Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

RASHOMON - KIỆT TÁC ĐIỆN ẢNH THẾ GIỚI

Phim Rashomon với phụ đề tiếng Anh

KIỆT TÁC SUÝT BỊ LÃNG QUÊN
Rashomon là một bộ phim đen trắng Nhật Bản sản xuất năm 1950. Phim do Akira Kurosawa (1910 - 1998) làm đạo diễn cộng tác với nhà quay phim Kazuo Miyagawa với sự tham gia diễn xuất của một dàn diễn viên xuất sắc:
Toshiro Mifune, Takashi Shimura, Machiko Kyo, Masayuki Mori and Minoru Chiaki. Bộ phim chuyển thể từ hai truyện ngắn Cổng Rashomon (1) và Trong Rừng Trúc (2) của bậc thầy truyện ngắn Nhật Bản và thế giới Ryunosuke Akutagawa (1892 - 1927) tương tự như trường hợp Làng Vũ Đại ngày ấy ở ta dựa theo ba tác phẩm của Nam Cao. Nếu truyện ngắn Cổng Rashomon cung cấp bối cảnh nền cho phim thì truyện ngắn Trong rừng trúc cung cấp nhân vật và tình tiết câu chuyên. Cho nên, những ai đã đọc truyện ngắn Trong rừng trúc trước khi xem phim sẽ hiểu bộ phim hơn là những người chưa đọc truyện.
Sau thế chiến thứ hai, nước Nhật không giao du với ngoại quốc mấy nên người ta không rõ về điện ảnh của họ. Năm 1950, đạo diễn Akira dàn cảnh phim Rashomon do hãng Daiei thực hiện, hãng này lúc đó miễn cưỡng nhận làm vì họ cho là truyện phim khó hiểu nửa phim nửa kịch. Khi trình chiếu, Rashomon đã gây ra sự thất vọng cho khán giả Nhật. Bộ phim đã bị thất bại nặng nề về mặt doanh thu thậm chí còn bị tống vào kho, liệt vào danh sách những bộ phim dở nhất trong năm, vì cách kể chuyện có phần khó hiểu và kì lạ.
Số phận của bộ phim chỉ thực sự thay đổi nhờ vào một phái đoàn nghệ thuật đến từ nước Ý. Phái đoàn này đã đề nghị các nhà làm phim Nhật Bản cho xem những bộ phim hay nhất và dở nhất trong năm, Rashomon đã được chiếu trong danh mục những phim dở nhất. Con mắt xanh của các nhà làm phim Ý đã khiến họ thấy ở đây là một bộ phim kiệt tác. Bộ phim đựợc đưa về tham dự Liên hoan phim Venice đoạt giải Sư tử vàng (1951) cùng năm đó phim đoạt thêm giải Oscar của Hàn lâm viện Mỹ (phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm) (3) để rồi được ca ngợi khắp nơi trên thế giới.
NỘI DUNG PHIM:
Tình tiết vụ án không được mở ra ngay từ đầu mà được hồi tưởng qua lời thuật lại của nhà sư (Chiaki Minoru thủ vai), một lão tiều phu (Shimura Takashi thủ vai) cho một người bình dân (Ueda Kichijiro thủ vai) khi cả ba trú con mưa dông tầm tã tại cổng Rashomon hoang phế. Câu chuyện diễn biến khác nhau do người tiều phu và thầy tu đều được nghe các nhân vật trong câu chuyện kể lại trước quan toà.
Một người tiều phu khai: anh ta đã tìm thấy thi thể nạn nhân (tức là võ sĩ) ba ngày trước trong rừng. Do quá hoảng sợ nên anh ta đi tìm cảnh sát.
Người tu sĩ khai: vào lúc ấy vào khoảng giữa trưa cách đây ba hôm ông đã thấy hai vợ chồng. Anh chồng đi bộ, cùng đi là một phụ nữ ngồi trên lưng ngựa. Cô vợ mang một tấm mạng che mặt.
Người lính tuần khai (Kato Daisuke đóng): Đã bắt được tên cướp nổi tiếng Tajomaru ở bờ sông khi hắn bị ngã ngựa và đang rên rỉ do bị thương.
Tên cướp Tajomaru khai (Mifune Toshiro đóng): Hắn ta nói thấy người chồng dắt con ngựa, chị vợ ngồi trên lưng ngựa đi ngang qua một khu rừng. Thấy người đàn bà xinh đẹp, hắn sinh lòng tà muốn làm bậy. Tên cướp dụ người chồng vào trong khu lùm cây, nói là đi tìm gươm quý rồi lừa trói anh ta lại. Kế đó hắn ta dẫn người vợ vào, thấy vậy chị ta rút đoản đao đâm chém tên cướp, hắn tránh đươc hết và rồi ôm được chị ta vào lòng thoả mãn thú tính. Tên cướp khai hắn chỉ muốn làm chuyện tồi bại chứ không có ý gây án mạng. Tên cướp và người chồng đấu gươm được chừng hai mươi ba hiệp thì bị hắn đâm chết. Tên cướp lấy thanh kiếm, con ngựa, cung tên của người chồng, người vợ trốn đâu mất.
Lời khai của người vợ (Kyo Machiko đóng ) như sau.
Khi tên cướp làm nhục chị ta xong bỏ đi, người chồng bèn nhìn vợ bằng cặp mắt khinh bỉ, chị cầm con dao tiến lại anh từ từ, vừa đi vừa khóc rũ rượi. Chàng võ sĩ đạo vẫn ngồi ngay như tượng gỗ, không hé răng nói đến nửa nhời. Người đàn bà đau khổ vừa khóc vừa tiến lại chồng rồi vấp ngã khiến con dao đâm phập vào ngực chàng võ sĩ.
Người ta nhờ một bà đồng cốt (Honma Fumiko đóng) để cầu hồn chàng võ sĩ đạo (Mori Masayuki đóng ) và lời khai được ứng ra như sau.
Anh ta cho biết sau khi hãm hiếp vợ anh, tên cướp dụ dỗ chị ta bỏ chồng đi theo hắn, chị siêu lòng, tệ bạc hơn chị chỉ tay về phía chồng bảo tên cướp.
-Giết nó đi!
Chị nói với nó hai ba lần như vậy.Tên cướp nghe vậy thì lông mày dựng ngược vô cùng căm giận tâm địa gian ác của người đàn bà phản bội, hắn bèn đạp chị ta xuống đất rồi bảo người chồng. Chị ta bỗng vùng dậy chạy mất, tên cướp cởi trói cho người võ sĩ đạo rồi bỏ đi, anh tự thấy xấu hổ và lấy dao đâm vào ngực tự vẫn.
Nhà sư vừa kể xong mấy lời khai khiến lão tiều phu không vừa ý, ông bèn kể lại vụ án mà mình đã chứng kiến tận mắt.
Sau khi tên cướp làm chuyện tồi bại, hắn cởi trói cho người võ sĩ đạo, ông ta mắng vợ.
- Chết đi ! mi chết đi cho khuất mắt, sống làm gì?
Người vợ muốn chồng và tên cướp đấu gươm nhưng võ sĩ đạo vẫy tay phản đối với tên đạo tặc.
-Không! Tôi không muốn thí mạng vì con đàn bà vô giá trị đó.
Hai tay kiếm đang nghinh nhau, người vợ chạy lại bên chồng khóc lóc thảm thiết.
-Tại sao mình không giết cái người này đi lại bắt em phải tự ải?
Người chồng tức khí rút gươm ra, trận đấu diễn ra ác liệt rùng rợn, tên cướp đâm hụt, lưỡi gươm cắm xuống đất không rút ra được, người võ sĩ đạo thắng thế đuổi tên cướp chạy lòng vòng, hai người chạy quanh một gốc cây lớn (đã bị cắt ngang sát đất), người chồng chém tên cướp nhưng hắn tránh được, lưỡi gươm mắc vào gốc cây không rút ra được.
Tên cướp vội chạy lại chỗ thanh gươm của hắn, chàng võ sĩ đạo ôm chân hắn, tên cướp lết dần lại chỗ thanh gươm rồi rút nó lên. Người chồng sợ quá thụt lùi dần dần và vướng vào bụi cây, tên cướp dơ gươm lên sắp lao xuống, người chồng xua tay can. Nhưng tên đạo tặc không tha, hắn nghiến răng phóng thanh kiếm vào ngực người võ sĩ đạo.
Cảnh cuối phim, tại Cổng Rashomon, ba người kể chuyện xong bỗng nghe có tiếng trẻ khóc oe oe. Một đứa trẻ sơ sinh bị người mẹ đem bỏ, người nông dân lại gỡ tã lót của em bé, bác tiều phu can ngăn bị hắn xỉ vả.
-Anh đâu có tử tế gì, anh cũng lấy cắp cái đoản đao quí chuôi nạm ngọc, tại sao mất con dao đó?
Nói rồi đánh bác tiều một bạt tai.
Cảnh cảm động đầy tình thương kết thúc phim khi bác tiều xin nhà sư đứa trẻ về nuôi mặc dù nhà đã có 6 đứa con.
THÔNG ĐIỆP VÀ Ý NGHĨA
Các lời khai phủ định lẫn nhau khiến cho khán giả như rơi vào mê cung, không thể biết lời khai nào là sự thật. Điều này cho thấy tính không đáng tin cậy của lời người kể chuyện trong quan niệm của tự sự hiện đại. Nó hoàn toàn khác với tự sự truyền thống. Tự sự truyền thống đi tìm cách kể mà người kể phải là người ban phát chân lí cuối cùng. Nếu theo cách dựng của tự sự truyền thống đây sẽ là một bộ phim trinh thám. Nó sẽ chỉ dừng lại khi tìm ra sự thực về thủ phạm giết người. Chính vì các khán giả Nhật Bản lúc đầu đã xem Rashomon theo cách như vậy nên họ thấy đây là một thất bại của Kurosawa. “Bộ phim quá khó hiểu.”
Trên thực tế, bộ phim đã đưa ra một quan niệm mới về người kể chuyện: người kể chuyện không phải là người biết hết tất cả, anh ta chỉ biết một phần của sự thực và cố tình kể sự thực theo cách có lợi nhất cho mình. Hay như lời nhà sư nói trong ngôi đền đổ nát, con người sẽ mãi mãi không thể có được sự thực vì sự yếu đuối và ích kỉ của chính mình, Một nét mới trong nghệ thuật tự sự cuả bộ phim này là cách kể chuyện bằng phục hiện. Nó kể lại vụ án mạng qua hồi tưởng của 4 nhân vật. Đây là điểm Kurosawa kế thừa từ tác giả truyện ngắn Akutagawa. Nhưng bộ phim còn đẩy xa hơn kĩ thuật kể chuyện bằng hồi tưởng vì câu chuyện vụ án của ông thực chất là hồi tưởng của hồi tưởng, phục hiện nằm trong phục hiện.Thật vậy, lời khai cuả các nạn nhân ở đây không phải được ghi lại một cách trực tiếp như trong truyện ngắn của Akugatawa mà được kể lại trong lời của tiều phu và nhà sư nói với một kẻ tiện dân khi họ cùng trú mưa trong một cổng thành hoang phế. Tính hồi tưởng lồng trong hồi tưởng này chi phối sự xuất hiện 3 mảng không gian khác nhau trong câu chuyện. Không phải là hai mảng không gian: công đường và khu rừng- hiện trường vụ án mà là cổng thành Rashomon- công đường- khu rừng.
Cấu trúc tự sự độc đáo của bộ phim cùng với tính không thể khám phá của sự thực mà bộ phim đề cập khiến cho trong văn hóa phương Tây, Rashomon gần như đã trở thành một điển tích. Trong tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác, Rashomon đã trở thành từ chỉ tình trạng sự thật không thể được tìm ra vì các nhân chứng khác nhau cung cấp những bằng chứng trái ngược nhau. Thuật ngữ hiệu ứng Rashomon trong tâm lí học cũng bắt nguồn từ chính bộ phim này.
Phim Rashomon được chiếu ở Việt Nam quãng những năm 1954 ở miền Bắc và muộn hơn một chút ở miềm Nam. Khán giả Việt Nam cũng như khán giả toàn cầu đã gần 60 năm nay mê mẩn từng phút bộ phim và biết bao lời ngợi khen đi kèm. Đã là một kiệt tác thì thế hệ này đến thế hệ khác đều có một cách nhìn, cách lý giải riêng bởi một kiệt tác làm sao khai thác hết tầng vỉa ý nghĩa trong đó!
CHÚ THÍCH:
1. Cổng Rashomon vốn là một cửa ô của thành Heiankyo xưa kia, nay thuộc địa phận thành phố Nara. Thành Heiankyo được xây mô phỏng theo thành Trường An của Trung Hoa. Rashomon vốn viết chữ Hán là La Thành Môn. Nhưng qua phát âm thành La Sinh Môn nên sau đó quen viết La Sinh Môn. Ngày nay chỉ còn lại một vài tảng đá và chiếc cột dựng tại cùng địa điểm cho biết dấu tích xa xưa. Cổng Rashomon dựng tại phim trường của công ty điện ảnh Daiei ở Kyoto, cao khoảng 20 mét, bề ngang khoảng 33 mét, và bề dầy ( sâu) khoảng 22 mét, có 18 chiếc cột chu vi khoảng 1,2 mét, và mái cổng đang sập được lợp bằng 4000 miếng ngói có in niên hiệu Diên Lịch thứ 17 (năm 789).
2. Truyện ngắn Trong rừng trúc tiếng Nhật là Yabu no naka nghĩa là Trong bụi rậm (tiếng Anh là In the grove). Được dịch ra tiếng Việt là Bốn bề bờ bụi hoặc Trong rừng trúc. Nhưng người Việt quen gọi là Trong rừng trúc hơn cả nên xin giữ nguyên.
3. Trước năm 1956, chỉ có trao giải thưởng danh dự cho phim tiếng nước ngoài hay nhất chứ không trao tượng Oscar.

Hàm Đan

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

ĐÔNG TÀ TÂY ĐỘC


Phim này xem từ hồi 94, xem với thằng hàng xóm hơn 4 tuổi (thằng này nghiện tạp chí Playboy do chú nó đem từ Đức về. He he) nhưng hồi ấy bé tí chả hiểu cái ma gì! Cô gái Đồ Long tức bà chị Hương Trà thân mến rủ rê xem Ca Ca sống lại sau khi hoài cổ với Farewell my concubine. Hô hô Nên dù bận bịu với đống sách vở ngổn ngang cũng nhập vào thời đại tí cho nó khỏi rồ chữ.

Nghe nhan đề phim, nhiều bà con nghĩ đây là phim chưởng được lấy từ một đoạn nào đó đánh nhau ác liệt trong thế giới giang hồ hay hành tẩu của bác Kim Dung kiểu như Đại chiến Xích Bích của bác Ngô Vũ Sâm ý. Xem xong nhiều bác mới "bé cái nhầm". Phim này vẫn có máu chảy, người ngủm (tiếc nhất là anh đẹp giai nguyên cựu phóng viên Lương Triều Vĩ. Hi hi) thậm chí có cả ngón tay rơi nhẹ nhàng như hoa đào xuống đất có thể ninh cháo chân giò đc nhưng không phải là phim hành động võ hiệp nên gọi đây là phim tâm lí trữ tình.

Kĩ thuật tự sự phim này khiến người xem phim giải trí na ná kịch như Cô gái xấu xí sẽ cảm thấy bực bội. Có j nói toẹt ra đi vòng vo mãi. Nhưng đấy là điểm đáng kể nhất của bộ phim. Còn nếu trải câu chuyện theo từng mốc (đúng hơn từng mối tình) sẽ thấy phim này không khác j mấy phim Hàn Quốc: anh A yêu chị B chị B yêu anh C anh C yêu D chị D lại yêu anh A... Kĩ thuật này không lạ. Đúng ra nó có cách đây hơn 50 năm rồi. Từ thời Rashomon của Akira Kurosawa lận. Người kể câu chuyện xét theo nghĩa truyền thống là người biết tất cả mọi chuyện - nói như Murakami là ông giời, người đủ tỉnh táo để kể lại câu chuyện rồi ngẫm nghĩ xung quanh câu chuyện đưa ra vài triết lí "nhẹ nhàng". Các câu chuyện diễn ra theo các mùa liên tiếp nhau nhưng bản thân các câu chuyện lại xuôi ngược theo dòng thời gian quá khứ và hiện tại. Chúng móc xích đến nỗi có nhân vật chỉ xuất hiện 5 phút nhưng lại liên quan đến nhiều sự kiện và nhân vật xuất hiện nhiều hơn. Thông điệp triết lí của phim lại dẫn đến sự bế tắc của siêu hình học: vấn đề thời gian và ứng xử với nó. Nhớ để quên, tưởng quên lại nhớ. Cũng may cuối cùng để quên được phải thay đổi như ông Âu Dương Phong đốt nhà ở sa mạc đột nhập vào trung nguyên. He he

Điện ảnh có cái sung sướng hơn văn chương là ở sức mạnh hình ảnh. Công nhận ánh sáng đẹp, nhiều góc độ gợi cảm theo kiểu phương Đông. Tất nhiên cái đáng xem nhất với nhiều người là xem sự sống lại của Ca Ca. Vẫn là sự kiêu ngạo che dấu nỗi cô độc. Hảo hán thân thủ phi phàm và superstar đa năng giống nhau thế sao???

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

FEDERICO GARCIA LORCA


Ngoài Miguel de Cervantes - cha đẻ lão già dở hơi Don Quixote de la Mancha có lẽ Federico Garcia Lorca là nhà văn Tây Ban Nha gần gũi nhất (dù Tây ban Nha có tới 5 người đoạt giải Nobel Văn Học). Vì Lorca được dịch sớm, vì tinh thần yêu nước etc nhưng có lẽ thơ Lorca được yêu mến bởi hợp với tạng người Việt.


Federico García Lorca sinh ngày 5/ 6/ 1898 ở thị trấn Fuente Vaqueros, tỉnh Granada - một trong 4 thành phố lớn của xứ Andalusia (tiếng Tây Ban Nha: Andalucía là tên một vùng hành chính của Tây Ban Nha. Tên chính thức là "Comunidad Autónoma de Andalucía". Trong vùng có ba tỉnh là Almería, Cadíz, Córdoba, Granada, Huelva, Jaén, MálagaSevilla). Quê hương Lorca nằm ở miền Nam Tây Ban Nha nơi xuất phát của vũ điệu Flamenco, Carmen, những trận đấu bò... và là nơi giao nhau giữa văn hóa phương Tây và Ả Rập (người Arab lập vương quốc Arab Cordoba vào năm 929 đến tận năm 1492 mới bị đánh bật ra khỏi Spain).

Năm 1909 gia đình chuyển lên Granada. Năm 1910 Federico bắt đầu tham gia hội nghệ thuật tỉnh. Năm 1914 học luật, triết học và văn học ở
Đại học Granada. Năm 1918 in tập thơ đầu tiên Impresiones y paisajes (Ấn tượng và phong cảnh) và bắt đầu nổi tiếng với danh hiệu "con họa mi xứ Andalusia". Năm 1919 Lorca lên thủ đô Madrid học đại học và làm quen với Gregorio Martínez Sierra, giám đốc nhà hát Teatro Eslava. Theo đề nghị của Gregorio Martínez Sierra, Lorca viết vở kịch đầu tiên El maleficio de la mariposa (Yêu thuật của bướm) và dựng vở kịch này. Năm 1929 Lorca sang New York. Kết quả của chuyến đi này là tập thơ Poeta en Nueva York (Nhà thơ ở New York, 1931) và hai vở kịch El público (Công chúng, 1931) và Así que pasen cinco años (Khi nào hết 5 năm, 1931).

Lorca quay trở lại Tây Ban Nha khi nước này bắt đầu thiết lập chính thể cộng hòa. Năm 1931 được mời làm giám đốc nhà hát sinh viên
La Barraca. Thời kỳ này ông viết nhiều vở kịch nổi tiếng như: Bodas de sangre (Đám cưới máu); Yerma (Yerma); La casa de Bernarda Alba (Ngôi nhà của Bernarda Alba)... Khi nội chiến Tây Ban Nha xảy ra, Lorca từ giã Madrid trở về Granada, mặc dù biết rằng ở miền nam rất nguy hiểm. Ngày 19 tháng 8 năm 1936 Lorca bị giết chết.

Nếu so sánh một cách thô thiển trường hợp của Lorca khá giống với Nguyễn Bính của Việt Nam. Thời gian còn ở quê nhà Lorca tìm tòi, ghi chép dân ca đến nỗi ngưuời ta gọi Lorca là "chàng hát rong thời trung cổ". Thơ Lorca phổ biến rộng rãi trong quần chúng và sau đó quay trở lại lưu truyền ở các làng làng quê như những bài dân ca đặc biệt ở tập thơ Romancero gitano (Romancero Xứ-gan, 1928). Nhưng Lorca còn rất hiện đại bở Lorca được đón nhận những tư tưởng nghệ thuật mới mẻ nhất thời ấy khi lên thủ đô Madrid.
Lorca còn là một họa sĩ, nhạc sĩ. Ngày nay, Lorca vẫn là nhà thơ được yêu mến rộng rãi nhất ở Spain.

THƠ FEDERICO GARCIA LORCA

GHI NHỚ (Người dịch : Hàm Đan)

Bao giờ tôi tôi chết,
hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta
trong cát.
Bao giờ tôi chết,
giữa những hàng cam
và đám bạc hà.
Bao giờ tôi chết,
xin hãy chôn tôi
trong chiếc chong chóng gió.
Bao giờ tôi chết!

VĨNH BIỆT (Người dịch: Hàm Đan)

Nếu tôi chết
Hãy để ban công mở rộng
Đứa trẻ đang ăn cam
(Từ ban công tôi có thể nhìn thấy)
Người nông dân đang gặt lúa mì
(Từ ban công tôi có thể nghe)
Nếu tôi chết hãy để ban công mở rộng.
BÀI CA KỊ SĨ (CORDOBA) (Người dịch: Hoàng Hưng)

Cordoba
Xa thẳm, cô liêu Con ngựa ô, vành vạnh vành trăng, Ô liu đầy túi. Dù ta thuộc hết đường hết lối Chẳng bao giờ tới Cordoba.
Đi qua rừng, đi qua gió Con ngựa đen, vầng trăng đỏ Cái chết rình rập ta nơi đó từ trên ngọn tháp Cordoba.
Ôi chú ngựa quý giá
dằng dặc chặng đường dài!
Trên đường Cordoba
có cái chết đón đầu, ta biết!
Cordoba
xa thẳm, cô liêu.

AMPARO (Người dịch: Diễm Châu)
Amparo, em đơn độc làm sao trong nhà vận toàn hàng trắng!
(Đường xích đạo giữa bông lài và giống cỏ thơm.)
Em nghe những tia nước tuyệt vời ở khoảnh sân nhà, và tiếng láy vàng nho nhỏ của con chim yến.
Vào chiều muộn em thấy run run những cây trắc-bá cùng chim chóc, trong lúc em chầm chậm thêu những chữ trên khung vải.
Amparo, em đơn độc làm sao trong nhà, vận toàn hàng trắng!
Amparo, thật khó biết bao nói với em: anh, anh yêu em!

MADRIGAL (Người dịch: Phan Cẩm Thịnh)

Anh đã từng nhìn thấy đôi mắt em
Từ thuở ấu thơ dịu dàng xa vắng
Đôi bàn tay em đã vuốt ve anh Và nụ hôn cho anh, em đã tặng.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).
Và con tim của anh đã mở ra Như bông hoa xoè dưới nắng
Và đã hít thở những cánh hoa
Với sự dịu dàng, mơ mộng.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).
Rồi sau đấy anh đã khóc cay đắng ngậm ngùi
Như vị hoàng tử từ trong câu chuyện cổ
Trong cuộc đấu – và chính ngay khi đó
Nàng Estrellita đã bỏ chàng đi.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).
Và bây giờ hai đứa đã hai nơi Xa em, anh buồn lắm
Không còn bàn tay dịu dàng âu yếm
Và đôi mắt sống động của em
Chỉ còn đây trên vầng trán của anh
Như con bướm – dấu hôn của ngày xa vắng.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).

CÔ NÀNG NGOẠI TÌNH (Người dịch: Hoàng Hưng)
Cô nàng tôi bắt được bên sông
Gái đi vụng chồng tôi tưởng gái son
Hội đêm đợi lúc lửa tàn
Thắp lên tiếng dế râm ran hẹn hò
Đến góc bờ rào tôi chạm vú cô
Dạ hương bỗng mở sững sờ cành thơm
Chân trời trắng toát rập rờn
Nghe như lụa xé kêu dòn bên tai
Hàng cây tối, ngọn vươn dài
Một chân trời chó sủa ngoài xa sông
Bụi bờ gai góc đã băng
Búi tóc cô nàng lún xuống đất sa
Tôi bỏ khăn, cô vén váy, dây lưng tôi tháo, bốn lần áo lót cô cởi ra
Da đâu da mịn hơn hoa
Pha lê trăng chiếu cũng thua ánh ngời
Đùi cô chạy trốn dưới chân tôi
Như đàn cá sợ vẫy đuôi
Nửa kia lạnh ngắt, nửa này nóng ran
Tôi phi con ngựa tuyệt trần
Xà cừ lấp lánh chẳng cần yên cương
Tôi chẳng kể ra lời tâm sự cô nàng
Đàn ông mình phải giữ gìn cho người ta
Đưa cô từ bến nước ra
Mình cô đầy vết hôn và cát dơ
Cành cây như kiếm đung đưa
Trước làn gió nhẹ mơ hồ nửa đêm
Xử sự đúng luật ghi-ta
Tôi tặng cô nàng một giỏ đồ khâu
Nhưng tôi chẳng có mê đâu
Vì cô là gái đêm thâu vụng chồng
Mà làm ra vẻ còn không
Khi hai đứa đến bên sông tự tình.

CHIẾC BÓNG TÂM HỒN TA (Người dịch: Nguyễn Trung Đức)

Chiếc bóng tầm hồn ta
lẩn trốn trước buổi chiều tà những chữ cái,
sương mù những cuốn sách, những ngôn từ.
Chiếc bóng tầm hồn ta.
Ta đã tới giới hạn
của nỗi nhớ
và giọt lệ biến thành
thạch cao của trí tuệ
Chiếc bóng tâm hồn ta.
Vết thương đã thành sẹo
Nhưng vẫn còn đó lí do và chất liệu
của buổi trưa xưa cũ những nụ hôn,
của buổi trưa xưa cũ những ánh mắt buồn.
Một mê cung sôi trào
những ngôi sao lu mờ
cuốn lấy niềm hy vọng
sắp khô héo của ta
Chiếc bóng tâm hồn ta.
Và một ảo giác
khiến ta trố con mắt
Ta thấy từ tình yêu
bị rụng rơi từng chữ
Hỡi hoạ mi của ta!
Hỡi hoạ mi!
Mi vẫn hót đấy chứ?

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

PHIM SITCOM NHẠT CƯỜI

PHIM SITCOM: CŨ NGƯỜI…
Phim sitcom (viết tắt
tiếng Anh: situation comedy) hay hài kịch tình huống là một thể loại của hài kịch, lúc đầu được sản xuất cho radio nhưng hiện nay được trình chiếu chủ yếu trên ti vi. Sitcom có nhiều tập với những tình huống hài hước được lồng ghép vào nội dung câu chuyện phim và được thực hiện hầu hết trong trường quay, thu thanh đồng bộ, sử dụng cùng lúc 3 đến 4 máy quay phim ghi hình và bắt buộc phải dựng hình ngay tại trường quay để bảo đảm thời gian thực hiện một tập phim (khoảng 50 phút) chỉ trong thời gian 3 đến 4 ngày.
Hài kịch tình huống xuất hiện trên đài phát thanh từ thập niên
1920. Chương trình đầu tiên thường được gọi là Sam và Henry phát trên đài phát thanh của Chicago vào năm 1926 lấy cảm hứng từ các câu truyện tranh hay các tình huống gây cười để đưa lên sóng. Theo từ điển Merriam-Webster Collegiate tái bản lần thứ 12 thì thuật ngữ sitcom bắt đầu hình thành từ năm 1951 cùng lúc với vở kịch Tôi yêu Lucy.
Ngay từ những ngày đầu ra mắt, Hài kịch tình huống đã từng là một phần thiết yếu của các chương trình truyền hình. Đài BBC Anh đã phát sóng Pinwright's vào cuối năm 1946 và những năm kế tiếp. Sitcom ra mắt ở Mỹ lần đầu tiên có thể là Mary Kay and Johnny,với thời lượng phát sóng 15 phút trên hệ thống truyền hình DuMont vào tháng 11 năm 1947.
Vậy là sitcom đã có thâm niên gần 100 năm ở các nước phương Tây. Không thể thay thế phim truyền hình được thực hiện trong những bối cảnh thật của đời sống nhưng phim sitcom đã dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả truyền hình ở nhiều nước phát triển. Thậm chí phim Những người bạn với nhana vật chính do Jenifer Aniston thủ vai, bộ phim làm theo công nghệ sitcom của truyền hình Mỹ đã từng tạo nên cơn sốt về phim sitcom ở đất nước được mệnh danh là kinh đô của điện ảnh thế giới.
Tại buổi giao lưu truyền hình 2006, Sitcom đứng cuối bản danh sách các chương trình mang tính đại chúng nhất của thị trường Mỹ.
… NHƯNG MỚI Ở TA
Hài kịch tình huống tại Việt Nam là điều khá mới mẻ. Cuối năm 2004, Bộ phim đầu tiên được làm theo công nghệ này là
Lẵng hoa tình yêu do Hãng phim Truyền hình TP.HCM hợp tác với Công ty FNC (Hàn Quốc) thực hiện, tiếp theo là Vòng xoáy tình yêu (được chiếu trên HTV9. Các tiểu phẩm của chương trình Gặp nhau cuối tuần trên VTV như: Chuyện của sếp (20 tập), Chuyện Giang Còi và Quang Tèo (20 tập), Chuyện hàng xóm cũng là một dạng sitcom. Phim sitcom đã bắt đầu được khán giả truyền hình biết đến kể từ đó.
Năm 2008, hai bộ phim thể loại
sitcom mới là Cô gái xấu xí (Hãng phim Việt) và Những người độc thân vui vẻ (Trung Tâm sản xuất phim truyền hình) được trình chiếu trên sóng VTV3 vào “giờ vàng” hàng ngày. Cô gái xấu xí với tên gốc là Betty la Fet (Betty xấu xí) đã từng tạo được cơn sốt trong khán giả tại quê hương Colombia khiến nhiều hãng truyền hình danh tiếng của Mỹ, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Hồng Công... quyết tâm mua lại bản quyền phát sóng và bản quyền sản xuất. Những người độc thân vui vẻ chuyển từ một phim sitcom đang rất ăn khách trên Đài truyền hình Thượng Hải có tên Chung cư vui vẻ - hiện đã kéo dài đến 500 tập và sẽ còn kéo dài đến khi nào khán giả không muốn xem nữa, bộ phim được Việt hóa với tên gọi Những người độc thân vui vẻ, dự kiến kéo dài 300 tập.
Nếu tính từ bộ phim đầu tiên đến nay, mới chỉ có 4 năm phim sitcom được trình chiếu trên truyền hình. Nỗ lực đưa phim sitcom đến với khán giả của những người làm phim là đáng kể, ai cũng biết rằng việc mua bản quyền những bộ phim ăn khách ấy không hề rẻ. Giới thạo tin cho biết, số tiền phải trả cho mỗi tập phim "Cô gái xấu xí" không dưới 1.000 USD. Ngoài ra, còn tiền thuê người chuyển ngữ, Việt hóa kịch bản cũng chiếm một chi phí không nhỏ. Tuy nhiên chưa có bộ phim nào gây được hiện tượng truyền hình như đã từng xẩy ra ở các nước khác.
NHẠT TIẾNG CƯỜI VÀ CHƯA VIỆT HÓA
Phim sitcom muốn thành công yếu tố đầu tiên phải hài hước. Tính chất hài hước tùy theo kịch bản của bộ phim. Thông thường các phim sitcom hiện nay trên thế giới sự hài hước mang tính giải trí, vui vẻ không có cái hài như trong các vở bi hài kịch theo kiểu khóc cười lẫn lộn. Thêm vào đó, hài tình huống nghĩa là mỗi tập đặt ra một tình huống, giải quyết ngay trong tập đó để người xem nếu bỏ sót một tập vẫn có thể dễ dàng theo dõi nhưng đáng tiếc cả hai yếu tố trên phim sitcom Việt chưa làm được. Chẳng hạn, ở ba tập đầu của phim Cô gái xấu xí, người xem chưa thấy có tình huống gì để giải quyết, còn chi tiết gây cười thỉnh thoảng vẫn có nhưng nhạt. Ví dụ trong phim Cô gái xấu xí đến cảnh họp công ty hoặc có nhân vật Đăng Dương xuất hiện người xem không thường xuyên theo dõi hẳn không tin đây là phim hài bởi nhân vật thể hiện bộ mặt hằm hằm, phát âm gằn từng tiếng lại còn... nghiến răng!
Cắt nghĩa cho hai điều trên ở chỗ đa phần các diễn viên đóng phim sitcom chủ yếu là diễn viên kịch nói nhất là bộ phim Những người độc thân vui vẻ dù cho họ đã từng đóng nhiều vai hài. Sự cường điệu, cứng nhắc trong diễn xuất làm mất vẻ tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày mà phim muốn hướng tới.
Nhưng nguyên nhân chính nằm là ở kịch bản. Kịch bản chuyển thể chưa thành công chưa gây cười, chưa Việt hóa. Một chi tiết nhỏ trong phim Cô gái xấu xi: khi nhân vật Huyền Diệu nói với giám đốc An Đông đã ăn trưa vào lúc 13 giờ. Trên thực tế đó là giờ ăn trưa ở các nước công nghiệp phương Tây, các công sở Việt Nam ăn trưa sớm hơn. Sự thiếu Việt hóa còn thể hiện ở sự đơn điệu trong bối cảnh (chủ yếu là nội cảnh) cũng làm giảm đi chất điện ảnh khiến khán giả xem phim mà tưởng như đang xem kịch tại nhà. Các chi tiết kịch bản chưa gần gũi với bối cảnh Việt Nam.
Vẫn biết với bốn năm kinh nghiệm chưa thể đòi hỏi sự thành công của phim sitcom trên truyền hình được nhưng nếu đầu tư kỹ hơn về phần kịch bản hẳn những phim sitcom trên sẽ thu hút khán giả từ đầu đến cuối bộ phim.
HÀM ĐAN

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

KHÚC CA TUYỆT VỌNG - PABLO NERUDA


Kỉ niệm về em nơi ta vụt hiện từ đêm tối
Sông nối với biển lời thở than bướng bỉnh
Hiu quạnh như cầu tàu lúc sớm mai
Giờ khởi hành tới rồi, ôi kẻ bị bỏ rơi
Những cánh hoa lạnh rải lên tim ta
Ôi hoang phế đổ nát, động hoang dữ của kẻ chìm tàu
Từ ngươi đã cất lên những cánh chim tiếng hát
Như biển, như thời gian. Trong ngươi tất cả đã chìm đắm!
Thủa ấy là giờ phút hạnh phúc của chinh phục và nụ hôn.
Giờ phút sững sờ cháy bỏng như một ngọn hải đăng.
Ôi nỗi lo âu của hoa tiêu, sự cuồng nhiệt của kẻ thợ lặn mù lòa,
cơn say tình mờ mịt, trong ngươi tất cả đã chìm đắm!
Ở tuổi thơ sương mù hồn ta có cánh và đau đớn.
Ôi kẻ thám hiểm lạc lối, trong ngươi tất cả đã chìm đắm!
Ngươi đã ôm chặt nỗi đau, ngươi đã bấu víu vào ham muốn.
Nỗi buồn đã quật ngã ngươi, trong ngươi tất cả đã chìm đắm!
Ta đã đẩy lùi bức tường của bóng tối,
Ta đã rời xa sự thèm thuồng và động tác.
Ôi xác thịt, xác thịt ta, ôi người đàn bà ta đã yêu và đã mất,
vào giờ phút ẩm ướt này ta đã kêu cầu em và biến em thành khúc ca.
Như một chiếc bình em đã chứa đựng niềm âu yếm vô bờ,
và lãng quên bao la cũng khiến em tan nát như một chiếc bình.
Thủa ấy là đen tối, nỗi cô đơn đen tối của những hải đảo,
và ở đấy, người đàn bà của ái tình ơi, hai cánh tay em đã mở rộng đón tôi.
Thủa ấy là đói khát, và em đã là quả chín.
Thủa ấy là tang tóc và đổ nát, và em đã là phép nhiệm lạ.
A làm thế nào, em hỡi, em đã cầm giữ tôi lại được
trên miền đất của hồn em, và trong thập giá đôi tay em!
Cơn thèm khát em của tôi quả đã là khủng khiếp nhất và ngắn ngủi nhất,
hỗn loạn và say sưa nhất, căng thẳng và ham hố nhất.
Ôi nghĩa trang của những nụ hôn, nơi nấm mộ của ngươi còn ánh lửa,
và dù bị chim rúc rỉa những chùm nho còn rực cháy.
Ôi đôi môi đã cắn, ôi tứ chi đã hôn,
ôi hàm răng đói khát, ôi những thân xác quấn quít.
Ôi sự giao hợp điên cuồng của hy vọng và tận lực
đã chúng ta nối liền và khiến chúng ta tuyệt vọng.
Và niềm âu yếm, nhẹ như nước và mịn như bột.
Và ngôn từ vừa mới chớm nở trên môi.
Đó chính là định mệnh nơi khát vọng của ta đã tới,
nơi khát vọng của ta đã ngã, trong mi tất cả đã chìm đắm!
Ôi hoang phế đổ nát, trên ngươi tất cả đổ xuống,
có nỗi đau nào ngươi chưa diễn tả, có đợt sóng nào chẳng bóp ngẹt ngươi.
Hất lên nhồi xuống còn rực cháy và còn ca hát.
Đứng thẳng như một thủy thủ trước mũi tàu.
Ngươi còn bừng nở trong những khúc ca, ngươi còn nát tan trên những dòng nước.
Ôi hoang phế đổ nát, giếng nước để ngỏ và đắng cay.
Ôi kẻ thợ lặn mù lòa và xanh xao, kẻ ném đá bất hạnh,
kẻ thám hiểm lạc lối, trong ngươi tất cả đã chìm đắm!
Đã tới giờ khởi hành, giờ phút nặng nề và lạnh lẽo
giờ phút mà đêm tối áp đặt trên mọi thời biểu.
Biển quấn vòng đai gầm gào quanh bờ biển.
Những vì sao lạnh hiện lên, những cánh chim đen bay đi.
Hiu quạnh như cầu tàu lúc sáng mai
Trong tay ta chỉ có bóng tối run rẩy quằn quại.
Ôi, xa hết tất thảy. Xa hết tất thảy
Giờ khởi hành tới rồi, ôi kẻ bị bỏ rơi


HÀM ĐAN (Dịch)

THE SONG OF DESPAIR
BY PABLO NERUDA


The memory of you emerges from the night around me.

The river mingles its stubborn lament with the sea.

Deserted like the wharves at dawn.

It is the hour of departure, oh deserted one!

Cold flower heads are raining over my heart.

Oh pit of debris, fierce cave of the shipwrecked.

In you the wars and the flights accumulated.

From you the wings of the song birds rose.

You swallowed everything, like distance.

Like the sea, like time.

In you everything sank!

It was the happy hour of assault and the kiss.

The hour of the spell that blazed like a lighthouse.

Pilot’s dread, fury of a blind diver,turbulent drunkenness of love, in you everything sank!

In the childhood of mist my soul, winged and wounded.Lost discoverer, in you everything sank!

You girdled sorrow, you clung to desire,sadness stunned you, in you everything sank!

I made the wall of shadow draw back,beyond desire and act, I walked on.

Oh flesh, my own flesh, woman whom I loved and lost,I summon you in the moist hour, I raise my song to you.

Like a jar you housed the infinite tenderness,and the infinite oblivion shattered you like a jar.

There was the black solitude of the islands,and there, woman of love, your arms took me in.

There were thirst and hunger, and you were the fruit.

There were grief and the ruins, and you were the miracle.

Ah woman, I do not know how you could contain mein the earth of your soul, in the cross of your arms!

How terrible and brief was my desire of you!How difficult and drunken, how tensed and avid.

Cemetery of kisses, there is still fire in your tombs,still the fruited boughs burn, pecked at by birds.

Oh the bitten mouth, oh the kissed limbs,oh the hungering teeth, oh the entwined bodies.

Oh the mad coupling of hope and forcein which we merged and despaired.

And the tenderness, light as water and as flour.

And the word scarcely begun on the lips.

This was my destiny and in it was the voyage of my longing,and in it my longing fell, in you everything sank!

Oh pit of debris, everything fell into you,what sorrow did you not express, in what sorrow are you not drowned!

From billow to billow you still called and sang.

Standing like a sailor in the prow of a vessel.

You still flowered in songs, you still broke in currents.

Oh pit of debris, open and bitter well.Pale blind diver, luckless slinger,lost discoverer, in you everything sank!

It is the hour of departure, the hard cold hourwhich the night fastens to all the timetables.

The rustling belt of the sea girdles the shore.

Cold stars heave up, black birds migrate.

Deserted like the wharves at dawn.

Only the tremulous shadow twists in my hands.Oh farther than everything.

Oh farther than everything.It is the hour of departure. Oh abandoned one.


From Twenty Love Poems and a Song of Despair, by Pablo Neruda, translated by W.S. Merwin, published by Chronicle Books. Copyright © 1969 by W.S. Merwin. Reprinted by permission of W.S. Merwin. All rights reserved.

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009

VỀ HỌA SĨ TRẦN VĂN CẨN


Danh họa Trần Văn Cẩn sinh ngày 13 tháng 10 năm 1910 tại thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An (cũ) nay là Quận Kiến An thuộc thành phố Hải Phòng. Chính vùng biển quê hương đã cho ông một tâm hồn nhạy cảm mà vẫn phong phú trong tưởng tượng làm nền tảng bẩm sinh cho một họa sĩ tài năng sau này.

Năm 1925, Trần Văn Cẩn thi đỗ vào trường Bách nghệ Hà Nội học khoa Vẽ mẫu - đăng ten và thiết kế đồ gỗ. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp, ông làm ở Sở cá Nha Trang với công việc vẽ lại những con cá lạ để lưu làm hồ sơ tư liệu. Tại đây, ông được tiếp xúc với cuộc sống của những người đi biển đồng thời được gặp một số hoạ sĩ người Pháp. Được tiếp xúc với hội họa phương Tây trong ông như bùng lên mơ ước trở thành hoạ sĩ. Ông bắt đầu vẽ biển và cảng cá. Trở ra Hà Nội, Trần Văn Cẩn học lớp dự bị do hoạ sĩ Nam Sơn hướng dẫn rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 7 (1931 - 1936). Cả khóa chỉ có 6 sinh viên do họa sĩ Victor Tardieu làm hiệu trưởng và là ngưòi dạy chính.
Tuy học sơn dầu nhưng Trần Văn Cẩn cũng nghiên cứu về sơn mài. Ông mày mò thể nghiệm, pha chế nguyên liệu từ “sơn ta”. Sau nhiều lần thất bại, ông mới dần tìm ra được một bảng mầu rực rỡ chưa từng có trong sơn mài mỹ nghệ truyền thống và góp phần đưa sơn mài thành một chất liệu quý giá không thể thiếu trong sáng tạo mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Thời gian này “sơn ta” cũng giống sơn Trung Quốc và Nhật Bản chỉ được sử dụng cho các vật dụng hàng ngày như khay, tráp, đồ thờ... Bảng màu "sơn ta" chỉ có: cánh gián, then, son, vàng, bạc; thêm xà cừ, vỏ trứng để khảm, gắn. Các chất liệu khác pha chế vào không mấy khi đạt hiệu quả. Một số hoạ sĩ Pháp khi đó còn tuyên bố: “Sơn An Nam không nên và không thể đi vào con đường hội hoạ”. Năm 1932, hoạ sĩ Trần Quang Trân là người đầu tiên đã dùng bột vàng rắc lên màu sơn cánh dán để chuyển màu và chất. Sự kiện này đã đưa sơn ta từ lĩnh vực trang trí sang nghệ thuật hội hoạ.

Các họa sĩ lúc đó bắt đầu nghiên cứu cải tiến nghệ thuật biểu hiện của tranh sơn dầu. Có đầu óc tân tiến, tự do, phóng khoáng, Nguyễn Gia Trí đã một mình đứng riêng thành một trường phái sơn mài có quan niệm tạo hình mới, kết hợp Ðông – Tây, thể hiện tác phẩm hoàn toàn bằng chất liệu và kỹ thuật cổ truyền. Trong khi đó, Trần Văn Cẩn đi vào một kỹ thuật thoáng hơn. Năm 1936, ông sáng tác tranh sơn mài: Tiễn anh khóa đi thi hương bố cục theo hình thức bình phong - hình người to - dàn hàng ngang - những dân làng của một thời xưa theo chân anh khóa với ngựa trắng dắt theo chờ người cưỡi, cách điệu theo lối dân gian, thể hiện bằng mấy màu son, then, cánh gián, vàng lóng lánh, rực rỡ làm hiện lên cảnh tiễn đưa vui vẻ, tưng bừng và tràn đầy hi vọng...Tranh này được ông hiệu trưởng Tardieu đánh giá cao, chấm cho Trần Văn Cẩn đỗ thủ khoa khóa VII, trên cả thứ hạng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí học cùng lớp, bài thi tốt nghiệp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một tác phẩm lụa.

Trần Văn Cẩn cũng quan tâm đến tranh lụa. Nhiều lần ông đến Đông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội) để tìm hiểu nghệ thuật tranh khắc gỗ cổ truyền. Ông thích lối in chồng nhiều bản màu khác nhau của các nghệ nhân Đông Hồ và lối in nét sau đó bôi màu của tranh Hàng Trống, học lấy những tinh tuý, để sáng tạo nên những bức tranh đặc sắc.

Trước cách mạng tháng Tám thành công, có thể nói họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những người đoạt nhiều giải thuởng hội họa nhất. Năm 1934, đang học năm thứ ba,ông đã vẽ bức tranh lụa có nhan đề Mẹ tôi diễn tả gần như bình đồ (teinte plate) của mỹ thuật Đông Dương. Bức này được trưng bày ở Pháp và được các nhà phê bình nghệ thuật Pháp khen ngợi trên nhiều mặt báo. Tiếp thu phương pháp nghệ thuật Âu Tây nhưng Trần Văn Cẩn, cũng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung,... vẫn tìm cho mình một bản sắc nghệ thuật Việt Nam. Năm 1935, Triển lãm mỹ thuật lần thứ nhất ở Hà Nội, Trần Văn Cẩn trình bày bốn tác phẩm : Em gái tôi (sơn dầu), Cha và con (lụa), Bờ sông Hồng (khắc màu) được tạp chí Ý chí Đông Dương (La Voloté Indochinoise) rất khen ngợi. Năm 1936, triển lãm lần hai ông lại cho ra mắt ba bức lụa Cô đơn, Chăn ngựa, Chân dung. Năm 1939, Trần Văn Cẩn sáng tác hai bức tranh lụa Gánh lúa và Ngư dân gửi đi triển lãm ở Tôkiô (Nhật Bản) được đánh giá cao. Năm 1943 Triển lãm mỹ thuật ở Hội Khai trí tiến đức, họa sĩ Trần Văn Cẩn được tặng giải nhất với hai bức Em Thúy (sơn dầu) và Gội đầu (khắc màu).

Riêng với bức tranh Em Thúy, đã hơn nửa thế kỷ qua, bức tranh này đã gợi bao ấn tượng đẹp trong công chúng nghệ thuật Việt Nam và cả ở nước ngoài. Mỹ thuật Việt Nam rất ít có tranh chân dung, nhưng từ khi có trào lưu mỹ thuật hiện đại tranh chân dung trở thành một thể loại mà các hoạ sĩ Việt Nam chú ý vẽ nhiều nhưng thành công thì rất ít. Trong những tranh chân thì tranh Em Thuý là một trong những tranh được nhiều cảm tình hơn cả. Nhân vật trong tranh là một cô bé ngồi trên ghế mây, hai tay đặt vào nhau ở đùi, đôi vai gầy nhỏ bé, cánh tay còn thanh mảnh, nét mặt thơ ngây với cái mũi nhỏ và đôi môi còn trẻ thơ. Riêng hai con mắt mở to nhìn cuộc đời rất trong sáng và tin tưởng. Nhưng dự cảm phải chăng là một nỗi buồn sắp lìa bỏ tuổi thơ? Nét ghế mây ôm lấy thân hình như che chở, một vài hoạ tiết nhỏ ở sau lưng. Màu áo trắng nhấn mạnh ý nghĩa trong sáng của tuổi thơ. Nền vàng nhẹ như quyện vào thân thể, với da thịt, quần áo. Toàn bộ sự trong sáng toát lên từ nét bút của tác giả, nhẹ nhàng vờn ở khuôn mặt, nét tóc, đôi tay cho đến cả nền nhẹ ở phía sau.

Năm 1944, Trần Văn Cẩn gặp hai nhà hoạt động văn hóa đi theo cách mạng là Như Phong và Nguyễn Đình Thi trong nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Từ đó, ông dần ý thức được nghệ thuật phục vụ nhân sinh, phải đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập cho đất nước.

Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Cẩn cùng nhiều hoạ sĩ khác đã hồ hởi dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm, bức tranh Nước Việt Nam của người Việt Nam có dòng chữ tiếng Anh của Trần Văn Cẩn đã được căng trên toà nhà Địa ốc ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Năm 1946, triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên dưới chế độ mới được mở tại Hà Nội. Bức Xuống đồng của Trần Văn Cẩn đã được trao giải nhất và được Hội Văn hoá cứu quốc mua, cùng với bức Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ của Tô Ngọc Vân và Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nguyễn Đỗ Cung. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Trần Văn Cẩn về Sở Thông tin tuyên truyền khu I (Băc Ninh), ông cùng hoạ sĩ Tạ Thúc Bình và một nghệ nhân làng Hồ tổ chức xưởng tranh tuyên truyền, hàng trăm bức tranh đã từ đây đưa đi khắp nơi.

Tháng 7/1948, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội văn nghệ Việt Nam. Năm 1951, tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với hai bức tranh cổ động đã được giải thưởng. Năm 1953 ông cùng học sinh trường Mỹ thuật tham gia cải cách ruộng đất và đi các chiến dịch. Tháng 6/1954 Tô Ngọc Vân hy sinh, Trần Văn Cẩn thay thế đảm nhiệm Hiệu trưởng truờng Mỹ thuật và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 -1969).

Tác phẩm Tát nước đồng chiêm (Sơn mài) vẽ năm 1958, tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ 7 được dư luận đánh giá cao đem lại cho Trần Văn Cẩn những hào hứng mới cho sáng tác. Tát nước đồng chiêm là tác phẩm son mài có giá trị nghệ thuật bậc nhất trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Bố cục tranh thật chặt chẽ khó tìm ra một sơ hở nào, các mảng đầy vơi (plein, vide) đan xen nhịp nhàng, nhân vật là những cô gái quê uyển chuyển đang tát nước gàu giai, những dáng cúi, ngửa vô cùng tự nhiên, gió thổi, cò bay, các khóm tre lay động, những gàu nước đổ nghe như có tiếng ràn rạt, bức sơn mài như phát ra cả âm thanh. Cùng năm ông cùng đoàn Việt Nam tham gia Triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Matxcơva, bạn bè quốc tế hết sức thích thú với tranh sơn mài Việt Nam và coi đó là sự đóng góp cho mỹ thuật thế giới. Sau chuyến đi đó, Trần Văn Cẩn nhận thấy mỹ thuật Việt Nam cần gắn bó với cuộc sống hơn nữa. Từ đó, ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm xuất sắc: Nữ dân quân vùng biển, Mùa đông sắp đến, Chân dung bác thợ lò, Thiếu nữ áo trắng... Ông được bầu là đại biểu Quốc hội khoá II vào năm 1960.

Uy tín của Trần Văn Cẩn không chỉ ở trong nước mà còn ảnh hưởng rộng ra ở nhiều nước Á, Âu, Mỹ la tinh. Ông tham dự triển lãm Mỹ thuật quốc tế các nước xã hội chủ nghĩa ở Matxcơva, sang Cuba dự hội nghị Văn hóa thế giới lần III, tham gia Hội đồng chấm thưởng Triển lãm quốc tế hội họa hiện thực ở Xôphia (Bungari), trình bày ký họa ở Angiêri, là ủy viên Hội đồng Triển lãm quốc tế lần thứ IV ở Ấn Độ (Quadriennale India), ủy viên Hội đồng chấm giải đồ họa quốc tế ở Béclin (Đức). Ông còn được bầu là Viện sĩ của Viện Hàn lâm CHDC Ðức (cũ).

Ông ra đi thanh thản vào sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1994 tại bệnh viện Việt – Xô, Hà Nội. Trong ký ức của đồng nghiệp, họ trò và người yêu tranh hiện lên trong ký ức không chỉ là một họa sĩ lớn của đất nước bên cạnh đó còn là một con người sống nhiệt tình và đôn hậu trong ngày thường.

Với cương vị Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam ông có công lớn trong việc xây dựng phong trào và xây dựng phương hướng của mỹ thuật Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, Trần Văn Cẩn đã vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội khoá II vào năm 1960 và được nhận nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).
HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

SOME PICTURE IN VN FINE ART MUSEUM!

Photobucket

Mấy đồ thời nguyên thủy

Photobucket
Hình vẽ trên hang thời nguyên thủy

Photobucket

Vũ nữ Chăm trong múa điệu Apsara

Photobucket
Thần Uma


Photobucket

Lion

Photobucket

Dragon thời Lý. Các là nghiên cứu gọi đây là rồng giun

Photobucket
Người chim

Photobucket
Thạp võ sĩ thời Trần (trong sách LS chống Nguyên Mông thời cấp 2 cách đây 10 năm)

Photobucket
Vẫn là rồng

Photobucket

Chim phượng

Photobucket
Chuông thời Trần

Photobucket
Tượng phu nhân Yến quận công. Xem tướng thì bà này chết trẻ

Photobucket
Tượng Phật bà quan âm ở chùa Hà (Phú Thọ)

Photobucket
Tượng này thì ai cũng biết


Photobucket
Thời hiện đại thích mỗi bức "Em Thúy". Lần nào cũng mê mải ngắm!

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

STYLIST - NGHỀ "HOT"


STYLIST LÀ GÌ?

Ngay cả những người đang làm nghề stylist cũng chưa đưa ra một định nghĩa thống nhất. Tuy nhiên, có thể hiểu stylist là “nghề tạo dựng phong cách”. Stylist xuất phát từ Mỹ nơi mà công nghệ giải trí, truyền thông thịnh vượng.

Ban đầu, những người làm nghề stylist chỉ cố vấn về trang phục cho các ngôi sao khi xuất hiện trên công chúng hay trên các phương tiện truyền thông. Dần dà, họ sáng tạo ra kịch bản và chỉ huy luôn cả những buổi chụp hình, biểu diễn… Giờ đây, tìm đến các stylist không chỉ có các sao làng giải trí nữa mà cả các công ty kinh tế, các tạp chí, hãng truyền thông… muốn tạo dựng phong cách hình ảnh riêng trong tiếp thị để thu hút khách hàng đồng thời tạo ra sự cạnh tranh với đối thủ. Thậm chí, có những stylist nổi tiếng như Rachel Zoe thông qua các ca sĩ, diễn nổi tiếng:
Kate Hudson, boyband The Backstreet Boys, Britney Spears, Enrique Iglesias, Nicole Richie, Lindsay Lohan, Jessica Simpson... đã tạo dựng phong cách ăn mặc ảnh hưởng tới giới trẻ thần tượng các ngôi sao này.

Để đáp ứng đòi hỏi của công việc, một stylist không chỉ có khả năng sáng tạo kịch bản mà còn phải am tường các lĩnh vực đi kèm như quay phim, nhiếp ảnh, trang điểm, tạo mẫu thời trang… Tầm quan trọng của các stylist thể hiện ở mức thù lao họ được hưởng, có stylist đã được trả 10.000 USD/ ngày.

STYLIST VIỆT NAM

Ở Việt Nam, đa số người làm nghề stylist thường tập chung ở hai lĩnh vực thời trang và nhiếp ảnh. Chưa có stylist nào đủ sức dàn dựng chỉ huy một buổi biểu diễn nghệ thuật lớn.

Nghề stylist được biết đến thông qua các stylist nước ngoài làm việc ở Việt Nam như: Thanh Trúc (Việt kiều Pháp), Henri Hubert, J. Sarah… Họ thực hiện các seri ảnh thời trang trên các tạp chí: Đẹp, Mốt, Tiếp thị gia đình…

Ở nước ngoài, stylist là một nghề chuyên nghiệp nhưng cũng mới chỉ có nơi đào tạo ở những nơi được coi là kinh đô của điện ảnh và thời trang thì thường không thể thiếu những trường đào tạo trở thành một stylist, ví dụ như AIU- Atlanta, AIU- London... Thông thường những người học trường nghệ thuật, thời trang, mỹ thuật, những người có kinh nghiệm làm việc trong giới tổ chức biểu diễn hay chuyển sang làm nghề này.
Còn ở VN hiện mới chỉ có stylist về ảnh thời trang (bao gồm cả quảng cáo) nhưng cũng không ít kẻ thậm xưng danh hiệu này trong khi họ chỉ là người chụp ảnh thời trang, thậm chí là người mẫu hay chuyên viên trang điểm, hoặc có khi chỉ là người làm tóc. Các stylist Việt Nam đầu tiên là các nhà thiết kế thời trang hoặc họa sỹ ứng dụng như họa sỹ Từ Phương Thảo, nhà thiết kế Văn Thành Công, Việt Hùng… Đặc biệt nghề stylist còn được các bạn trẻ 8X tham gia như: ca sỹ Vương Khang stylist cho công ty Thế giới giải trí và giới ca sĩ Sài Gòn, stylist Huỳnh Minh Thủy (Thủy Top) stylist cho album ca sĩ Đăng Khôi, Hà Vy stylist cho website kênh14.vn , Nguyễn Thùy Linh (Linhzo) stylist cho báo Sinh viên Việt Nam và Tiếp thị Gia đình… Họ đến với nghề với lý do đơn giản: ban đầu mê thời trang, ca hát, hội họa… rồi “nhiễm” nghề stylist lúc nào không hay.

Nghề stylist đang là nghề mới mẻ cho nên công việc stylist Việt Nam hiện nay vẫn là học hỏi từ các xu hướng stylist nước ngoài. Hiện tại, khoảng cách về sự bắt kịp xu hướng giữa Việt Nam và giới trẻ châu Âu là khoảng một mùa, còn với châu Á thì đang song hành. Tuy nhiên, cũng có những xu hướng rất “hot” ở nước ngoài nhưng không hề được phổ biến ở Việt Nam là trào lưu golden, silver - những đồ thời trang lấp lánh có ánh vàng hoặc bạc vốn chỉ hợp với trào lưu rap mà rap ở Việt Nam không nổi lên được.


STYLIST – MỘT NGHỀ ĐẦY TRIỂN VỌNG


Nghề stylist là một nghề ăn theo các của ngành công nghiệp giải trí và truyền thông. Với tốc độ phát triển nhanh và đa dạng của ngành giải trí và truyền thông Việt Nam hiện nay thì khó mà có thể thống kê hết các số ca sĩ, các buổi biểu diễn ca nhạc, chụp hình thời trang và cả các tạp chí… Tất cả đều cần đến người làm stylist. Cho nên không thiếu việc để để các stylist trẻ thử sức. Mức thù lao hiện nay của một stylist Việt khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng/ tháng tuỳ thuộc vào số lượng và tính chất công việc.

Điều kiện cần cho một một stylist là tư chất nghệ thuật và vốn kinh nghiệm làm việc để có thể liên tục sáng tạo ra các phong cách khác nhau, càng độc càng tốt. Chẳng hạn, để có được một bộ thời trang nam, stylist Từ Phương Thảo của tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị đưa ra ý tưởng bối cảnh là một sân bay quân sự, người mẫu là những chàng phi công thật sự. Hiệu quả là, những chàng phi công trong trang phục thời trang khi lên ảnh còn đẹp hơn cả người mẫu thứ thiệt.

Ngoài ra, một stylist chuyên nghiệp phải có kiến thức tổng hợp của các ngành nghệ thuật và luôn cập nhật xu hướng stylist từ tạp chí nước ngoài. Học tập phong cách nhưng tránh copy nguyên xi bởi có không ít trường hợp bắt chước gây phản cảm. Trên một tạp chí thời trang, người mẫu nữ giới thiệu bộ vest đen của một thương hiệu thời trang cao cấp trong khi trên môi lại phì phèo thuốc lá như các quý bà châu Âu đầu thế kỷ 20. Dù có bàn tay stylist dàn dựng nhưng những bức ảnh ấy lại rõ ràng không phù hợp với thẩm mỹ, cách nghĩ của số đông người Việt.

Vai trò của stylist ngày càng được coi trọng. Không chỉ là có tên bên cạnh người trang điểm và nhiếp ảnh. Sự có mặt của stylist thì thành công của các bức hình hay buổi diễn được đảm bảo hơn. Từ khi có các stylist, công việc của người chụp hình, trang điểm đỡ hơn nhiều; trang điểm chỉ lo trang điểm, nhiếp ảnh chỉ cần chọn góc máy, ánh sáng sao cho đẹp, còn việc tạo dáng, trang phục, đạo cụ đã có stylist chuẩn bị đúng với ý đồ của họ. Năng động, nhiều ý tưởng, đó là chân dung của các stylist trẻ hiện nay. Dễ hiểu vì sao mà nghề stylist đang được các bạn trẻ quan tâm và coi là nghề “hot” hiện nay.

HÀM ĐAN