Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

HỘI CHỢ-TRIỂN LÃM SÁCH QUỐC TẾ VIỆT NAM LẦN THỨ III: "HỮU DANH..."

“Triển lãm-Hội chợ Sách Quốc tế Việt Nam 2007” tổ chức tại Trung tâm triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) đã được tổng kết bằng 2 chữ: thất bại! Ngỡ tưởng, các đơn vị tổ chức và tham gia đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu để làm tốt ở hội chợ kế tiếp. Thế nhưng, 3 năm sau, Hội chợ-Triển lãm sách quốc tế Việt Nam lần thứ III (gọi tắt là Hội chợ sách) tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Hà Nội) từ ngày 17 đến 21-9 vẫn chưa khắc phục những điều bất cập.

Đến hội chợ để…chào người quen

Hạn chế đầu tiên và dễ thấy nhất là công tác quảng bá. Nếu việc quảng bá tốt bao nhiêu, hệ quả sẽ là tỉ lệ thuận với số lượng người đến tham dự. Năm nay, Hội chợ sách có thêm các đơn vị xuất bản sách từ nước ngoài, nhất là sự tham gia lần đầu của Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới Frankfurt (Đức). Hội chợ sách được gắn với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội nên có rất nhiều ấn phẩm “hoành tráng” như: 1.000 bản in cuốn “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tập thơ “Hoa Lư thi tập” của Hoàng Quang Thuận với giấy dát vàng và bìa gỗ đỏ nặng tới 54kg… và gần một chục hội thảo bên lề. Tóm lại, những yếu tố cần để “hút” khách đã có nhưng tiếc số lượng người đến quá ít, trung bình không quá 1.000 người/ngày.



Nếu so với hậu quả gây tắc đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu do người đông như “trẩy hội” tại “Hội chợ sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI” tổ chức tại công viên Lê Văn Tám (Quận I) hồi tháng 3-2010 thì mới thấy hội chợ sách ở Hà Nội đã rơi vào thảm cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”; kể cả hai ngày nghỉ cuối tuần (18 và 19-9), khiến không một đơn vị nào đạt doanh thu trên 10 triệu đồng/ngày. Một phần nguyên nhân là do văn hóa đọc của Hà Thành văn hiến suy giảm rõ rệt nhưng nguyên nhân chính vẫn là quảng bá kém. Dù là người ham đọc sách nhưng nếu không qua đường Giảng Võ hoặc chú ý mục “tin văn hóa” trên báo đài thì chẳng bao giờ biết hội chợ sách quốc tế diễn ra những 5 ngày ngay tại trung tâm Hà Nội. Vì thế, đa phần người đến xem toàn là dân “mọt sách” đã biết mặt, biết tiếng nhau. Quỹ thời gian “vàng ngọc” để tìm sách hay đã phải cắt bớt để liên tục… chào người quen!

Có lẽ đã lường trước khả năng vắng khách nên một vài đơn vị có thương hiệu chắc chắn như Công ty văn hóa Phương Nam, Nhà xuất bản Tri thức không tham dự. Phần lớn những đơn vị khác cũng tỏ ra không mặn mà trong việc quảng bá thương hiệu. Những đơn vị này chỉ đơn giản thuê một gian hàng trưng bày những cuốn sách… tồn kho. Những cuốn sách mới cũng chỉ đem theo hai bộ, một bộ để bán một để trưng bày; người đến sau không có sách để mà mua như trường hợp gian hàng NXB T luôn được nhiều người hỏi mua bộ sách của một người Pháp viết về văn hóa Việt. Đó là chưa kể thái độ phục vụ-một phần trong việc gây dựng tên tuổi. Chẳng hạn, hôm khai mạc, tại gian hàng của NXB Q nổi tiếng chỉ có một anh nhân viên trông coi. Khách đến anh ta không chào hỏi, mời mọc mà mải… chơi game bằng điện thoại!

Nhìn tổng quan, có thể thấy các đơn vị làm sách mới ra đời tỏ ra năng động hơn hẳn. Những đơn vị như Thái Hà books, Alpha books, NXB Dân Trí, NXB Thời Đại… tận dụng thời gian hội chợ không chỉ để bán sách mà bằng mọi cách để khách hàng biết đến tên tuổi sinh sau đẻ muộn của mình. Các hình thức phát tờ rơi, giảm giá hết cỡ, ra mắt sách mới, mua trên 200 ngàn đồng sẽ có quà tặng, tổ chức hội thảo chuyên đề… Có thể nói, cùng với các đơn vị nước ngoài, những đơn vị làm sách trẻ này chính là điểm nhấn cho hội chợ sách, giúp người ta tin vào sự đổi mới thực chất trong tương lai chứ không chỉ “hữu danh” ở hiện tại.

Trên đường… chuyên nghiệp

Nếu phải so sánh, thì chính tại thời điểm bây giờ, là giai đoạn ngành xuất bản phát triển rực rỡ nhất. Chủng loại phong phú từ sách triết học cao siêu đến sách dạy… yêu. Hình thức ấn phẩm đa dạng từ sách bỏ túi đến sách điện tử (ebook). Song, qua những buổi hội thảo bên lề và thực tế các gian hàng trong hội chợ sách đã khiến ngay cả người ngoại đạo cũng nhận ra tính nghiệp dư vẫn tồn tại trong ngành xuất bản.

Nhìn vào gian hàng của một số nhà xuất bản như NXB Thể thao thì thấy các ấn phẩm rất nghèo nàn chủ yếu là sách luật của các môn thể thao và dạng sách lịch sử thể thao rút gọn mà nội dung không hơn từ điển mở Wikipedia; những cuốn sách thể thao nước ngoài nổi tiếng chưa được chuyển ngữ. Đây là hệ quả từ mô hình xuất bản cũ kĩ, mỗi ngành có một nhà xuất bản của ngành đó, quá bám vào xuất bản sách trong ngành mà không chịu mở rộng các chủng loại sách khác, dẫn đến nhà xuất bản không phát triển.

Số ít những đơn vị xuất bản năng động hơn, muốn vươn ra biển lớn thì gặp vô số các khó khăn do có quá ít kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản. Một điều đơn giản là việc đăng kí “mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách” (ISBN). Nếu được đăng kí thì sách bằng tiếng Việt sẽ bán trên mạng và nhất là bán ở những nơi có nhiều Việt kiều sinh sống như ở Mỹ vì ở nước này chỉ sách có mã ISBN mới bán được. Một ví dụ khác là một cuốn sách được làm cẩn thận nhất thiết phải có vài trang chỉ dẫn (index), muốn tìm nội dung gì chỉ cần xem cái “từ khóa” ở trang chỉ dẫn. Cả hai điều này sẽ chứng minh đẳng cấp chuyên nghiệp của một cuốn sách nhưng lại ít nhà xuất bản Việt Nam lưu tâm thể hiện qua những cuốn sách mới xuất bản được trưng bày tại hội chợ sách.

Những điều trên thực ra chỉ là những điều nhỏ nhặt không khó bằng các vấn đề về bản quyền, chống sách lậu, luật cho sự phát triển của sách điện tử… Nhưng có lẽ, trước khi giải quyết các vấn đề phức tạp cần nhiều thời gian thì các đơn vị xuất bản sách ở Việt Nam nên bắt tay vào làm ngay những điều nhỏ nhặt bởi thông thường làm điều nhỏ có tốt mới mong làm tốt điều lớn hơn.

HÀM ĐAN