Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

TRÌNH DIỄN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ I: GÌN GIỮ TRANG PHỤC GỐC


Sau gần một năm có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chương trình “Trình diễn các trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất” đã được Ủy ban Dân tộc triển khai bằng việc thành lập ban tổ chức, hội đồng tư vấn, ban hành các văn bản hướng dẫn. Đến nay,  còn gần một tháng đến thời điểm trình diễn, song tất cả các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc tuyển chọn.   

           Giàu tính văn hóa 

          Hoàn thành một khối lượng công việc lớn chỉ trong một thời gian ngắn chưa phải là “điểm sáng” đáng nói nhất của chương trình, mà là Ban tổ chức đã xác định mục đích, yêu cầu của chương trình một cách đúng đắn ngay từ ý tưởng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Chương trình trình diễn các trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức có thể xem là cuộc kiểm kê trang phục gốc, từ đó có hướng bảo tồn thích hợp. Vì vậy, ngay từ đầu, không ai nghĩ đến việc thi các trang phục mà chỉ là trình diễn.

      Thực ra, việc kiểm kê trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam có thể thực hiện bằng một đề tài khoa học. Song, một cuộc trình diễn đậm chất văn hóa có khả năng thu hút người trình diễn lẫn người xem, tạo ra cơ hội giao lưu giữa các dân tộc anh em sẽ hơn hẳn sự khô khan và khó phổ biến của một công trình nghiên cứu. Mặt khác, không có trang phục nào có giá trị văn hóa cao hơn trang phục nào, mà sự giàu có của văn hóa nằm ở tính đa dạng nên tổ chức trình diễn là phù hợp, thiết thực và tiết kiệm.

          Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) đồng thời là Ủy viên thường trực Ban tổ chức cho biết thêm các yêu cầu đối với trình diễn đó là: Trang phục trình diễn phải là trang phục gốc không cách điệu, tập trung ở trang phục sinh hoạt và trang phục lễ hội; người dân tộc nào thì trình diễn trang phục dân tộc đó, không dùng người “đóng thế”; độ tuổi người trình diễn là từ 18 đến 40 tuổi, chiều cao tối thiểu là 1m60 (nam) và 1m50 (nữ); người trình diễn được quyền mang theo các đạo cụ nhỏ…

         Không chỉ có thuận lợi, chương trình trình diễn gặp khó khăn khách quan là việc xác định bộ trang phục gốc. Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chia sẻ: Trong ngành âm nhạc còn đang tranh luận đâu là làn điệu gốc thì việc xác định chính xác đâu là trang phục gốc của từng dân tộc hoặc chi phái của một dân tộc là việc bất khả. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn sẽ xây dựng quy chế thẩm định cụ thể như: Mẫu trang phục nào được sử dụng lâu nhất, kiểu dáng phổ biến nhất, mẫu trang phục nào được đại đa số sử dụng nhất… thì được xem là trang phục gốc.

          Ông Hoàng Xuân Lương cung cấp thêm thông tin quan trọng: Chương trình trình diễn trang phục truyền thống sẽ góp phần thực hiện đề tài cấp Nhà nước để nghiên cứu, xác định lại thành phần các dân tộc Việt Nam dự kiến kéo dài trong 3 năm (2012-2015). Năm 1979, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam có 54 dân tộc anh em nhưng  thực tế thì có gần 20 chi phái trong các tộc người muốn  xác định lại tên dân tộc mình vì họ có trang phục và tiếng nói riêng.

          Nhà nước ra tay!

          Trang phục của các tộc người thiểu số không chỉ đơn thuần là che thân, bảo đảm sức khỏe mà con mang giá trị văn hóa. PGS Nguyễn Từ Chi - chuyên gia về người Mường đã phát hiện rằng: Trang phục phụ nữ Mường với ba phần: Áo, cạp váy và váy như mô hình hóa quan niệm vũ trụ “ba tầng, bốn thế giới” của người Mường. Cạp váy (giống như thắt lưng) đại diện cho tầng người sống nên được trang trí nhiều và các hoa văn cạp váy là nơi duy nhất còn lưu lại được dư ảnh của nghệ thuật Đông Sơn.

          Chính vì tầm quan trọng của trang phục trong việc phân biệt các tộc người, cung cấp các dữ liệu tin cậy để lý giải lịch sử và văn hóa tiền nông nghiệp cho nên việc gìn giữ trang phục truyền thống của các tộc người thiểu số là điều cấp thiết. Càng cấp bách hơn vì nguy cơ trang phục biến mất hoặc bị đồng hóa tự nhiên đã hiển hiện trước mắt. Đơn cử, hầu hết các chương trình ca múa nhạc đều sử dụng trang phục cách điệu, các trang phục dân tộc bày bán ở các điểm du lịch giờ đây đa số sản xuất theo lối công nghiệp, thêm vào đó là sự "đổ bộ" của trang phục kiểu Âu-Mỹ lên vùng đồng bào dân tộc sinh sống… Những điều trên sẽ khiến đồng bào quên đi cách sản xuất thủ công và không ưa mặc trang phục truyền thống. Vì xu hướng trên không thể đảo ngược nên không thể bảo tồn trang phục truyền thống theo kiểu vận động thuần túy mà chỉ còn trông chờ các hành động bảo tồn cụ thể từ Nhà nước.  
          Thời gian qua, việc lưu giữ các trang phục truyền thống ở các bảo tàng chuyên ngành và đặc biệt là sự ra đời của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ sự quyết tâm và hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo tồn trang phục truyền thống, tuy nhiên chừng đó vẫn là chưa đủ.

           Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS-TS Đỗ Lai Thúy cho rằng: Cần phải nhân rộng mô hình “bảo tàng sống” trên toàn quốc, nghĩa là những nơi nào có đông một tộc người sinh sống thì chọn lấy một bản để bà con sinh hoạt, ăn mặc như ngàn đời nay. Ông Hoàng Xuân Lương đưa ra một sáng kiến: Nếu có thể dùng biện pháp hành chính yêu cầu các cán bộ người dân tộc thiểu số khi làm việc hoặc hội họp nên mặc trang phục truyền thống để làm mẫu cho đồng bào noi theo. Hai ý kiến trên nếu đưa vào thực hiện thì cần có kinh phí và các văn bản pháp quy, tất cả phải chờ Nhà nước ra tay!

 (BOX):
        Sau các cuộc tuyển chọn ở cơ sở, 255 thí sinh gồm đầy đủ 54 dân tộc đến từ 63 tỉnh, thành phố sẽ trình diễn các trang phục truyền thống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vào 20 giờ ngày 28-11. Cuộc trình diễn sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam. 

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

THỜI ĐÀM (XIV): BÌNH THƯỜNG NHƯ... CÂN ĐƯỜNG HỘP SỮA!



Mãi đến những tháng cuối năm 2011, lĩnh vực xuất bản mới có một ấn phẩm tạo ra dư luận chia làm hai phe khen-chê sôi nổi. Bất ngờ hơn, không phải một cuốn sách ken đầy chữ mà chỉ là cuốn thành ngữ sành điệu bằng tranh mang tên Sát thủ đầu mưng mủ (NXB Mỹ thuật và Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam) của họa sĩ Thành Phong mới nguyên do của những tranh cãi bất phân thắng bại.

Việc biên soạn những từ ngữ “lệch” này đã có tiền lệ với cuốn Sổ tay từ-ngữ lóng tiếng Việt (NXB Công an nhân dân, 2008) do Đoàn Tử Huyến và Lê Thị Yến soạn theo kiểu từ điển bỏ túi, giải thích nghĩa các từ lóng rõ ràng. Sát thủ đầu mưng mủ rất khác bởi ngoài những từ lóng ghép thành câu có ý nghĩa (ví dụ: Phi công trẻ lái máy bay bà già), nhiều câu thành ngữ được tuyển chọn chỉ là cách chơi chữ về âm (ví dụ: Đau khổ như con hổ) mà không có ý nghĩa nào cụ thể. Chưa kể một số hình minh họa khá thô, diễn đạt chưa đúng ý nghĩa của thành ngữ. Đó là những cơ sở cho những người chê cuốn truyện tranh là nhảm nhí, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Họ đặt câu hỏi chính đáng: Sẽ ra sao nếu như những người trẻ chưa đủ hiểu biết, sử dụng bừa bãi những thành ngữ sành điệu này?

Ở chiều ngược lại, những người thích cuốn truyện tranh cũng có lý khi lập luận rằng: Những thành ngữ trên chỉ là những câu nói dùng trong tán gẫu của một bộ phận thanh niên thời nay, cộng với những minh họa ngộ nghĩnh có tác dụng xả “xì-trét”. Một vài hình minh họa vô cùng sáng tạo đầy ý nghĩa, ví dụ: Dã man như con ngan là câu vô nghĩa nhưng họa sĩ đã vẽ hình một ngan già cầm cổ ngan con bắt ăn, gợi người đọc đến chuyện các bảo mẫu hành hạ trẻ em từng khiến dư luận căm phẫn. Về cơ bản, cuốn truyện tranh này chỉ đọc cho vui, chứ có cho tiền cũng chẳng ai dại dùng thành ngữ sành điệu vào trong văn bản hành chính hoặc trong ngữ cảnh giao tiếp sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực! Vì vậy, không nên quá lo lắng đến mặt chưa tích cực của cuốn sách.  

Muốn khen hay chê cuốn thành ngữ sành điệu bằng tranh hay nói rộng ra là ngôn ngữ lóng cần phải hiểu đúng bản chất của hiện tượng ngôn ngữ này. Giả dụ, đây là lần đầu tiên và cuối cùng kiểu ấn phẩm tập hợp những câu nói thời thượng được phát hành thì cũng không thể ngăn chặn cách nói này ngừng lan truyền, vì nó vẫn tiếp tục tồn tại ở môi trường internet với tốc độ nhanh như… tên lửa. Sâu xa hơn, cơ chế sản sinh của những thành ngữ này là cách diễn đạt hài hước xuất phát từ hiện thực cuộc sống; chẳng hạn, lối sống thực dụng của một vài kiều nữ luôn cặp với đại gia ngày càng phổ biến thì câu: Trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng, sớm muộn gì cũng xuất hiện! Vì mang trong mình “chất sống” của hiện thực mà ngôn ngữ lệch chuẩn này đi vào đời sống và văn chương (tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng…) một cách tự nhiên. Với những câu chỉ là biến tấu từ vỏ âm thanh mà vô nghĩa thì chắc chắn vẫn sẽ sinh sôi vì tiếng Việt là ngôn ngữ đa âm tiết, giàu nhạc tính sẽ gây cảm giác thích thú khi nghe. Chính những lí do trên mà ở nước ta lẫn các nước trên thế giới, chưa một nhà ngôn ngữ học lẫn người quản lý văn hóa nào có ý định “dẹp bỏ” triệt để những ngôn ngữ không chuẩn mực!

Đã không thể kiểm soát được sự sinh sôi của thành ngữ sành điệu thì chỉ có cách hướng dẫn những người sử dụng, nhất là giới trẻ dùng đúng nơi đúng lúc. Sự giáo dục kiên trì và lâu dài mới hình thành thói quen văn hóa kiểu như việc đi lễ chùa thì không ăn mặc hở hang! Với những người vô văn hóa, họ sẽ ít dùng những câu thành ngữ hài hước vài ba từ này, vì những con người kể trên ít không có tính hài hước, hễ bực tức sẽ phun ra một đến hai từ ngắn gọn và đầy tục tĩu. Vì vậy, không nên quá lo lắng vì mặt trái của những thành ngữ sành điệu, hãy cứ để mọi việc phát triển bình thường như… cân đường hộp sữa!

                                                HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

DỰ ÁN "KHẢO SÁT, NGHIÊN CỨU CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ BÁO CHÍ TÁC NGHIỆP": TÂM HUYẾT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ NHÀ BÁO


 
(Chú thích ảnh: Trần Xuân Thanh (trái) đã bị phạt 6 tháng tù giam theo Điều 257 Bộ luật Hình sự do hành hung 2 phóng viên kênh VTC14 và báo An ninh Thủ đô-thành viên có chân trong đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra hành lang an toàn đường sắt ở khu vực xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 14-6-2011. Ảnh: Vtc.vn)  

Chỉ tính từ tháng 8 đến 10-2011, đã có 6 vụ nhà báo bị cản trở tác nghiệp. Con số cho thấy việc cản trở nhà báo tác nghiệp có xu hướng tăng; trong khi, chưa có bất cứ nghiên cứu bài bản, toàn diện nào về tình trạng trên. Tháng 6-2011, được sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, RED Communication (Tổ chức khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã đứng ra khảo sát nghiên cứu các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp và mới đây đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp” tại Hà Nội.

Nghiên cứu thiết thực, kịp thời

Cản trở nhà báo tác nghiệp là một vấn đề “nóng”, cho nên Hội thảo không chỉ thu hút giới báo chí mà còn có sự góp mặt của đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam… Kết quả nghiên cứu của dự án được in thành tập tài liệu hơn 100 trang đã phản ánh khá toàn diện thực trạng cản trở nhà báo tác nghiệp.

Đáng nói hơn, phương pháp nghiên cứu dự án mang tính khoa học cao, có thể làm mẫu cho các nghiên cứu khác. Việc khảo sát được thực hiện từ ngày 1-7 đến 15-8-2011 theo hai hình thức: Khảo sát trên 6 báo điện tử với nhóm bạn đọc được xác định trước. Khảo sát trực tiếp với 384 người làm báo (trong đó 41,93% chưa có thẻ nhà báo) bằng 17 câu hỏi có sẵn và 60 nhà báo, cán bộ liên quan đến tác nghiệp báo chí.

327/384 (tức 87,9%) người làm báo thừa nhận đã từng bị cản trở trong công việc. Những người làm báo cũng nhận diện 12 nhóm hành vi cản trở bao gồm: Né tránh cung cấp thông tin, gây cản trở, mua chuộc, gián tiếp ngăn chặn, thu giữ phương tiện tác nghiệp, phá hủy phương tiện tác nghiệp, đe dọa, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công gây thương tích, trả thù.    

Các hành vi cản trở báo chí ở Việt Nam tuy tinh vi nhưng chưa có nhiều ảnh hưởng đến tính mạng nhà báo như ở nước ngoài; cho nên, hậu quả của các hành vi cản trở báo chí mới thuộc dạng “nhẹ” đó là: Không viết được bài (69,01%), mất tinh thần (30,47%), thiệt hại về thân thể (17,45%), bỏ nghề (2,34%)...   

