Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

ĐỌC "TRẦN HUY LIỆU VỚI SỬ HỌC"



Ở chiều kích là một nhà Cách mạng, nhiều người đã nắm tường tận công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu đối với đất nước. Nhưng ở chiều kích còn lại là một nhà văn hóa, đặc biệt là một nhà sử học không phải ai cũng rõ. Chính vì vậy, nhân kỉ niệm 110 ngày sinh GS, VS Trần Huy Liệu (1901-2011), Viện Sử học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và NXB Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách “Trần Huy Liệu với Sử học”, nhằm làm sáng tỏ hơn phương pháp luận sử học của Trần Huy Liệu, cùng với những trăn trở suy tư của ông với sử học nói riêng và các vấn đề đời sống xã hội nói chung.

“Trần Huy Liệu với Sử học” dày hơn 700 trang gồm 66 bài viết được chia thành 8 mảng nội dung khác nhau. Giá trị cuốn sách nằm ở điểm: Hầu hết các bài viết, thư từ và một số trang nhật ký trong cuốn sách chưa từng được công bố trong các công trình trước đây. Cuốn sách này là bước đầu tiên để hình thành Tuyển tập Trần Huy Liệu trong tương lai.

Đọc cuốn sách, dễ dàng hình dung con đường dẫn GS, VS Trần Huy Liệu đến với sử học là một điều tất yếu. Ông từng gặp các nhà yêu nước như Phan Văn Trường, Phan Bội Châu…, từng nằm xà lim thực dân cùng với những người yêu nước tham gia khởi nghĩa Yên Bái, Thiên Địa hội… nên ông chép sử từ tư liệu sống. Có thể xem Trần Huy Liệu là người làm nên lịch sử đồng thời là nhân chứng lịch sử đấu tranh chống Pháp vẻ vang của dân tộc, để ông trở thành “chuyên gia hàng đầu về lịch sử Cận đại, Hiện đại và lịch sử Cách mạng Việt Nam” (GS, VS Phan Huy Lê).

Nhưng điều làm nên nhà sử học Trần Huy Liệu chính là tính trung thực, khách quan của người nghiên cứu lịch sử. Ông từng nói với với các đồng nghiệp “đừng vì tình cảm thiên lệch nhất thời mà bôi nhọ người xưa” (trang 26), khi đánh giá về những nhân vật lịch sử còn nhiều tranh cãi thời bấy giờ như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ…

Trong cuốn sách còn có Bản đề nghị thành lập Ban nghiên cứu Sử-Địa-Văn (tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Đề án lập Viện Sử học Việt Nam minh chứng cho công lao đặt nền móng cho nghiên cứu sử học Việt Nam mang tính chiến lược. Ngoài ra, ông vẫn đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cho ngành sử học nhằm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và khoa học đương thời như: Vấn đề ruộng đất và nông dân trong lịch sử, vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, vấn đề giai cấp công nhân và sự lãnh đạo của Đảng… Nhiều góp ý tuy ngắn nhưng thể hiện sự suy tư liên tục và sâu sắc mang tính khoa học cao, chẳng hạn khi góp ý về phân kỳ lịch sử: “Hết sức tránh những lối phân kỳ lịch sử của các sử gia trước kia…, mà phải căn cứ vào sức trưởng thành nội tại của dân tộc, sản xuất và chiến đấu để xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước” (trang 149).

Một phần khác quan trọng là thư từ của GS, VS Trần Huy Liệu. Qua đó, có thể thấy ông là không phải là mẫu nhà nghiên cứu ngồi trong tháp ngà, bàng quan với đời sống; ngược lại là nhà nghiên cứu đồng hành cùng nỗi sướng khổ với nhân dân, tận tâm và tỉ mỉ đến những việc thế sự. Đơn cử ông bức xúc với chuyện hội họp quá nhiều, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ nhà nước. Trong thư ngày 24-12-1960 gửi đồng chí Tô (tức cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), ông lấy chính Viện Sử học để làm dẫn chứng cho nạn hội họp triền miên: “Tháng 10 (1960), tổ làm việc nhiều nhất chỉ có 18 ngày” và từ đó ông đề xuất: “Theo ý tôi, Thủ tướng phủ sau khi điều tra nghiên cứu cần có quy định rõ ràng, dứt khoát để bảo vệ cho thì giờ làm việc sản xuất, nghiên cứu không bị xâm phạm bất kỳ từ ngả nào đến” (trang 724).

Hẳn là, với cuốn “Trần Huy Liệu với Sử học”, người đọc chắc chắn sẽ biết thêm nhiều điều nhiều điều ngoài sử học, đặc biệt là một nhân cách trong sáng của GS, VS Trần Huy Liệu.      

HÀM ĐAN


Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

THỜI ĐÀM (XV): THAY LUẬT THƯỢNG ĐẾ


Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh Việt Nam từng vò đầu bứt tai tự vấn: “Sao trong sách giáo khoa, chẳng có phát minh nào gắn tên người Việt Nam?” Càng thêm chữ vào đầu, các học sinh mới vỡ lẽ một sự thật chẳng mấy vui vẻ: Ở nước ta, chưa có một vị nào có đóng góp lớn về khoa học cho nhân loại đến mức trẻ em nơi đâu cũng biết.

Thế rồi, như một ánh chớp sáng chói, mới năm ngoái, kì tích GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields đã làm chấn động cả nước, khẳng định người Việt có thể sáng tạo và đóng góp cho nhân loại những điều lớn lao.

Những gì mà GS Ngô Bảo Châu làm được bị một vài người cho là điều gì đó quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng. Bất ngờ thì quá rõ vì lâu nay lắm người bị bản sắc sáng tạo của người Việt phủ lên suy nghĩ. Như là một định mệnh, hình như mỗi dân tộc được trời phú cho bản sắc sáng tạo riêng. Người Do Thái được trời phú để tạo những phát kiến độc sáng chưa từng có, ba phát minh vĩ đại nhất ảnh hưởng đến thế kỷ XX đều thuộc về người gốc Do Thái: Thuyết phân tâm của S. Freud, Thuyết tương đối của A. Einstein và Chủ nghĩa duy vật lịch sử của K. Marx. Người Nhật lại là chuyên gia học của người khác đến tận cùng, rồi sau đó sáng tạo ra cái mới dựa trên cái đã học, ví dụ rõ nhất là nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản. Riêng về người Việt, các nhà nghiên cứu văn hóa chứng minh, người Việt Nam thích ứng và dung hoà các yếu tố lẻ tẻ rồi tổng hợp lại thì rất tài, PGS Phan Ngọc gọi cách sáng tạo đó bằng chữ “bricolage” (lắp ghép).           

         Bản sắc sáng tạo lắp ghép bị một số người cho như là luật Thượng Đế nên người ta cho rằng có một giới hạn trong sự sáng tạo. Xin lấy ví dụ ở bên văn chương. Rất nhiều lần trong các buổi nói chuyện văn chương, những nhà văn lão thành thường xuyên thở dài: Nhà văn Việt Nam chỉ sáng tạo cái nho nhỏ kiểu như truyện ngắn, gần như không có tác phẩm lớn tranh tài sáng tạo với Thượng đế. Và họ khuyên các nhà văn trẻ: Đừng bao giờ đặt mục đích viết để đoạt giải Nobel, chỉ cần tác phẩm có nhiều người đọc đã là thành công lắm rồi.

Lời khuyên kia thoạt đầu có vẻ hợp lý dựa trên lối nghĩ “biết người, biết ta”; nhưng ngẫm kĩ thì còn chưa chính xác, thậm chí phản động lực. Dĩ nhiên giải thưởng Nobel không phải là tất cả nhưng vẫn là một trong những thước đo tương đối “chuẩn” để thẩm định tài năng văn chương đích thực. Vì vậy, một nhà văn Việt nào đó trong tương lai được xướng tên chắc chắn sẽ là niềm tự hào dài lâu cho cả dân tộc. Vậy sao lại thiếu tự tin đến mức hạ “chỉ tiêu” trở thành một nhà văn best-seller? Trở thành một tác giả ăn khách là một thành công không nhỏ nhưng rõ ràng điều này không thích hợp trong hoàn cảnh văn chương Việt Nam hiện đại-một nền văn học thiếu vắng những tác gia và những tác phẩm có sức sáng tạo lớn.

Có thể, những nhà văn lão thành đã từng trải đời, sự mơ mộng chẳng còn bao nhiêu nên các cụ rất thực tế. Nhưng nhiều nhà văn trẻ vẫn tiếp tục mơ mộng... Sự mơ mộng của những nhà văn trẻ không phải là điều viển vông. Về cơ bản, con người là sinh vật hữu hạn lúc nào cũng muốn đạt đến cái vô hạn. Và nghệ thuật, đặc biệt alf văn chương là cách là nhiều người chọn để trở nên bất tử. Một thiên tài văn chương ra đời thì yếu tố quyết định là tài năng của cá nhân anh ta. Nền tảng giáo dục và văn hóa ở đất nước anh ta có thể còn nhiều bất cập, nhưng nếu anh ta ý thức tự học, từ nghiền ngẫm và đặc biệt tự đi theo một lối viết riêng thì hoàn toàn có thể vượt lên trên mặt bằng chung, tạo ra tác phẩm ngang tầm thế giới.   

Nhưng con người đó bao giờ xuất hiện? Có lẽ không thể dự đoán mà hãy tin con người đó sẽ sớm xuất hiện trong sự bàng hoàng và cảm động, như đúc kết của Nguyễn Trãi: “...Hào kiệt đời nào cũng có”. Tôi vẫn hi vọng và trông đợi, và khát khao một ánh sao, một tia chớp. Cái giới hạn "luật Thượng đế" vớ vẩn kia cũng do bấy lâu ta tự nghĩ ra, tự quàng vào cổ mình thôi.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG


Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

BẾ MẠC SEA GAMES 26: VƯƠN TỚI NHỮNG ĐẤU TRƯỜNG LỚN HƠN


       Sau những ngày tranh tài sôi nổi, tối 22-11, trên SVĐ Sriwijaya (TP Pa-lem-bang, In-đô-nê-xi-a), SEA Games 26 đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc ngắn gọn nhưng hoành tráng và đậm đà bản sắc văn hóa của nước chủ nhà. Đối với đoàn thể thao Việt Nam, đây là một kỳ SEA Games nỗ lực vượt khó, tạo đà cho tương lai.

Màn trình diễn đậm đà bản sắc văn hóa

       Điều tốt đẹp nhất còn lại với những người khách phương xa đến dự SEA Games 26 chính là lòng mến khách, thân thiện của những người dân xứ Vạn đảo. Với những người không có điều kiện trực tiếp theo dõi SEA Games từ các sân vận động hay nhà thi đấu để có cái nhìn toàn diện về Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, thì ấn tượng mạnh nhất của SEA Games 26 vẫn là từ Lễ khai mạc và Lễ bế mạc.

Nếu Lễ khai mạc được xem là hoành tráng nhất trong tất cả các kỳ SEA Games từ trước đến nay, thì Lễ bế mạc cũng không hề thua kém về quy mô và phần nào còn đa dạng hơn, giàu tính nghệ thuật hơn, xuất phát từ ý tưởng của Tổng đạo diễn In-đra Út-hi-ti-ra.

       Xuyên suốt Lễ bế mạc là màn ca vũ đạo mang chủ đề “Hòa hợp trong chiến thắng” với sự kết hợp ánh sáng la-de theo hình thù các họa tiết hội họa truyền thống In-đô-nê-xi-a cùng với các điệu múa của vùng Đông Nam Á hải đảo do hơn 1000 vũ công biểu diễn. Sau đó, gần 6000 vận động viên (VĐV) đã tranh tài tại 44 môn thi đấu của SEA Games 26 tay trong tay cùng đi quanh sân vận động để cảm ơn những cổ động viên đã cổ vũ nhiệt thành suốt những ngày tranh tài nảy lửa.

Thay mặt nước chủ nhà, Phó tổng thống In-đô-nê-xi-a Bu-đi-ô-nô cảm ơn các VĐV đã thi đấu hết mình, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng; đồng thời cảm ơn những tình nguyện viên cho đến những tài xế tắc-xi của In-đô-nê-xi-a đã làm tất cả để quảng bá sâu rộng hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người xứ Vạn đảo. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của SEA Games 26 là dịp để đất nước In-đô-nê-xi-a thể hiện tình đoàn kết cùng với người dân Đông Nam Á và cũng là dịp Đông Nam Á chứng minh rõ rệt nội lực phát triển thông qua thể thao với bạn bè thế giới.

Ngay sau đó, lá cờ truyền thống SEA Games đã được trao cho ông Tin San (Bộ trưởng Thể thao Mi-an-ma)-đại diện Ban tổ chức SEA Games 27 tại TP Naypyidaw (Thủ đô mới của Mi-an-ma) vào tháng 12-2013. Chào mừng sự kiện lần thứ 3 đất nước Mi-an-ma trở thành chủ nhà của ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, nước chủ nhà SEA Games 27 đã trình diễn một màn văn nghệ đặc sắc, kết hợp với các điệu vũ và dân ca truyền thống. 

Nghi thức cuối cùng là các VĐV nước chủ nhà gửi lời chúc may mắn để tiễn các VĐV trở về quê nhà và nhìn lại những hình ảnh không thể nào quên ở kỳ SEA Games 26, cùng lúc ngọn lửa SEA Games 26 dần tắt, chính thức khép lại hơn 10 ngày tranh tài. 

Kết thúc màn văn nghệ của nước chủ nhà, nhiều ca sĩ nổi tiếng xứ Vạn đảo là A.Mô-ni-ca, G.Ni-đi, D.Crít-xti-a-nô… đã trình diễn nhiều ca khúc nhạc nhẹ sôi động; trong đó có ca khúc “Cùng nhau chúng ta tỏa sáng”-một sáng tác của đương kim Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-đô-y-ô-nô.

Đoàn thể thao Việt Nam: Nỗ lực vượt khó

Lường trước những khó khăn khi BTC SEA Games 26 cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh cũng như đưa nhiều môn mới vào nội dung thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đưa ra mục tiêu giành khoảng 70 HCV. Nhưng với nỗ lực thi đấu tuyệt vời của các VĐV, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành tới 96 HCV, giành vị trí thứ 3 chung cuộc, sau nước chủ nhà và Thái Lan. Thậm chí, đã có những thời điểm, Việt Nam vươn lên dẫn trước Thái Lan để trụ ở vị trí thứ hai.

Việc vượt chỉ tiêu HCV chưa phải là điều đáng nói nhất, nếu nhìn vào bảng vàng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26, mừng cho thể thao Việt Nam là nhiều bộ môn đoạt vàng có mặt trong chương trình thi đấu tại ASIAD và Olympic. Điều đó có nghĩa là cơ hội vươn ra các đấu trường thể thao lớn hơn SEA Games của Việt Nam là điều có thể trở thành hiện thực trong nay mai.

Mặt khác, một số “mỏ vàng” ở SEA Games 26 (và cả nhiều SEA Games trước) như: Thể dục dụng cụ, bắn súng... là những môn thể thao phù hợp với thể chất con người Việt Nam hiện nay. Với những môn đòi hỏi thể chất tốt như các môn võ, điền kinh, dẫu ở đấu trường SEA Games chúng ta vẫn thuộc hàng đầu nhưng nếu chỉ ở đấu trường ASIAD thì vẫn chưa thể ganh đua được với đoàn thể thao các nước bạn. Chính vì vậy, thành tích tại SEA Games 26 sẽ là cơ hội để ngành Thể dục-Thể thao nhận biết để đầu tư mạnh mẽ vào các nội dung trọng điểm một cách chuyên nghiệp. Sự đầu tư trọng điểm còn phải tập trung cụ thể vào các cá nhân xuất sắc (kể cả ở những môn thể thao không phải là thế mạnh), như đã từng đầu tư cho VĐV Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông. Rất nhiều VĐV đã tỏa sáng ở SEA Games 26 một cách bất ngờ như: Dương Văn Thái, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), Thanh Phúc (đi bộ), Hoàng Quý Phước (bơi), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)... cần phải đầu tư riết róng mới giúp thành tích thi đấu của những “sao mai” ngày một thăng hoa. 

Không sớm thì muộn, thể thao Việt Nam cần xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, để khẳng định màu cờ sắc áo ở đấu trường thể thao lớn hơn SEA Games. Không nên lặp đi, lặp lại một nghịch cảnh: Ở các kỳ SEA Games, những quốc gia như Ma-lai-xi-a hay Xin-ga-po luôn thua Việt Nam… vài chục HCV nhưng đến ASIAD và Olympic, các đoàn thể thao này lại luôn có vị trí tốt hơn nhiều so với chúng ta.  

Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 26

STT
Đoàn
HCV
HCB
HCĐ
Tổng
1
In-đô-nê-xi-a
182
151
143
476
2
Thái Lan
109
100
120
329
3
Việt Nam
96
92
100
288
4
Ma-lai-xi-a
59
50
81
190
5
Xin-ga-po
42
45
73
160
6
Phi-líp-pin
36
56
77
169
7
Mi-an-ma
16
27
37
80
8
Lào
9
12
36
57
9
Cam-pu-chia
4
11
24
39
10
Đông Ti-mo
1
1
6
8
11
Bru-nây
0
4
7
11

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (V): TINH THẦN VIỆT


Mới tuần trước thôi, người dân Việt Nam trong nước và khắp năm châu chung tay bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chiến thắng của Vịnh Hạ Long không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị di sản này, mà qua 24 triệu tin nhắn còn minh chứng cho lòng yêu nước, tình đoàn kết của mỗi con dân đất Việt khi nghĩ về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.
         Mấy hôm nay, cùng niềm vui với Vịnh Hạ Long, ngày ngày tin vui từ “đất nước vạn đảo” liên tiếp dồn về. Những vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam thi đấu ở SEA Games 26 đang nỗ lực trên 100% phong độ để giai điệu hùng tráng “Tiến quân ca” vang lên nhiều lần trên nước bạn. Trong số vận động viên đứng trên bục huy chương vàng, lại thấy khuôn mặt rạng ngời của “búp bê” Ngân Thương. Những tưởng, sau việc bị cấm thi đấu do vô cẩn "dính" đô-ping đã quật ngã vận động viên này. Nhưng sự thật ở SEA Games 26 đã làm hàng triệu con tim cảm động: Ngân Thương dù không ở đỉnh cao phong độ và đã không tập luyện thường xuyên, vẫn sẵn sàng thi đấu vì màu cờ sắc áo. Hai huy chương vàng thể dục dụng cụ ở nội dung xà lệch và cầu thăng bằng với những động tác khéo léo và chính xác là phần thưởng cho nỗ lực cá nhân của bản thân cô. Nhưng đó còn là phần thưởng cho một con người sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào khi đất nước cần, giống như thế hệ thanh niên “ba sẵn sàng” năm nào.
         Cũng tại SEA Games 26, có người thua lại xứng đáng được vinh danh. Những ai được xem cảnh vận động viên Nguyễn Thị Phương vấp ngã khi cách vạch đích 2m ở nội dung 3000m vượt rào nữ hẳn sẽ nuối tiếc khi vuột mất một tấm huy chương vàng. Phương đã kiệt sức ở những khoảnh khắc quyết định, nhưng rồi cô lết, nhoài, vươn tới và tay chạm vào vạch đích để vừa đủ về nhì và sau đó là đi... cấp cứu. Cái đích chỉ cách có 2m, nhưng trong trường hợp của Phương khoảng cách đó dường như là bất tận. Vì vậy, đừng nghĩ động tác lết, nhoài người của Phương là đơn giản, đó là hành động xuất phát từ trách nhiệm của một người đã nhận nhiệm vụ và quyết phải hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá. Chỉ giành được tấm huy chương bạc nhưng cô đã thể hiện được phẩm chất ngoan cường, vươn lên khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Những biểu hiện làm rung động lòng người thì sẽ còn mãi và không chiến thắng nào có thể so sánh được. Ý chí của Phương, tinh thần của Phương đã trở thành cảm hứng thi đấu, cảm hứng sáng tạo và thi ca!
        Lại nữa, trên đường chạy 800m, đàn anh Nguyễn Đình Cương đã chấp nhận làm “chim mồi” nhằm ghìm các đối thủ lại để đàn em Dương Anh Thái thực hiện một cú nước rút thần tốc và cán đích đầu tiên. Thật khó quên, sau đó, hai vận động viên ôm lấy nhau, cùng cầm lá cờ đỏ sao vàng chạy khắp sân như để nói rằng: Đây là chiến thắng của Việt Nam! Phẩm chất đoàn kết, chấp nhận hy sinh lợi ích riêng của người Việt Nam tỏa sáng một lần nữa trên đấu trường khu vực.
         Còn nhiều hành động, hình ảnh khác của những vận động viên mạnh thể chất và đẹp tâm hồn đang thầm lặng luyện tập, thi đấu để khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam hôm nay. Từ đấu trường SEA Games vang lên đĩnh đạc một câu trả lời: Tinh thần Việt đang được nuôi dưỡng, nhân lên trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Lớp trẻ hôm nay đang sống, cống hiến xứng đáng với cha anh. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao.
          Ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm của tuổi trẻ hôm nay cần được vun đắp và định hướng, cần một sự cố kết sức mạnh toàn xã hội để cùng hướng vào những mục tiêu cao đẹp của đất nước trong giai đoạn mới, gặt hái những thành công mới, bồi đắp niềm tự hào mới, đưa Việt Nam cất cánh./.

