị X rồi. Hí hí
Thời chiến tranh ở vùng chiến cũng có nhiều gái điếm phục vụ cho cả ta lẫn địch.
Vài chuyện thế đã.
Tóm lại là thời bao cấp khổ đủ điều. Chuyện sex có lẽ khổ nhất vì lúc nào cũng lén lút do thời đó chặt cộng thêm cái bệnh đạo đức giả, lôi thôi coi như xong đời luôn. Nhưng thời ấy người ta yêu lãng mạn và khá trong sáng. Cầm tay là run bắn lên rồi. Thanh niên cấp 3 bạo lắm cũng chỉ hôn nhau rồi thôi. Thiệt thòi đủ thứ nghĩ mà tội.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

ĐỒNG HÀNH CÙNG CUỘC SỐNG

Phim tài liệu lâu nay chỉ được xem là phương thức ghi chép cuộc sống như một bài báo phản ánh “người tốt, việc tốt”. Nhưng một bộ phim tài liệu có giá trị luôn vượt qua công việc sơ đẳng là phản ánh mà đôi khi còn phát hiện vấn đề mới nảy sinh và mở ra hướng giải quyết tài tình.

Cuối tháng 6 năm nay, tại Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương (465 Hoàng Hoa Thám - HN) đã diễn ra tuần phim tài liệu quốc tế thu hút rất đông khán giả Việt vốn chỉ thích xem phim truyện. Trong số bốn bộ phim tài liệu nước ngoài, đáng chú ý là hai bộ phim Người thắng, kẻ thua (Losers and Winners) và Mizike Mama. Đằng sau bề nổi câu chuyện nhỏ nhặt là các vấn đề nhức nối đặt ra đầu thế kỷ như: bảo vệ môi trường sinh thái, sự trỗi dậy của các nước thuộc thế giới thứ ba, lai chủng tộc và lai văn hóa…

TƯƠNG LAI CÓ THUỘC VỀ CHÂU Á?

Từ thế kỷ trước, các nhà dự báo tương lai đã nói: “Tương lai là châu Á” (Future is Asia). Hiện tại, châu Á đang vươn lên mạnh mẽ đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Và đầu tàu của kinh tế lục địa vàng là đất nước tỉ dân Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Cái dạ dày vĩ đại của họ đã hối thúc những cánh tay vươn ra ngoài biên giới đại lục để khai thác tài nguyên năm châu.

Bộ phim Người thắng kẻ thua mở đầu bằng lời giới thiệu ngắn gọn đề cập đến câu chuyện dường như chỉ mang tính khoa học kĩ thuật đơn thuần. Năm 1992, một nhà máy than đá hiện đại nhất thế giới đã được xây dựng tại Dortmund (Đức) với số tiền đầu tư là 650 triệu Euro. Sau 8 năm, xí nghiệp đóng của vì giá than sản xuất tại Đức đắt hơn than nhập khẩu. Toàn bộ dây chuyền nhà máy được bán cho Trung Quốc. Công việc tháo dỡ được tiến hành bởi 400 công nhân Trung Quốc trong suốt nửa năm.

Đoàn làm phim người Đức đã ghi lại cảnh sinh hoạt, làm việc của công nhân Trung Quốc trên một vùng đất khác biệt về môi trường văn hóa. Sự khác biệt này nảy sinh từ mâu thuẫn với một ít nhân viên Đức còn lại. Những nhân viên Đức vốn quen với kỉ luật, tác phong phương pháp làm việc công nghiệp hết sức khoa học đã không chịu nổi một công nhân Trung Quốc không biết về điện mà vẫn tìm cách sửa chữa; một công nhân khác không cần cầu thang mà vẫn leo lên tòa nhà cao hơn 20m, những nhân viên người Đức đã lắc đầu và nói: “Nếu ở trên đó thì tôi không biết phải bao lâu mới xuống được mặt đất”. Tất nhiên là cảnh ô nhiễm môi trường khi những dầu nhớt, hóa chất từ các đường ống tháo dỡ chảy tràn khiến các nhân viễn người Đức vô cùng bực tức. Những công nhân Trung Quốc cười trừ vì bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của họ và cụ thể hơn không có trong ý thức của họ. Điều này có thể nghe thấy từ lời của người giám đốc Trung Quốc: “Chúng tôi rất ấn tượng với việc bảo vệ môi trường của người Đức: họ không dẫm trên cỏ bằng cách đi vòng và bảo vệ các con thú và chim ở đây. Nếu là ở Trung Quốc chúng tôi đã bắt và làm thịt hết rồi”.

Những tình huống trên thực tế làm việc đã đến một buổi họp giao ban vô cùng gay gắt giữa ban lãnh đọa hai bên. Công ty Trung Quốc đọc “nội quy” với những điều mang tính khẩu hiệu chung chung như: không làm nhục quốc thể, năng suốt cao, tiết kiệm chi phí… mà không có dòng nào cho việc bảo vệ môi trường sinh thái hoặc an toàn lao động. An toàn lao động trong làm việc nhất là tháo dỡ một xí nghiệp sản xuất than khổng lồ là cực kì hệ trọng nhưng phía Trung Quốc đã khước từ bằng câu nói ông giám đốc khi nói về hai công nhân mới bị tai nạn: “để cách mạng thành công thì cần phải hy sinh”. Quan niệm về con người đã làm bật mâu thuẫn lên đến cực điểm, lộ ra câu thơ của nhà văn Anh đoạt giải Nobel văn học Rudyard Kipling (1865 - 1936): “Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ”(Bài thơ Đông và Tây).

Tinh thần làm việc của người Trung Quốc thì không ai có thể phàn nàn, chính người Đức đã phải thốt lên: “Khiếp thật! Nhanh kinh khủng”. Những thước phim tìm nguyên nhân khiến công nhân có thể làm việc hăng say khiến nguời ta bất ngờ. Hóa ra, mỗi công nhân được chụp ảnh và ảnh họ sẽ được tuyên dương mỗi khi tổng kết chứ không thưởng bằng tiền. Cách động viên thuần túy tinh thần này lại gây được hiệu quả rất lớn. Tính cộng đồng trong sinh hoạt cũng là một động lực giúp công việc tiến triển nhanh. Với những yếu tố tích cực này thì ước muốn của ông giám đốc không hề viển vông: “Tôi ước chính phủ Trung Quốc sẽ mua luôn nhà máy của Airbus đem về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ chế tạo tàu vũ trụ đi tìm nhiên liệu từ vũ trụ sẽ tốt hơn khai thác than”.

Sau cùng, toàn bộ xí nghiệp luyện than cũng được chuyển về Trung Quốc. Và hình ảnh cuối cùng là cảnh các công nhân Trung Quốc hoan hỉ lên xe ra sân bay về nhà. Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc bằng những dòng chữ đóng lại bộ phim: “Năm 2006, máy móc xí nghiệp ở Đức được dựng ở Trung Quốc và sau đó là hai nhà máy nữa”. Cũng từ đó, giá than từ 50 $/ tấn tăng lên 500 $/ tấn khiến nước Đức tính lại chuyện sản xuất than nội địa”.

Vấn đề phim nói ra sẽ còn quá thời sự trong nhiều năm tới: tháo dỡ phương Tây – xây dựng phương Đông. Phương Tây đang chuyển sang kinh tế hậu công nghiệp còn phương Đông đang xây dựng cồn nghiệp để đuổi kịp phương Tây. Nhưng với tư duy lạc hậu và sự đốt cháy giai đoạn liệu phương Đông có tránh được những vấn đề về môi trường, lao động, dân cư… mà phương Tây phải mất hơn thế kỷ để khắc phục. Phương Tây đang nắm giữ chìa khóa của những phát minh, khám phá của loài người sẽ lại là kẻ chiến thắng hay tương lai sẽ thuộc về châu Á?

BÌNH ĐẲNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

Phim Mizike Mama của đạo diễn nổi tiếng người Bỉ Violaine de Villers kể vè cô gái lai Zaire và Bỉ tên là Marie Daulne và quá trình thành lập nhóm nhạc “Zap Mama” gồn 5 nữ ca sĩ chuyên hát nhạc acapella. Những bài hát họ sáng tác và biểu diễn ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa và các thể loại sân khấu khác được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ Âu, Phi, Arabic.

Mizike Mama cho ta một ví dụ về sự tiếp biến văn hóa (accuturaltion) mạnh mẽ khi mà thế giới ngày càng phẳng. Các trào lưu văn hóa hiện đại ngày nay đã không còn phân biệt nền văn hóa nào cao hơn nền văn hóa nào, tất cả đều bình đẳng góp phần làm phong phú nền văn minh nhân loại.

Sự tiếp biến văn hóa là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hoá khác nhau tiếp xúc lâu dài và trực tiếp, gây ra sự biến đổi mô thức (pattern) văn hoá ban đầu của một hoặc của hai nhóm. Tất nhiên trong trường hợp của bộ phim, nền văn hóa châu Phi mang tính ngoại sinh “tấn công” vào văn hóa châu Âu mang tính nội sinh. Điều này không có gì lạ khi văn hóa các nước thuộc địa từ khi hệ thống thuộc địa tan rã đã tạo ra phong trào văn hóa “hậu thực dân” (post-colonialism) xâm nhập vào văn hóa của các nước thực dân. Những xung đột ban đầu khó tránh khỏi nhưng dần dần văn hóa các nước thuộc địa được nhìn nhận là một “cái khác” (The Other) mang tính bình đẳng.

Sự tiếp biến văn hóa đã mang lại những quả ngọt thậm chí từ rất sớm. Điển hình là Pablo Picasso với ảnh hưởng từ đồ tạo tác Phi châu và đã dáng tạo ra tác phẩm đỉnh cao của chủ nghĩa lập thể “Những cô nàng ở quận Avignon”. Zap Mama cũng là sản phẩm của sự tiếp biến văn hóa. Thành quả họ có được một phong cách mang tính chất đa văn hóa và có thể là cảm hứng sáng tác lâu dài. Bài học có thể thấy rõ khi sự hòa trộn, lắp ghép từ những cái cũ mang tính dân chủ, bình đẳng sẽ tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới. Ở đây, nhạc kịch châu Âu và vũ kịch châu Phi đã không còn nguyên vẹn mà hòa trộn vào nhau tạo ra một phong cách mới mà nhóm Zap Mama đang dấn thân. Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu xét về sự hòa trộn này vừa đẻ ra cái mới trong khi bản thân những yếu tố cũ không mất đi mà cũng được tiếp thêm những yếu tố ngoại sinh càng trở nên mới mẻ hơn. Đó chính là chìa khóa tránh những xung đột từ văn hóa không cần thiết.
Hàm Đan

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

THƠ KHÔNG CÒN DÀNH CHO SỐ ĐÔNG

Đằng sau vẻ buồn hiu như cảnh chợ chiều, đời sống thơ ca đang phát triển dưới bề sâu mà đa phần độc giả lại không hề biết đến. Thơ Việt đã chia ra hai “phe”rõ rệt: cũ và mới.

Thời sự thơ mấy năm gần đây cứ xoay quanh câu chuyện thơ bị xa lánh và bản thân thơ ca cũng chưa có tác phẩm nào tạo được tiếng vang trên văn đàn...

NÀNG THƠ ĐI Ở ẨN

Người ngoại đạo cũng có thể lí giải vì sao độc giả không còn yêu thơ; bởi đơn giản thơ đã bị các phương tiện truyền thông, giải trí bóp đến mức “sống mòn”. Tệ hơn, thơ cũng không thể cạnh trạnh nổi với các thể loại văn chương khác như truyện ngắn và tiểu thuyết. Người ta có thể bỏ hàng giờ ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết hơn là dành năm phút để chỉ đọc một bài thơ. Đọc một tiểu thuyết, họ sẽ lượm được những tình huống bịa mà thú vị, những nhân vật hư cấu y như thật được nằm gọn trong một cốt truyện kịch tính và bất ngờ. Thơ ca chỉ quanh quẩn những đề tài lặp lại nhẵn mặt mang tính công thức đến nỗi đọc nhan đề bài thơ đã đoán biết nội dung là gì. Chẳng hạn viết về tuổi học trò thể nào cũng có phượng, tà áo trắng, nắng sân trường…; viết về nông thôn là hình ảnh bờ đê, cây đa, hội hè đàn ca sáo nhị…được gói ghém trong những thể thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ vần vè “du dương” ru ngủ. Hàng trăm nghìn bài thơ xuất hiện trên báo, truyền hình, phát thanh và cả sách giáo khoa cứ na ná nhau về nội dung và hình thức. Lắm khi, đài truyền hình không chọn được bài thơ mới nổi trội về chất lượng đành phải sử dụng những bài thơ từ thời kháng chiến chống Mỹ.

Một nguyên nhân nữa để thơ bị mất giá là do có quá nhiều… thơ. Chưa có một thống kê cụ thể số tập thơ xuất bản hàng năm nhưng số lượng không hề lép vé so với những người chuyên trị văn xuôi bởi giờ đây in một tập thơ riêng quá dễ và quá rẻ. Trong số những nhà thơ tự bỏ tiền túi có người còn nói ngọng và viết sai chính tả. Một số khác in thơ để được gọi là nhà thơ – một danh hiệu sang trọng bậc nhất ở xứ mình. Tóm lại, bất cứ thứ gì nhiều đến mức lạm phát và dậm chân tại chỗ về chất lượng thì chẳng ai có thể mê được. Thơ cũng không phải ngoại lệ. Đến đây, nhiều người có thể buông một lời kết: “Thế là hết đời thơ!”.

Đúng là thơ đang chết nhưng là thơ cũ. Nói là thơ cũ vì các bài thơ này mang đặc trưng của thời kỳ 1932 – 1945 kéo dài là lãng mạn nói thẳng ý nghĩa vì thế nó dễ hiểu, nó sử dụng vần điệu nên dễ đọc. Không ai cho rằng chúng không có giá trị chỉ có điều nó đã thành mẫu mực đóng khung trong viện bảo tàng văn học. Sứ mệnh làm mới thơ Việt đã trao tay sang những nhà thơ trẻ chịu ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại. Vì thế, thơ không chết, thậm chí đang rất sung sức. Chỉ có điều, nàng thơ thế kỷ 21 trên đất Việt đã đi ở ẩn vì lẽ thơ ngày hôm nay đã không còn dành cho số đông. Đại bộ phận độc giả chưa có “duyên kì ngộ” gặp được thơ cách tân táo bạo. Hầu hết họ luôn nhầm tưởng toàn bộ nền thi ca Việt đang tồn tại ở dạng sách do các NXB in ấn hoặc trên phát thanh truyền hình mà không biết rằng có một bộ phận khác tồn tại chủ yếu ở internet và… photocopy chuyền tay. Tiếc thay phần phi chính thống này lại chứa đựng nhiều giá trị mới mẻ hơn.

Nếu vô tình gặp được một bài thơ kiểu mới chắc chắn đa số người đọc là phản ứng “sốc” và chối bỏ vì cho rằng đoạn văn bản vừa đọc không phải là thơ. Muốn đọc được thơ ngày nay chứ chưa nói là cảm và hiểu được thơ để đánh giá một bài thơ hay/ dở cần phải có trình độ văn hoá, thái độ tiếp nhận tương ứng với nghệ thuật thơ. Nó cũng tương tự như việc chỉ mất vài giờ “xoá mù” vi tính nhưng đừng nghĩ bạn đã biết tất cả; sẽ mất mấy tháng để tự thiết kế một website hay viết một phần mềm. Thơ cần sự chuyên tinh ở nhà thơ và cả ở độc giả. Tình trạng “không cùng tiếng nói chung” đẻ ra một cảnh ngộ hài hước là có nhiều bài thơ, thậm chí là cả tập thơ rất giá trị trong khi đó đại bộ phận người đọc lại gào lên không có một tập thơ nào hay.

ĐÍCH ĐẾN LÀ SÁNG TẠO CÁI MỚI


Ở trong môi trường ngoài lề ngỡ thơ mới sẽ tồn tại lay lắt trái lại nó lại phát triển nhanh chóng, phong phú các xu hướng khác nhau đôi khi còn “cãi” nhau. Nhưng chúng có những đặc điểm khác hẳn với thơ chính thống.

Trước hết, thơ ngày nay chấp nhận mọi nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Nói nôm na là thích viết gì thì viết và thích dùng “thể thơ” gì thì tuỳ. Có thể trong một dòng thơ cách một khoảng trắng như thơ Nguyễn Thuý Hằng:
căn phòng 36m2 cửa luôn mở tủ lạnh chất đầy không khí + thuốc ho cơn buồn nôn thi nhau tuôn thành vòi bồn rửa mặt đuối
(Thời hôm nay, khoái cảm, điên rồ hợp lí)
Thậm chí còn cực đoan hơn như bài Mặc em xanh áo của Trần Nguyễn Anh:

2 3 4 5 6 7 8 9 10 2 4 6 8 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 1,001 1,002 1,003 1,004 1,005 1,006 1,007 1,008 1,009 2 2 (bằng) 4 (khoảng) 7 8 (mồm) 5 (miệng) 10 3 5 7 cn 2 4 6 8 10a (số 2 cũ) 10b 10c 10d (còng số) 8 (cửa số) 9a 13 1 2 3 4 1 2 3 4 1 2 3 4 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 (trên) 6 (dưới) 8 2...3 2...3 2...3 2...3 2...3 9,5 9,5 9,5 9,5 9,7 9,5 9,5 1 2 3 4 5 6 7 8 2 2 3 4 5 6 7 8 3 2 3 4 5 6 7 8 4 2 3 4 5 6 7 8 (hít thở)

Câu hỏi của nhiều người sẽ là ông nhà thơ này đang định nói cái gì? Chẳng ai biết! May ra chỉ có mỗi nhà thơ. Mục đích của nhà thơ là không để người đọc hiểu được bài thơ mà chỉ cần gây sự kích thích các giác quan khi tiếp nhận đoạn văn bản trên bởi ngày nay do sự tiếp nhận bằng hình ảnh truyền thông mà con người càng ngày càng lười suy nghĩ. Sự lạ hoá này là cách phản ứng lại thứ thơ “Trăm năm trong cõi Mê-kông/ Thi pháp truyền thống vắt dòng ngây ngô” (Nguyễn Quốc Chánh). Câu hỏi thắc mắc chính là sự biểu hiện cho bài thơ đã-được-chú-ý dù bị phê phán.

Hình thức thơ ngày nay khiến độc giả “ngứa mắt” còn nội dung hẳn gây ra nhiều cơn sốt “nóng mặt” như đoạn “thơ” của Đặng Thân viết về nhà văn nổi tiếng G. Marquez:

“Bố già Colombia sinh năm Mậu Thìn này có cái đầu của 1 con rồng [tồng ngồng]. Nghĩa là nó [cái đầu] cũng đầy chất hoang dã [dại dâm đường hoác hổng mang phế phí tàn thai toàng tưởng vu] và sặc mùi ma túy. Đời bố già lang bạt kỳ hồ trong đám bần cùng khố dây, trộm cướp, đĩ điếm, hút chích, buôn người, lái súng... Không tin thì quý vị chỉ cần nghe tên mấy siêu phẩm của bố già là đủ khiếp rồi: Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn) [thế thì chết chứ sống làm sao], La mala hora (Một giờ ma quỷ) [người thì ai dây với lão làm gì], Crónica de una muerte anunciada (Cái chết được báo trước) [thì chỉ có quân giết người mới biết điều đó], chưa kể những El amor en los tiempos de cólera (Tình yêu thời thổ tả) [nhiễm phải thì chỉ ba/bảy hôm là đi], Memoria de mis putas tristes (Hồi ức về các em phò phạch chán đời của tôi) [gái nhà lành ai thèm dây với lão, thảo nào bố già sành lối văn "cưỡng đoạt" (appropriation)]... Thôi, không kể nữa!”

(TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần G (1))

Nhiều người sẽ phủ nhận đây không phải là thơ. Trong tâm trí người đọc, thơ là phải có vần điệu, dùng mỹ từ, chủ đề cao cả (tình yêu, tình bạn, tình cảm hàng xóm…). Nếu tất cả yếu tố trên là thơ thì vì sao những bài thơ không vần, dùng từ thô ráp (thậm chí từ vỉa hè), chủ đề tầm thường (viết về tiểu sử một ông nhà văn) lại không phải là thơ. Thơ cũ quá chú ý đến “tải đạo”, thỉnh thoảng lại dạy dỗ độc giả hoặc là sự buồn bã uỷ mị mà quên đi sự phong phú, vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống thường nhật: Thi ca ta đầy tóc, môi và mắt/ Nhưng hiếm ai có vú (Thơ song nghĩa – Đinh Linh). Vấn đề nằm ở nhận thức bất cứ cái gì cũng có thể thành thơ. Chính vì chấp nhận điều này cho nên thơ mới không phân biệt lối thơ này hay hơn lối thơ khác, nghiêm trang hay cười cợt hoặc cái thiêng/ cái tục như: Đại đường t. Như tiểu đường, nhưng trầm trọng hơn (Những từ điển mới – Đinh Linh). Sự giải thiêng không phải là lai căng, hãy nhớ Hồ Xuân Hương đã từng làm cách đấy hơn 200 năm với câu thơ: “Kìa cái diều ai nó lộn lèo”.

Không phải cứ làm phá cách theo kiểu phá phách là đúng đắn. Sự tự do, đa nguyên trong sáng tác là tinh thần của thơ mới. Thơ hậu hiện đại dung chứa những câu thơ giản dị, đời thường của Phan Thị Vàng Anh: Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình (Ngày lạnh nhất Hà Nội) và cũng nhận về mình những câu thơ chứa chất suy tư từ những câu phức của Như Huy: “Với một bộ ngữ pháp lạ lùng, em cướp đi trọn vẹn nguồn từ vựng của anh — bắt đầu từ đó, các động tác của lưỡi, miệng cùng những ngón tay gõ gõ vào bàn phím chỉ còn là những nỗ-lực-không-thành-miên-viễn-của-anh-thôi, nhằm tái thiết lại thế giới và hiện thực” (Hai câu phức)

Có người thuộc về phong trào thơ mới tuyên bố: “Chúng tôi không làm thơ”. Thái độ đó là ý thức quyết liệt làm mới thơ ca như gần 80 năm trước Lưu Trọng Lư có câu thơ ngông để giã từ sự thanh cao của thơ Đường luật: “Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ”. Với những người cách tân thơ ca họ có điểm chung: cái đích đến là sáng tạo cái mới bởi cái mới đồng nghĩa cái khác và cái khác là một giá trị.

Hàm Đan

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU (THE SILENCE OF THE LAMBS)


Entry này dành cho phim Sự im lặng của bầy cừu. Hix, mới nghe tên phim nhiều bác ồ lên: xem rồi, xem rồi. Xem rồi thì đọc entry này nó mới ngấm, nhỉ?
(Thông tin bộ phim
ở đây . Phim với phụ đề tiếng Việt ở đây còn tiếng Anh ở đây)

Hầu hết những bộ phim mang tính hình sự trinh thám đều mang tính giải trí vì vậy ban giám khảo của Oscar rất không ưa thể loại này. Nhưng may mắn là Sự im lặng của bầy cừu ngoài chuyện trinh thám ra còn chứa rất nhiều lớp lang khác. Có lẽ có đc điều này là nhờ việc chuyển thể từ một tiểu thuyết cùng tên.