Nguyên nhân của các hành vi tác nghiệp là rất đa dạng, trong đó cũng có phần do chính nhà báo tự… chuốc họa vào thân. Bà Hà Kim Chi (Trưởng ban Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam) lấy ví dụ về nhiều trường hợp các nhà báo không đặt lịch hẹn làm việc, hoặc thiếu lịch sự khiến đối tượng không nhiệt tình cung cấp thông tin. Mặt khác, nhiều nhà báo bị cản trở khi nhà báo có dụng ý xấu khi đặt vấn đề làm việc hoặc không khách quan khi đặt vấn đề làm việc.

Một nguyên nhân khách quan là do người làm báo chưa có thẻ nhà báo, có nghĩa 5.000/17.000 người đang hoạt động báo chí bị gạt ra khỏi việc tiếp cận sự thật do chưa được công nhận là nhà báo.

Nguyên nhân khác xuất phát từ phía cơ quan báo chí là do tòa soạn chưa đủ uy tín, nội bộ tòa soạn mất đoàn kết không bảo vệ được người làm báo. Ông Nguyễn Thanh Hà (Tổng thư ký toàn soạn VTC News) nói thêm, điều này giải thích vì sao, nhiều phóng viên trẻ ganh đua vào làm việc ở một số cơ quan báo chí nhất định, không phải chỉ vì thu nhập tốt mà do cơ quan luôn hỗ trợ các phóng viên trong các tình huống nguy hiểm.

Song, nguyên nhân chính của các hành vi cản trở báo chí đều xuất phát từ đối tượng cản trở; trong đó bị cản trở từ nhân viên và cán bộ Nhà nước là cao nhất (75,26%), từ doanh nghiệp (42,97%), đối tượng xã hội (côn đồ, lâm tặc, buôn lậu...) là 38,8%...

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên không thể hạn chế các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp. Luật chuyên ngành đã có nhiều quy định, mới nhất là Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 với nội dung phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng đối với các hành vi sau: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; Hủy hoại, cố tình làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo”. Trên thực tế, các vụ hành hung người làm báo bị xử lý rất ít. Lí do là các bên liên quan chưa thống nhất xem hoạt động báo chí là một hoạt động công vụ để qua đó sử dụng Điều 257 Bộ luật Hình sự: “Tội chống người thi hành công vụ” để khởi tố những kẻ hành hung nhà báo.

Đề xuất các giải pháp toàn diện

Trong khuôn khổ một ngày của Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà báo cho rằng: Để bảo vệ các nhà báo tốt hơn cần có các giải pháp toàn diện. Quy định pháp luật chưa được triển khai trên thực tế là do xã hội chưa nắm bắt được đầy đủ quy định về hoạt động báo chí, quyền tác nghiệp hợp pháp của phóng viên. Cho nên, truyền thông để tuyên truyền giáo dục là giải pháp đầu tiên và mang tính liên tục để góp phần gián tiếp bảo vệ người làm bá trong quá trình tác nghiệp.

Nhưng trước mắt, các cơ quan chức năng cần kiện toàn pháp luật, xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi cản trở, phân loại theo mức độ nguy hiểm để có mức phạt tương ứng…; thống nhất trong nhận diện và xử phạt các đối tượng gây cản trở cho người làm báo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần: Xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin, xử lý thông tin giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, và các cơ quan báo chí khi giải quyết các vụ việc cản trở. Xây dựng kênh tiếp nhận thông tin về tình hình cản trở, hành hung nhà báo từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Xây dựng cơ chế phối hợp (thông tư liên tịch) giữa ngành thông tin và truyền thông với ngành công an trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến cản trở người làm báo.

Các nhà báo cũng đề xuất một vài để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam đó là: Tăng cường nhân sự cho Ban Kiểm tra Trung ương Hội theo hướng tăng cường số lượng cán bộ chuyên trách. Các cấp Hội mở lớp đào tạo cho người làm báo về kỹ năng tác nghiệp nhằm đối phó với những cản trở tác nghiệp. Kiến nghị xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho họt động tác nghiệp của phóng viên. Truyền thông rộng rãi trong công chúng về vị trí, vai trò của Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phóng viên.

Những kiến nghị từ báo cáo kết quả dự án và những kiến nghị trực tiếp của những người làm báo trong Hội thảo vừa là tiếng nói tâm huyết vừa là cơ sở khoa học, chuyển đến các cơ quan chức năng để xây dựng các giải pháp đồng bộ mà quan trọng nhất là các văn bản pháp quy để bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của người làm báo.   

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

NOBEL VĂN HỌC 2011: NHÀ THƠ CỦA NHỮNG THAO THỨC SIÊU HÌNH



1. Vào mỗi mùa trao giải Nobel, Nobel Văn học luôn là giải thưởng tạo ra nhiều sự tranh cãi. Ngoài lí do văn chương luôn có những đánh giá khác nhau dựa trên nhiều cách đọc; giải thưởng Nobel còn tạo hay trao cho những gương mặt quá mới mẻ như Cao Hành Kiện (Nobel 2000), Herta Muller (Nobel 2009) hoặc những người dính líu đến chính trị như Orhan Pamuk (Nobel 2006).  

Chính vì sự khó lường nên không chỉ được những người trong nghề theo sát từng giờ mà còn là dịp để… dân cá cược trổ tài! Hai ngày trước giờ công bố giải thưởng, nhiều người đã tin tưởng đổ tiền để đưa nhà thơ Adonis (Xi-ri) lên đầu bảng với tỷ lệ cá cược là 4/1. Adonis được đặt nhiều kỳ vọng vì từ lâu ông được đánh giá là nhà thơ viết bằng ngôn ngữ Ả-rập quan trọng nhất; mặt khác, Adonis được “tiếng thơm” khi lên tiếng phê phán chính phủ Xi-ri không nên đàn áp người biểu tình.

Một nhà văn khác luôn đứng đầu danh sách dự đoán là Haruki Murakami (Nhật Bản) với tỷ lệ 8/1. Tuy nhiên, tác giả tiểu thuyết Rừng Na Uy thuộc kiểu nhà văn ăn khách thường không được Viện Hàn lâm Thụy Điển để ý. Một dạng nhà văn khác cũng không được dân cá cược tin tưởng đó là những nhà văn cách tân mà đại diện là Thomas Pynchon-tác giả tiểu thuyết Cầu vồng của trọng lực.

Trường hợp nhà thơ Tomas Tranströmer của nước chủ nhà Thụy Điển được xem là có nhiều biến động kỳ lạ tại nhiều hãng cá cược. Lúc đầu, ông ở vị trí cao với tỷ lệ cá cược ở tầm 7/1. 10 tiếng trước khi công bố giải thưởng, ông bị văng ra khỏi tốp 5-điều mà chẳng mấy người ngạc nhiên vì quy luật trên đã diễn ra nhiều năm. Nhưng bất ngờ 7 giờ đồng hồ sau, dân cá cược khắp nơi dồn tiền vào cái tên Tomas Tranströmer khiến ông vọt lên đầu bảng. Và vào lúc 13 giờ (tức 18 giờ theo Việt Nam) ngày 6-10, Peter Englund-Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố: Tomas Tranströmer là người đoạt giải Nobel văn học 2011.

