Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

FESTIVAL THƠ CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG LẦN I: THƠ CA LÀ SỨ GIẢ VĂN HÓA



Diễn ra từ ngày 2 đến 6-2 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) và Hà Nội, Festival Thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (gọi tắt là Festival) có chủ đề “Thơ ca vì một châu Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” đã quy tụ hơn 70 nhà thơ đến từ 24 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Qua Festival, các nhà thơ đã đồng thuận cho rằng, vai trò của thơ ca hiện nay là sứ giả văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực.

         Gắn kết các nền thơ ca châu Á

Hình thức Festival thơ không còn xa lạ trên thế giới nhưng với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì tổ chức Festival thơ là một nỗ lực vượt bậc khi phải lo vấn đề kinh phí cho đến những việc khác như nội dung hoạt động, dịch các bài thơ và tham luận, vẽ biểu trưng…  Rất may, những hoạt động tại Vịnh Hạ Long-kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh tạo mọi điều kiện tốt nhất. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách đối ngoại cho biết: “Lý do chọn Hạ Long là nơi tổ chức Festival bởi bản thân vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cũng quá… nên thơ. Mặt khác, một hoạt động tôn vinh thơ được tổ chức tại một địa danh vừa trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là thích hợp”.

Khi chúng tôi hỏi câu hỏi “hai trong một” rằng: “Trước khi đến tham dự Festival, ông (bà) đã biết đến nền thơ ca Việt Nam chưa? Lý do nào để ông (bà) nhận lời tham dự Festival?”, thì nhận được câu trả lời khá đồng nhất là các nhà thơ không biết nhiều về thơ ca Việt Nam. Nhà thơ Mamatha Giriraj Sagar (Ấn Độ) chia sẻ: “Việc thơ ca Việt Nam không được biết nhiều không đồng nghĩa Việt Nam ít nhà thơ tài năng, vấn đề có thể nằm ở khâu dịch thuật chưa tốt. Tiếng tăm của thơ ca Ấn Độ hiện thời cũng tương tự như vậy”. Về lý do các nhà thơ đến Festival tại Việt Nam chủ yếu muốn tìm hiểu các nền thơ ca trong khu vực và muốn biết tiếng nói của các nhà thơ về những vấn đề về thơ ca và thời cuộc.

Mục đích Festival mà Hội Nhà văn Việt Nam đề ra ban đầu là nơi giao lưu giữa các nhà thơ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không ngờ rằng Festival đã trở thành một hoạt động ngoại giao văn hóa khi đã giới thiệu hình ảnh Việt Nam là đất nước của thơ ca. Qua trao đổi của chúng tôi, các nhà thơ đều ấn tượng bởi tình yêu thơ của người Việt Nam. Nhà thơ, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) nhận xét: “Việt Nam là đất nước nên thơ, con người Việt Nam luôn yêu thích thơ. Trong tiếng Việt, thơ không những là một danh từ, mà còn chuyển nghĩa sang một tính từ, nó chỉ một cái gì đó rất đẹp”. Nhà thơ Sue Wootton (Niu Di-lân) tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tôi rất ít thấy đất nước nào thành kính với thơ như Việt Nam, nào là lễ kéo cờ thơ, lễ dâng hương tưởng niệm Hoàng đế-thi sĩ Lê Thánh Tông và màn thả thơ… Tất cả đều rất tuyệt vời!”.  

Các nhà thơ cũng tỏ ra hào hứng khi vào sáng nay, Chủ nhật ngày 5-2, được tham dự khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X và được đọc thơ tại sân thơ quốc tế trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Họ cho rằng, thơ ca ngày nay rất ít người đọc vì vậy đây là cơ hội hiếm hoi giới thiệu thơ ca của cá nhân và đất nước mình với người đọc tại một đất nước khác.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, tiếp nối Festival lần thứ nhất, Hội Nhà văn Việt Nam cố gắng tổ chức Festival lần tới có thể 3 năm nữa để biến Festival thơ ở Việt Nam trở thành một Festival thơ có uy tín trong khu vực và sẽ thu hút nhiều nhà thơ lớn tham dự. 
         
