Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

DƯ LUẬN SAU KHI BỘ PHIM BÍ THƯ TỈNH ỦY KẾT THÚC: BƯỚC NGOẶT CỦA PHIM CHÍNH LUẬN

Bộ phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất đã chính thức khép lại sau gần 4 tháng trình chiếu liên tục trên kênh VTV1. Ngoài dấu ấn là bộ phim chính luận dài nhất Việt Nam từ trước đến nay, bộ phim còn được khán giả cũng như những chuyên gia đánh giá là bộ phim truyền hình chất lượng, tạo đà cho việc sản xuất các bộ phim chính luận và cả những bộ phim lịch sử dài hơi khác.

Bộ phim “4 sao”

PGS-TS, đạo diễn điện ảnh Trần Duy Hinh cho rằng, nếu chấm điểm theo thang bậc 5 sao thì phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy xứng đáng được 4 sao. Theo ông, mục tiêu lớn nhất mà bộ phim đặt ra đã được hoàn thành xuất sắc là nêu lên bài học lớn: đường lối xây dựng đất nước phải xuất phát từ thực tế cuộc sống mới có tính khả thi để đem lại cuộc sống no ấm cho người dân.

Ngoài tính chính luận có giá trị tuyên truyền, bộ phim cũng được khán giả đánh giá cao khi tái hiện lại hoàn cảnh điển hình một thời đại đã qua ở nông miền Bắc thời bao cấp. Bác Ngọc Oanh (cán bộ hưu trí phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Xem phim Bí thư tỉnh ủy, ngạc nhiên ở tài năng của đoàn làm phim khi đã dựng lại những chuyện cách đây mấy chục năm mà vẫn sống động như mới diễn ra. Dù địa điểm nơi câu chuyện phim diễn ra không phải là vùng quê nơi tôi từng sống thời thanh niên, song tôi cứ có cảm giác như chuyện ở quê mình”. Đi vào chi tiết hơn, một khán giả nữ giấu tên ở tỉnh Nghệ An cho hay: “Tôi rất thích các chi tiết về chuyện sản xuất nông nghiệp thời hợp tác xã có trong phim Bí thư tỉnh ủy. Thú thật, hồi trẻ, tôi cũng đã từng có lần làm dối như khi gánh thì một đầu nặng một đầu nhẹ, khi cân thì chỉ cân đầu nặng rồi nhân lên để tính công điểm. Xem phim như được sống lại thời kỳ sản xuất nông nghiệp mà người ta gọi là “cha chung không ai khóc”.

Nói về nhân vật chính bí thư Hoàng Kim, bà quả phụ Lê Thị Liên (nay đã hơn 90 tuổi) của cố bí thư Kim Ngọc-nguyên mẫu nhân vật nhận xét rằng: “Nhìn chung, bộ phim là tốt. Chọn diễn viên là ông Dũng Nhi rất giống ông nhà tôi từ vóc dáng, cho đến cách đi đứng. Và, bộ phim cũng đã nói lên được trăn trở vì nông dân của ông nhà tôi lúc còn đang làm việc”.

Trên kia là đánh giá của những người từng trải qua thời kỳ báo nên ít nhiều có thể đồng cảm được với nội dung phim Bí thư tỉnh ủy; nhưng với khán giả trẻ sinh ra khi đất nước đã bước vào thời kỳ Đổi mới thì tác động của bộ phim khá hạn chế. Khảo sát nhanh nhất là trên các diễn đàn mạng của giới trẻ và đặc biệt là các chuyên trang về điện ảnh, ít thấy xuất hiện chủ đề bàn luận về bộ phim. Song, cũng có một số ít bạn trẻ theo dõi không sót tập nào chẳng hạn như nhóm sinh viên ở ký túc xá trường Đại học văn hóa Hà Nội. Dù trời lạnh cắt da, họ vẫn tập trung trước màn hình để xem những tập cuối của bộ phim. Khi được hỏi lí do theo dõi bộ phim Bí thư tỉnh ủy, các bạn sinh viên trả lời rằng: xuất thân các bạn đều từ vùng nông thôn, nên… tò mò muốn biết thời báo cấp, người nông dân đã sống như thế nào? Nhưng sau khi theo dõi bộ phim lại cảm thấy khâm phục nhân cách người lãnh đạo như bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim.

Qua những khảo sát sơ bộ có thể thấy rằng: bộ phim Bí thư tỉnh ủy là một trong những bộ phim truyền hình tạo được dấu ấn nhất trong năm 2010.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Bên cạnh những lời khen, bộ phim cũng nhận được những góp ý của khán giả về những khuyết điểm chẳng hạn trang phục đôi chỗ không phù hợp với nhân vật, lời thoại chưa tự nhiên… Ngay từ khi phim chưa khởi chiếu, bản thân đạo diễn Quốc Trọng đã thừa nhận những khuyết điểm nói trên; ông viện lí do là do thiếu những điều kiện cần thiết để có thể thực hiện bộ phim tốt hơn. Đúng như đạo diễn Quốc Trọng tâm sự, quả thật, nếu đặt bộ phim vào bối cảnh chung của nền điện ảnh Việt Nam thì những khuyết điểm trên là điều khó tránh khỏi. Một khi quy trình làm phim truyền hình chưa chuyên nghiệp như việc chưa có trường quay cho từng giai đoạn lịch sử cụ thể, chưa có những người chuyên môn có tay nghề về trang phục và đạo cụ như hiện nay thì chưa thể đòi hỏi một phim chính luận lấy bối cảnh đã qua của nước ta lại có thể sánh cùng với các bộ phim truyền hình lịch sự của nước châu Á như: Ông trùm (Hàn Quốc), Cuộc đời tôi (Trung Quốc), Oshin (Nhật Bản)…

Đồng ý với ý kiến của đạo diễn Quốc Trọng về hạn chế của bộ phim, PGS-TS, đạo diễn Trần Duy Hinh lý giải thêm: Vì là một bộ phim truyền hình nên việc phải tãi cốt truyện để kéo dài nhiều tập phim nên việc xuất hiện nhiều tình tiết và cả lời thoại thừa, lặp và thiếu tự nhiên là điều hiển nhiên ngay cả các bộ phim truyền hình ở các nước tiên tiến cũng đôi khi vấp phải. Song, điều quan trọng nhất là cấu trúc bộ phim Bí thư tỉnh ủy đã cân đối được giữa việc trung thành với sự thật lịch sử mà vẫn có những yếu tố hư cấu nên không nhạt nhẽo như các bộ phim hoặc là quá nệ sử hoặc hư cấu quá mức. Cho nên, sản xuất được một bộ phim chất lượng như phim Bí thư tỉnh ủy là một nỗ lực đáng khen của ê kíp sản xuất. Quan trọng hơn, với vai trò như một bộ phim thử nghiệm, bộ phim Bí thư tỉnh ủy đã giúp đoàn làm phim thu được nhiều kinh nghiệm cho những bộ phim chính luận tiếp theo.

Nếu đầu tư có chiều sâu hơn như những gì đã đầu tư sản xuất bộ phim Bí thư tỉnh ủy, tương lai của dòng phim chính luận trở thành dòng phim chủ đạo ở nước ta phải chăng sẽ không còn xa?

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

VĂN HỌC VIỆT ĐẦU NĂM 2011: "MỞ HÀNG" ẤN TƯỢNG


Kết thúc năm 2010 lại thêm một năm văn học Việt Nam kéo dài của tình trạng “mất mùa” như các năm trước với hai biểu hiện chính là không có tác phẩm bán chạy (best-seller) cũng như không có tác phẩm có giá trị văn chương mang tính đột phá. Song thật bất ngờ, ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2011, hàng loạt cuốn sách văn học có giá trị được xuất bản tạo được sự chú ý của dư luận; đặc biệt hơn, ngoài các tác phẩm hư cấu (fiction), còn xuất hiện các sách phi hư cấu (non-fiction).

Các nhà phê bình lên tiếng

Lâu nay, người ta hay than phiền nào là phê bình không chuyên nghiệp, hoặc như không có các công trình chuyên sâu. Thực ra, những lời phê phán ấy chưa hẳn chính xác. Ngoài số đông những người viết phê bình văn học nghiệp dư trên báo chí với những lời phê bình cảm tính làm nhiễu loạn cách thẩm định tác phẩm thì vẫn còn có một vài nhà phê bình văn học học thuật âm thầm làm việc một cách nghiêm túc, dằn lòng chờ ngày trình làng “đứa con” cứng cáp. Đầu năm 2011, PGS-TS, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy trình làng cuốn chuyên luận Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam) song song với việc tái bản chuyên luận Hồ Xuân Hương-hoài niệm phồn thực (NXB Văn học và Song Thuy Bookstore) sau 11 năm ra mắt. Nếu cuốn sách tái bản đã được giới chuyên môn đánh giá là cuốn chuyên luận công phu về lí giải đích đáng tính dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương dưới cái nhìn từ tín ngưỡng phồn thực và khái niệm “vô thức tập thể” của nhà phân tâm học người Thụy Sĩ C.G. Jung (1875-1961); thì cuốn sách Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy lại là một công trình đầu tiên xâu chuỗi lịch sử tư tưởng phê bình Việt Nam từ khi hình thành đến nay đi kèm với đó là những dẫn nhập ngắn về các lý thuyết phê bình văn học đã hiện diện ở Việt Nam cùng với các gương mặt nhà phê bình văn học Việt tiêu biểu.

