Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

PHIM ĐỘC LẬP: MẠCH NGẦM CỦA ĐIỆN ẢNH

Mỗi một mùa phim, bên cạnh việc theo dõi các bộ phim bom tấn (block-buster), người mê điện ảnh cũng không quên theo dõi sự xuất hiện của các bộ phim độc lập (independent film). Tuy chưa bao giờ nổi lên chiếm lĩnh thị trường điện ảnh, song phim độc lập vẫn có vị trí quan trọng qua những đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh thế giới.

Sức sống bền bỉ
Phim độc lập thường được hiểu là những bộ phim có kinh phí thấp do một cá nhân hoặc một nhà sản xuất đứng ra thực hiện và tìm mọi cách thu hồi vốn sản xuất. Với một ngành nghệ thuật “in” ra tiền như điện ảnh, ngay từ khi còn sơ khai (đầu thế kỷ XX), đã có cuộc chiến giữa những hãng phim “đại gia” muốn vươn lên nắm thế độc quyền qua các hình thức như đẩy giá thành sản xuất phim cao, chiếm giữ các rạp chiếu… để chèn ép các hãng phim nhỏ.

Sau thế chiến thứ 2, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công đoạn làm phim không còn đắt đỏ như trước, giúp bất cứ ai nuôi mộng làm phim đều có thể tự làm từ A đến Z một bộ phim hoàn chỉnh. Cũng ở thời điểm này, các hãng sản xuất lớn dù đã nắm thế thượng phong nhưng lại thường sản xuất những bộ phim đi theo một khuôn mẫu có sẵn nhằm thu hút khán giả chứ không quan tâm mấy đến đổi mới điện ảnh. Một khi đã bị lạm dụng quá mức, những bộ phim bom tấn sẽ gây nhàm chán và đó cũng là điều kiện khách quan cho sự ra đời của phim độc lập.

Bộ phim độc lập gây chấn động đầu tiên là phim Little Fugitive (Kẻ chạy trốn bé nhỏ, 1953) giành giải Sư tử bạc tại LHP Venice 1953 và hai đề cử Oscar 1954. Từ đây, người ta nhận ra rằng: không cần ngôi sao điện ảnh, không cần nhiều kinh phí, không cần hãng phim lớn đỡ đầu, ai cũng có thể tạo ra bộ phim vừa đốt cháy rạp, vừa giành nhiều giải thưởng uy tín. Từ đây, lợi thế của phim độc lập cũng dần được định hình đó là người sản xuất hoàn toàn triển khai những ý tưởng riêng mình mà không phải lo việc đáp ứng nhu cầu của số đông khán giả nên phim độc lập đã khám phá ra chiều sâu tâm lí con người dưới góc độ tinh tế của điện ảnh, chứ không đầu tư vào những đại cảnh làm “no” mắt người xem.

Không chịu thua kém, các hãng phim lớn cũng nỗ lực đổi mới dựa trên sức mạnh của kỹ thuật điện ảnh để vẫn tiếp tục duy trì vị thế thống trị. Song, các hãng phim lớn cũng nhận ra tầm quan trọng của các bộ phim độc lập trong việc thu hút một lượng khán giả nhất định; và bắt đầu từ đầu những năm 1970, hãng phim lớn này bắt đầu đầu tư cho các nhà sản xuất thỏa sức sáng tạo mà không quá gò ép về mặt doanh thu như việc Hãng Warner Brothers chấp nhận chỉ thu về 60% lợi nhuận từ phim kinh dị Bonnie và Clyde sau khi liên minh với nhà sản xuất Warren Beatty. Phương thức góp vốn làm phim độc lập ngày càng phổ biến, để giờ đây một bộ phim được các hãng phim đầu tư 50% kinh phí sản xuất vẫn được xếp vào là phim độc lập.

Ngày nay, vị thế phim độc lập đã được nâng cao qua con số 15% doanh thu tại rạp chiếu phim ở nước Mỹ; đặc biệt hơn, phim độc lập luôn được đánh giá cao ở các LHP với những chiến thắng lừng lẫy gần đây như: Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) giành được 8 tượng vàng Oscar 2009, The hurt locker (Nơi chứa di vật liệt sĩ) giành 6 giải Oscar 2010 đánh bại siêu phẩm Avatar…

Phim độc lập Việt: Đường đi đã thấy!

Mấy năm gần đây, phim độc lập không còn là điều xa lạ với những người trong nghề ở nước ta. Một phần nhờ các thiết bị làm phim đã “bình dân” hơn nên việc sản xuất một bộ phim đã không coi là mơ ước viển vông. Mặt khác, “sân chơi” dành cho những người làm phim độc lập cũng đã được mở ra với tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF, cuộc thi làm phim trong vòng 48 giờ, LHP Ong vàng…

Dĩ nhiên ai cũng hiểu, việc sản xuất một bộ phim độc lập ngắn thực tế chỉ có hai lợi ích đó là: khẳng định tài năng của người làm phim để qua đó được tín nhiệm giao những dự án lớn hơn; và tích lũy kinh nghiệm để làm việc tập thể bởi điện ảnh không phải là môn nghệ thuật của cá nhân.

Tương lai của phim độc lập Việt Nam ngày một sáng sủa không chỉ bởi số lượng tăng mà còn ghi dấu ấn với việc vươn ra thế giới với bộ phim mở đường Bi, đừng sợ! (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di (sinh năm 1976). Sau thành công với kịch bản Chơi vơi (Đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á 2009), Bi, đừng sợ! là phim dài đầu tay của Phan Đăng Di sau hai phim ngắn ấn tượng Khi tôi 20 và Sen. Kịch bản Bi, đừng sợ! đã kêu gọi được tài trợ thông qua Giải Dự án châu Á nổi bật LHP Pusan 2007, lựa chọn đến LHP Cannes 2008-hạng mục L’atelier, được tài trợ 10.000 USD từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, 50.000 euro từ World Cinema Fund của LHP Berlin 2008... Phim được sản xuất bởi Le Arte, Sud-est và BHD năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp tháng 4-2010. Bi, đừng sợ! đã giành giải thưởng ở các LHP Cannes (Pháp), Thụy Điển, Hồng Kông… Thành công của đạo diễn Phan Đăng Di là thành công đến từ 17 năm kiên trì theo đuổi của cá nhân anh. Thế nên, để có một phim độc lập “tử tế” quả cũng lắm công phu, phim độc lập có những khó khăn riêng chứ không dễ dàng như là một “trò chơi” như nhiều người từng nghĩ.

Những thành công tiếp theo của phim độc lập Việt Nam chắc rằng sẽ còn được nối dài, nhiều khi rất… bất ngờ. Hoàn toàn một bạn trẻ Việt Nam sẽ giành được những giải thưởng danh giá kiểu như Jonas Geirnaert (Bỉ) ở tuổi 21 đã đoạt Giải phim ngắn xuất sắc nhất tại LHP Cannes với phim ngắn 11 phút Flatlife (Cuộc sống chung cư, 2004) vốn là phim định dành để… tốt nghiệp đại học.

Nhưng đó vẫn là mơ mộng ở tương lai, còn vào lúc này, chiếm lĩnh thị trường điện ảnh và là động lực đưa điện ảnh nước ta ngày một chuyên nghiệp vẫn là những phim giải trí đang “lên như diều” với doanh thu cao ngất ngưởng. Nhưng đừng quên đằng sau sự ồn ào của các bộ phim “hot” là “mạch ngầm” phim độc lập!

HÀM ĐAN