Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

VỀ CUỐN SÁCH "PHÊ BÌNH VĂN HỌC, CON VẬT LƯỠNG THÊ ẤY"

1. Đầu năm 2011, cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử)” của Tiến sĩ lịch sử văn hóa nghệ thuật-Phó giáo sư văn học Đỗ Lai Thúy được ấn hành lập tức được đánh giá là một hiện tượng tác phẩm phê bình hiếm hoi gần đây.

Nói là hiện tượng bởi trước hết, cuốn sách là một công trình đầu tiên nhìn lại một cách toàn diện lịch sử phê bình văn học trong suốt thế kỷ XX ở Việt Nam và cả những bước đi thử nghiệm của phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại. Điểm mới lạ khác, vô cùng đặc sắc thể hiện cấu trúc cuốn sách khác hẳn những cuốn sách lịch sử văn học trước đó. Thông thường, một công trình lịch sử văn học, các tác giả thường trình bày nội dung theo “trục dọc” dựa trên sự phân kỳ tuyến tính, mà nhiều khi những mốc dùng để phân kỳ lại có ý nghĩa về khía cạnh chính trị-kinh tế hơn là ý nghĩa văn học. Nhận thức được những hạn chế của lối trình bày biên niên sử, Đỗ Lai Thúy đã tìm cách thức khác là trình bày các phương pháp phê bình theo ba lối tiếp cận đó là: tiếp cận tác phẩm từ tác giả (phê bình tiểu sử học, phê bình văn hóa-lịch sử, phê bình phân tâm học…), tiếp cận tác phẩm từ văn bản (phê bình phong cách học, phê bình thi pháp học, phê bình cấu trúc-ký hiệu học…) và tiếp cận tác phẩm từ người đọc (phê bình theo lý thuyết tiếp nhận, phê bình hậu/giải cấu trúc, phê bình thông diễn học, phê bình hậu thực dân luận…). Mô hình nghiên cứu trên vừa giúp cho người đọc có cái nhìn xuyên suốt lịch sử phê bình văn học, nhất là khi đặc trưng của phê bình văn học Việt Nam là sự gối tiếp giữa các phương pháp; lại vừa đảm bảo không bỏ sót đóng góp của từng nhà nghiên cứu ở mỗi phương pháp phê bình trong các không-thời gian khác nhau.

Mỗi phương pháp phê bình văn học thường xuất phát từ một lý thuyết văn học, do vậy, trình bày các phương pháp phê bình từng hiện hữu trong đời sống văn chương Việt cũng là gián tiếp trình bày tư tưởng phê bình văn học Việt. Như vậy, cuốn sách vừa là công trình văn học sử vừa là công trình về lý thuyết văn học. Ngoài ra, cuốn sách còn có giá trị phê bình văn học, dĩ nhiên là phê bình về phê bình văn học bởi tác giả đã đánh giá lại thành tựu và hạn chế của từng phương pháp phê bình do thực tiễn vận dụng các phương pháp phê bình đã chứng minh không có phương pháp nào là vạn năng.

2. Các kiến thức về phê bình văn học là những kiến thức chuyên ngành chỉ được một số người trong nghề quan tâm và am hiểu, do vậy, để “phổ thông hóa”, tác giả đã mở đầu cuốn sách bằng tiểu luận Phê bình văn học là gì? như là một dẫn nhập (introduction) giúp những người đọc không chuyên bước đầu tìm hiểu những vấn tổng quát của phê bình như đối tượng, phân loại, vị thế… Đọc tiểu luận trên, còn có thể ra những dòng chữ từ quá trình trải nghiệm công việc là cái “nghiệp” đã mang thân vào suốt mấy chục năm qua của tác giả. Sự nghiền ngẫm này không chỉ có lý thuyết suông mà đầy kinh nghiệm từ thực tiễn bởi Đỗ Lai Thúy không chỉ là người tổ chức giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học qua các công trình như: Nghệ thuật như là thủ pháp (Lý thuyết văn chương của Chủ nghĩa hình thức Nga), NXB Hội nhà văn, 2001; Sự đỏng đảnh của phương pháp, NXB Văn hóa thông tin, 2004…; mà đồng thời còn là người đi đầu trong thực hành phê bình phân tâm học và phê bình văn học từ văn hóa học.

Với lợi thế là một người thực hành, chắc rằng đã góp phần giúp Đỗ Lai Thúy thành công khi nắm bắt “tướng tinh” của mười ba nhà phê bình văn học Việt trong phần cuối của cuốn sách: Phê bình văn học Việt Nam, người đọc được/bị đọc. Thành công của các chân dung học thuật trên phải xuất phát từ hai điểm. Thứ nhất, những nhận xét chuẩn xác và ít nhiều mới mẻ ở một đối tượng cũ như bài viết về nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Đỗ Lai Thúy ca ngợi Hoài Thanh là thiên tài phê bình văn học với tác phẩm kinh điển Thi nhân Việt Nam như bao người viết về Hoài Thanh trước đó, song điểm mới mà Đỗ Lai Thúy nói thêm là Hoài Thanh chỉ là thiên tài trong phương pháp phê bình ấn tượng mà thôi. Thứ hai, lối viết (écriture) kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật của Đỗ Lai Thúy đã khiến chân dung học thuật vốn đầy những luận điểm khô khan trở nên sinh động, mới mẻ hơn. Và như vậy, qua các bài viết chân dung, phần nào Đỗ Lai Thúy đã chứng mình cho quan niệm về phê bình văn học của ông: phê bình là một con vật lưỡng thê!

