Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

PHIM TRUYỀN HÌNH "BÍ THƯ TỈNH ỦY": BÀI HỌC CHÍNH TRỊ BẰNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT

Nhân vật chính Hoàng Kim trong bộ phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy vốn lấy nguyên mẫu của nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) Kim Ngọc (1917-1979)-người tổ chức “khoán chui” nổi tiếng ở thập niên 1970. Vì thế, ngay từ khi chưa lên sóng, bộ phim đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Giờ đây, khi bộ phim đã trình chiếu gần 20 tập phim, đã có nhiều phản hồi ngược nhau: người khen hết sức, kẻ chê không tiếc lời. Chuyện khen chê là lẽ thường, nhưng đằng sau lời khen chê có thực sự khách quan và có nhìn dưới góc nhìn thuần túy vị nghệ thuật?

Lực bất tòng tâm

Những lời chê của khán giả tập trung vào vấn đề tạo dựng bối cảnh của phim chưa giống với thực tế nông thôn miền Bắc thập niên 1970, dễ thấy nhất là quần áo. Nhiều người thốt lên: “Sao mà quần áo bần nông mới vậy nhỉ?”. Quần áo trong phim là do bộ phận thiết kế trang phục đảm trách; và lĩnh vực này chưa phải bao giờ là thế mạnh của điện ảnh nước nhà, rõ nhấtlà ở phim lịch sử như: Lục Vân Tiên, Tây Sơn hào kiệt, Ngọn nến hoàng cung… Có lẽ ít người biết đã có tới hơn 5.000 bộ trang phục cho tất cả diễn viên suốt 50 tập phim; rõ ràng, đã là một nỗ lực phi thường. Nếu khán giả cứ kiểu xem phim truyền hình dài dằng dặc mà bắt bẻ tiểu tiết như xem phim truyện nhựa thì chẳng thể nào có phim Việt Nam để chiếu hàng ngày trên ti-vi.

Nói điều này, không phải là “bênh” đoàn làm phim Bí thư tỉnh ủy mà thực tế bất cứ đoàn làm phim hiện nay cũng sẽ phải trải qua tâm trạng “lực bất tòng tâm” như đạo diễn Quốc Trọng từng trải qua khi làm phim Bí thư tỉnh ủy. Bởi lẽ điện ảnh Việt Nam chưa phải là một nền điện ảnh chuyên nghiệp nên các bộ phim chưa thể ngang bằng các nước khác. Với phim truyền hình, vai trò của trường quay tiến độ làm phim sẽ nhanh và đỡ tốn kém hơn. Dựng một trường quay với bối cảnh là nông thôn miền Bắc cách đây vài chục năm là đơn giản nhất so với các thời kỳ khác, vậy mà cũng không có. Dù bộ phận đạo cụ của phim Bí thư tỉnh ủy có nỗ lực tối đa cũng không làm sao ưng ý, nông thôn hôm nay đâu còn giống ngày xưa!

Một điều nữa khiến khán giả chê bộ phim là diễn xuất của diễn viên chưa “nhuyễn”. Quả là sự gấp rút thời gian cộng với những nhân vật quá khứ khiến diễn xuất diễn viên người đời nay có phần gượng gạo; có khi, hơi cường điệu như các nhân vật lãnh đạo tỉnh ủy trong phim hơi suồng sã trong cử chỉ và lời nói như xưng hô “tớ”, “cậu” trong cuộc họp nghiêm túc. Nếu so sánh diễn xuất của diễn viên Dũng Nhi vai bí thư Hoàng Kim thời bao cấp so với vai diễn ông thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong phim Chạy án thời kinh tế thị trường thì không có bước chuyển biến nào trong cách biển hiện để làm hiện thân ông bí thư tỉnh ủy.

Một nguyên nhân khác khiến bộ phim hẳn sẽ không thành công trọn vẹn đó là hiệu quả tuyên truyền bởi chính là đề tài của phim. Người xem phim này chủ yếu là những người trung niên, muốn ôn lại kỷ niệm xưa. Phản hồi từ giới trẻ trên dưới 20 quá ít, họ có nhiều phim hợp lứa tuổi để xem, không lẽ phí thời giờ xem phim chính luận kể chuyện… thời xa vắng.

Một nén tâm hương

Những hạn chế của bộ phim ngay từ đầu đoàn làm phim đã biết trước. Thậm chí những khó khăn khi hình thành dự án làm phim cũng đã được tính đến như đạo diễn Quốc Trọng tâm sự: “Chưa bộ phim nào vất vả như Bí thư tỉnh ủy”.

Bản thân đoàn làm phim không có kì vọng lớn lao về tính nghệ thuật trong phim và có lượng người xem lớn để “hút” quảng cáo. Nếu có kì vọng, về khía cạnh chuyên môn, ông Trần Đăng Tuấn (Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) lạc quan cho rằng: “Bí thư tỉnh ủy là bộ phim chính luận dài nhất mà VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam) sản xuất. Bộ phim sẽ mở ra cơ hội chấm dứt thời kỳ xem phim lịch sử nước ngoài”.

Song, mục tiêu mà đoàn làm phim mong mỏi có thể gói gọn qua lời nhắn nhủ của nhà văn Vân Thảo-người viết kịch bản của bộ phim: “Bộ phim không chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử mà lấy chuyện xưa để nói nay. Có một bộ phận lãnh đạo xa rời dân, không hành động vì lợi ích nhân dân. Bộ phim là một bài học chính trị bằng hình tượng nghệ thuật để những người có chức trách soi xét lại bản thân”. Nếu mục đích của bộ phim chính luận như trên thì gần 20 tập phim đã khắc họa được một nhà chính khách đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chính nguyên mẫu ông Kim Ngọc. Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến : “Trong quá trình làm phim, chúng tôi đến mộ cụ Kim Ngọc nhiều lần. Mong cụ phù hộ cho đoàn làm phim và phù hộ đất nước có được nhiều người tài đức như cụ. Bộ phim này như là nén tâm hương gửi đến một con người suốt đời vì dân, vì nước”.

Đành rằng, ý định của đoàn làm phim là tốt đẹp. Song, nếu cứ quan niệm một bộ phim chỉ tuyên truyền một bài học lịch sử một cách trực tiếp mà không chú ý cách thức biểu đạt phù hợp, có tính nghệ thuật thì vô hình trung điện ảnh lại quay về thời kỳ là phương tiện cho tuyên truyền. Khi đó, những luận điểm cần tuyên truyền sẽ khô khan, trở thành bài giáo huấn suông, kết quả phản tuyên truyền khi chẳng ai đoái hoài đến.

HÀM ĐAN