Bề ngoài là câu chuyện hình sự, có nghĩa là thông thường nó chỉ dừng lại ở phá án song điều đáng chú ý ở phim là vấn đề nguyên nhân dẫn đến hành động tội ác. Bill Buffalo - tức Jame Gump hắn là một kẻ muốn được làm phụ nữ nhưng kh đc chuyển giới và vì thế hắn giết người lột da họ để đắp lên mình thành một cô gái. Hắn nuôi bướm vì chúng là sự lột xác của một loài sâu giống như ước muốn của Bill muốn hóa thân thành cô gái. Có thể thấy đây là một sự lệch lạc tính dục không hề khó hiểu. Đến đây, nó mới thực sự lộ ra lớp nghĩa khác, ý nghĩa khác ngoài chuyện truy tìm và trừng phạt tội ác.

Và thực ra, bản thân sự kiện Doctor Lecter thoát khỏi nhà từ và lởn vởn ngoài vòng lao lý sẵn sàng gây hại cho xã hội đã ngầm ẩn một hoài nghi: tội ác không thể bị loại trừ hoàn toàn, nó sẽ tồn tại cùng với con người. Nó có từ khi con người hiện hữu và mất đi cùng với sự hiện hữu đó giống như một nỗi sợ vô hình như của cô nhân viên FBI xinh đẹp Clarice Starling. Điều này khó chấp nhận với người Mỹ những nguời yêu thích công lý được thực thi (Cho nên họ mới có 18 bánh xe công lý mà lị)

Hẳn nhiên, những lớp nghĩa nằm sâu ấy chỉ được rút ra khi từ "The End" hiện lên. Cái đầu tiên khiến người ta khoái phim này là ở bộ óc siêm phàm của Doctor Lecter, sự tàn bạo của tội ác, cảnh đấu trí mà người bình thường hầu như không chịu nổi. Cách đạo diễn sử dụng ánh sáng diễn đạt nỗi hãi hùng của sự dã man. Nó cho ta hai cảm giác: vừa thích vừa sợ. Chỉ cần lấy 1 ví dụ: Khó có thể cảm giác hãi hùng hơn khi nhìn ông cảnh sát bị cắn chết rồi treo trên cao như hình ảnh chứa bị hành hình hoặc tổng lãnh thiên thần Gabriel đi đày. Cảnh phim này phải gọi là kinh điển đáng cho vào SGK.

Sau Sự im lặng của bầy cừu, chưa có bộ phim hình sự trinh thám nào nổi lên ở khoản ăn khách chứ chưa nói đến chuyện đoạt giải thưởng tăm tiếng nào đó. (Nếu dùng đến súng đạn thì đầy. He he) Chuyện này kh lạ vì nghĩ ra cốt truyện trinh thám hình sự hấp dẫn đã khó và tạo ra cho nhiều lớp nghĩa khác ngoài chuyện phá án ra càng khó hơn.

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

ÁP PHÍCH THỜI CHIẾN - HÀNG HIẾM


Những áp phích tưởng là đồ bỏ đi nhưng nay đang là hàng hiếm của người sưu tập đồ cổ.
Dạo quanh khu vực phố cổ HN, những của hàng chuyên bày bán áp phích thời chiến luôn có khách. Nhưng người mua chủ yếu lại là du khác nước ngoài với cái giá 100 $/ áp phích .

DẤU ẤN MỘT THỜI

Sau khi chiến tranh kết thúc, những áp phích thời chiến cũng nhường chỗ cho áp phích cổ động sự kiện thời bình. Vậy áp phích thời chiến đang ở đâu? Câu trả lời là nằm trong bảo tàng. Các áp phích thời chiến được các bảo tàng nhà nước như Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử Quân Sự VN sưu tầm. Các bảo tàng chỉ cần đánh công văn xuống địa phương xin lại áp phích để minh họa cho một sự kiện thì đơn vị nào lại dám không chuyển giao. Người có tiền cũng không thể sưu tầm được vì họ không có nghiệp vụ bảo tàng để tìm kiếm.

Anh Dũng sở hữu hơn 100 áp phích có từ trước năm 1975 kể lại: “Trước đây áp phích nhiều hơn bây giờ. Mỗi xã, phường đều có một người bên ngành văn hóa chuyên làm công việc vẽ áp phích. Hễ có chiến dịch như “Ba sẵn sàng” của Đoàn hoặc một sự kiện như ký hiệp định Paris là có ngay một áp phích mới. Thời chiến tranh áp phích toàn vẽ bằng tay như vẽ tranh, cái quý ở chỗ đấy. Tôi sưu tầm từ trước năm 1990, cũng may người sưu tầm áp phích cổ động không có nhiều, chỉ nhiều người sưu tầm áp phích phim. Hồi ấy xin khéo miệng người ta còn cho, nay thì chịu rồi”.

Tầng 2 quán café & fastfood La Place gần Nhà thờ Lớn HN có trang trí trên tường 2 áp phích: ca ngợi Đảng Cộng Sản VN và chủ tịch Hồ Chí Minh. Người quản lí nhà hàng cho biết, ý tưởng treo 2 áp phích rất đơn giản. Quán chủ yếu phục vụ khách nước ngoài nên tạo cho họ ấn tượng riêng của VN. Cho dù họ không biết tiếng Việt chỉ cần họ nhìn thấy hình chủ tịch Hồ Chí Minh và hình búa liềm là họ đã biết lịch sử VN, biết dấu ấn VN mấy chục năm trước đây.

MUA VÌ… HIẾU KÌ!

Cửa hàng chuyên áp phích cổ số 16 Hàng Bạc đã ra đời từ 7 năm trước. Theo lời anh Linh Quân – chủ cửa hàng anh cho biết hầu hết khách hàng đến mua là khách nước ngoài. Họ mua chỉ đơn giản là… hiếu kì. Áp phích chiến tranh thì họ hiểu nhưng áp phích cổ động phong trào “5 tấn thóc” hoặc “Ba đảm đang” của Hội phụ nữ thì họ không hiểu. Thay mặt nhóm du khách Tây Ban Nha mua áp phích ở 16 Hàng Bạc, chị Marta de Lexis trả lời cho câu hỏi vì sao chị mua áp phích thời chiến của VN: “Chúng muốn hiểu thêm VN qua áp phích cũng bởi vì như những người khác chúng tôi chỉ biết đến các bạn qua cuộc chiến tranh với Mỹ. Tôi sẽ treo poster này ở nhà tôi tại Malaga và nói với bạn bè rằng: tôi đã đến VN”

Theo các chủ cửa hàng bán áp phích thời chiến, người VN không đến mua vì họ chê áp phích… xấu chẳng có ích lợi gì để trưng bày. Không ai dại gì bỏ cả 100 $ cho mấy thứ đồ vô tích sự.

Cùng quan điểm đó, theo anh Minh Tiệp (Bảo tàng Hà Nội) hầu hết các cuộc triển lãm hiện vật cách mạng người đi xem là cựu chiến binh và cánh báo chí đưa tin còn người dân thường như vắng bóng. Cũng theo anh Dũng các bảo tàng đã sưu tầm khá tốt các áp phích cho nên các áp phích còn ở ngoài bảo tàng rất hiếm. Ở các cửa hàng, áp phích được bày bán chủ yếu là hàng in lại giá từ 20 – 30 $. Hiện nay các bảo tàng vẫn tiếp tục làm công việc sưu tầm áp phích thời chiến nhưng sưu tầm rồi cất vào kho đợi dịp kỷ niệm các ngày lễ như 30/ 4 mới đem ra trưng bày.
Hàm Đan

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

THỊ DÂN CÓ ĐÁNG BỊ GHÉT?


Trong buổi ra mắt bộ sưu tập gần 4000 bản vẽ về đời sống người dân Bắc Bộ (chủ yếu ở HN và ngoại thành) của Henri Oger (1885 – 1936?) tại Trung tâm văn hoá Pháp (L’Espace), ban tổ chức hình như muốn làm nổi bật lên chủ đề triền lãm: Sự việc và hành động – Thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX nên đã cố tình phóng to đặt ngay tiền sảnh bức tranh vẽ “nổi tiếng” được in đi in lại nhiều lần trong các sách văn hoá khác nhau. Đó là bức tranh vẽ một đoạn phố; ở giữa đường là những người nông dân đang buôn thúng bán mẹt bên cạnh hai cửa hàng của hai tiểu thương bán tạp hoá. Bức tường ngoài của một cửa hàng có vẽ “cái ấy” của chị em kèm với hàng chữ Nôm to tướng: “Đ. mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này”.
Bức tranh ấy đã vô tình cho ta thấy mối bất hoà giữa nông dân và thị dân ở nước ta. Mối quan hệ không mấy thân thiện không phải bắt đầu từ khi xã hội VN đang chuyển biến mạnh mẽ từ văn minh nông nghiệp sang công nghiệp thời Pháp thuộc mà nó đã lịch sử ngót nghét mấy trăm năm.

TRĂM NĂM CÔ ĐƠN

Ai cũng biết VN là một dân tộc mà nông dân chiếm đa số. Nông dân ở đâu trên thế giới cũng thích gắn bó với làng quê, ngại đi xa, ngại mạo hiểm nhưng chỉ ở VN (đúng hơn là vùng Bắc Bộ cho tới đèo Hải Vân) mới có người tiểu nông. Đó là những nông dân canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ như bàn tay ếch, chết cũng không rời mảnh ruộng được chia. Những người nông dân thà làm anh bần nông trong một làng xã nào đó còn hơn làm dân ngụ cư, tha phương cầu thực không ruộng đất, không gia đình, dòng họ; nghĩa là không phải thành viên của một cộng đồng. Họ sống khép kín trong luỹ tre làng duy trì một nền kinh tế tự cung tự cấp.
Đến thời Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Nho giáo trở thành quốc giáo. Người Việt không tiếp thu phần triết học của Nho giáo mà chỉ tiếp thu những quy tắc đạo đức (tam cương, ngũ thường) và khuôn mẫu ứng xử. Những luận điểm này vốn đã hẹp hòi, đã khô cứng lại còn bị tâm thức tiểu nông làm cho hẹp hòi hơn và khô cứng hơn. Nho giáo vốn ghét cay ghét đắng thương mại bởi vì buôn bán là yếu tố dễ làm mất ổn định cái xã hội theo học thuyết trị bình. Bởi vậy, ở đâu và bao giờ chính quyền Nho giáo cũng thực thi chính sách “trọng nông ức thương”, nhưng ở VN thì chính sách này càng tệ hại hơn, làm cho thương nghiệp không ngóc đầu lên được, đặc biệt là chưa bao giờ có ngoại thương như Trung Hoa, Chà Và (Indonesia), Chăm-pa... Đã không có buôn bán thì dễ hiểu vì sao VN thời phong kiến không có đô thị thương mại mà đô thị chỉ có tính chất hành chính. Thăng Long chẳng qua cũng chỉ là một cái làng lớn nhất nước với mấy người buôn bán vặt bằng cách trao đổi sản phẩm thừa qua mạng lưới chợ quê. Tuyệt nhiên không hề có tầng lớp thị dân và nền văn hoá đô thị đi kèm.
Tầng lớp thị dân thực sự ra đời từ thế kỷ XVII và phát triển èo uột cho đến khi đặt dưới sự cai trị của người Pháp. Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều và Đàng Trong – Đàng Ngoài khiến các tập đoàn cần tiền để mua vũ khí. Các có tiền nhanh nhất bấy giờ là thu thuế các tàu buôn nước ngoài. Cá cửa biển, cửa song được mở ra kích thích sản xuất hàng hoá. Trên lãnh thổ VN xuất hiện hàng loạt các đô thị, thị trấn, thị tứ như Thăng Long, Hội An, Phố Hiến… Người dân ở các đô thị này khác hẳn với người nông dân ở làng xã ở quan niệm về cuộc sống, lẫn lối cảm, lỗi nghĩ. Họ không cam phận ăn chắc mặc bền, sống nhà chết làng như người nông dân hoặc làm quan. Cuộc sống với họ là làm giàu để hưởng thụ. Từ đây, tư tưởng thị dân và văn hoá đô thị mới phát triển.
Với người thị dân, phẩm chất tài năng được coi trọng vô hình đối lập với quan niệm Nho giáo “trọng đức khinh tài”. Tính chất thứ hai là tình tức là những tình cảm, cảm xúc thuộc về con người tự nhiên. Nho giáo ghét luôn phẩm chất thứ hai này bởi có tình dễ xúc động dễ vi phạm các phép tắc, đến chữ lễ. Phẩm chất cuối của thị dân là thích hưởng thụ nghệ thuật. Nghệ thuật đã bước đầu thôi làm công cụ giáo huấn mà còn chuyên chở cái đẹp. Muốn hưởng thụ cần có tiền, thị dân đã nhận thức được giá trị đồng tiền; từ đó, cũng bớt kì thị với thương mại.
Thị dân chỉ sống ở một không gian nhỏ hẹp ở những con phố buôn bán. Xung quanh họ là những người tiểu nông đông đảo. Lúc này nền kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, nông dân vẫn là lực luợng sản xuất chính, giúp xã hội phát triển chầm chậm. Cho nên, những thị dân và đô thị thương mại không khác gì những hòn đảo cô đơn nằm lọt giữa “biển tiểu nông” (chữ dùng của GS Từ Chi). Trong mắt người tiểu nông, họ biết rằng không có thương mại thì không thể giàu có được (phi thương bất phú) nhưng lại đánh giá buôn bán là lừa gạt, thương gia là con buôn. Tâm lí cào bằng, xấu đều còn hơn tốt lỏi khiến trong tâm thức họ nảy sinh hai cảm xúc trái ngược: vừa mong có tiền như thị dân, đồng thời cũng ghen ghét với cuộc sống sung túc và lối sinh hoạt “quý tộc” của họ.
Thái độ ghen ghét với thị dân trong bức tranh kia mang tính lịch sử và đã đi vào tiềm thức cho đến tận ngày nay.

