Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

FRANZ KAFKA, THIÊN TÀI ĐƠN GIẢN



Giới nghiên cứu văn học đều xem nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922), nhà văn Ai-len James Joyce (1882-1941) và nhà văn Séc Franz Kafka (1883-1924) là “tam vị” thiên tài cách tân văn xuôi thế giới trong thế kỷ XX. Marcel Proust và James Joyce thường chỉ được một số ít người đọc yêu thích do lối viết của hai ông quá khó đọc; ngược lại, các tác phẩm của Franz Kafka rất dễ đọc và dễ hiểu.

F. Kafka là người gốc Do thái sinh ra tại TP Pra-ha (thời bấy giờ thuộc Đế quốc Áo-Hung) trong một gia đình thượng lưu. F. Kafka thông thạo tiếng Séc nhưng ông chỉ viết văn bằng tiếng Đức nên nhiều người vẫn xem ông là “vị vua được ngầm tôn vinh của văn xuôi Đức”, dù Cộng hòa Séc hiện nay xem ông là đại văn hào của đất nước và đặt một giải thưởng văn chương danh giá nhất mang tên Franz Kafka.

F. Kafka bẩm sinh cực kì thông minh, hơn 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ luật nhưng ông chọn làm công chức bình thường để có thời gian viết văn. Sự nhập cuộc của Franz Kafka vào sinh hoạt văn chương cũng hạn chế, thậm chí trước khi chết vì bệnh lao ông còn nhờ người bạn thân Max Brod đốt hết các bản thảo. Thật may, Max Brod đã không theo lời dặn dò; nhờ đó, người đọc sau này mới khám phá một thiên tài văn chương nhạy cảm đến mức bệnh hoạn.

Những công trình về tiểu sử F. Kafka thường nhấn mạnh đến hai yếu tố ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông là nguồn gốc Do thái-dân tộc tha hương và chấn thương tâm lý thủa bé do sống cùng người cha hà khắc. Quả thật, đọc các tác phẩm của Kafka, dễ dàng nhận thấy những ẩn dụ bắt đầu từ hai yếu tố nói trên. Chẳng hạn, nhân viên đo đạc K.trong tiểu thuyết “Lâu đài” (Trương Đăng Dung dịch, NXB Văn học, 1998) được mời đến lâu đài để làm việc nhưng anh không thể vào được lâu đài như một đứa bé bị bỏ rơi, bị ngầm trừng phạt vô cớ. Ngay cả các tên nhân vật như K., Josef K., Samsa (biến âm Kafka) cũng mang tính quy chiếu đến bi kịch cá nhân của F. Kafka.  
          F. Kafka khiến người ta kinh ngạc vì dường như ông tiên đoán được tương lai. Trong tiểu thuyết “Vụ án” (Phùng Văn Tửu dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2002), vào một buổi sáng, hai người mặc đồ đen đến nhà Josef K. tuyên bố anh ta có tội mà không hề giải thích và gần 1 năm sau giết Josef K. một cách thản nhiên. Cốt truyện này dường như tiên đoán được sự kết án vô cớ và giết hại thường dân vô tội của Đức quốc xã sau này. Thật ra, F. Kafka không có tài tiên tri mà chẳng qua ông nhìn thấu được sự tan rã các mối liên kết cuộc sống xã hội tiền hiện đại. Ông nhận ra xã hội hiện đại sẽ trở nên vô tình do kỹ thuật hoá và quan liêu hoá. 
Tất nhiên, F. Kafka là một nhà văn nên ông thể hiện các thông điệp thông qua hình tượng và hình ảnh chứ không bằng khái niệm, các mô hình nghiên cứu như nhà khoa học nhân văn. Để diễn đạt thế giới hiện đại vô tình, ông sáng tạo ra tình trạng con người lạc vào mê cung bị chi phối bởi thiết chế đầy quyền lực và bí ẩn thông qua hình tượng lâu tài, tòa án... Nhờ sự trừu tượng hóa nhân vật (nhân vật bị mất danh tính, tiểu sử chỉ còn lại tên gọi là ký hiệu như K.) và xóa nhòa tính cụ thể không gian và thời gian (không biết câu chuyện xảy ra thời điểm nào, ở địa danh nào cụ thể) nên các tác phẩm của F. Kafka có tính phổ quát cao, mang tính điển hình hơn hẳn chủ nghĩa hiện thực đang thống trị văn chương đương thời.

Vị thế độc nhất vô nhị của F. Kafka trong văn chương được định danh vì ông được xem là nhà văn đầu tiên sử dụng tính phi lý là đối tượng nhận thức khách quan ẩn đằng sau đời sống bề ngoài hợp lý. Cuộc cách mạng văn chương của Kafka còn thông qua lối viết đặc biệt thường được gọi là “lối viết độ không” đầy dửng dưng, khách quan đến mức lạnh lùng vô cùng thích hợp với nội dung về cái phi lý.

Bề ngoài truyện của Kafka có vẻ hoàn toàn bình thường thậm chí nếu đọc lướt có thể xem là nhạt nhẽo do ông vẫn giữ toàn bộ cấu trúc truyền thống của giao tiếp ngôn ngữ với tính mạch lạc và logic cú pháp nhưng ông đã đưa vào tính phi logic, tính rời rạc và phi lý của nội dung. Hiệu quả đặc biệt lối viết kiểu F. Kafka là tất cả đều rõ ràng, không có gì khó hiểu ngoài một biến cố thường ở đầu truyện. Ví dụ, trong truyện vừa kinh điển “Hóa thân” (Tuyển tập Franz Kafka, NXB Hội Nhà văn, 2003), ngay câu đầu tiên là một sự cố biến dạng: “Một buổi sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ”. Điều lạ lùng nằm ở điểm dù trong hình hài con bọ nhưng tâm tính G. Samsa vẫn là con người và anh ta dần thích nghi với hình hài con bọ như chưa hề có sự cố hóa thân. Khác với motif người hóa thành động vật trong truyện cổ tích (người hóa thành động vật sau đó lại thành người như truyện “Tấm Cám” của Việt Nam), con bọ-người G. Samsa chỉ có thể có kết cục là cái chết để giải thoát do không thể trở lại thành người, nghĩa là cái phi lý biến thành cái bình thường hàng ngày. Và như vậy, F. Kafka cũng phần nào ngầm phê phán sự tha hóa bản tính tốt đẹp của con người dưới tác động của hoàn cảnh. Sự phi logic và sự phi lý bắt đầu khi con người tỉnh giấc, đó được xem là “chìa khóa” để hiểu kỹ xảo thiên tài đơn giản đến không ngờ của F. Kafka.    

          Những tư tưởng và thủ pháp độc đáo của F. Kafka ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhà văn trong thế kỷ XX và cả ở các loại hình nghệ thuật khác sử dụng yếu tố huyền thoại và huyễn tưởng. Vì vậy, thực ra chiều kích F. Kafka vượt khỏi phạm vi văn chương để ông là một trong những người mở đường cho nghệ thuật hiện đại.

          HÀM ĐAN