Một nhà phê bình kì cựu khác là GS-TS Đỗ Văn Khang cũng mới xuất bản cuốn sách Bình văn hiện đại (NXB Lao động). GS-TS Đỗ Văn Khang nổi lên từ thời kỳ Đổi mới văn học những năm 1980 với các bài luận chiến văn chương mạnh mẽ. Đúng như nhan đề cuốn sách, các bài viết trong tập sách chủ yếu là những bài bình văn, hoặc tranh luận của cá nhân tác giả thiên về những cảm xúc văn chương. Dẫu chỉ là cuốn sách tuyển các bài viết lẻ đã đăng rải rác trên các báo trong suốt mấy chục năm qua chứ không phải là một chuyên luận nghiên cứu có tính hệ thống nhưng cuốn sách cũng hàm chứa ít nhiều tính khoa học khi tác giả đã có chủ ý sử dụng lý thuyết phê bình văn học trong từng trường hợp cụ thể.

Hai cuốn sách phê bình văn học của hai nhà phê bình tên tuổi một lần nữa minh chứng cho sự tồn tại âm thầm nhưng có vị trí quan trọng của phê bình học thuật so với phê bình báo chí và qua đó khẳng định phê bình văn học cần phải có nền tảng khách quan khoa học mới mong tiệm cận và lí giải thấu đáo, thuyết phục các tác phẩm có giá trị.

Xuất hiện “cú sốc” tác phẩm

Ngay từ đầu năm, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam) của cố thi sĩ Trần Dần (1926-1997) đã được các nhà phê bình văn học xem như “cú sốc” văn học đầu tiên của năm 2011. Sở dĩ nói vậy bởi lẽ cuốn tiểu thuyết có những cách tân nghệ thuật tiểu thuyết ở các phương diện ngôn ngữ, cấu trúc, giọng kể, điểm nhìn… từ một cốt truyện trinh thám hấp dẫn dành cho đại chúng. Mặt khác, cần đặt cuốn tiểu thuyết này vào hiện trạng tiểu thuyết không phải là thế mạnh của văn học Việt Nam, và tác giả lại là nhà thơ, đặc biệt hơn khi cuốn tiểu thuyết được viết cách đây gần 50 năm mới thấy hết giá trị của cuốn tiểu thuyết.

Trong những nhà văn chuyên nghiệp có tên tuổi khác cũng cũng xuất bản các tập truyện ngắn đó là Ngô Phan Lưu với Con lươn chép miệng (NXB Văn học và Nhã Nam), Bùi Ngọc Tấn với Người chăn kiến (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam)... cũng đang được bạn đọc đánh giá cao và lọt vào danh sách các tác phẩm bán chạy. Dịch giả Trịnh Y Thư-người nổi tiếng với bản dịch Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera và Căn phòng riêng của Virginia Woolf (1882-1941) cũng lần đầu tiên xuất bản một tập truyện sáng tác là tập truyện ngắn Người đàn bà khác (NXB Thế giới và Song Thuy Bookstore) cũng được ghi nhận như một nỗ lực cách tân truyện ngắn bằng lối viết văn phân tích mới lạ so các kỹ thuật viết truyện ngắn quen thuộc trước đây.

Tiếp bước thành công của tác phẩm ăn khách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhà văn của tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh lại xuất bản tiếp cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (NXB Trẻ). Dưới hình thức một nhật kí, cuốn sách đã phản ánh một cách sinh động và vô cùng hấp dẫn các câu chuyện chỉ riêng có ở tuổi thần tiên. Hơn 15.000 bản in được tiêu thụ là minh chứng rõ nhất cho một hiện tượng best-seller đầu tiên của năm 2011.

Đầu năm 2011, cũng là năm mà văn học trẻ trở lại rầm rộ sau một thời gian vắng bóng với Yêu bằng tai của Nguyên Hương (NXB Trẻ), Hoàng tử và em (NXb Trẻ) của Meggie Phạm, Dựa vào vai em và khóc đi anh (NXB Hội nhà văn) của Hà Thanh Phúc, Em là để yêu (NXB Thời đại) của Phan Ý Yên, Nói là anh nhớ em đi (NXB Hội nhà văn) của Phan Anh… Xuất hiện nhiều như vậy song văn học trẻ vẫn chưa thoát khỏi sự dễ dãi của văn chương học trò để dấn thân vào những khám phá nghệ thuật nhằm phản ánh có chiều sâu tâm lý con người. Đây chính là lý giải vì sao văn học trẻ Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn kiểu như Buồn ơi, chào nhé như của nữ nhà văn Pháp F. Sagan (1935-2004). Dĩ nhiên, với lối viết trên nó cũng phần nào đáp ứng nhu cầu đọc của một bộ phận giới trẻ đọc sách để giải trí ở thời đại hôm nay.

Điểm qua các cuốn sách “mở hàng” có chất lượng nghệ thuật và cũng là những best-seller xuất bản trong tháng đầu tiên của năm 2011 có thể kì vọng đây là năm bội thu tác phẩm văn học chứ không phải chỉ có những sự kiện văn học xôm trò. Còn 11 tháng nữa mới hết năm 2011, sẽ hàng trăm cuốn sách văn học Việt nữa ra đời, hy vọng trong số đó sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay được xuất bản, chỉ có tác phẩm hay mới nâng tầm văn học Việt; qua đó, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển ngày một sâu rộng.

HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

TRƯỚC LỌT TRẬN BÓNG ĐÁ CHÂU ÂU CUỐI TUẦN: NÓNG BỎNG "NỘI CHIẾN ANH"


Ngoại hạng Anh: Vòng đấu của derby

Trong một mùa giải, ngoài một vòng đấu tâm điểm dành cho tứ đại gia, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh cũng sắp xếp một vòng đấu cho các trận derby; và vòng 23 này chính là vòng đấu của những đội đóng đóng đô cùng cõi nhưng lại là những đối thủ không đội trời chung.

Trận derby đáng chú ý nhất là trận nội chiến vùng Merseyside giữa Liverpool và Everton (21 giờ ngày 16-1 giờ Việt Nam). Những năm trước, “quỷ đỏ” Liverpool luôn ở thế thượng phong với người hàng xóm khoác áo xanh. Song khi mùa giải đã đi qua hơn một nửa chặng đường, Liverpool đang giậm chân ở số 13 đen đủi và bi đát hơn vị trí này còn dưới người hàng xóm Everton một bậc. Trong trận đấu của những người khốn khổ này, ai cũng muốn thắng không chỉ vì danh dự đơn thuần mà chính vì điểm số. Nếu Liverpool thắng thì đây là lần thắng đầu tiên sau 3 trận HLV và huyền thoại “quỷ đỏ” Ken-ni Đa-lít dẫn dắt. Lịch sử bóng đá có khá nhiều trường hợp là nếu thắng ở những trận quan trọng như trận derby thì phong độ dẫu đang sa sút thì lập tức lại thắng như chẻ tre trở lại.

Tình cảnh của đội bóng ở thủ đô West Ham United trước trận derby London với Arsenal (0 giờ 30 phút ngày 16-1 giờ VN) lại không thể tồi tệ hơn bởi họ chính là đội bóng xếp cuối bảng. Dù trong trận derby mọi dự đoán thường ít chính xác, song việc West Ham mà thắng Arsenal-đội bóng xếp thứ 3 lúc này chẳng khác nào là chuyện cổ tích. Mặt khác, sau trận thua Ipswich Town ở League Cup, HLV Arsene Wenger đã tuyên bố sẽ hủy diệt West Ham để “giải đen”. Và nhiều khả năng, sau trận derby London, A.Gờ-ran sẽ là HLV tiếp theo mất việc.

Một trận derby đáng chú ý khác là trận đấu vùng Đông Bắc nước Anh giữa “mèo đen” Sunderland và “chích chòe” Newcastle (19 giờ ngày 16-1 giờ VN). Hiện tại, vị trí của hai đội bóng có đội hình làng nhành này đang ở nửa trên bảng xếp hạng. Thế nên, trận derby sẽ càng hấp dẫn bởi ai cũng muốn nối dài giấc mơ càng lâu càng tốt.

Serie A và La Liga: Cơ hội bứt tốp

Ở Serie A lúc này, AC Milan đang dẫn đầu ở bảng xếp hạng với 40 điểm bỏ cách đội xếp Lazio 4 điểm. Ở vòng đấu vào cuối tuần này, AC Milan sẽ thi đấu với đội bóng xếp thứ 3 từ dưới lên là Lecce (2 giờ 45 phút ngày 17-1 giờ VN). Đây là cơ hội không thể tốt hơn để AC Mialn bứt tốp khi đối thủ Lazio sẽ phải đội bóng có lối chơi khó chịu là Sampdoria. Cũng ở vòng đấu này, những đội bóng mạnh khác là Inter Milan và Juventus cũng sẽ chỉ tiếp những đội bóng yếu, chiến thắng cho hai đội bóng đại giá là điều dễ dự đoán song với cách biệt gần 10 điểm, AC Milan hoàn toàn thảnh thơi tăng tốc mà không lo hơi nóng những đội bóng có thực lực phả sau lưng.

Ở La Liga, câu chuyện đáng quan tâm nhất vẫn liên quan đến Barcelona và Real Madrid. Cuối tuần này, đối thủ của Barcelona là đội bóng đang chôn chân vị trí thứ 16 Malaga (3 giờ ngày 17-1 giờ VN), đối thủ của Real Madrid còn dễ “xử lý” hơn là Almeria-đứng áp chót bảng xếp hạng. Việc một trong hai gã khổng lồ này xẩy chân trước hai đội tí hon sẽ là một bất ngờ lớn. Thế nên, khoảng cách 2 điểm mà Barcelona đang dẫn Real Madrid sẽ vẫn được duy trì và đây lại là cơ hội để hai đội dẫn đầu bỏ xa nhóm bám đuổi. Sự thay đổi vị trí có lẽ phải chờ ở những trận đấu lớn hơn giữa hai đại gia La Liga với các đối tủ sừng sỏ khác như Valencia, Villareal, Sevilla... và nhất là trận siêu kinh điển lượt về.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

