Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (I): LỢI ÍCH "BỐN TRONG MỘT"!

Đây là bài đầu tiên viết cho mục "Cờ-bờ-lờ" (Cùng bàn luận) của báo nhà.

Ngay khi năm học kết thúc, nhiều bậc phụ huynh đã đau đầu tìm cách quản lý con em mình trong mấy tháng hè tới. Giải pháp khả dĩ mà nhiều bậc phụ huynh lựa chọn là gửi con vào các lớp năng khiếu vừa giúp trẻ có thể vừa học, vừa chơi sau một năm học căng thẳng. Thông thường, mỗi môn năng khiếu chỉ có một khóa học kéo dài trên dưới chục buổi để dạy kiến thức vỡ lòng. Và khi năm học mới bắt đầu, đa phần các em không tiếp tục học các môn năng khiếu nữa; do vậy, những khóa học năng khiếu thực thà mà nói chỉ để giữ trẻ em đỡ lêu lổng mà thôi!

Song, ở một số trường tại thành phố Hồ Chí Minh như trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận I), trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú)… đã có cách làm sáng tạo, triển khai mô hình kết hợp học văn hóa và học các môn năng khiếu tạo được niềm tin ở phụ huynh.

Các trường nói trên vừa tổ chức cho các em học hè để ôn lại kiến thức; đồng thời, trường lớp cũng là địa điểm để các em học các môn năng khiếu. Điều đáng nói ở mô hình kết hợp học và chơi này là các môn năng khiếu không phải đợi đến dịp nghỉ hè mới được triển khai mà vốn được duy trì quanh năm. Trong mỗi trường, sẽ có nhiều câu lạc bộ như bơi, cờ vua, cầu lông, bóng đá, múa hát dân gian…, học sinh thích học môn nào thì đăng ký gia nhập câu lạc bộ đó để học thêm và sinh hoạt định kỳ hàng tuần với chi phí khá “mềm” từ 100 đến 200 ngàn đồng/tháng.

Vượt qua lý do ban đầu để quản lý, tránh cho các em tham gia các trò chơi vô bổ lúc “nhàn cư”; cái lợi lâu dài của mô hình vừa học vừa chơi này là có thể tìm ra một vài tài năng tiềm ẩn trong nghệ thuật và thể thao. Ở các nước phương Tây, thông qua các mô hình câu lạc bộ năng khiếu trong nhà trường mà nhiều tài năng đã được phát hiện, sau đó, được đầu tư để phát triển tài năng hết mức.

Lợi ích “bốn trong một” của mô hình câu lạc bộ năng khiếu trong trường học đã thấy rõ, song việc nhân rộng mô hình trên thì không hề đơn giản, chí ít là trong môi trường đô thị-nơi có đủ trang thiết bị và giáo viên giảng dạy các môn năng khiếu. Nhiều trường có điều kiện tổ chức mô hình lại chưa ráo riết thực hiện vì nhà trường còn bận tổ chức các em học văn hóa. Riêng với việc tổ chức học năng khiếu vào dịp nghỉ hè và rộng ra là thành lập câu lạc bộ năng khiếu trong các trường thì các nhà trường không mấy mặn mà vì chi phí đầu tư lẫn tìm kiếm giáo viên không phải là việc dễ và có thể làm ngay. Ở khía cạnh khác, nhiều trường học đã lợi dụng sự khó khăn của phụ huynh trong việc trông nom con em nên đã đồng loạt tổ chức nhiều khóa học năng khiếu một cách tự phát theo thời vụ với mức giá quá cao như một khóa học (17 buổi) môn dancesport là gần 700 ngàn đồng.

Thiết nghĩ, để phát huy tối đa lợi ích của mô hình các câu lạc bộ năng khiếu trong trường học, phụ huynh và nhà trường cần ngồi lại để thống nhất cơ chế hoạt động của câu lạc bộ để phụ huynh yên tâm công tác, nhà trường có nguồn thu nhập thêm và hưởng lợi nhiều nhất là các em học sinh được học, được chơi trong một kì nghỉ đích thực.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

DƯ ÂM TRẬN CHUNG KẾT CHAMPIONS LEAGUE 2010-2011: "M.U SẼ TRỞ LẠI MẠNH MẼ HƠN"

Sau khi trận chung kết Champions League kết thúc với chiến thắng thuộc về Barcelona, báo chí thế giới đã dùng mọi mĩ từ để ca tụng chiến thắng xứng đáng của gã khổng lồ xứ Catalan. Đồng thời, dư luận cũng mổ xẻ thất bại của M.U và dự báo cho cuộc trường chinh của “quỷ đỏ” ở mùa giải Champions League sau.

Các tờ báo đều trích lời các cầu thủ M.U với đại ý rằng: Barcelona xứng đáng giành chức vô địch vì chơi hay hơn. Từ Sir Alex đến các cầu thủ đều bình thản chấp nhận thất bại, chỉ riêng trường hợp “hạt đậu nhỏ” Chicharito thì thất bại tại trận chung kết Champions League đầu tiên là một vết thương lòng khó quên.

Hầu hết các nhà bình luận bóng đá đều cho rằng M.U đã chơi không tệ ở trận đấu trên sân Wembley. Tiền đạo xuất sắc của đội tuyển Anh và là cựu cầu thủ của Barcelona Ga-ry Li-nê-cơ nhận xét trên tờ News of the world: “Các cầu thủ M.U đã có lối chơi thích hợp khi đối đầu với Barcelona. M.U chứng tỏ họ đã chơi bóng với bản sắc riêng, không giống lối chơi triệt hạ của Real Madrid ở trận chung kết Cúp nhà Vua”.

Người phụ trách lĩnh vực bóng đá của BBC Phin Mắc-nun cũng cho rằng M.U đã không sai lầm về chiến thuật như trận thua ở Rome năm 2009: “Đây không phải là vấn đề đơn thuần về chiến thuật, đây là vấn đề về tài năng. Không ai có thể sánh được với Barcelona về điểm này. Và trên thực tế thì United khó có thể đuổi kịp Barcelona”. Đồng thời, ông có ý ngầm so sánh thất bại của M.U trước Barcelona tương tự như cách Liverpool từng thua A.C Milan tại chung kết Champions League 2006-2007 là do đẳng cấp cầu thủ của M.U không thể so sánh với Barcelona. Ông cũng chỉ ra sự yếu kém nhân sự nằm ở đâu: “Ferguson cần phải đầu tư vào tuyến tiền vệ bằng những cầu thủ đẳng cấp thế giới mới có thể thi đấu ngang ngửa với Barcelona”.

Để minh họa cho sự thua kém ở hàng tiền vệ M.U, trang web của Liên đoàn bóng đá châu Âu uefa.com đã đưa ra những con số thống kê: Xa-vi thực hiện 148 đường chuyền, chính xác tới 141 lần, đạt hiệu suất 95%, gấp 3 lần tiền vệ Ca-rích (M.U); tỷ lệ kiểm soát bóng của Barcelona trong trận chung kết là 68%...

Ngoài ra, thất bại của M.U cũng xuất phát một phần từ những sai lâm trong tổ chức phòng ngự. Thủ thành E. Van đờ Xa thừa nhận trên Goal.com: “Chúng tôi đã phạm sai lầm ở hai tình huống. Và Barcelona đã trừng phạt chúng tôi bằng hai bàn thắng”.

Thất bại lần thứ hai trước cùng một đối thủ trong vòng 3 năm có thể xem là cay đắng đối với fan của “quỷ đỏ” tuy nhiên nhiều chuyên gia bóng đã cho rằng thất bại là cơ hội để M.U tái cấu trúc đội hình, tiếp tục là một thế lực tại đấu trường châu Âu. Huấn luyện viên Sam A-la-đai (Anh) nói trên kênh truyền hình ESPN cho rằng: “Sir Alex sẽ lên danh sách mua sắm trong mùa hè này và xây dựng một đội hình mạnh mẽ cho M.U bởi để có thể tiến đến trận chung kết Champions League và giành chiến thắng, họ sẽ phải cải thiện nhiều bằng cách mua một hoặc hai cầu thủ chất lượng cao”.

Trung vệ đội trưởng R. Phéc-đi-năng tin rằng M.U sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào mùa giải tới. Lớn tiếng hơn, hậu vệ cánh trái của M.U P. Ê-vra khẳng định trên Goal.com: “Chúng tôi không hề run sợ trước Barcelona. Chúng tôi muốn tiếp tục thi đấu với họ ở mùa giải tới. M.U là một câu lạc bộ vĩ đại hơn nhiều đội bóng khác vì chúng tôi biết đứng dậy sau mỗi thất bại”.