2. Dân cá cược dồn tiền vào cái tên Tomas Tranströmer sát giờ công bố giải xuất phát từ những suy luận logic: Giải năm nay đã được dự đoán sẽ trao cho một nhà thơ vì kể từ Wisława Szymborska (Nobel 1996) chưa nhà thơ nào được vinh danh. Nếu là nhà văn Thụy Điển thì kể từ năm 1974 khi bộ đôi nước chủ nhà là Eyvind Johnson và Harry Martinson ẵm giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển chưa trao cho những người đồng hương thêm một lần nào. Mặt khác, nếu trao giải cho Adonis, Viện Hàn lâm Thụy Điển gần như công khai ủng hộ làn sóng cách mạng “Mùa xuân Ả-rập” vẫn còn nóng bỏng, qua đó tạo ra những tranh cãi không cần thiết. Mấy yếu tố trên chỉ là phụ, cái chính là sự nghiệp thơ của Tomas Tranströmer đã được khẳng định với toàn thế giới khi thơ ông được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ khác nhau và vô số các giải thưởng văn học quan trọng như: Giải Aftonbladets, Giải Bonnier cho thơ, giải Neustadt, giải Petrarca-Preis… Vì vậy, Nobel năm nay là một Nobel xứng đáng và sẽ không gây ra sự tranh cãi.

Tiểu sử cuộc đời của Tomas Tranströmer sẽ không làm nhiều người ưa chuyện giật gân thích thú. Ông không phải là mẫu nhà văn thích xê dịch như Jean-Marie Gustave Le Clézio (Nobel 2008) hay tham gia hoạt động chính trị như Mario Vargas Llosa (Nobel 2010)…, cả đời ông làm việc trong ngành tâm lý học (chuyên nghiên cứu tội phạm vị thành niên) và lặng lẽ sáng tác thơ. Đến ngay như quan niệm làm thơ của ông cũng rất giản dị: “Viết một bài thơ chẳng bao giờ dễ dàng, nhưng khi có thể viết được, thì đó là một thứ tâm trạng vui chơi nhưng đồng thời lại nghiêm túc”. 

Tomas Tranströmer sinh ngày 15-4-1931 tại thủ đô Stockholm, trong một gia đình trí thức (bố là nhà báo và mẹ là giáo viên). Ông bén duyên với thơ ca từ khi còn học phổ thông với nhiều bài thơ xuất hiện trên các báo. Thi tài của ông được khẳng định ở quê nhà ngay từ tập thơ đầu tiên mang tên 17 bài thơ (1954). Các tập thơ tiếp theo khẳng định Tomas Tranströmer là nhà thơ Bắc Âu vĩ đại nhất còn sống. Tên tuổi của ông cũng sớm vượt ra ngoài biên giới Thụy Điển nhờ bản dịch tiếng Anh của nhà thơ Mỹ Robert Bly và nhanh chóng được xem như như một bậc thầy thơ ca. Nhà thơ Joseph Brodsky (Nobel 1987) ca ngợi Tomas Tranströmer: “Nhà thơ có tầm quan trọng bậc nhất, có sự thông minh không thể tưởng tượng nổi… Tôi đã đánh cắp hơn một ẩn dụ của ông”.

Sức hút của Tomas Tranströmer sớm lan đến các nhà thơ-dịch giả Việt Nam biết đến từ những năm 1980. Đặc biệt, cuốn sách: Toàn tập thơ: Mười một tập (1954-1996) dày hơn 300 trang của Tomas Tranströmer đã được nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (N.X.S) chuyển ngữ từ tiếng Pháp do NXB Văn học ấn hành năm 2000 với sự đồng ý của tác giả và sự tài trợ của Viện Thụy Điển ở Stockholm. Một số bài thơ trong cuốn sách này cũng được trichs trong cuốn Thơ Thụy Điển (NXB Hội nhà văn, 2009).

3. Thành thực mà nói, để nắm bắt đầy đủ nghệ thuật thơ Tomas Tranströmer phải là một người biết tiếng Thụy Điển. Do quá trình dịch thơ nên tính nhạc trong thơ Tomas Tranströmer bị mất đi rất nhiều. Tuy nhiên, những gì còn lại, nhất là cách ông nhìn con người và thế giới vẫn đủ giúp người đọc hình dung về một tài năng thơ ca hiếm có. Lời nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể xem là một dẫn nhập hữu ích để tiến vào thế giới thơ Tomas Tranströmer: “Qua những hình ảnh súc tích và trong mờ, ông đưa chúng ta tiệm cận sự mới mẻ của hiện thực. Ông viết về những vấn đề lớn: Về cái chết, lịch sử, ký ức, thiên nhiên. Bạn không bao giờ cảm thấy nhỏ bé sau khi đọc thơ của Tomas Tranströmer”. Tuy hình thức thơ Tomas Tranströmer thay đổi theo thời gian nhưng tựu chung ông luôn là người đổi mới ngôn ngữ thơ ở hình tượng thông qua phép ẩn dụ. Nhờ vậy, mỗi hình ảnh được đổi mới sẽ gián tiếp giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ, trong sáng, hồn nhiên và sống động trước một sự vật hay sự việc tưởng chừng đã được thấu hiểu.

Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, nhất là tập thơ đầu tay, Tomas Tranströmer ưa thích hình thức thơ cổ điển có vần luật với sự miêu tả đầy lãng mạn, qua giọng thơ thể hiện sự chính xác của cảm quan, chẳng hạn như bài thơ Ostinato (Thuật ngữ âm nhạc chỉ sự lặp lại nhạc điệu giọng trầm):

Dưới cái điểm bất động của xác thuyền đắm giạt vào bờ, đại dương vung vẩy và gầm lên trong ánh sáng, mù quáng gặm hết dãy hàng rào cỏ biển, và thổi phả bọt sóng vào bờ.

Mặt đất tự bao phủ mình bằng lớp dày bóng tối đàn dơi bay đo chiều dài bằng tầm cánh bay. Xác thuyền đắm đứng im và tự biến thành ngôi sao. Đại dương tiến về phía trước vừa gầm rú vừa thổi bọt sóng vào bờ. (N.X.S dịch).

