Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

TITANIC-A CENTURY LATER: CÁI KẾT CÓ HẬU CỦA MỘT BI KỊCH


Ngày 14-4 năm nay là tròn một thế kỷ con tàu Titanic bị đắm, cướp đi sinh mạng của 1.514 người. Thời gian càng lùi xa nhưng huyền thoại Titanic vẫn vẹn nguyên gắn với những câu chuyện nhân văn lay động lòng người trong hơn hai tiếng tàu chìm dần vào lòng đại dương sâu thẳm.

1. Một câu hỏi của nhiều người là tại sao một thảm họa hàng hải lại chiếm trọn sự quan tâm của nhiều thế hệ, trở thành chất liệu cho các loại hình văn học nghệ thuật suốt một thế kỷ qua?

Lý giải câu hỏi đó, cần phải hiểu “đẳng cấp” tàu Titanic ở thời đại con tàu ra đời. Titanic là con tàu lớn nhất (dài 269m, rộng 28m ở sườn ngang, nặng 46.328 tấn) và sang trọng nhất thời bấy giờ. Titanic không đơn thuần chỉ là đỉnh cao kỹ thuật đóng tàu mà còn là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, tính thẩm mỹ của châu Âu hùng mạnh nói chung và văn minh nhân loại nói riêng. Sau tai nạn, xảy ra một chấn thương tâm lý cho cả một thế hệ: Một kỳ công nhân tạo tưởng không bao giờ chìm lại “thua” một hiện tượng tự nhiên là một núi băng trôi. Nhiều người nhận ra: Số phận con người quá mong manh; con người đã phải trả giá khi xem thường sức mạnh tự nhiên. Nhiều người còn xem vụ chìm tàu Titanic là một trong những sự kiện chấm dứt thời đại hưng thịnh và lạc quan của châu Âu để bước vào thời kỳ lụi tàn khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) nổ ra hai năm sau đó.   

Ám ảnh trực tiếp từ vụ chìm tàu Titanic do các nguyên nhân bị che lấp dẫn đến thảm họa. Do hạn chế của khoa học cộng với việc bưng bít của chủ tàu nên các cuộc điều tra đã không có kết luận cuối cùng. Ngay cả chuyện rất đơn giản là con tàu thực sự đã chìm như thế nào? Nhiều nhân chứng đã xác nhận con tàu vỡ làm đôi, nhưng nhiều người muốn hướng dư luận tin rằng con tàu chìm nguyên vẹn để tránh bi kịch hóa vụ đắm tàu! Màn sương bí ẩn bao bọc quanh vụ đắm tàu đưa Titanic trở thành một huyền thoại. Không ít nhà “Titanic học”, họa sĩ, đạo diễn... thành danh kể rằng tuổi thơ của họ đã dành trọn cho nỗi đam mê muốn khám phá những bí ẩn về Titanic. Đến năm 1985, nhà hải dương học người Mỹ Robert Ballard đã phát hiện xác tàu Titanic ở độ sâu 4km. Sau đó, nhờ các công nghệ hiện đại và đội ngũ “Titanic học” hùng hậu, người ta mới dần giải mã những bí ẩn.

Thảm họa Titanic là tổng hợp từ sự bất cẩn của con người và phần lớn là bất lợi do tự nhiên đem đến; song kỳ lạ ở điểm, tất cả mọi yếu tố bất lợi đều tập trung cùng thời điểm khiến khối người mê tín tin rằng, chính Chúa đã làm chìm tàu. Thời điểm đầu hè 1912, lượng băng tan nhiều bất thường, gấp đôi các năm khác. Trong đêm định mệnh, tàu Titanic đã đi vào vùng giao nhau giữa hai dòng hải lưu nóng và lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn dẫn đến khúc xạ ánh sáng gây ra hiện tượng “chân trời ảo” (còn gọi là “ảo ảnh gương”) khiến hoa tiêu dù tập trung cũng không nhìn ra núi băng có trọng lượng gấp 6 lần Titanic đang ở rất gần. Cũng chính hiện tượng trên mà thuyền trưởng tàu California là Stanley Lord chỉ cách Titanic khoảng 16km (mất nửa tiếng di chuyển) không nhận ra con tàu trong tầm nhìn ống nhòm là Titanic. Có người còn tin rằng, khoảnh khắc mà S. Lord quan sát là thời điểm phần mũi tàu Titanic đã ở dưới mặt nước nên ông tưởng chỉ là con tàu cỡ nhỏ. Sáng hôm sau, S. Lord mới biết Titanic bị chìm ngay trước mắt và ông bị mang nỗi oan “thấy chết không cứu” cho đến hết đời.

Vẫn là tàu California, lúc 23 giờ (40 phút trước thảm họa), Cyril Evans-nhân viên điện tín duy nhất của tàu này đã gửi cảnh báo về núi băng cho Titanic, nhưng do hai tàu quá gần nhau nên tín hiệu từ tàu California làm Jack Phillips-nhân viên điện tín Titanic, suýt thủng màng nhĩ. Mệt mỏi vì phải gửi điện tín cho khách, J. Phillips đã không tiếp nhận lời cảnh báo. Trong lúc tàu chìm, J. Phillips đánh điện cầu cứu nhưng khi đó C. Evans đã đi ngủ!

          Về nguyên nhân từ con người là do trong quá trình đóng tàu Titanic, người ta đã không lường được độ yếu của 3 triệu đinh tán trên vỏ tàu. Thử nghiệm khoa học chứng minh, do pha nhiều xỉ vào sắt khiến các đinh tán yếu và cú va quệt vào mạn phải Titanic dư sức làm gãy đinh tán và nước tràn vào gây chìm tàu.     



2. Những phát hiện khoa học đã “hồi sinh” lại Titanic, nhưng để Titanic bất tử trong văn hóa đại chúng phải nhờ bộ phim “Titanic” (1997) của đạo diễn James Cameron. Trong phim có nhiều chi tiết không đúng như thực tế, ví như độ nghiêng đuôi tàu không quá lớn từng khiến người xem phim hãi hùng. J. Cameron quyết không sửa lại trong bản 3D phát hành tháng 4 này, vì điều quan trọng là tính ẩn dụ của bộ phim vẫn còn giá trị thời sự. Tàu Titanic như một thế giới thu nhỏ, nếu không cẩn trọng dễ gặp thảm họa ngay trước mắt mà không thể tránh nổi, như chuyện thời sự biến đổi khí hậu trẻ em cũng biết. Một khi thảm họa xảy ra, chỉ có những người thuộc tầng lớp dưới lãnh đủ như trong phim hành khách vé hạng 2 và 3 không kịp đi lên thuyền cứu sinh.

Phim “Titanic” để lại ấn tượng sâu đậm nhờ mối tình lãng mạn giữa chàng Jack và nàng Rose, nhưng rút cuộc chỉ là hư cấu; nhưng ở vụ đắm tàu Titanic, tồn tại nhiều câu chuyện nhân văn gây xúc động được kể đi kể lại tận ngày nay. Titanic là một trong số ít tàu chìm có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em được cứu sống cao hơn đàn ông và thủy thủ đoàn; nghĩa là việc ưu tiên phụ nữ và trẻ em trong điều kiện không đủ thuyền cứu sinh thay vì cảnh chen lấn thường thấy. Những người thợ máy sẵn sàng chết để cố gắng thoát nước giúp con tàu không bị chìm nhanh, nếu không số người sống chắc ít hơn 710 người. Ban nhạc 7 người trên tàu Titanic đã chơi bản thánh ca như lời cầu nguyện lúc tàu dần chìm. Và không thiếu những câu chuyện chia ly rơi lệ: Rất nhiều người vợ đã nhìn chồng lần cuối sau khi xuống thuyền cứu sinh, có người đàn ông chết mà không biết rằng vợ mình đang mang thai đứa con đầu lòng...



Tất cả các yếu tố hợp lại khiến Titanic có một lượng fan khổng lồ, và có thể Titanic lại “chìm” lần nữa do quá được yêu mến. Một tờ giấy ghi thực đơn bữa ăn cuối cùng trên tàu Titanic của một hành khách sống sót sau một thế kỷ có giá gần 2,5 tỷ đồng Việt Nam thì những di vật của tàu Titanic dưới biển còn đắt gấp bội. Nguy cơ bọn săn cổ vật làm hỏng xác tàu là điều hiển nhiên. Chưa kể, việc các tàu lặn phục vụ tham quan đáp xuống xác tàu cũng khiến xác tàu hư hại nhiều. Nhưng may mắn là trước thời điểm 100 năm Titanic bị đắm, xác tàu đã được đặt dưới sự bảo vệ của UNESCO thông qua Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Thêm vào đó, R. Billard-người phát hiện xác tàu đầu tiên đã đề nghị dùng những chú robot làm sạch vỏ tàu và dùng loại sơn đặc biệt chống ăn mòn. Những robot cũng sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ khi các tàu lặn muốn tiếp cận xác tàu bất hợp pháp. Vậy là, sau một thế kỷ của bi kịch mang tên Titanic là một cái kết có hậu!

          HÀM ĐAN