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

ĐỒ CHƠI NGUY HẠI "BỦA VÂY" TRẺ EM

Năm 2009, tập đoàn Mattel tổ chức 50 năm ra đời dòng búp bê nổi tiếng Barbie khi doanh thu sụt giảm. Đơn giản, những đồ chơi làm bằng vật liệu công nghiệp chỉ còn phù hợp với trẻ em độ tuổi 5-6 tuổi thay cho dưới 10 tuổi như trước; và thế chỗ là các trò chơi điện tử. Như trẻ em phương Tây, những trò chơi “ảo” đang là lựa chọn hàng đầu của trẻ em Việt Nam. Nhưng với đặc thù là một nước đang phát triển, trẻ em Việt Nam còn đang bị “bủa vây” bởi đồ chơi bạo lực và đồ chơi có hóa chất độc hại.

1. Có người nói rằng, ở các đô thị, không gian chơi bị thu hẹp nên các trò chơi truyền thống gắn với không gian làng quê đã biến mất. Nguyên nhân trên chỉ là thứ yếu. Chẳng cần thống kê khoa học, cũng nhận ra trẻ em ngày nay thông minh sớm, cộng với điều kiện sống tốt hơn khiến nhận thức giữa các độ tuổi ngày càng thu hẹp và các giai đoạn phát triển tâm lý cũng ngắn lại. Trẻ em đương đại có nhu cầu tìm đến các trò chơi trừu tượng, mang giải trí và kích thích sự sáng tạo hơn là các trò chơi dân gian đơn giản. Sự thay đổi về tâm sinh lý cũng là lý do chính để giải đáp vì sao các đồ chơi bằng vật liệu công nghiệp ngày càng ít hấp dẫn với trẻ em.

Thay thế những đồ chơi cụ thể vật chất lại là những trò chơi ảo. Một số trò chơi ảo có tác dụng tích cực khi nó hợp với nhu cầu giải trí tinh thần mang tính sáng tạo của trẻ em thời nay. Tuy game được lập trình trước, nhưng không phải lúc nào người chơi cũng có thể vượt qua dễ dàng. Kinh nghiệm được tích lũy ở những lần chơi thua giúp trẻ em có khả năng suy nghĩ để chinh phục các level tiếp theo.

Song cái lợi của game thì ít mà hại thì nhiều. Cái hại nhãn tiền là về sức khỏe. Tệ hơn là các hành vi tội phạm liên quan đến game xảy ra nhan nhản. Nhưng tác hại lâu dài đáng nói là năng giao tiếp và tư duy bị hạn chế khi thế giới phát huy sáng tạo của trò chơi thu vào một môi trường đóng kín.

Khoảng thời gian vui chơi còn lại, rủi thay, trẻ em ở ta lại chủ yếu tiếp xúc với những đồ chơi nguy hại là đồ chơi bạo lực và đồ chơi có hóa chất độc hại. Những đồ chơi bạo lực có thể gây sát thương như súng, dao kiếm có thể dễ tìm như mua kẹo với cái giá hơn 100 nghìn đồng. Ngay đến một thành phố không phải là sầm uất là Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tiêu hủy 10 ngàn khẩu súng đồ chơi thu được trong quý I-2011.

Số lượng đồ chơi có chứa hóa chất độc hại thì khó ước đoán chính xác và cũng khó xác định qua các giác quan thông thường. Nhưng chắc chắn số lượng đó không phải là nhỏ vì 80% sản phẩm đồ chơi trên thị trường là nhập lậu, tức chưa được kiểm tra an toàn.

2. Sau những vụ việc đau lòng liên quan đến game khiến dư luận phát hoảng về tác động xấu của những trò chơi “ảo”. Hàng loạt các biện pháp hành chính và kỹ thuật được áp dụng để hạn chế trẻ em tiếp xúc với game. Nhưng đó chỉ là biện pháp đối phó mà nếu sao nhãng kiểm tra, hiểm họa game sẽ lại bùng phát. Có chuyện kể rằng, vào giờ ngủ trưa ở một lớp bán trú cấp tiểu học, vài học sinh trùm chăn chơi game bằng máy cầm tay một thời dài mà cô giáo không hề biết. Đến khi hàng loạt học sinh bị bị cận thị, “hoạt động bí mật” trên mới bị lộ. Thế nên, để hạn chế mặt xấu của game, không có cách nào khác là kiên trì giáo dục các em để các em hình thành thói quen chơi game điều độ. Bằng chứng thành công của phương pháp này là nhiều trẻ em vẫn chơi game với một thời gian nhất định và vẫn học giỏi.

Với đồ chơi bạo lực câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Có khá nhiều bài báo kêu gọi lương tâm của những nhà sản xuất lẫn người bán các đồ chơi nguy hại. Vì lợi nhuận thì những bận tâm đạo đức sẽ trở thành thứ yếu, những lời kêu gọi suông thành thử chỉ phí lời. Vả lại, có cung thì ắt có cầu, những đồ chơi siêu nhân, súng ống, dao kiếm vốn mô phỏng các vật dụng trong các bộ phim hành động và các game bạo lực; độ tuổi trẻ chơi đồ chơi bạo lực chưa đủ khả năng phân tích dễ mắc bệnh bắt chước và tâm lý đua đòi thể nào cũng sẽ tìm mua.

Tại các những thành phố lớn, các cơ quan chức năng cũng đã có ý thức ngăn chặn đồ chơi bạo lực, chỉ khiến việc bày bán diễn ra lén lút, mà chưa ngăn chặn triệt để. Ở nhà trường, các biện pháp mạnh tay đã đã được triển khai, nhiều trường có quy định học sinh chỉ được mang đồ dùng học tập đến trường. Nếu bị phát hiện mang đồ chơi bạo lực đến lớp, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nộp tiền phạt và phải lao động công ích vài buổi. Ở những ngôi trường áp dụng các hình phạt trên, đồ chơi bạo lực đã không còn xuất hiện.

Nhưng có một nơi mà đồ chơi bạo lực vẫn xuất hiện lại chính là nhà các em. Nếu để ý, vào các ngày nghỉ lễ, không hiếm cảnh các bé trai lăm lăm khẩu súng đồ chơi trong tay đi chơi với với bố mẹ. Những phụ huynh nói trên chắc chỉ nghĩ đơn giản đó là đồ chơi chẳng có tác hại nào. Đến khi vài cậu bé hỏng mắt do đạn nhựa, những giọt nước mắt ân hận muộn màng mới trào ra.

Nhiều phụ huynh mua đồ chơi cho con theo kiểu tiện thì mua mà chẳng bao giờ để ý đến xuất xứ và các con dấu kiểm định của đồ chơi. Họ đâu biết những đồ chơi trông dễ thương lại chứa nhiều chất độc hại như chất phthalates có thể gây dị tật ở cơ quan sinh dục của trẻ em. Dĩ nhiên những tác động xấu không bộc lộ ngay nên sự chủ quan là điều khó tránh khỏi.

Trong khi tiếp tục hy vọng ở các cơ quan chức năng dẹp bỏ đồ chơi nguy hại, mỗi phụ huynh cần tự nâng cao ý thức để tự bảo vệ con em mình. Cần phải thường xuyên kiểm tra đồ chơi của con có nguy hiểm không? Và tìm hiểu mua đồ chơi được kiểm nghiệm an toàn ở đâu?

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

THỜI ĐÀM (X): NHÀ GIÀU HỌC GIỎI

Hôm vừa rồi, qua nhà ông hàng xóm đại gia nhâm nhi “hàng xách tay”, đại gia báo cho tôi hai tin mừng ông mới nhận được: Cô con gái út đã được ghi danh vào một đại học danh tiếng của Anh, tin thứ hai là cô chị đã được các giáo sư hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu nhận hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Mỹ. Tôi thực mừng cho đại gia vì nuôi dạy hai đứa con khỏe mạnh, đạt được những thành tựu học tập đáng ngưỡng mộ như trên chẳng dễ chút nào.

Đành rằng, nhờ tài sản của một triệu phú USD, hai “công chúa” của đại gia không phải vừa đi học vừa đi làm thêm ở xứ người mà chỉ chuyên tâm cho việc học, song nếu không có sự nỗ lực của hai nàng thì có tiền tỷ USD cũng “chào thua”. Tôi nói ra suy nghĩ đó, liền được đại gia tán đồng:

- Đúng là chú chỉ hướng nghiệp thôi, chuyện học hành của nó tự nó lo lấy, ai mà học thay được. May mà các con chú đều ý thức được tầm quan trọng của tri thức và có khả năng tự học rất tốt.

Nói đến đây, giọng ông bỗng trầm đi chuyển sang câu chuyện khác.

- Chú có ông bạn làm giám đốc quản lý hơn 5.000 công nhân. Kì thi đại học tới đây, chắc ông ấy sẽ nhận được tin buồn. Thằng con ông ấy nổi tiếng lười nhác, nó chỉ chuyên “nghiên cứu giấc mơ”, chưa thi cũng biết nó sẽ trượt. Nguyên nhân một phần cũng tại ông ấy, ông ấy không biết cách hướng dẫn nó đi theo con đường học vấn. Chú đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện ông ấy nói với con toàn là chuyện làm ăn đâu đâu, khiến thằng bé ảo tưởng chẳng cần học cũng có thể thành công như bố nó.

- Vậy là người giàu cũng khóc rồi!
- Ừ. Nhưng chú chỉ thấy hơi kì lạ; ở nước mình, người ta nhìn nhận thành tích học tập tốt của con nhà giàu là điều đương nhiên, nhà có điều kiện không giỏi mới là lạ. Họ đâu biết rằng, đôi khi nhiều tiền lại nguy hiểm. Như con út nhà chú học suốt ngày và phải giỏi toàn diện các môn mới được nhận vào học bên Anh. Vì nhà có điều kiện nên nó đã phải tự kiểm soát ham muốn đua đòi khá thông thường ở lứa tuổi của nó: nó không sắm hàng hiệu, không có xe máy, ít đi chơi đàn đúm khoe khoang ta là “tiểu thư”, tránh những trò vô bổ đẻ khỏi phân tâm đến việc học. Cũng chính vì dư dả tiền bạc không phải lo chuyện cơm áo nên sức ép phải học giỏi luôn đè nặng lên vai con chú. Giờ nghĩ lại vẫn còn thương!

- Chú đừng trách người ta không hiểu nỗi khổ của con nhà giàu vì truyền thông ở ta hình như chỉ giúp con nhà nghèo học giỏi kể khó kể khổ!

- Đó là một sự tuyên truyền khá lệch lạc. Khi đã có ý định chiếm lĩnh tri thức việc anh có bao nhiêu tiền không có vai trò quyết định; vấn đề nằm ở sự chăm chỉ, lòng say mê, phương pháp học và khả năng tiếp thu kiến thức... mới dẫn đến thành công trong học vấn. Đành rằng, những ai nghèo học giỏi đều đáng nêu gương nhưng đáng lẽ cần phải nêu gương bất cứ ai thành công trong học tập không phân biệt là con nhà giàu hay nhà nghèo. Năm ngoái, sau khi kết quả kì thi đại học công bố, báo chí lại đi theo lối mòn là liên tiếp ghi nhận các thủ khoa con nhà nghèo vượt khó để khơi dậy tinh thần hiếu học. Nhưng, chú nhớ chỉ có một tờ báo tìm kiếm xem trong số thủ khoa có ai là con nhà giàu và khá bất ngờ con số đó cũng không phải là ít. Chẳng nói thẳng, nhưng tờ báo đó ngầm tôn vinh những “thiếu gia” có ý chí phấn đấu mà không dựa vào núi tiền của các cụ! Chú tiếc là lẽ ra báo chí nên phản ánh thật công bằng!

- À này, mà cháu cũng là nhà giàu học giỏi chứ còn gì?

- Gia cảnh nhà cháu thì chỉ đáng gọi là trung lưu loại khá đâu phải là đại gia, với lại cháu cũng đâu có giỏi toàn diện, cháu học lệch trầm trọng. Về hoàn cảnh riêng, cháu cũng phải chịu thiệt thòi đôi chút. Bố cháu là bộ đội đóng quân tận biên giới ít khi về nhà. Mẹ cháu là giáo viên đi dạy cả ngày, mẹ con chỉ gặp nhau vào bữa tối. Gần như từ bé, cháu phải sống tự lập, chẳng ai bảo cứ tự giác ngồi vào bàn học. Đến khi đi học đại học ngoài Hà Nội cũng tự lo lấy cuộc sống. Kể ra thì buồn cười, nhiều người nhìn bề ngoài cứ nghĩ cháu là dạng công tử ăn chơi, được các cụ trang bị tận răng. Nhưng cháu kệ, việc mình, mình làm thôi!

- Cứ tiếp tục làm những gì cháu ước mơ đi. Cụng ly chúc thành công nào!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

NHÌN LẠI CANNES 2011: CÁI MỚI LÊN NGÔI

Từ lâu, nhiều người đã thử so sánh giá trị giữa tượng vàng Oscar (Mỹ) và Cành cọ vàng Cannes (Pháp). Việc làm đó hoàn toàn vô bổ; đơn giản, hai giải thưởng này có những tôn chỉ và mục đích khác nhau.

Oscar nổi tiếng hơn Cannes vì luôn hướng đến những bộ phim dễ hiểu, thời sự, đôi khi thiên về kĩ xảo làm “sướng” mắt; vì vậy, thỉnh thoảng, có phim đoạt giải Oscar khá dễ dãi “mua vui” chốc lát mà không ám ảnh người xem. Là một giá trị khác, Liên hoan phim (LHP) Cannes chấp nhận mọi khuynh hướng, song thường vinh danh những bộ phim giàu tính nghệ thuật hoặc có tính đổi mới. Tôn chỉ đó có thể được minh họa qua lời của ngài chủ tịch LHP Gilles Jacob: “Điều quan trọng không phải là thể loại của tác phẩm mà chính là góc nhìn của người thực hiện, để chuyển tải một thông điệp”. Với sức hút riêng biệt, không khó lý giải khi hàng triệu người đến thành phố biển miền Nam nước Pháp để được xem những bộ phim cần sự suy tư trong thưởng thức, rồi in sâu vào trí nhớ một khoái cảm… vừa sướng vừa khổ!

Cannes 2011 là một kỳ LHP xuất hiện nhiều nét mới. Hơi buồn một chút khi sự kiện mới mẻ đầu tiên lại là một vụ xì-căng-đan, đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier-từng đoạt Cành cọ vàng, đã trở thành đạo diễn đầu tiên phải rời LHP trước lễ trao giải sau khi ông tuyên bố hưởng ứng chủ trương bài Do Thái của Hitler. Một sự kiện kém vui khác là bộ phim võ thuật Nhất đại tôn sư (The grandmasters) của “thi sĩ điện ảnh” Vương Gia Vệ (Hồng Kông, Trung Quốc)-đạo diễn của những phim lãng mạn, đã không kịp hoàn thành khiến Cannes 2011 thiếu vắng điện ảnh Hoa ngữ, mất đi sự đa dạng và phong phú của LHP.

Dù có những chuyện buồn, Cannes 2011 vẫn là kỳ LHP đổi mới bởi lần đầu áp dụng mô hình 1/3 cho 20 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng: đạo diễn từng đoạt giải-các đạo diễn có tiếng-các đạo diễn trẻ; thay cho phương thức 50-50, tức là nửa các tên tuổi lớn và nửa các tài năng trẻ.

Trong số các phim của các đạo diễn trẻ, có 3 đạo diễn lần đầu tiên có phim được tuyển chọn là Maiwenn (Pháp), Julia Leigh (Úc), Markus Schleinzer (Áo). Và khá bất ngờ khi phim “Poliss” (biến âm “police”-cảnh sát) của nữ đạo diễn 35 tuổi Maiwenn đã giành Giải của Ban giám khảo. Ngoài Maiwenn, khá nhiều người được vinh danh Cannes 2011 mới đạt đến độ chín của tài năng và đều lần đầu được đạt được vinh quang như: đôi diễn viên xuất sắc nhất là nam diễn viên Jean Dujardin (39 tuổi) và cô đào nóng bỏng Kirsten Dunst (29 tuổi), Nicolas Refn giành giải Đạo diễn xuất sắc vào tuổi 41 tuổi… Có thể nói, Cannes 2011 đã vinh danh về một thế hệ làm phim mới.

Niềm vui của người này lại là nỗi buồn kẻ khác, trường hợp lỗi hẹn đáng tiếc nhất là tài tử Mỹ Brad Pitt. Sau khi kiếm bộn tiền và nổi như cồn với các vai diễn anh hùng cơ bắp trong phim Ông bà Smith hay Troy…, B. Pitt chuyển sang đóng các vai đòi hỏi chiều sâu diễn xuất như phim Trường hợp dị thường của Benjamin Button (2008). B.Pitt đã diễn xuất trên mức chờ đợi và đạt đến trình độ thượng thừa trong phim Cây đời (The tree of life, 2011). B. Pitt hẳn đã giành giải Nam diễn viên xuất sắc nếu Jean Dujardin (phim Nghệ sĩ) không hiện diện trong vai diễn viên hết thời George Valentin cùng với thể loại phim câm đi vào cuối mùa. Jean Dujardin đã vào một vai cực khó khi sử dụng ngôn ngữ hình thể để chuyển tải nội dung của… phim câm đen trắng! Tài tử Pháp diễn xuất thăng hoa đến nỗi dù ai có tiếc cho tài tử Mỹ cũng khó có thể cất lời bào chữa.

Tiếc nuối không kém là trường hợp hai bộ phim được dư luận ca ngợi là Cảng Havre (đạo diễn Kaurismaki) và Chúng ta cần nói về Kevin (đạo diễn Lynne Ramsay). Hai bộ phim không đoạt giải với lý do… trùng thông điệp với những bộ phim đã đoạt giải các năm trước. Cảng Havre là câu chuyện của những người nhập cư với thông điệp hướng tới sự đại đồng giống với thông điệp phim Lớp học (Cành cọ vàng 2008). Phim Chúng ta cần nói về Kevin đề cập đến sự lệch lạc hành vi của trẻ em xuất phát từ những chấn thương tâm lý giống với phim Dải băng trắng (Cành cọ vàng 2009).

Dẫu vậy, ban giám khảo cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khi trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim đáng chờ đợi nhất và cũng xứng đáng nhất: Cây đời (đạo diễn Terrence Malick). Đáng chờ đợi vì dự án bộ phim đã thai nghén trong chừng… 40 năm. Sự chờ đợi còn tăng lên khi đạo diễn phim là một con người kì lạ. Suốt 40 năm làm phim, Terrence Malick chỉ làm đạo diễn 5 phim. Mỗi bộ phim của ông được đánh giá là kiệt tác, là dấu mốc đáng nhớ của điện ảnh, và Cây đời cũng không phải là ngoại lệ. Báo Libération (Pháp) phải thốt lên: “10 phút đầu đủ để nhớ suốt đời… Một bộ phim ngoại hạng”.

Bộ phim Cây đời kể về cuộc sống thường ngày của một gia đình trung lưu tại Hoa Kỳ những năm 1950. Người cha (ông O’ Brien) do Brad Pitt thủ vai có tính cách gia trưởng, luôn bị ám ảnh về sự thành đạt của ba đứa con trai. Vợ ông do Jesssica Chastain đóng lại hiền hậu, luôn tìm cách động viên các con. Jack khi lớn do diễn viên kì cựu Sean Penn đóng vai, thường xuyên tra vấn về quá khứ của tình thương lẫn sự nghiêm khắc. Tất cả những sinh hoạt của gia đình ông O’ Brien được đan xen vào trong khung cảnh của sự ra đời của Trái đất, sự xuất hiện của sự sống và sự tiến hóa...

Bộ phim phản ánh một đề tài cũ nhưng Terrence Malick đã có những cách biểu đạt mới mẻ, khiến người ta có cảm tưởng bộ phim như là một luận văn triết học bằng hình ảnh về sự sống của riêng Terrence Malick-cựu sinh viên triết Đại học Harvard. Ngoài ra, Cây đời đạt đến sự mới mẻ đáng kinh ngạc xuất phát từ cách làm phim kì lạ. Giống như các phim của Vương Gia Vệ, phim Cây đời không đi theo một kịch bản sẵn mà vừa quay phim vừa viết dần. Mỗi cảnh quay chỉ diễn hai lần để đạt đến lối diễn tự động, để diễn viên bộc lộ hết bản năng tiềm ẩn. Các yếu tố khác như âm nhạc và hình ảnh được Terrence Malick trau chuốt đến tận lúc… mang tới trình chiếu tại LHP!

Khi những giải thưởng đã được trao, Cannes 2011 cũng kết thúc. Những giá trị truyền thống khởi từ 64 năm trước vẫn được duy trì, đồng thời những nét mới cũng đã xuất hiện. Vế sau mới là điểm nhấn khiến Cannes 2011 trở thành một kỳ LHP đáng nhớ.

HÀM ĐAN


Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

CHẤT LƯỢNG PHIM TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM: "BỆNH" SẼ TÁI PHÁT!

Thời gian gần đây, dư luận đã lên tiếng về việc chất lượng phim truyền hình Việt Nam nhất là phim chiếu vào “giờ vàng” đi xuống. Có thể xem, quy trình sản xuất chưa chuyên nghiệp và việc quản lý chất lượng phim truyền hình còn nhiều bất cập, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên.

“Xây nhà từ nóc”

 
Ngay cả những đơn vị nhà nước được đầu tư làm phim truyền hình chuyên nghiệp như Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) hay Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) dù muốn sản xuất ắt cũng phải “đầu hàng” trước đề tài lịch sử thời trung đại; bởi thiếu những cơ sở trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc sản xuất. Đầu tiên, trường quay không có nên dễ nhận thấy các phim lịch sử trung đại ở ta không có đại cảnh để phô diễn cung điện, đền đài hoành tráng, cùng lắm chỉ lấy bối cảnh không gian một căn phòng. Thứ nữa, trang phục thời trung đại không được thiết kế chuyên nghiệp mà có cảm tưởng đoàn làm phim đi mượn từ đoàn chèo nào đó.

Thiếu thốn là vậy song vẫn có nhà sản xuất vẫn “liều mình” bỏ tiền để sản xuất những phim cổ trang như bộ phim Anh chàng vượt thời gian. Bộ phim phát sóng vào 21 giờ vào thứ 2,3 và 4 hàng tuần trên kênh VTV3, song do chất lượng kém đã dừng phát sóng sau khi phần 1 kết thúc. Chưa bàn đến các nguyên nhân xa xôi dẫn đến danh hiệu “thảm họa phim Việt” của bộ phim, ngay đến yếu tố đầu tiên quyết định một phần chất lượng của bộ phim là kịch bản đã không được đầu tư chu đáo dẫn đến nội dung nhạt nhẽo. Đặc biệt là tập 7-tập phim bị khán giả chê hết lời, sơ sài đến khó tin. Theo lời của diễn viên tham gia trong phim là Hứa Vĩ Văn tiết lộ trên báo chí, kịch bản tập phim dài 45 phút này chỉ có... 7 trang giấy!

Một bộ phim khác cũng bị khán giả chê nhiều hơn khen là bộ phim Xin thề anh nói thật (phát sóng trên VTV1). Bộ phim này khá “dễ” thực hiện bởi bối cảnh cuộc sống đương đại, nhưng bộ phim vấp phải những khiếm điểm sơ đẳng. Kịch bản kém chất lượng với những tình huống giả tạo và lời thoại ngô nghê. Các nhà sản xuất phim đã lựa chọn các “sao” có ngoại hình đẹp hòng “câu” khán giả nhưng diễn xuất của những diễn viên không chuyên quá gượng gạo. Nhà phê bình điện ảnh Lệ Bình đánh giá: “Đáng lẽ bộ phim phải đổi tên thành Xin thề anh nói… nhảm. Việc bộ phim lấy bối cảnh một ngân hàng nổi tiếng (như một kí kết) đã biến nó thành thứ quảng cáo dài tập”.

Có thể thấy xem ngành sản xuất phim truyền hình Việt Nam đang “xây nhà từ nóc” do chú trọng sản xuất mà không đi liền với đầu tư cho nhân lực và trang thiết bị khiến chất lượng phim truyền hình không thể đi lên.

Lỗi quản lý!

Luật Điện ảnh và sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1-10-2009) cho phép xã hội hóa sản xuất phim truyền hình. Gần một năm sau, khoản 4 điều 2 của Nghị định 54/2010/NĐ-CP ban hành ngày 21-5-2010 do Thủ tướng Chính phủ ký quy định: “… phim Việt Nam đạt ít nhất 30% trong tổng số phim chiếu tại rạp và đạt ít nhất 40% trong tổng số phim phát sóng trên hệ thống truyền hình”.

Các điều luật nói trên thực sự tạo một “cú hích” cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp dẫn đến sự xuát hiện của hơn 30 hãng phim tư nhân như: Lasta, M&T Pictures, BHD, HK Films, Kiết Tường, Đông A, Chánh Phương, Phước Sang... chen nhau chia phần “miếng bánh” quảng cáo. Theo như bảng báo giá trong năm 2011 của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAD) thì một đoạn quảng cáo dài 30 giây phát trước khi bộ phim được trình chiếu trên kênh VTV3 vào 21 giờ có giá 90 triệu đồng, cũng đoạn quảng cáo đó nếu phát xen giữa bộ phim vào ngày thứ 5 và 6 trên VTV3 thì giá là 105 triệu đồng. Làm phim truyền hình có thể xem là lĩnh vực hốt bạc. Đồng thời, các bộ phim muốn lên sóng thì phải cam kết bằng đoạn quảng cáo. Đạo diễn Phước Sang từng than thở: “Khán giả la ó là chuyện của khán giả. Khán giả la ó nhưng nếu nhà đài thấy phim của anh có được 21 spot (đoạn) quảng cáo mỗi tập là ông ấy cho làm tiếp. Còn khán giả có khen phim anh tốt đến thế nào mà mỗi tập chỉ có 10 spot quảng cáo thì nhà đài cũng chịu. Bi kịch!”

