Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

TÍNH DỤC TRONG NGƯỜI TÌNH CỦA DURAS: MỘT DIỄN NGÔN VỀ SỰ NGĂN CÁCH CỦA CHỦNG TỘC VÀ GIAI CẤP




Nhắc đến Marguerite Duras (1914 - 1996) là nhắc đến một tượng đài đứng độc lập trong nền văn chương Pháp hiện đại. Vị trí của bà đối với Việt Nam cũng hết sức đặc biệt. M. Duras là nhà văn Pháp hiện đại được dịch nhiều nhất ở Việt Nam, thậm chí có hai cuốn sách nghiên cứu về bà cũng được dịch. Thêm vào đó, bà sinh ra ở Sài Gòn và sống ở đây cho đến năm mười tám tuổi. Nam Bộ luôn là khung cảnh trở đi trở lại trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của bà. Nhưng có điều đáng tiếc là bà không được nhiều người đọc Việt Nam chú ý.

Lấy cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất là Người tình (L’Amant) làm ví dụ. Cuốn sách là một best-seller quốc tế đã đoạt giải Goncourt 1984 và có một bộ phim được chuyển thể cùng tên của đạo diễn Claude Berri do nam tài tử Hong Kong Lương Gia Huy (Tony Leung Ka Fai) thủ vai. Chừng ấy, vẫn chưa đủ hấp dẫn với người đọc Việt Nam. Bằng chứng là Người tình luôn nằm ngoài các bảng danh sách sách bán chạy nhất ở thời điểm nó được phát hành rộng rãi ở Việt Nam (năm 2007).

Trừ những siêu độc giả ra, tất cả đều xem đây là một cuốn sách không có nhiều điều đặc biệt. Điểm đáng chú ý nhất trong câu chuyện là những lần quan hệ của một cô bé người Pháp mười lăm tuổi với một người đàn ông Trung Quốc gấp đôi số tuổi của cô. Những chi tiết của những quan hệ tình dục không trọn vẹn bị loãng bởi những câu chuyện khác về gia đình, trường học của người Pháp. Thêm vào đó, một câu chuyện chỉ nên thu gọn trong một khuôn khổ của truyện ngắn lại tãi ra thành một cuốn tiểu thuyết với những câu văn mang tính bình luận, diễn đật cảm xúc trùng lặp và …sến.



Gạt bỏ đi những chi tiết tiểu sử học xung quang cuộc đời M. Duras và cuốn tiểu thuyết Người tình mà chỉ chú trọng đến văn bản tiểu thuyết dễ tưởng rằng những lời nhận xét trên kia là đúng. Thử xét về vấn đề tính dục trong cuốn tiểu thuyết này thì rõ ràng, Người tình dường như đã được PR quá mức so giá trị thực của nó. Nhưng có một “mưu kế” nằm dưới câu chuyện sex giật gân bởi dù mang tính tự truyện cao nhưng Người tình lại nằm trong mạch văn bắt đầu từ Moderato Cantabile (1958), ở mỗi tác phẩm M. Duras luôn tìm cách “đánh lừa” độc giả khi cho câu chuyện đi tới cao trào rồi kết thúc mà không có điểm cởi nút cho kịch tính của câu chuyện.

Tính dục trong Người tình nằm ở mối quan hệ xác thịt của cô bé da trắng và người đàn ông Trung Hoa nhưng tính dục còn được chuyển di sang những đối tượng nằm trong taboo theo quan niệm không chỉ phương Đông mà cả phương Tây. Cô bé da trắng độc thoại: “Tôi bủn rủn người vì thèm muốn Hélène Lagonelle. Tôi bủn rủn người vì thèm muốn”. Đi cùng với điều này là một ý định “kì quái”: “Tôi muốn trao Hélène Lagonelle cho người đàn ông đã làm điều đó với tôi để đến lượt anh làm điều đó với cô ấy. Làm trước mặt tôi, sao cho cô ấy làm điều đó theo ước muốn của tôi, sao cho cô ấy dâng hiến. vậy là vòng qua thân thể Hélène Lagonelle, xuyên qua thân thể của cô ấy mà khoái lạc sẽ có thể truyền từ anh đến tôi, lúc ấy sẽ là niềm khoái lạc tột cùng. Có thể chết đi được vì điều đó”. Thậm chí, nhân vật trong truyện còn tự huyễn tưởng rằng mình là con gái và người đàn ông Trung Hoa kia là cha. Và suy mối quan hệ tình dục trên là loạn luân.

Sẽ là mất công nếu đi chuẩn đoán bệnh lí tâm thần cho một nhân vật giả hư cấu nhưng điều rõ ràng là bản năng chết (thanatos) hiện hữu trong cô gái người Pháp là điều rõ ràng. Xét từ môi trường gia đình: một bà mẹ gàn dở vì đã cảnh nghèo, một người anh cả nghiện thuốc phiện hung bạo, người anh thú yếu ớt; trường học của cô cũng không khá hơn đó là một trường nữ sinh khép kín, chỉ có cô và Hélène Lagonelle là học sinh da trắng ở nội trú với nỗi lo học xong sẽ đi làm y tá ở bệnh viện dành cho người hủi… Điều đặc hơn, chính là những chi tiết về hoàn cảnh sống của cô, một cô gái da trắng ở mộ xứ thuộc địa nhưng lại đi về nhà trên chiếc xe hàng với người bản xứ da vàng. Tất cả những điều này dẫn cô đến một quyết định là quan hệ tình dục với người đàn ông Trung Hoa xa lạ. Không chỉ đơn thuần là việc ham muốn nhục dục mà là đi tới chỗ tự hủy diệt thể xác, tâm hồn. Động lực cho điều này là một huyễn tưởng lai chủng tộc. Một nỗ lực cố gắng tác ra khỏi chủng tộc da trắng ốm yếu, nhàm chán để cố hòa nhập một cách tuyệt vọng vào phần da vàng thấp kém trong quan niệm thực dân.

M. Duras tả rất kĩ sự hoảng loạn, sự đau khổ, nỗi lo lắng của người đàn ông Trung Hoa với mặc cảm tình dục nhược tiểu, gánh nặng đạo đức và pháp luật ở trên vai trong mỗi cuộc làm tình. Anh ta thật thảm hại trong mắt một cô bé da trắng khi vừa quan hệ vừa run rẩy và khóc lóc. Ngoài vấn đề diễn ngôn về chủng tộc thì Người tình còn nhằm chứa một diễn ngôn về giai cấp đó hoàn cảnh của một co bé gia trắng cao quý về chủng tộc nhưng nghèo và một anh chàng Trung Hoa thấp kém chủng tộc nhưng giàu có. Không phải ngẫu nhiên mà M. Duras lại ra kĩ bộ trang phục, những đồ dùng cá nhân của hai người, điều này cho thấy mối ngăn cách về giai cấp quá rõ ràng. Bản thân cô gái cũng tự đánh đồng mình khi đối mặt về vấn đề giai cấp khi tự gọi mình là “con điếm nhãi ranh”. Chàng trai Trung Hoa luôn dùng tiền để che lấp mặc cảm về màu da nhất là khi đi ăn cùng với gia đình cô gái. Và cố dùng tiền để tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài. Cô gái có thể thua kém về tiền bạc nhưng về lại là người làm chủ những cuộc truy hoan bởi cô tìm đến sự giao hoan thể xác không nhằm một mục đích có lợi cho mình, đồng nghĩa với sự tính toán mà là để kết thúc những bế tắc trong cuộc sống. Và sự kết thúc đến khi cô trở về Pháp: “Mười tám tuổi mà mọi thứ đã là quá muộn”

Nhưng ngay từ đầu, mối quan hệ này là phi vật chất nó chỉ là cuộc tự hủy diệt của cô gái để đào sâu vào những hoảng tưởng về chủng tộc mà cô tự vẽ ra. Người đàn ông Trung Hoa cũng không khá hơn, số phận anh ta gần giống những nhân vật nam người Hoa giàu có trong các cuốn tiểu thuyết thời hiện đại. Họ tiếp xúc với tự do nhưng không được sống tự do vì người Trung Hoa truyền thống gia tộc rất mạnh, quá giàu để thôi có khát vọng làm giàu trong máu người Hoa, điều quan trọng là tìm một ý nghĩa để sống nhưng tất cả đều bế tắc. Sự bế tắc hiện diện trong khung cảnh, ánh sáng, mù của căn nhà ở Chợ Lớn. Anh rơi vào một vòng xoáy không có lối thoát: sự quyến rũ nhục dục từ cô bé da trắng; mong ước về một sự dài lâu, bền chặt trong tình cảm nhưng đó chỉ là ảo tưởng; không phải vì bố anh ngăn cấm, không phải từ gia đình cô bé mà chính ở bản chất mối quan hệ này sẽ không dẫn đến hôn nhân mà là một sự khám phá bản thân của cô bé. Cô sẽ ra đi và điều này anh không thể níu giữ được. Kết thúc tất yếu của cuốn tiểu thuyết là sự chia tay của đôi tình nhân kì lạ để lại đằng sau những mối liên hệ bị ngăn cách còn dang dở. Một cái kết tưởng chừng như rất… sến khi người đàn ông Trung Hoa nói với cô gái sau bao nhiêu năm xa cách: “Anh nói rằng mọi việc ẫn như trước, rằng anh vẫn yêu cô, rằng anh không bao giờ có thể ngừng yêu cô được, rằng anh sẽ yêu cô cho đến chết”. Chính những điều còn dang dở từ sự khám phá những điều thầm kín, những điều chưa nói được về diễn ngôn bỏ dở của cuốn tiểu thuyết Người tình khiến cho đoạn kết này lại một lần nữa và cũng là lần chót “đánh lừa” người đọc.

Vì những diễn ngôn đằng sau đề tài tính dục nên chẳng ai phản đối khi người ta xếp M. Duras là một nhà văn của chủ nghĩa hậu thực dân hay nữ quyền luận. Ngay từ khi còn sống, bà đã không ưa những sự dán nhãn bà chỉ thích được gọi nhà văn viết về tình yêu vì bà cho rằng tình yêu điều đó là điều tuyệt vời nhất.

Hàm Đan

Tài liệu tham khảo:



1. Catherine Bouthors-Paillart: Duras: Người đàn bà lai, NXB Văn học 2008

2. Lydia Alix Fillingham & Moshe Susser: Nhập môn Foucault, NXB Trẻ 2006

3. Julie Rivkin & Michael Ryan: Literary theory: an anthology, Blackwell Publishers Inc, 1998

4. Đặng Thị Hạnh (chủ biên): Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX, NXB ĐH QG HN 2005

5. Marguerite Duras: Người tình (Lê Ngọc Mai dịch), NXB Hội nhà văn, 2007

6. Marguerite Duras: Đập ngăn Thái Bình Dương (Lê Hồng Sâm dịch), NXB Văn học, 1997

7. Lê Hồng Sâm: Tình yêu và cái chết trong tiểu thuyết Duras, dẫn theo cuốn Chân trời có người bay của Đỗ Lai Thúy, NXB VHTT 2006

8. Liễu Trương: Tiếp cận văn học Pháp, NXB Văn học 2007