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

ELIZABETH TAYLOR - MỘT CUỘC ĐỜI TRỌN VẸN

1 giờ 30 phút ngày 23-3 vừa qua, huyền thoại điện ảnh Hollywood Elizabeth Taylor qua qua đời tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ). Cái chết của “huyền thoại mắt tím” không làm nhiều người bất ngờ bởi từ tháng 2, bà đã phải nhập viện này để điều trị chứng suy tim xung huyết, và nhiều năm trước sức khỏe của bà suy giảm nghiêm trọng khiến bà phải ngồi xe lăn mỗi khi di chuyển. Nhưng ngay sau khi thông tin Elizabeth Taylor qua đời, các nhân vật nổi tiếng này đã chia sẻ sự tiếc nuối trên các trang mạng xã hội; trên khắp các phương tiện truyền thông cũng tràn ngập hình ảnh của Elizabeth Taylor.

Ngôi sao sáng trong thế hệ vàng

Elizabeth Rosemond Taylor (còn được gọi là Liz Taylor) sinh ngày 27 tháng 2 năm 1932 tại Hampstead, London, Anh, là con thứ hai của Francis Lenn Taylor (1897–1968) và bà Sara Viola Warmbrodt (1895–1994), đều là người gốc bang Kansas (Mỹ). Dù mang quốc tịch Anh nhưng cha mẹ Taylor lại là những người Mỹ từng làm nghề buôn tranh nghệ thuật ở St.Louis, Missouri. Ông Franchis đến London để mở một phòng trưng bày tại đây. Người mẹ là diễn viên kịch nhưng giải nghệ sau khi lấy chồng.

Có thể nói, Elizabeth Taylor sinh ra để làm diễn viên điện ảnh. Thừa hưởng vẻ đẹp từ người mẹ diễn viên kịch, ngay từ khi 10, vẻ đẹp của Elizabeth đã được phát hiện và được giao một ai trong bộ phim There’s one born every minute (1942) của Hãng phim Universal với mức thù lao 100 USD/tuần. Ai cũng hiểu vẻ đẹp quan trọng với người diễn viên bởi nhiều khán giả đến rạp chỉ thích những người đẹp diễn xuất, song nếu không có tài năng thì diễn viên xinh đẹp cũng chỉ là “búp bê” tô điểm cho bộ phim mà sẽ chẳng để lại ấn tượng nào về diễn xuất. Thật may, ở Elizabeth Taylor hội tụ cả hai yêu tố trên. Hai năm sau, Taylor được nhận vai chính đầu tiên trong phim National Velvet. Bà thể hiện vai Velvet Brown, đồng diễn với Mickey Rooney. Bộ phim cực kì thành công về mặt doanh thu, hơn 4 triệu USD và đã làm thay đổi cuộc đời Taylor. Bà trở thành ngôi sao nhí sáng giá của MGM và được kí hợp đồng dài hạn với mức lương được nâng lên tới 30.000 USD/năm. Nghiệp diễn của bà kéo dài tới tận năm 2001 với 76 bộ phim nhựa, truyền hình, lồng tiếng phim hoạt hình. Dĩ nhiên, không phải vai diễn nào của bà cũng xuất sắc và làm cho bộ phim trở nên kinh điển bởi điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp mà diễn xuất của diễn viên dù quan trọng nhưng không phải là tất cả. Song với những vai diễn ấn tượng trong gần 10 bộ phim kinh điển với 41 giải thưởng điện ảnh lớn công với các hoạt động từ thiện bà đã nhận các huân huy chương như Bắc đẩu bội tinh (Pháp), tước Quý bà Đế chế Anh (DBE), Huy chương Công dân danh dự của tổng thống Mỹ… đủ để bà bước vào ngôi đền huyền thoại của những người hoạt động nghệ thuật.

Thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của Liz Taylor là vào khoảng những năm 1950 - 1960. Khi đó, bà là nữ diễn viên được trả thù lao cao nhất Hollywood, cũng được xem là người phụ nữ đẹp nhất hành tinh. Taylor bắt đầu trở thành siêu sao của MGM khi nhận được đề cử Oscar nữ chính trong một loạt phim như: Raintree County (1957); Cat on a Hot Tin Roof (1958); và Suddenly, Last Summer (1959). Năm 1960, với vai chính một cô gái yêu một người đàn ông có vợ và chết vì tai nạn giao thông sau đó trong BUtterfield 8, lần đầu tiên Liz Taylor đoạt tượng vàng Oscar vai nữ chính, đưa sự nghiệp của bà tiến đến đỉnh cao. Năm 1962, Taylor lập kỷ lục về giá cát-sê với mức thù lao lên đến 1 triệu USD cho vai nữ hoàng Cleopatra trong bộ phim cùng tên. Có thể nói, đây là mức cát-sê kỷ lục đầu tiên của Hollywood vào thời bấy giờ. Đến năm 1966, Taylor lại lần thứ hai bước lên bục nhận giải Oscar nữa với vai diễn người phụ nữ đanh đá trong phim Who is Afraid of Virginia Woolf?. Liz Taylor chính thức giã từ màn bạc đỉnh cao vào năm 1968 với phim Secret Ceremony. Chính quãng thời gian 20 năm đỉnh cao này, với khả năng nhập vai nhiều nhân vật, khả năng diễn xuất xuất sắc ở từng nụ cười, ánh mắt khiến khán giả nhiều thế hệ không thể nào quên Liz Taylor như là ngôi sao sáng của thế hệ vàng Hollywood như Audrey Hepburn, Ingrid Bergman, Marilyn Monroe… và bà được xếp thư 7 trong số 25 nữ minh tinh điện ảnh Mỹ trong suốt thế kỷ XX do Viện phim Mỹ bầu chọn.

Đời tư sóng gió

Cuộc đời màn bạc của Liz Taylor đã được xem là sôi động, nhiều thăng trầm thì đời tư của Liz Taylor có thể xem là sóng gió nhất so với các ngôi sao làng giả trí từ cổ chí kim. Trong cuộc đời mình, Liz Taylor đã kết hôn 8 lần với 7 người chồng khác nhau. Một phần do bà quá đẹp và có quá nhiều người đàn ông giàu có điển trai vây quanh bởi đôi mắt phớt tím mộng mơ, đa tình, phần nữa do bà sống theo bản năng.

Liz Taylor kết hôn lần đầu khi mới 18 tuổi. Người chồng đầu tiên của bà là chàng đại gia 23 tuổi-thừa kế của tập đoàn khách sạn Hilton, Conrad Hilton Jr-ông này chính là người bác của tiểu thư Paris Hilton. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân vội vàng diễn ra rất ngắn ngủi, trong vòng chưa đầy 9 tháng (6-5-1950 / 29-1-1951).

Hơn một năm sau thất bại của cuộc hôn nhân đầu, Liz tìm thấy tình yêu bên người bạn, tài tử người Anh Michael Wilding. Họ chuyển dần từ tình bạn sang tình yêu và một năm sau ngày cưới, họ hạnh phúc chào đón sự ra đời của con trai đầu lòng-Michael. Christopher, con trai thứ hai của Liz và Michael, cất tiếng khóc đầu tiên hai năm sau đó. Tuy nhiên sau 5 năm chung sống bên nhau (21-2-1952 / 26-1-1957), cả hai ly hôn vì không còn tìm được tiếng nói chung.

Nhà sản xuất phim Mike Todd cầu hôn Liz chỉ vài ngày sau khi bà chia tay Michael Wilding. Hai người tổ chức chính thức là vợ chồng vào ngày 2-2-1957. Kết quả tình yêu của họ là cô con gái Liza, chào đời vào mùa hè năm 1957. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này của Liz lại kết thúc rất bi kịch khi Mike qua đời trong một tai nạn máy bay vào năm 22-3-1958.

Đau buồn vì cái chết của Mike Todd, Liz tìm nguồn động viên bên ca sĩ Eddie Fisher, bạn thân của người chồng quá cố. Lúc này Eddie cũng đã kết hôn với ca sĩ Debbie Reynolds. Elizabeth bị coi là kẻ thứ ba. Sau này, bà viết trong hồi ký: “Tôi thực sự đau khổ khi xem lại những bức ảnh ngày đó. Họ chú thích tôi là một kẻ cướp chồng người khác”. Liz đã rất cố gắng để duy trì cuộc hôn nhân với Eddie.

Nhưng 5 năm sau, chính bà là người kết thúc nó để ngã vào vòng tay Richard Burton, người bạn diễn trong phim Cleopatra. “Khi gặp ông ấy trên trường quay, tôi đã yêu ngay lập tức và từ đó tôi chỉ yêu ông ấy mà thôi”, Liz nói về mối tình sét đánh với Richard Burton, bạn diễn trong bộ phim Cleopatra. Lúc đó Liz vẫn là vợ của Eddie Fisher và bà ngay lập tức ly dị với Fisher rồi 9 ngày sau đó kết hôn với Burton. Mối tình Taylor-Burton đã trở thành chủ đề nóng hổi của báo chí thời đó trong một thời gian dài. Vì chuyện tình cảm của hai diễn viên chính mà sau đó bộ phim bị kéo dài thời gian quay, cát-xê của Liz tăng lên 4 triệu USD. Cleopatra có kinh phí 44 triệu USD (tương đương 287 triệu USD thời nay), vẫn đứng trong danh sách những bộ phim đắt đỏ nhất mọi thời đại. “Tôi luôn thừa nhận rằng mình không thể kiểm soát được tình cảm. Tôi cũng không thể biết được mình đã đến với Richard Burton như thế nào”, Liz viết trong hồi ký. Trong 10 năm bên nhau, mối quan hệ giữa Liz và Richard thường xuyên xảy ra những trận cãi vã nảy lửa. Cả hai quyết định li dị vào mùa hè 1974. Hơn một năm sau khi ly dị, Liz và Richard Burton tái hôn và lại chia tay nhau sau một năm sau. Khi Richard Burton qua đời vào năm 1984, Liz đã đau khổ tột cùng và suy sụp tinh thần. Bà thừa nhận rằng, Richard Burton vẫn luôn là người đàn ông mà mình yêu nhất trong cuộc đời.