THỊ DÂN LÀ TINH HOA

Những năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ, những thị dân tản cư về nông thôn đều được đùm bọc. Người tiểu nông khi có ngoại xâm tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao. Họ không để tâm phân biệt nông thôn và thành thị nữa mà đều là đồng bào VN. Nhưng hoà bình lập lại, xung đột giữa người tiểu nông và thị dân lại tiếp diễn trên những mảnh đất, trong lối sống hàng ngày.
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của nông thôn và người nông dân. Họ giúp đất nước đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn văn hoá dân gian… Nhưng để tạo ra của cải vật chất, tạo ra những giá trị tinh thần mới thì phải trông cậy ở người thị dân. Số liệu năm 2007 đã chứng minh điều này khi dân số nông thôn chiếm 73% dân số nhưng giá trị sản xuất của nông nghiệp chỉ chiếm hơn 21% trong cơ cấu GDP.
Đô thị là nơi một con người học tập và mở ra nhiều cơ hội việc làm. Nhưng cơ hội chỉ mở ra cho những người có tri thức hay nói đúng hơn có điều kiện để tiếp cận tri thức. Bằng chứng là làn sóng người nông dân bỏ ruộng lên thành phố ngày một kéo dài nhưng họ mãi không thể trở thành thị dân mà chỉ là những nông dân bán trụ kiếm kế sinh nhai ở đô thị. Bởi số lượng lao động nông thôn (từ năm 2000 đến nay) có trình độ trung cấp dạy nghề trở lên chỉ có 16,88 % trong khi số lượng chưa tốt nghiệp tiểu học lại là 20%. Với trình độ tri thức thấp như vậy họ chỉ có thể làm nghề lao động chân tay, buôn bán nhỏ. Nếu không chuyển đổi nghề hoặc sản xuất theo mô hình công – nông nghiệp thì vòng luẩn quẩn đói nghèo của người nông dân không thể tháo gỡ.
Kinh tế, học vấn của người nông dân có thể thống kê được nhưng khó ai có thể thăm dò tâm lí của người nông dân thời buổi này. Trong tâm lí của họ, những ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho thị dân có còn nữa không? Họ có coi những thị dân những kẻ cũng lao động mệt mài trên bàn phím, cao ốc ngân hàng, khu thương mại… là những kẻ bóc lột hoặc lừa đảo? Họ có nhận ra, ở thế kỷ 21, trong thời buổi toàn cầu hoá, thời của kinh tế công nghiệp và tri thức thì vị trí và vai trò của thị dân phải là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Dù muốn hay không, những thị dân ngày nay đang trở thành tầng lớp tinh hoa (élite) của xã hội.
Trong lĩnh vực tinh thần, đô thị và thị dân là nơi mà tinh thần dân chủ và ý thức cá nhân phát triển. Các xã hội hiện đại đều dựa trên sự phát triển của cá nhân. Nền dân chủ hiện đại là nền dân chủ cá nhân, tức không phảiỉ dân chủ đại diện, mà là dân chủ tham gia. Còn bản chất cộng đồng thì thu hẹp lại (chứ không biến mất). Sáng tạo văn hoá, tinh thần là công việc của cá nhân chứ không phải cộng đồng. Ở VN, với đa số là nông dân tính cộng đồng còn cao nên ý thức cá nhân vẫn kém phát triển do đó phần nào kìm hãm sự hội nhập và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Với tầng lớp thị dân ngày càng tăng về số lượng và trình độ thưởng thức nghệ thuật, dễ hiểu vì sao càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ và loại hình nghệ thuật đương đại du nhập vào VN. Những loại hình nghệ thuật mới kén người thưởng thức và tốn kém tiền bạc. Chỉ có thị dân mới tiêu thụ nổi những nghệ thuật mới mẻ, giống như ngày xưa những thị dân đô thị trung đại đã tiếp nhận loại hình nghệ thuật mới ra đời lúc ấy là ca trù.

Ghi chú: - Số liệu của Tổng cục thống kê
- Tranh khắc gỗ của Henri Oger XB năm 1909

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

THOÁT KHỎI SÁO RỖNG

Sự dễ tính của nhạc sĩ lẫn thính giả đã làm ca từ nhạc trẻ xuống cấp. “Làn sóng thứ hai” của các nhạc sĩ trẻ đang tạo ra một cuộc chuyển mình mới của ca từ.
Bên em là biển rộng, Vẫn hát lời tình yêu, Một mình, Mặt trời dịu êm, Giọt sương trên mí mắt… là những ca khúc nhạc trẻ đầu những năm 90 đến nay vẫn còn được nhiều người nhớ. Ngoài phần nhạc trẻ trung, mới lạ thoát khỏi các giai điệu mùi mẫn, cải lương của nhạc vàng, thì ca từ trong những ca khúc nói trên đã đi vào lòng khán giả ở sự sâu lắng mà vẫn tự nhiên diễn đạt đúng tâm trạng người Việt thời kỳ đầu Đổi mới.

CHỈ TẠI… DỄ TÍNH

Sau sự khởi đầu “trong mơ”, ca từ nhạc trẻ Việt (V-pop) đã rơi vào tình trạng mà báo chí thường dùng các tính từ và danh từ như: lẩu, hỗn loạn, sáo rỗng cho đến tầm thường, thô kệch để đánh giá. Đến tận hôm nay, những đánh giá vẫn không oan uổng chút nào. Nguyên nhân lớn nhất khiến ca từ V-pop tụt xuống mức bất thường chính ở sự dễ tính. Sự dễ tính trực tiếp thuộc về nhạc sĩ và gián tiếp ở thính giả.
“Tội đồ” lớn nhất thuộc về các nhạc sĩ. Trừ trường hợp những bài hát phổ thơ hoặc có người chuyên viết lời cho ca khúc thì ca từ là con đẻ của các nhạc sĩ. Khổ nỗi, không phải nhạc sĩ nào cũng có thiên tài sử dụng ngôn ngữ ở cấp độ nghệ thuật, có tính văn học kiểu như Trịnh Công Sơn. Muốn ca từ đọng lại cùng với giai điệu không có cách nào khác là người nhạc sĩ phải rèn giũa, nắm đủ các phép “thần thông” của ngôn ngữ. Và việc này cần có thời gian và sự kiên trì. Nhưng hai điều này lại trở thành xa xỉ của nhạc sĩ “thời đại @”. Với cái giá hàng chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng cho một bài hát và “cầu” luôn lớn hơn “cung”, cộng thêm cái danh nhạc sĩ; chừng đó lí do đủ để các nhạc sĩ trẻ trở nên dễ tính hơn bao giờ hết.
Quay về thời trước 1945, các nhạc sĩ tiền chiến ngoài kiến thức âm nhạc họ còn am hiểu văn chương ngay từ ghế trường phổ thông bằng con đường tự học. Việc đến với âm nhạc của họ hết sức tự nhiên như Văn Cao sáng tác Buồn tàn thu năm 17 tuổi chẳng qua để thương tiếc Vũ Trọng Phụng chết trẻ, không ai mắc bệnh “sốt ruột nổi tiếng”. Các nhạc sĩ thời ấy sáng tác chủ yếu để dãi bày tâm trạng của người ở xứ thuộc địa tiếp xúc với văn hóa phương Tây, cho nên phần ca từ rất được coi trọng. Thành ra, dù viết không nhiều và ngôn ngữ đã cũ nhưng đến nay ý nghĩa những bài hát tiền chiến vẫn ít nhiều được người thời nay đồng cảm như: Giọt mưa thu, Con thuyền không bến, Đêm đông, Mơ hoa… gắn với tên tuổi của Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Giác.
Không chỉ có nhạc sĩ mà người nghe, chủ yếu là thanh niên U30 cũng dễ tính ưa chuộng các bài hát có ca từ theo công thức “kinh điển” ba dễ: “dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc”. Thị hiếu của giới trẻ Việt Nam bây giờ không hề xa lạ hay lai căng, có chăng là đi sau thị hiếu phương Tây hơn một thế kỷ do điều kiện lịch sử đặc biệt của nước ta. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu đã tạo ra tính chất kitsch (rởm, phô trương mà sáo rỗng) của nghệ thuật (trong đó có ca từ trong ca khúc). Ở tuổi thanh niên, do kinh nghiệm thưởng thức chưa nhiều nên chủ yếu “gặp gì nghe nấy” nên sự tiếp nhận cái hay, cái đẹp chỉ là thụ động; mặt khác, tính chất kitsch lại cuốn hút những khiếu thẩm mỹ ngây thơ (naive) của giai cấp trung lưu mới xuất hiện ưa sự nhàn nhã của sự giải trí và cảm thức giả tạo về niềm vui sống.
Vậy là, ca từ sáo rỗng đã tìm đúng những lỗ tai thích hợp. Chính thính giả đã gián tiếp khiến nhạc sĩ không chùn tay khi viết ra những ca từ nghe để quên.

