Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

HUYỀN TÍCH "NGÔI NHÀ MỘT ĐÊM"

Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) vốn nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc bởi đây là làng nghề chuyên tạc tượng và những đồ thờ cúng nhưng ít người biết rằng trong ngôi làng nghề này còn có một di sản văn hóa đặc biệt đó là một ngôi nhà cổ được xây dựng chỉ trong… một đêm.

Vang bóng một thời

Ông Nguyễn Viết Vi chủ nhân của ngôi nhà huyền thoại kể một cách chậm rãi về huyền tích đã được truyền tụng suốt 335 năm qua.

Năm 1675, dưới đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều (1614-1690) mượn voi của triều đình để kéo nguyên vật liệu, phục vụ việc xây dựng đình chùa, miếu mạo, đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, phủ Hoài Đức (nay là thôn Đông Lao, xã Đông Lao, huyện Hoài Đức) kiệt sức mà chết. Theo luật thời ấy: hoặc là ông phải đền một con voi đúc bằng bạc nặng bốn tấn đúng bằng trọng lượng con voi thật; hoặc là phải chịu xử trảm. Vốn là quan thanh liêm, Đô đốc Nguyễn Công Triều dồn hết sản nghiệp cũng chỉ đổ được có 4 cái chân voi bằng bạc; án tử hình coi như đã tuyên. Người được giao xét xử vụ án là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644-1692). Ai cũng biết tính duy tình của người Việt mạnh như thế nào, nó thẩm thấu đến mọi lĩnh vực kể cả luật pháp cho nên trong truyện Kiều mới có câu: “Bề ngoài là lý song trong là tình”. Ông Thượng thư biết đồng nghiệp chẳng qua vô tình phải tội nên tìm mọi cách “biện hộ” cho bị cáo.

Sau nhiều đêm trằn trọc, ông mới nghĩ ra một kế. Nhân một lần “ngự đàm” với nhà vua, ông mới kể một câu chuyện dân gian. Chuyện rằng: Một anh tá điền nghèo phải đi cày thuê cho địa chủ. Một buổi trưa nóng như thiêu như đốt, người và trâu đang cố sức cày cho xong thửa ruộng thì đột nhiên chú trâu lăn quay ra chết. Địa chủ bắt anh tá điền phải đền... Vua nghe vậy, tức khí đập bàn quát: con trâu chết là tại trời, chứ có phải do anh tá điền muốn nó chết đâu. Anh nhà nghèo chả có tội nợ gì hết. Nhân cơ hội ấy, quan Tham tụng Nguyễn liền bẩm tấu vụ án phải đền voi bạc của Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều. Vua suy tính một hồi, khen ngợi tài trí của quan Tham tụng và đồng ý xóa tội cho Đô đốc Nguyễn Công Triều.

Từ đó, mối quan hệ vốn khăng khít trước đây nhờ vừa là đồng hương vừa là quan võ nay lại càng bền chặt. Ơn cứu mạng khiến Đô đốc luôn nghĩ đến việc đáp đền. Nhưng hễ Đô đốc nhắc đến việc giúp bạn chút vật chất là bị chối từ dù quan Thượng thư không sung túc. Lần hồi mãi, quan Đô đốc cũng tìm được một kế. Trong một lần đàm đạo, ông Đô đốc cũng cài vào câu chuyện rằng, làm con mà để cha mẹ già sống túng thiếu là không trọn đạo hiếu. Ấy thế mà song thân quan Thượng thư đang phải sống bần hàn ở quê. Đã xem nhau như ruột thịt, nên quan Đô đốc tự lãnh trách nhiệm đền đáp với song thân quan Thượng thư. Trước tiên là dựng một ngôi nhà khang trang ở Sơn Đồng. Cái lý của quan Đô đốc thật khó từ chối nên quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ nói thách: Chỉ nhận ngôi nhà nếu ngôi nhà làm xong chỉ trong… một đêm. Quan Thượng thư mừng thầm vì dù có tài mấy ông bạn thân cũng không thể làm được, âu cũng là một cách thoái thác tế nhị cái món quà vật chất của người bạn vong niên.

Một ngày đầu năm 1676, dân chúng vùng Hoài Đức thấy một đoàn tùy tùng ba trăm người cùng voi, ngựa, trâu, kéo gỗ, gạch, đá, ngói, hoành phi, câu đối… nhằm hướng làng Sơn Đồng thẳng tiến. Đến khu đất rộng 576 mét vuông của gia đình quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ, Đô đốc Nguyễn Công Triều bước vào căn nhà tranh, thi lễ với hai cụ thân sinh của bạn, xin phép dựng ngôi nhà mới. Công việc diễn ra trước một vùng đuốc sáng rực. Sớm tinh sương, bà con đổ đến xem tình hình ngôi nhà thì thật kỳ lạ. Mới chiều qua, nơi đây còn gồ ghề, với mái nhà tranh bé tẹo teo, nay được thay thế bằng ngôi nhà mới 5 gian, 2 chái dài hơn 18 mét. Song thân quan Thượng thư thì mừng đến rơi lệ trước tấm lòng của bạn con mình. Dân địa phương xúm lại chiêm ngưỡng những cây cột nhà bằng gỗ lim chắc, khỏe; trong lòng nhà lát gạch nâu bóng; những bộ hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng… mới tinh.

Sau khi khoản đãi binh sĩ và bà con dân làng xong thì mặt trời vừa đứng bóng. Quan Đô đốc Thái bảo dẫn đoàn tùy tùng báo với người bạn đã thực hiện được lời thách đố. Quan Thượng thư tròn mắt kinh ngạc; đôi bạn vong niên ghì chặt lấy nhau vì cảm động.

Phát huy di sản cha ông

Biết ông Nguyễn Viết Vi là hậu duệ đời thứ 11 của quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ không thuộc hệ con trai trưởng quan Thượng thư nhưng được thừa tự gia sản này. Đem uẩn khúc trên hỏi ông Vi, ông liền giải thích: Vì là nhà này được tặng nên cụ Nguyễn Viết Thứ để lại cho con thứ, chứ nhà đất của cụ đương nhiên thuộc về con trai cả.

Đời trước các cụ chỉ sửa sang đôi chút nên đến nay, ngôi nhà cổ này vẫn gần như nguyên vẹn. Theo lời ông Vi, ngôi nhà này vượng khí. Ngày trước, dưới thời Pháp thuộc, chúng đã phá dỡ bao ngôi nhà, cả đền chùa, nhưng ngôi nhà này không dám động đến, chỉ ngăn làm đôi để phục vụ cho ý đồ của chúng. Ông chỉ lên bức hoành phi với ba chữ vàng "Đức giã viễn", nói rằng, tôi luôn nhắc nhở con cháu ăn ở có đức có tâm. Tài năng, đức độ của hai người bạn tâm giao-cha ông chúng tôi Nguyễn Viết Thứ, Nguyễn Công Triều đáng để con cháu đời sau noi theo. Thời gian cứ trôi đi, con cháu hai dòng họ Nguyễn Viết ở Sơn Đồng và Nguyễn Công ở Đông Lao vẫn khăng khít. Người dân quanh vùng đó, vẫn ca ngợi tài đức và tình bạn của hai vị quan và ngôi nhà kỳ lạ. Ngôi nhà giống như một bức đại tự bằng vàng viết về cái đức và tài của người xưa. Nhiều người đề nghị ông Vi làm đơn để công nhận ngôi nhà là di tích lịch sử văn hóa. Ông vẫn chỉ cười mà rằng: “Công nhận hay không không quan trọng, quan là gìn giữ và được sống trong một kỷ vật quý báu của cha ông”. Ông quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” nên không tuyên truyền về giá trị văn hóa ngôi nhà.

Ông Vi cho xem những bức ảnh đầu những năm 1990, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Ông Vi-vốn làm trong ngành xây dựng, quyết tâm phục dựng ngôi nhà của tổ tiên vào tháng 11-1995, đại tu phần mái và sàn đã xập xệ.Nhờ tâm huyết của ông mà nay ngôi nhà đã trở nên đẹp đẽ hơn, tiếng tăm lan xa; ngôi nhà trở thành niềm tự hào của người dân Sơn Đồng.

Nay, tuy đã đến tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Vi vẫn một lòng trân trọng, gìn giữ, coi đây như một kỷ vật vô giá mà ông phải có trách nhiệm bảo vệ. Ông nói rằng được gìn giữ một kỷ vật của cha ông là một vinh dự và niềm tự hào lớn. Ông Vi chỉ tiếc vốn hiểu biết Hán học hạn chế nên không thể sưu tầm thêm tư liệu về cụ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ và câu chuyện khác liên quan đến huyền tích “ngôi nhà một đêm”.

HÀM ĐAN