Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

HỒN NHIÊN... CHỢ PHIÊN CÁN CẤU


Trên mấy diễn đàn du lịch, nhiều dân phượt than thở: Càng ngày chợ phiên miền núi phía Bắc càng giống chợ dưới xuôi quá, chẳng có nhiều điều để khám phá như truyền tụng. Thực ra, vẫn còn đó những chợ phiên duy trì cách thức giao dịch như nhiều đời trước. Có điều những phiên chợ miền núi xưa cũ giờ đây đều chỉ còn tồn tại những miền đất xa xôi, như chợ phiên Cán Cấu ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cách Hà Nội gần 400 cây số, đến nơi tức là mất đứt một ngày đi đường.

Những người đến chợ Cán Cấu từ nhiều năm trước kể lại, các lều quán ngày xưa đều lợp mái cỏ ngả màu nâu vàng lẫn trong màu xanh của núi đồi khiến quang cảnh đẹp đến nao lòng. Giờ đây, các lều quán đều thay bằng bạt, nhìn từ trên cao phiên chợ kém sắc một chút. Tuy nhiên, những điểm còn lại đủ để chợ Cán Cấu thu hút đông du khách vào thứ bảy hằng tuần.

Chợ họp ở bãi đất rộng ven đường, không có tường bao mà được phân chia tự nhiên theo mặt hàng bày bán. Mấy gã chơi chim thì chọn lưng chừng núi bên kia đường tránh xa mọi tiếng ồn để thưởng giọng hót và cả gật gù xem chọi chim. Thấp hơn chút là hàng trăm con trâu bò đứng san sát. Khu buôn bán đồ thổ cẩm, thời trang và tạp hóa một góc riêng, phần đất còn lại là bán đồ ăn.

Chợ Cán Cấu chỉ thực sự đông từ khoảng 9 giờ sáng, những người nhà xa nhất cũng đã đến nơi, lại có thêm nhiều khách du lịch, trong đó khách Tây đông hơn khách ta. Điều này cũng dễ hiểu vì trừ mấy người có “máu xê dịch” thích khám phá, không nhiều du khách trong nước chịu đi xa chỉ để… xem chợ. Nói là xem chợ vì chợ ở đây ít có mặt hàng nào có thể mua về làm quà vì hầu hết các mặt hàng ở đây có chuyển về xuôi, họa hoằn người ta chỉ mua tương ớt và rượu làm thủ công. Với lại, đã là chợ phiên vùng cao còn đơn sơ, nhu cầu mua bán chỉ là thứ yếu, đồng bào các tộc người quanh vùng đến chỉ vì để được… chụp ảnh và thay đổi nhạc chuông điện thoại đang “hot”, thậm chí là đi đến đều tay không. Cái thú du lịch ở chợ là quan sát sắc màu quần áo đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là váy áo của phụ nữ Mông hoa và xen lẫn cả sắc chàm trang phục người Tày, Nùng. Lại được nghe người bán thuyết minh quảng cáo trâu bò đủ các thứ tiếng đến vui tai, trong khi người mua “soi hàng” tưởng đến mòn nhẵn.

Một thú vui khác khi đến chợ Cán Cấu là được nếm ẩm thực vùng cao. Một sự lạ ở chợ Cán Cấu là hàng phở áp đảo khu vực hàng ăn. Phở vùng cao khác xa phở Bắc. Bánh làm từ gạo nương nên có màu hồng nhạt khá lạ. Nếm thử thì ngon nhất là nước dùng, toàn nước cốt xương không cho mì chính, lùa thật nhanh cả bát phở mới thấy sự “nóng” trong người. Người bán phở bảo, người dân quanh vùng mê nhất là món phở, cả gia đình cuốc bộ vài cây số chỉ để ăn phở. Cứ nhìn vào những ánh mắt chờ đợi chủ hàng chan nước là hiểu, có điều nhìn bát phở ở đây đôi khi lạ lùng với… lòng lợn ăn kèm dưa chua bắp cải.

“Đầu bảng” đương nhiên vẫn là thắng cố. Trước hôm đi chơi chợ, một ông anh mời cơm, trong đó có món thắng cố. Ngon lạ lùng, đến nỗi, hôm sau ra chợ Cán Cấu lại tiếp tục ngồi xuống, vừa nhai vừa ngắm, hết một bát đầy. Thêm vào cái rượu ngô như cặp trời sinh, thảo nào đàn ông Mông uống say nằm bên đường, vợ đứng canh khi nào tỉnh mới thôi. Uống say mềm môi, lên xe hàng trở về, anh lơ xe gọi dậy, nhìn ra trời đã sập tối. Chơi cả một ngày chợ, vậy mà cứ tưởng nằm mơ, tỉnh ra mới biết đã xa chợ Cán Cấu mất rồi.

HÀM ĐAN