“LÀN SÓNG THỨ HAI”

Sau thế hệ của Dương Thụ, Bảo Chấn, Trương Quý Hải, Trọng Đài… V-pop đang có một làn sóng nhạc sĩ thứ hai chú trọng đến phần ca từ. Thực ra, trong những năm chuyển giao thế hệ nay, cũng có những nhạc sĩ nổi bật trong việc trau chuốt ca từ như Việt Anh (Dòng sông lơ đãng, Đêm nằm mơ phố, Tình yêu tôi hát), Trần Lê Quỳnh (Chân tình, Cô gái đến từ hôm qua), Quốc Bảo (Vừa biết dấu yêu, Em về tinh khôi)… nhưng các bài hát của họ không cứu nổi sự xuống dốc không phanh của chất lượng ca từ; hơn nữa, các bài hát của họ chủ đề và giai điệu thường hay lặp lại.
“Làn sóng thứ hai” vừa đông về số lượng vừa phong phú trong thể loại âm nhạc. Mỗi người theo một dòng nhạc riêng như Nguyễn Vĩnh Tiến và Giáng Son dòng dân ca đương đại, Võ Thiện Thanh nhạc Dance và R&B, Đỗ Bảo với dòng nhạc New - Age… nhưng có một điều hiển nhiên là hầu hết các bài hát trở nên “hot” trong giới trẻ là nhờ ca từ. Nguyễn Vĩnh Tiến gây cơn sốt ở chương trình Bài hát Việt với phần lời độc đáo của ca khúc Bà tôi như trường hợp Sắc màu của Trần Tiến khi xưa, Giáng Son với Giấc mơ trưa làm hài lòng cả các cụ già, Đỗ Bảo lại nổi tiếng với serial Bức thư tình thứ 1, 2, 3…
Sự chuyển mình của ca từ Việt đã có thể nhìn thấy. Đầu tiên, các nhạc sĩ đã cố gắng phản ánh cuộc sống và tâm trạng con người ở nhịp sống gấp hôm nay. Họ đã không còn “chung chiếu” với các bài hát có ca từ vô thưởng vô phạt đậm đặc chủ đề “anh anh em em” hoặc gây sốc: Kiếp đỏ đen, Kiếp xì ke, Kiếp lai rai…để có những ca khúc Tóc hát, Chuông gió (Võ Thiện Thanh) giai điệu sôi động mà ca từ vẫn sâu lắng; hoặc Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường) giản dị trong ca từ: “Nhìn cụ già tập dưỡng sinh… Nhìn dòng người vội vã nối những chiếc xe dài lê thê... Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn. Ngồi ăn một quán ven đường”. Hình ảnh Hà Nội đã không chỉ có hình ảnh của liễu, hoa sữa lãng mạn, tĩnh lặng như trong ca khúc của Hoàng Hiệp hay Hồng Đăng thay vào đó là hình ảnh phố phường nhộn nhịp, xô bồ dưới cái nhìn “sống chậm” của một nhạc sĩ trẻ.
Các nhạc sĩ thuộc “làn sóng thứ hai” ngày càng được trẻ hóa, họ mới chỉ trên dưới tuổi 20. Vừa có năng khiếu sáng tác lại thấu hiểu tâm lí tuổi vị thành niên nên đã có những ca khúc có ca từ được lứa tuổi này yêu thích. Những bài hát như Mưa (Nhạc nước ngoài, lờffi: Đinh Mạnh Ninh), Xe Đạp (Đinh Mạnh Ninh), Đôi mắt (Nguyễn Hải Phong), Kem dâu tình yêu (Nguyễn Hồng Thuận)… đã giúp những ca sĩ tuổi teen như Thùy Chi, nhóm M4U, Wanbi Tuấn Anh đỡ rơi vào cảnh “bất đắc dĩ” chọn bài hát của người lớn. Nếu các bậc phụ huynh nghe thấy những ca từ trong bài Xe đạp: Thấp thoáng thấy bóng em ngoan hiền. Tim anh lặng giữa phố đông người. Ngập ngừng trên môi không nói ra”, hẳn họ sẽ yên lòng khi con mình đang thưởng thức một bài hát buồn nhưng trong sáng.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

ĐẠO DIỄN ĐỖ THANH HẢI: “PHIM ẢNH KHÔNG PHẢI LÀ SẢN PHẨM CỦA CON NHÀ NGHÈO”


Chưa đến tuổi bốn mươi nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã nổi tiếng với những bộ phim truyền hình được yêu thích như Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời... “Sếp trẻ” của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài truyền hình VN thẳng thắn khi nói về hiện trạng phim ảnh VN đương đại.
TRÊN ĐƯỜNG ĐẠT… “CHUẨN”
Cánh phóng viên khi xin phỏng vấn các đạo diễn đôi khi không được việc vì đạo diễn đang làm hậu kì ở nước ngoài. “Đồ nghề” làm phim thiếu vậy sao?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Làm phim là một nghệ thuật đặc biệt hơn vì cần tổng hòa các yếu tố trong đó có kĩ thuật công nghệ. Như phim Titanic, ở Đức có công ty lo kĩ xảo để tàu chạy trên biển, còn cảnh nước tràn vào tàu lại làm ở Mỹ. Đạo diễn VN có nhiều ý tưởng nhưng công nghệ làm phim không cho phép đành bỏ đi. Điện ảnh VN bây giờ vẫn chưa đạt chuẩn thế giới mà vẫn ở tình trạng tự phát.
Mấu chốt vẫn là chuyện “đầu tiên” phải không ạ?
- Tiền thì lúc nào cũng cần vì phim ảnh không phải sản phẩm của con nhà nghèo. Có ý kiến cho rằng: chỉ cần cấp một ít tiền cũng sẽ có phim hay là lạc quan tếu. Điện ảnh phản ánh khá rõ nền kinh tế. Hiện nay tiền không phải là nỗi lo lớn nữa mà lo thiếu người. Làm phim vẫn chắp vá, khiên cưỡng vì không có một đội ngũ lành nghề, ăn ý.
Nhưng chúng ta có các trường đào tạo chuyên ngành sân khấu điện ảnh đấy thôi?
- Công tác đào tạo ở các trường chủ yếu học từ các thầy Liên Xô bắt đầu thập kỷ 60 rồi từ đó truyền nghề theo kiểu người già chỉ bảo cho người trẻ, vừa làm vừa bảo nhau. Khoan hãy bàn đến chuyện đào tạo như thế nào chỉ cần nhìn các chuyên ngành đang thiếu như hóa trang, đạo cụ, kỹ xảo… Tóm lại, muốn đạt chuẩn cần có công nghệ làm phim hiện đại và đội ngũ làm phim chuyên nghiệp.
TỈNH TÁO VỚI PHIM TƯ NHÂN
Nói đến từ “chuyên nghiệp”, hình như các hãng phim tư nhân đang tỏ ra sự chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất cho đến phát hành?
- Cần tỉnh táo nhìn nhận vai trò của các hãng phim tư nhân. Vai trò đáng kể nhất của họ là tạo ra sự cạnh tranh – yếu tố không thể thiếu cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp. Hãng phim nhà nước hay tư nhân thì cũng như nhau: “ông” nào làm tốt hơn, hút khán giả hơn người đó thắng. Hãng phim tư nhân có sự năng động, nhanh nhạy dám thử thách, không e ngại và nhất là không cần phải làm phim để tuyên truyền. Mặt trái thì ai cũng thấy; họ phải tự thu tự chi, họ cần những bộ phim mang tính thị trường, câu khách. Việc đưa một số người mẫu, ca sĩ làm diễn viên không có gì để ầm ĩ nhưng quan trọng họ diễn như thế nào? Hoặc phim có cảnh “nóng” cũng là điều bình thường nhưng ngoài khoe hình thể ra nó còn gây cảm xúc nào tới khán giả nữa không?
Anh đã từng lo ngại cho Đãng “trọc” khi đạo diễn trẻ này làm phim tư nhân đúng không ạ?
- Xuất phát điểm của tôi và Đãng giống nhau, phải lựa chọn: làm việc trong hãng phim nhà nước hay ra làm ngoài. Lúc Đãng làm những phim đầu tiên tôi đã nghĩ: vấn đề của Đãng là mong ước được làm phim ngay. Những bộ phim của Đãng liệu thực sự là những dự án làm phim tâm huyết của anh hay phải làm vài ba phim theo ý của hãng phim chứ không phải của Đãng. Đã qua giai đoạn được làm phim nhưng giờ Đãng có thực hiện được dự án của anh hay không? Các hãng phim tư nhân bằng mọi cách phải làm phim hút khán giả, có tiền để tái đầu tư rồi mới nghĩ đến những thử nghiệm mang tính nghệ thuật. Ở nước ngoài, vào giai đoạn đầu các hãng phim tư nhân cũng gặp khủng hoảng như ở ta lúc này.
Hãng phim tư nhân đang có những điểm yếu, nhưng họ vẫn “tay không”… “bắt” người của nhà nước sang làm việc. Môi trường làm việc ở hãng phim tư nhân hấp dẫn hơn chăng?
- Tiềm lực kinh tế của hãng phim tư nhân là rất mạnh. Số người đi làm cho tư nhân là để thu nhập thêm, điều này hoàn toàn chính đáng. Một người mới vào nghề muốn được làm phim ngay nên để khẳng định tên tuổi còn nếu thuộc biên chế các hãng phim nhà nước phải đợi một thời gian mới được giao kịch bản.
Tương lai của nền điện ảnh chuyên nghiệp ở VN sẽ nằm tay hãng phim tư nhân giống như các nước phương Tây?
- Đúng. Nhưng cũng không thể xem nhẹ vai trò của hãng phim nhà nước. Có thể số lượng phim sản xuất sẽ không nhiều nhưng bù lại nếu có hướng đi thích hợp họ cũng sẽ làm nên chuyện bằng dòng phim nghệ thuật.
VỪA LÀM VỪA RÚT KINH NGHIỆM
VFC hiện vẫn tiếp tục sản xuất bộ phim sitcom khá mới mẻ là Những người độc thân vui vẻ. Tuy nhiên lại không được đánh giá cao so với phim Cô gái xấu xí vì giống kịch quá. Anh có thể tự cắt nghĩa được không?
- Đã gọi là phim sitcom (situation comedy: hài kịch tình huống - PV) thì chất kịch đương nhiên phải có. Hai phim cũng phản ánh rõ nét đời sống kịch hai miền: kịch miền Nam chất đời tự nhiên nhiều hơn nên được khán giả chấp nhận; kịch miền Bắc mang tính sân khấu hoá cao, diễn viên ăn nói chỉn chu, nhấn nhá, tròn vành rõ chữ hơn.
Làm phim mà không được khán giả thích dĩ nhiên là chúng tôi rất buồn. Tuy nhiên cái được lớn nhất là tạo ra một quy trình làm phim hiện đại, chuyên nghiệp. Vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm cho những bộ phim sau này.
Anh đánh giá sự chuyên nghiệp của các hãng phim nhà nước ở mức độ nào?
- Cũng giống như các hãng phim tư nhân, các hãng phim nhà nước cũng đang chuyển mình hướng đến sự chuyên nghiệp. Cái lợi của hãng phim nhà nước là không sợ lỗ. Nhưng khi được cầm tiền của nhà nước thì phải làm nhiệm vụ tuyên truyền được giao vì thế phim nhà nước mới có đề tài nông thôn, chiến tranh cách mạng, chống tham nhũng và tệ nạn xã hội… Khi anh em nhà Lumière (cha đẻ nền điện ảnh - PV) làm những thước phim đầu tiên mục đích của họ không phải là tuyên truyền mà ghi lại đời sống bằng cách biểu đạt mới. Tôi nghĩ đã đến lúc phải trả lại mục tiêu đích thực ban đầu cho các bộ phim.
Cái khó của phim truyền hình là phải thu hút làm sao càng nhiều người xem càng tốt trong khi thị hiếu người xem bị phân hoá, mỗi người có một “gu” riêng. Chương trình truyền hình như Nhật kí Vàng Anh chiếu trên VTV3 người lớn chê dở trong khi đa số bạn trẻ lại yêu thích. Giá như chúng tôi có thể chiếu trên kênh cho thanh thiếu niên (VTV6) thì việc phục vụ người xem sẽ chuyên nghiệp hơn.
Một điều nữa, các bộ phim làm ra chủ yếu để phát miễn phí, tiền thu được chỉ nhờ quảng cáo. Ở nước ngoài không vậy, đa số các phim đều được chiếu trên kênh truyền hình trả tiền (pay TV); các hãng phim nhờ đó mới lớn mạnh lên được.
Ngoài vướng mắc về cơ chế không thể giải quyết ngay, thì hình như các hãng phim nhà nước có tư duy làm phim khá cũ đúng không ạ? Tôi có thể lấy ví dụ: Các nhân vật trong Nhật kí Vàng Anh đều là các nhân vật được lí tưởng hoá kiểu như ngoan và học giỏi luôn đồng hành trong khi thực tế học sinh học giỏi lại không hề “tử tế” và ngược lại.
- Nhật kí Vàng Anh là chương trình truyền hình làm nhiệm vụ giáo dục cho nên cách xây dựng nhân vật không thể khác. Cho nên mới có chuyện, có tập phim Vàng Anh “bướng” không nghe lời bố mẹ thì tập sau đã đi làm từ thiện. Tư duy chúng tôi không cũ đâu. Ngay từ bộ phim “nhí nhố” Xin hãy tin em, cô sinh viên Hoài vừa có những phút giây nữ tính song song với việc ăn mặc rất bụi, uống rượu thi.
ĐÔ THỊ: ĐẤT SỐNG CỦA PHIM ẢNH
Anh đã nổi tiếng với các bộ phim về cuộc sống ở đô thị. Hồi ấy, anh có nhận ra được sự “đứt gãy” trong quan hệ giữa các thế hệ, giữa các lớp người ở đô thị hay chưa?
- Những phim đầu tiên tôi làm với tâm trạng hồn nhiên. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra những “đứt gãy” ở đô thị. Đô thị mới là đất sống cho nghệ thuật hiện đại trong đó có phim ảnh. Có nhiều người có tuổi viết thư phản ánh rằng: Sao không làm phim về thiếu niên nông thôn lại đi làm phim về 8X, 9X ở đô thị. Xin thưa, ở nông thôn có gì mà nói. Học xong, đi làm ngoài đồng, ra bờ đê nói chuyện rồi về nhà ngủ. Ở đô thị, có chat chit, game, có đủ thứ mới mẻ để lên phim.
Tôi nhận ra sự “ích kỉ” của thế hệ đi trước. Họ luôn nói rằng: thế hệ họ thiếu thốn nhưng vẫn trưởng thành tại sao bây giờ sướng hơn mà lớp trẻ nhiều người lại hư hỏng. Họ không hiểu một điều: thời đại đã thay đổi, mọi việc trở nên phức tạp hơn nhiều cơ hội thành đạt hơn và cũng có nhiều cạm bẫy hơn. Thế hệ đi trước cứ bắt con em họ giữ khư khư mấy tín điều cũ kĩ. Chẳng hạn, một học sinh được bố mẹ ở nước ngoài gửi quần áo, đồ chơi đắt tiền. Nó sẽ được khuyên: trong lớp con nhiều bạn còn nghèo không nên “phô” như thế. Có của mà không dùng thì thà không có còn hơn.
Người đô thị bị phân hoá nên phim ảnh khó chiều thị hiếu hơn phải không ạ?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng không nên lẫn lộn các dòng phim với nhau. Cái nào thuần giải trí, cái nào thuần nghệ thuật thì phải có cách quảng bá khác nhau nhắm đến đối tượng khác nhau. Phim Đừng đốt người lớn tuổi khóc từ đàu đến cuối trong khi người trẻ lại chẳng có cảm xúc quá đặc biệt. Poster phim Đừng đốt xấu xí lại nằm bên cạnh poster đẹp đẽ của Hollywood trong cùng một rạp thì thua ngay từ khi chưa... trình chiếu.
Xin cảm ơn anh!

Hàm Đan thực hiện
(Cảm ơn bà chị Thùy Hương đã giúp đỡ)