Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

ROMAIN GARY-THÁP BAYON BỐN MẶT


Giải Goncourt-giải thưởng văn chương uy tín nhất của nước Pháp chỉ trao cho mỗi nhà văn một lần duy nhất. Nhưng có một lần quy định trên bị phá vỡ bằng một vụ “gian lận” nổi tiếng mà chủ trò là nhà văn Romain Gary (1914-1980). Lần đầu, R. Gary đoạt giải với tiểu thuyết “Rễ trời” vào năm 1956; 19 năm sau, ông lại là chủ nhân giải Goncourt với tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt” với bút danh Émile Ajar.

R. Gary đã sắp đặt để người cháu Paul Pavlowitch nhập vai Émile Ajar khiến mọi người tưởng rằng nước Pháp lại có thêm một tài năng văn chương. Trò đùa với giải Goncourt chỉ là hệ quả tất yếu một con người đa nhân cách quá từng trải. Dù viết bằng tiếng Pháp nhưng chủng tộc của R. Gary lại là người Do Thái sinh ở Vilnius-thủ đô Lít-va với tên khai sinh Roman Kacew. 14 tuổi đến Pháp, sau đó R. Gary học luật nhưng Đệ nhị thế chiến nổ ra, ông trở thành phi công. Hòa bình lập lại, ông hoạt động trong ngành ngoại giao và làm phim tại nhiều quốc gia. Và tất nhiên không thể quên, ông là tác giả của 37 tác phẩm văn chương.

Sau “Rễ trời” đầy vinh quang, R. Gary vẫn tiếp tục viết nhưng không ít nhà phê bình thiếu thiện cảm với các tác phẩm của R. Gary vì cho rằng chẳng có gì mới mẻ. Một phần nguyên nhân coi thường tác phẩm của R. Gary lại bắt nguồn từ thói ghen ghét từ bề ngoài đỏm dáng rất “kịch” của một “siêu sao văn chương”, cùng với đủ các danh hiệu khoác lên người ông: Huân chương Giải phóng, Bắc Đẩu Bội tinh, giải Goncourt, Tổng Lãnh sự Pháp ở Mỹ... “Ngôi sao” R. Gary dần dần bị người đời lãng quên. Chính lúc cô đơn và ẩn dật, ông khởi sự cuộc phiêu lưu cuối cùng và ngoạn mục nhất với 4 tiểu thuyết dưới bút danh Émile Ajar.

Chặng đường sáng tạo nước rút này, R. Gary đã cách tân bút pháp gần như cách lìa hẳn những tác phẩm trước. Xuất sắc hơn cả trong số các tác phẩm cuối đời là kiệt tác “Cuộc sống ở trước mặt” (Hồ Thanh Vân dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2010). Bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Moshé Mizrahi đã đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1978.

Tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt” được kết cấu dựa trên một chuỗi độc thoại của cậu bé Mohammed (tên thân mật là Momo). Momo là đứa con ra đời không mong muốn của một gái điếm người Ả-rập ở Pháp. Do không có điều kiện nuôi, bà mẹ Momo chi tiền để gửi cậu cho Madame Rosa-một gái điếm người Do Thái đã giải nghệ giờ chuyển sang nghề trông nom những đứa trẻ vô thừa nhận. Bù lại thiếu thốn vật chất, Momo luôn hạnh phúc bởi được che chở bởi tình yêu thương của Madame Rosa. Momo cũng dành tình cảm cho bà sâu nặng một kiểu “tình yêu tinh thần” (Platonic). Nhưng cuộc sống không thể tiếp tục như vậy vì khoảng cách hơn nửa thế kỷ tuổi tác; một ngày rất gần Madame Rosa sẽ không còn trên cuộc đời. Thế rồi Madame Rosa mất, Momo cô đơn đối diện với cuộc sống ở trước mặt với lời hứa với Madame Rosa sẽ trở thành người tử tế.

Cốt truyện trên nếu rơi vào tay của một nhà văn hiện thực hồi đầu thế kỷ XX nhiều khả năng tác giả sẽ bi kịch hóa hoàn cảnh của Momo biến cậu thành một tay du côn trẻ con bị hoàn cảnh tha hóa. Với một tài năng sáng tạo vô bờ bến như R. Gary không thể để câu chuyện dễ nắm bắt như vậy. R. Gary đã phát triển cốt chuyện thành nhiều chủ đề khác nhau khiến người đọc có thể hiểu “Cuộc sống ở trước mặt” là câu chuyện tình thương giữa người với người, ẩn ý về sự hòa hợp chủng tộc (ở đây là Ả-rập và Do Thái) nhưng có lẽ trên hết là sự phản kháng những bất công đã an bài của số phận.     


Momo ở một chiều kích nào đó là một tự họa đầy ẩn ý của R. Gary, một kiểu “tự hư cấu” (autofiction). Ông đã sử dụng lối chơi chữ, làm lệch chuẩn cú pháp, cắt xét ngôn từ hay lặp đi lặp lại hiệu ứng khôi hài để biểu đạt tất cả sự phức tạp của tính cách Momo: Sống trong môi trường “thiếu lương thiện” nhưng lại hành xử tử tế; tiếp xúc nhiều với cuộc đời nhưng suy nghĩ vẫn còn trẻ con... Trên hết, R. Gary đã ngầm “viết lại” (rewrite) đề tài trước đây. Đoạn cuối tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt”, Momo bướng bỉnh không chấp nhận việc cái chết của bà mẹ nuôi nên cậu vẫn tô màu lên khuôn mặt tử thi của Madame Rosa như một cách phản kháng tuyệt vọng cho một tình yêu không bao giờ đạt tới. Đề tài này thực chất đã có từ năm 1960 với tác phẩm “Lời hứa lúc bình minh” (Nguyễn Duy Bình dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2009) nhưng không được ai thời đó công nhận là một kiệt tác. Hành động của “gian lận” của R. Gary cũng là cách chống lại sự lãng quên, đùa cợt cuộc đời không thừa nhận tài năng đích thực của mình.

Trò đùa của R. Gary chấm dứt vào ngày 2-12-1980 khi ông kết thúc cuộc đời bằng cách bắn vào đầu không lâu sau vụ tử tự của người vợ là minh tinh điện ảnh người Mỹ Jean Seberg. R. Gary đã kịp tiết lộ ông chính là Émile Ajar. Những hành động sau cùng này chỉ như là cái kết của một cuộc đời kỳ lạ không kém những kiệt tác của R. Gary-một con người có nhiều căn cước đầy mâu thuẫn gợi nhớ những câu thơ của Chế Lan Viên: “Anh là tháp Bayon bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”.

          HÀM ĐAN