Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

KẾT QUẢ LHP TOKYO LẦN THỨ 23

Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 23




Diễn ra từ ngày 23 đến 31-10, Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 23 quy tụ 116 bộ phim. Chiều 31-10 giờ Tokyo, các giải thưởng chính của LHP đã được công bố: Giải thưởng lớn Sakura Tokyo đã thuộc về phim Ix-ra-en Sách ngữ pháp thân thiết (đạo diễn Nir Bergman). Giải đặc biệt của Ban giám khảo thuộc về phim Nhật Bản Bưu thiếp (đạo diễn Kaneto Shindo). Đạo diễn người Pháp Gilles Paquet-Brenner giành Giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Giải pháp của Sarah. Nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng (phim Núi Phật) giành Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Hạng mục cho diễn viên nam thuộc về diễn viên Trung Quốc Vương Thiên Nguyên (phim Dương cầm trong xưởng máy).



HÀM ĐAN



Cảnh trong phim Sách ngữ pháp thân thiết

Ảnh: japantimes.co.jp

http://www.tiff-jp.net/report/daily_en.php?itemid=1728

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

TRƯỚC LOẠT TRẬN CUỐI TUẦN CÁC GIẢI BÓNG ĐÁ CHÂU ÂU: NGANG SỨC, NGANG TÀI

Như thường lệ, vào cuối tuần này, trái bóng lại lăn trên các giải bóng đá châu Âu. Vòng đấu này hứa hẹn những trận cầu ngang sức, ngang tài khi các đội bóng mạnh bắt đầu được đọ sức với những đối thủ xứng tầm.

NGOẠI HẠNG ANH: ĐI SĂN “GÀ TRỐNG”

Trận đấu đáng chú ý nhất ở vòng 10 Ngoại hạng Anh đương nhiên là cuộc đối đầu giữa Manchester United và Tottenham Hotspur trên sân Old Trafford (23 giờ 30 ngày 30-10 giờ VN). Đẳng cấp các tuyển thủ là điều không cần bàn cãi, cả hai đội đều chơi tấn công cống hiến; và nhất là sự chênh lệch trình độ giữa hai đội đã được thu hẹp đáng kể. “Quỷ đỏ” đã không còn mạnh từ khi C. Ronaldo ra đi, còn “gà trống” dưới sự dẫn dắt của Harry Relknapp đã lập kì tích phá thế “tứ trụ” Ngoại hạng Anh vào năm ngoái. Vì vậy trận đấu này đích thực là một “bữa tiệc” với khả năng có “cơn mưa bàn thắng”.

M.U vẫn đang duy trì mạch bất bại nhưng tình trạng “công làm thủ phá” hiện nay là thời điểm thuận lợi để “gà trống” đánh bại M.U ngay trên sân nhà-điều mà “gà trống” chưa làm được kể từ năm 1989. Nhưng, M.U đang có thuận lợi về tâm lí: họ đã “trói chân” được Rooney và đã phá dớp không thắng trên sân khách tuần trước. Điểm đáng chú ý là kết quả những lần đấu trí giữa hai HLV giàu kinh nghiệm nhất xứ sương mù, Sir Alex vẫn luôn chứng tỏ mình tài trí hơn Harry Relknapp. Chắc rằng, Sir Alex mưu mẹo đã lập sẵn những chiến thuật để đi săn “gà trống”.

SERIE A: QUYẾT ĐẤU TẠI SAN SIRO

Người I-ta-li-a rất yêu thích những sự đối lập giữa hai thái cực. Trong bóng đá, trận đấu giữa AC Milan và Juventus (1 giờ 45 ngày 31-10 giờ VN) luôn được nhiều người chờ đón. Bởi lẽ, AC Milan chỉ biết chơi tấn công; ngược lại, bản sắc của Juventus là lối chơi thực dụng khoa học. Hơn 20 năm qua, cả hai kiên trì lối chơi riêng và thay nhau xưng bá trước khi bị Inter Milan vượt mặt.

Juventus vẫn đang tái cấu trúc lại đội hình nên sức mạnh của họ nằm ở sức mạnh đồng đội và tính hiệu quả của chiến thuật. Thiếu gắn kết và chiến thuật bị “bắt bài”, chắc chắn Juventus sẽ thua. AC Milan bước vào mùa giải này với tham vọng rất lớn khi bổ sung “hai sát thủ” Z. Ibrahimovic và Robinho. Lối chơi của AC Milan không

LA LIGA: CẠM BẪY CHO ĐẠI GIA

Dẫu Villarreal đang có phong độ tốt, nhưng cuộc đua tới chức vô địch Tây Ban Nha có lẽ sẽ là cuộc đua “song mã” giữa Real Madrid và Barcelona. Cuối tuần này, Real Madrid sẽ gặp “ngựa ô” Hercules (20 giờ 30-10 giờ VN) và Barcelona lại gặp đối thủ “kị dơ” Sevilla (22 giờ ngày 30-10 giờ VN). Nếu cần ví von, cả hai “đại gia” đang sắp phải đối diện với những “cạm bẫy”.

Đội bóng “tí hon” Hercules đã từng đánh bại Barcelona ở đầu mùa bóng. Nhưng, Real Madrid dưới thời J. Mourinho không có từ ”chủ quan” trong suy nghĩ. Vậy nên, rất khó cho Hercules lập lại chiến tích thêm một lần nữa. Hấp dẫn hơn là trận đấu giữa Barcelona và Sevilla. Ngoài, tai nạn khi gặp Hercules, Barcelona vẫn đang thi đấu tốt như thường lệ với niềm cảm hứng từ L. Messi. Sevilla-có lẽ là đối thủ khó chơi nhất kể từ đầu mùa giải nhưng thực sự đây mới là liều thuốc thử đích thực cho Barcelona để kiểm chứng cho thành công cho một mùa giải tới tháng 5 năm sau mới kết thúc.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

VỤ SCANDAL MUA BÁN PHIẾU BẦU ĐĂNG CAI WORLD CUP: CHỜ DIỄN BIẾN MỚI

Ngày 17-10 vừa qua, làng túc cầu thế giới bị rúng động khi tờ The Sunday Times (Anh Quốc) tung ra một đoạn băng ghi lại cảnh hai Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) là ông Amos Adamu (người Nigeria, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Phi) và ông Reynald Temarii (người Tahiti, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương) rao bán phiếu bầu trong cuộc chạy đua xin đăng cai World Cup 2018.

Nhà báo của tờ The Sunday Times đã đóng giả người đi vận động hành lang cho nước Mỹ đăng cai World Cup để ghi âm và quay phim cuộc trao đổi “thân mật”. Theo như cuộn băng công bố, ông Amos Adamu đã mặc cả khoản tiền 500.000 bảng để xây 4 sân cỏ nhân tạo ở Nigeria, nhưng lại đòi “tiền tươi” bằng hình thức trao tay. Với ông Reynald Temarii, ông này muốn quốc gia nhận lá phiếu của ông phải chi 1,5 triệu bảng cho một học viện bóng đá mà ông chỉ định. Temarrri còn nói rằng có hai quốc gia khác hứa sẽ ủng hộ cho Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương 6 triệu và 7,5 triệu bảng để đổi lấy lá phiếu của ông.

Với những bằng chứng rõ như ban ngày, hôm 20-10, FIFA đã buộc phải ra quyết định đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến bóng đá của hai ủy viên ban chấp hành và tạm thời cấm tham gia mọi hoạt động liên quan đến bóng đá của 4 quan chức cấp cao khác, đều là các cựu thành viên các Ủy ban thuộc FIFA, đó là: Slim Aloulou (người Tunisia), Ismael Bhamjee (người Botswana), Ahongalu Fusimalohi (người Tonga) và Amadou Diakite (người Mali). Nếu bị buộc tội thì hình phạt tối cao giành cho 6 người là “cấm vĩnh viễn tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bóng đá”.

Vụ scandal này không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật lệ, nguyên tắc của FIFA mà đặc biệt hơn thời điểm vụ việc xảy ra quá nhạy cảm bởi vào ngày 2-12 tới đây, các thành viên của Ủy ban điều hành FIFA sẽ bỏ phiếu kín để chọn ra nước chủ nhà của World Cup 2018 trong số 4 ứng cử viên là Anh, Nga, liên minh Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha và liên minh Bỉ – Hà Lan.

Sự việc ngày càng phức tạp khi cựu Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen còn tuyên bố “lấp lửng” với báo giới hôm 24-10 rằng: ông biết danh tính một quan chức cỡ bự trong FIFA tham gia các trò “làm tiền”. Nên nhớ, cách đây 8 năm, chính Zen-Ruffinen đã làm một bản báo cáo dài 30 trang để đã tố cáo Chủ tịch FIFA J. S. Blatter và “bộ sậu” lạm quyền, tham nhũng. Nhưng kết quả là Blatter tiếp tục tại vị, còn Zen-Ruffinen về hưu non. Trước khi vụ scandal phiếu bầu xảy ra, đã có vài vụ lạm quyền tại FIFA khi các thành viên người châu Phi (tình cờ là 5 trong số 6 người mới bị đình chỉ cũng là… người châu Phi) của FIFA bán vé xem World Cup ra “chợ đen”. Sau đó, đã có tin đồn việc phiếu bầu đăng cai World Cup bị mua bán; nhưng vì không có bằng chứng nên tin đồn vẫn chỉ là tin đồn.

Ai cũng biết tầm quan trọng của việc đăng cai một kì Worrld Cup 4 năm mới có một lần. Ngoài cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển thể thao thì nếu biết cách tổ chức khoa học, hợp lý nước chủ nhà có thể thu bộn tiền nhờ World Cup. Vì vậy, khả năng “đi đêm” của các ứng cử viên đăg cai với các quan chức FIFA hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện tại, vụ scandal phiếu bầu vẫn đang ở quá trình điều tra để làm sáng tỏ sự thật: Có nước nào và thành viên FIFA nào đã “đi đêm” với nhau? Chắc chắn sau vụ việc này, phái cấp tiến trong FIFA sẽ có dịp để kêu gọi cải tổ FIFA và hệ quả là ngài Blatter có tiếng là bảo thủ nhiều khả năng sẽ “về vườn”. Dù kết quả cuối cùng và hệ quả của scandal có như thế nào thì uy tín của FIFA-một đế chế thể thao đã bị sứt mẻ và thật khó để lấy lại hình ảnh một tổ chức đi đầu trong việc “hàn gắn thế giới”.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

NHÌN LẠI VNIFF LẦN THỨ I: MAY MÀ ĐÃ... KẾT THÚC

Khi chấm dứt một sự kiện nào đó người ta hay nói câu: “Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải tàn” tỏ ý nuối tiếc. Nhưng với Liên hoan phim (gọi tắt là LHP) quốc tế Việt Nam lần thứ I, những người quan tâm theo dõi lại mừng rỡ nói với nhau vào buổi tối bế mạc rằng: “May mà đã… kết thúc!”

Festival… hài

Có lẽ, chưa có liên hoan (festival) nào khiến người tham dự tưởng đang xem một vở kịch hài nhiều màn. Nhưng tiếng cười không đến là sự vui vẻ mà là đến từ những chuyện buồn; cười ở đây là cười ra nước mắt!

Những chuyện hài từ công tác tổ chức trước LHP diễn ra đã được báo chí phản ánh nhiều không đếm xuể. Chỉ xin kể thêm một chuyện nhỏ: Theo giấy hẹn, 14 giờ ngày 16-10 sẽ phát thẻ tác nghiệp cộng giấy mời họp báo cho phóng viên và một số giấy mời cho đại biểu. Đến tận 16 giờ vẫn chưa thấy phát, thành viên Ban tổ chức (BTC) giải thích là thẻ in lỗi nên đến muộn. Thế là hơn 100 phóng viên ngồi bệt như… “cái bang” ở cầu thang Nhà hát Lớn Hà Nội suốt cả buổi chiều. Với cánh phóng viên trẻ, ngồi chờ vài tiếng là điều bình thường nhưng với người gần 80 tuổi như đạo diễn, NSND Hải Ninh ngồi chờ thêm thì chắc hôm sau khai mạc, ông không đi nổi vì… đau lưng. Lát sau, ông đành ra về.

Đỉnh cao của những trò cười kéo dài suốt 5 ngày LHP phim diễn ra. Điều đáng buồn của LHP rất nghiệp dư nhưng lại được gắn mác “quốc tế”. Khi hỏi về cảm tưởng LHP, nhiều bạn bè nước ngoài góp ý “hữu nghị” đại khái là cần cố gắng ở lần sau khiến ai nghe thấy cũng phải xấu hổ.

Thừa biết công tác chuẩn bị đã quá dở thể nào cũng xảy ra sự cố nên BTC khi phát lịch chiếu phim đã khôn khéo chú thích: “Lịch có thể thay đổi mà không cần báo trước”. Cho nên, không khó khi nhiều người xem ngớ người khi giờ khởi chiếu phim Tình yêu cây táo gai (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) chậm đến hơn 1 tiếng. Đã thế, người có vé mời và người bỏ tiền mua vé tranh nhau suýt “tẩn” nhau để giành chỗ. Nhiều phim quá đông người xem so với dự kiến của BTC nên khán giả đến muộn phải xem phim… ngồi bệt. Người xem lấp đầy các rạp là điều đáng mừng nhất của LHP dù cho họ biết đến LHP nhờ phương pháp truyền miệng truyền thống hơn là nhờ quảng bá của BTC.

Nơi hậu trường cũng không lắm chuyện bi hài. Không khó nhận ra số người làm nhiệm vụ tại LHP (phóng viên, an ninh, tình nguyện viên…) nhiều hơn số khán giả hâm mộ đứng hai bên thảm đỏ. Có thông tin “rỉ tai” rằng: trong số những “fan” đứng bên hai thảm đỏ đa số chẳng phải là người yêu điện ảnh mà là người ở… đâu đâu được kéo đến để lấp chỗ trống. Nhiều người trong nghề lên tiếng góp ý, lẽ ra, tất cả mọi hoạt động của LHP nên ở Nhà hát Lớn thì gần gũi hơn với người dân đúng tính chất festival hơn là tổ chức ở Trung tâm hội nghị quốc gia.

Những hoạt động bên lề LHP được đánh giá là là điểm nhấn tích cực. Đơn cử, tại toạ đàm “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, các bên liên quan quyết tâm: Nói không với điện ảnh nghiệp dư; và đề ra biện pháp giải quyết là: con người tốt và phương tiện làm phim tốt. Những điều trên bao lần hội thảo trước đã đề cập đến; nên, có nhiều vị trưởng lão điện ảnh ngồi dưới khán phòng chép miệng: “Biết rồi, khổ lắm. Nói mãi!”. Hội thảo kết thúc không có lời hứa hẹn nào từ Cục Điện ảnh là có cử người đi học ở nước ngoài không? Và bao giờ chấm dứt tình trạng phim Việt Nam phải mang sang nước ngoài làm hậu kì. Điều người yêu điện ảnh chờ đợi là các cơ quan quản lí hành động để nâng tầm điện ảnh nước nhà chứ không chỉ nói suông.

Cứu “thua” ở… phút 90

Dù ngay từ đầu LHP đã đề ra mục tiêu là chuyện thắng thua không quan trọng, thế nhưng chính những giải thưởng được trao ở đêm bế mạc đã cứu LHP khỏi sự thất bại toàn diện chẳng khác nào pha cứu thua ở phút... 90 trong bóng đá.

Các giải thưởng LHP đã được trao đúng chủ nhân. Về Giải phim ngắn xuất sắc nhất được trao cho phim tài liệu Luôn ở bên con (đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải) là chính xác và không làm ai bất ngờ bởi đề tài được phản ánh là cuộc chiến chống ung thư máu của bé Phương khiến bộ phim nhận được sự đồng cảm lớn. Điều đáng mừng đây là bộ phim tài liệu về thời bình nối tiếp những phim tài liệu về chiến tranh luôn là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam như: Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm “khùng”, Trở lại Ngư Thuỷ…

Riêng, Giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Nhật Kim Anh (chung giải với nữ diễn viên Hồng Kông Fiona Sit) có người cho là mang tính “cơ cấu”, nói toạc ra là thiên vị chủ nhà. Cần phải phân biệt rạch ròi, phim Long Thành cầm giả ca không phải là phim hay nhưng không có nghĩa diễn xuất của Nhật Kim Anh trong vai cô Cầm là dở, nếu không muốn nói là tốt. Và nếu ai theo dõi những vai diễn của Nhật Kim Anh ở các phim truyền hình từ 39 độ yêu cho đến Hạnh phúc mong manh đều thấy dù diễn vai phụ nhưng Nhật Kim Anh đều diễn xuất tốt, có những tập phim cô lấn át luôn diễn viên chính. Cho nên, giải thưởng mà Nhật Kim Anh giành được hoàn toàn xứng đáng.

Hai giải thưởng quan trọng nhất của LHP là Đạo diễn và Phim truyện nhựa xuất sắc nhất được trao cho phim Xin-ga-po Lâu đài cát (đạo diễn Boo Junfeng) là một bài học giành cho điện ảnh Việt Nam. Đó là không cần một cốt truyện ly kì, những cảnh “nóng”, cần nhiều kĩ xảo mà xoay quanh dựa trên một câu chuyện tình tinh khôi đã đủ chứa đựng tính nhân văn, các xử lí đầy tính nghệ thuật. Điều lạ ở chỗ điện ảnh Việt Nam từng thành công khi đi theo hướng trên qua những phim như: Đến hẹn lại lên, Cánh đồng hoang, Mối tình đầu… nhưng một sự “đứt gãy” thiếu kế thừa đã khiến điện ảnh Việt Nam sa dần vào phim thị trường nhàm và nhạt.

BTC không nói rõ LHP lần thứ II có tổ chức hay không nhưng nếu điện ảnh Việt Nam không đến tầm chuyên nghiệp cộng với cách tổ chức vội vàng như LHP vừa qua rõ ràng thà không nên tổ chức LHP còn hơn.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

GIẢI BÓNG ĐÁ U21 QUỐC TẾ BÁO THANH NIÊN 2010: NÂNG TẦM CỐNG HIẾN

Theo như thông lệ, sau mỗi vòng chung kết giải bóng đá U21 báo Thanh niên sẽ diễn ra Giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên. Năm nay giải lần thứ tư sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 31-10 trên SVĐ Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ngoài hai đội tuyển chủ nhà là U21 báo Thanh niên và U19 Việt Nam, giải còn quy tụ được 4 đội bóng trong khu vực Đông Nam Á là: U21 Xin-ga-po, U21 Ma-lai-xi-a, U21 Thái Lan và U21 Mi-an-ma. Phân định thắng thua là điều dĩ nhiên trong một giải đấu, song điều người hâm mộ mong muốn là được xem các cầu thủ thi đấu hết mình, đúng tính chất của một giải đấu “trẻ”.

HLV Đinh Văn Dũng đã tiết lộ với báo giới mục tiêu của đội U21 báo Thanh niên là lọt vào vòng bán kết. Đây là một mục tiêu vừa sức khi những đối thủ dự giải đều có thực lực ngang tầm nhau và động lực trong thi đấu cũng đang lên cao. Theo dự đoán của các chuyên gia “tứ hùng” giải đấu sẽ là: U21 báo Thanh niên, U21 Xin-ga-po, U21 Ma-lai-xi-a và U21 Thái Lan.

Kết quả hai trận đấu đã diễn ra vào chiều ngày 23-10 giữa U21 Xin-ga-po và U21 Ma-lai-xi-a (1-1), U 21 báo Thanh niên và U21 Mi-an-ma (4-1) phản ánh đúng thế trận và trình độ các đội tuyển. Song đằng sau hai trận đấu trên, có thể thấy các đội bóng thi đấu khá thận trọng. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ trách nhiệm về màu cờ sắc áo khiến sức ép thắng thua đè nặng lên đôi chân các cầu thủ. Vì vậy, phần lớn thời gian hai trận đấu đều diễn ra tẻ nhạt.

Bất cứ giải đấu bóng đá trẻ nào đều đặt mục tiêu là phát hiện tài năng trẻ. Giải bóng đá quốc tế U21 báo Thanh niên luôn là sân chơi để những tài năng trẻ trong khu vực cất cánh ở những sân chơi lớn như Seagame, AFF Cup, Asian Cup… Cho nên, nếu cứ thi đấu cầm chừng chỉ để an toàn mà không rèn luyện, phô diễn tài năng thì chẳng hoá ra giải đấu trẻ chỉ để các đội đọ thắng thua đơn thuần. Và nếu như cần thưởng thức những trận cầu tính ăn thua cao, khán giả chỉ cần ngồi ở nhà xem Ngoại hạng Anh hay Champions League là đủ. Bung hết sức thi đấu, thể hiện tài năng, qua đó nâng tầm cống hiến giải đấu trẻ. Đó là điều người hâm mộ tại giải đấu bóng đá quốc tế U21 báo Thanh niên.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ VIỆT NAM LẦN THỨ I: "THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP?"

Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ I (gọi tắt là LHP) sắp đến “giờ G”. Sự chờ đợi của những người điện ảnh Việt Nam đang dần nóng lên khi họ sắp được thưởng thức những bộ phim của những nền điện ảnh tiên tiến, được tiếp xúc với những thần tượng ngỡ không bao giờ được thấy ở đời thực. Bên cạnh những niềm hi vọng LHP thành công tốt đẹp vẫn còn đó bộn bề nỗi lo.

Chuẩn bị chưa “chuyên”!

Nếu đòi hỏi một LHP lần đầu tiên được tổ chức ở một nền điện ảnh kém phát triển như Việt Nam lại hoàn hảo từ A đến Z như ở các LHP Âu-Mỹ là điều không tưởng.

