Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

PHIM HOẠT HÌNH HÈ 2012: TIẾP TỤC CUỘC CHIẾN!


Gần 20 năm trở lại đây, phim hoạt hình có nhiều cuộc cách mạng về nội dung và cả hình thức. Tuy nhiên những bộ phim hoạt hình đình đám nhất chỉ tập trung vào một số hãng có thực lực; nổi lên trong số đó là hai “đại gia” DreamWorks và Pixar. Mùa hè 2012, cuộc chiến lại nổi lên khi DreamWorks tùng ra phần 3 của loạt phim Madagascar, còn Pixar trình làng bộ phim hoàn toàn mới mẻ là “Brave” (tựa Việt: Công chúa tóc xù).

“Madagascar 3”, bbữa tiệc tiếng cười

Mùa hè này, sư tử Alex cùng những người bạn của mình trong “Madagascar 3”tiếp tục trở lại màn ảnh rộng, với sự xuất hiện của các nhân vật mới trong chuyến phiêu lưu đầy màu sắc tới châu Âu.

Trong “Madagascar 3”, sư tử Alex, ngựa vằn Marty, hà mã Gloria và hươu cao cổ Melman quyết tâm tìm đường về với Vườn thú Trung tâm tại thành phố New York. Bỏ lại châu Phi, nhóm bạn lên đường sang châu Âu tìm những chú chim cánh cụt và đội tinh tinh với hy vọng công nghệ cao của chúng sẽ đưa tất cả về Mỹ. Tuy nhiên khi vừa tới Monte Carlo và làm náo loạn một sòng bạc ở đây, nhóm bạn đã lọt vào tầm ngắm của nữ cảnh sát trưởng người Pháp thuộc sở quản lý động vật tên là Chantel Dubois.

Với mục tiêu không để cho bất cứ loài động vật nào được bay nhảy tự do ngoài đường phố, Chantel Dubois quyết tâm truy đuổi nhóm bạn và mơ về chiến tích bắt được chú sư tử đầu tiên trong sự nghiệp. Nhóm của Alex phải trốn vào một gánh xiếc rong và đi tour tới nhiều thành phố ở châu Âu. Tại đây, họ gặp những người bạn mới như chú hải sư Stefano, nàng báo gợi cảm Gia và chú hổ nóng tính Vitaly. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khiến cho mục đích của sư tử Alex và những người bạn thay đổi hoàn toàn...

Giống như hai phần trước, “Madagascar 3” tiếp tục khai thác lợi thế về mặt hình ảnh và các tình tiết gây cười. Mỗi nhân vật trong phim đều có sự hài hước, hóm hỉnh riêng. Ở phần ba xuất hiện rất nhiều nhân vật mới nhưng có lẽ để lại nhiều ấn tượng hơn cả là nữ cảnh sát Chantel Dubois. Có khứu giác nhạy bén và bản tính ưa bạo lực, Chantel quyết tâm theo đuôi bằng được nhóm sư tử Alex, tạo nên một màn truy bắt kịch tính nhưng không kém phần vui nhộn trên khắp châu Âu. Tạo hình nữ cảnh sát này rất quái dị và đầy tính châm biếm.

Các nhân vật trong “Madagascar 3” cả cũ lẫn mới đều được hòa quyện rất ăn ý. Ở phần này, Vua khỉ Julien XIII phải lòng một nàng gấu khổng lồ trong gánh xiếc. Chuyện tình này là một trong những điểm hấp dẫn nhất trong câu chuyện lần này, bên cạnh các tuyến chuyện khác. Lấy ý tưởng chủ đạo là rạp xiếc nên “Madagascar 3” có rất nhiều màn biểu diễn công phu, rực rỡ màu sắc và gây bất ngờ. Hiệu ứng 3D tuy không tương tác nhiều với khán giả nhưng lại khiến các cảnh quay trở nên sống động, đẹp mắt hơn.

Câu chuyện của “Madagascar 3” mang tính giải trí cao nhưng cũng có tính giáo dục và ý nghĩa nhân văn. Phim đem đến những thông điệp về tình bạn, sự hy sinh, nghị lực của bản thân để vượt qua nỗi sợ hãi, hướng tới tương lai... được cài cắm nhẹ nhàng trong từng tuyến nhân vật, tiếp cận được với khán giả nhỏ tuổi một cách tài tình mà không bị giáo điều. Sau những bom tấn hành động, giả tưởng nặng ký đầy rẫy các siêu anh hùng (superhero) từ đầu hè đến giờ như một bộ phim hoạt hình 3D như “Madagascar 3” sẽ khiến bữa tiệc phim hè trở nên vui nhộn, nhẹ nhàng hơn.


“Công chúa tóc xù”, phim tâm lý “đội lốt” hoạt hình

Chỉ cần một lần xem qua “Công chúa tóc xù” dễ dàng nhận ra bộ phim chịu ảnh hưởng từ phong cách truyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Christian Hans Andersen và anh em nhà Grimm. “Công chúa tóc xù” là câu chuyện của công chúa tóc xù Merida-một nữ cung thủ tài ba và là cô con gái cứng đầu của nhà vua Fergus và hoàng hậu Elinor. Quyết tâm đi theo con đường riêng, Merida không làm theo một phong tục lâu đời được đặt ra bởi các lãnh chúa của vương quốc: Lãnh chúa to béo MacGuffin, Lãnh chúa hay cáu kỉnh Macintosh và Lãnh chúa hay gây gổ Dingwall.

Những hành động của Merida đã gây ra sự náo loạn và tức giận trong vương quốc. Khi tìm đến một mụ phù thủy lập dị, nàng nhận được một điều ước đầy rủi ro. Những sự kiện và mối đe dọa sau đó đã buộc Merida phải dùng tới mọi kỹ năng và nguồn lực của nàng - bao gồm cả ba cậu em trai sinh ba thông minh và láu lỉnh - để đảo ngược một lời nguyền trước khi quá muộn, qua đó khám phá ra ý nghĩa đích thực của lòng quả cảm. Có thể xem “Công chú tóc xù” là câu chuyện về quá trình tìm kiếm chính mình, tạo ra số phận cho mình của một cô gái trẻ nhưng vô cùng dũng cảm. Merida, nhân vật chính trong phim, phải cân bằng giữa hình ảnh mà thế giới nhìn nhận về cô và hình ảnh mà cô tự nhìn nhận mình. Cho nên, nhiều nhà phê bình điện ảnh cho rằng, “Công chúa tóc xù” thực ra là phim tâm lý dưới hình thức một bộ phim hoạt hình không có diễn viên đóng diễn.

Điểm đáng nhớ của “kỳ quan” hoạt hình thứ 13 của Pixar lần đầu tiên có nhân vật chính là nữ của “đại gia hoạt hình” Pixar. Điều đáng nhớ khác của bộ phim nằm ở độ phức tạp của hình ảnh; cho nên con số kinh phí khổng lồ 185 triệu USD là hoàn toàn hợp lý.

Mệnh lệnh đổi mới

Trong gần 10 năm canh tranh khốc liệt của hai đại gia hoạt hình DreamWorks và Pixar, xét về giải thưởng diện ảnh lớn (nhất là giải Oscar) và tính theo doanh thu thì Pixar đang chiếm thế thượng phong.

Tuy nhiên, gần đây, Pixar đang tỏ vẻ yếu thế. Một phần, xưởng phim hoạt hình này dần trở nên kém sáng tạo hơn khi không đưa ra được một nhân vật nào mới, cách kể truyện lặp đi lặp lại rất dễ đoán được kết cục.

Xưởng phim Pixar nhận ra ngay các hạn chế và tìm cách thay đổi. “Công chú tóc xù” có thể xem là bước thử khi đưa nội dung cốt truyện hoàn toàn người lớn đội cái lốt phim hoạt hình. Tuy nhiên, bước thử này tỏ vẻ không hiệu quả, chí ít xét về mặt doanh thu. Với 189 triệu USD kinh phí nhưng sau hơn một tháng công chiếu, bộ phim chỉ thu về chưa đến 280 triệu USD Trong khi đó, cũng được công chiếu vào đầu tháng 6-2012, “Madagascar 3” có kinh phí thấp hơn (145 triệu USD) nhưng thu về gần 500 triệu USD. Một sự chênh lệch quá lớn và khó san lấp, và mùa hè này có thể xem là thuộc về DreamWorks.

Lý giải thất bại của “Công chúa tóc xù” có thể chỉ nằm ở chính sự thử nghiệm của họ. Vấn đề tạo hình nhân vật và kỹ thuật làm phim không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, cốt truyện bộ phim và kỹ thuật kể chuyện khiến bộ phim này chỉ dành cho các bé gái và những người ưa phim tâm lý lâm ly! Nên nhớ, 12 bộ phim trước của Pixar từ đứa trẻ tiểu học đến cụ già 70 đều say mê vì trong một bộ phim có tât cả các yếu tố để thu hút mọi lứa tuổi.

Tất nhiên, không thiết phải quá lo lắng cho Pixar vì với trình độ nhân lực và kỹ thuật tiến tiến trong tay, xưởng phim hoạt hình huyền thoại này chắc chắn sẽ tìm ra con đường mới. Nhưng vấn đề là họ phải sớm tìm ra con đường đó, chớ dò dẫm những bước thử kiểu như “Công chúa tóc xù”. Đơn giản, ai cũng biết: Điện ảnh không phải là một thứ nghệ thuật vị nghệ thuật thuần túy; lợi nhuận là ưa tiên hàng đầu. 

Và chính bản thân người thắng trong hè 2012 là DreamWorks sau “Madagasdar 3” chắc chắn cũng phải làm một bộ phim mới để duy trì lợi thế tạm thời. Vì vậy, cuộc chiến giữa hai đại gia hoạt hình này vẫn sẽ tiếp tục ột cách dài dài...   

HÀM ĐAN