Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

GS ĐINH XUÂN LÂM: THAY ĐỔI CÁCH DẠY, CÁCH RA ĐỀ THI MÔN SỬ


                                                                                                                                                                   
         Là một nhà sử học Việt Nam hiện đại, Nhà giáo nhân dân-Giáo sư Đinh Xuân Lâm rất buồn với việc hàng ngàn điểm không (0) môn sử trong kỳ thi đại học vừa qua. Dẫu vậy, ông vẫn tin rằng, học sinh Việt Nam sẽ lại yêu thích lịch sử nước nhà nếu các giải pháp được thực hiện đồng bộ.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư (GS), trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cùng hội tụ vào thời điểm hiện nay khiến hàng nghìn học sinh được điểm không (0) môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua, theo GS đâu là nguyên nhân chính?

GS Đinh Xuân Lâm: Theo cá nhân tôi, nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc giảng dạy môn sử học còn quá nhiều bất cập. Lâu nay, chúng ta vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt. Sử học không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó. Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sức hấp dẫn được. Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đều yêu thích môn lịch sử.

PV: Như vậy, đầu tiên là phải cải cách về phương pháp dạy lịch sử trong nhà trường?

GS Đinh Xuân Lâm: Chính xác! Giáo viên quá nệ vào sách giáo khoa khiến giờ học sử trở nên khô khan. Những số liệu sử học về cơ bản chỉ mang tính chất minh họa cho một bài học lịch sử được rút ra từ một sự kiện lịch sử. Vấn đề số liệu lịch sử thì học sinh phải tự tìm hiểu lấy trước khi học chính thức giống như tìm hiểu tiểu sử nhà văn và xuất xứ tác phẩm trước lúc vào học văn vậy. Hôm vừa rồi, tôi nghe người ta truyền nhau câu nói đùa mà rất đúng: “Cái gì không biết thì tra Google!”. Ở thời đại công nghệ thông tin, số liệu lịch sử, thậm chí là những câu chuyện bền lề chính sử nhiều vô kể, học sinh cập nhật đôi khi còn nhanh hơn giáo viên; vậy nên, chỉ cần học sinh nắm được tinh thần lịch sử của các sự kiện từ việc nghe giảng trên lớp đã là thành công lắm rồi.

PV: Sự học lại gắn với sự thi. Theo GS, có gì cần thay đổi trong việc thi môn sử không?

GS Đinh Xuân Lâm: Theo tôi, cách ra đề thi môn sử còn có nhiều điều cần thay đổi. Một đề thi đại học bây giờ nhiều câu hỏi quá, đã vậy, ngay trong một câu hỏi có những hai vế không liên hệ trực tiếp sẽ khiến học sinh dễ bị rối trí trong việc lập luận để trả lời. Tôi nhớ, trước những năm 70 của thế kỷ trước, đề thi đại học môn sử cùng lắm chỉ hai câu hỏi và nội dung câu hỏi rất đơn giản như: Bình luận câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một vấn đề trong lịch sử. Cách ra đề này cũng vừa giúp phân loại học lực học sinh vì vừa đòi hỏi học sinh có hiểu biết kiến thức lịch sử vừa đòi hỏi khả năng suy luận với nhiều ý trả lời xoay quanh một câu hỏi. Một khi đã ra đề như trên, giáo viên chấm thi cũng không thể chăm chăm vào mỗi việc xem học sinh có viết đúng các số liệu lịch sử hay không, mà còn phải xem cách lập luận và triển khai bài viết có đầy đủ và chặt chẽ mới là điểm chính. Tôi xin lấy thêm một ví dụ ngoài lề, đề thi môn văn tú tài phần thứ nhất hồi Pháp thuộc mà tôi phải làm bài rất thú vị: Giả sử, hai nhà soạn kịch Pháp là Pierre Corneille và Jean Racine sắp chết đuối khi tàu chở hai ông bị chìm, nếu phải chọn giữa một trong hai ông thì em sẽ chọn cứu ai? Mấy năm qua, tôi thấy đề thi đại học môn văn đã có những câu hỏi rất đơn giản mà buộc học sinh phải có kiến thức về văn chương và khả năng tư duy mới có thể làm được. Theo tôi, cách ra đề thi lịch sử hiện nay tốt nhất nên trở lại theo cách trên.

PV: Phương pháp giảng dạy và cách ra đề thi là một chuyện, nhưng sự thật có nhiều em học sinh, nhiều bậc cha mẹ không coi trọng môn lịch sử, hoặc chỉ học để thi chứ không có ý định gắn bó cuộc đời với khoa học lịch sử, vì sao vậy thưa Giáo sư?

