Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

HỘI THẢO KHOA HỌC “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ PHÊ BÌNH VĂN HỌC”: SÔI NỔI HIẾN KẾ


Hội thảo mang tầm chiến lược

Ngày 10-4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNTTƯ) phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học”. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã tới dự. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và chỉ đạo Hội thảo. Nhiều nhà phê bình văn học nghệ thuật trong nước tham dự và bàn luận về những vấn đề “nóng” của phê bình văn học hôm nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc tổ chức hội thảo quan trọng này. Chủ tịch nước gợi ý, Hội đồng LLPBVHNTTƯ cần sớm ra mắt tạp chí chuyên đề để làm diễn đàn trao đổi lý luận định hướng sự phát triển đúng hướng của văn học nghệ thuật đất nước theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” của Bộ Chính trị khóa X. Các thành viên Hội đồng cần tập hợp ý kiến, mạnh dạn đề xuất những chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung và phê bình văn học nói riêng.

Về vai trò của phê bình văn học, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Phê bình văn học là một bộ phận cấu thành của đời sống văn học, của quá trình vận động và phát triển văn học. Phê bình văn học giữ vai trò vừa đồng hành với sáng tác để hiểu và đồng cảm với sáng tác, vừa góp phần rất quan trọng trong việc đánh giá, dự báo, góp phần định hướng cho sáng tác và cho dư luận. Phê bình văn học không chỉ là tiếng nói của các nhà phê bình, mà ở những tầm mức khác nhau, còn phản ánh thái độ, ý thức của công chúng xã hội đối với những giá trị và khuynh hướng văn học, nêu lên những đòi hỏi chính đáng của công chúng, của xã hội đối với các nhà văn, nhà thơ, với cả nền văn học và những tác phẩm văn học cụ thể.

Đánh giá của Hội đồng LLPBVHNTTƯ cho rằng: Hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn để kiến nghị những giải pháp thiết thực nhằm góp sức thúc đẩy phê bình văn học có bước phát triển tích cực. Bên cạnh một số kết quả tích cực, phê bình văn học hiện nay còn nhiều mặt yếu kém. Điều này biểu hiện trên các phương diện: Phê bình văn học chưa bám sát được sự phong phú của đời sống văn chương sôi động, chưa định hướng cho độc giả tìm đến những tác phẩm có giá trị. Tìm ra nguyên nhân sự tụt hậu của phê bình văn học rất quan trọng, song trọng tâm của Hội thảo là tìm lời giải cho câu hỏi: Cần làm gì và và làm như thế nào để khắc phục thực trạng trên? Với mục tiêu như vậy, có thể xem Hội thảo lần nay là hội thảo mang tầm chiến lược giúp định hướng cho phê bình văn học phát triển đúng đắn.

Nhìn thẳng vào yếu kém

Việc chỉ ra nguyên nhân dẫn đến yếu kém của phê bình văn học hiện nay không khó. Ngay cả một người không chuyên môn cũng nhận ra đời sống tinh thần ở nước ta đang dần chuyển sang văn hóa đại chúng. Theo PGS, TS La Khắc Hòa (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), xu hướng nói trên là tất yếu bởi thời đại hôm nay văn hóa đại chúng ở vị trí trung tâm, nó sẽ đẩy những hoạt động như phê bình văn học sang vị trí ngoại vi.

Khó khăn khách quan nói trên không chỉ có ở Việt Nam mà đó là hiện tượng mang tính toàn cầu. Nguyên nhân chính khiến phê bình văn học yếu kém được các chuyên gia đồng tình là ở vấn đề con người. Đã đành, ở thời nào những người làm công việc nghiên cứu đều là “của hiếm” song chưa bao giờ số người làm phê bình văn học lại mỏng như hiện nay. Ngoài yếu tố đam mê, để trở thành nhà phê bình văn học cần một quá trình tích lũy kiến thức khá lớn không chỉ văn chương mà cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Sự khó khăn tự thân của phê bình văn học khiến nhiều cây bút trẻ nản lòng dấn thân vào nghề nghiệp. Điều đáng quan ngại hơn là chất lượng những người làm phê bình hiện nay, nhất là đội ngũ trẻ còn yếu. PGS, TS Phạm Quang Trung (Trường Đại học Đà Lạt) lấy ví dụ từ các bài phê bình văn học trên báo chí có chất lượng thấp do những người chịu trách nhiệm giới thiệu tác phẩm văn học hay nhìn nhận vấn đề văn học thường không có chuyên môn dẫn đến những bài phê bình cảm tính gây nhiễu loạn các giá trị thẩm mỹ.  