Theo đạo diễn, PGS-TS Trần Duy Hinh: “Các đơn vị xã hội hóa chỉ chạy theo lợi nhuận nên sản xuất phim nhanh để phát sóng chứ không quan tâm đến tính nghệ thuật của phim nên việc nhiều phim chất lượng thấp ra đời ra điều đương nhiên. Song, phim dở vẫn có thể ngăn chặn nếu những nhà quản lý kiên quyết loại bỏ những bộ phim kém chất lượng ngay từ khâu kịch bản nhưng đáng tiếc họ thiếu cái “tâm” cần có”.

Nhận xét của đạo diễn, PGS-TS Trần Duy Hinh có thể được chứng thực qua lời “tự thú” trên báo chí của đạo diễn Đỗ Thanh Hải-thành viên hội đồng duyệt kịch bản phim Anh chàng vượt thời gian: “Về đề cương kịch bản và kịch bản chi tiết 5 tập đầu của phim này tôi thấy ổn...”. Vậy, suy ra, ông Hải đã không xem trọn kịch bản của bộ phim, nhất là là tập 7 (chỉ có 7 trang giấy) để rồi vẫn “OTK” một kịch bản nhạt nhẽo. Ở đây, không bàn đến trình độ thẩm định mà là tinh thần trách nhiệm của những người quản lý đang đi xuống tỉ lệ thuận với chất lượng bộ phim được lên sóng.

Nói đi cũng cần nói lại, làm phim truyền hình không thể “đều hàng”, nghĩa là trong hàng chục bộ phim sẽ có phim hay, phim dở; thậm chí, ngay trong một bộ phim hay cũng sẽ có tập phim chất lượng xoàng. Nhưng sự tồn tại của những bộ phim “thảm họa” thời gian qua do nguyên nhân chủ quan, hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Và một khi, chưa khắc phục được hai nhược điểm nói trên, các bộ phim “thảm họa” vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện “hành hạ” người xem y như một căn “bệnh” thể nào rồi cũng sẽ tái phát!

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: "LÍNH CỨU HỎA"

Báo chí phương Tây hay dùng chữ “Fireman” (lính cứu hỏa) với nghĩa bóng chỉ những người phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn trong hoàn cảnh cấp bách. Nếu cần phải tìm ra “lính cứu hỏa” trong lĩnh vực thể thao thời gian qua, không nhân vật nào thích hợp hơn ông Mai Đức Chung-Huấn luyện viên tạm quyền của đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Hoàn cảnh xô đẩy ông Chung đến vị thế “tạm quyền” lại đến câu chuyện dài khác. Do thời hạn nộp danh sách cầu thủ và ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia lên FIFA chuẩn bị cho vòng sơ loại World Cup 2014 đã cận kề mà VFF vẫn chưa kí kết hợp đồng được với huấn luyện viên ngoại nên ông Chung được chỉ định làm người “đóng thế”. Khổ cho ông Chung, cái ghế ông ngồi oách nhất trong làng huấn luyện viên Việt Nam nhưng cũng nóng nhất. Từ ngày “ông Tô” ra đi, đội tuyển Việt Nam nảy sinh vô số vấn đề cần giải quyết, nào là tìm một lối chơi mới, lắp ghép một đội hình mới trong hoàn cảnh nhiều cầu thủ trụ cột sa sút phong độ vì chấn thương và tuổi tác…

VFF đã chứng tỏ sự khôn ngoan khi chọn một người thích hợp như ông Chung để ngồi lên “ghế nóng” ở đội tuyển. Thứ nhất, câu lạc bộ ông Chung đang dẫn dắt là Navibank Sài Gòn đang xếp thứ 7/14 tại V-League, một vị trí an toàn khiến ông không quá tải khi cầm quân ở hai mặt trận. Thêm vào đó, bảng thành tích của ông Chung cũng khá ấn tượng với hai lần đưa các cầu thủ nữ lên ngôi hậu tại Seagames và vô địch cúp Merdeka với đội tuyển U22 ngay tại sân Malaysia. Quan trọng hơn, ông Chung đã từng “đóng thế” thành công. Năm 2007, khi còn làm trợ lý cho “chuyên gia về nhì” A. Riedl, ông từng dẫn dắt Olympic Việt Nam vượt qua các đối thủ Tây Á là Liban và Oman để lọt tới vòng loại cuối cùng của Olympic Bác Kinh 2008 trong tình thế bất đắc dĩ khi “Mr Bạc” bận… ghép thận. Mặt khác, ông Chung là người có tính cách hiền lành, hy vọng sẽ khiến “ba quân” dễ chịu. Trong bối cảnh nhạy cảm này, chẳn ai dại mời những huấn luyện viên có trình độ nhưng quá cá tính kiểu như huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Ông Hải “lơ” được cho là huấn luyện viên kì tài vì ở câu lạc bộ nào ông cầm quân đều lột xác, đá lên chân. Lẽ thường, ông Hải có thể được chọn để làm mới một đội bóng cần nhiều thay đổi. Song, có lẽ, ông Hải không được chọn chỉ vì những chuyên hậu trường không mấy tốt đẹp. Ông từng quát “quân” như tát nước (thầy mà, dĩ nhiên!), hơn nữa, ông chỉ trích trọng tài kịch liệt và bực lên thì những người vô can như người hâm mộ và báo chí, ông Hải cũng không “tha”. Giả dụ, vào một ngày xấu trời nào đó, ông Hải lại có hành động thái quá thì VFF chỉ có nước ê mặt vì bất cứ hành động không tốt đẹp từ đội tuyển quốc gia sẽ là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước Việt Nam.

Lần làm “lính cứu hỏa” này, ông Chung sẽ không chịu nhiều áp lực như lần trước. Dẫu sao hai trận đấu đầu tiên với đối thủ Macau (Trung Quốc) vào ngày 29-6 và 3-7 sẽ không phải là bài kiểm tra khó vì trình độ đội bóng này còn dưới tầm đội tuyển Việt Nam. Và, thời gian VFF tìm được ông thầy ngoại sẽ không kéo dài, vì thế nhiệm kỳ “lính cứu hỏa” của ông Chung sẽ không quá lâu.

Ông Chung là một huấn luyện viên chuyên nghiệp nên ông ý thức được dù chỉ là người “đóng thế” song ông tuyên bố sẽ làm hết sức mình. Lời đảm bảo “vàng” bằng lương tâm nghề nghiệp của ông Chung khiến bất cứ ai quan tâm đến đội tuyển quốc gia cũng có thể yên tâm đôi chút. Và biết đâu, người “lính cứu hỏa” Mai Đức Chung lại hoàn thành nhiệm vụ trên mức yêu cầu như ông đã từng làm được ở những đội tuyển khác. Hẳn là khi đó, một câu hỏi mới lại nảy sinh cho VFF: Có nhất thiết phải tìm bằng được một ông thầy ngoại nhiều rủi ro hay là nên trao cơ hội để những huấn luyện viên nội khẳng định mình?

MỘC LAN

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: "LÍNH CỨU HỎA"

Báo chí phương Tây hay dùng chữ “Fireman” (lính cứu hỏa) với nghĩa bóng chỉ những người phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn trong hoàn cảnh cấp bách. Nếu cần phải tìm ra “lính cứu hỏa” trong lĩnh vực thể thao thời gian qua, không nhân vật nào thích hợp hơn ông Mai Đức Chung-Huấn luyện viên tạm quyền của đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Hoàn cảnh xô đẩy ông Chung đến vị thế “tạm quyền” lại đến câu chuyện dài khác. Do thời hạn nộp danh sách cầu thủ và ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia lên FIFA chuẩn bị cho vòng sơ loại World Cup 2014 đã cận kề mà VFF vẫn chưa kí kết hợp đồng được với huấn luyện viên ngoại nên ông Chung được chỉ định làm người “đóng thế”. Khổ cho ông Chung, cái ghế ông ngồi oách nhất trong làng huấn luyện viên Việt Nam nhưng cũng nóng nhất. Từ ngày “ông Tô” ra đi, đội tuyển Việt Nam nảy sinh vô số vấn đề cần giải quyết, nào là tìm một lối chơi mới, lắp ghép một đội hình mới trong hoàn cảnh nhiều cầu thủ trụ cột sa sút phong độ vì chấn thương và tuổi tác…

VFF đã chứng tỏ sự khôn ngoan khi chọn một người thích hợp như ông Chung để ngồi lên “ghế nóng” ở đội tuyển. Thứ nhất, câu lạc bộ ông Chung đang dẫn dắt là Navibank Sài Gòn đang xếp thứ 7/14 tại V-League, một vị trí an toàn khiến ông không quá tải khi cầm quân ở hai mặt trận. Thêm vào đó, bảng thành tích của ông Chung cũng khá ấn tượng với hai lần đưa các cầu thủ nữ lên ngôi hậu tại Seagames và vô địch cúp Merdeka với đội tuyển U22 ngay tại sân Malaysia. Quan trọng hơn, ông Chung đã từng “đóng thế” thành công. Năm 2007, khi còn làm trợ lý cho “chuyên gia về nhì” A. Riedl, ông từng dẫn dắt Olympic Việt Nam vượt qua các đối thủ Tây Á là Liban và Oman để lọt tới vòng loại cuối cùng của Olympic Bác Kinh 2008 trong tình thế bất đắc dĩ khi “Mr Bạc” bận… ghép thận. Mặt khác, ông Chung là người có tính cách hiền lành, hy vọng sẽ khiến “ba quân” dễ chịu. Trong bối cảnh nhạy cảm này, chẳn ai dại mời những huấn luyện viên có trình độ nhưng quá cá tính kiểu như huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Ông Hải “lơ” được cho là huấn luyện viên kì tài vì ở câu lạc bộ nào ông cầm quân đều lột xác, đá lên chân. Lẽ thường, ông Hải có thể được chọn để làm mới một đội bóng cần nhiều thay đổi. Song, có lẽ, ông Hải không được chọn chỉ vì những chuyên hậu trường không mấy tốt đẹp. Ông từng quát “quân” như tát nước (thầy mà, dĩ nhiên!), hơn nữa, ông chỉ trích trọng tài kịch liệt và bực lên thì những người vô can như người hâm mộ và báo chí, ông Hải cũng không “tha”. Giả dụ, vào một ngày xấu trời nào đó, ông Hải lại có hành động thái quá thì VFF chỉ có nước ê mặt vì bất cứ hành động không tốt đẹp từ đội tuyển quốc gia sẽ là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước Việt Nam.

Lần làm “lính cứu hỏa” này, ông Chung sẽ không chịu nhiều áp lực như lần trước. Dẫu sao hai trận đấu đầu tiên với đối thủ Macau (Trung Quốc) vào ngày 29-6 và 3-7 sẽ không phải là bài kiểm tra khó vì trình độ đội bóng này còn dưới tầm đội tuyển Việt Nam. Và, thời gian VFF tìm được ông thầy ngoại sẽ không kéo dài, vì thế nhiệm kỳ “lính cứu hỏa” của ông Chung sẽ không quá lâu.

Ông Chung là một huấn luyện viên chuyên nghiệp nên ông ý thức được dù chỉ là người “đóng thế” song ông tuyên bố sẽ làm hết sức mình. Lời đảm bảo “vàng” bằng lương tâm nghề nghiệp của ông Chung khiến bất cứ ai quan tâm đến đội tuyển quốc gia cũng có thể yên tâm đôi chút. Và biết đâu, người “lính cứu hỏa” Mai Đức Chung lại hoàn thành nhiệm vụ trên mức yêu cầu như ông đã từng làm được ở những đội tuyển khác. Hẳn là khi đó, một câu hỏi mới lại nảy sinh cho VFF: Có nhất thiết phải tìm bằng được một ông thầy ngoại nhiều rủi ro hay là nên trao cơ hội để những huấn luyện viên nội khẳng định mình?

MỘC LAN

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

VÕ SĨ-NGHỊ SĨ PÁC-QUI-AO

            Man-ni Pác-qui-ao sinh ngày 17-12-1978 trông một gia đình thuộc dạng nghèo ở tỉnh Bukidnon, Phi-líp-pin. Do không kham nổi gia đình với sáu miệng ăn, cha Pác-qui-ao đã bỏ nhà ra đi và Pác-qui-ao phải trở thành trụ cột chính của gia đình khi đang học tiểu học. Để có thể nuôi sống gia đình, cậu bé Pacquiao phải làm đủ nghề để kiếm tiền, trong đó nghề chính là bán bánh mì.

Năm 14 tuổi, Pác-qui-ao lên thủ đô Man-ni-la kiếm sống. Ở đây, anh bắt đầu làm quen với môn quyền anh thông qua Hội quyền anh nghiệp dư quốc gia. Ngày 22-1-1995, anh có trận đấu đầu tiên với Ét-mun Ing-na-xi-ô và nhanh chóng chiến thắng ở hiệp đấu thứ 4.

Bước ngoạt trong sự nghiệp của Pác-qui-ao lại nhờ một... thất bại. Tháng 9-1999, Pác-qui-ao gặp Sing-su-rát trong trận tranh đai WBC hạng ruồi. Sau 3 hiệp đấu, Pác-qui-ao bị hạ knock-out vì một cú đấm thuận tay của Sing-su-rát. Thất bại này khiến võ sĩ trẻ quyết định chuyển lên hai hạng cân, mở ra chương huy hoàng trong sự nghiệp của Pác-qui-ao. Anh đấu trận tiếp theo và đoạt chức vô địch thế giới thứ hai tháng 6-2001 ở hạng siêu gà (super-bantamweight, từ 53,5 đến 55,3 kg) sau khi thắng thuyết phục L. Lê-goa-ba.

Những năm tiếp theo Pác-qui-ao lần lượt đánh bại nhiều đối thủ sừng sỏ ở các hạng cần khác nhau như: M. Ba-rê-ra (ngày 15-11-2003 ở hạng lông (featherweight - từ 55,3 đến 57,2 kg), Mô-ra-lét (ngày 18-11-2006) trận tranh đai WBC hạng siêu lông (super-featherweght, từ 57,2 đến 59 kg), D. Đi-át (ngày 28-6-2008) ở hạng nhẹ (lightweight - từ 59 đến 61 kg) và cũng là lần đầu đầu tiên, anh đấu với một đối thủ to con hơn, Ốtx-ca Đờ La Hoi-a (ngày 6-12-2008) và Rích-ky Hát-tơn (ngày 2-5-2009) ở hạng bán trung (light welterweight, từ 61,2 đến 63,5 kg.... Chiến thắng mới nhất của Pác-qui-ao là vào ngày 7-5-2011 tại Las Vegas (Mỹ) khi anh đánh bại đối thủ thách đấu Sên Mốtx-lây để bảo vệ danh hiệu WBO hạng trung và bỏ túi trọn vẹn 20 triệu USD tiền thưởng. Đây là trận thứ thứ 14 liên tiếp của Pacquiao trong các lần thượng đài suốt sáu năm qua. Như vậy, tính từ khi khởi nghiệp anh đã giành 8 chức vô địch ở 4 hạng cân khác nhau. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong làng quyền anh thế giới. Anh đã được bầu chọn là “Võ sĩ của thập kỷ” (2000-2010) do Hội các nhà báo Mỹ theo dõi đấm bốc (BWAA) bình chọn và ba lần được tạp chí The Ring và BWAA bầu chọn là “Võ sĩ của năm” vào các năm 2006, 2008 và 2009.

Nhờ nổi tiếng về tài năng và giàu có, Pác-qui-ao sử dụng ảnh hưởng để tham gia chính trường. Lần tranh cử nghị sĩ đầu tiên vào năm 2006 nhưng không thành công. Bốn năm sau, Pác-qui-ao trúng cử vào Quốc hội đại diện cho tỉnh Sarangani với cương lĩnh tranh cử đơn giản, nhưng thiết thực, hướng nhiều đến lợi ích của các cử tri như: đem lại thuyền chài nhỏ cho ngư dân, ủng hộ tài chính cho giới tiểu thương và miễn thu phí giáo dục, y tế cho người nghèo....

Mục đích trở thành ông nghị của Pác-qui-ao rất đơn giản chỉ muốn dùng ảnh hưởng của mình để đem lại chính sách cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Anh tâm sự: “Nơi tôi sinh sống, có quá nhiều dân nghèo. Tôi muốn giúp người ta thoát khỏi cuộc sống khổ cực ấy”. Ngoài ra, anh còn dành khá nhiều tiền để làm từ thiện. Chính vì vậy, người dân Phi-líp-pin luôn tự hào vì Pác-qui-ao và xem anh là người hùng của nhân dân.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

MADRID OPEN 2011: BẤT NGỜ Ở GIẢI NỮ

Ở giải nam, trận chung kết Madrid Open 2011 sẽ là trận đấu giữa hai tay vợt đứng đầu thế giới: Na-đan và Dô-cô-víc-nghĩa là không có bất ngờ lớn xảy ra. Còn ở giải nữ, Madrid Open 2011 là giải đấu có nhiều cú sốc nhất từ đầu năm đến nay, trong số 16 cây vợt được chọn làm hạt giống chỉ có 3 người lọt đến vòng tứ kết là Vích-to-ri-a A-da-ren-ca (Bê-la-rút)-hạt giống số 4, Li Na (Trung Quốc)-hạt giống số 6 và Pê-tra Vi-tô-va (Séc)-hạt giống số 16. Cuối cùng, trận chung kết giải năm nay cũng đã xướng danh hai tay vợt xuất sắc nhất là A-da-ren-ca và Vi-tô-va. A-da-ren-ca không phải là cái tên quá bất ngờ, song cái tên Vi-tô-va là một điều ngạc nhiên trong bối cảnh các tay vợt nữ mạnh nhất thế giới đều tham gia Madrid Open nhằm chuẩn bị cho giải Roland Garros. Với quá nhiều bất ngờ như giải đấu năm nay thì thứ tự hạt giống không còn nhiều ý nghĩa, dẫu vậy A-da-ren-ka vẫn được cho là nhiều khả năng giành chức vô địch Madrid Open 2011.

Trở lại với những cú sốc tại giải nữ, ngay từ vòng 1, 4/16 cây vợt nữ đẫ không qua khỏi vòng “gửi xe đạp”, bại binh đáng chú ý nhất là tay vợt Séc-bi A-na I-va-nô-vích và tay vợt Nga Cu-nét-sô-va. Vòng 2, tiếp tục có 4 cây vợt trở về nhà, nổi bật nhất là tay vợt Séc-bi Giê-lê-na Gian-cô-vích sau khi thất thủ 4-6, 6-4, 5-7 trước tay vợt vô danh người Séc L. Sa-pha-rô-va.

Vòng 3 mới thật sự tạo ra nhiều bất ngờ nhất với việc 5 tay vợt hạt giống bị loại, đáng nói ở điểm 3 hạt giống cao nhất là: Ca-rô-lai Vô-ni-ắc-ki, Vê-ra Vô-ra-nê-va, Phan-xét-ca Chi-a-vô-nê đã nói lời tạm biệt Madrid Open. “Địa chấn” được mở màn ngay ở trận đầu tiên vòng 3 khi tay vợt nữ số 3 thế giới Vô-ra-nê-va gác vợt trước đối thủ dưới cơ Pê-tra Vi-tô-va với tỷ số 0-2 (1-6, 4-6). Trong làng quần vợt Nga hiện tại, Vô-ra-nê-va là tay vợt nữ số một. Vô-ra-nê-va đã có những bước thăng tiến đáng ngạc nhiên trong vòng 1 năm qua khi hai lần lọt vào đến chung kết Grand Slam (Wimbledon và Mỹ mở rộng 2010). Ở Australia mở rộng diễn ra hồi đầu năm, cô cũng lọt vào tới bán kết, và chỉ chịu thua Kim Crai-xtơ, người sau đó bước lên ngôi vô địch. Ở giải Qatar Ladies Open hồi cuối tháng hai, Vô-ra-nê-va thậm chí còn quật ngã tay vợt số một thế giới Vô-ni-ắc-ki để bước lên ngôi vô địch. Thất bại này khiến Vô-ra-nê-va bỏ lỡ cơ hội trở lại ngôi thứ hai thế giới.

Song, bất ngờ lớn nhất diễn ra ở vòng ba giải Madrid Master 2011 khi tay vợt đang lên người Đức Giu-li-a Góc-gít đã đánh bại hạt giống số 1 và cũng là tay vợt số 1 thế giới, Vô-ni-ắc-ki. Trên sân đất nện tại Madrid, Góc-gít đã thắng Vô-ni-ắc-ki với tỷ số 6-4, 1-6, 6-3. Và đây là lần thứ hai trong vòng 11 ngày, Góc-gít đánh bại được Vô-ni-ắc-ki. Ngay lập tức, Góc-gít được đặt cho biệt danh mới “khắc tinh của Vô-ni-ắc-ki”. Còn nhớ trong trận chung kết giải Stuttgart Grand Prix cũng trên mặt sân đất nện cách đây một tuần, Góc-gít đã bất ngờ đánh bại Vô-ni-ắc-ki để đoạt chức vô địch. Với hai chiến thắng liên tiếp đầy thuyết phục trước tay vợt số 1 thế giới, tay vợt 22 tuổi người Đức Góc-gít đã có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng.

Đến vòng tứ kết, dường như mọi thứ lại quay trở về sự ổn định, cuộc phiêu lưu của Góc-gít đã dừng lại khi cô thất bại trước A-da-ren-ca 4-6 và 2-6. Pê-tra Vi-tô-va vẫn tiếp tục thăng hoa khi đánh bại Li Na nhanh chóng với tỷ số 6-3 và 6-1.

Diễn biến trận chung kết tới đây có hấp dẫn, giằng co hay kết thúc chóng vánh theo một chiều thì khó có thể đoán đạnh trước? Song, với tất cả những bất ngờ diễn ra hơn một tuần lễ qua, Madrid Open ngày càng có vị trí quan trọng, chứ không đơn thuần chỉ là giải đấu tập cho Roland Garros.

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

BÔNG HỒNG CÀI ÁO (FOR MOTHER'S DAY)

Hôm mồng 5-5, nhận được cuốn sách của bác Chuối gửi, đó là bản in lần đầu cuốn "Bông hồng cài áo" của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư viết đoản văn này sau khi biết phong tục cài hoa trong Ngày của mẹ (Mother's day). Nhiều nhần chứng sống ở miền Nam trước năm 1975 cho biết: Trước khi xuất bản thì đoản văn đã được nhiều sinh viên miền Nam chép tay trước khi được NXB Lá Bối in và trở thành cuốn sách cho Vu Lan mùa báo hiếu. Sau đó, một vài ý văn trong cuốn Bông hồng cài áo đã được nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc thành ca khúc bất hủ cùng tên.

Vốn có niềm đam mê sưu tầm sách bản in đầu, hay tin bác Chuối rao bán liền mua ngay để kỷ niệm, chứ không phải sắp đến Ngày của mẹ nên tìm mua vì đơn giản không hề biết ngày của mẹ là ngày nào. Lướt mạng mới biết Ngày của mẹ là ngày Chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng năm, nghĩa là hôm nay ngày 8-5-2011. Trước tiên hãy xem cuốn sách tìm được như một hạnh ngộ khi gần đến Ngày của mẹ.

Ở bìa lót cuốn sách có dòng chữ: "Dâng hiến đời ta cho hiếu hạnh" ký C.T. Chắc đây là câu của chủ cũ cuốn sách, phải chăng là chữ của thầy Chơn Thiện?



Bìa lót cuối sách ghi thông tin xuất bản cuốn sách:



Đề từ cuốn sách:



Bức ảnh cuối muồn trình là đoạn văn được nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ sử dụng trong bài hát:



Nhân Ngày của mẹ, đăng lại toàn văn đoản văn này để cùng nghĩ về tình mẹ:

BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Nhất Hạnh

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến:

Năm xưa tôi còn nhỏ 
Mẹ tôi đã qua đời! Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi. 
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi... 
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi 
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức: 

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mt, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp mt, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. 

Công cha như núi Thái sơn, 
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chy ra

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương. 
Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước. 

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. 

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. 
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng. 
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. 

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa! 

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ. 

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. 

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. 

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi. 
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ. 

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

     

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: NIỀM VUI NHO NHỎ

Câu chuyện bóng nữ ít nhận được những quan tâm về tinh thần lẫn vật chất so với bóng đá nam đã là câu chuyện rất cũ: “Biết rồi, khổ lắm. Nói mãi!”. Có người chép miệng: Ở đâu trên thế giới này, bóng đá nữ vẫn cứ lép vế, đâu chỉ có nữ cầu thủ Việt Nam mới thiệt thòi; đến ngay như nước Anh, Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia (VĐQG) mới tổ chức trở lại với chỉ tám đội tranh tài.

Ngẫm lại, thời gian gần đây, bóng đá nữ dẫu còn lắm khó khăn nhưng đã được chăm lo toàn diện khiến người trong cuộc ấm lòng hơn. Chẳng hạn, bao nhiêu mùa giải VĐQG, chẳng đơn vị nào chịu tài trợ khiến giải đấu vẫn phải bám vào “bầu sữa” VFF. Năm nay, các cô gái đá bóng rốt cuộc cũng có được niềm vui khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam quyết định tài trợ 1 tỉ đồng cho giải nữ VĐQG 2011. Số tiền này chỉ bằng 1/30 số tiền mà Ngân hàng Eximbank đang tài trợ cho sân chơi của các đồng nghiệp nam ở V-League, nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần vô giá cho sân chơi bóng đá nữ vốn kiếm tài trợ cực kỳ khó khăn.

Vấn đề nan giải kinh niên “đầu tiên” đã kết thúc có hậu, thì những câu chuyện khác liên quan đến lượt đi giải đấu năm nay đều chứa đựng những điều tốt lành, mang đến tất cả những người quan tâm đến bóng đá nữ những niềm vui nho nhỏ. Kết thúc lượt đi, đội bóng Phong Phú Hà Nam xếp thứ hai do thua về hiệu số bàn thắng bại với đội đứng đầu Hà Nội Tràng An 1. Thành công của đội bóng Phong Phú Hà Nam, có sự đóng góp lớn của huấn luyện viên trưởng kiêm cầu thủ Văn Thị Thanh. Đầu năm 2010, ở tuổi 25, quyết định giải nghệ của Thanh là một cú sốc lớn. Nguyên do là cô bận hoàn tất việc học tại khoa HLV bóng đá ở Đại học TDTT Từ Sơn để “lo cho tương lai”-như lời tâm sự Thanh. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 7-2010, Thanh lập tức theo học lớp tập huấn HLV Olympic do FIFA tổ chức trong vòng 10 ngày tại Hà Nội nhằm bổ sung kiến thức từ những chuyên gia nước ngoài. Trở về sau lớp tập huấn, Thanh được giao làm HLV trưởng đội U-19 nữ Hà Nam và giành chức vô địch U19 toàn quốc. Thanh được lãnh đạo tín nhiệm trao ghế HLV trưởng tham dự Giải bóng đá nữ VĐQG 2011 với chỉ tiêu lọt vào tốp ba.

Nếu như Văn Thị Thanh có bằng cấp, danh chính ngôn thuận ngồi trên ghế chỉ đạo; người ta thấy nhiều cầu thủ nữ đã giải nghệ như Kim Chi, Ngọc Mai đi cùng đoàn bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nam tranh tài. Hỏi ra mới biết, họ có chân trong ban huấn luyện dìu dắt các tài năng trẻ. Việc những người quản lý địa phương nhanh chóng bố trí công việc huấn luyện cho các cựu binh rõ ràng là hợp tình hợp lý; vừa tri ân đóng góp của các cầu thủ nữ, vừa tận dụng kinh nghiệm để truyền lại cho các đàn em tránh sự “đứt gãy” thế hệ. Vậy là hình ảnh năm nào của một cầu thủ nữ sau những giờ phút vinh quang trên sân cỏ phải đi bán bánh mì để kiếm sống chỉ là câu chuyện buồn quá vãng.

Nhưng có lẽ niềm vui nhất cho bóng đá nữ Việt Nam qua lượt đi Giải bóng đá nữ VĐQG 2011 là sự trưởng thành vượt bậc của các cầu thủ trẻ. Sau thế hệ vàng thống trị khu vực Đông Nam Á, một thế hệ cầu thủ nữ mới ra đời tiếp tục duy trì vị thế của bóng đá nữ Việt Nam. Những cái tên như: Bùi Thị Như, Nguyễn Thị Xuyến, Hồng Lĩnh, Bảo Châu, Hải Hòa, Nguyễn Thị Hòa... đã chứng tỏ sự thay thế xứng đáng cho các đàn chị đi trước. Tre đã già liền có măng mọc ngay, tín hiệu này mới đáng mừng nhất. Âu cũng là “quả ngọt” cho sự đầu tư “nhìn xa trông rộng” của những người quản lý bóng đá nước nhà.

MỘC LAN

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

THỜI ĐÀM (IX): CHẦM CHẬM TỚI MÌNH

Quãng những năm cuối thập niên 1980, văn đàn Việt Nam xuất hiện một lứa nhà văn tuổi nghề trẻ nhưng có những tác phẩm đầu tay xuất sắc. Những tác phẩm “nhung tuyết” đầu đời ấy đến giờ dù đã tái bản nhiều lần mà vẫn còn được bạn đọc ngợi khen. Ấy vậy mà gần đây, không rõ nguyên nhân từ đâu, có một vài nhà văn và cả các nhà phê bình cho rằng thành tựu đổi mới văn chương của thế hệ nhà văn trẻ cách đây hơn hai mươi năm chẳng qua là do “cập thời vũ” (mưa đúng lúc)-ám chỉ sự ăn may.

Đem lời nhận xét ấy làm ví dụ cho mô hình khái quát về động lực chung cho mọi sự sinh thành nghệ thuật của nhà phê bình người Pháp Hippolyte Taine (1828-1893) bao gồm: Chủng tộc, môi trường và thời điểm, xem ra khá thích hợp. Rõ ràng, không khí những ngày đầu Đổi Mới đất nước mà các nhà văn trẻ hồi ấy đã mạnh dạn đổi mới đề tài phản ánh, đồng thời ra sức thể nghiệm các kỹ thuật viết văn tân kì qua đó tạo ra hàng loạt tác phẩm giá trị. Song, bối cảnh văn hóa không phải là nguyên nhân quyết định sự thành công của một thế hệ nhà văn như nhiều người lầm tưởng. Bằng chứng rõ nhất là sự xuất hiện đông đảo của lớp nhà văn 7X, 8X đương đại được sống và viết trong bối cảnh tự do, bản thân những người viết văn này có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với thế giới hơn các tiền bối nhưng lại chưa có những tác phẩm đẳng cấp.

Nếu đi tìm nguyên nhân thất bại của các nhà văn trẻ, hẳn sẽ phải cần cả một cuốn sách để diễn đạt tường minh. Song, chỉ cần nêu ra một nguyên nhân căn bản nhất cũng đã chứng minh được phần nào, đó là ý thức về bản thể công việc viết văn chưa được đổi mới, nếu không muốn nói là thụt lùi. Bản chất của viết văn thực ra là một “trò chơi”. Theo định nghĩa ngắn của Johan Huizinga trong tác phẩm Homo Ludens: “Chơi là một hoạt động tự do, tách ra một cách tương đối khỏi cuộc đời “thường nhật” như là một sự “không nghiêm trọng” song đồng thời lại có khả năng cuốn hút người chơi mãnh liệt và tuyệt đối. Nó là một hoạt động không gắn với một quan tâm vật chất nào và vụ lợi nào”. Không ít nhà văn trẻ ngày nay chỉ chăm chăm biến tác phẩm trở thành best-seller, hay dùng mọi cách thức để PR bản thân để nhanh chóng có “thương hiệu”. Hai biểu hiện dễ nhận biết trên chứng tỏ những nhà văn trẻ đã bị biến văn chương thành công cụ phi nghệ thuật, đó là điều đi ngược lại với bản chất văn chương.

Sự thành công của một thế hệ nhà văn đơn giản chỉ là phép cộng của những tài năng cá nhân. Dẫu trình độ lịch sử văn hóa và truyền thống có thuận lợi đến mấy mà bản thân nhà văn không tích lũy nền tảng văn hóa, đào sâu tư duy tìm kiếm trong bản thể cá nhân thì còn lâu mới có tác phẩm giá trị. Thế hệ nhà văn Đổi Mới thua kém nhà văn trước 1945 về học vấn liên thông thế giới và nếu so với đời sống vật chất cũng kém các nhà văn đương đại. Song, họ viết văn hay là nhờ biết đọc sâu và nghiền ngẫm kĩ những sách vở có trong tay và khát khao sáng tạo mãnh liệt giúp họ vượt qua những khó khăn khách quan và nhất là ý thức viết văn vô tư không cầu lợi ích theo tâm niệm: “Chầm chậm tới mình” (ý thơ Trúc Thông).

Bài học thành công của thế hệ nhà văn Việt những năm 1980 khá tương đồng với cuộc đời của những nhà văn vĩ đại có xuất phát điểm vô cùng khó khăn, chẳng hạn nhà thơ đoạt giải Nobel 1992 Derek Walcott sinh tại vùng lãnh thổ Saint Lucia nhỏ bé đến nỗi phải dùng kính lúp mới nhìn rõ trên bản đồ, dân số trên đảo chỉ bằng 1/2 số dân quận Đống Đa (Hà Nội); hay nhà văn Bồ Đào Nha Jose Saramago (Nobel 1998) phải đi làm thợ sửa xe vào ban ngày để mưu sinh còn ban đêm thì tự học ở thư viện. Dẫn ra hai ví dụ như vậy, để nói rằng, dù nước ta mới chỉ là nước có thu nhập trung bình nhưng động lực hỗ trợ cho nhà văn trẻ rất đầy đủ, chẳng qua họ thiếu khát vọng sáng tạo lớn lao, ít có những suy tư mang tầm tư tưởng để thể hiện trong tác phẩm nên tác phẩm lớn vẫn chưa xuất hiện.

Thế nên, đổ lỗi sự thất bại trong viết văn cho hoàn cảnh hay bác bỏ tài năng tự đào tạo của những nhà văn có tài là nhờ ăn may hoàn cảnh chỉ là những ngụy biện lỗi thời đáng chê trách!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG