Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

TẬN DỤNG MẶT TÍCH CỰC CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”. Hội thảo không chỉ nhìn nhận hiện trạng và tầm quan trọng của truyền thông xã hội, mà còn phân tích sâu tác động hai chiều giữa truyền thông xã hội với tác nghiệp báo chí.

“Đặc khu thông tin”

Truyền thông xã hội (Social media) là cách thức truyền thông, trong đó thể hiện sự tương tác thông tin đa chiều trực tuyến giữa những đối tượng tham gia trên môi trường internet. Tới nay, truyền thông xã hội đang được thể hiện dưới hình thức của mạng xã hội giao lưu chia sẻ thông tin cá nhân (Facebook, Blogspot...) hay các trang web chia sẻ (Youtube, Flickr...).

     Chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook, số người sử dụng đã trên 1 tỷ người, suy ra nếu Facebook là một quốc gia sẽ có số dân đứng thứ 2 thế giới. Ở Việt Nam, tính đến tháng 7-2012, có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, tăng 112 mạng so với cuối năm 2011. Điều này cho thấy rằng, xu hướng phát triển nhanh về số lượng của các mạng xã hội trong nước.

     Chính điều này đã khiến truyền thông xã hội cạnh tranh với các phương tiện truyền thông đại chúng về số lượng người xem và quảng cáo. Ông Lưu Đình Phúc (Trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) còn chỉ ra thêm những tác động của truyền thông xã hội tới riêng báo chí Việt Nam hiện nay đó là: Làm tăng tính tương tác giữa báo chí và công chúng, tạo kênh phân phối mới trên mạng internet, tạo sự đa dạng về nguồn thông tin tham khảo cho báo chí, giúp nắm bắt thị hiếu bạn đọc để điều chỉnh nội dung bài viết, giám sát nội dung thông qua các bình luận, sức lan tỏa nhanh có tác dụng truyền thông lớn...

     Với vai trò ngày một nâng cao, nhiều người không ngần ngại gọi truyền thông xã hội như một “đặc khu thông tin”. Tất nhiên, truyền thông xã hội không chỉ có mỗi mặt tích cực mà còn có những mặt tiêu cực đó là: Truyền thông xã hội có nhiều thông tin sai lệch thiếu thực chứng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đi đầu và kéo báo chí chính thống lao vào những vấn đề nhạy cảm hoặc xâm phạm cá nhân…

Vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý thông tin truyền thông là không thể xóa bỏ hoàn toàn mà chỉ là hạn chế tối đa mặt xấu của truyền thông xã hội; đồng thời cần tận dụng truyền thông xã hội cho các mục đích tốt đẹp.

Hợp tác để cùng tồn tại

Mặc dù truyền thông xã hội đang lớn mạnh và cạnh tranh với báo chí nhưng các chuyên gia báo chí truyền thông tin rằng nếu biết hợp tác để cùng tồn tại thì cả truyền thông xã hội và báo chí sẽ cùng được hưởng lợi.

PGS, TS Đoàn Thế Hanh (Tạp chí Cộng sản) cho rằng: Lợi ích lớn nhất là càng ngày truyền thông xã hội sẽ là nguồn cung cấp thông tin, đề tài rộng rãi cho các nhà báo. Một địa điểm đẹp, một món ăn lạ, một biến cố đang xảy ra... ngay lập tức sẽ có những người sử dụng truyền thông xã hội chia sẻ cho bạn bè. Nhà báo nào biết được thông tin và nhanh nhạy lần theo thông tin sẽ đi trước các nhà báo khác, chiếm ưu thế trong cuộc đua tìm tin tức, đặc biệt là “tin độc”. Vô hình trung, những người sử dụng truyền thông xã hội sẽ là “cộng tác viên không lương” của các nhà báo. Truyền thông xã hội cũng có vai trò quan trọng khi quảng bá thông tin báo chí rộng rãi theo cấp số nhân, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của của một cơ quan báo chí cụ thể. Và nhân đây báo chí cũng có thể thăm dò dư luận về một vấn đề nào đó thông qua truyền thông xã hội.

Bên cạnh những thông tin lạ và “nóng”, trên truyền thông xã hội cũng tràn ngập các tin tức hoàn toàn không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, báo chí phải tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin của truyền thông xã hội. Qua đó, báo chí góp phần định hướng thông tin trên mạng xã hội.

     Để mối quan hệ hai chiều giữa truyền thông xã hội với báo chí phát triển một cách tích cực, các nhà quản lý thông tin truyền thông đề xuất cần sửa đổi Nghị định 97/CP và đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; chính sách thuế đối với cơ quan báo chí. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng truyền thông xã hội và phóng viên các cơ quan báo chí về nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Tránh tình trạng người sử dụng truyền thông xã hội phát biểu và đưa thông tin thiếu tính xây dựng, bịa đặt với mục đích xấu; riêng với nhà báo là tình trạng lười biếng ỷ lại vào truyền thông xã hội, đưa tin sai sự thật do dựa theo nguồn tin từ truyền thông xã hội chưa được kiểm chứng.

Một trong những kế hoạch được chú trọng trong thời gian tới là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của một số hành vi vi phạm pháp luật trên truyền thông xã hội. Và đặc biệt là cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái một cách cụ thể, có trọng tâm trọng điểm.

Trong một cuộc hội thảo đương nhiên không thể cùng một lúc đưa ra mọi giải pháp đúng đắn cho một vấn đề phức tạp và đang phát triển như vấn đề thông tin trên truyền thông xã hội tác động lên báo chí. Nhưng chí ít, hội thảo này đã gợi mở cho các cơ quan chức năng nhận ra tầm quan trọng của truyền thông xã hội và qua đó cần bám sát thực tiễn để đưa ra những chính sách vĩ mô nhằm tận dụng mặt tích cực của truyền thông xã hội.

LINH THIÊN