Nhận định vai trò của thơ ca đương đại

Một trong những hoạt động tạo nên chất lượng học thuật của Festival là Hội thảo “Thơ ca vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và phát triển”. Ai cũng biết rằng, văn học-nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng chỉ gián tiếp giúp cuộc sống con người trở nên nhân bản hơn. Nhưng vai trò của thơ ca đương đại với đời sống tinh thần khu vực trong thời buổi toàn cầu hóa như thế nào thì chưa được làm rõ; chính vì vậy, hầu hết các tham luận đều muốn bàn luận chủ đề kể trên.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có bản tham luận khái quát, được các nhà thơ quốc tế đánh giá cao về bản chất thơ ca khi cho rằng: “Thiền định dạy chúng ta phép vệ sinh tinh thần trong trạng thái tĩnh. Thơ ca dạy ta phép nuôi dưỡng tâm hồn trong tư thế động. Đó là vẻ đẹp của tư tưởng nhập thế Phương Đông. Và hiệu ứng xã hội mà nó mong đạt tới là đồng điệu và gắn kết. Về điều này, thơ ca không cần phải cạnh tranh với tôn giáo, bởi chính thơ ca đã là một tôn giáo. Tôn giáo của niềm tôn vinh con người. Vì thế, còn con người thì còn thơ ca”.

Nhà thơ, nhà báo Nikolai Preiaslov (Nga) lưu ý các đồng nghiệp về khía cạnh thơ ca giữ lại phần tinh túy truyền thống văn hóa mỗi dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa. Ông không tin vào các biện pháp hành chính như cấm quảng bá các tác phẩm độc hại sẽ có tác dụng tích cực mà cần phải sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng để lưu giữ văn hóa truyền thống ở từng dân tộc. Và ông so sánh thơ ca như một “loại thuốc giải độc cực mạnh” vì thơ ca là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, truyền thống sinh hoạt và đạo lý của cha ông.

Đặt ra câu hỏi và tự trả lời về sứ mạng của thơ ca ngày nay, nhà thơ Rida Liamsi (In-đô-nê-xi-a) tin rằng: Nếu thực sự thành tâm, thơ ca có thể giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, chan chứa tình bạn, nhân ái hơn giữa tình trạng của thế giới nhiều sự thay đổi trong giá trị cuộc sống. Thơ ca là vai trò đối thoại giữa các nền văn hóa.

Đồng tình với nhà thơ đến từ “đất nước vạn đảo”, nữ thi sĩ Nhật Bản Moritaka Tsukagoshi trong tham luận “Vượt biên giới bằng thơ ca” lấy ví dụ các nhà thơ Việt Nam đã chia sẻ an ủi người dân Nhật Bản sau trận động đất tháng 3-2011. Bà cho rằng, đây là khoảnh khắc thơ ca đi qua biên giới hữu hình và vô hình giữa các dân tộc, các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.

Một chủ đề nổi bật được một số tham luận đề cập đến là việc quảng bá thơ. Nhà thơ, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) phản đối một số người cho rằng thơ không thể dịch được. Ông cho rằng, tiêu chuẩn dịch thơ là đúng và hay như thế mới quảng bá thơ hiệu quả. Nhà thơ Sukrita Kuman (Ấn Độ) cũng cho rằng: Thơ có thể dịch được nhưng những bản dịch tiếng Anh-ngôn ngữ phổ thông nhất thế giới, về thơ châu Á rất ít chất lượng. Vì vậy, những hoạt động như Festival thơ tại Việt Nam lần này rất quan trọng và cần thiết cho thơ ca châu Á, cho thân thiện giữa các quốc gia./.