THỜI ĐÀM (VI): THƠ VÀ SỰ ĐỔI MỚI

Việc đổi mới nghệ thuật từ xưa đến nay chưa có ai tuyên bố là việc dễ dàng, riêng với thơ xem ra còn khó khăn bội phần. Điều làm đau đầu các nhà thơ trong việc thể nghiệm đổi mới thơ ca không phải ở câu hỏi đầu tiên: Đổi mới để làm gì? Mục đích cụ thể để đổi mới ở mỗi nhà thơ thì khác nhau, song tựu chung có thể thấy các nhà thơ đều muốn lưu lại dấu ấn cá nhân trong các thi phẩm. Sẽ chẳng có gì buồn hơn nếu thơ mình làm ra lại giống thơ ông bạn, na ná thơ của các cụ và tệ hơn giống thơ mình cách đây… vài chục năm. Có nhà thơ đã than thở trong lời nói đầu một tập thơ mới xuất bản rằng: vài năm nay làm thơ theo những ý, những tứ đã mòn. Sẽ nhiều người băn khoăn với tâm sự của nhà thơ nọ: Đã biết là cũ sao vẫn cứ viết? Sao không đổi mới? Nhưng việc đổi mới thơ đâu cứ muốn là được. Từ đây, xuất hiện câu hỏi mới: Đổi mới thơ như thế nào?-đây mới chính là câu hỏi mà nhiều nhà thơ trăn trở.

Đổi mới thơ thật ngạc nhiên lại xuất phát từ quan niệm về chính bản thân thơ. Ngay từ đầu thế kỷ XX, từ giới lý luận thơ đến các nhà thơ đều có sự phân biệt rõ ràng giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn chương. Ngôn ngữ đời sống thì chỉ chú ý đến thông tin, còn ngôn ngữ văn chương ngoài mang tính thông tin giao tiếp còn mang thông tin thẩm mỹ. Với ngôn ngữ thơ, thông tin thẩm mỹ được đặt lên hàng đầu. Từ đó, ngôn ngữ trong thơ không còn là công cụ để nhà thơ chuyển tải tư tưởng mà bản thân ngôn ngữ chính là mục đích để đổi mới đúng như nhà lý luận thơ hàng đầu thế giới người Nga Roman Jakobson (1896-1982) viết: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”. Cho nên, người ta mới hay nói bản chất ngôn ngữ thơ là “mờ đục” chứ không phải quan niệm khá phổ biến ở nước ta cho rằng thơ phải rõ ràng, trong sáng, có gì nói nấy kiểu “thật thà như đếm”; nếu vẫn quan niệm thì muôn năm thơ sáng tác ở thời hiện đại vẫn sẽ giống ca dao tục ngữ của ngàn năm trước mà chẳng có chút thay đổi nào.

Việc đổi mới thơ nói riêng và công việc sáng tác nói chung hoàn toàn là việc làm của cá nhân, mang tính tự nguyện và mang tính tự nhiên chứ chẳng thể bắt ép, chẳng thể dạy hay bắt chước. Quá trình đổi mới là một quá trình tự “lột xác” nội tâm đau đớn. Đến đây, nhiều người sẽ nghĩ chắc mấy ông nhà thơ lại quan trọng hóa vấn đề bằng những ví von to tát. Sự thực chẳng quá lên một chút nào. Một khi động bút thể nghiệm một cách diễn đạt mới, nhà thơ sẽ gặp cản trở từ những quan niệm lỗi thời về thơ của số đông người viết theo lối mòn và người đọc đã bị “tự động hóa”. Điển hình nhất là thời kỳ Thơ Mới 1932-1945, các nhà thơ đổi mới hồi ấy như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… sáng tác các thể thơ tự do chịu ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây đã bị lớp nhà thơ cũ làm thơ niêm luật chặt chẽ ảnh hưởng của thơ ca Trung Quốc tẩy chay, chửi bới là bọn “mất gốc”, là đám nhà thơ không làm được thơ niêm luật nên mới đi làm thơ tự do. Nhưng rồi, Thơ Mới đã toàn thắng và đi vào trong tâm thức người đọc. Đến nay, sau hơn bảy mươi năm, chính bản thân Thơ Mới lại cũng đã trở thành cũ; vậy là một lần nữa, đòi hỏi cách tân thơ lại đặt ra cho các nhà thơ đương đại phải thoát khỏi những khuôn sáo mà thời Thơ Mới để lại. Việc đổi mới thơ không có nghĩa là vứt bỏ thơ cũ, không ai bảo Thơ Mới không còn có giá trị, Thơ Mới đã trở thành cổ điển-đã trở thành khuôn mẫu của thơ ca của thời đại mẫu người cá nhân đầu tiên ở đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc. Những người của thế kỷ XXI, có những cách sống và lối nghĩ khác tiền nhân vì vậy cần có thơ mới cho lớp người mới này.