Song, ở những tập thơ tiếp theo, Tomas Tranströmer có sự chuyển đổi thi pháp theo hơi hướng của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) với những hình ảnh tân kỳ xuất lộ từ tiềm thức. Chủ nghĩa siêu thực được chủ soái của phong trào là nhà thơ Pháp André Breton (1896-1966) định nghĩa trong Tuyên ngôn chủ nghĩa siêu thực lần thứ nhất là: “Cơ chế tự động của tâm lý thuần khiết dùng để diễn đạt hoạt động đích thực của tư tưởng hoặc bằng ngôn từ, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng các cách thức khác. Được tư tưởng xui khiến, vắng mặt mọi sự kiểm soát của lý trí, ngoài mọi thành kiến mỹ học và đạo đức”. Vốn là nhà tâm lý chuyên nghiệp, Tomas Tranströmer thừa nhận ảnh hưởng từ tiềm thức đến công việc sáng tạo của mình: “Mọi thứ đều đến từ bên trong, từ tiềm thức. Đó là cái nguồn của mọi thứ. Tôi có nhiều phương tiện để đáp ứng với những gì tôi nhận được từ nội tâm, nhưng tôi không bao giờ bảo chính mình phải viết về một điều gì đó”. Đọc những câu thơ như: Tảng nước đá treo ở bờ mái nhà/ Băng giá: kiến trúc gôtic bị đảo ngược/Những con vật trìu tượng, những vú bằng kính. (bài thơ Sáu mùa đông, N.X.S dịch), dễ nhận ra một lối viết gần với lối viết tự động (écriture automatique) với sự liên kết tự do các ý tưởng, sử dụng các hình ảnh như là biểu tượng theo lối tư duy tiền logic. Song, dù có tân kỳ bao nhiêu, ông vẫn giữ được sự trong sáng, độ sâu sắc ba chiều hiếm có của hình ảnh rút ra từ cách nhìn sâu vào đối tượng. Và để diễn đạt hình ảnh từ trong tiềm thức khá khó khăn như lời ông tự nghiệm: “Có khi hình ảnh hiện rõ một điểm cố định với những con chữ chính xác để diễn tả. Nhưng đôi khi, nó đến như một hình ảnh mà ngôn từ bất lực và tôi phải vất vả để làm chữ”.

Cũng chính ở giai đoạn này, thơ của Tomas Tranströmer bắt đầu hình thành tư tưởng rõ rệt. Có thể xem, Tomas Tranströmer là nhà thơ của những thao thức siêu hình, tương tự như suy nghĩ của nhà triết học người Đức Immanuel Kant (1724-1804): “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi” (Phê phán lý tính thực hành, NXB Tri thức, 2007). Đối với ông, con người là bí ẩn, tự nhiên là một dạng câu đố cần giải mã, cái thực và hiện tồn là những điều huyền bí. Như vậy, thơ của ông để chiêm nghiệm những vấn đề bản thể của con người và thiên nhiên.
          
Theo thông lệ trao giải Nobel, tháng 12 tới Tomas Tranströmer sẽ đọc một diễn từ, nhưng với di chứng của đột qụy từ năm 1990 ông liệt nửa người nên không thể tự mình nói lên suy nghĩ về văn chương và cuộc đời. Có thể, nhà thơ thuở thiếu thời ước mơ làm một nhạc sĩ sẽ chơi dương cầm bằng tay trái, thay vì đọc một diễn từ. Và lúc đó, ông sẽ lại đắm mình vào ký ức tuổi hai mươi-cái tuổi khởi đầu của 17 bài thơ êm dịu như những bản đàn!

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (IV): "NHÀ TRƯỜNG THẤT BẠI THÌ CẢ XÃ HỘI THẤT BẠI"

Ngày 10-10 là hạn chót để các trường đại học, cao đẳng hoàn tất việc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 đã trôi qua. Tuy nhiên, nhiều ngành học ở hàng loạt trường đại học, cao đẳng đã lâm vào tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu, dẫn đến việc phải đóng cửa.

Nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh trên nằm ở cơ chế “một cửa” quá thông thoáng khiến việc mở nhiều ngành học mới quá dễ dàng. Thêm vào đó, khâu hậu kiểm còn “lỏng”, dẫn đến những kẽ hở để các trường đại học, cao đẳng không thực hiện đúng những cam kết về chất lượng đào tạo.

Trình trạng “cung đã vượt cầu” quá nhanh khiến ngày “sập tiệm” của một số trường đại học ngoài công lập đến sớm hơn, và các nhà đầu tư bắt đầu hiểu rằng: Giáo dục không phải là lĩnh vực dễ hốt bạc như tưởng tượng! Nhưng chịu thiệt thòi nhiều hơn là những sinh viên đã và đang học ở các ngành mới mở. Cơ sở vật chất của trường chủ yếu đều đi thuê nên không đảm bảo được khâu thực hành. Giáo trình được soạn một cách vội vàng, nặng tính lý thuyết mà không có tính ứng dụng, khiến cho các sinh viên ra trường không đủ năng lực để hoàn thành công việc. Cá biệt, nhiều sinh viên sau khi ra trường lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Nhưng xét rộng ra, thiệt hại lớn nhất chính là đất nước đã bỏ lỡ một cơ hội để hình thành một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, khiến cho việc phát triển kinh tế-xã hội sẽ gặp không ít khó khăn. Mối quan hệ nhân-quả này đã được nhà nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Anh Tuấn chỉ rõ: “Nhà trường thất bại thì cả xã hội thất bại”.  

Mới đây, Bộ Giáo dục đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17-2-2011: “Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng”. Thông tư này đã có những điều khoản bắt buộc để mở ngành đào tạo và có quy trình kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về độ ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo. Đây có thể xem là bước sửa sai đúng lúc và đáng hoan nghênh nhưng vẫn chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

Về lâu dài, giáo dục đại học cần có một chiến lược lâu dài xuất phát từ một triết lý giáo dục phục vụ cộng đồng. Những người có ý định mở một ngành học mới cần phải tránh tư duy “thương mại hóa”. Giáo dục là để nâng cao trình độ nhân lực, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước chứ bản chất của giáo dục không phải là một hoạt động kinh doanh thuần túy. Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng cần phải khảo sát nhu cầu nhân lực mà các địa phương đang cần, tránh tình trạng đào tạo tràn lan kiểu “sống chết mặc bay” làm lãng phí nhân lực đã được đào tạo. Các trường đại học cần phải được phần tầng hợp lý để chia sẻ trách nhiệm đào tạo. Không thể để tình trạng một như ở tỉnh nọ, một ngành đã đủ biên chế ở địa phương là “sư phạm tiểu học” mà hai trường đại học trong tỉnh đó vẫn cứ tuyển sinh hàng năm, trong khi tỉnh đó lại thiếu các giáo viên mầm non, ngoại ngữ và tin học. Giáo dục đại học cần tập trung vào các ngành công nghệ cao, bởi dù có nhập công nghệ hiện đại nhưng không có người sử dụng thì hiệu quả sản xuất không thể đạt mức tối đa. 

Từ nay đến năm 2020-cái mốc hoàn thành mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không còn bao lâu, yếu tố con người là cái gốc của mọi thành công; chính vì vậy, nền giáo dục đại học cần có những thay đổi triệt, hoàn thành trọng trách đáp ứng đủ nhân lực chất lượng cao để giúp đất nước phát triển bền vững.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM: "ĐƯỜNG XA NGHĨ NỖI SAU NÀY MÀ KINH"


Theo dự kiến, vào ngày 14-10 tới đây, Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam sẽ diễn ra tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội) với sự tham gia của gần 300 hội viên sáng lập. Sự kiện này có thể xem một điểm sáng cho sinh hoạt khoa học văn chương vốn lâu nay trầm lắng.

1. Chúng tôi đến tìm nhà riêng TS Phan Tử Phùng (Trưởng ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam) ở số 2-Q37 Nguyễn An Ninh (Hà Nội) và được ông cho biết ngôi nhà này cũng là nơi đặt trụ sở tạm thời của Hội. Chưa có một trụ sở riêng với tiện nghi đầy đủ, có thể nhận ra sự khó khăn về kinh phí mà Hội đang gặp phải.

Tuy nhiên, TS Phùng tỏ ra lạc quan với vấn đề khó khăn tài chính bởi ông cho rằng khó khăn lớn nhất là Nhà nước cho phép Hội thành lập đã được giải quyết. Ông Phùng cho biết, Hội Kiều học được Bộ nội vụ cho phép thành lập theo quyết định số 1400/QĐ-BNV vào ngày 14-7-2011. Quyết định này chính thức kết thúc quá trình gần 3 năm ông Phùng cùng 13 người khác trong Ban vận động thành lập Hội làm hồ sơ xin phép Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; và bổ sung thêm văn bản ý kiến của một loạt các cơ quan tổ chức là: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Viện Hán Nôm, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Phùng giải thích, sở dĩ phải mất nhiều thời gian để được pháp luật thừa nhận do nhiều các cá nhân và tổ chức chưa nhận ra sự cần thiết phải của một Hội nghiên cứu chuyên sâu (thay vì là một Trung tâm nghiên cứu); trong khi lại mô hình Hội nghiên cứu chuyên sâu lại rất phổ biến ở nhiều nước như: Tổ chức Quốc tế nghiên cứu Balzac (GIRB) của Pháp hoặc Hội Hồng học (Hội nghiên cứu tiểu thuyết Hồng lâu mộng) của Trung Quốc…

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng có thể nhìn thấy trước triển vọng phát triển của Hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước tiên, Hội đã được các cơ quan chức năng công nhận để được hoạt động trong khuôn khổ các quy định của pháp luật, thêm nữa Hội còn có điều lệ cụ thể; cho nên, Hội sẽ có điều kiện phát huy ảnh hưởng của mình đối với hoạt động nghiên cứu Truyện Kiều trong nước và quốc tế một cách “chính danh”. Trong điều lệ của Hội Kiều học đã quy định hội viên của Hội có thể là bất cứ ai, miễn là người đó yêu mến Truyện Kiều và tuân thủ điều lệ của Hội. Vì vậy, sự lớn mạnh về số lượng và tầm ảnh hưởng đến dư luận chắc chắn sẽ được đảm bảo thay vì chỉ đặc tuyển hội viên là các nhà nghiên cứu.

Một điều nữa cần lưu ý, thước đo hiệu quả cao nhất trong hoạt động của bất cứ một Hội nghiên cứu nào vẫn là chất lượng của các công trình nghiên cứu. Sự khả thi trong kết quả nghiên cứu của Hội Kiều học là rất cao vì đa số nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội-nhân văn nói chung và nghiên cứu chuyên sâu truyện Kiều ở nước ta đều là thành viên sáng lập Hội như: GS Nguyễn Đình Chú, GS Nguyễn Duy Quý, GS Vũ Ngọc Khánh, GS Trần Đình Sử, PGS-TS Trần Nho Thìn, PGS-TS Đỗ Lai Thúy, PGS-TS Trương Đăng Dung… Thêm vào đó, một kiệt tác như Truyện Kiều thì không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa vì mỗi lý thuyết văn học đều có thể khai triển thêm các ý nghĩa mới từ văn bản Truyện Kiều.

2. Trong dự thảo chương trình hoạt động của Hội Kiều học trình đại Hội có tất cả 18 hoạt động. Đương nhiên vì đang là dự thảo nên thích “vẽ” ra bao nhiều hoạt động cũng chẳng làm sao, để đi vào các hoạt động thực sự được tiến hành còn cần phải được toàn thể hội viên biểu quyết thông qua.

Ngoài các hoạt động chuyên môn chỉ đang là… ước mơ và còn lâu mới có thể thực hiện như: Xây dựng dự án nhà lưu niệm Nguyễn Du ở nơi ông từng sống là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế…; các hoạt động chuyên môn còn lại có tính thiết thực cao hoàn toàn tiến hành trong nay mai như: Tổ chức việc phục nguyên một bản Kiều Nôm đạt đến mức đồng thuận cao nhất về câu chữ của nguyên tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (đã thất lạc), Hoàn chỉnh một bản Truyện Kiều quốc ngữ chính thức; Biên soạn và xuất bản cuốn Từ điển Truyện Kiều của Hội Kiều học trên cơ sở bổ sung, hoàn chỉnh cuốn Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh (NXB Khoa học xã hội, 1974); Sưu tầm, sao chụp, in ấn những bản Kiều Nôm, Quốc ngữ và các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài… Tuy thiết thực và cấp bách nhưng khó có thể thực hiện ngay vì ngoài khó khăn về vấn đề tài chính thì một điều hiển nhiên cần phải được lưu ý đó là rất khó để kêu gọi các nhà nghiên cứu chung tay hợp sức để nhanh chóng hoàn thành khối lượng công việc kể trên. Đơn cử, hiện tại, số lượng những người suốt đời nghiên cứu Truyện Kiều chỉ đếm trên đầu ngón tay; những nhà nghiên cứu văn học trung đại thì không ít nhưng họ còn có nhiều đối tượng nghiên cứu khác như: thơ Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm… Cho nên, Hội Kiều học rất dễ đi vào vết xe đổ là ôm đồm làm quá nhiều việc mà không hoàn thành được việc nào!

Thế nên, việc ra đời của Hội Kiều học Việt Nam là điều đáng mừng, nhưng với những công việc khó khăn của người trong cuộc thì những người ngoài cuộc cũng chỉ có thể nghĩ đến một câu Kiều để chia sẻ: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.  

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

VĨNH BIỆT NGƯỜI DIỄN VIÊN YÊU NGHỀ MÊ MẢI


Mỗi lần nhắc đến diễn viên, NSƯT Thu An, nhiều người trong nghề nói đùa: “U” Thu An sinh đúng ngày Quốc tế Lao động (1-5-1926), và phải chăng vì thế cả cuộc đời bà hiến dâng cho nghệ thuật thứ bảy và kể cả những công việc không tên khác? Như nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét về mẫu hình người đàn bà nông dân, Thu An đích thị là một nông dân từ trong bản chất, nghĩa là không bao giờ để mình trở thành một người “nhàn cư”. Cả đời bà không nề hà bất cứ vai diễn nào dù là vai chính hay vai diễn chỉ “lướt” qua màn hình, mỗi vai diễn đều được bà đầu tư thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng. Đến khi tuổi đã cao bà lại chọn những công việc nhẹ nhàng là chăm cây cảnh và trông nom quán nước trà để vui thú tuổi già.

Nhưng dẫu là con người yêu lao động, tha thiết với sự sống cũng phải đến lúc nghỉ ngơi. Vào 19 giờ 30 phút ngày 3-10-2011, diễn viên, NSƯT Thu An đã rời bỏ dương thế ở tuổi 85, sau hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy.