          HÀM ĐAN

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM LẦN THỨ VII-NGÀY VỀ NGUỒN (23-11-2011): CƠ HỘI "VÀNG" QUẢNG BÁ DI SẢN VĂN HÓA BẮC TRUNG BỘ


Từ ngày 21 đến 23-11, Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII-Ngày về nguồn 2011 sẽ được tổ chức với chủ đề “Tuần văn hóa di sản Bắc Trung Bộ tại Hà Nội 2011”. Hoạt động này còn mở đầu công tác tuyên truyền, quảng bá Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012.

Do đã nhiều lần tổ chức nên đơn vị được giao chủ trì tổ chức là Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam đã chủ động phối hợp cùng với 6 Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bắc Trung Bộ lên kế hoạch từ một năm trước, để thống nhất nội dung, lựa chọn những di sản phi vật thể và vật thể tiêu biểu nhất của mỗi địa phương, giới thiệu với người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế. Nhờ vậy, khung chương trình đã được “chốt” ngay từ đầu tháng 11. Bên cạnh đó, các công tác tuyên truyền, quảng bá sự kiện trên cũng đã được xúc tiến sớm, dự kiến “Đêm di sản văn hóa Bắc Trung Bộ tại Hà Nội năm 2011” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 23-11.
         
Tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày và chủ yếu tại khuôn viên Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) nhưng Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII sẽ dày đặc các hoạt động là: Ngày văn hóa xứ Thanh-nét đẹp văn hóa xứ Thanh, Ngày văn hóa Huế (biểu diễn nghệ thuật, thao diễn tay nghề truyền thống, ẩm thực Huế…), đêm giao lưu văn hóa nghệ thuật Bắc trung Bộ (hát ví, ca Huế…), thi thuyết trình du lịch, chương trình Road show giới thiệu quảng bá du lịch di sản Bắc Trung Bộ, tọa đàm tổng kết đánh giá kết quả ngày về nguồn. Hiệu quả các hoạt động quảng bá tác động tới du khách đến đâu còn là dấu hỏi mà phải chờ đến ngày hạ màn mới có thể kết luận. Nhưng, theo ông Phạm Văn Thủy-Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam nhận định, Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII là cơ hội “vàng” quảng bá các di sản văn hóa Bắc Trung Bộ mà lâu nữa mới quay trở lại. Ông Thủy lấy dẫn chứng là sau 10 năm được tổ chức lần đầu, đến năm 2012 chương trình Những ngày văn hóa Tây Nguyên mới quay trở lại Thủ đô.   

Sau thành công của Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ-Phú Yên 2011, khu vực Bắc Trung Bộ được chọn để tổ chức Năm du lịch Quốc gia không phải vì luân phiên thay đổi vùng miền, mà còn gắn với việc tôn vinh các di sản văn hóa độc đáo. Trước tiên là những di sản văn hóa vật thể, mới nhất là việc Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cố đô Huế tuy đã có tiếng nhưng sẽ tiếp tục được quảng bá sâu rộng hơn để tuyên truyền trước cho Festival Huế 2012 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII còn là cơ hội để các tỉnh Bắc Trung Bộ giới thiệu những giá trị văn hóa phi vật thể ít người biết đến. Ở thời trung đại, khu vực Bắc Trung Bộ vốn là vùng biên ải của nước Đại Việt nên nó vừa lưu giữ các nét văn hóa gốc của người Việt khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng, vừa giao thoa văn hóa với các nền văn hóa khác; cho nên, nó tạo ra sự đa dạng ngay trong nội tại vùng lãnh thổ. Ví dụ, hò sông Mã (Thanh Hóa), ví dặm (Nghệ An), ca Huế đều do cư dân vùng sông nước trình diễn nhưng không hề giống nhau; ẩm thực Huế hoàn toàn khác biệt với các tỉnh còn lại trong cách chế biến và nguyên liệu còn về mùi vị cơ bản lại giống.

          Sự giàu có tự thân của di sản văn hóa Bắc Trung Bộ, cộng với sự chuẩn bị chủ động, nội dung chương trình phong phú có thể tin tưởng, qua Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII các giá trị di sản văn hóa Bắc Trung Bộ sẽ được nhiều người biết đến, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” của khu vực ngày một lớn mạnh.