Với các nhà thơ có tầm vóc, sự đổi mới thơ còn diễn ra trong bản thân các chặng sáng tác. Bước vào giai đoạn sáng tác mới họ phải quên đi những thành tựu mình làm được và bắt đầu lại từ đầu theo quy trình “phủ định của phủ định”. Như trường hợp Chế Lan Viên, các tập thơ sau 1954 của ông không chỉ đơn thuần là sự thay đổi nội dung, quên đi sự u buồn trong tập Điêu tàn (1937) mà còn là sự đổi mới hình thức thơ một cách ngoạn mục. Chế Lan Viên là người uyên bác, ông thừa hiểu đổi mới kỹ thuật thơ với những thủ pháp tân kì để tự kiến tạo con đường thơ của riêng mình thì thơ ông mới có thành tựu ảnh hưởng đến mai sau.

Đáng buồn, lớp hậu sinh không mấy người có tầm tư duy sắc sảo như thi sĩ họ Chế. Như trong một hội nghị, một nhà thơ chuyên nghiệp, đọc một tham luận để bảo vệ rằng thơ phải có vần, trong khi ai cũng biết thơ đương đại có vần hay không chẳng liên quan gì đến giá trị của bài thơ. Đọc tham luận xong, ông nhà thơ nọ nói nhỏ với ông bạn thơ ngồi bên cạnh: Tớ bây giờ đứng về phe bảo thủ rồi! Biết là mình đã bảo thủ mà vẫn khăng khăng bảo vệ những quan niệm cái cũ để dìm cái mới thì đúng là không còn gì để nói. Cứ tư duy và hành động như thế thì làm sao thơ Việt có thể ngang tầm thế giới!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

CHỜ "NGƯỜI ĐI QUA THUNG LŨNG"...


Vào 20 giờ ngày 14-1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch “Người đi qua thung lũng” sẽ được công diễn lần đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài việc đóng vai trò là sự kiện này sẽ kết thúc chương trình “Năm Đức ở Việt Nam”-nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giữa Việt Nam và CHLB Đức thì vở nhạc kịch còn hứa hẹn là tác phẩm sân khấu lớn và có tính nghệ thuật cao trong trong đời sống sân khấu nước ta trong mấy năm trở lại đây.

Dự án hoành tráng

“Người đi qua thung lũng” là vở nhạc kịch của Pierre Oser viết cho các diễn viên, vũ công và dàn nhạc giao hưởng, dựa trên phần thoại của Tankred Dorst có sự tham gia của của Viện Goethe Hà Nội, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện âm nhạc quốc gia.

Vở kịch “Người đi qua thung lũng” gồm 19 cảnh được dựng dựa trên câu chuyện thần thoại Trung Âu thời Trung Cổ. Nội dung thần thoại kể về Parzival-một đứa trẻ ngô nghê, hoang dã nhưng hiếu chiến, sống một mình với mẹ là Herzeloyde trong rừng rậm. Xuất phát từ ký ức người chồng hy sinh trong chiến trận nên Herzeloyde đã cách ly cậu con trai khỏi mọi hiểm nguy của trần thế, vì thế Parzival trở thành người không biết tình thương và lẽ phải. Parzival lao vào những trận chiến nhưng rồi chàng nhận ra sự vô ích của những hành động phá hoại của mình. Khi tỉnh ngộ, Parzival đã gặp được Blancherfleur-người phụ nữ mà chàng yêu say đắm. Sự tích về Parzival từ khi xuất hiện đã rất nổi tiếng và được sử dụng làm đề tài cho vô số các tác phẩm văn học, kịch nói, ca kịch và điện ảnh.

Dự án nhạc kịch “Người đi qua thung lũng” không phải là lần đầu tiên có sự kết hợp làm việc các nghệ sĩ trong nước và các nghệ sĩ quốc tế, song về quy mô thì đây là một trong những dự án lớn nhất. Quy mô dự án có thể hình dung qua hàng trăm nhân sự tham gia trực tiếp và gián tiếp bao gồm: Ca sĩ, diễn viên, nhạc công, vũ công, may phục trang do phía Việt Nam đảm nhận. Khối lượng lớn công việc còn lại do các phía bạn phụ trách, bao gồm: nhà soạn nhạc, chỉ huy và nhạc sĩ Pierre Oser và dàn nhạc giao hưởng; ca sĩ giọng nữ trung Silvia Modden phụ trách kỹ năng phát âm của các ca sĩ, cùng với các trợ lý là Ngô Hoàng Linh, Ngô Phương Đông và Vũ Thanh Dương. Đạo diễn của vở nhạc kịch là nữ đạo diễn Beverly Blankenship, hỗ trợ bà sẽ là nghệ sĩ Nguyễn Thị Huyền Nga, biên đạo múa Hans Henning Paar và Nguyễn Hồng Phong, họa sĩ sân khấu và thiết kế ánh sáng là nghệ sĩ Andreas Lungenschmid và họa sĩ Đỗ Doãn Bằng…

Tất cả những nghệ sĩ hết mình vì nghệ thuật của Việt Nam và Đức đã tập luyện ròng rã trong hơn 2 tháng trời để mong muốn giới thiệu cho công chúng Việt Nam một màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao, chứa đựng chiều sâu của văn hóa châu Âu.

Kĩ lưỡng từng chi tiết

Với một sự dự án nhạc kịch lớn như “Người đi qua thung lũng” việc lựa chọn diễn viên là điều cực kì quan trọng. Các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và quen thuộc trên sân khấu, điện ảnh và truyền hình là NSƯT Bùi Như Lai (vai Parzival) và NSƯT Nguyễn Trung Hiếu (vai Merlin) cùng với nhiều ca sĩ, vũ công danh tiếng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chính là “đảm bảo vàng” cho tính nghệ thuật của vở diễn. Đặc biệt, trong “Người đi qua thung lũng”, 6 diễn viên sẽ thể hiện 20 vai. Như vậy, một người sẽ đóng nhiều vai, trong các cảnh khác nhau. Nhưng, cũng có khi một vai do nhiều người thể hiện. Ví dụ, nhân vật Merlin là người biết hát, nhảy, múa, nên nhân vật này do 3 diễn viên đảm nhận...

Suốt vở nhạc kịch, phần đối thoại bằng tiếng Việt và các bài hát bằng tiếng được thể hiện bằng tiếng Đức (có phụ đề tiếng Việt) nên việc tập cho các ca sĩ kỹ năng phát âm là điều tối quan trọng. Công việc này được giao cho ca sĩ giọng nữ trung Silvia Modden. Trước hết, Silvia Modden phải giới thiệu lời hát bằng tiếng Đức, phát âm và và hát khớp vào nốt nhạc cho các ca sĩ Việt Nam nghe, để thấy rằng phát âm các nguyên âm và phụ âm trong nói và hát là khác nhau rất nhiều. Trong tiếng Việt, có các từ ngắn và đơn âm tiết, do đó không biết đến cách phát âm nối từ và nuốt từ. Silvia Modden tâm sự: “Đối với các ca sĩ Việt Nam, chỉ riêng việc nói những âm Đức khó (như "brauchst" hay là "sprichst") đã là một thách thức lớn và sau đó lại còn hát nữa (cũng tương tự như vậy, việc nói một câu ngắn bằng tiếng Việt với đầy đủ trọng âm và thanh sắc đối với chúng tôi là những khó khăn không thể tưởng tượng được). Như vậy, tôi giúp họ tất cả kĩ thuật quan trọng trong thể hiện và hát, đối với đơn ca cũng như hợp xướng và chỉ đạo hợp xướng”. Qua quá trình tập luyện, Silvia Modden đánh giá cao sự cố gắng để luyện từng âm thanh và luôn nhiệt tình vui vẻ luyện tập của các ca sĩ Việt Nam.

Phần việc quan trọng khác là thiết kế sân khấu và phục trang được hứa hẹn sẽ hấp dẫn bởi công việc trên sẽ tạo dựng một cuộc dạo chơi cùng với Parzival vào thế thế giới tưởng tượng. Khó khăn trong vật liệu không như Andreas Lungenschmid (họa sĩ sân khấu và thiết kế phục trang) tưởng tượng: “Gần như không có điểm khác biệt nào giữa làm việc ở Hà Nội và ở châu Âu. Nhưng có một thứ thực sự làm tôi ngạc nhiên là những thiết bị kĩ thuật giá trị cao ở đây lại dễ tìm hơn ở châu Âu”. Vì câu chuyện dựa trên một huyền thoại Đức trong một khoảng thời gian không xác định và tại những địa điểm không xác định với những nhân vật có tên trong cổ tích như Gwain, Herzloide và Merlin, phù thủy... nên Andreas Lungenschmid phải lắp ráp từng bộ phận như trong các phim tưởng tượng hoặc trong các truyện tranh Nhật Bản theo phong cách của giai đoạn lịch sử. Từ đó tạo ra những bộ trang phục cho tác phẩm phù hợp với mọi thời đại. Cũng như vậy, sân khấu luôn được thay đổi trong suốt buổi diễn.

Điểm qua một vài khau trong công tác chuẩn bị cho việc công diễn vở nhạc kịch cũng đủ thấy sự kỹ lưỡng trong từng chi tiết bằng tinh thần lao động nghiêm túc của những nghệ sĩ. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm những dự án nghệ thuật lớn như “Người đi qua thung lũng”, bởi từ đây những nghệ sĩ nước ta sẽ có thêm những kinh nghiệm trong việc dàn dựng và trình diễn những vở diễn lớn; khán giả Việt Nam cũng có cơ hội hiểu biết thêm sự đặc sắc văn hóa từ những “phương trời” khác.

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

VÒNG CHUNG KẾT GIẢI VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ CHÂU Á 2011: NGÔI VƯƠNG KHÓ ĐOÁN

Sau hơn 1 năm thi đấu vòng loại từ tháng 1-2009 đến tháng 3-2010, 10 đội bóng đứng thứ nhất và nhì 5 bảng đấu đã giành vé dự AFC Asian Cup 2011 cùng với 6 đội được vào thẳng là đội chủ nhà Ca-ta, 3 đội giành huy chương tại AFC Asian Cup 2007 là I-rắc, Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc và 2 đội vô địch AFC Challenge Cup là Ấn Độ (2008) và CHDCND Triều Tiên (2010). Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Á 2011 là lần thứ Vòng chung kết thứ 15 sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 29-1 tại 5 sân vận động ở đất nước vùng Tây Á Ca-ta.

Qua lễ bốc thăm tại thủ đô Đô-ha hôm 23-4-2010, đã xác định 4 bảng đấu của Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Á 2011 bao gồm:
Bảng A: Ca-ta, Cô-oét, Trung Quốc, U-dơ-be-kít-xtan.

Bảng B: Ả-rập Xê-út, Nhật Bản, Gióc-đan-ni, Sy-ri.

Bảng C: Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Ấn Độ, Ba-ranh.

Bảng D: I-rắc, CHDCND Triều Tiên, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (U.A.E), I-ran.

Chưa cần nhìn vào cục diện các bảng đấu mà chỉ cần xướng tên các đội bóng lọt vào Vong chung kết có thể thấy AFC Asian Cup 2011 đã quy tụ đầy đủ các anh tài ở làng túc cầu châu Á. Trình độ các đội bóng không quá chênh lệch nhau, đây được xem là tiền đề hứa hẹn sức hấp dẫn mang tính cạnh tranh cao của giải đấu lần này.

Nếu xét tương quan các bảng đấu, dễ dàng nhận ra ngay bảng D chính là “bảng tử thần”. Ngoài đương kim vô địch I-rắc đang quyết tâm bảo vệ ngôi vương tại AFC Asian Cup 2007 mà nhiều người cho rằng “ăn may” thì 3 đội còn lại đều có thực lực đáng nể. I-ran chính là đội bóng giàu thành tích nhất tại các kì AFC Asian Cup (3 lần vô địch, 4 lần xếp thứ 3); CHDCND Triều Tiên với lối chơi kỷ luật, từng gây khó cho Bra-xin tại World Cup 2010 vừa qua chí ít đã đặt mục tiêu lọt vào vòng loại trực tiếp, U.A.E tuy không được đánh giá cao song dưới sự chèo lái của HLV-cựu cầu thủ X-lô-ven-ni-a Srecko Katanec biết đâu lại gây bất ngờ?

Bảng B và C có lẽ sẽ không làm khó các chuyên gia dự đoán các suất vào vòng trong. Nếu không có nhiều bất ngờ, ở bảng B, Ả-rập Xê-út và Nhật Bản sẽ đi tiếp cho dù Sy-ri chưa bao giờ bị xếp là đội bóng “lót đường”; ở bảng C, Hàn Quốc và Ốt-xtrây-li-a-hai đội tuyển có đẳng cấp ngang tầm thế giới hẳn sẽ không khó khăn khi qua mặt Ba-ranh, riêng Ấn Độ-đất nước đông dân thứ 2 thế giới chưa bao giờ được đánh giá cao ở môn bóng đá bởi thế mạnh của thể thao nước này là bóng chày và bóng bầu dục. Bảng A dù không có “đại gia” nào góp mặt song lại là bảng đấu khó dự đoán bởi lẽ trình độ các đội đều ngang bằng nhau, chỉ có Ca-ta với tư cách chủ nhà sẽ có lợi thế tinh thần hơn các đội còn lại.

Ngoài Ốt-xtrây-li-a như một đội bóng châu Âu ngoài lục địa có thể tranh giành ngôi vô địch, cuộc đua đến ngôi vương lục địa vàng thực chất vẫn là sự cạnh tranh của hai trường phái bóng đá đến từ Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, bên kia là các đội bóng Tây Á là I-ran, Ả-rập Xê-út, I-rắc, Cô-oét. Đánh giá trên không chỉ dựa vào thống kê là 6 đội bóng vừa kể trên vô địch thay nhau 14 lần vô địch trong 15 Vòng chung kết AFC Asian Cup mà thực chất trình độ bóng đá hai khu vực trên đã vượt các đội bóng khác ở châu Á. Có chăng năm nay, Ốt-xtrây-li-a sẽ phá vỡ cán cân hiện tại như Ix-ra-en (đội bóng có các cầu thủ đều gốc châu Âu) từng làm được vào năm 1964.

Nhờ cơ hội vô địch được chia đều cho nhiều đội bóng có lối chơi khác nhau nên dẫu chất lượng chuyên môn của AFC Asian Cup vẫn chưa thể so được với Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO), Cúp bóng đá Nam Mỹ (Copa America) hay Cúp bóng đá châu Phi (CAN) thì AFC Asian Cup vẫn là giải đấu đáng xem vào đầu năm mới 2011.

HÀM ĐAN