Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XII): CÁI GIÁ CỦA LIÊN KẾT XUẤT BẢN


Sau khi nhà thơ Vũ Từ Trang phát hiện ra cuốn sách “Nghề cổ đất Việt” của ông bị “tác giả” Hồ Châu “luộc” dưới tên “Hỏi đáp về nghề truyền thống Việt Nam” (NXB Thời đại liên kết với Nhà sách Thành Nghĩa, 2010), NXB Thời đại mới tá hỏa thẩm định lại nội dung cuốn sách đã cấp phép. Khi việc “đạo văn” được chứng minh, NXB Thời đại đã công khai xin lỗi và đề nghị được trả nhuận bút cho nhà thơ Vũ Từ Trang; đồng thời yêu cầu phía Nhà sách Thành Nghĩa không tái bản cuốn sách đã vi phạm bản quyền.

Vụ “đạo văn” đã kết thúc nhanh chóng và êm đẹp khi hai bên “tự xử” mà không cần tòa án can thiệp. Tuy nhiên, vụ xì-căng-đan mới nhất trong lĩnh vực xuất bản, một lần nữa cảnh báo lỗ hổng trong liên kết xuất bản. Lỗ hổng này bắt nguồn từ năng lực yếu kém, độ ì lớn của các NXB khi không thể tự làm và tự kinh doanh sách do không làm tốt các khâu từ tổ chức bản thảo, mua bán bản quyền cho đến phát hành... Nhiều NXB hiện nay ra đời và tồn tại là nhờ bán giấy phép xuất bản (còn gọi là “bán cái”) cho đơn vị làm sách tư nhân. Trừ một số ít NXB có lương tâm là chỉ đồng ý cấp phép sau khi thẩm định lần cuối, đa số các NXB phó mặc hoàn toàn bản quyền lẫn nội dung cho các đơn vị liên kết.

Sự dễ dãi trong “bán cái” sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đáng lo ngại. Ngoài việc vi phạm bản quyền, sẽ không khó dự đoán rằng nhiều cuốn sách “đen”, sách kém chất lượng... dễ dàng đến tay người đọc nhờ sự bắt tay của “cặp đôi hoàn hảo” là NXB thiếu trách nhiệm quản lý và đơn vị tư nhân thu lời tối đa sẵn sàng làm ẩu.

Liên kết xuất bản là xu hướng tất yếu của một ngành xuất bản chuyên nghiệp vì không tổ chức nào có thể đủ nhân lực, vật lực và thời gian để hoàn thành các khâu từ A đến Z. Vì vậy, có những nhà xuất bản tên tuổi cũng bị đối tác liên kết dễ dàng qua mặt để cho ra đời những cuốn sách có nội dung thiếu lành mạnh. Trong nhiều trường hợp, các nhà xuất bản đều đá “quả bóng” trách nhiệm cho phía đối tác. Khi các nhà xuất bản còn tiếp tục đổ lỗi mà không nhận thiếu trách nhiệm, đúng hơn là đã không thực hiện nghiêm túc các quy định về bản quyền và xuất bản thì những vụ việc tương tự chắc chắn vẫn tiếp tục xảy ra.

Thiết nghĩ, cần có thêm những quy định về vấn sát với thực tiễn liên kết xuất bản hiện nay; trong đó, tập trung vào trách nhiệm “bán cái” của các NXB. Tất cả phải nhằm mục tiêu buộc các NXB phải có hành động mạnh mẽ, thiết thực để đảm bảo định hướng xuất bản, tránh việc bị đối tác lợi dụng trong liên kết xuất bản. Và các quy định cũng nên tăng mức phạt và kiên quyết mạnh tay xử lý những vi phạm mới có thể chấn chỉnh lại công tác liên kết xuất bản đang nhốn nháo.

Muộn còn hơn không, và nếu còn chưa nhận thức đầy đủ tác hại của liên kết xuất bản thiếu lành mạnh thì càng ngày nó sẽ dẫn đến tác động góp phần làm bần cùng hóa những tri thức làm sách, khiến các đơn vị làm sách nghiêm túc dần nản lòng. Và quan trọng hơn, chịu thua thiệt trực tiếp đương nhiên là người đọc, nhất là thế hệ trẻ. Họ bỏ tiền ra để mong thưởng thức cái hay, cái đẹp và những điều bổ ích từ những trang sách nhưng không ngờ lại vớ phải những cuốn sách nội dung nhảm nhí, thậm chí độc hại. NXB “bán cái” kiểu “sống chết mặc bay” một lần với giá khá rẻ chỉ vài triệu đồng, nhưng nếu đa số NXB nào cũng “bán cái” và lặp đi lặp lại việc đó hàng nghìn lần thì thì sự trì trệ của văn hóa đọc, sự méo mó thẩm mỹ và nhận thức của người đọc thì cái giá phải trả lại quá đắt!

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét