Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

THỜI ĐÀM (XXI): HY VỌNG GÌ Ở TIỂU THUYẾT TƯƠNG TÁC?

Tiểu thuyết tương tác (Interactive novel) là hình thức tiểu thuyết vẫn còn khá mới mẻ trên thế giới nhưng đã có mặt ở Việt Nam khi NXB Dân trí thuộc Hội Khuyến học Việt Nam đứng ra thực hiện tiểu thuyết tương tác mang tên “Lựa chọn”.

Nói một cách vắn tắt, tiểu thuyết tương tác là hình thức hư cấu thông qua trang web, vì thế mà có người dùng thuật ngữ “wovel” (viết tắt web novel). Tiểu thuyết hình thành dựa trên một số chương mở đầu do một người viết, sau đó đăng tải trên trang web. Từ một khởi đầu câu chuyện và nhân vật cho sẵn, bất cứ ai cũng có thể viết thêm phần bổ sung để phát triển cốt truyện. Chính người khởi thảo câu chuyện hoặc một nhóm người sẽ lựa chọn những đoạn ưng ý nhất, sau đó ráp lại thành một tiểu thuyết.

Cách làm của NXB Dân trí không có gì khác biệt. Nhà văn Tô Hải Vân-tác giả tập truyện ngắn độc đáo “Bỗng dưng có một ngày” (NXB Hội Nhà văn, 2007) viết hai chương mở đầu tiểu thuyết “Lựa chọn” về hai nhân vật cậu bé Hoan và cô bé Hà. Hai chương tiểu thuyết trên đã đăng trên hai trang web: http://nxbdantri.com.vnhttp://vanhien.vn/. NXB gợi ý các phần tiếp theo hình thành câu chuyện phải “đầy nhân văn, thấm đẫm tình người, rất Việt Nam, không chấp nhận bạo lực, ám chỉ, và những điều mà Luật Xuất bản nghiêm cấm”; “khuyến khích cách viết và kỹ thuật viết mới mẻ, sáng tạo”. Cây bút nào muốn thử tài có thể gửi phần tiếp nối về địa chỉ email: tuongtaccungdantri@gmail.com. Ban Biên tập NXB Dân trí sẽ lựa chọn phần viết thích hợp nhất nối vào tác phẩm và công bố tiếp lên hai trang web nói trên. Cứ như vậy, tác phẩm được hoàn thiện với sự đóng góp của nhiều tác giả. Cuối cùng, tác phẩm sẽ được in thành sách. Các tác giả có phần viết được lựa chọn sẽ được ghi tên tương ứng với phần viết của mình, hưởng nhuận bút theo quy định.

Xét về bản chất, tiểu thuyết tương tác nằm trong dạng sáng tác tập thể, rất gần gũi với văn học dân gian. Văn học dân gian phổ biến thông qua hình thức truyền miệng, tác phẩm gốc đầu tiên sẽ được nhiều người thêm thắt để tạo ra các phiên bản khác tùy theo quan điểm của từng cá nhân. Sau đó, phiên bản nào được nhiều người dùng nhất sẽ xem là bản chính thức, những phiên bản khác gọi là dị bản. Tiểu thuyết tương tác có khác một chút là môi trường tương tác được tạo dựng nhờ internet nên những cây bút muốn đóng góp các phần tiếp theo sẽ dễ dàng theo dõi câu chuyện đang được phát triển và sẽ tự điều chỉnh ý tưởng mới.  

Nếu nhìn sự việc theo bề nổi, hẳn nhiều người sẽ hy vọng tiểu thuyết tương tác sẽ cho ra đời tác phẩm chất lượng. Nhưng thực tế chứng minh, việc nhiều người tham gia cùng viết tiểu thuyết nói chung hay thể loại hư cấu nói riêng chưa bao giờ thành công! Lý do rất đơn giản, mỗi người viết có nền tảng văn hóa khác nhau, lối viết văn khác nhau…; nhiều người cùng viết một tiểu thuyết sẽ gây ra nghịch cảnh là tác phẩm không còn là một chỉnh thể nghệ thuật. Chỉnh thể nghệ thuật là sự thống nhất các yếu tố như: Nội dung, hình thức, ngôn ngữ, giọng điệu, cấu trúc… Sự thống nhất này phải đạt đến độ không thể tách rời, đến mức chỉ có thể dùng một kiểu ngôn ngữ và giọng điệu mới có thể biểu đạt tối đa nội dung; nói nôm na như câu: “Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”. Cũng vì lý do trên mà người ta luôn cho rằng: Kiệt tác văn chương ra đời là do thiên tài của cá nhân!
         
Dĩ nhiên, hình thức tiểu thuyết tương tác vẫn có thể cho ra đời một tiểu thuyết không quá kém. Yếu tố quyết định ngoài tài năng của các cây bút, giá trị tiểu thuyết tương tác còn phải nhờ vào “con mắt” biên tập, định hướng nghệ thuật của ban biên tập dự án. Nếu cốt truyện tiểu thuyết phát triển một cách tự phát, các yếu tố còn lại ban biên tập có thể uốn nắn để theo một chiến lược nghệ thuật đã vạch sẵn nhằm hình thành một tác phẩm chí ít ở mức độ “đọc được”. Nhưng như vậy, có thể những bước đột phá cực kỳ bất ngờ mang tính thiên khải nhiều khả năng sẽ không được sử dụng; đồng thời cũng giảm đi nhiều bản chất tương tác.

Ở thời điểm khi tác phẩm vẫn đang hoàn thiện, chưa thể đánh giá hiệu quả của hình thức tiểu thuyết tương tác. Tuy nhiên, một dự án ít tốn kém và cho phép các cây bút thỏa sức sáng tạo, hình thức tiểu thuyết tương tác chí ít cũng thành công khi tạo ra “sân chơi” kết nối những người yêu tiểu thuyết lại gần với nhau.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG