Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

PHIÊU CÙNG “NHẠC MỚI”



Vào cuối tháng 10 này, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, diễn ra đêm nhạc I am me thuộc chương trình Hanoi new music meeting của 12 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Buổi diễn đầu tiên diễn ra tại nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô thì Nhậm - HN) nhận được lời tán thưởng nồng nhiệt. Những tác phẩm âm nhạc thể nghiệm lần này đã thực sự khiến người nghe thủ đô “mãn nhĩ” và giúp họ bước đầu biết thưởng thức những loại hình nghệ thuật đương đại đầy mới mẻ và độc đáo.

MỚI LẠ VÀ ĐỘC ĐÁO

Tác phẩm mở đầu là tiết mục Nhạc ồn (Noisy music) của Nguyễn Hồng Giang. Nghệ sĩ trẻ đến từ Sài Gòn này lựa chọn những âm thanh rè, gắt như âm thanh của tàu hỏa, máy bay - những tiêng ồn nơi đô thị. Ấn tượng hơn là sự trình diễn của chính nghệ sĩ khi vào cúi gằm mặt xuống bàn, những cánh tay cử dộng như robot liên tục động chạm với những đồ chơi bày biện trên bàn cộng tiếng gào thét của nghệ sĩ. Một tác phẩm khác hình thành từ những tiếng vào những tiếng ồn là A Em 15 của Vũ Nhật Tân và Nguyễn Mạnh Hùng. Tác phẩm của Nguyễn Hồng Giang không có tên còn tác phẩm của Vũ Nhật Tân là một ký hiệu; cả hai tác phẩm đều không có một diễn giải nào từ phía tác giả nên người nghe phải tự diễn giải tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nhưng hầu như người nghe nào cũng nhận ra lớp nghĩ đầu tiên: đơn giản nó diễn tả nỗi bất an nội tâm của con người trong cuộc sống đô thị quá nhanh và gấp.

Ấn tượng nhất trong số nghệ sĩ Việt Nam là màn trình diễn của một người quen trong những chương trình âm nhạc thể nghiệm - nghệ sĩ Kim Ngọc. Tác phẩm Tố nữ của chị có tính liên kết các biểu tượng văn hóa rõ rệt. Với người Việt Nam, mấy ai lại không biết đến hình tượng bức tứ bình tố nữ. Trong bộ áo dài nâu truyền thống, Kim Ngọc lần lượt nhập vai vào từng khuôn hình được khoắt rỗng trong tấm bình phong. Lần lượt, bốn lần chị nhập vào tố nữ nhưng chị không trình diễn các nhạc cụ truyền thống. Chỉ dùng hơi thở khi khẽ, khi rõ rệt và cuối cùng dùng tiêng hét để biểu đạt tâm trạng của mình. Người xem đã thực sự ngạc nhiên khi chỉ bằng hơi thở, đạo cụ biểu diễn đã trở thành một tác phẩm âm nhạc thực sự đa nghĩa cho số hiểu khác nhau: người thì nghĩ ngay đến thân phận người phụ nữ bị bó buộc trong khuôn khổ mà xã hội hay áp đặt cho họ, người thì nghĩ ngay đến thân phận người nghệ sĩ… Cách hiểu không thống nhất lại là điều đáng mừng bởi một tác phẩm nghệ thuật không bao giờ dừng lại ở một ý nghĩa trên bề mặt đơn giản.

Về phía nhạc sĩ nước ngoài, Pippa Murphy đem đến tác phẩm Những dòng chảy trái đất. Tác phẩm này là ví dụ sinh động cho tính ứng tác rất rõ. Ngoài một bản thu âm tiếng động có sẵn Pippa Murphy hòa thêm âm cho bàn nhạc sẵn ngay lúc biểu diễn. Trong khi một bản nhạc êm đềm, dễ chịu như nghe như tiếng thu nước chảy từ biển Caspian thì đột nhiên xuất hiện những tiếng động lạ khiến người ta liên tưởng ở việc sự sống đang nảy sinh dưới đại dương, sức mạnh của những con sóng… Nhờ có tính ngẫu hứng này mà sự sinh động mang lại tính biểu cảm trong tác phẩm tăng lên.

Simon Rummel từ nước Đức đem đến người nghe một màn trình diễn độc đáo. Hiện lên trên màn hình là một danh sách 25 bản nhạc. Có hai chiếc điều khiển từ xa được khán giả chuyền tay nhau giúp chuyển bài. Ở trên sân khấu, Simon Rummel sẽ chơi piano để phục vụ. Vì thế mà tác phẩm được anh đặt tên là Hòa nhạc từ xa. Hẳn nhiên anh không chơi đàn thật mà chỉ đánh đàn “nhép”, những động tác ngẫu hứng, hài hước khi trình diễn trên chiếc piano nghiêm ngắn khiến cho tinh thần giễu nhại của nhạc mới có sức thuyết phục hơn.

ĐÔNG TÂY KẾT HỢP

Ba tác phẩm còn lại trong chương trình là sự kết hợp hay nói đúng hơn là một cố gắng dung hào âm nhạc cổ truyền Việt nam với âm nhạc hiện địa phương Tây. Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thuỷ hoà tấu cùng nữ nghệ sĩ saxophone Lotte Anker người Đan Mạch tác phẩm Những phong cảnh thoáng qua. Sự hoà tấu còn tiếp tục trong tác phẩm Trong khi thành phố ngủ của Staffan Storm dưới sự thể hiện qua tiếng đàn bầu của Ngô Trà My và đàn tì bà của Stefan Ostersjo (người Thụy Điển). Đầu tiên là sự gay gắt được có nghệ sĩ cố tình tạo ra. Âm thanh mềm mại đi sâu vào lòng người của đàn tranh dừng lại là lúc tiếng Saxphone ngẫu hứng không theo tiết tấu vang lên nhưng cuối cùng nó lại có thể hòa vào nhau tạo ra một bản nhạc mang âm vị “liêu trai”.

Sụ kết hợp các nhạc cụ không còn mới, điều quan trọng là đằng sau những âm thanh từ hai nền văn hóa khác nhau nó cần phải tạo ra những chủ đề ban đầu đi theo hai hướng khác nhau nhưng lại có thể xoắn quyện vào nhau tạo ra một sự biểu đạt nhuần nhuyễn. Yêu cầu từ lâu của số ít khán giả khó tính trên rất đáng lưu tâm. Thật trùng hợp, trong chương trình âm nhạc thử nghiêm này đã làm thảo mãn phần nào đòi hỏi trên, đó là tác phẩm: Một gương mặt số 4 của Sơn X. Nghệ sĩ Sơn X cũng là cái tên đi tiên phong trong âm nhạc mới Việt Nam khi làm nhạc cho chương trình múa của nghệ sĩ múa Thủy Ea Sola.

Mở đầu tác phẩm là một cô gái ăn mặc tân thời nhưng lại ca… cải lương về mối tình Lan và Điệp, kết thúc lời ca là tiếng nôt lớn như tiếng sét. Sau đó là mấy phút triền miên nhạc nổi lên. Bản nhạc tuy không ồn như của Vũ Nhật Tân nhưng không mấy “nên thơ” để người ta có thể liên tưởng đến chuyện tình Lan và Điệp. Song song với nhạc và màn hình video hiện lên những nét vẽ thủy mặc không rõ hình hài để có thể gắn với khung cảnh bến nước con đò, ngôi chùa, làng quê quen thuộc của vở cải lương nổi tiếng. Có một lần, trong bvaif giây đồng hồ, những nét vẽ tạo nên một hình vuông như một khung cửa , bên trong khung vuông mà ánh sáng chập chờn léo lên rồi tắt như là tia chớp. Khi tác phẩm đi đến hồi cuối, những đường vẽ nghệch ngoặc kia mới hiện lên. Hóa ra, đó là là cách nhìn gián tiếp của một tòa nhà cao tầng, cái khung vuông kia thực chất là một khung cửa sổ của một tòa nhà chung cư. Nhìn vào trong không thấy bóng người nào nhưng lại có tiếng “Nam mô a di đà Phật” vang lên, chậm dần rồi tắt hẳn. Khi tác phẩm này kết thúc, những ràng vỗ tay không ngớt vang lên vì một điều đơn giản là Một gương mặt số 4 đem đến cho người ta một cảm thức thực sự mới về nghệ thuật thời hậu hiện đại.

Hàm Đan