Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

CÒN LẠI MỘT "Ý ĐIÊN"...



Nếu bạn hỏi giới mỹ thuật Hà thành về một người có hỗn danh “Ý điên” thì ai cũng biết và sẽ say sưa kể cho bạn nghe với sự ngưỡng mộ lộ rõ. “Ý điên” chính là để chỉ nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý. Người đàn ông mới ngoài 40 này đã trải qua cuộc đời thăng trầm gắn liền với những giai thoại bất tận về lối sống nghệ sĩ phóng khoáng. Sau khi gặp nạn phải cưa một chân, “Ý điên” trở về ẩn dật tại làng quê mưu sinh bằng mò cua bắt ốc; bỏ hẳn làm tượng, vẽ tranh.

Chính trong giai đoạn gian khó này, “Ý điên” không cô đơn. Bạn bè đã tổ chức triển lãm cá nhân cho “Ý điên” gồm những tranh, tượng từ các bộ sưu tập cá nhân và in một cuốn sách về tác phẩm anh với cái tên chẳng nổi bật: “Nguyễn Như Ý-Gương mặt điêu khắc Việt Nam đương đại” vừa mới kết thúc vào ngày 30-5. Cái tên triển lãm trung tính, hiền lành ấy chỉ là cái “vỏ”, khi bước vào không gian tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội), người xem bị lạc vào một thế giới những bức tượng kỳ lạ khiến tâm hồn bình an nhất cũng bị xáo động.

Hơn 70 tranh, tượng, nhật ký sinh viên của Nguyễn Như Ý khó có thể xếp vào trường phái mỹ thuật vào cụ thể; kể cả những cái tên cũng không có. Đơn giản, “Ý điên” sáng tạo theo bản năng mà chẳng hề vin vào những lý thuyết trường phái này hay chủ nghĩa kia, kể cả khi “Ý điên” từng học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Nhìn tượng của “Ý điên”, ngay cả người không chuyên môn cũng dễ liên tượng ngay đến những bức tượng nhà mồ ở Tây Nguyên bởi chúng giống nhau ở hình khối, chất liệu và cách thức sáng tạo. “Ý điên” có chịu ảnh hưởng của tượng nhà mồ Tây Nguyên hay không chẳng quan trọng. Quan trọng là “Ý điên” không làm giống như những nghệ nhân dân gian ở đại ngàn Tây Nguyên. Tượng nhà mồ Tây Nguyên có mục đích tái tạo lại những sinh hoạt khi còn sống của người đã khuất, với tinh thần sao chép hiện thực một cách giống như thật. Tượng của “Ý điên” khác hẳn! Những bức tượng của “Ý điên” không thể hiện một hành động cụ thể của con người; mà đơn giản chỉ làm hữu hình hóa những trạng thái mơ hồ muôn thủa của con người: Một chút sợ hãi, một chút bàng hoàng... Nó na ná như câu thơ của Xuân Diệu: “Hôm nay, trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

Hẳn có người sẽ gắn ghép những bức tượng như là thái độ của “Ý điên”-thái độ của cái tôi nghệ sĩ với hiện thực cuộc sống gấp, bon chen đối nghịch với sự mơ mộng, vô tư lợi của nghệ thuật. Cảm hứng nghệ thuật này đã được nhiều nghệ sĩ đã và đang thể hiện, kể cả ở các hình thức mới như: Sắp đặt, trình diễn, videoart... của nghệ thuật đương đại. Tượng của “Ý điên” dù được sáng tạo bằng dụng cụ thô sơ nhất nhưng lại có chiều sâu triết lý chẳng hề kém cạnh bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào vì những bức tượng có thể xem là ẩn dụ thể hiện đa nghĩa về những đau khổ bản thể của con người. Có người xem tượng “Ý điên” buông ra một nhận xét: Tượng của “Ý điên” cứ như tượng của danh họa Pablo Picasso lấy cảm hứng từ tượng châu Phi. Nhận xét trên không phải là úp chụp vô nghĩa, quả thật tượng “Ý điên” gợi về sự hoang dã, kỳ bí, vừa quen lại vừa mới lạ.

Có người sẽ không thích tượng của “Ý điên” bởi những khuôn mặt người méo mó, quái dị, phi cân xứng... Nhưng cái đẹp của tượng “Ý điên” chính lại là sự lệch chuẩn, chẳng có một tôn chỉ nghệ thuật nào ngoài chính tôn chỉ do tự tạo ra. Nó xuất phát từ lối sống phóng túng của chính cha đẻ những bức tượng, “Ý điên” là người sáng tạo bằng cách “ăn” vào cuộc đời của chính mình. Không ngoa thì cho rằng “Ý điên” là một mẫu nghệ sĩ kiểu như Bùi Giáng trong thơ ca!

Sau triển lãm như một sự tái xuất giang hồ này, không ai biết “Ý điên” có quay lại với cái nghiệp sáng tạo trót vận vào thân hay không? Bạn bè và những người yêu tác phẩm của “Ý điên” kỳ vọng với sức khỏe vẫn còn, sự hồn nhiên và “chất quái” vẫn còn đó, “Ý điên” sẽ trở lại với “phong độ” như trước nhưng bằng những tác phẩm độc đáo hơn. Giả dụ có trường hợp xấu nhất là “Ý điên” không còn thực hành nghệ thuật nữa thì chắc chắn tên tuổi “Ý điên” vẫn sẽ còn một lại; không chỉ bởi những giai thoại mà chính bằng những tác phẩm tuyệt vời mà “Ý điên” đã sáng tạo cho cuộc đời này.    

THU THỦY

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

CANNES 2012: ĐIỂM NHẤN CHUYÊN MÔN


(Cảnh trong phim "Amour" đoạt giải Càng cọ vàng 2012)
Nỗi thất vọng đến từ nước Mỹ

Rạng sáng 28- 5 (theo giờ Việt Nam) liên hoan phim danh giá của nước Pháp- Cannes 2012 đã khép lại. Trong số 22 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay, có 6 bộ phim đến từ nước Mỹ-một con số khá cao so với các lần Liên hoan phim (LHP) Cannes gần đây. Sau giải Cành cọ vàng 2011 cho kiệt tác “The tree of life” (Cây đời); LHP Cannes năm nay, điện ảnh Mỹ gây thất vọng lớn khi cả 6 bộ phim không để lại nhiều ấn tượng cho người xem.  

Gây thất vọng nhất là bộ phim “On the road” (Trên đường) vốn chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jack Kerouac (1922-1969). Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ca ngợi tinh thần tự do của tuổi trẻ và độc đáo ở kỹ thuật viết pha tạp những câu văn ngắn kiểu điện tín xen các đoạn văn dài mô phỏng nhạc jazz. Sự thất bại của bộ phim “Trên đường” chứng minh sự bất lực của đạo diễn Walter Salles khi không làm sao chuyển hóa được tinh hoa nghệ thuật ngôn từ trong tiểu thuyết để biến thành điểm nhấn của nghệ thuật hình ảnh động trong điện ảnh. W. Salles đã quá bám sát vào cốt truyện tiểu thuyết khiến bộ phim “Trên đường” trở nên dài lê thê, tẻ nhạt như một bộ phim quảng bá du lịch! Vớt vát cho “Trên đường” có lẽ là nhờ dàn diễn viên trẻ đẹp và diễn xuất có nghề. Nổi bật là vai nhân vật nữ Marylou của diễn viên Kristen Stewart-nổi tiếng khi đóng Bella Swan trong loạt phim “Chạng vạng”, được xem là phát hiện đáng nhớ của Cannes 2012.

Bạn diễn của K. Stewart trong loạt phim “Chạng vạng” là “ma cà rồng” Robert Pattinson cũng xuất hiện tại Cannes 2012 khi là diễn viên chính trong bộ phim “Cosmopolis” (Thành phố quốc tế) của đạo diễn David Cronenberg. Bộ phim này cũng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn đương đại hàng đầu nước Mỹ Don Dellilo. Bộ phim kể về một ngày bất thường trong đời tỷ phú chứng khoán chưa đến 30 tuổi tên là Eric Parker. Vào lúc “bong bóng” chứng khoán New York sắp thành thảm họa, sự nghiệp lừng lẫy của E. Parker có nguy cơ quay về con số không thì anh lạnh lùng đi... cắt tóc. Để đến được tiệm cắt tóc, Parker phải đi xuyên qua thành phố đang hỗn loạn. Đó cũng là lúc E. Parker quay trở lại kỷ niệm với vợ cũ và cả những người đàn bà đã đi qua đời anh, và trông thấy những bộ mặt thảm hại của cư dân thành phố. Một hành trình ngắn ngủi về địa lý nhưng lại làm biến động phức tạp của tâm lý nhân vật. Robert Pattinson thực sự đã thể hiện được phần nào những cung bậc tâm lý thất thường của E. Parker nhưng nhìn tổng thể thì “Thành phố quốc tế” chỉ được xếp vào hạng “xem được”!

Báo chí Pháp tin rằng, mục đích phim Mỹ đổ bộ xuống Cannes không phải là ham hố tranh giải Cành cọ vàng mà chỉ đơn giản là quảng bá trước khi trình chiếu rộng rãi. Ai cũng biết, LHP Cannes chỉ xếp sau giải Oscar, được nhắc tên liên tục trong gần một tuần tại LHP Cannes thì hiệu quả quảng bá không hề nhỏ, lại còn tiết kiệm hơn so với chiến dịch quảng cáo tốn kém-có khi bằng 1/3 chi phí sản xuất phim.

Cũng không được đánh giá cao như các bộ phim Mỹ là các bộ phim đến từ châu Á. Trong quá khứ, Cannes đã từng là “bệ phóng” tên tuổi cho các bộ phim như: “Farewell my concubine” (Bá vương biệt cơ, 1993) của Trần Khải Ca (Trung Quốc), “Happy together” (Hạnh phúc bên nhau, 1997) và “In the mood for love” (Tâm trạng khi yêu, 2000) của Vương Gia Vệ (Hồng Kông, Trung Quốc)... Tại Cannes 2012, ba bộ phim đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn toàn không gây được bất cứ một tiếng vang nào.

Dù được đánh giá là kỳ LHP đa dạng và phong phú từ nội dung, phong cách và thể loại nhưng Cannes 2012 được xem là một kỳ LHP không có nhiều phim hay, chất lượng các bộ phim không đồng đều.

          Đi theo tiêu chí truyền thống

Sự kém cỏi của những bộ phim tưởng chừng sẽ gây bất ngờ đến từ Mỹ và châu Á khiến giới phê bình đoán chắc lại có thêm một bộ phim châu Âu đoạt giải Cành cọ vàng. Càng đến ngày công bố giải, phim “Amour” (Tình yêu) của đạo diễn Áo Michael Haneke và phim “Au-delà des collines” (Bên kia những ngọn đồi) của đạo diễn Ru-ma-ni Cristian Mungiu nổi lên, biến Cannes 2012 trở thành cuộc đua “song mã”. Cuối cùng, Cành cọ vàng đã thuộc về phim “Tình yêu”. Phim “Bên kia những ngọn đồi” cũng đoạt hai giải quan trọng là giải kịch bản cho C. Mungiu và giải nữ diễn viên chia cho hai diễn viên là Cristina Flutur và Cosmina Stratan.

Sự vinh danh trên chứng tỏ Ban giám khảo Cannes 2012 với chủ tịch là nhà làm phim I-ta-li-a Nanni Moretti đã không có sự lựa chọn theo hướng đổi mới; thay vào đó, tiếp tục đi theo tiêu chí truyền thống của LHP Cannes đó là thể hiện chiều sâu tâm lý con người thông qua các nghệ thuật tự sự phức tạp.

Tuy nhiên, có một điều khá mới đáng chú ý ở Cannes năm nay đó là hầu hết các bộ phim đều đặt nhân vật là những con người bình dị vào những tình huống éo le hoặc gian khổ bất ngờ và từ đó để các nhân vật tự tìm ra cách quay trở lại trạng thái hạnh phúc, bình an trước đó. Có thể lờ mờ tiên đoán rằng, nội dung các bộ phim đang gián tiếp phản ánh sự loay hoay của các nước châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ công hiện nay! Điều này có nghĩa Cannes năm nay cũng có vẻ gần với Oscar khi bắt đầu quan tâm đến vấn đề đời sống hơn là các chủ đề cao siêu, không sát với thực tế.

Tiêu biểu cho xu hướng về nội dung của Cannes 2012 chính là bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng là “Tình yêu” của đạo diễn M. Haneke. Bộ phim kể về cặp vợ chồng đã ngoài tuổi 80 tên là Georges và Anne. Những năm tháng cuộc đời họ trôi qua hạnh phúc bên nhau với nghề nghiệp là giáo viên dạy nhạc. Sóng gió cuộc đời bất ngờ ập đến khi người vợ Anne bị đột quỵ, nằm liệt giường chờ chết. Chính thời điểm gian nan này, tình yêu đích thực và niềm thủy chung được cam kết bằng cả cuộc đời đã giúp họ có thêm nghị lực chống lại bệnh tật để tìm lại hạnh phúc dẫu rằng ngắn ngủi. Phim “tình yêu” là bản tình ca bằng hình ảnh ấn tượng nhất tại Cannes, được báo chí Pháp tôn vinh bằng những từ ngữ đẹp nhất có thể: “đẹp đẽ một cách ngoạn mục”, “tinh thần lãng mạn siêu việt”...

Kết quả cuối cùng của Cannes 2012 không hề gây bất ngờ. Cannes 2012 cũng không có nhiều điều mới mẻ. Vậy, phải chăng Cannes 2012 là một LHP không đáng nhớ? Câu trả lời thực ra tùy vào đánh giá của từng người; nhưng với một kỳ LHP tôn vinh được bộ phim hay nhất, và còn có sự góp mặt của một số bộ phim khá hay thì dẫu sao Cannes 2012 vẫn là một kỳ LHP đáng nhớ.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

"VƯỜN THƠ VIỆT": HY VỌNG SỚM TRỞ THÀNH HIỆN THỰC!


(“Vườn thơ” thư pháp trong chùa Huyền Không Sơn Thượng là một tham khảo giá trị cho ý tưởng “vườn thơ Việt”).
1. Nhà thơ Hồ Ngọc Sơn-tác giả bài thơ “Tình em” được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, vừa đưa ra ý tưởng về một “vườn thơ Việt”. Theo đó, “vườn thơ Việt” sẽ là nơi trưng bày những câu thơ hoặc bài thơ hay nằm trong ký ức nhiều thế hệ và được đặt trong Công viên Bách Thảo (Hà Nội) để gần với các di tích văn hóa-lịch sử nổi tiếng là Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Phủ Chủ tịch…. Trên hết, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn mong muốn, “vườn thơ Việt” sẽ trở thành một “bảo tàng sống”, góp phần giáo dục, bồi dưỡng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau cả về lịch sử, giá trị tinh thần văn hóa và thẩm mỹ văn học nghệ thuật. Đồng thời, cũng góp phần cho kinh tế và du lịch, đặc biệt là khách quốc tế cảm nhận và yêu mến đất nước Việt Nam-đất nước của thơ ca.

Ý tưởng về một vườn thơ Việt quả là độc đáo vì theo tìm hiểu của chúng tôi, ở trên thế giới chưa có hình thức “vườn thơ” như nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đưa ra. Có thể lý giải rằng, ở các nước khác họ có thói quen tôn vinh câu thơ hoặc bài thơ hay bằng cách tuyển chọn vào một công trình tuyển tập nào đó kiểu như “tinh tuyển thơ”, “tinh hoa thơ”… chứ không trưng bày thơ! Ở Việt Nam, hiện nay tồn tại ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) một “vườn thơ” nằm trong chùa Huyền Không Sơn Thượng mà đúng ra là vườn tranh thư pháp về thơ đã được nhiều người biết tới.

Để hình thành “vườn thơ Việt” một cách khoa học, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn cho rằng, việc kiến tạo “vườn thơ Việt” nên được chia thành 5 khu theo phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam đó là: Khu vực thơ dân gian và thơ cổ, Khu vực Thơ Mới (từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945), Khu vực thơ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và Khu vực thơ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) và Khu vực thơ thời đổi mới, mở cửa hội nhập (từ năm 1986 đến tạm thời là năm 2000). Nhìn vào cách phân chia nói trên thực sự chưa ổn thỏa. Theo chúng tôi, Khu vực thơ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và Khu vực thơ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) nên gộp làm một vì thơ ca và rộng ra là văn học hai thời kỳ này thống nhất trong thi pháp, tư tưởng mà giới nghiên cứu văn học hay dùng cụm từ là “nền văn học Cách mạng Việt Nam”. Ngoài ra, cũng nên tách bạch Khu vực thơ dân gian với Khu vực thơ cổ vì lẽ hình thức sáng tác thơ dân gian là truyền miệng khác thơ cổ thuộc về văn học viết thời trung đại sử dụng chữ viết Hán Nôm.

Việc có một “vườn thơ Việt” ở Hà Nội-nơi được xem là mảnh đất hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt, là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, nếu đi vào thực hiện, ban chủ trì dự án nên mời các nhà nghiên cứu văn học để cố vấn, tránh những thiếu sót có thể xảy ra.

2. Khi ý tưởng “vườn thơ Việt” được nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đưa ra rộng rãi đã nhận được nhiều sự tán đồng của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, cụ thể là ý kiến của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thông qua công văn số 560-CV/VPTU.

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội) mong mỏi có một “vườn thơ Việt” sớm hình thành: “Cá nhân tôi và Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội hoan nghênh ý tưởng “vườn thơ Việt” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn. Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng của thành phố để ý tưởng này sớm đi vào hiện thực. “Vườn thơ Việt” có thành hay không phụ thuộc vào chính quyền Hà Nội vì chỉ có chính quyền mới giải quyết được vấn đề kinh phí, quy hoạch và xây dựng. Tôi tiếc là ý tưởng này đề xuất hơi muộn, nếu đưa ra vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cách đây 2 năm, chắc chắn quyết tâm thực hiện của chính quyền Hà Nội sẽ lớn hơn bây giờ”.

Giả sử, nếu “vườn thơ Việt” được triển khai trên thực tế thì một vấn đề nan giải khác xuất hiện: Chọn câu thơ nào hoặc bài thơ nào góp mặt ở “vườn thơ Việt”? PGS, TS Đỗ Lai Thúy-chuyên gia nghiên cứu về thơ ca cho rằng: “Sự lựa chọn các câu thơ hoặc bài thơ hay cần phải dựa vào mục đích của “vườn thơ Việt”. Vì đây là công trình văn hóa phục vụ cộng đồng nên các câu thơ phải được nhân dân ghi nhớ chứ không nên chọn những câu thơ có giá trị cách tân chỉ được giới làm thơ và giới nghiên cứu thơ biết tới”.

