Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

CHỜ "NGƯỜI ĐI QUA THUNG LŨNG"...


Vào 20 giờ ngày 14-1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch “Người đi qua thung lũng” sẽ được công diễn lần đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài việc đóng vai trò là sự kiện này sẽ kết thúc chương trình “Năm Đức ở Việt Nam”-nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giữa Việt Nam và CHLB Đức thì vở nhạc kịch còn hứa hẹn là tác phẩm sân khấu lớn và có tính nghệ thuật cao trong trong đời sống sân khấu nước ta trong mấy năm trở lại đây.

Dự án hoành tráng

“Người đi qua thung lũng” là vở nhạc kịch của Pierre Oser viết cho các diễn viên, vũ công và dàn nhạc giao hưởng, dựa trên phần thoại của Tankred Dorst có sự tham gia của của Viện Goethe Hà Nội, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện âm nhạc quốc gia.

Vở kịch “Người đi qua thung lũng” gồm 19 cảnh được dựng dựa trên câu chuyện thần thoại Trung Âu thời Trung Cổ. Nội dung thần thoại kể về Parzival-một đứa trẻ ngô nghê, hoang dã nhưng hiếu chiến, sống một mình với mẹ là Herzeloyde trong rừng rậm. Xuất phát từ ký ức người chồng hy sinh trong chiến trận nên Herzeloyde đã cách ly cậu con trai khỏi mọi hiểm nguy của trần thế, vì thế Parzival trở thành người không biết tình thương và lẽ phải. Parzival lao vào những trận chiến nhưng rồi chàng nhận ra sự vô ích của những hành động phá hoại của mình. Khi tỉnh ngộ, Parzival đã gặp được Blancherfleur-người phụ nữ mà chàng yêu say đắm. Sự tích về Parzival từ khi xuất hiện đã rất nổi tiếng và được sử dụng làm đề tài cho vô số các tác phẩm văn học, kịch nói, ca kịch và điện ảnh.

Dự án nhạc kịch “Người đi qua thung lũng” không phải là lần đầu tiên có sự kết hợp làm việc các nghệ sĩ trong nước và các nghệ sĩ quốc tế, song về quy mô thì đây là một trong những dự án lớn nhất. Quy mô dự án có thể hình dung qua hàng trăm nhân sự tham gia trực tiếp và gián tiếp bao gồm: Ca sĩ, diễn viên, nhạc công, vũ công, may phục trang do phía Việt Nam đảm nhận. Khối lượng lớn công việc còn lại do các phía bạn phụ trách, bao gồm: nhà soạn nhạc, chỉ huy và nhạc sĩ Pierre Oser và dàn nhạc giao hưởng; ca sĩ giọng nữ trung Silvia Modden phụ trách kỹ năng phát âm của các ca sĩ, cùng với các trợ lý là Ngô Hoàng Linh, Ngô Phương Đông và Vũ Thanh Dương. Đạo diễn của vở nhạc kịch là nữ đạo diễn Beverly Blankenship, hỗ trợ bà sẽ là nghệ sĩ Nguyễn Thị Huyền Nga, biên đạo múa Hans Henning Paar và Nguyễn Hồng Phong, họa sĩ sân khấu và thiết kế ánh sáng là nghệ sĩ Andreas Lungenschmid và họa sĩ Đỗ Doãn Bằng…

Tất cả những nghệ sĩ hết mình vì nghệ thuật của Việt Nam và Đức đã tập luyện ròng rã trong hơn 2 tháng trời để mong muốn giới thiệu cho công chúng Việt Nam một màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao, chứa đựng chiều sâu của văn hóa châu Âu.

Kĩ lưỡng từng chi tiết

Với một sự dự án nhạc kịch lớn như “Người đi qua thung lũng” việc lựa chọn diễn viên là điều cực kì quan trọng. Các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và quen thuộc trên sân khấu, điện ảnh và truyền hình là NSƯT Bùi Như Lai (vai Parzival) và NSƯT Nguyễn Trung Hiếu (vai Merlin) cùng với nhiều ca sĩ, vũ công danh tiếng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chính là “đảm bảo vàng” cho tính nghệ thuật của vở diễn. Đặc biệt, trong “Người đi qua thung lũng”, 6 diễn viên sẽ thể hiện 20 vai. Như vậy, một người sẽ đóng nhiều vai, trong các cảnh khác nhau. Nhưng, cũng có khi một vai do nhiều người thể hiện. Ví dụ, nhân vật Merlin là người biết hát, nhảy, múa, nên nhân vật này do 3 diễn viên đảm nhận...

Suốt vở nhạc kịch, phần đối thoại bằng tiếng Việt và các bài hát bằng tiếng được thể hiện bằng tiếng Đức (có phụ đề tiếng Việt) nên việc tập cho các ca sĩ kỹ năng phát âm là điều tối quan trọng. Công việc này được giao cho ca sĩ giọng nữ trung Silvia Modden. Trước hết, Silvia Modden phải giới thiệu lời hát bằng tiếng Đức, phát âm và và hát khớp vào nốt nhạc cho các ca sĩ Việt Nam nghe, để thấy rằng phát âm các nguyên âm và phụ âm trong nói và hát là khác nhau rất nhiều. Trong tiếng Việt, có các từ ngắn và đơn âm tiết, do đó không biết đến cách phát âm nối từ và nuốt từ. Silvia Modden tâm sự: “Đối với các ca sĩ Việt Nam, chỉ riêng việc nói những âm Đức khó (như "brauchst" hay là "sprichst") đã là một thách thức lớn và sau đó lại còn hát nữa (cũng tương tự như vậy, việc nói một câu ngắn bằng tiếng Việt với đầy đủ trọng âm và thanh sắc đối với chúng tôi là những khó khăn không thể tưởng tượng được). Như vậy, tôi giúp họ tất cả kĩ thuật quan trọng trong thể hiện và hát, đối với đơn ca cũng như hợp xướng và chỉ đạo hợp xướng”. Qua quá trình tập luyện, Silvia Modden đánh giá cao sự cố gắng để luyện từng âm thanh và luôn nhiệt tình vui vẻ luyện tập của các ca sĩ Việt Nam.

Phần việc quan trọng khác là thiết kế sân khấu và phục trang được hứa hẹn sẽ hấp dẫn bởi công việc trên sẽ tạo dựng một cuộc dạo chơi cùng với Parzival vào thế thế giới tưởng tượng. Khó khăn trong vật liệu không như Andreas Lungenschmid (họa sĩ sân khấu và thiết kế phục trang) tưởng tượng: “Gần như không có điểm khác biệt nào giữa làm việc ở Hà Nội và ở châu Âu. Nhưng có một thứ thực sự làm tôi ngạc nhiên là những thiết bị kĩ thuật giá trị cao ở đây lại dễ tìm hơn ở châu Âu”. Vì câu chuyện dựa trên một huyền thoại Đức trong một khoảng thời gian không xác định và tại những địa điểm không xác định với những nhân vật có tên trong cổ tích như Gwain, Herzloide và Merlin, phù thủy... nên Andreas Lungenschmid phải lắp ráp từng bộ phận như trong các phim tưởng tượng hoặc trong các truyện tranh Nhật Bản theo phong cách của giai đoạn lịch sử. Từ đó tạo ra những bộ trang phục cho tác phẩm phù hợp với mọi thời đại. Cũng như vậy, sân khấu luôn được thay đổi trong suốt buổi diễn.

Điểm qua một vài khau trong công tác chuẩn bị cho việc công diễn vở nhạc kịch cũng đủ thấy sự kỹ lưỡng trong từng chi tiết bằng tinh thần lao động nghiêm túc của những nghệ sĩ. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm những dự án nghệ thuật lớn như “Người đi qua thung lũng”, bởi từ đây những nghệ sĩ nước ta sẽ có thêm những kinh nghiệm trong việc dàn dựng và trình diễn những vở diễn lớn; khán giả Việt Nam cũng có cơ hội hiểu biết thêm sự đặc sắc văn hóa từ những “phương trời” khác.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét