Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

DIỆT "Ổ DỊCH" LẠCH TRAY

Sau vòng 5 V-League, sân Lạch Tray bị VFF phạt 20 triệu đồng vì “tội”: cổ động viên đốt pháo sáng mừng chiến thắng 2 – 0 trước Đồng Tâm Long An. Chữ kí thi hành án phạt chưa ráo mực thì đến vòng 7 (thua T&T HN 1 - 0), sân Lạch Tray biến thành võ đài của các cầu thủ, “võ mồm” của các cổ động viên và… “mưa vật thể lạ”. Thắng: “quậy” vì …“vui”, thua: “quậy” xả… “bực”. Lạch Tray không khác gì một “ổ dịch” cần “diệt” vĩnh viễn chứ không thể “phòng” và “chống” được nữa vì “ổ dịch” này đã “kháng thuốc”.  

Lần cuối rồi thôi… 

      Chuyện sân Lạch Tray có “biến” lần này không làm cho dư luận bức xúc nữa vì nó đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. “Án” sắp tuyên cũng chẳng làm ai quan tâm, người ta kháo nhau: Lại phạt chục triệu là cùng chứ gì! 
      Sự  việc “quậy” ở vòng 7 vừa rồi khiến người ta không thể đổ lỗi cho Ban tổ chức sân Lạch Tray được vì họ đã làm tốt việc bảo vệ đội khách và trọng tài, bắt những tên hooligan… Vậy, nguyên nhân “dịch quậy” bùng phát ở Lạch Tray đương nhiên thuộc về các hooligan đất Cảng, sự thiếu dứt khoát ngăn chặn của đơn vị chủ quản đội bóng và gián tiếp là các “án phạt” “giơ cao đánh khẽ” của VFF.  
      Nếu  nghĩ bất cứ cổ động viên Hải Phòng toàn là hooligan quả là “vơ đũa cả nắm”. Không chỉ trên web của hội cổ động viên mà ngay cả trên các diễn đàn, tiếng nói của các “fan xịn” là áp đảo. Họ luôn lên tiếng chống hooligan vì đã quá ngán ngẩm bị đánh đồng với những kẻ côn đồ vô văn hóa. Thực tế, trong tổng số 3 vạn khán giả lấp đầy sân, hooligan chỉ chiếm thiểu số. Với những kẻ này, việc không được đốt pháo sáng chẳng khác gì cái thú khó bỏ như hút thuốc lá; không được chửi khiến họ… “nhạt miệng”. Tóm lại, là “hết thuốc chữa”. Hội cổ động viên chỉ có thể quản lí các hội viên chứ những cổ động viên tự do thì đơn vị chủ quản là công ty xi măng Hải Phòng phải phân loại nghiêm ngặt. Ai có tiền án “quậy” phải cấm vào sân vĩnh viễn. Biện pháp này mới được câu lạc bộ Everton (Anh) thực hiện với một “fan cuồng” của mình. Có như vậy, mới có thể biết ai đến sân để xem bóng đá, ai đến chỉ để làm “càn”.  
      “Án” của VFF mỗi lần Lạch Tray “dậy sóng” đúng y như câu nói “rung cây dọa khỉ”. “Trò” này chỉ có tác dụng ngăn chặn. Khi “con khỉ” đã “to” như “khỉ đột” hễ “cây rung” thì “con khỉ đột” lại đè người dám làm kinh động nó. VFF đã “mất điểm” sau việc giảm án cho Công Vinh. Nay, “án điểm” Lạch Tray mà xử nhẹ thì uy tín “Bao Công” bao năm gây dựng hóa thành công cốc! 
      Có  lẽ, đã đến lúc các bên liên quan cần ngồi lại  để xem xét toàn diện, đưa ra các biện pháp và thực hiện chúng một cách triệt để và đồng bộ. Thuốc đắng thì dã tật! Gắng sức như một lần cuối “dập dịch” trước khi phải sử dụng biện pháp… “cực chẳng đã”.  

Giải pháp cuối cùng!  

      Có  người lên tiếng cần “trảm sân” Lạch Tray từ giờ cho đến hết mùa giải. Mất đi “cầu thủ số 12” hiển nhiên đội bóng sẽ bị ảnh hưởng về tâm lí, các cổ động viên mất đi một “niềm vui điều độ” vào chủ nhật. Nhưng đây là biện pháp cần thiết, một liều thuốc thử “nặng đô” ở hiện tại để xem sau “cú sốc” này Lạch Tray có trở lại bình yên như năm xưa hay không?
      Vào tháng 9 năm ngoái, cái tên Thể Công được đưa vào “bảo tàng”, nhân sự được chuyển giao thành đội Lam Sơn Thanh Hóa. Giả sử nếu xóa cái tên “Hải Phòng” sẽ là biện pháp “sốc” hơn việc thử “trảm sân” đến hết mùa. Những người Hải Phòng sẽ rơi vào tâm trạng “bỏ thì thương vương thì tội” song một vài người bi quan đã chấp nhận nếu phán quyết được ra. Nhưng xóa tên chưa phải là giải pháp cuối cùng. Thêm một giả thuyết nữa là nếu “đội bóng mất tên Hải Phòng” vẫn đóng đô ở Lạch Tray và nếu các hooligan đất Cảng vẫn có cơ hội “làm loạn” thì nhiều khả năng sân Lạch Tray chỉ còn có thể phục vụ cho… điền kinh. Viễn cảnh Hải Phòng – mảnh đất sinh ra nhiều đội bóng huy hoàng thủa nào sẽ không có một đội bóng đá chuyên nghiệp rất có thể sẽ xảy ra. Đó là giải pháp cuối cùng. Không thể vì một số người “làm loạn” ở một sân bóng để khiến cho 13 sân còn lại và hàng chục triệu người xem bóng đá phải khó chịu. Bóng đá sẽ không còn là môn thể thao “vua” nếu mất đi sự hết mình trong thi đấu, vẻ đẹp của các pha xử lí, khoái cảm trong thưởng thức… Nay, ở Lạch Tray, không có bất cứ vẻ đẹp nào của bóng đá hiện hữu. Con đường 9 năm lên “chuyên” của V-League đã phải “cắt” bao điều “nề nếp”, “thói quen” tưởng chừng không thể cắt bỏ. Phải biết loại bỏ những tàn tích xấu mới có thể nhẹ gót bước vào tương lai!

Hàm Đan