Các nguyên nhân khác cũng được đề cập đến như: Chính sách đãi ngộ cho những người làm phê bình văn học còn chưa tương xứng với công sức bỏ ra. TS Lê Thanh Nghị (Hội Nhà văn Việt Nam) còn chỉ ra một nguyên nhân khác là hiện tượng một số nhà phê bình có năng lực nhưng ngại va chạm, không muốn làm mất lòng người khác nên đứng ngoài cuộc trước những vấn đề bức xúc trong đời sống văn học.

Những nguyên nhân nói trên đã dẫn đến chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình văn học bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm. Không thể một sớm một chiều giải quyết những bất cập của phê bình văn học hiện nay; song nếu không hành động ngay từ bây giờ, một nền phê bình văn học yếu kém sẽ trực tiếp làm giảm năng lực tiếp nhận cái hay, cái đẹp của người đọc.

Gợi mở nhiều giải pháp

Một trong những giải pháp lâu dài nhưng hết sức quan trọng được các chuyên gia lưu tâm là phải xây dựng một nền phê bình văn học có tính hệ thống thông qua việc dịch và giới thiệu các lý thuyết phê bình trên thế giới. Từ khi Đổi mới đến nay, nhiều lý thuyết phê bình văn học đã được giới thiệu ở Việt Nam như: Chủ nghĩa hình thức (Formalism), Chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism), Phân tâm học (Psychoanalysis)..., đã thay đổi hệ hình phê bình khiến phê bình khoa học hơn, lý giải sâu sắc hơn các hiện tượng văn học mới mẻ và tái phát hiện đối tượng tưởng chừng đã cạn kiệt ý nghĩa. Bên cạnh tiếp tục giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học tiên tiến của thế giới như: Nữ quyền luận (Feminism), Giải cấu trúc (Deconstruction), Tân duy sử (New Historicism), Hậu hiện đại (Postmodernism)...; còn cần phải dịch các công trình mang tính tổng kết các trường phái để người làm phê bình văn học có cái nhìn hệ thống tri thức một cách nhanh và hiệu quả, giúp cho lớp trẻ đi vào con đường phê bình văn học dễ dàng hơn; đồng thời, giúp phê bình văn học nước nhà khỏi nguy cơ tụt hậu ở cấp độ tư duy, nhận thức, tri thức. Khối lượng công việc khổng lồ nói trên cần có sự chung tay của các cá nhân và tổ chức dựa trên sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của Nhà nước mới sớm trở thành hiện thực.

Việc quy hoạch đội ngũ, bố trí lực lượng phê bình văn học được chính những người trong cuộc xem là giải pháp đột phá cần giải quyết nhanh chóng. Đối tượng được tập trung ưu tiên là các nhà phê bình trẻ. Đa số các ý kiến đều cho rằng, nguồn nhân lực trẻ cho phê bình vẫn nằm ở trong các khoa ngữ văn ở các trường đại học. Trên cơ sở rà soát lại lực lượng, có kế hoạch đào tạo lại một cách có hệ thống thông qua hình thức cung cấp thông tin, vừa tiến hành thảo luận những vấn đề cơ bản, thời sự của văn học, bồi dưỡng lớp trẻ trở thành lực lượng nòng cốt trong tương lai. GS, TS Mai Quốc Liên (Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt) nêu ý kiến: Cần lựa chọn những người có am hiểu về văn học để phụ trách biên tập các trang, mục, chương trình liên quan đến văn học trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời bồi dưỡng họ vững vàng về mặt chính trị giúp họ nâng cao trách nhiệm trong công việc.

Một giải pháp khác được các đại biểu nhất trí cao là phải hình thành Quỹ hỗ trợ phê bình văn học để trợ giúp các hội thảo và in ấn sách phục vụ công tác phê bình. Cần hỗ trợ cụ thể về kinh phí những công trình phê bình văn học nghiêm túc, có giá trị khoa học, có phát hiện mới mẻ để sớm đến được với công chúng.

Sau cuộc Hội thảo này, Hội đồng LLPBVHNTTƯ sẽ đưa các kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số viện nghiên cứu, trường đại học... để các giải pháp nhanh chóng được thực hiện và phát huy hiệu quả giúp chấn hưng phê bình văn học nước nhà.

HÀM ĐAN