Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

MỞ HƯỚNG ĐI MỚI TỪ "LÀNG TÔI"


 Vở xiếc “Làng tôi” ra đời từ năm 2005 với phiên bản đầu tiên lên tới 100 người biểu diễn; đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người và đi trình diễn ở nhiều nước Âu-Mỹ chinh phục được khán giả khó tính nhất. Tiếng tăm vở xiếc vang về cố hương khiến nhiều khán giả Việt Nam háo hức muốn được xem tận mắt để tự lý giải vì sao “Làng tôi” lại có sức hấp dẫn ở xứ người? Và mới đây, “Làng tôi” quay trở lại Việt Nam gây ấn tượng sâu đậm với khán giả ngồi chật Nhà hát Lớn Hà Nội suốt hơn 2 tiếng đồng hồ.

“Làng tôi” được sáng tạo qua bàn tay của 3 đạo diễn: Nguyễn Lân (Giám đốc nội dung đào tạo của Trường Nghệ thuật Xiếc TP.Chambéry, Pháp), Tuấn Lê (tốt nghiệp Trường Xiếc Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hiện sống và làm việc ở Berlin, Đức) và Nguyễn Nhất Lý (tốt nghiệp ĐH Paris VIII, nguyên Chủ tịch Hội đoàn Art-Ensemble, Pháp). Về bản chất, “Làng tôi” là một chương trình nghệ thuật xiếc với đủ các chiêu trò tung hứng, uốn dẻo, nhào lộn, đi thăng bằng... Nhưng “Làng tôi” không đơn thuần trình diễn những pha xiếc mà đi sâu vào xây dựng một chương trình xiếc có ý đồ nghệ thuật độc đáo.

Khác với vở kịch nói chung, “Làng tôi” không có cốt truyện diễn biến kinh điển thắt nút rồi mở nút mà theo kết cấu phân mảnh. Mỗi một cảnh của vở diễn độc lập với nhau, chúng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tái hiện văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ-cái nôi của văn hóa người Việt.

Với đạo cụ chính là những cây tre, những nét sinh hoạt và tinh thần văn hóa Việt tái hiện vừa rõ ràng mà không thiếu tinh nghệ thuật đầy biến hóa. Từ những cảnh lao động mò cua, cấy lúa...; những ngày hội làng, sinh hoạt Phật giáo... được sống trở lại không khí làng quê mà nhiều người từng gắn bó thời thơ ấu. Cách thức diễn đạt của nghệ thuật nói chung là dùng hình tượng! Ở đây, hình thể diễn viên và đạo cụ sẽ xây dựng hình tượng. Ví dụ, cảnh các thanh tre được dao động phía dưới, phía trên một diễn viên di chuyển trên một thanh tre và khua một thanh tre khác tái hiện lại cảnh chèo đò; hoạt cảnh này cũng muốn cho khán giả biết đây sinh hoạt con người Việt Nam gắn chặt với sông nước! Điều này cũng đòi hỏi, diễn viên không chỉ thuần thục các động tác xiếc mà còn phải có thêm kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Giải thích cho điểm mới của “Làng tôi”, đạo diễn Tuấn Lê cho biết: “Xu hướng chung của xiếc trên thế giới là không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ nữa mà xây dựng chương trình có ý tưởng, nội dung rõ ràng hay vở diễn có lớp lang và đưa được thông điệp đến người xem. Diễn viên phải “đa năng”, vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn”.

Sau đêm diễn đánh dấu sự trở về chính thức, “Làng tôi” dự kiến được diễn định kỳ hàng tuần từ tháng 4-2013. Giờ đây, khi “Làng tôi” đã trở về với cố hương và bước đầu giành được sự quan tâm của khán giả, đó là thành công không phải ngành nghệ thuật nào cũng làm được. Thực sư, xiếc Việt Nam đã đi đầu cho xu hướng không quá chuộng chất liệu mới lạ mà càng sử dụng chất liệu quen thuộc nhất có thể (trường hợp “Làng tôi” chính là văn hóa Bắc Bộ) nhưng bằng cách sáng tạo trong dàn dựng, phân cảnh và ý đồ nghệ thuật thì sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhưng không quá xa lạ và khó hiểu.

HÀM ĐAN