Mùa đông 1976, huyền thoại Hollywood bước chân vào lĩnh vực chính trị khi kết hôn với nhà chính khách John Warner của Đảng Cộng hòa. Uy tín của Liz trong làng giải trí đã góp phần giúp John trở thành Thượng nghị sĩ vào năm 1979. Nhưng sau đó không lâu, mâu thuẫn lại xảy ra: “Anh ấy luôn bắt tôi phải mặc thế này, thế kia”, Liz tâm sự trên tờ People năm 2006. Do bất đồng quan điểm, Liz và John ly hôn sau 6 năm chung sống (4/12/1976 - 7/11/1982).

Người chồng cuối cùng của Liz là Larry Fortensky- một công nhân xây dựng. Không chỉ chênh lệch nhau về địa vị xã hội, Larry còn kém Liz tới 20 tuổi. Bất chấp dư luận, Liz kết hôn lần thứ 8. Tuy nhiên sau khi cưới, Larry bắt đầu trở nên lười biếng. Anh nghỉ học cao học, bỏ việc và ở nhà dựa dẫm vào bà vợ nổi tiếng. Cuộc hôn nhân cuối của Liz kéo dài trong 5 năm (6-10-1991 / 31-10-1996). Sau khi ly dị với Larry, Liz tuyên bố sẽ không bao giờ kết hôn lần nữa.

Những năm cuối đời, Liz Taylor phải thường xuyên chống chọi với đủ các loại bệnh nhưng bà duy trì hoạt động có ích cho xã hội vì thế bà luôn được mọi người yêu mến. Không chỉ có người phương Đông mới quan niệm “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, mà người phương Tây cũng đánh giá cao những thành tựu trong sự nghiệp và tác động xã hội của những “ngôi sao”, qua đó vinh danh tên tuổi họ sau khi đã qua đời. Liz Taylor có lẽ là một trong những người xứng đáng nhất!

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

LẠ LÙNG MỘT TÌNH YÊU VIỆT NAM

Có người nói rằng, đa phần các nhà thơ có thành tựu sáng tác đều ít nhiều có những “cú sốc” tâm lý gặp phải trong đời sống, từ đó, việc làm thơ là một cách làm cân bằng đời sống tinh thần. Nếu cần một ví dụ, cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ, giáo sư Mỹ Kevin Bowen (Giám đốc Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts) là một trường hợp điển hình.

Kevin Bowen từng là lính tại Sư đoàn không kị số 1 tham chiến tại Nam Việt Nam trong quãng thời gian 1968-1969. Ra khỏi cuộc chiến nhưng hội chứng chiến tranh Việt Nam đeo bám không thôi, ông bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến mà ông đã tham gia song song với những hoạt động phản chiến khác như là những hành động chuộc lỗi. Cuối những năm 1980, Kevin có ý tưởng: thông qua giao lưu văn hóa để góp phần làm “ấm” mối quan hệ giữa những cựu thù. Nhiều nhà văn Mỹ khi đó cho rằng kế hoạch Kevin là tốt đẹp nhưng không tưởng trong bối cảnh Mỹ cấm vận Việt Nam và rất nhiều trên đất Mỹ vẫn đem lòng thù hận. Sự kiên trì của Kevin cùng những cộng sự tại Trung tâm William Joiner vượt qua những rào cản hành chính, vụ kiện kéo dài 4 năm và cả những lời đe dọa tính mạng gia đình...., dần dần cũng có thành quả khi các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Tố Hữu... được dịch sang Anh ngữ và nhiều đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm nước Mỹ. Những hoạt động ngoại giao không chính thức nói trên cũng đã góp phần dẫn đến việc Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11-7-1995.

Những đóng góp nhiệt tình vô tư trong việc truyền bá văn học, văn hoá Việt Nam vào Mỹ của Kevin Bowen đã được ghi nhận với Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010 được trao tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 25-3-2011, sau đúng 20 năm ông dẫn đầu một đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ đến Hà Nội để tham gia cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai đoàn nhà văn cựu binh Việt-Mỹ. Song, phần thưởng lớn nhất mà Kevin Bowen giành được đó là tình cảm của người dân Việt Nam, không chỉ ở các bạn văn, mà còn là những người dân Việt Nam không quen đều muốn được nghe “ông Tây” cao lớn có nụ cười hiền nói chuyện. Hễ nơi nào Kevin xuất hiện, nơi đó không còn chỗ trống như lần ra mắt tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa-tập thơ đầu tiên của Kevin được dịch và in ở Việt Nam vào ngày 22-3 vừa qua.

Nếu như giai đoạn đầu trong sáng tác của Kevin Bowen thường chủ yếu viết về cuộc chiến và những người bên kia chiến tuyến xuất phát từ sự tìm hiểu cuộc sống của một dân tộc nhỏ bé đánh bại những đội quân xâm lược hùng và cũng muốn dùng thơ ca để biến thù thành bạn như những câu thơ đầy khắc khoải trong bài thơ Chơi bóng rổ với Việt Cộng tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao

Hơn hai mươi năm sau, trong tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa, khi đã phần nào hiểu được tâm hồn người và đất Việt, thơ Kevin Bowen chuyển sang những đề tài bình dị là phản ánh minh triết về đời sống Việt Nam qua những con người vô danh với những công việc bình thường như người bán phở, anh xích lô, chị quét rác... và từ những địa danh có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: đền Hùng, lăng Tự Đức, chùa Từ Hiếu... Dù viết ở đâu và viết với đề tài gì, nhờ cái nhìn tươi mới nên thơ Kevin khiến người đọc Việt Nam bất ngờ khi tự phát hiện lại những điều quen thuộc qua con mắt của một người ngoại quốc. Cho nên, có thể xem Việt Nam chính là “chứng minh thư” cho sự nghiệp thơ Kevin Bowen. Và đến bây giờ, nhiều người Việt Nam lại muốn tìm hiểu thơ ca và trên hết là tình yêu lạ lùng của một nhà thơ Mỹ dành cho Việt Nam. Thơ ca thì còn lí giải được, nhưng đã là tình yêu thì chắc mãi mãi là bí ẩn.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

TRIỂN LÃM “TUỔI TRẺ ANH HÙNG-TRUYỀN THỐNG VẺ VANG”: ẤN TƯỢNG MẠNH VỚI TUỔI TRẺ

Năm 2011 đánh dấu mốc quan trọng: 80 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn khi năm 2011 được chọn là Năm Thanh niên. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức triển lãm với chủ đề “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang”, khai mạc vào ngày 15-3 vừa qua.

Kịp thời và sáng tạo

Triển lãm đã trưng bày 500 hình ảnh, tài liệu hiện vật và 6 bộ sưu tập của triển lãm với chủ đề “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” đã phản ánh những cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam trong suốt 80 năm qua.

Điểm nhấn của triển lãm là hai giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những gương anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi như La Văn Cầu, Võ Thị Sáu... cùng những kỷ vật tiêu biểu của lớp lớp bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi thanh xuân để hoàn thành sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Song, theo Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), điều mà triển lãm “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” muốn khái quát là vai trò của thanh niên đến tiến trình lịch sử dân tộc. Cho nên, triển lãm còn tập trung đến các phong trào Đoàn trong suốt 80 năm qua lôi cuốn hàng triệu thanh niên hăng hái thi đua như: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”... Một phần lịch sử hào hùng của dân tộc được đánh thức, sống động, gây ấn tượng mạnh với người xem, nhất là lớp trẻ.

Ngoài ra, triển lãm còn sáng tạo khi sắp đặt thêm các bức tranh và pa-nô về lịch sử Đoàn. Theo Đại úy Lò Thị Xuân, cán bộ Phòng nghiên cứu-Sưu tầm-Quản lý nghiệp vụ, góc triển lãm nhằm phổ biến kiến thức về lịch sử của Đoàn cho các bạn trẻ vì đơn giản không phải ai cũng có cơ hội hiểu biết cặn kẽ.

Sự kịp thời và sáng tạo đã khiến triển lãm thu hút rất đông khách tham quan ngay cả khi thời tiết Hà Nội trở lạnh đột ngột vào ngày khai mạc. Bạn Hoàng Anh Tuấn, Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam rất hồ hởi với triển lãm bởi lần đầu tiên bạn được tận mắt xem lọ hoa làm từ vỏ ốc và dây điện hay chiếc súng bắn cá của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ quần đảo Trường Sa để cảm phục hơn tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” của người chiến sĩ hôm nay. Có suy nghĩ khác, Thượng sĩ Nguyễn Xuân Quốc, Bí thư chi đoàn 2, Tiểu đoàn 6, Trường Đại học chính trị - một trong 80 bí thư Đoàn xuất sắc giai đoạn 2008-2010 của quân đội cho biết: “Qua triển lãm này, bản thân tôi nghĩ các cơ sở Đoàn nói chung và các cơ sở Đoàn trong quân đội nói riêng phải không ngừng sáng tạo trong hoạt động để tổ chức các chương trình, phát huy hơn nữa tinh thần xung kích của thanh niên. Triển lãm “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” có thể xem là giờ học trực quan sinh động, bổ sung thêm kiến thức về lịch sử đã được học trên ghế nhà trường”.

Tiếp lửa truyền thống

Thông thường, những khách đến dự triển lãm chỉ đến xem trong chốc lát. Nhưng với triển lãm “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” đã có giờ phút đặc biệt mà nhiều người đến dự phải nán lại hồi lâu như phong lương khô chưa kịp dùng của liệt sĩ Lê Văn Phượng (Trợ lý chính trị thuộc BCH quân sự thị xã Quảng Trị) - người quên mình cứu người dân trong trận lũ miền Trung năm 2009.

Khách tham quan còn được nghe những câu chuyện của những nhân vật đã có một thời trai trẻ hào hùng. Những đoàn viên cách đây hơn 40 năm đã viết những bức thư bằng máu để xin ra chiến trường đánh Mỹ giờ đây là cựu chiến binh tóc đã bạc tình cờ gặp các bạn trẻ đoàn viên, họ không hề quen biết nhau nhưng “bắt chuyện” rất nhanh.

Nhiều bạn trẻ đã không khỏi xúc động khi nghe lại những câu chuyện thời thanh niên của cựu chiến binh Trần Thị Bình, nữ quân y tại chiến trường Đường 9, Khe Sanh. Ước mơ lớn nhất của một cô bé mồ côi là trở thành bộ đội và đến khi trưởng thành qua bao lần tuyển lựa cuối cùng mới thành hiện thực. Chắc hẳn, qua câu chuyện của một cựu chiến binh đã dành hết thời tuổi trẻ cho sự nghiệp chung của đất nước, nhiều bạn trẻ đã hiểu cần phải có ước mơ để phấn đấu, nối tiếp truyền thống xung kích đi đầu của thanh niên.

Trước lúc chia tay, những con người ở các thế hệ khác nhau đã cùng hát vang những bài ca của tuổi trẻ: “Đi lên thanh niên, làm theo lời Bác. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Họ hát trong gian phòng triển lãm, họ hát trước tất cả mọi người với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

THỜI ĐÀM (VIII): VINH QUANG CHO NGƯỜI "MỞ ĐƯỜNG"

         Ông tự nhận là người yêu văn chương từ nhỏ nhưng lớn lên lại “trốn” theo nghiệp toán. Đến khi “đời ngoài tuổi năm mươi/ mong gì hương sắc lạ” thì tình yêu văn chương tưởng đã ngủ quên lại bừng giấc, ông quyết định cầm bút viết tiểu thuyết. Như bao người viết mới bước vào nghề, ông cũng phải lần dò “con đường” cho riêng mình. Một bạn văn của ông khuyên: “Sao bác không viết tiểu thuyết về toán học nhỉ?”. Nhà văn “trẻ” liền đáp: “Mình muốn viết tác phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến thế sự hơn là theo đuổi những vấn đề ít người đọc quan tâm!”.

Ngẫm lời khuyên viết văn về toán học kia không phải là hoàn toàn vô ích. Ở các nền văn học lớn đã có những tiểu thuyết lấy các vấn đề khoa học làm chất liệu, xưa thì có tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870) của nhà văn Pháp J. Verne (1828-1905), gần đây thì có tiểu thuyết Đo thế giới (2005) của nhà văn Đức Daniel Kehlmann viết về cuộc đời của nhà toán học C.F. Gauss (1777-1855) và nhà vật lý-tự nhiên học A. Von Humboldt (1769-1859). Khác một chút, có những tác phẩm tưởng là tiểu thuyết thuần túy lại mục đích viết là để nghiên cứu một vấn đề nào đó như trường hợp tiểu thuyết Tôtem sói (2004) của nhà văn Trung Quốc Khương Nhung dùng câu chuyện tự thuật của nhân vật để nghiên cứu tôn giáo và dân tộc học của người du mục. Ngày nay, người ta gọi hai khuynh hướng trên là tiểu thuyết khoa học.

Nhìn lại văn học Việt Nam hiện đại không khó nhận ra chưa có một tiểu thuyết khoa học nào đúng nghĩa. Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi…những ông vua, ông quan đã là nhân vật chính trong tiểu thuyết nhưng chưa nhà văn nào ở ta viết về chiều kích nhà khoa học như của Trạng Lường Lương Thế Vinh, cùng lắm mới chỉ là anh thợ-“kiến trúc sư” Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Loại tiểu thuyết viết với mục đích nghiên cứu thì thậm chí còn chưa được “mở đường”.

Viết tiểu thuyết vốn đã không phải là thế mạnh của nhà văn Việt Nam, lại thêm tri thức khoa học nặng nề, kén người hiểu thì dù nhiều người có vốn tri thức khoa học dày dạn như nhà văn “trẻ” nọ không dám đi tiên phong cũng là điều dễ hiểu. Song, thiết tưởng, từ cổ chí kim từ Đông sang Tây, lịch sử văn chương ngoài việc ghi dấu những tác phẩm đỉnh cao có giá trị trường tồn thì cũng luôn có chỗ cho những tác phẩm “mở đường”.

Tác phẩm “mở đường” dĩ nhiên thường chỉ có giá trị… mở đường, là “cột mốc” để nhà văn lớp sau đổi mới và vượt qua. Những người hôm nay phải học về tiểu thuyết trước năm 1945 đều phải tìm đọc tác phẩm Tố Tâm (1925) của nhà văn Hoàng Ngọc Phách (1896-1973). Ai đọc xong cũng cảm thấy chán; không chán sao được khi một cốt truyện tình lâm ly giản đơn, ngôn ngữ văn chương cũ mèm cách đây gần 90 năm. Nhưng, nên nhớ đây là tiểu thuyết tâm lý mở đường, ca ngợi tự do luyến ái chống lại cái hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đã thế tính nghệ thuật còn hơn hẳn những tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh… Cho nên, dù nghệ thuật tiểu thuyết nước ta đã “trưởng thành” nhưng không ai quên Tố Tâm với tư cách là tiểu thuyết mở đường xuất chúng.  

Trường hợp Số đỏ (1936) của nhà văn Vũ Trọng Phụng là một ngoại lệ khi một tiểu thuyết trào phúng mở đường đồng thời là một kiệt tác đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào sánh kịp. Xin nói thêm, kể cũng lạ, một đất nước nổi tiếng là lạc quan và hay cười như nước ta đáng lẽ ra tiểu thuyết trào phúng là thế mạnh ấy vậy mà lại thành của hiếm!

Trở lại câu chuyện về nhà văn “trẻ”, thực ra, lời khuyên vẫn chỉ là lời khuyên, nhà văn muốn có tác phẩm để đời thì thường chỉ viết về đề tài nào ám ảnh anh ta nhất. Toán học dù là thế mạnh về hiểu biết nhưng không gây sự ám ảnh như những câu chuyện thế sự thì sự kiên định đề tài kể trên chứng tỏ nhà văn “trẻ” đang đi đúng đường, chí ít là đã trả lời câu hỏi: “Viết cái gì?”.

Cũng cần nói thêm, tiểu thuyết khoa học nếu viết hay thì tác động tới những vấn đề thời sự không hề nhỏ như thành công của Tôtem sói đã đề cập đến bài học lớn, đó là: con người muốn sinh tồn phải duy trì văn hóa truyền thống và sống hài hòa với thiên nhiên. Vậy nên, đâu cần phải viết về những “đại tự sự”-những câu chuyện lớn thì tiểu thuyết mới có giá trị! Đâu cần phải viết lại và viết tiếp những đề tài “mòn nhẵn” trong khi vinh quang cho người mở đường vẫn còn bỏ ngỏ!

                                                HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

OSCAR 2011: THÔNG ĐIỆP VỀ SỰ ĐỒNG CẢM

Bốn diễn viên giành giải Nam và nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất: Colin Firth, Melissa Leo, Natalie Portman, Christian Bale (từ phải sang trái). Ảnh: Reuters
(Viết bài gửi báo nhà xong nên mệt phờ ngủ như chết giấc, giờ mới dậy post bài. Hix)

Không có sự góp mặt của phim “bom tấn” nhưng lễ trao giải Oscar 2011 vẫn có sức hút mãnh liệt bởi đơn giản Oscar là giải thưởng điện ảnh lớn nhất và uy tín nhất thế giới. Người ta hồi hộp theo dõi Oscar không chỉ vì những cái tên xướng lên sẽ được vinh danh trong lịch sử mà còn muốn biết thông điệp nào của môn nghệ thuật thứ bảy sẽ được gửi ra với toàn thế giới.

Người ở đỉnh cao, kẻ đợi… lần sau

Lộng lẫy và xa hoa-những tính từ gắn liền với lễ trao giải Oscar; Oscar lần thứ 83 năm 2011 cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Song, lễ trao giải Oscar còn gắn với tiếng cười mang tính giải trí. Lễ trao giải Oscar 2011 có thể hoàn hảo, hiểu theo nghĩa không có lỗi từ công tác tổ chức nhưng có lẽ đây là một trong những lễ trao giải nhạt cười nhất với cặp đôi dẫn chương trình là hai diễn viên Anne Hathaway và James Franco chỉ đạt ở mức “tròn vai”.

Oscar lần thứ 83 thực ra chỉ là cuộc chiến tay đôi giữa hai bộ phim The king’s speech (Diễn văn của nhà vua) và The social network (Mạng xã hội). Với những người ưa sự công bằng (đôi khi hơi cào bằng), lẽ ra Mạng xã hội phải giành được một trong hai giải thưởng quan trọng nhất là Phim hay nhất hoặc Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng thực tế Diễn văn của nhà vua đã không cho Mạng xã hội một cơ hội nào. Hai giải thưởng còn lại mà Diễn văn của nhà vua giành được cũng rất quan trọng đó là Nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho tài tử Colin Firth và Kịch bản gốc thuộc về nhà biên kịch David Seidler. Chiến thắng vang dội của Diễn văn của nhà vua lặp lại câu chuyện mấy năm gần đây khi phim giành nhiều Oscar thường thất bại tại Giải Quả cầu vàng được trao trước đó. Lí do rất đơn giản bởi Quả cầu vàng do Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) bầu chọn với những phiếu bầu thường chịu ảnh hưởng bởi doanh thu và thị hiếu khán giả; riêng giải Oscar lại do 5.755 thành viên trên toàn thế giới (chủ yếu là người Mỹ) của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) bình chọn với “gu” phim đơn giản, có thông điệp sâu sắc và không nhất thiết phải là “sát thủ phòng vé”.

Khán giả có thể nuối tiếc cho đoàn làm phim Mạng xã hội, song có lẽ đoàn làm phim phải “ôm hận” nhất phải là Inception (Khởi đầu). Bộ phim thậm chí đã không đưa được đạo diễn C. Nolan và nam diễn viên chính là tài tử Leonardo DiCaprio có chân ở các đề cử. Dẫu Khởi đầu cùng giành nhiều tượng vàng nhất như Diễn văn của nhà vua song tất cả chỉ là những giải thưởng phụ; một thất bại “khó nuốt” bởi Khởi đầu xét công bằng là bộ phim hay với tính chất khoa học viễn tưởng nói về việc thâm nhập và đánh cắp bí mật trong giấc mơ với những quy tắc phức tạp. Nhưng biết làm sao được bởi “gu” phim và cũng là tiêu chí của Oscar hướng đến lại “vênh” với những ưu điểm của Khởi đầu.

Việc thất bại một hai lần ở một giải thưởng có tính cạnh tranh cao như Oscar không quá đáng buồn, tấm gương “có công mài sắt có ngày nên kim” gần nhất là “bông hồng nước Anh” Kate Winslet phải lần thứ 5 đề cử mới giành được Oscar lần thứ 81 (2009) cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim The Reader (Người đọc). Điều may mắn cho các thành viên đoàn làm phim Mạng xã hội và Khởi đầu là tuổi đời còn rất trẻ, cơ hội thể hiện lại tài năng vẫn còn rất nhiều.

Đơn giản mà sâu sắc

Nếu Oscar năm ngoái diễn ra trong bối cảnh cả thế giới oằn mình chống chọi với khủng hoảng kinh tế nên thông điệp Oscar mang tính chất thời sự đó là mỗi người cần vượt qua khó khăn hướng tới một cuộc sống trong tương lai tốt đẹp; thì Oscar năm nay trở lại với chủ đề quen thuộc và thông điệp không mới mẻ. Chủ đề các bộ phim giành nhiều đề cử ở Oscar 2011 không hẹn mà gặp lại đề cập đến sự cô đơn, tiêu biểu là hai bộ phim được cho là hay nhất: Diễn văn của nhà vua, Mạng xã hội.

Diễn văn của nhà vua là câu chuyện lịch sử về về vị vua George VI của nước Anh-người đứng đầu đất nước nhưng lại mắc tật nói lắp. Khi thế chiến thứ 2 nổ ra, dân chúng và cả những người thân cần tiếng nói của ông để an dân và vô hình trung nó tạo ra áp lực khiến ông trở nên cô đơn. Mạng xã hội là một câu chuyện đương đại kể về thiên tài Mark Zuckenberg-tỉ phú USD và là “nhà vua” của đế chế ảo: mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Nghịch lý trớ trêu là người có thể kết nối hơn 500 triệu người trở thành bạn bè lại không có nổi một người bạn thân nào, thậm chí còn làm rạn nứt quan hệ với những người cộng sự do không biết ứng xử trong những giao tiếp thông thường.

Với người bình thường gặp khó khăn về giao tiếp hoặc gặp một “sự cố” nào đó khiến họ rơi vào nỗi cô đơn như hai nhân vật trong phim thì thường sẽ rơi vào sự im lặng tuyệt đối và biến mình thành một “ốc đảo”. Nhưng với vị trí là những người của công chúng, hai nhân vật trong phim không thể trốn tránh khỏi những va đập với đời sống, nhưng nếu vua George VI đã được chia sẻ, được lắng nghe những nỗi niềm chôn giấu sâu kín qua đó vượt qua được tật nói lắp thì Mark Zuckenberg đến cuối phim vẫn là người cô đơn. Điều anh cần có lẽ vẫn là một người có thể chia sẻ những tâm tư của mình.

Vậy là, có thể rõ thông điệp năm nay mà giải Oscar muốn “tuyên truyền” là dẫu trong một thế giới hiện đại đầy ắp những phương tiện giao tiếp kéo con người lại gần với nhau nhưng sự đồng cảm thật sự để chia sẻ những tâm tư thì vẫn phải phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Chỉ một khi có sự đồng cảm mới có khả năng xây dựng một thế giới đại đồng như con người hằng mơ ước. Oscar năm nay vinh danh những bộ phim đơn giản mà sâu sắc, tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

BOX:

Các kết quả khác của Oscar 2011:

Nữ diễn viên chính xuất sắc: Natalie Portman (Thiên nga đen), Nam diễn viên phụ xuất sắc: Christian Bale (Đấu sĩ), Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Melissa Leo (Đấu sĩ), Kịch bản chuyển thể xuất sắc: Mạng xã hội, Phim hoạt hình hay nhất: Câu chuyện đồ chơi 3, Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: Trong một thế giới tốt hơn (Đan Mạch), Quay phim xuất sắc: Khởi đầu, Nhạc phim hay nhất: Mạng xã hội, Bài hát trong phim hay nhất: Chúng mình thuộc về nhau (Câu chuyện đồ chơi 3), Dựng âm thanh xuất sắc: Khởi đầu, Hòa âm xuất sắc: Khởi đầu, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc: Alice ở xứ thần tiên, Hóa trang xuất sắc: Người sói, Thiết kế trang phục đẹp nhất:Alice ở xứ thần tiên, Dựng phim xuất sắc:Mạng xã hội, Hiệu ứng hình ảnh tốt nhất: Khởi đầu, Phim ngắn hay nhất: Chúa của tình yêu…

HÀM ĐAN