Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

TÁC PHẨM LÀM THAY ĐỔI VĂN HỌC CHÂU PHI



Chinua Achebe sinh ngày 16-11-1930 tại thị trấn Ogidi, miền Nam Ni-giê-ri-a trong một gia đình tộc người Ibo theo Thiên Chúa giáo. Từ nhỏ, C. Achebe đã được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến của Anh quốc giúp ông trở thành một người uyên bác sau này. Trong cuộc đời sôi động của mình, ông tham gia nhiều hoạt động như: Báo chí, chính trị, giáo dục; nhưng trên hết vẫn là sáng tác văn chương đều đặn. Sự nghiệp văn chương của C. Achebe khá đồ sộ với hơn 30 tác phẩm đủ mọi thể loại, nên các nhà phê bình thường gọi ông là “Người cha của văn học châu Phi hiện đại”.
        
Sự tôn vinh C. Achebe đến khá sớm, ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết “Things fall apart”-“Mọi thứ đều tan vỡ”, 1958 (Bản dịch tiếng Việt có nhan đề “Quê hương tan rã” do Nguyễn Hiến Lê và Hoài Khanh dịch, NXB Ca dao in lần đầu năm 1970,  NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2008).

Ở lứa tuổi 20, khi bắt tay vào viết “Quê hương tan rã”, tầm suy tư của C. Achebe đã già dặn một cách đáng ngạc nhiên. Lý do ông viết “Quê hương tan rã” là muốn xác định vị trí bản thân và đất nước Ni-giê-ri-a giữa dòng chảy của lịch sử. Suy nghĩ đó nghe có vẻ cao siêu nhưng thực ra lại rất thiết thực. Vì hồi đó, châu Phi vẫn chứa nhiều bí ẩn, chỉ được những người da trắng giới thiệu ra thế giới không thực sự chính xác và khách quan. C. Achebe muốn thay đổi thực trạng đáng buồn trên thông qua một tác phẩm hư cấu. Và ông đã thành công, “Quê hương tan rã” được xem là tác phẩm làm thay đổi văn học châu Phi.

Nội dung của tiểu thuyết “Quê hương tan rã” xoay quanh câu chuyện của một người hùng của tộc người Ibo tên là Okonkwo. Okonkwo tạo được danh vọng và tài sản nhờ ý chí tự lập sắt đá dù chàng lớn lên trong cảnh nghèo khó do người cha bất tài và lười nhác. Một lần do phạm tội ngộ sát, Okonkwo phải tự lưu đày bên nhà vợ bảy năm. Khi mãn hạn lưu đày, Okonkwo trở về cũng là lúc người da trắng tới và làm thay đổi quê hương của Okonkwo.

Đi đầu trong công cuộc thâm nhập miền đất mới của người da trắng là các nhà truyền giáo. Người dân Ibo dù không thích tôn giáo mới, nhưng vì hiếu khách đã cho phép các nhà truyền giáo lập giáo đường và thuyết giáo. Số người dân bản địa theo đạo mới ngày càng đông, kể cả những vị có chức sắc. Bước tiếp theo, người Anh lập chính quyền, tòa án, quân lính... để ép người bản địa theo luật pháp của chính quốc. Ngoài ra, họ còn mở các cửa hàng để vơ vét lâm thổ sản địa phương. Những hành động của người da trắng đã làm chia rẽ nghiêm trọng bộ lạc Ibo. Okonkwo đại diện cho những người thiểu số trọng cổ tục, trước nguy cơ biến mất của các giá trị truyền thống đã kêu gọi đồng bào nổi dậy chống lại người Anh. Nhưng không ai muốn làm theo Okonkwo, ngay cả đứa con trai của Okonkwo là Nwoye cũng theo tôn giáo mới và từ bỏ cha mình.

Cao trào của cốt truyện xảy ra khi Okonkwo bị lừa nhốt vào nhà giam, phải nộp tiền chuộc mạng. Quá uất ức, Okonkwo đã chém đầu một tên tay sai. Hành động của Okonkwo không khiến cộng đồng của anh vùng dậy mà thay vào đó là nỗi sợ hãi. Kết thúc tiểu thuyết là tâm trạng tuyệt vọng vì không thể thuyết phục đám đông theo mình, Okonkwo đã treo cổ tự vẫn-một cái chết mà người Ibo xem là tủi nhục nhất.

Xuyên suốt tiểu thuyết “Quê hương tan rã”, người đọc bị cuốn hút vì C. Achebe đã dựng lại quá khứ của một xã hội bộ lạc nguyên thủy với tất cả sự giàu có về văn hóa, giàu tính nhân bản trong quan hệ gia đình và làng xóm... Nhưng đây không phải là tác phẩm mượn hình hài tiểu thuyết cốt để nói chuyện phong tục dành cho những người đọc chuộng lạ mà C. Achebe muốn miêu tả lại thời khắc va chạm giữa nền văn hóa bản địa cổ truyền và văn hóa ngoại lai. C. Achebe tuy là người Ibo nhưng ông rất khách quan trong giọng điệu và từ ngữ, không lên án người da trắng vì ông hiểu sự phai nhạt các giá trị truyền thống của một xã hội có trình độ văn minh thấp kém hơn là điều không thể tránh khỏi của quy luật lịch sử, nhất là khi chủ nghĩa thực dân phát triển mạnh mẽ. Chỉ có điều, giá mà giữa các nền văn hóa có sự đối thoại để hiểu nhau thì kết quả của sự tiếp biến văn hóa không phải trả giá quá đắt.

Tác phẩm “Quê hương tan rã” được viết bằng tiếng Anh theo hình thức tiểu thuyết cổ điển của thế kỷ XIX nên không có nhiều cách tân về mặt thể loại. Nhưng nếu so với mặt bằng văn học châu Phi thời đó thì quả là bước nhảy vọt về chất lượng. Chưa bao giờ, người ta thấy một nhà văn châu Phi viết về chính lịch sử đau thương của châu Phi một cách sâu sắc bằng nghệ thuật tự sự lão luyện. Vượt ra khỏi phạm vi đất nước Ni-giê-ri-a và châu Phi, “Quê hương tan rã” đã thể hiện chính xác kinh nghiệm xương máu của các dân tộc thuộc địa đối diện với chủ nghĩa thực dân trước đây. Đó cũng là lý do vì sao “Quê hương tan rã” ngay từ khi ra đời đã được xem là một tác phẩm văn chương kinh điển, được dịch ra hàng chục thứ tiếng và tiêu thụ tới 11 triệu bản.