          HÀM ĐAN

DỰ ÁN MỞ RỘNG "NÂNG CAO KHẢ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TRUY CẬP INTERNET CÔNG CỘNG Ở VIỆT NAM": BÌNH ĐẲNG HƯỞNG LỢI TỪ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN


Sau giai đoạn thí điểm thành công, dự án mở rộng “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ đã chính thức khởi động sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) làm chủ dự án, và có sự phối hợp của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), UBND của 40 tỉnh và các đơn vị liên quan. Các bên tham gia dự án kỳ vọng dự án sẽ hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận bình đẳng, qua đó hưởng lợi từ công nghệ thông tin. 
           
          Dự án cho người nghèo       

Bà Deborah Jacobs (Giám đốc chương trình Thư viện toàn cầu của BMGF) giải thích lý do vì sao BMGF chọn Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á thực hiện dự án: Trước tiên, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện cho dự án được triển khai và có sự hỗ trợ của nhiều Bộ, ban, ngành và các công ty như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)… Ngoài ra, Việt Nam là đất nước mà nhiều người ở nông thôn vẫn chưa có điều kiện sử dụng thông tin từ Internet. Đồng thời, Việt Nam có những thiết chế văn hóa ở tận cấp xã giúp dự án triển khai dễ hơn nơi khác.   

Tuy có những điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án nhưng trước khi mở rộng, vẫn phải thực hiện dự án thí điểm (BMGF viện trợ không hoàn lại 2,1 triệu USD) do Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam thuộc Bộ TTTT chủ trì thực hiện từ tháng 2 đến 7-2009 tại 3 tỉnh là Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh. Dự án thí điểm đã xây dựng thành công 99 điểm truy nhập Internet ở các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) và các thư viện công cộng (TVCC). Thành công của dự án không chỉ ở việc được Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Ấn Độ trao Giải nhất “Giải thưởng quốc tế dành cho Dự án quản trị nông thôn” tại Niu Đê-li (Ấn Độ) vào tháng 8-2011; mà còn góp phần làm thay đổi cuộc sống những người dân theo hướng tích cực. Ông Phan Hữu Phong (Giám đốc Ban Quản lý dự án) lấy ví dụ: Tại Thái Nguyên, có người mẹ tìm lại được con sau 12 năm lưu lạc nhờ… e-mail. Người dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) sử dụng thông tin qua Internet để nuôi lợn rừng, quảng bá chè Tân Cương. Giúp người dân nuôi gà thành công ở xã Mường Mọc (huyện Quế Phong, Nghệ An). Nông dân ở xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) nhờ thông tin từ Internet mà không bị tiểu thương ép giá nông sản. Đặc biệt, các cháu học sinh nghèo đã sử dụng tiện ích trường học trực tuyến để học tập đỗ đạt cao, giải toán trên mạng đoạt giải Olympic như trường hợp ở Nghệ An...
           
         Nhờ hiệu quả rõ ràng trên, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai mở rộng ra 40 tỉnh chia làm 3 giai đoạn trong thời gian từ 2011 đếm 2016 với tổng kinh phí là 50,5 triệu USD, trong đó BMGF tài trợ hơn 30 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng từ phía Việt Nam. Dự án sẽ cung cấp, lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng Internet cho 1.900 điểm BĐVHX và TVCC. Người dân sẽ được miễn phí 100% khi sử dụng Internet tại TVCC và được giảm 50% giá cước truy cập tại BĐVHX. Dự án sẽ đào tạo kỹ năng cho 1.572 nhân viên BĐVHX và TVCC. Dự kiến trong giai đoạn thực hiện dự án sẽ có thêm 760.000 người ở nông thôn được sử dụng Internet.
           
         Ông Phan Hữu Phong cho biết, các bên liên quan đã nhất trí thông qua các tiêu chí lựa chọn địa phương nhận được sự hỗ trợ của dự án để bà con những nơi thực sự cần đến công nghệ thông tin có đời sống tốt hơn. Ông Phong cũng nói thêm về cách thức triển khai dự án mở rộng, theo đó, ở giai đoạn 1 dự án mở rộng, riêng ở miền Bắc, sẽ có 3 tỉnh thực hiện chương trình là Hà Giang, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã có kinh nghiệm thí điểm sẽ chia sẻ cách làm với 2 tỉnh còn lại. Tương tự, ở các giai đoạn tiếp theo, các tỉnh chưa thực hiện sẽ được phổ biến cách làm từ các tỉnh đã và đang thực hiện dự án. 

Duy trì tính bền vững của dự án
         
         Dự án sẽ trang bị cho mỗi điểm BĐVHX 5 máy tính, 1 máy in và các trang thiết bị đi kèm, các chi phí khác cùng tiền lương cho 1 người phục vụ. Tại mỗi điểm truy nhập viễn thông công cộng kết hợp với thư viện địa phương, thư viện bệnh viện, thư viện trường học sẽ trang bị từ 5 đến 20 máy tính, 1 máy in và các trang thiết bị đi kèm và các chi phí khác. Để người dân, đặc biệt là nông dân có thể nhanh chóng hưởng lợi từ các thông tin từ Internet và cũng có thể kiểm soát tốt nội dung thông tin, dự án đã thành lập một trang web: http://www.i4ra.vn gồm tiếng Việt và tiếng Khơ-me cung cấp các dữ liệu cập nhật về nông nghiệp, giá cả thị trường, văn hóa, tư liệu học tập, văn bản pháp luật… và kết nối với các trang web hữu ích khác.
           
         Hiệu quả của dự án đạt được đến đâu, sau khi dự án kết thúc mới có thể đánh giá toàn diện. Tuy nhiên, với sự đầu tư lớn và cách làm khoa học như trên có thể thấy tính khả thi của dự án là rất cao. Bà Nguyễn Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL) cho biết thêm: Dự án triển khai đào tạo cho cán bộ quản lý, đồng thời đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet cho người dân là một mục tiêu quan trọng của dự án. Như vậy, dự án sẽ là cơ hội để nâng cao cách thức phục vụ của hệ thống BĐVHX và TVCC ở những vùng còn khó khăn. Đồng thời, dự án sẽ góp phần giúp hoàn thành mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn giai đoạn 2010-2020.
          
         Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết thêm khi dự án kết thúc, các trang thiết bị hết thời hạn phục vụ dự án sẽ được chuyển giao cho những nơi từng quản lý để tiếp tục phục vụ nhu cầu của người dân. Mặt khác, đội ngũ nhân viên BĐVHX và TVCC đã được đào tạo sẽ tiếp tục duy trì tính bền vững của dự án, để dù dự án có đáo hạn thì hiệu quả vẫn sẽ tiếp tục được phát huy. 
          HÀM ĐAN

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

"NHẬT KÝ TRONG TÙ" CÓ THÊM MỘT BẢN DỊCH TIẾNG SÉC



Từ những năm 1960 trở đi, tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra các ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... Tiếng vang của “Nhật ký trong tù” còn lan tới các cộng đồng ngôn ngữ nhỏ hơn, trong đó có Tiệp Khắc (cũ) với hai bản dịch in thành sách: Bản đầu tiên lấy tên là “Đo nước” (NXB Miền Trung Tiệp Khắc, 1973) và "Nhật ký trong tù" (NXB ODEON, 1985). Tuy nhiên, trong một lần gặp gỡ dịch giả Dương Tất Từ, ông cho chúng tôi hay, “Nhật ký trong tù” được dịch sang tiếng Séc lần đầu tiên do chính ông dịch với sự cộng tác của cố nhà thơ Jan Noha.

Năm 1960, khi dịch giả Dương Tất Từ đang theo học đại học ngữ văn tại thủ đô Praha ông đã nhận được tập thơ “Nhật ký trong tù” do Viện Văn học công bố, qua bản dịch của nhà thơ Nam Trân thực hiện ở trong nước. Thơ của Bác đã tạo niềm cảm hứng mãnh liệt cho dịch giả Dương Tất Từ để ngay lập tức ông dịch sát nghĩa tập thơ sang tiếng Séc trong vòng nửa năm. Nhà thơ Jan Noha đọc qua và đã nhận lời chuyển thành thơ toàn bộ tác phẩm. Sau đó, các bài thơ được dịch đã đăng trên các tạp chí và báo ở Tiệp Khắc như: Tạp chí Sáng tạo, tạp chí Những bông hoa, báo Văn học, báo Quyền lợi đỏ... gây được ấn tượng với bạn đọc Tiệp Khắc.

Một năm sau đó, hoàn thành chương trình đại học, dịch giả Dương Tất Từ trở về nước công tác và đã thỏa thuận với nhà thơ Jan Noha sẽ cho in thành sách “Nhật ký trong tù” để đánh dấu hai bước ngoặt, bởi với dịch giả Dương Tất Từ đó là bản dịch tiếng Séc tương đối quy mô đầu tiên, còn với nhà thơ Jan Noha thì đó lại là kỷ niệm lần đầu tiên tiếp cận thơ Việt Nam; để sau đó ông chuyển tải thành công một tập ca dao Việt Nam với nhan đề “Lộc sắn thì đắng” (1964). Nhưng đáng tiếc, vì nhiều lí do mà tập thơ “Nhật ký trong tù” chưa thể in sách ngay. Thời gian trôi qua, ở bên Séc, nhà thơ Jan Noha qua đời; còn ở Việt Nam, nhà thơ Dương Tất Từ do hoàn cảnh chiến tranh, cộng với cách trở địa lý không có điều kiện để thúc đẩy việc xuất bản. Ông đành giữ tập bản thảo dịch từ thời còn sinh vien, mong chờ cơ hội giới thiệu với bạn đọc gần xa.

Đúng nửa thế kỷ sau, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tài trợ kinh phí in ấn, nhà thơ Karel Sýs-Chủ tịch Liên minh các nhà văn Cộng hòa Séc đã đứng ra lo các thủ tục để tập thơ “Deník z vězení” (Nhật ký trong tù) được NXB Periskop (kính tiềm vọng) xuất bản vào tháng 11-2011. Tập thơ có khổ 15×15cm, bìa cứng, giấy trắng ngà. Ngoài bản dịch của Dương Tất Từ và Jan Noha còn được bổ sung một số bản dịch thơ do nhà thơ Karel Sýs. Tập thơ còn có 7 phụ bản minh hoạ của họa sĩ Barbora Vykysalová.

Trong lời đề tựa, nhà thơ Karel Sýs đã viết: “Tinh thần khinh thường xiềng xích và kẻ cầm tù. Tinh thần có mục tiêu của nó và có điều gì đáng nói. Thơ ra đời trong khổ đau, cuộc sống êm đềm chỉ còn là sự trống rỗng. Nó giống như cái kim nam châm, dù bão táp cũng không mệt mỏi và nó cứ chỉ về phương bắc, không thể đem sự oan trái để lừa gạt tinh thần, nó luôn trung thành về cực mà số phận đã định sẵn”. Qua lời nhận xét trên của nhà thơ Karel Sýs, có thể thấy một chân lý trong nghệ thuật, một tác phẩm mà chứa đựng giá trị nhân văn, giàu giá trị nghệ thuật như “Nhật ký trong tù” thì dù có chuyển sang một ngôn ngữ xa lạ và cách biệt về không-thời gian vẫn có giá trị không hề thay đổi.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

HỒN NHIÊN... CHỢ PHIÊN CÁN CẤU


Trên mấy diễn đàn du lịch, nhiều dân phượt than thở: Càng ngày chợ phiên miền núi phía Bắc càng giống chợ dưới xuôi quá, chẳng có nhiều điều để khám phá như truyền tụng. Thực ra, vẫn còn đó những chợ phiên duy trì cách thức giao dịch như nhiều đời trước. Có điều những phiên chợ miền núi xưa cũ giờ đây đều chỉ còn tồn tại những miền đất xa xôi, như chợ phiên Cán Cấu ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cách Hà Nội gần 400 cây số, đến nơi tức là mất đứt một ngày đi đường.

Những người đến chợ Cán Cấu từ nhiều năm trước kể lại, các lều quán ngày xưa đều lợp mái cỏ ngả màu nâu vàng lẫn trong màu xanh của núi đồi khiến quang cảnh đẹp đến nao lòng. Giờ đây, các lều quán đều thay bằng bạt, nhìn từ trên cao phiên chợ kém sắc một chút. Tuy nhiên, những điểm còn lại đủ để chợ Cán Cấu thu hút đông du khách vào thứ bảy hằng tuần.

Chợ họp ở bãi đất rộng ven đường, không có tường bao mà được phân chia tự nhiên theo mặt hàng bày bán. Mấy gã chơi chim thì chọn lưng chừng núi bên kia đường tránh xa mọi tiếng ồn để thưởng giọng hót và cả gật gù xem chọi chim. Thấp hơn chút là hàng trăm con trâu bò đứng san sát. Khu buôn bán đồ thổ cẩm, thời trang và tạp hóa một góc riêng, phần đất còn lại là bán đồ ăn.

Chợ Cán Cấu chỉ thực sự đông từ khoảng 9 giờ sáng, những người nhà xa nhất cũng đã đến nơi, lại có thêm nhiều khách du lịch, trong đó khách Tây đông hơn khách ta. Điều này cũng dễ hiểu vì trừ mấy người có “máu xê dịch” thích khám phá, không nhiều du khách trong nước chịu đi xa chỉ để… xem chợ. Nói là xem chợ vì chợ ở đây ít có mặt hàng nào có thể mua về làm quà vì hầu hết các mặt hàng ở đây có chuyển về xuôi, họa hoằn người ta chỉ mua tương ớt và rượu làm thủ công. Với lại, đã là chợ phiên vùng cao còn đơn sơ, nhu cầu mua bán chỉ là thứ yếu, đồng bào các tộc người quanh vùng đến chỉ vì để được… chụp ảnh và thay đổi nhạc chuông điện thoại đang “hot”, thậm chí là đi đến đều tay không. Cái thú du lịch ở chợ là quan sát sắc màu quần áo đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là váy áo của phụ nữ Mông hoa và xen lẫn cả sắc chàm trang phục người Tày, Nùng. Lại được nghe người bán thuyết minh quảng cáo trâu bò đủ các thứ tiếng đến vui tai, trong khi người mua “soi hàng” tưởng đến mòn nhẵn.

Một thú vui khác khi đến chợ Cán Cấu là được nếm ẩm thực vùng cao. Một sự lạ ở chợ Cán Cấu là hàng phở áp đảo khu vực hàng ăn. Phở vùng cao khác xa phở Bắc. Bánh làm từ gạo nương nên có màu hồng nhạt khá lạ. Nếm thử thì ngon nhất là nước dùng, toàn nước cốt xương không cho mì chính, lùa thật nhanh cả bát phở mới thấy sự “nóng” trong người. Người bán phở bảo, người dân quanh vùng mê nhất là món phở, cả gia đình cuốc bộ vài cây số chỉ để ăn phở. Cứ nhìn vào những ánh mắt chờ đợi chủ hàng chan nước là hiểu, có điều nhìn bát phở ở đây đôi khi lạ lùng với… lòng lợn ăn kèm dưa chua bắp cải.

“Đầu bảng” đương nhiên vẫn là thắng cố. Trước hôm đi chơi chợ, một ông anh mời cơm, trong đó có món thắng cố. Ngon lạ lùng, đến nỗi, hôm sau ra chợ Cán Cấu lại tiếp tục ngồi xuống, vừa nhai vừa ngắm, hết một bát đầy. Thêm vào cái rượu ngô như cặp trời sinh, thảo nào đàn ông Mông uống say nằm bên đường, vợ đứng canh khi nào tỉnh mới thôi. Uống say mềm môi, lên xe hàng trở về, anh lơ xe gọi dậy, nhìn ra trời đã sập tối. Chơi cả một ngày chợ, vậy mà cứ tưởng nằm mơ, tỉnh ra mới biết đã xa chợ Cán Cấu mất rồi.

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

TÁI KHÁM PHÁ MỘT "KIỆN TƯỚNG" VĂN GIỚI



Với một nhân vật bị thời gian che mờ như học giả, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I Lê Văn Hòe (1911-1968), ngay những người ở tuổi xưa nay hiếm cũng chẳng mấy ai tường tận. Thế nên, Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do Hội Nhà văn Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Thư viện Hà Nội và trang web Sachxua.net đã thu hút rất đông người tham dự; đến mức, bảo vệ của Thư viện Hà Nội nói nhỏ: Chưa bao giờ thấy hội trường của thư viện phải có người đứng dự lễ! Ai nấy đều muốn tìm hiểu thân thế học giả Lê Văn Hòe và những đóng góp gì cho văn hóa nước nhà.  

Lê Văn Hòe (bút danh Vân Hạc) sinh ngày 1-11-1911 tại làng Mụ ven sông Đáy, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong một gia đình Nho học. Trước khi học tiếng Pháp như bao cậu bé đương thời, Lê Văn hòe đã được cụ thân sinh dạy chữ Hán khi mới 6 tuổi. Bước đầu học vấn này sẽ đảm bảo cho Lê Văn Hòe dù được xếp vào kiểu trí thức Tây học-những ông Tây An Nam nhưng vẫn có căn cốt cổ học vững chắc, giúp ông trở thành một học giả uyên thâm cổ kim Đông Tây.

Biến cố đầu tiên của cuộc đời Lê Văn Hòe là việc phải thôi học Trường Bưởi do tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh (1926). Chẳng biết việc đứt gánh học vấn có bị ông xem là điều rủi hay không, nhưng với văn hóa nước nhà đây là một điều may vì nó đã buộc ông đi vào đời bằng nghề viết. Một năm sau rời ghế nhà trường, ông đã viết cuốn sách đầu tiên là “Khai tâm luân lý” ở tuổi 16. Bù lại cho sự thiếu hụt học vấn nhà trường, Lê Văn Hòe đã tự bổ túc tri thức bằng một quá trình tự học kiên trì để trở thành một học giả với gần 40 tác phẩm gồm: sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật, sách giáo khoa... gắn với tên tuổi NXB Quốc học thư xã do ông làm Giám đốc. Công trình giá trị nhất của Lê Văn Hòe là Truyện Kiều chú giải (1953). Công trình này đã sửa những lời chú giải hoặc chuyển ngữ sai lầm về Truyện Kiều, ví dụ: “Bạc mệnh là số phận mỏng manh, ý nói số khổ sở vất vả, trái với số mệnh dầy dặn là số sung sướng. Bạc là mỏng. Mấy bản dịch Pháp văn dịch bạc là “ingrat” tức bạc bẽo, thì sai”.


Một chiều kích khác trong sự nghiệp của Lê Văn Hòe là hoạt động báo chí sôi nổi. Năm 1936, trong phong trào Mặt trận Dân chủ sôi nổi, ông tham gia Ban biên tập báo Đời mới. Sau đó, ông làm chủ bút tờ Ngọ báo và phụ trách phần nghiên cứu của tờ Trung Bắc Chủ nhật. Năm 1945, ông làm chủ bút tờ báo hằng ngày Quốc gia do ông Trần Huy Liệu làm chủ nhiệm, đã công khai tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

Tựu chung, dù có làm báo hay viết sách, Lê Văn Hòe đều có chủ đích nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí như nhiều trí thức cùng thế hệ. Bao biến động dồn dập của lịch sử, nhiều người thời nay không hề đến những công trình cổ học giá trị của Lê Văn Hòe, việc tái bản Truyện Kiều chú giải mới đây chỉ là bước đầu để giới thiệu lại các công trình như: Khổng Tử học thuyết, Những bài học lịch sử, Tục ngữ lược giải... của “một kiện tướng trong văn giới Việt Nam” (Báo Thân dân số 35, ngày 5-6-1953).

HÀM ĐAN




Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

TRÌNH DIỄN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ I: GÌN GIỮ TRANG PHỤC GỐC


Sau gần một năm có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chương trình “Trình diễn các trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất” đã được Ủy ban Dân tộc triển khai bằng việc thành lập ban tổ chức, hội đồng tư vấn, ban hành các văn bản hướng dẫn. Đến nay,  còn gần một tháng đến thời điểm trình diễn, song tất cả các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc tuyển chọn.   

           Giàu tính văn hóa 

          Hoàn thành một khối lượng công việc lớn chỉ trong một thời gian ngắn chưa phải là “điểm sáng” đáng nói nhất của chương trình, mà là Ban tổ chức đã xác định mục đích, yêu cầu của chương trình một cách đúng đắn ngay từ ý tưởng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Chương trình trình diễn các trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức có thể xem là cuộc kiểm kê trang phục gốc, từ đó có hướng bảo tồn thích hợp. Vì vậy, ngay từ đầu, không ai nghĩ đến việc thi các trang phục mà chỉ là trình diễn.

      Thực ra, việc kiểm kê trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam có thể thực hiện bằng một đề tài khoa học. Song, một cuộc trình diễn đậm chất văn hóa có khả năng thu hút người trình diễn lẫn người xem, tạo ra cơ hội giao lưu giữa các dân tộc anh em sẽ hơn hẳn sự khô khan và khó phổ biến của một công trình nghiên cứu. Mặt khác, không có trang phục nào có giá trị văn hóa cao hơn trang phục nào, mà sự giàu có của văn hóa nằm ở tính đa dạng nên tổ chức trình diễn là phù hợp, thiết thực và tiết kiệm.

          Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) đồng thời là Ủy viên thường trực Ban tổ chức cho biết thêm các yêu cầu đối với trình diễn đó là: Trang phục trình diễn phải là trang phục gốc không cách điệu, tập trung ở trang phục sinh hoạt và trang phục lễ hội; người dân tộc nào thì trình diễn trang phục dân tộc đó, không dùng người “đóng thế”; độ tuổi người trình diễn là từ 18 đến 40 tuổi, chiều cao tối thiểu là 1m60 (nam) và 1m50 (nữ); người trình diễn được quyền mang theo các đạo cụ nhỏ…

         Không chỉ có thuận lợi, chương trình trình diễn gặp khó khăn khách quan là việc xác định bộ trang phục gốc. Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chia sẻ: Trong ngành âm nhạc còn đang tranh luận đâu là làn điệu gốc thì việc xác định chính xác đâu là trang phục gốc của từng dân tộc hoặc chi phái của một dân tộc là việc bất khả. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn sẽ xây dựng quy chế thẩm định cụ thể như: Mẫu trang phục nào được sử dụng lâu nhất, kiểu dáng phổ biến nhất, mẫu trang phục nào được đại đa số sử dụng nhất… thì được xem là trang phục gốc.

          Ông Hoàng Xuân Lương cung cấp thêm thông tin quan trọng: Chương trình trình diễn trang phục truyền thống sẽ góp phần thực hiện đề tài cấp Nhà nước để nghiên cứu, xác định lại thành phần các dân tộc Việt Nam dự kiến kéo dài trong 3 năm (2012-2015). Năm 1979, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam có 54 dân tộc anh em nhưng  thực tế thì có gần 20 chi phái trong các tộc người muốn  xác định lại tên dân tộc mình vì họ có trang phục và tiếng nói riêng.

          Nhà nước ra tay!

          Trang phục của các tộc người thiểu số không chỉ đơn thuần là che thân, bảo đảm sức khỏe mà con mang giá trị văn hóa. PGS Nguyễn Từ Chi - chuyên gia về người Mường đã phát hiện rằng: Trang phục phụ nữ Mường với ba phần: Áo, cạp váy và váy như mô hình hóa quan niệm vũ trụ “ba tầng, bốn thế giới” của người Mường. Cạp váy (giống như thắt lưng) đại diện cho tầng người sống nên được trang trí nhiều và các hoa văn cạp váy là nơi duy nhất còn lưu lại được dư ảnh của nghệ thuật Đông Sơn.

          Chính vì tầm quan trọng của trang phục trong việc phân biệt các tộc người, cung cấp các dữ liệu tin cậy để lý giải lịch sử và văn hóa tiền nông nghiệp cho nên việc gìn giữ trang phục truyền thống của các tộc người thiểu số là điều cấp thiết. Càng cấp bách hơn vì nguy cơ trang phục biến mất hoặc bị đồng hóa tự nhiên đã hiển hiện trước mắt. Đơn cử, hầu hết các chương trình ca múa nhạc đều sử dụng trang phục cách điệu, các trang phục dân tộc bày bán ở các điểm du lịch giờ đây đa số sản xuất theo lối công nghiệp, thêm vào đó là sự "đổ bộ" của trang phục kiểu Âu-Mỹ lên vùng đồng bào dân tộc sinh sống… Những điều trên sẽ khiến đồng bào quên đi cách sản xuất thủ công và không ưa mặc trang phục truyền thống. Vì xu hướng trên không thể đảo ngược nên không thể bảo tồn trang phục truyền thống theo kiểu vận động thuần túy mà chỉ còn trông chờ các hành động bảo tồn cụ thể từ Nhà nước.  
          Thời gian qua, việc lưu giữ các trang phục truyền thống ở các bảo tàng chuyên ngành và đặc biệt là sự ra đời của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ sự quyết tâm và hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo tồn trang phục truyền thống, tuy nhiên chừng đó vẫn là chưa đủ.

           Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS-TS Đỗ Lai Thúy cho rằng: Cần phải nhân rộng mô hình “bảo tàng sống” trên toàn quốc, nghĩa là những nơi nào có đông một tộc người sinh sống thì chọn lấy một bản để bà con sinh hoạt, ăn mặc như ngàn đời nay. Ông Hoàng Xuân Lương đưa ra một sáng kiến: Nếu có thể dùng biện pháp hành chính yêu cầu các cán bộ người dân tộc thiểu số khi làm việc hoặc hội họp nên mặc trang phục truyền thống để làm mẫu cho đồng bào noi theo. Hai ý kiến trên nếu đưa vào thực hiện thì cần có kinh phí và các văn bản pháp quy, tất cả phải chờ Nhà nước ra tay!

 (BOX):
        Sau các cuộc tuyển chọn ở cơ sở, 255 thí sinh gồm đầy đủ 54 dân tộc đến từ 63 tỉnh, thành phố sẽ trình diễn các trang phục truyền thống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vào 20 giờ ngày 28-11. Cuộc trình diễn sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam. 

HÀM ĐAN