GS Đinh Xuân Lâm: Đúng là để đọc sử như một niềm say mê thì cần phải có cơ duyên. Bản thân tôi yêu lịch sử từ bé là do ảnh hưởng thói quen từ ông cụ thân sinh cũng rất yêu lịch sử. Ngày nay, khó mà trông chờ các bậc phụ huynh khuyến khích con họ theo lịch sử rất khó có tương lai tương sáng, thậm chí có người nói: “Tôi rất xấu hổ khi con tôi đỗ chuyên sử!”. Tôi nghĩ trong khi chờ vào các phương tiện hiện đại và tốn kém như phim ảnh để tuyên truyền kiến thức lịch sử, có nhiều điều đơn giản mà cực kỳ hiệu quả khác có thể thực hiện ngay; chẳng hạn, những câu chuyện ngoài sách giáo khoa lịch sử mà có thể nói công khai thì giáo viên nên kể cho học sinh nghe để học sinh có hứng thú hơn trong việc tự tìm hiểu lịch sử, giúp học sử không còn là sự áp đặt. Và việc đi ngoại khóa nữa, nhiều trường học dù có điều kiện cũng không tổ chức cho học sinh đi các di tích lịch sử ngay trong địa phương.

PV: Trước thực trạng dạy và học sử như hiện nay, theo GS tình hình sẽ chuyển biến như thế nào?

GS Đinh Xuân Lâm: Tôi tin lớp trẻ sẽ lại yêu thích lịch sử chỉ trong thời gian ngắn nếu các giải pháp đổi mới dạy, học được thực thi khẩn trương. Không phải tôi là người lạc quan mới nói vậy, mà qua tiếp xúc thực tế, tôi thấy không chỉ những người trong ngành sử như tôi mới đau đáu với chuyện sử học bị rẻ rúng, mà gần như động đến vấn đề này ai cũng sôi nổi, tôi tin nhận thức xã hội về môn lịch sử sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới. Hơn nữa, như tôi đã nói, học sinh Việt Nam không chán sử học, chẳng qua là các em chưa được hưởng một phương pháp dạy và học sử ưu việt mà thôi.

PV - Xin cảm ơn GS!

HÀM ĐAN (thực hiện)

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

MY GREATEST XI

Nhân trang web Manchester United bình chọn 11 cầu thủ vĩ đại nhất nhất mâng tên Your Greatest XI , bổn blog cũng tự chọn ra 11 cầu thủ vĩ đại nhất của Quỷ đỏ theo đội hình 4-4-2:

1. Thủ môn: Peter Schmeichel

2. Hậu vệ phải: Gary Neville
3. Hậu vệ trái: Dennis Irwin
4. Trung vệ: Jaap Stam
5. Trung vệ: Rio Ferdinan

6. Tiền vệ cánh phải: Cristiano Ronaldo
7. Tiền vệ cánh trái: Ryan Giggs
8. Tiền vệ phòng ngự: Duncan Edwards
9. Tiền vệ công: Paul Scholes

10. Tiền đạo: Sir Bobby Charlton
11. Tiền đạo: Eric Cantona

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

THỜI ĐÀM (XII): BÌNH DỊ MÀ DŨNG KHÍ

Nhiều khi thấy tôi sắm quần áo mới, bà cô làm nghề giáo viên lại chép miệng: “Lớp trẻ bây giờ sướng thật, chả bù cho cô ngày xưa có mỗi bộ quần áo tử tế để đứng lớp”. Nhân tiện, bà lại kể cái chuyện đói ăn thời bao cấp, rồi kể chuyện tranh thủ đi bỏ mối hàng tạp hóa, làm thêm xong lại tất tưởi đến trường “gõ đầu trẻ”, ai hỏi thì trả lời bông đùa: “Tranh thủ đi dạy!”. Tôi nghe nhưng chẳng mấy để tâm đến câu chuyện ngỡ như hoang đường thời quá khứ!

Nhưng tôi đâu biết, những chuyện đói khổ tưởng như đã lui vào dĩ vãng của người làm công ăn lương ở nước mình vẫn còn đâu đó, nhất là với công chức ở cơ sở, vùng cao khó khăn. Vừa rồi, trong chuyến đi miền núi, tôi đã vỡ ra nhiều điều về đời sống của những con người bám trụ ở vùng cao. Trên quãng đường hơn 15 cây số, trò chuyện rủ rỉ mới biết anh xe ôm chở tôi là Hiệu phó một trường tiểu học. Hè đến, học sinh của anh không ngồi trên lớp mà ngồi trên… lưng trâu. Anh đành làm… xe ôm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh thật thà kể:

- Mình làm giáo viên vùng cao đến nay tròn 13 năm. Học sinh trường mình toàn con em đồng bào dân tộc ít người, không có chuyện dạy học hè như ở thành phố để có thu nhập thêm. Mình chẳng biết làm gì khác, thôi thì đành đi làm xe ôm để cải thiện. Vợ mình trước cũng là giáo viên nhưng giờ ở nhà trông hai cháu vì từ nhà đến các phân hiệu trong huyện có khi hàng chục cây số đường rừng nên chỉ một người đi làm được thôi. Kể cũng ngại khi đi làm thêm như thế này nhưng thời buổi khó khăn đành phải tự khắc phục.

Lên đến một chợ phiên, tôi thấy một chị bán hàng thổ cẩm nói tiếng Anh khá chuẩn, nhấn nhá trọng âm rõ ràng không phải tiếng Anh “bồi”. Tôi đoán chị phải là người được học hành bài bản, hỏi dò thì đúng vậy. Chị kể:

- Em là giáo viên tiếng Anh, tranh thủ thứ bảy và chủ nhật có chợ phiên là đi bán hàng. Gian hàng này em thuê 400 ngàn một tháng, nhờ có vốn tiếng Anh để giao tiếp với khách Tây nên em bán được nhiều hàng hơn người khác, nhưng trừ mọi chi phí cũng chỉ có lời chút đỉnh, gọi là có thêm tí thức ăn cho các cháu. Chuyện cán bộ viên chức ở đây đi làm thêm vào ngày nghỉ nhiều lắm anh ơi! Giá cả có như xưa nữa đâu nên ai cũng phải cố gắng.

Tôi dự hai phiên chợ vùng cao vào hai ngày nghỉ gặp vô số các cán bộ nhà nước đang đứng bán hàng: Anh bán tạp hóa là kế toán, chị buôn vải thiều là nhân viên văn phòng xã… Trò chuyện với từng người thì được biết, ngay cả hai vợ chồng đều có công ăn việc làm nhưng với giá cả leo thang như hiện nay trông chờ vào đồng lương thì không đủ sống. Đi quanh chợ hỏi giá cả các loại hàng hóa mới hay đầu óc mù tịt về kinh tế của tôi đã “bé cái lầm”, hóa ra giá cả lương thực thực phẩm ở trên miền núi chẳng rẻ chút nào; một số mặt hàng tiêu dùng lại đắt hơn dưới xuôi vì phí vận chuyển lên vùng cao đã đội giá lên.

Những bất ổn kinh tế hiện nay ảnh hưởng đến mọi nhà, ngay cả một vị bộ trưởng cũng bảo vợ ông đi chợ về kêu lắm. Nhưng có lẽ không ở đâu như ở vùng cao tác động của giá cả lại mạnh đến vậy. Khó khăn gian khổ trong công tác họ đã quen nhưng nay với sự vất vả trong đời sống thường ngày liệu họ có nản chí? Liệu họ bỏ những bản làng xa xôi để chuyển về miền đất khác thuận lợi hơn? Hoặc chí ít cũng chuyển một nghề nào đó nhàn hơn là phải “cắm bản” để công tác? Đem những thắc mắc đó hỏi các cán bộ miền núi thì hầu hết không ai bày tỏ ý định rời bỏ công tác, họ đều bảo mảnh đất họ đang công tác là “mảnh đất giữ người”, ra đi không nỡ.

Tôi tin là họ nói thật. Chở tôi ra bến xe về Hà Nội, vị Hiệu phó đang hành nghề xe ôm bảo: "Mình làm nốt tháng này đến tháng sau lại quay về bản đi dạy". Trên khuôn mặt xạm đen nhễ nhại mồ hôi, đôi mắt sáng như vẫn ánh lên tin tưởng ở những điều tốt đẹp trong tương lai với nghề giáo cao quý mà anh đã nguyện gắn bó. Còn tôi trên đường về Hà Nội, những lời ca của một bài hát quen thuộc lại vang lên trong đầu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình”. Tôi chẳng biết làm gì hơn là cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những con người bình dị mà nhiều dũng khí ở miền núi rừng xa thẳm.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

VẬT CHỨNG TRƯỚC THỜI GIAN


 
Trương Đăng Dung đã làm được hai điều khiến người ta kinh ngạc. Thứ nhất, ông được xem là một trong những nhà lí luận văn học hàng đầu của nước ta với những công trình quan trọng: Từ văn bản đến tác phẩm văn học (NXB Khoa học xã hội, 1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (NXB Khoa học xã hội, 2004)… Trong ba bộ phận hợp thành Khoa nghiên cứu văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học vẫn còn khá nhiều nhiều người dấn thân nghiên cứu, thì số người làm lí luận văn học luôn ở tình trạng “của hiếm”. Có đốt đuốc đi tìm đỏ mắt cũng chỉ đếm được trên đầu một bàn tay những người suốt đời nghiên cứu lí luận văn học và có tác phẩm tầm cỡ như Trương Đăng Dung.

Một điều kinh ngạc nữa, Trương Đăng Dung là một nhà thơ được văn giới thừa nhận dù ông làm thơ không nhiều và thơ ca không phải là mối bận tâm lớn nhất của ông. Người ta ngạc nhiên khi một Phó Giáo sư-Tiến sĩ đạo mạo, nguyên Phó viện trưởng Viện văn học lại có tài thơ. Thực ra, do người ta quá bám vào câu “Văn là người” của Buffon nên mới ngạc nhiên, chứ thực ra ai cũng có thể làm thơ nếu như thực sự có nhu cầu nội tại khám phá bản thể diễn đạt cách nhìn nhận con người và thế giới. Dĩ nhiên, nhà thơ tư duy và viết để thể hiện các trạng thái, các tình huống bằng hình ảnh chứ không làm việc bằng khái niệm như nhà lí luận văn học.

Đọc thơ Trương Đăng Dung dễ nhận ra ảnh hưởng từ một con người có óc tư biện nên thơ của ông diễn ý từ những khái niệm triết học và mỹ học. Vật chứng là bài thơ tiêu biểu của phong cách thơ Trương Đăng Dung.

Nội dung bài thơ đọc qua cũng đã có thể hiểu ngay tức thì. Bài thơ là chuỗi độc thoại của chàng trai nói với người yêu nỗi sợ của mình. Tài thơ của Trương Đăng Dung phát lộ ở khả năng sử dụng từ ngữ “phổ thông” để diễn đạt những điều vô hình phát sinh từ những nỗi sợ rất khó nắm bắt: “Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc”, “Sợ tiếng bước chân em xa dần/ khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ”...

Đọc những câu thơ trong “Vật chứng”, người đọc như gặp lại nỗi sợ tình yêu phai nhạt dần theo thời gian mà “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã từng diễn đạt một cách tinh vi: “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” (bài thơ Giục giã). Hóa ra, với những kẻ có “nòi tình” khi đã “vào cuộc”, sự si mê quá mức đã bộc lộ những nỗi sợ mơ hồ chưa hề hiện hữu. Nhưng Trương Đăng Dung không giống Xuân Diệu! Ông không kêu gọi người yêu sống gấp, yêu gấp hưởng thụ sự ngọt ngào của ái tình mà lẳng lặng chấp nhận bi kịch muôn đời: Tình yêu cũng như bất cứ điều gì tốt đẹp được tạo dựng trong cuộc sống nên đều biến mất trước dòng thời gian. Cho nên, một nhà thơ khác là W. Goethe (Đức) đã nói một câu bất hủ mà nhiều người thuộc: “Không có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu”.

Hiểu được sự “tàn phá” của thời gian, Trương Đăng Dung đã có một phản ứng mơ mộng chỉ có ở nhà thơ với những đòi hỏi vô lí:

Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.

Tất cả những đòi hỏi đó chỉ để đáp ứng một mục đích: “Anh cần vật chứng/ trước thời gian”. Mục đích trên thực ngây thơ! Nhưng nhà thơ nào mà chẳng ngây thơ như đứa trẻ; và khi đã yêu si mê con người cũng trở nên ngây thơ hơn bao giờ hết.
 
Vượt qua khỏi ý nghĩa của bài thơ tình, “Vật chứng” còn là minh họa cho vấn đề thời gian trong siêu hình học. Thời gian được người Hi Lạp cổ đại ví như thần Cronus ăn thịt những đứa con của mình; thời gian hủy diệt những gì nó sáng tạo ra. Thời gian thực ra là một trong những yếu tố quyết định thân phận con người, nó tạo thành giới hạn không thể chịu đựng nổi. Trước một “kẻ thù hắc ám” (chữ của nhà thơ Pháp C. Baudelaire) là thời gian, con người có nhiều cách phản ứng khác nhau: cam chịu than vãn, hoài cổ, nổi loạn, sống gấp… Nhưng có một cách khác chiến thắng thời gian đó là nghệ thuật: Cái chết không thể bẻ cong các ý tưởng hay phủ nhận những sáng tạo. “Vật chứng” là bài thơ hay đủ khiến nhiều người nhớ và như thế, nhà thơ Trương Đăng Dung đã có một vật chứng trước thời gian.

Vật chứng

TRƯƠNG ĐĂNG DUNG  

Sợ bóng tối sẽ tràn vào
khi em mở tung cửa sổ
cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ.

Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc
khi môi ta rời nhau
hơi ấm đã thuộc về quá khứ.

Sợ căn phòng trở nên trống rỗng
khi em xếp lại chăn màn
kí ức không còn nơi ẩn náu.

Sợ tiếng bước chân em xa dần
khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ
ta còn lại gì sau mỗi lần tình tự?

Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.

Anh cần vật chứng
trước thời gian.