Nhìn khách quan, những đơn vị tổ chức cũng đã có nhiều cố gắng để LHP đạt đến tầm “chuyên nghiệp”. Trước tiên, thời điểm tổ chức LHP được đánh giá là tương đồng với giai đoạn phát triển nhanh của điện ảnh Việt Nam biểu hiện qua lãi ròng nhờ bán vé và phản hồi tích cực từ dư luận. Ban tổ chức (BTC) LHP cũng có tinh thần cầu thị khi chủ động đi Đông, đi Tây học tập các nước bạn như: đề cao tính chất “festival” (liên hoan) hơn là việc thi thố thắng thua và không thương mại hóa LHP khi hạ giá vé hết mức. Công tác truyền thống cũng đặc biệt được coi trọng khi thông tin sớm cho các đơn vị báo chí, phát tờ rơi tại các rạp phim và đặc biệt lập một website: http://www.vniff.com không chỉ đẹp về giao diện mà hơn hết là có tất cả thông tin cần biết về LHP.



Bên cạnh mặt tích cực, những hạt “sạn” trong công tác chuẩn bị lại có vẻ lộ ra nhiều hơn những ưu điểm. Dù kế hoạch tổ chức LHP đã được công bố hơn một năm trước nhưng có vẻ LHP cũng giống nhiều sự kiện ở nước ta là… nước đến chân mới nhảy! Chẳng hạn do thời gian gấp gáp, BTC không kịp tổ chức Hội chợ phim. Nghiêm trọng hơn, ngày 13-10 (còn 4 ngày tới ngày khai mạc), báo điện tử Vietnamnet dẫn lời đạo diễn Hà Sơn cho biết ông chưa nhận được giấy mời của BTC về việc Trung úy tham dự LHP trong khi thông tin về việc bộ phim chính thức dự LHP đã đăng tải trên website của LHP trước đó hơn một tuần. Giả dụ đoàn làm phim Trung úy từ chối không dự LHP thì khi đó nhiều khả năng nước chủ nhà mất một suất dự thi hạng mục phim truyện nhựa.

Nét mới của LHP sự liên kết giữa cơ quan quản lý là Cục Điện ảnh với các doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện và truyền thông là công ty BHD và Tập đoàn truyền thông Việt. Điều này tránh cho Cục Điện ảnh phải trực tiếp tham gia nhiều việc sở đoản. Thế nhưng, việc giao phó cho đơn vị tư nhân mà thiếu kiểm tra, đôn đốc đã khiến hiệu quả truyền thông không tốt. Ngoài việc phát tờ rơi cho người đến xem phim ở rạp, lẽ ra, cần chú ý đến những đối tượng ít có cơ hội thưởng thức điện ảnh. Không thấy poster LHP dán ở các cơ quan, trường học hay treo băng-rôn về LHP ở các trục đường chính ở Hà Nội. Vì thế, tận ngày 15-10, không ít sinh viên Trường đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội liên tục liên lạc với chúng tôi hỏi thông tin về liên hoan phim. Ngay cả với cánh phóng viên, không thấy BTC gửi địa chỉ website LHP để các nhà báo khai thác thông tin. Nếu không có nguồn tin riêng cung cấp, chúng tôi chắc cũng không biết website về LHP đang tồn tại.



Ngoài ra, sự tổ chức đã thiếu khoa học lộ ra từ đâu khi địa điểm các sự kiện của một festival điện ảnh lại quá xa nhau, trong khi thời gian trình chiếu của các phim thì lại trùng hoặc sát giờ nhau. Công tác an ninh cho LHP cũng làm nhiều đặt dấu hỏi, nhất là khi sẽ có ba triển lãm ảnh, hai chiếu phim và các giao lưu với minh tinh như Ngô Ngạn Tổ (Hồng Kông) ở ngoài trời. Nếu xảy ra sự cố đáng tiếc nào đó, chắc chắn uy tín của LHP sẽ chết từ trong “trứng nước”.

Việc chuẩn bị chưa chuyên nghiệp của BTC, nhiều người đã lường trước. Điều những người yêu điện ảnh mong là cần rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị để làm tốt hơn ở lần thứ II, tránh đi theo vết xe đổ của một vài sự kiện văn hóa tầm “quốc tế” tổ chức đến lần thứ ba mà vẫn chẳng bằng lần đầu.

Kì vọng ở chất lượng chuyên môn

Công tác chuẩn bị tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả để quyết định sự thành công của LHP. Các hoạt động chuyên môn của LHP chưa diễn ra thì chưa thể nói LHP thành công hay thất bại.

Tuy tính chất là festival nhưng điều nhiều người mong đợi nhất vẫn là kết quả của các hạng mục giải thưởng. Theo như thông lệ các LHP, Giải cống hiến sẽ được công bố trước khi LHP khai mạc. Giải cống hiến của LHP được loan ra khiến mọi người đều hai lòng khi thuộc cố đạo diễn, NSND Hồng Sến (1933-1995)-đạo diễn tiêu biểu nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam gắn với những bộ phim kinh điển như: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Nhiệm vụ hoa hồng, Chiến trường chia nửa vầng trăng…

Ngoài hai giải thưởng hỗ trợ các nhà làm phim là Giải thưởng NETPAC (Mạng lưới quảng bá điện ảnh châu Á), Giải thưởng hỗ trợ hậu kỳ - Technicolor Châu Á, về những hạng mục tranh giải chính, BTC tỏ ra khôn ngoan khi không “bày” quá nhiều hạng mục giải thưởng “hoành tráng” mà chỉ tinh gọn ở ba hạng mục: phim truyện, phim tài liệu, phim ngắn kèm theo là giải cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Ban giám khảo ở các hạng mục đều là những người giỏi chuyên môn như đạo diễn Người Mỹ trầm lặng Phillip Noyce, đạo diễn Bao giờ cho đến tháng Mười Đặng Nhật Minh… (phim nhựa), điều người ta hi vọng là sự công tâm của ban giám khảo để trao giải cho những tác phẩm xứng đáng.

Các bộ phim tranh giải đều là những bộ phim chỉ đến từ châu Á nhưng chính điều này tạo ra cơ sở ngang bằng tránh tình trạng quá chênh lệch chất lượng nghệ thuật giữa cá phim. Theo dự đoán của những người sành điện ảnh, nước chủ nhà nhiều khả năng sẽ giành giải ở hai hạng mục là phim tài liệu và phim ngắn.

Những sự kiện bên lề LHP cụ thể là ba tọa đàm và một hội thảo về phim 3D cũng sẽ thu hút nhiều người quan tâm. Điều mà ai cũng lo ngại là những hội thảo dự định tổ chức với những cái tên nghe rất kêu như: Diễn đàn Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt Nam, Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ bàn về điều gì mới mẻ và thiết thực hay chỉ để “xôm trò” cho LHP, kết quả tọa đàm sẽ chuyển đến cơ quan nào và quan trọng là có tác động nào không tới đường lối chính sách giúp điện ảnh nước nhà tăng tốc?

Tăng tốc nền điện ảnh, khẳng định đẳng cấp trên “bản đồ” quốc tế bằng những bộ phim có tính nghệ thuật cao hoặc có doanh thu lớn chính là con mục tiêu của điện ảnh Việt Nam và điều này, về lâu về dài, sẽ giúp LHP có sức hút các nền điện ảnh hàng đầu thế giới chủ động tham dự chứ không cần nhọc công mời mọc như hiện nay.

BOX:

Diễn ra từ ngày 17 đến 21-10, LHP quốc tế Việt Nam lần thứ I có 22 bộ phim tranh giải và 45 phim trình chiếu giới thiệu đến từ 23 quốc gia. Lễ khai mạc và lễ bế mạc trao giải lễ sẽ được tường thuật trực tiếp trên VTV1 vào 18 giờ 30. Vé khai mạc và bế mạc bán tại Megastar (Tầng 6, Tòa nhà Vincom,191 Bà Triệu, Hà Nội) và Trung tâm chiếu phim Quốc Gia (87 Láng Hạ, Hà Nội). Vé phim bán tại các cụm rạp : Megastar, Trung tâm chiếu phim quốc gia, Platinum Cineplex (Tầng 4, tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) và tại trụ sở Liên hoan Phim ở Nhà Hát Lớn (1 Tràng Tiền, Hà Nội). Người yêu điện ảnh có thể vào trang website: http://www.vniff.com để cập nhật lịch chiếu phim và các thông tin khác.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

BÌNH CHỌN... CARDVISIT!!!

Cái nghề của tui thì vô cùng quảng giao, thế nên không thể thiếu cái em Cardvisit. Sau một thời gian "tán tỉnh", năn nỉ i ôi đã được một nường họa sĩ nhận đì-zai free hào hiệp (nợ tiền trả dễ, nợ tình trả thế lào đây???:)). Nàng đì-zai mấy mẫu đẹp nong nanh khiến khổ chủ băn khoăn vò đầu bứt tai. Thui, đành nhờ bà con gần xa góp ý (Dù nhiều khả năng rơi vào bi kịch đẽo cày giữa đường!!!). Tất cả có 5 mẫu kể cả sơ khảo và chung khảo. Các đồng chí chỉ cần pm ở duới mục comment là ok. Tks trước

Đã có 3 người có comment "miệng":

- Tác giả Phương Linh chọn 1
- Đ/c Vân Chi: chị họa sĩ chọn 1
- Mẹ 2 người đẹp chọn 3

Những người tiếp theo cm qua YM:

- Đ/c Hưng: 2
- Đ/c Huyền Anh: 3
- Đ/c Hải: 1
- Đ/c Hạnh: 1
- Đ/c Bình: 1
- Đ/c Phương: 1
- 1 bác Đại tá: 1
- Blogger Tà Ảnh: 1 
Lời cuối cảm ơn tha thiết tới đồng chí/họa sĩ Lê Cẩm Phương Linh!


4 mẫu đầu tiên (sơ khảo)

3 mẫu cuối (gồm 2 mẫu ở dưới cùng và thêm mẫu mới):

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

SÁCH BẢN ĐẦU TIÊN...

Đang nợ bài tùm lum: nợ báo nhà, báo viết thuê, báo blog (bài phim lịch sử) nhưng vẫn cố rặn ra mấy chữ trên blog để sống và học tập khẩu hiệu: "Không nên hoãn cái sự sung sướng lại". Cái sung sướng ở đây là vừa mua được sách cũ. Cũ nhưng hay và đặc biệt hơn đều là bản in lần đầu tiên-khổ chủ có thói quen mua sách bản in lần đầu tiên.

Muốn làm gì tôi thì làm (J.C. Oates) - NXB HNV 94 (480 trang). Hơi khó hiểu vì chuyện số trang. Nguyên tác cuốn này là 563 pages. Hụt kha khá đây! Cuốn này tái bản năm 01 chia làm 2 tập. Tra trong dữ liệu Thư viện quốc gia xem số trang thì mỗi tập đều 442 trang tức 884 trang trọn bộ. Có vấn đề j đây??? Rảnh rỗi gặp bác dịch giả Vũ Đình Bình mới được. Hmmm

Phê bình văn học Trung Quốc đương đại (T.M. Sơn tuyển, dịch) - NXB KHXH 04. Đáng chú ý là các bài viết về tiểu thuyết

Văn học so sánh-Nghiên cứu và triển vọng-05. Các bài só sánh đi vào các ví dụ cụ thể lại dở hơn các bài so sánh các vấn đề lí luận khái quát hơn. Thích bài của bác Trần Ngọc Hiếu (tức Hải Ngọc).

Văn hóa học (Đoàn Văn Chúc)-97. Tác giả là một người đáng trọng lúc sinh thời. Cuốn sách tuy không phải là chuyên luận có hệ thống nhưng mỗi bài đều đi khá sâu vấn đề đặt ra.

A. Zorba-Con người hoan lạc (D. Tường dịch)-89. Cuốn này tái bản năm 06. Nhưng còn có cuốn cỏ hơn là A.Z con người chịu chơi (chắc là in trong xì gòn) Đã đọc cách đây 2 năm. Mua để chơi!!!

Sáng tạo và giao lưu (Phạm Vĩnh Cư)-04. Đã đọc từ lâu sau khi chôm sách từ Đ. Không thích sách này, nói chung tầm thầy Cư phải viết hay hơn những gì có trong cuốn sách. Mua để chơi!!!

Chị em gái (Stéphane Denis)-07 Đang đọc, chưa có nhận xét...

Mười hai truyện phiêu dạt (G.G. Marquez)-95 . Gặm nhấm từ từ...

....

Nhắn nhe các bloggers: Bác nào có cuốn Ký giả chuyên nghiệp (John Hohenberg), Hiện đại thư xã, Sài Gòn, 1974) thì ới một tiếng dưới mục comment vì khổ chủ đang cần mua. Đương nhiên là sách in chứ không phải sách copy. Nếu có 2 cuốn thì càng tốt.:) Thêm hình (chôm từ sachxua.net):

    

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

VỀ PHIM LỊCH SỬ....

Đang rất bận nên chưa tìm hiểu sâu về phim lịch sử để viết bài tử tế nhưng có mấy ý kiến sau đây: (sau này viết rồi sẽ đăng dưới mấy ý kiến này và thay nhan đề)

Chuyện phim lịch sử ta giống Tàu là điều đương nhiên vì: phim trường, đạo cụ của ta vừa không có và không xác định được chính xác thực tế nên mượn của người ta thì không giống mới là lạ. Nên nếu nhìn điểm này mà vu cho các nhà làm phim tội "thân Tàu" thì những người lớn tiếng phê phán cần im mồm lại.

Đằng sau cái việc phim lịch sử là chuyện chính trị. Ai chả biết thời điểm này rất nhạy cảm. Nhưng cần phân biệt giữa cái việc mấy nhà làm phim Tàu không hiểu rõ lịch sử nước ta và dẫn đến một kịch bản xa lạ; hay là cố tình "xâm lăng văn hóa". Cần phải phân biệt rõ: vô tình hay cố ý???

Về phía mấy ông doanh nghiệp bỏ tiền làm phim, cũng cần phân biệt: đâu là ý muốn cung tiến và đâu là trò đánh bóng thương hiệu.Hay là cả hai đều 50-50!!!

Hai điều này, thực ra rất khó để phân biệt vì nó nằm trong những ý nghĩ cá nhân làm sao có thể phân tích. 

Tội vạ lớn nhất vẫn là các cơ quan quản lí. Chỉ có thể nói một chữ: ngu! Không có chính sách đầu tư làm phim lịch sử, đến gần Đại lễ mới hô hào làm. Sau khi đã "xã hội hóa" làm phim lịch sử thì lại không kiểm soát quá trình làm dẫn đến những chuyện rối rắm như hiện nay. 

Hoan nghênh các bác lên tiếng chống phim vỏ Việt ruột Tàu. Nhưng phương pháp chống của các bác có vấn đề, nó nằm ở thái độ bài Tàu triệt để mà không tính đến tính nghệ thuật của phim. Điều này giống như những năm Đổi mới. Những người muốn thực thi Đổi mới dùng những biện pháp độc tài. Điều này khiến cho những người quan sát bên ngoài nghi ngờ thực tâm của những người Đổi mới. Nên lai tỉnh, lai tỉnh ở phương pháp! 


Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

HỘI CHỢ-TRIỂN LÃM SÁCH QUỐC TẾ VIỆT NAM LẦN THỨ III: "HỮU DANH..."

“Triển lãm-Hội chợ Sách Quốc tế Việt Nam 2007” tổ chức tại Trung tâm triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) đã được tổng kết bằng 2 chữ: thất bại! Ngỡ tưởng, các đơn vị tổ chức và tham gia đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu để làm tốt ở hội chợ kế tiếp. Thế nhưng, 3 năm sau, Hội chợ-Triển lãm sách quốc tế Việt Nam lần thứ III (gọi tắt là Hội chợ sách) tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Hà Nội) từ ngày 17 đến 21-9 vẫn chưa khắc phục những điều bất cập.

Đến hội chợ để…chào người quen

Hạn chế đầu tiên và dễ thấy nhất là công tác quảng bá. Nếu việc quảng bá tốt bao nhiêu, hệ quả sẽ là tỉ lệ thuận với số lượng người đến tham dự. Năm nay, Hội chợ sách có thêm các đơn vị xuất bản sách từ nước ngoài, nhất là sự tham gia lần đầu của Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới Frankfurt (Đức). Hội chợ sách được gắn với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội nên có rất nhiều ấn phẩm “hoành tráng” như: 1.000 bản in cuốn “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tập thơ “Hoa Lư thi tập” của Hoàng Quang Thuận với giấy dát vàng và bìa gỗ đỏ nặng tới 54kg… và gần một chục hội thảo bên lề. Tóm lại, những yếu tố cần để “hút” khách đã có nhưng tiếc số lượng người đến quá ít, trung bình không quá 1.000 người/ngày.



Nếu so với hậu quả gây tắc đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu do người đông như “trẩy hội” tại “Hội chợ sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI” tổ chức tại công viên Lê Văn Tám (Quận I) hồi tháng 3-2010 thì mới thấy hội chợ sách ở Hà Nội đã rơi vào thảm cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”; kể cả hai ngày nghỉ cuối tuần (18 và 19-9), khiến không một đơn vị nào đạt doanh thu trên 10 triệu đồng/ngày. Một phần nguyên nhân là do văn hóa đọc của Hà Thành văn hiến suy giảm rõ rệt nhưng nguyên nhân chính vẫn là quảng bá kém. Dù là người ham đọc sách nhưng nếu không qua đường Giảng Võ hoặc chú ý mục “tin văn hóa” trên báo đài thì chẳng bao giờ biết hội chợ sách quốc tế diễn ra những 5 ngày ngay tại trung tâm Hà Nội. Vì thế, đa phần người đến xem toàn là dân “mọt sách” đã biết mặt, biết tiếng nhau. Quỹ thời gian “vàng ngọc” để tìm sách hay đã phải cắt bớt để liên tục… chào người quen!

Có lẽ đã lường trước khả năng vắng khách nên một vài đơn vị có thương hiệu chắc chắn như Công ty văn hóa Phương Nam, Nhà xuất bản Tri thức không tham dự. Phần lớn những đơn vị khác cũng tỏ ra không mặn mà trong việc quảng bá thương hiệu. Những đơn vị này chỉ đơn giản thuê một gian hàng trưng bày những cuốn sách… tồn kho. Những cuốn sách mới cũng chỉ đem theo hai bộ, một bộ để bán một để trưng bày; người đến sau không có sách để mà mua như trường hợp gian hàng NXB T luôn được nhiều người hỏi mua bộ sách của một người Pháp viết về văn hóa Việt. Đó là chưa kể thái độ phục vụ-một phần trong việc gây dựng tên tuổi. Chẳng hạn, hôm khai mạc, tại gian hàng của NXB Q nổi tiếng chỉ có một anh nhân viên trông coi. Khách đến anh ta không chào hỏi, mời mọc mà mải… chơi game bằng điện thoại!

Nhìn tổng quan, có thể thấy các đơn vị làm sách mới ra đời tỏ ra năng động hơn hẳn. Những đơn vị như Thái Hà books, Alpha books, NXB Dân Trí, NXB Thời Đại… tận dụng thời gian hội chợ không chỉ để bán sách mà bằng mọi cách để khách hàng biết đến tên tuổi sinh sau đẻ muộn của mình. Các hình thức phát tờ rơi, giảm giá hết cỡ, ra mắt sách mới, mua trên 200 ngàn đồng sẽ có quà tặng, tổ chức hội thảo chuyên đề… Có thể nói, cùng với các đơn vị nước ngoài, những đơn vị làm sách trẻ này chính là điểm nhấn cho hội chợ sách, giúp người ta tin vào sự đổi mới thực chất trong tương lai chứ không chỉ “hữu danh” ở hiện tại.

Trên đường… chuyên nghiệp

Nếu phải so sánh, thì chính tại thời điểm bây giờ, là giai đoạn ngành xuất bản phát triển rực rỡ nhất. Chủng loại phong phú từ sách triết học cao siêu đến sách dạy… yêu. Hình thức ấn phẩm đa dạng từ sách bỏ túi đến sách điện tử (ebook). Song, qua những buổi hội thảo bên lề và thực tế các gian hàng trong hội chợ sách đã khiến ngay cả người ngoại đạo cũng nhận ra tính nghiệp dư vẫn tồn tại trong ngành xuất bản.

Nhìn vào gian hàng của một số nhà xuất bản như NXB Thể thao thì thấy các ấn phẩm rất nghèo nàn chủ yếu là sách luật của các môn thể thao và dạng sách lịch sử thể thao rút gọn mà nội dung không hơn từ điển mở Wikipedia; những cuốn sách thể thao nước ngoài nổi tiếng chưa được chuyển ngữ. Đây là hệ quả từ mô hình xuất bản cũ kĩ, mỗi ngành có một nhà xuất bản của ngành đó, quá bám vào xuất bản sách trong ngành mà không chịu mở rộng các chủng loại sách khác, dẫn đến nhà xuất bản không phát triển.

Số ít những đơn vị xuất bản năng động hơn, muốn vươn ra biển lớn thì gặp vô số các khó khăn do có quá ít kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản. Một điều đơn giản là việc đăng kí “mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách” (ISBN). Nếu được đăng kí thì sách bằng tiếng Việt sẽ bán trên mạng và nhất là bán ở những nơi có nhiều Việt kiều sinh sống như ở Mỹ vì ở nước này chỉ sách có mã ISBN mới bán được. Một ví dụ khác là một cuốn sách được làm cẩn thận nhất thiết phải có vài trang chỉ dẫn (index), muốn tìm nội dung gì chỉ cần xem cái “từ khóa” ở trang chỉ dẫn. Cả hai điều này sẽ chứng minh đẳng cấp chuyên nghiệp của một cuốn sách nhưng lại ít nhà xuất bản Việt Nam lưu tâm thể hiện qua những cuốn sách mới xuất bản được trưng bày tại hội chợ sách.

Những điều trên thực ra chỉ là những điều nhỏ nhặt không khó bằng các vấn đề về bản quyền, chống sách lậu, luật cho sự phát triển của sách điện tử… Nhưng có lẽ, trước khi giải quyết các vấn đề phức tạp cần nhiều thời gian thì các đơn vị xuất bản sách ở Việt Nam nên bắt tay vào làm ngay những điều nhỏ nhặt bởi thông thường làm điều nhỏ có tốt mới mong làm tốt điều lớn hơn.

HÀM ĐAN