Đi sâu vào việc lựa chọn một cách cụ thể các câu thơ trong “vườn thơ Việt”, PGS, TS Đỗ Lai Thúy góp ý: “Trường hợp một thơ tứ tuyệt như bài “Cảnh khuya” của Bác Hồ thì nên lấy cả bài; với những bài thơ dài chỉ nên chọn một đến hai câu thơ tiêu biểu gợi nhớ đến cả bài thơ. Việc tìm được sự đồng thuận tuyệt đối trong chọn thơ là điều không tưởng; vì vậy, nên giao hẳn việc tuyển chọn cho một hội đồng thẩm định do Hội Nhà văn Việt Nam lập ra. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm trả lời cho từng trường hợp vì sao chọn câu thơ này mà không phải là câu thơ kia. Chứ nếu trưng cầu ý kiến để chọn thơ thì vừa mất thời gian và chẳng bao giờ đi đến thống nhất”.

Từ ý tưởng đến hiện thực là một chặng đường dài. Hy vọng với sự cộng tác của các cơ quan chuyên môn, chính quyền Hà Nội có quyết tâm thực hiện “vườn thơ Việt”-một ý tưởng có nhiều lợi ích thiết thực cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

THỜI ĐÀM (XXII): TIN Ở HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH!


Mùa phim hè 2012 ở Việt Nam xảy ra vụ việc hiếm gặp đó là khi bộ phim “Bẫy cấp 3” của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm trình chiếu dưới mọi hình thức. Quyết định do Cục Điện ảnh ban hành sau khi Hội đồng duyệt phim Quốc gia không thông qua bộ phim này. Quyết định nói trên lại không hề gây tranh cãi khi đại diện MegaStar-đơn vị phát hành bộ phim “Bẫy cấp 3” tôn trọng ý kiến kết luận của Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Về phía khán giả thì qua một khảo sát cho thấy, lượng khán giả ủng hộ quyết định cấm phát hành phim “Bẫy cấp 3” chiếm hơn 50% số người được hỏi.

Sở dĩ “Bẫy cấp 3” bị xếp xó vì bộ phim này có nội dung không lành mạnh khi mô tả rất thô thiển khát khao “chuyện ấy” của các cô cậu tuổi học trò; mặt khác, phim thể hiện sự thù hận của một nam sinh do chấn thương tâm lý từ nhỏ đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, mang tính kích động bạo lực. Xét về luật, phim không được phổ biến là những phim vi phạm điều 11 Luật điện ảnh và điều 9 nghị định 54/2010/NÐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật điện ảnh về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh đó là: “Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim”.

Cần nhấn mạnh rằng, không biết bao nhiêu lần dư luận phê phán ảnh hưởng xấu của các bộ phim “đen” như là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên. Ai dám chắc sau khi xem phim “đen” tất cả người xem đều có thể tự chủ để không hành động như trong phim? Không chỉ riêng “Bẫy cấp 3” mà nhiều bộ phim “đen” khác sẽ xuất hiện trong tương lai đều được thanh minh là không có dụng ý xấu. Nhưng giữa tính nghệ thuật và những cảnh phim “đen” là ranh giới hết sức mong manh. Sự non tay trong nghề nghiệp sẽ khiến những cảnh “nóng” mất tác dụng nghệ thuật, trở nên thô thiển, dung tục và phản nghệ thuật; nhưng có khi chính các nhà sản xuất lại cố tình làm một bộ phim “nhạy cảm” để câu kéo khán giả đến rạp.

Chính vì vậy, việc tồn tại Hội đồng duyệt phim Quốc gia là cực kỳ cần thiết. Những thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia đều đã có thành tựu trong nghề, những người chuyên môn cao nên họ dễ dàng phân biệt đâu là phim “đen” đâu là phim nghệ thuật hơn hẳn khán giả không có chuyên môn chỉ nhận xét theo cảm tính. Và trường hợp cần cắt một số cảnh “nhạy cảm” không phù hợp trong phim, Hội đồng cũng sẽ biết cắt cảnh gì và cắt như thế nào để phim vừa không còn dung tục nhưng đồng thời cũng không làm mất kết cấu hay mạch tự sự trong phim.

Không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh mà ở trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, các hội đồng thẩm định cũng sẽ có ích ở nhiều việc khác nhau. Còn nhớ, cách đây vài năm, một nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc khá hay. Tuy nhiên, một bài hát của nhạc sĩ này bị dư luận cho là đạo nhạc. Lẽ dĩ nhiên, nhạc sĩ này chối bay chối biến. Các fan hâm mộ nhạc anh ta thì chăm chăm bênh thần tượng cho rằng có ai ghen ghét nên mới tung tin đạo nhạc. Sự việc chỉ kết thúc khi Hội đồng nghệ thuật của Hội nhạc sĩ địa phương nơi nhạc sĩ kia đang hoạt động chính thức vào cuộc để thẩm định tác phẩm. Kết luận của Hội đồng nghệ thuật là nhạc sĩ kia đã đạo nhạc. Sau khi có kết luận, chẳng ai còn bênh nhạc sĩ kia nữa vì Hội đồng toàn là các nhạc sĩ “cây đa cây đề”.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp một số Hội đồng có chức năng kiểm duyệt các các phẩm văn học nghệ thuật lại tập hợp một số người không có chuyên môn. Điều này dẫn đến việc những người trong hội đồng không nhìn thấy những cách tân độc đáo đằng sau những cách diễn đạt tưởng chừng rối rắm hoặc không nhận ra những ẩn dụ sâu sắc đằng sau những hình ảnh “nhạy cảm”... Vì vậy, đội khi lại cấm phát hành nhầm tác phẩm hay, gây ra sự mâu thuẫn không đáng có với giới sáng tác.

Dù có những quyết định đúng hay sai thì không nên trách các hội đồng thẩm định. Nhưng để nâng cao úy tín, về cơ bản, các Hội đồng thẩm định nghệ thuật cần phải nâng cao trách nhiệm tránh để lọt những tác phẩm độc hại ra thị trường; và cần có tiếng nói kịp thời và có trọng lượng để định hướng dư luận biết thưởng thức nghệ thuật đúng đắn, tránh những tranh cãi trái chiều không cần thiết. Ở chiều ngược lại, công chúng cũng cần đặt niềm tin vào các hội đồng thẩm định nghệ thuật-những người hết lòng bảo vệ sự lành mạnh của văn học nghệ thuật nước nhà.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG   

CÙNG BÀN LUẬN (XII): CÁI GIÁ CỦA LIÊN KẾT XUẤT BẢN


Sau khi nhà thơ Vũ Từ Trang phát hiện ra cuốn sách “Nghề cổ đất Việt” của ông bị “tác giả” Hồ Châu “luộc” dưới tên “Hỏi đáp về nghề truyền thống Việt Nam” (NXB Thời đại liên kết với Nhà sách Thành Nghĩa, 2010), NXB Thời đại mới tá hỏa thẩm định lại nội dung cuốn sách đã cấp phép. Khi việc “đạo văn” được chứng minh, NXB Thời đại đã công khai xin lỗi và đề nghị được trả nhuận bút cho nhà thơ Vũ Từ Trang; đồng thời yêu cầu phía Nhà sách Thành Nghĩa không tái bản cuốn sách đã vi phạm bản quyền.

Vụ “đạo văn” đã kết thúc nhanh chóng và êm đẹp khi hai bên “tự xử” mà không cần tòa án can thiệp. Tuy nhiên, vụ xì-căng-đan mới nhất trong lĩnh vực xuất bản, một lần nữa cảnh báo lỗ hổng trong liên kết xuất bản. Lỗ hổng này bắt nguồn từ năng lực yếu kém, độ ì lớn của các NXB khi không thể tự làm và tự kinh doanh sách do không làm tốt các khâu từ tổ chức bản thảo, mua bán bản quyền cho đến phát hành... Nhiều NXB hiện nay ra đời và tồn tại là nhờ bán giấy phép xuất bản (còn gọi là “bán cái”) cho đơn vị làm sách tư nhân. Trừ một số ít NXB có lương tâm là chỉ đồng ý cấp phép sau khi thẩm định lần cuối, đa số các NXB phó mặc hoàn toàn bản quyền lẫn nội dung cho các đơn vị liên kết.

Sự dễ dãi trong “bán cái” sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đáng lo ngại. Ngoài việc vi phạm bản quyền, sẽ không khó dự đoán rằng nhiều cuốn sách “đen”, sách kém chất lượng... dễ dàng đến tay người đọc nhờ sự bắt tay của “cặp đôi hoàn hảo” là NXB thiếu trách nhiệm quản lý và đơn vị tư nhân thu lời tối đa sẵn sàng làm ẩu.

Liên kết xuất bản là xu hướng tất yếu của một ngành xuất bản chuyên nghiệp vì không tổ chức nào có thể đủ nhân lực, vật lực và thời gian để hoàn thành các khâu từ A đến Z. Vì vậy, có những nhà xuất bản tên tuổi cũng bị đối tác liên kết dễ dàng qua mặt để cho ra đời những cuốn sách có nội dung thiếu lành mạnh. Trong nhiều trường hợp, các nhà xuất bản đều đá “quả bóng” trách nhiệm cho phía đối tác. Khi các nhà xuất bản còn tiếp tục đổ lỗi mà không nhận thiếu trách nhiệm, đúng hơn là đã không thực hiện nghiêm túc các quy định về bản quyền và xuất bản thì những vụ việc tương tự chắc chắn vẫn tiếp tục xảy ra.

Thiết nghĩ, cần có thêm những quy định về vấn sát với thực tiễn liên kết xuất bản hiện nay; trong đó, tập trung vào trách nhiệm “bán cái” của các NXB. Tất cả phải nhằm mục tiêu buộc các NXB phải có hành động mạnh mẽ, thiết thực để đảm bảo định hướng xuất bản, tránh việc bị đối tác lợi dụng trong liên kết xuất bản. Và các quy định cũng nên tăng mức phạt và kiên quyết mạnh tay xử lý những vi phạm mới có thể chấn chỉnh lại công tác liên kết xuất bản đang nhốn nháo.

Muộn còn hơn không, và nếu còn chưa nhận thức đầy đủ tác hại của liên kết xuất bản thiếu lành mạnh thì càng ngày nó sẽ dẫn đến tác động góp phần làm bần cùng hóa những tri thức làm sách, khiến các đơn vị làm sách nghiêm túc dần nản lòng. Và quan trọng hơn, chịu thua thiệt trực tiếp đương nhiên là người đọc, nhất là thế hệ trẻ. Họ bỏ tiền ra để mong thưởng thức cái hay, cái đẹp và những điều bổ ích từ những trang sách nhưng không ngờ lại vớ phải những cuốn sách nội dung nhảm nhí, thậm chí độc hại. NXB “bán cái” kiểu “sống chết mặc bay” một lần với giá khá rẻ chỉ vài triệu đồng, nhưng nếu đa số NXB nào cũng “bán cái” và lặp đi lặp lại việc đó hàng nghìn lần thì thì sự trì trệ của văn hóa đọc, sự méo mó thẩm mỹ và nhận thức của người đọc thì cái giá phải trả lại quá đắt!

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XI): ĐỐI THOẠI THƯỜNG XUYÊN VỚI DÂN


Vụ việc tiểu thương chợ Bỉm Sơn đòi UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) phải hủy quyết định bàn giao chợ Bỉm Sơn cho Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (TP Thanh Hóa) do chưa bàn bạc với các hộ kinh doanh đã kéo dài nhiều tháng. Sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu khi các tiểu thương tụ tập trước trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh đòi chính quyền tỉnh Thanh Hóa phải giải quyết rốt ráo việc này. Trước tình hình đó, mới đây, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ trì buổi đối thoại với các tiểu thương chợ Bỉm Sơn nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, sớm đưa chợ Bỉm Sơn trở lại hoạt động.

Tại cuộc đối thoại, đồng chí Mai Văn Ninh đã đi xuống phía người dân ngồi và  lần lượt giải đáp các khúc mắc của người dân. Đồng chí Mai Văn Ninh khẳng định: UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND thị xã Bỉm Sơn quyết định hủy bỏ việc bàn giao chợ cho Tổng Công ty thương mại và xây dựng Đông Bắc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu kiểm điểm Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã Bỉm Sơn và một số đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Bỉm Sơn không đúng với tinh thần của Chính phủ và của UBND tỉnh. Cũng trong cuộc đối thoại, đồng chí Mai Văn Ninh cũng phân tích cái sai của các tiểu thương là tụ tập nhiều ngày gây mất an ninh trật tự. Sau buổi đối thoại trên, các tiểu thương đều hài lòng với giải pháp nhanh chóng, minh bạch của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; bày tỏ sự đồng tình với chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ Bỉm Sơn nếu có sự bàn bạc, thỏa thuận, đi đến thống nhất giữa chính quyền thị xã, chủ đầu tư và các tiểu thương.

Vụ việc chợ Bỉm Sơn là bài học cho việc các quyết định hành chính không hợp lòng dân, đi ngược lại lợi ích nhân dân sẽ phản tác dụng gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn. Điều đáng trách là khi xảy ra tình huống bất đồng của người dân với quyết định hành chính, UBND thị xã Bỉm Sơn đã không có hướng xử lý dứt điểm. Song, cái kết của vụ việc chợ Bỉm Sơn có thể xem là có hậu khi các tiểu thương đồng tình và dư luận hoan nghênh cách giải quyết thấu tình đạt lý của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Một việc đáng lẽ phải xem là bình thường, đã là người lãnh đạo phải gặp gỡ người dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người dân để đưa ra những hướng giải quyết hợp lòng dân lại trở thành một hiện tượng được xem là đáng quý?
Thiết nghĩ, không chỉ chờ đến khi nảy sinh những vụ việc phức tạp, chính quyền và người lãnh đạo mới tổ chức đối thoại với người dân; mà việc làm này cần phải tiến hành thường xuyên. Nếu nhân rộng những cuộc đối thoại minh bạch như cách làm của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa qua, không chỉ để dịp hứa hẹn nhằm an lòng nhân dân mà đây có thể xem là cơ hội “vàng” để các cấp chính quyền kiểm tra các quyết sách có hợp lòng dân hay không để có phương án xử lý sớm, tránh những mâu thuẫn nảy sinh đến mức phức tạp.

Và xét cho cùng, việc thường xuyên đối thoại với nhân dân chính là một hành động cụ thể, thiết thực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập tấm gương Bác Hồ không chỉ là học tập tư tưởng, đạo đức mà còn phải học cả phong cách của Người: Luôn giản dị, gần dân và nguyện làm người đầy tớ trung thành của nhân dân.

          HÀM ĐAN

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (X): ĐỘC HÀNH NGHÌN DẶM VÌ DU LỊCH VIỆT



Trần Hùng John (Giôn) - chàng trai 23 tuổi người Mỹ gốc Việt chuẩn bị đi bộ gần 1.800km từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh mà không mang theo một xu nào. Anh đã quyết định bỏ luôn công việc hiện tại là MC truyền hình để toàn tâm thực hiện kế hoạch này.

Kế hoạch khá “dị” của Trần Hùng John xuất phát từ việc có một số bài viết từ bên ngoài cho rằng Việt Nam không phải địa điểm du lịch lý tưởng bởi thiếu an toàn và những người bản xứ không mấy thân thiện. Để chứng minh người Việt Nam nhiệt huyết, tốt bụng, Trần Hùng Giôn quyết thực hiện chuyến phiêu lưu từ Bắc vào Nam không cần tiền mà chỉ dựa vào sự hiếu khách và lòng tốt của những người Việt Nam gặp trên đường.

Mới đây, nhà báo người Đức Mai-cơn Goai-gơ đã đi vòng quanh thế giới với tổng cộng hơn 40.000km mà không mang theo một xu trong túi. Nhưng mục đích chuyến đi của Mai-cơn Goai-gơ là thực hiện ước mơ đặt chân lên Nam Cực và để viết một cuốn sách kể về cuộc hành trình. Còn chuyến độc hành của Trần Hùng Giôn thì nhằm mục đích khám phá về du lịch Việt Nam. Chuyến đi không hề mang dụng ý “đánh bóng” bản thân mà để khẳng định thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ sống hưởng thụ ích kỷ, mà muốn đem sức lực và bầu nhiệt huyết để làm những việc ích nước, lợi nhà.

Lâu nay, việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thường đi theo một số cách như tổ chức các ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, quảng cáo về du lịch Việt Nam trên những kênh truyền hình nổi tiếng…Thực tế cho thấy những cách quảng bá này chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn vì thiếu sự mới mẻ, thú vị và na ná cách quảng bá du lịch của một số nước đang phát triển khác.

Kế hoạch đi bộ nghìn dặm của Trần Hùng John có thể chưa mang lại hiệu quả quảng bá du lịch ngay tức thì, song  ý tưởng và việc làm này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông và công chúng trong nước cũng như nước ngoài. Không cần bỏ tiền ra giới thiệu nhưng những danh thắng, khu du lịch nổi tiếng… theo dọc cung đường từ Bắc vào Nam mà Trần Hùng Giôn đi qua sẽ được nhắc đến, kèm theo đó là những câu chuyện khám phá thú vị.  Chuyến độc hành cũng giúp xóa đi những câu chuyện tiêu cực mà một số phương tiện thông tin bên ngoài không mấy thân thiện vẽ ra, giúp cho bạn đọc hiểu đúng bản tính mến khách, “thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam. 

Hy vọng, trong  chúng ta, nhất là các bạn trẻ cũng có thể tìm tòi, sáng tạo ra kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm góp phần tích cực vào  sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trước hết là truyền tải những thông điệp đúng về Việt Nam đến bè bạn trên khắp thế giới./.

          HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN HÀ NỘI


“Ở Nhà hàng Luna d’Autunno (78 Thợ Nhuộm) đang có triển lãm tranh của William P. Badger, Jr. Đẹp lắm, đến đi nhé!”

Từ dòng tin ngắn ngủi của người bạn, đành lại nhờ cậy trí nhớ: William P. Badger, Jr là ai? Trong số các họa sĩ nước ngoài có tiếng đang hoạt động ở Việt Nam hình như không có cái tên này. Nhưng nếu là họa sĩ mới và tranh anh ta đẹp thì lại càng đáng để đến xem triển lãm.  
         
Đến nơi, chưa kịp xem tranh đã gặp ngay nhân vật chính: William P. Badger, Jr. Đó là một người đàn ông đến từ nước Mỹ có dáng đậm và nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội chuẩn nhờ đã ở Việt Nam 15 năm. William nói thẳng, hội họa là một sở thích chứ không phải là nghề nghiệp. Hồi trẻ, anh học nhạc và nghề nghiệp hiện giờ chẳng liên quan gì đến nghệ thuật đó là Giám đốc marketing của Tập đoàn Bitexco. Chuyện trò mới biết, triển lãm lần này có tên “Cái nhìn thoáng qua” gồm 16 bức tranh được William sẽ trong vòng 2 năm. Và đây đã là triển lãm cá nhân thứ ba của anh.