Bà vốn là con gái vùng chợ Bưởi-hồi ấy là ngoại thành Hà Nội. Bà tham gia cách mạng như bao thanh niên yêu nước cùng thế hệ với vai trò văn công của Sư đoàn 305. Năm 1956, bà bén duyên với điện ảnh bằng công việc của người lồng tiếng cho phim nước ngoài, rồi ít lâu sau bà chuyển sang đội ngũ diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam. Nói về sự nghiệp điện ảnh, có thể nhận xét NSƯT Thu An là người có “hậu vận” tốt. Với bất cứ ai theo đuổi nghệ thuật nói chung, hình như đều cảm nhận một sự thật là đôi khi sự nổi tiếng còn phải do có “số”! NSƯT Thu An không có “số” nổi tiếng từ những bộ phim đầu tay kiểu như NSND Trà Giang, NSƯT Thu Uyên, NSND Lan Hương, NSƯT Lê Vân…, mặc dù bà đều góp mặt ở các bộ phim kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Vai diễn đầu tiên của NSƯT Thu An là vai cô Cạn trong bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Chung một dòng sông (1959) và chính nhờ bộ phim này mà bà đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác thăm hỏi ân cần. Sau đó bà tham gia các cái vai diễn trong hàng loạt bộ phim như : Truyện vợ chồng anh Lực, Từ một cánh rừng, Những người đã gặp, Em bé Hà Nội, Làng Vũ Đại ngày ấy, Tướng về hưu… Nhưng đáng tiếc các vai diễn trên đều không phải là vai chính nên dấu ấn để lại khá nhạt nhòa.

Đến đầu những năm 1990, khi phim video bắt đầu xuất hiện, bà tham gia khá thường xuyên trong các phim: Đời mưa gió, Niềm tin của mẹ, Sum họp đêm giao thừa… và đặc biệt là vai chính trong phim Mẹ chồng tôi của đạo diễn Khải Hưng.

Mẹ chồng tôi là phim đầu tiên trong chương trình Văn nghệ chiều chủ nhật và bộ phim này có chỗ đứng trong lòng khán giả từ thủa phim truyền hình bắt đầu đến từng gia đình thông qua chiếc ti-vi, tất cả là nhờ vào tài diễn xuất của NSƯT Thu An. Chính nhờ vai diễn này mà bà mới thực sự được công chúng nhớ đến và được các bạn đồng nghiệp trẻ gọi với cái tên trìu mến: “U” Thu An hay “mẹ chồng tôi”. Có thể nói, bà sinh ra để diễn vai bà mẹ chồng này. Ngoại hình về già của NSƯT Thu An với nụ cười đôn hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc dài như cước rất hợp với bà mẹ chồng giàu đức bao dung. Nhưng ngoại hình “trời cho” mà không có đầu tư về diễn xuất thì không thể có một vai diễn để đời. Vai diễn của bà là một bà lão nông dân, trong khi cả đời bà chưa bao giờ làm việc đồng áng, nói vậy để hiểu rằng từng cảnh dắt trâu, làm vườn, quét nhà… trong phim tưởng chừng đơn giản cũng khiến diễn viên phải kì công trong thể hiện, nhất là trong bối cảnh làm phim truyền hình thiếu thốn trăm bề cách đây gần 20 năm.

NSƯT Thu An không còn nữa, nhưng nhiều người sẽ nhớ một diễn viên yêu nghề mê mải quên cả tuổi già, và cao hơn đó là một người tốt. Giờ đây mỗi lần đi qua số nhà 672 đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), người ta không còn nhìn thấy hình bóng của “mẹ chồng tôi” Thu An đang dõi mắt nhìn ra đường với ánh mắt bao đỗi hiền từ.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

THỜI BÁO MÊ KÔNG RA SỐ ĐẦU TIÊN


 
(Một phút dành cho quảng cáo^^)

Thời báo Mê Kông cơ quan của Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (Vlacaed) đã phát hành số báo đầu tiên vào ngày 4/10/2011 theo giấy phép xuất bản số 1144/GP-BTTTT (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 25/7/2011). Trong quý 4/011, Báo ra hai tuần một kỳ, mỗi kỳ 32 trang, khổ 25,5 x 35,5cm.
Thời báo là một trung tâm thông tin các vấn đề về văn hóa, kinh tế - xã hội, khoa học giáo dục và các lĩnh vực khoa học về nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững… trên mạng lưới thông tin khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Nam Á. Giữ vai trò Tổng biên tập Thời báo là nhà thơ Trần Anh Thái, Phó tổng biên tập: Nhà báo Phạm Nguyên Bảng cùng Hội đồng biên tập và Ban biên tập. Trụ sở chính của Thời báo đặt tại Nhà số 4, ngõ 25A – Phan Đình Phùng – Hà Nội cùng các văn phòng đại diện tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh,…
Số đầu tiên ra mắt bạn đọc, Thời báo Mê Kông chú trọng cập nhật, bình luận các thông tin, các vấn đề đang được dư luận quan tâm trên nhiều lĩnh vực. Trang Thời sự cận điểm, Thời báo đăng tải hai bài viết “Khi người Palestine tìm một chỗ đứng dưới ánh mặt trời” (Yên Ba) và “ASEAN một lần nhìn lên bản đồ thế giới” (Tạ Duy Anh). Đan xen giữa các thông tin kinh tế trong nước và quốc tế, trang Kinh tế & phát triển cũng đưa bài viết bình luận về Vụ án ở nông trường sông Hậu: Vì sao bà Sương “thà chết”? của tác giả Sáu Nghệ.
Bên cạnh đó, Thời báo Mê Kông hứa hẹn mang đến cho Quý độc giả nhiều góc nhìn thú vị bằng các chuyên trang về Thiên nhiên & môi trường với những hình ảnh hết sức sinh động, kì thú về nguồn tài nguyên thiên nhiên, và thế giới động vật ở vùng đất Mê Kông vừa thân thuộc mà vẫn đầy bí ẩn; Trang Pháp luật & đời sống giới thiệu bài viết về vấn đề Tội phạm trẻ hóa – một sự mất cân đối trong giáo dục và cũng là mặt trái của nền kinh tế thị trường với hàng chuỗi nguyên nhân đã tồn tại mà không được giải quyết; Trang ASEAN – lịch sử & sự kiện tiếp tục đưa đến các thông tin quan trọng về tổ chức ASEAN cũng như bài viết giới thiệu về tinh hoa văn hóa, kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, Thời báo Mê Kông còn có các trang về Khoa học & giáo dục, Phương đông huyền kỳ, Thể thao & du lịch, Dân biết & Dân bàn, Thế giới hội nhậpKí ức Mê Kông…
Với phương châm: Thân thiện, hiểu biết, hữu nghị hợp tác và cùng chia sẻ, Thời báo Mê Kông cũng là nơi hội nhập mọi khác biệt về địa lý, kinh tế, chính trị. Bạn đọc có thể gặp gỡ ở đây trong một nỗ lực hết sức coi trọng các vấn đề hợp tác khu vực.
                                                                   Thời báo Mê Kông

CỒNG CHIÊNG MƯỜNG: HIỂU SÂU SẮC MỚI ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN



Trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình (1886-2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng”. Hội thảo có sự góp mặt của các nhà quản lý địa phương, giới nghiên cứu và nghệ nhân dân gian, đã tập trung làm rõ những điểm độc đáo của văn hóa nghệ thuật cồng chiêng Mường và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.

Làm sáng tỏ giá trị văn hóa cồng chiêng Mường

Văn hóa Mường đã được các nhà nghiên cứu chú trọng vì nghiên cứu văn hóa Mường chính là gián tiếp làm sáng tỏ văn hóa xa xưa của người Việt do người Mường và người Việt cùng chung một nguồn gốc. Nhưng với sự giàu có của văn hóa Mường nên công việc nghiên cứu vẫn chưa làm sáng tỏ đầy đủ các giá trị văn hóa tộc người này, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Sau sự kiện Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (2005) khiến cho hiểu biết của đại bộ phận dân chúng cho rằng chỉ mỗi cồng chiêng Tây Nguyên là có giá trị! Cho nên, mục đích trước hết của cuộc hội thảo là phải làm sáng rõ những yếu tố văn hóa, nghệ thuật cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Mường và những nét đặc sắc trong nghệ thuật văn hóa cồng chiêng.

Các nhà nghiên cứu thống nhất, chiêng Mường đã cùng tồn tại với trống đồng Đông Sơn cách đây trên 2000 năm. TS Quách Văn Ạch cho biết, tại khu mộ cổ Chăm Mát (TP Hòa Bình), người dân đã tìm thấy một chiếc chiêng được úp trên mặt trống đồng, cả hai đều có mức độ ô-xi hóa giống nhau! Một quan niệm khác mà các nhà nghiên cứu tìm được tiếng nói chung đó là khái niệm “cồng chiêng” trong trường hợp nói về cồng chiêng Mường là để chỉ một loại hình văn hóa chứ không đơn thuần để nói về nhạc khí.

Tuy nhiên, còn nhiều điểm quan trọng còn gây tranh cãi. Đa số những người có tham luận tại Hội thảo, điển hình là ông Triệu Văn Tiến (Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình) chứng minh sự tồn tại của “không gian văn hóa cồng chiêng Mường” với 4 bộ phận đó là: Nhạc cụ cồng chiêng, người đánh cồng chiêng, bản nhạc tấu cồng chiêng không gian trình diễn. Song, TS Kiều Trung Sơn (hỗn danh là Sơn Mường)-nhà nghiên cứu chuyên sâu về cồng chiêng Mường tại Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam không đồng ý với việc “úp” các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào cồng chiêng Mường. Ông lí giải, cồng chiêng Tây Nguyên là hiện tượng văn hóa-nghệ thuật của vùng Tây Nguyên với hơn 10 tộc người và còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn; cho nên, sử dụng cụm từ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là thích hợp. Cồng chiêng Mường khác ở điểm là sản phẩm của một tộc người và không gian văn hóa cồng chiêng Mường cổ truyền đã mất từ lâu. TS Sơn cho rằng, cái đúng nghĩa của không gian văn hóa cồng chiêng Mường chính là xắc bùa (Xắc bùa do một phường bùa xách cồng chiêng phục vụ các hoạt động mang tính chất cộng đồng như: đón khách, lễ hội, chúc phúc cho các gia đình nhân một sự kiện vui vẻ…). Ông đề nghị nên gọi là “cồng chiêng xắc bùa” vừa theo đúng cách gọi của người Mường, vừa có thể bao quát giá trị nghệ thuật của cồng chiêng Mường.

Cùng với TS Kiều Trung Sơn, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra những điểm khác biệt của cồng chiêng Mường và cồng chiêng Tây Nguyên. Việc làm này không có dụng ý phân biệt giá trị cao-thấp mà trong văn hóa nghệ thuật chỉ đề cao tính khác biệt; qua đó chứng minh giá trị nghệ thuật độc đáo của cồng chiêng Mường. Và chính sự hiểu sâu sắc giá trị văn hóa nghệ thuật cồng chiêng Mường mới định hướng bảo tồn.

Ngoài giá trị cố kết cộng đồng, cồng chiêng Mường còn là nghệ thuật diễn tấu độc đáo không theo thang âm cũng như điệu thức như cồng chiêng Tây Nguyên mà tuân thủ quy luật “hạt nhân”. “Hạt nhân” trong các bài chiêng Mường được tạo thành bởi sự tương tác giữa hai cao độ cộng với tiếng “khầm” mà người Mường gọi là “boòng beng khầm”, có giá trị biểu tượng. Trong đó, nhờ có “khầm” (Khầm là từ tượng thanh mà người Mường dùng để gọi chùm âm do số đông người tham gia dàn chiêng cùng gõ) mà dàn chiêng hàng trăm chiếc có thể cùng tham gia hòa tấu mà không hỗn loạn.

Tuy còn một số điểm chưa thống nhất, nhưng với các giá trị văn hóa nghệ thuật của cồng chiêng Mường đã được chứng minh tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Cồng chiêng Mường hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Giải toán bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Trong Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều lời khen cho các các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình trong những nỗ lực nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng Mường. Ông Đinh Văn Hòa (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình) cho biết, năm 2000, Hội nghiên cứu Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình hoàn thành đề tài “Sưu tầm biên soạn âm nhạc cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình” của nhà nghiên cứu Bùi Chỉ, đã thu âm và ký âm 50 bài chiêng chưa từng công bố. Năm 2010, Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện thống kê có 9960 chiếc chiêng trên địa bàn tỉnh.

Công việc trước mặt đặt ra với cơ quan quản lý di sản văn hóa cồng chiêng Mường là bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật của cồng chiêng Mường trước nguy cơ mai một. Những việc cần làm ngay đã nhanh chóng đạt được sự đồng thuận đó là: Khuyến khích bà con Mường tham gia sinh hoạt cồng chiêng; có các dự án cụ thể đưa âm nhạc cồng chiêng vào đời sống văn hóa; có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân còn lưu giữ các bài chiêng bằng trí nhớ; tập huấn cho những người trong ngành văn hóa để tổ chức điều tra, sưu tầm các bài chiêng. Ông Bùi Văn Cửu (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình) cam kết, tỉnh Hòa Bình và các tỉnh bạn có người Mường sinh sống sẽ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Và sẽ đề xuất với Bộ VH,TT&DL xây dựng chiến lược tổng thể, những biện pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa cồng chiêng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhiều ý kiến lo xa để tránh buồn gần cho cồng chiêng Mường khi cho rằng việc bảo tồn và phát huy di sản cần hết sức cẩn trọng. Trước tiên, cần phải tuyên truyền các giá trị độc đáo của di sản đến các cấp quản lý và người dân để họ hiểu sâu sắc “báu vật” đang phải gìn giữ. Trong quá trình bảo tồn di sản, không nên áp đặt ý kiến chủ quan của cán bộ văn hóa vào hoạt động cồng chiêng nếu chưa hiểu rõ nghệ thuật cồng chiêng sẽ rất dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.

Hiện tại, ở Hòa Bình, du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh. Nghệ thuật cồng chiêng Mường với tính độc đáo và duy nhất ở miền Bắc hiện đã góp phần tích cực thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế những đội chiêng bán chuyên nghiệp thương mại hóa, bởi không khuyến khích nghệ thuật cộng đồng trong dân chúng, vô hình trung sẽ tách dần khỏi nhân dân và môi trường trình diễn truyền thống.

Với nhận thức đúng mức của các ban ngành địa phương tỏ rõ trong Hội thảo, cùng sự chung tay của các nhà nghiên cứu và nghệ nhân dân gian, có thể hi vọng về một “báu vật” văn hóa độc đáo của đất nước ta là cồng chiêng Mường sẽ được gìn giữ và phát huy bằng các kết quả khả quan trong tương lai

HÀM ĐAN