Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

LẠ LÙNG MỘT TÌNH YÊU VIỆT NAM

Có người nói rằng, đa phần các nhà thơ có thành tựu sáng tác đều ít nhiều có những “cú sốc” tâm lý gặp phải trong đời sống, từ đó, việc làm thơ là một cách làm cân bằng đời sống tinh thần. Nếu cần một ví dụ, cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ, giáo sư Mỹ Kevin Bowen (Giám đốc Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts) là một trường hợp điển hình.

Kevin Bowen từng là lính tại Sư đoàn không kị số 1 tham chiến tại Nam Việt Nam trong quãng thời gian 1968-1969. Ra khỏi cuộc chiến nhưng hội chứng chiến tranh Việt Nam đeo bám không thôi, ông bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến mà ông đã tham gia song song với những hoạt động phản chiến khác như là những hành động chuộc lỗi. Cuối những năm 1980, Kevin có ý tưởng: thông qua giao lưu văn hóa để góp phần làm “ấm” mối quan hệ giữa những cựu thù. Nhiều nhà văn Mỹ khi đó cho rằng kế hoạch Kevin là tốt đẹp nhưng không tưởng trong bối cảnh Mỹ cấm vận Việt Nam và rất nhiều trên đất Mỹ vẫn đem lòng thù hận. Sự kiên trì của Kevin cùng những cộng sự tại Trung tâm William Joiner vượt qua những rào cản hành chính, vụ kiện kéo dài 4 năm và cả những lời đe dọa tính mạng gia đình...., dần dần cũng có thành quả khi các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Tố Hữu... được dịch sang Anh ngữ và nhiều đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm nước Mỹ. Những hoạt động ngoại giao không chính thức nói trên cũng đã góp phần dẫn đến việc Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11-7-1995.

Những đóng góp nhiệt tình vô tư trong việc truyền bá văn học, văn hoá Việt Nam vào Mỹ của Kevin Bowen đã được ghi nhận với Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010 được trao tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 25-3-2011, sau đúng 20 năm ông dẫn đầu một đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ đến Hà Nội để tham gia cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai đoàn nhà văn cựu binh Việt-Mỹ. Song, phần thưởng lớn nhất mà Kevin Bowen giành được đó là tình cảm của người dân Việt Nam, không chỉ ở các bạn văn, mà còn là những người dân Việt Nam không quen đều muốn được nghe “ông Tây” cao lớn có nụ cười hiền nói chuyện. Hễ nơi nào Kevin xuất hiện, nơi đó không còn chỗ trống như lần ra mắt tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa-tập thơ đầu tiên của Kevin được dịch và in ở Việt Nam vào ngày 22-3 vừa qua.

Nếu như giai đoạn đầu trong sáng tác của Kevin Bowen thường chủ yếu viết về cuộc chiến và những người bên kia chiến tuyến xuất phát từ sự tìm hiểu cuộc sống của một dân tộc nhỏ bé đánh bại những đội quân xâm lược hùng và cũng muốn dùng thơ ca để biến thù thành bạn như những câu thơ đầy khắc khoải trong bài thơ Chơi bóng rổ với Việt Cộng tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao

Hơn hai mươi năm sau, trong tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa, khi đã phần nào hiểu được tâm hồn người và đất Việt, thơ Kevin Bowen chuyển sang những đề tài bình dị là phản ánh minh triết về đời sống Việt Nam qua những con người vô danh với những công việc bình thường như người bán phở, anh xích lô, chị quét rác... và từ những địa danh có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: đền Hùng, lăng Tự Đức, chùa Từ Hiếu... Dù viết ở đâu và viết với đề tài gì, nhờ cái nhìn tươi mới nên thơ Kevin khiến người đọc Việt Nam bất ngờ khi tự phát hiện lại những điều quen thuộc qua con mắt của một người ngoại quốc. Cho nên, có thể xem Việt Nam chính là “chứng minh thư” cho sự nghiệp thơ Kevin Bowen. Và đến bây giờ, nhiều người Việt Nam lại muốn tìm hiểu thơ ca và trên hết là tình yêu lạ lùng của một nhà thơ Mỹ dành cho Việt Nam. Thơ ca thì còn lí giải được, nhưng đã là tình yêu thì chắc mãi mãi là bí ẩn.

HÀM ĐAN