Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

ĐỌC "VỊ TƯ LỆNH CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN-ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH"


Trong số các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX, chưa hề có một tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương đến tiền tuyến có quy mô lớn và kéo dài dưới mưa bom bão đạn như tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Không chỉ có nhân dân ta tự hào về đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mà nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam trên thế giới còn cho rằng: Quân đội Mỹ thất bại tại Việt Nam có nguyên nhân lớn là do không thể ngăn chặn “mạch máu” chi viện liên tục của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiến tuyến lớn miền Nam thông qua đường Hồ Chí Minh.

Nhưng chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, khoảng thời gian đó, một thế hệ người Việt Nam trưởng thành và nhiều người trong số đó chưa thật hiểu rõ về tầm vóc to lớn và hiệu quả mà con đường huyền thoại đóng góp cho ngày toàn thắng của dân tộc. Việc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa mới tái bản cuốn sách “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh” của Đại tá Phan Hữu Đại (Nguyên Chính ủy Sư đoàn ô tô cơ động vận tải 571) thêm một lần nữa muốn bạn đọc hôm nay, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử của đường Hồ Chí Minh và hình dùng được biết bao mồ hôi và xương máu của thế hệ cha anh đã đổ xuống trên con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tác phẩm mang nhan đề “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh” tức nói về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559-một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh đã có công đầu chỉ huy bộ đội các binh chủng hợp thành đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam; nhưng đồng thời cũng mô tả theo chiều sâu cuộc chiến đấu của bộ đội Trường Sơn cùng một mảng lớn về nghệ thuật quân sự được vận dụng một cách sáng tạo trên chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mà tác giả Phan Hữu Đại đã thể hiện một cách phong phú và sinh động. Đặc biệt, thông qua phần III cuốn sách “Tỏa sáng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Trường Sơn” được chia làm 9 phần nhỏ khiến người đọc dễ hình dung về quá trình hình thành và phát triển của đường Hồ Chí Minh, cách thức tổ chức binh lực và cách quân và dân ta đánh thắng sự phá hoại tuyến đường của đế quốc Mỹ.

          Cuốn sách chỉ dày hơn 200 trang nhưng với tư cách một người trong cuộc, Đại tá Phan Hữu Đại đã có điều kiện khái quát những công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên gắn với đường Trường Sơn huyền thoại trong việc xây dựng nên một nền nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự, góp phần quan trọng vào nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tuy không phải là người nghiên cứu lịch sử hay nghệ thuật quân sự chuyên nghiệp nhưng tác giả cũng đã đưa ra những nhận xét chuẩn xác trên những tư liệu thực chứng.

Thiết nghĩ, những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này có thể đem lại kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; đồng thời giúp bạn đọc-những ai mong muốn hiểu biết về thân thế và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên-một vị tướng tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

LINH THIÊN