Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

THỜI ĐÀM (VI): THƠ VÀ SỰ ĐỔI MỚI

Việc đổi mới nghệ thuật từ xưa đến nay chưa có ai tuyên bố là việc dễ dàng, riêng với thơ xem ra còn khó khăn bội phần. Điều làm đau đầu các nhà thơ trong việc thể nghiệm đổi mới thơ ca không phải ở câu hỏi đầu tiên: Đổi mới để làm gì? Mục đích cụ thể để đổi mới ở mỗi nhà thơ thì khác nhau, song tựu chung có thể thấy các nhà thơ đều muốn lưu lại dấu ấn cá nhân trong các thi phẩm. Sẽ chẳng có gì buồn hơn nếu thơ mình làm ra lại giống thơ ông bạn, na ná thơ của các cụ và tệ hơn giống thơ mình cách đây… vài chục năm. Có nhà thơ đã than thở trong lời nói đầu một tập thơ mới xuất bản rằng: vài năm nay làm thơ theo những ý, những tứ đã mòn. Sẽ nhiều người băn khoăn với tâm sự của nhà thơ nọ: Đã biết là cũ sao vẫn cứ viết? Sao không đổi mới? Nhưng việc đổi mới thơ đâu cứ muốn là được. Từ đây, xuất hiện câu hỏi mới: Đổi mới thơ như thế nào?-đây mới chính là câu hỏi mà nhiều nhà thơ trăn trở.

Đổi mới thơ thật ngạc nhiên lại xuất phát từ quan niệm về chính bản thân thơ. Ngay từ đầu thế kỷ XX, từ giới lý luận thơ đến các nhà thơ đều có sự phân biệt rõ ràng giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn chương. Ngôn ngữ đời sống thì chỉ chú ý đến thông tin, còn ngôn ngữ văn chương ngoài mang tính thông tin giao tiếp còn mang thông tin thẩm mỹ. Với ngôn ngữ thơ, thông tin thẩm mỹ được đặt lên hàng đầu. Từ đó, ngôn ngữ trong thơ không còn là công cụ để nhà thơ chuyển tải tư tưởng mà bản thân ngôn ngữ chính là mục đích để đổi mới đúng như nhà lý luận thơ hàng đầu thế giới người Nga Roman Jakobson (1896-1982) viết: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”. Cho nên, người ta mới hay nói bản chất ngôn ngữ thơ là “mờ đục” chứ không phải quan niệm khá phổ biến ở nước ta cho rằng thơ phải rõ ràng, trong sáng, có gì nói nấy kiểu “thật thà như đếm”; nếu vẫn quan niệm thì muôn năm thơ sáng tác ở thời hiện đại vẫn sẽ giống ca dao tục ngữ của ngàn năm trước mà chẳng có chút thay đổi nào.

Việc đổi mới thơ nói riêng và công việc sáng tác nói chung hoàn toàn là việc làm của cá nhân, mang tính tự nguyện và mang tính tự nhiên chứ chẳng thể bắt ép, chẳng thể dạy hay bắt chước. Quá trình đổi mới là một quá trình tự “lột xác” nội tâm đau đớn. Đến đây, nhiều người sẽ nghĩ chắc mấy ông nhà thơ lại quan trọng hóa vấn đề bằng những ví von to tát. Sự thực chẳng quá lên một chút nào. Một khi động bút thể nghiệm một cách diễn đạt mới, nhà thơ sẽ gặp cản trở từ những quan niệm lỗi thời về thơ của số đông người viết theo lối mòn và người đọc đã bị “tự động hóa”. Điển hình nhất là thời kỳ Thơ Mới 1932-1945, các nhà thơ đổi mới hồi ấy như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… sáng tác các thể thơ tự do chịu ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây đã bị lớp nhà thơ cũ làm thơ niêm luật chặt chẽ ảnh hưởng của thơ ca Trung Quốc tẩy chay, chửi bới là bọn “mất gốc”, là đám nhà thơ không làm được thơ niêm luật nên mới đi làm thơ tự do. Nhưng rồi, Thơ Mới đã toàn thắng và đi vào trong tâm thức người đọc. Đến nay, sau hơn bảy mươi năm, chính bản thân Thơ Mới lại cũng đã trở thành cũ; vậy là một lần nữa, đòi hỏi cách tân thơ lại đặt ra cho các nhà thơ đương đại phải thoát khỏi những khuôn sáo mà thời Thơ Mới để lại. Việc đổi mới thơ không có nghĩa là vứt bỏ thơ cũ, không ai bảo Thơ Mới không còn có giá trị, Thơ Mới đã trở thành cổ điển-đã trở thành khuôn mẫu của thơ ca của thời đại mẫu người cá nhân đầu tiên ở đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc. Những người của thế kỷ XXI, có những cách sống và lối nghĩ khác tiền nhân vì vậy cần có thơ mới cho lớp người mới này.

Với các nhà thơ có tầm vóc, sự đổi mới thơ còn diễn ra trong bản thân các chặng sáng tác. Bước vào giai đoạn sáng tác mới họ phải quên đi những thành tựu mình làm được và bắt đầu lại từ đầu theo quy trình “phủ định của phủ định”. Như trường hợp Chế Lan Viên, các tập thơ sau 1954 của ông không chỉ đơn thuần là sự thay đổi nội dung, quên đi sự u buồn trong tập Điêu tàn (1937) mà còn là sự đổi mới hình thức thơ một cách ngoạn mục. Chế Lan Viên là người uyên bác, ông thừa hiểu đổi mới kỹ thuật thơ với những thủ pháp tân kì để tự kiến tạo con đường thơ của riêng mình thì thơ ông mới có thành tựu ảnh hưởng đến mai sau.

Đáng buồn, lớp hậu sinh không mấy người có tầm tư duy sắc sảo như thi sĩ họ Chế. Như trong một hội nghị, một nhà thơ chuyên nghiệp, đọc một tham luận để bảo vệ rằng thơ phải có vần, trong khi ai cũng biết thơ đương đại có vần hay không chẳng liên quan gì đến giá trị của bài thơ. Đọc tham luận xong, ông nhà thơ nọ nói nhỏ với ông bạn thơ ngồi bên cạnh: Tớ bây giờ đứng về phe bảo thủ rồi! Biết là mình đã bảo thủ mà vẫn khăng khăng bảo vệ những quan niệm cái cũ để dìm cái mới thì đúng là không còn gì để nói. Cứ tư duy và hành động như thế thì làm sao thơ Việt có thể ngang tầm thế giới!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG