Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

SA MẠC - CHUYẾN DU HÀNH HUYỀN THOẠI

Năm 1997, dưới sự tài trợ của Đại sức quán Pháp, tiểu thuyết Sa mạc của nhà văn Jean–Marie Gustave Le Clézio lần đầu tiên ra mắt độc giả Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả Huỳnh Phan Anh. Sau đó vào năm 2001, tập truyện ngắn Người chưa bao giờ thấy biển ra mắt là một sự cập nhật tác phẩm của “nhà văn Pháp nổi tiếng nhất còn sống” (theo thăm dò của tờ Đọc (Lire) vào năm 1994). Dĩ nhiên, các cuốn sách không được độc giả Việt Nam chú ý vì nó không được PR rầm rộ và vào thời điểm đó văn chương Pháp chỉ tồn tại lay lắt trong giới chuyên môn, chưa trở lại rầm rộ như vài năm trở lại đây. Việc tái bản Sa mạc vào đầu năm 2010 được chờ mong vì độc giả muốn được trực tiếp tìm hiểu nhà văn đoạt giải Nobel 2008 thông qua cuốn tiểu thuyết từng đoạt Giải thưởng lớn Paul Morand của Viện Hàn lâm Pháp năm 1980.

Sa mạc có một kết cấu đơn giản gồm có hai tuyến chuyện song song với nhau. Tuyến thứ nhất nói về cậu bé Nour nhìn thấy sự tan rã mà bộ tộc sống trên sa mạc khi đối diện với sự xâm lăng của người phương Tây từ năm 1910 đến năm 1912. Dù cho, người tù trưởng dân của du mục là Ma el Ainine có phép lạ chữa lành cho thương binh nhưng cũng không thể thay đổi tình thế diệt vong của bộ tộc.

Tuyến thứ hai, lấy đối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), kể về Lalla – một thiếu nữ có gốc gác với vị tù trưởng huyền thoại cư dân sa mạc là người Đàn Ông Xanh. Khi cô trưởng thành cô lưu vong đến Pháp. Và ở Paris hoa lệ, cô trở thành người mẫu ảnh – một giấc mơ của những người trẻ tuổi ở chốn văn minh. Vậy mà, cô từ bỏ tất cả để trở về với sa mạc đầy những câu chuyện huyền thoại với chàng mục đồng Hartari – hình ảnh người chiến binh sa mạc niềm tin tâm linh mãnh liệt. Hai tuyến tuy không hề có mối liên quan nào về tình tiết nhưng được đan cài khéo léo để nhấn mạnh các hình ảnh (sa mạc, dân du mục, biển…) và các chủ đề (tha hương, sự lãng quên, niềm hi vọng…) tạo ra sự ám ảnh với người đọc.

Biệt tài của J.M.G Le Clézio là xóa nhòa các ranh giới giữa hiện thực và huyền ảo; dẫn dắt người đọc vào sa mạc hoang vu như đi vào trong một giấc mơ. Sau khi dẫn độc giả vào thế giới tưởng tượng, ông liền tẩy đi các yếu tố hiện thực khiến độc giả không thể liên tưởng đến một thế giới đời thường; để rồi, khi kết thúc dòng cuối về đoàn người du mục: “Họ đi… thì cũng là lúc người đọc chợt tỉnh dậy thoát ra những ám ảnh về số phận của con người gắn với một nền văn minh bị lãng quên.

Yếu tố nghệ thuật khiến nhiều nhà phê bình ngợi ca Sa mạc nằm ở tiết tấu chậm, ngôn ngữ giàu chất thơ trong một kết cấu giản dị. Có thể xem Sa mạc như là bước ngoặt trong bước đường tiểu thuyết của J.M.G Le Clézio. Từ một hệ thống ngôn ngữ tân kì và cấu trúc phức tạp như trong tiểu thuyết đầu tay Biên bản để đi đến “cổ điển mới” từ Sa mạc, Người châu Phi, Đói triền miên… Song, về cơ bản Sa mạc vẫn nằm trong quỹ đạo của việc khám phá cuộc sống thông qua chuyến viễn du thường trực trong các tiểu thuyết của J.M.G Le Clézio. Vì vậy, ông được báo chí gọi là “nhà văn của những chuyến đi”.

Sự di chuyển của ông trong đời thực lẫn trong tiểu thuyết không phải là vô mục đích. Trong những chuyến đi, ông luôn tìm kiếm dấu vết cổ xưa đã bị thời gian và con người hiện đại chôn lấp. Sa mạc và những cuốn tiểu thuyết du hành khác của J.M.G Le Clézio bày tỏ thông điệp rõ ràng và rất đơn giản: một nền văn hóa dù có trình độ văn minh thấp kém nhưng xét về giá trị đều bình đẳng với các nền văn hóa khác; do vậy, nó có quyền tồn tại. Trong đời thực, nhiều lần J.M.G Le Clézio đã lên án những hành động của chế độ thực dân đối với các dân tộc cổ sơ như người Tây Ban Nha đã hủy diệt nền văn minh Maya. Cho nên, có lần một nhà nghiên cứu văn học đã gọi J.M.G Le Clézio “người lữ hàng nhân ái”.

Hàm Đan