HÀM ĐAN

DỰ ÁN "KHÁM PHÁ VỊNH HẠ LONG-CÁI NHÌN XUYÊN BA THẾ KỶ"


Nghề nghiệp ngoài đời của Đoàn Bắc (sinh năm 1975) là một kiến trúc sư (KTS), nhưng anh được biết nhiều với sở thích sưu tầm ảnh cổ, áng chừng số lượng khoảng 7000 tấm. Các bức ảnh của anh được chụp từ giữa thế kỷ XIX đến trước năm 1954, có những tấm ảnh thuộc loại xưa nhất được chụp ở Việt Nam. Anh đã từng thực hiện các cuộc trưng bày ảnh cổ về Sài Gòn xưa, Hà Nội xưa... Dự án mới nhất anh thực hiện liên quan đến vịnh Hạ Long-một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới mang tên “Khám phá vịnh Hạ Long-cái nhìn xuyên 3 thế kỷ”.

Ý tưởng của dự án bắt đầu khi nhà báo Trương Anh Ngọc (Báo Thể thao và Văn hóa) hỏi KTS Đoàn Bắc: “Sau khi có kết quả bình chọn vịnh Hạ Long chúng ta sẽ làm gì?” Như để đáp lại lời gợi ý đó, KTS Đoàn Bắc đã chọn 150 bức ảnh quý hiếm về cảnh vật và con người vịnh Hạ Long từ năm 1885 đến 1950 kèm theo khá đầy đủ các thông tin liên quan để thực hiện dự án. Xin mở ngoặc, KTS Đoàn Bắc tâm sự, các bức ảnh trong bộ sưu tập của anh phần lớn là được tặng; chẳng hạn như hậu duệ những người Pháp từng chụp ảnh Hạ Long ở đầu thế kỷ XX đã biếu không bộ ảnh của cha ông họ cho anh để anh có thể phát huy giá trị của những bức ảnh ngay nơi nó được sinh ra.

Điểm độc đáo của dự án là các bức ảnh cổ sẽ là căn cứ để KTS Đoàn Bắc và những người bạn thực hiện lại bằng ảnh toàn cảnh panorama 360 độ. Loại ảnh này từ những bức ảnh được chụp với nhiều góc độ khác nhau tại cùng một vị trí đặt máy, tạo nên khoảng không gian 360 độ giúp người xem có cảm giác như đang đứng tại vị trí của người chụp và có thể nhìn khắp các hướng xung quanh. Thêm vào đó, ảnh cổ là ảnh đen trắng không thể biểu đạt vẻ đẹp vịnh Hạ Long vào các mùa trong năm, các khoảng khắc trong ngày như ảnh 360 độ mà dự án sẽ thực hiện.

Các bức ảnh cổ vốn được chụp từ nhiều vị trí khác nhau: Trên mặt đất, dưới thuyền và từ trên máy bay. Khó khăn nhất vẫn là những bức ảnh chụp trên không, cách duy nhất để thực hiện là thuê trực thăng của Công ty bay dịch vụ miền Bắc. Theo KTS Đoàn Bắc cho biết, giá thành một giờ bay khoảng 5000 USD và để thực hiện các bức ảnh trên không phải mất vài chuyến bay. Cho nên, kinh phí thực hiện dự án được trông đợi vào các nguồn xã hội hóa, mà công ty Trung tâm Điện toán truyền số liệu VDC1 là đơn vị nhận đứng ra đỡ đầu cho nhóm tác giả để tổ chức thực hiện và vận động tài trợ.
  
Khó khăn là vậy, nhưng KTS Đoàn Bắc và những người bạn đã bắt tay thực hiện dự án. Mục tiêu không phải là để mô phỏng ảnh cổ mà đúng hơn là tạo dựng cái nhìn lịch sử về vẻ đẹp của vịnh Hạ Long qua 3 thế kỷ gần đây. Hy vọng dự án sẽ được các nhà hảo tâm khắp nơi ủng hộ để sớm hoàn thành. Và qua đó giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế có cái nhìn mang chiều sâu lịch sử về vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long.

HÀM ĐAN