Những bức tranh của anh đều tập trung chủ đề về Hà Nội, cụ thể là khu phố cổ. Dễ dàng nhận ra những ngõ nhỏ, những hàng cây lẻ bóng, những cầu thang uốn lượn... đặc trưng của quang cảnh khu phố xưa. Duy có điều, William không mô phỏng lại khung cảnh Hà Nội nên thơ theo kiểu “soi gương”. Bố cục bức tranh của Willam đầy ắp mảng khối kiến trúc khuyết thiếu; đôi khi chỉ còn lại không gian bỏ ngỏ với những vệt mầu sắc uốn lượn. Một phong cách đặc trưng chủ nghĩa biểu hiện (expressionism) kiểu như bức tranh “Tiếng thét” của danh họa Na Uy Edvard Munch (1863-1944) vừa mới đạt kỷ lục đấu giá 119,9 triệu USD. Đem sự so sánh nói trên hỏi William thì anh chỉ cười mà không tỏ vẻ đồng tình hay phản đối. Thế mới biết thế nào là “dại miệng”, đã là người sáng tạo thì đều không thích được (bị) so sánh với những người sáng tạo khác dù cho người đó là bậc thầy!  

Với William, đơn giản Hà Nội đã hút hồn anh, trở thành một đề tài dồi dào cảm hứng sáng tạo. Anh chọn vẽ phong cảnh và chỉ giữ lại hình thể để đem lại cho cho phong cảnh khả năng biến đổi bất ngờ. Sự biến đổi ấy dựa trên “cái nhìn thoáng qua” nhưng ấn tượng nhất về phố cổ Hà Nội mà anh có thể ghi sâu trong ký ức nay chợt hiện về. Anh lấy tâm trạng nội tâm thay đổi mang tính chủ quan để bóp méo những hình thể bên ngoài nên đường nét khung cảnh trông như ảo ảnh trong một giấc mơ. Vì thế, phải chăng William đã không đặt cho những bức tranh những cái tên cụ thể thay vào đó là những con số thứ tự?
   
Với số ít những tranh cắt dán, từ cái nhìn của một người sống lâu năm ở Hà Nội và cả sự tinh quái trong chọn lọc, William đã chọn ra tấm vé số, những từ ngữ “đặc biệt”, “thơm ngon”... lấy từ biển quảng báo, mảnh báo cũ ghép lại thành bức tranh mô tả được chiều sâu về đời sống Hà Nội mà không cần có sự góp mặt của con người trong thành phố.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng ước trở thành họa sĩ vì các bức tranh không phải mất công dịch như văn chương. Nhìn tranh của William cũng có thể cảm nhận ngay tình yêu Hà Nội sân sắc trong một con người đến từ một đất nước xa xôi. Với William dù Hà Nội mai này sẽ biến đổi như thế nào, Hà Nội vẫn có vẻ đẹp riêng; và vẻ đẹp ấy tồn tại trong cái nhìn, cái cảm của mỗi người đã trót yêu Hà Nội. 

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

ROMAIN GARY-THÁP BAYON BỐN MẶT


Giải Goncourt-giải thưởng văn chương uy tín nhất của nước Pháp chỉ trao cho mỗi nhà văn một lần duy nhất. Nhưng có một lần quy định trên bị phá vỡ bằng một vụ “gian lận” nổi tiếng mà chủ trò là nhà văn Romain Gary (1914-1980). Lần đầu, R. Gary đoạt giải với tiểu thuyết “Rễ trời” vào năm 1956; 19 năm sau, ông lại là chủ nhân giải Goncourt với tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt” với bút danh Émile Ajar.

R. Gary đã sắp đặt để người cháu Paul Pavlowitch nhập vai Émile Ajar khiến mọi người tưởng rằng nước Pháp lại có thêm một tài năng văn chương. Trò đùa với giải Goncourt chỉ là hệ quả tất yếu một con người đa nhân cách quá từng trải. Dù viết bằng tiếng Pháp nhưng chủng tộc của R. Gary lại là người Do Thái sinh ở Vilnius-thủ đô Lít-va với tên khai sinh Roman Kacew. 14 tuổi đến Pháp, sau đó R. Gary học luật nhưng Đệ nhị thế chiến nổ ra, ông trở thành phi công. Hòa bình lập lại, ông hoạt động trong ngành ngoại giao và làm phim tại nhiều quốc gia. Và tất nhiên không thể quên, ông là tác giả của 37 tác phẩm văn chương.

Sau “Rễ trời” đầy vinh quang, R. Gary vẫn tiếp tục viết nhưng không ít nhà phê bình thiếu thiện cảm với các tác phẩm của R. Gary vì cho rằng chẳng có gì mới mẻ. Một phần nguyên nhân coi thường tác phẩm của R. Gary lại bắt nguồn từ thói ghen ghét từ bề ngoài đỏm dáng rất “kịch” của một “siêu sao văn chương”, cùng với đủ các danh hiệu khoác lên người ông: Huân chương Giải phóng, Bắc Đẩu Bội tinh, giải Goncourt, Tổng Lãnh sự Pháp ở Mỹ... “Ngôi sao” R. Gary dần dần bị người đời lãng quên. Chính lúc cô đơn và ẩn dật, ông khởi sự cuộc phiêu lưu cuối cùng và ngoạn mục nhất với 4 tiểu thuyết dưới bút danh Émile Ajar.

Chặng đường sáng tạo nước rút này, R. Gary đã cách tân bút pháp gần như cách lìa hẳn những tác phẩm trước. Xuất sắc hơn cả trong số các tác phẩm cuối đời là kiệt tác “Cuộc sống ở trước mặt” (Hồ Thanh Vân dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2010). Bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Moshé Mizrahi đã đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1978.

Tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt” được kết cấu dựa trên một chuỗi độc thoại của cậu bé Mohammed (tên thân mật là Momo). Momo là đứa con ra đời không mong muốn của một gái điếm người Ả-rập ở Pháp. Do không có điều kiện nuôi, bà mẹ Momo chi tiền để gửi cậu cho Madame Rosa-một gái điếm người Do Thái đã giải nghệ giờ chuyển sang nghề trông nom những đứa trẻ vô thừa nhận. Bù lại thiếu thốn vật chất, Momo luôn hạnh phúc bởi được che chở bởi tình yêu thương của Madame Rosa. Momo cũng dành tình cảm cho bà sâu nặng một kiểu “tình yêu tinh thần” (Platonic). Nhưng cuộc sống không thể tiếp tục như vậy vì khoảng cách hơn nửa thế kỷ tuổi tác; một ngày rất gần Madame Rosa sẽ không còn trên cuộc đời. Thế rồi Madame Rosa mất, Momo cô đơn đối diện với cuộc sống ở trước mặt với lời hứa với Madame Rosa sẽ trở thành người tử tế.

Cốt truyện trên nếu rơi vào tay của một nhà văn hiện thực hồi đầu thế kỷ XX nhiều khả năng tác giả sẽ bi kịch hóa hoàn cảnh của Momo biến cậu thành một tay du côn trẻ con bị hoàn cảnh tha hóa. Với một tài năng sáng tạo vô bờ bến như R. Gary không thể để câu chuyện dễ nắm bắt như vậy. R. Gary đã phát triển cốt chuyện thành nhiều chủ đề khác nhau khiến người đọc có thể hiểu “Cuộc sống ở trước mặt” là câu chuyện tình thương giữa người với người, ẩn ý về sự hòa hợp chủng tộc (ở đây là Ả-rập và Do Thái) nhưng có lẽ trên hết là sự phản kháng những bất công đã an bài của số phận.     


Momo ở một chiều kích nào đó là một tự họa đầy ẩn ý của R. Gary, một kiểu “tự hư cấu” (autofiction). Ông đã sử dụng lối chơi chữ, làm lệch chuẩn cú pháp, cắt xét ngôn từ hay lặp đi lặp lại hiệu ứng khôi hài để biểu đạt tất cả sự phức tạp của tính cách Momo: Sống trong môi trường “thiếu lương thiện” nhưng lại hành xử tử tế; tiếp xúc nhiều với cuộc đời nhưng suy nghĩ vẫn còn trẻ con... Trên hết, R. Gary đã ngầm “viết lại” (rewrite) đề tài trước đây. Đoạn cuối tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt”, Momo bướng bỉnh không chấp nhận việc cái chết của bà mẹ nuôi nên cậu vẫn tô màu lên khuôn mặt tử thi của Madame Rosa như một cách phản kháng tuyệt vọng cho một tình yêu không bao giờ đạt tới. Đề tài này thực chất đã có từ năm 1960 với tác phẩm “Lời hứa lúc bình minh” (Nguyễn Duy Bình dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2009) nhưng không được ai thời đó công nhận là một kiệt tác. Hành động của “gian lận” của R. Gary cũng là cách chống lại sự lãng quên, đùa cợt cuộc đời không thừa nhận tài năng đích thực của mình.

Trò đùa của R. Gary chấm dứt vào ngày 2-12-1980 khi ông kết thúc cuộc đời bằng cách bắn vào đầu không lâu sau vụ tử tự của người vợ là minh tinh điện ảnh người Mỹ Jean Seberg. R. Gary đã kịp tiết lộ ông chính là Émile Ajar. Những hành động sau cùng này chỉ như là cái kết của một cuộc đời kỳ lạ không kém những kiệt tác của R. Gary-một con người có nhiều căn cước đầy mâu thuẫn gợi nhớ những câu thơ của Chế Lan Viên: “Anh là tháp Bayon bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”.

          HÀM ĐAN

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (IX): CHĂM SÓC TRẺ EM NGÀY NẮNG NÓNG

 Mấy ngày qua, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên tình trạng nắng nóng duy trì trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 đến 39 độ C, có nơi lên tới 43 độ C. Hệ quả của đợt nắng nóng đang diễn ra là nhiều người phải nhập viện, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có sức đề kháng yếu.
Ở trong gia đình, đa số các bậc phụ huynh đều có ý thức chủ động phòng, chống nắng nóng cho con trẻ như: Bổ sung nước, nâng cao chất lượng bữa ăn, mặc đồ thoáng mát và giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ... Tuy nhiên, thời gian học ở trường chiếm phần lớn, nên việc chăm sóc sức khỏe cho các em trong những ngày nắng nóng đặt lên vai nhà trường. Chương trình học vốn đã nặng nề, trường lớp nhiều nơi tuềnh toàng, có khi bị nắng chiếu trực tiếp vào phòng học, nhiều lớp đông học sinh khiến không khí ngột ngạt, giờ giải lao các em mải chơi, mồ hôi, bụi bặm... những nguyên nhân đó khiến nhiều trẻ mệt mỏi, ốm và gây quá tải cho bệnh viện mấy ngày qua.
Đối phó với nắng nóng, một số trường học đã lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, chủ yếu ở trung tâm các thành phố lớn. Để mở rộng việc lắp đặt máy điều hòa không thể trông chờ hoàn toàn từ kinh phí nhà trường và túi tiền phụ huynh mà cần xã hội hóa nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Vấn đề là các nhà trường có quan tâm tới các em và khơi đúng mạch nguồn nhân ái hay không? Tất nhiên, có máy điều hòa nhiệt độ rồi, việc sử dụng sao cho hợp lý để tránh lợi bất cập hại cũng là vấn đề cần quan tâm.
Trước mắt, những ngày nắng nóng, các nhà trường cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý học sinh. Hạn chế các hoạt động vui chơi ngoài trời khi thời tiết nắng nóng trên 37 độ C. Đồng thời, nhà trường cũng cần bố trí hợp lý các các hoạt động khác như: Thể dục, ngoại khóa, vệ sinh môi trường... tránh để trẻ em tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng quá lâu. Với những trẻ học bán trú ăn trưa ở trường, cần tăng cường giám sát công tác phục vụ ăn, ngủ của các cháu, tránh tình trạng phó mặc cho các cơ sở dịch vụ.
Chúng ta đang thực hiện mô hình gia đình ít con, vì thế sự quan tâm lo lắng của các bậc cha mẹ đến con cái là rất lớn. Đặc biệt các gia đình quân nhân, gia đình công chức, không có nhiều thời gian và nhân lực chăm sóc con cái thì việc các thầy cô giáo phát huy trách nhiệm, đề cao nhân ái chăm lo các cháu thay cha mẹ là những việc làm tốt, góp phần ổn định xã hội. 

HÀM ĐAN