Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

THỜI ĐÀM (XIX): ĐI VÀO CHIỀU SÂU...


Vài năm trước, có một đơn vị làm sách ra đời với mục tiêu in dòng sách công cụ kinh điển của nước ngoài. Giới làm sách khi đó tin rằng, đơn vị kia sớm muộn cũng lâm vào cảnh lao đao vì một lẽ đơn giản: Loại sách kia hay thì thật là hay, nhưng rất khó đọc.

Ấy thế mà, sau gần 5 năm ra đời, đơn vị làm sách vẫn “sống” khỏe, in hàng trăm đầu sách công cụ chất lượng, người khó tính cũng phải khen ngợi. Đặc biệt, có sách triết học chính trị nói về sự tự do của Anh ở thế kỷ XIX tái bản tới bốn lần. Nỗi lo về nguy cơ không có bạn đọc ban đầu hóa ra là không chính xác, là thừa!

Thành công của đơn vị làm sách công cụ kinh điển trên khiến người ta có thể khẳng định thêm về một chiến lược kinh doanh biết tôn trọng quy luật thị trường. Là đơn vị sinh sau đẻ muộn, thấy sách nào có khả năng bán chạy là lao đầu vào bất kể dòng sách gì thì làm sao cạnh tranh nổi với các “anh cả” đang làm mưa làm gió trên thị trường. Thôi thì nhất nghệ tinh nhất thân vinh, chọn lấy một dòng sách kén người đọc làm chủ đạo cũng có thể có lãi như thường, và nhất là sách kén người đọc thì không lo bị… in lậu. Một khi chất lượng sản phẩm đã đảm bảo, lập tức thương hiệu sách công cụ kinh điển của đơn vị nọ thu hút sự chú ý của người đọc.

Điều quan trọng là đơn vị kia đã nhìn thấy cơ sở bảo đảm thành công của dòng sách kinh điển đó là mặt bằng dân trí nước ta đang ngày càng được nâng cao. Sau thời gian đọc các loại sách giải trí, sách nhập môn dễ hiểu và nhờ thế giới ngày càng “phẳng” nên những kiến thức phổ thông đã trở nên bão hòa với một bộ phận bạn đọc; nhu cầu được hiểu sâu một vấn đề nào đó của nhiều người trở nên tất yếu. Dòng sách công cụ kinh điển của đơn vị làm sách nọ ra đời chẳng khác nào cơn mưa đúng lúc khô hạn. 

Nhìn sang số lĩnh vực khác như giáo dục đại học chẳng hạn, câu chuyện không vui vẻ chút nào. Nhiều nhà đầu tư giáo dục lợi dụng tâm lý sở hữu cái bằng đại học quá mãnh liệt trong xã hội nên mở hàng loạt trường đại học dân lập. Nhưng thực tế, chất lượng sinh viên ra trường của các trường dân lập kém đến nỗi, nhiều đơn vị muốn tuyển dụng phải ghi rõ chỉ nhận hồ sơ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học có tiếng tăm. Thế là không kèn không trống, nhiều đại học dân lập tự động đóng cửa khi không đủ sinh viên, bởi những tân tú tài nhận ra không thể mong chờ gì với những trường đại học có tư duy kinh doanh chụp giật.

Nhìn rộng ra các lĩnh vực kinh doanh thuần túy hơn đều chưa phát triển bền vững, chẳng hạn bất động sản, chứng khoán... cũng kẻ khóc người cười. Nguyên nhân sâu xa là nhiều người kinh doanh mà không hiểu quy luật cung cầu, thấy người ta làm được, đang lúc cao điểm bội thu mình lại lao vào tưởng ngon xơi. Đó là nhìn đơn thuần dưới góc độ kinh tế. 
       
Khổ nỗi, trong xã hội, cái tâm lý đám đông, làm theo phong trào còn ăn sâu bám chặt vào tư duy nhiều người nên không xác định được cho mình một con đường. Thấy người ta làm thơ có vẻ dễ quá, thế là mình cũng làm thơ, bán cả gà, lợn trong chuồng đi để lấy tiền in thơ, in xong thì... vứt xó. Dân gian xưa đã mỉa mai những người không có bản lĩnh, cứ theo đuôi thiên hạ trong làm ăn là: "Thấy người ta ăn chè đỗ đen, mình xúc cứt dê đổ bị". Và như thế, nhiều người thất bát quá lại gây cho xã hội những nỗi lo, bớt đi của xã hội những tiếng cười.

Không đi vào chiều sâu, không sống sâu sắc, sống say sưa với điều mình muốn, việc mình làm; không đủ lý trí để kìm hãm lòng tự phụ; không đủ tầm nhìn để biết mình biết người xem mình là ai và đang đứng ở đâu... thất bại là cái chắc.
                                                         
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG