Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

MỞ HƯỚNG ĐI MỚI TỪ "LÀNG TÔI"


 Vở xiếc “Làng tôi” ra đời từ năm 2005 với phiên bản đầu tiên lên tới 100 người biểu diễn; đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người và đi trình diễn ở nhiều nước Âu-Mỹ chinh phục được khán giả khó tính nhất. Tiếng tăm vở xiếc vang về cố hương khiến nhiều khán giả Việt Nam háo hức muốn được xem tận mắt để tự lý giải vì sao “Làng tôi” lại có sức hấp dẫn ở xứ người? Và mới đây, “Làng tôi” quay trở lại Việt Nam gây ấn tượng sâu đậm với khán giả ngồi chật Nhà hát Lớn Hà Nội suốt hơn 2 tiếng đồng hồ.

“Làng tôi” được sáng tạo qua bàn tay của 3 đạo diễn: Nguyễn Lân (Giám đốc nội dung đào tạo của Trường Nghệ thuật Xiếc TP.Chambéry, Pháp), Tuấn Lê (tốt nghiệp Trường Xiếc Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hiện sống và làm việc ở Berlin, Đức) và Nguyễn Nhất Lý (tốt nghiệp ĐH Paris VIII, nguyên Chủ tịch Hội đoàn Art-Ensemble, Pháp). Về bản chất, “Làng tôi” là một chương trình nghệ thuật xiếc với đủ các chiêu trò tung hứng, uốn dẻo, nhào lộn, đi thăng bằng... Nhưng “Làng tôi” không đơn thuần trình diễn những pha xiếc mà đi sâu vào xây dựng một chương trình xiếc có ý đồ nghệ thuật độc đáo.

Khác với vở kịch nói chung, “Làng tôi” không có cốt truyện diễn biến kinh điển thắt nút rồi mở nút mà theo kết cấu phân mảnh. Mỗi một cảnh của vở diễn độc lập với nhau, chúng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tái hiện văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ-cái nôi của văn hóa người Việt.

Với đạo cụ chính là những cây tre, những nét sinh hoạt và tinh thần văn hóa Việt tái hiện vừa rõ ràng mà không thiếu tinh nghệ thuật đầy biến hóa. Từ những cảnh lao động mò cua, cấy lúa...; những ngày hội làng, sinh hoạt Phật giáo... được sống trở lại không khí làng quê mà nhiều người từng gắn bó thời thơ ấu. Cách thức diễn đạt của nghệ thuật nói chung là dùng hình tượng! Ở đây, hình thể diễn viên và đạo cụ sẽ xây dựng hình tượng. Ví dụ, cảnh các thanh tre được dao động phía dưới, phía trên một diễn viên di chuyển trên một thanh tre và khua một thanh tre khác tái hiện lại cảnh chèo đò; hoạt cảnh này cũng muốn cho khán giả biết đây sinh hoạt con người Việt Nam gắn chặt với sông nước! Điều này cũng đòi hỏi, diễn viên không chỉ thuần thục các động tác xiếc mà còn phải có thêm kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Giải thích cho điểm mới của “Làng tôi”, đạo diễn Tuấn Lê cho biết: “Xu hướng chung của xiếc trên thế giới là không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ nữa mà xây dựng chương trình có ý tưởng, nội dung rõ ràng hay vở diễn có lớp lang và đưa được thông điệp đến người xem. Diễn viên phải “đa năng”, vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn”.

Sau đêm diễn đánh dấu sự trở về chính thức, “Làng tôi” dự kiến được diễn định kỳ hàng tuần từ tháng 4-2013. Giờ đây, khi “Làng tôi” đã trở về với cố hương và bước đầu giành được sự quan tâm của khán giả, đó là thành công không phải ngành nghệ thuật nào cũng làm được. Thực sư, xiếc Việt Nam đã đi đầu cho xu hướng không quá chuộng chất liệu mới lạ mà càng sử dụng chất liệu quen thuộc nhất có thể (trường hợp “Làng tôi” chính là văn hóa Bắc Bộ) nhưng bằng cách sáng tạo trong dàn dựng, phân cảnh và ý đồ nghệ thuật thì sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhưng không quá xa lạ và khó hiểu.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

THỜI ĐÀM (XXVI): ÁM CHỈ


Ám chỉ là một cách thức ngầm ẩn để phê phán một sự kiện, hiện tượng mà nhiều lý do người ta không muốn (được) nói… toạc móng heo. Vừa rồi, ở làng giải trí, một danh ca chê hai đàn em là khó có đủ trình độ để truyền nghề cho các “đệ tử”. Phản pháo thế nào cũng thiếu tế nhị nên một đàn em cao tay giả vờ dạy con để ám chỉ đàn chị nghi ngờ khả năng của mình bằng những câu nói bề ngoài vô hại kiểu như: “Luôn dạy con rằng đừng bao giờ làm tổn thương người khác dù là điều nhỏ nhất!!!”. Vụ việc vẫn còn tiếp tục “nóng”, nhưng nhiều người cho rằng hành động ám chỉ như vậy là không nên, có gì không đồng tình thì nên trao đổi thẳng thắn.

Trong sinh hoạt hàng ngày, ám chỉ đã bị xem là hành động tiêu cực, khi nó đi vào sinh hoạt văn chương hành động càng bị lên án, ai trót sử dụng ám chỉ trong tác phẩm ngay lập tức bị dân trong nghề xa lánh như tránh... hủi. Cách đây gần 30 năm, một nhà văn trẻ viết vài truyện ngắn đầu tay rất mới, rất hay được dư luận rộng khắp tung hô là “vua truyện ngắn”. Chẳng hiểu cái danh hiệu hơi quá đà kia có gây ngứa tai hay không mà một giáo sư đại học hễ nhà văn trẻ kia viết được truyện gì mới là viết ngay bài phê bình chê lấy chê để. Bực tức với sự chê bai lắm khi vô lối, nhà văn trẻ kia đã viết hai truyện ngắn ám chỉ bản thân giáo sư đại học kia là chẳng hiểu gì đem lý thuyết suông cũ mèm để lý giải tác phẩm độc sáng; truyện còn lại thì quá “dị” so với quy định là cạnh khóe đến cả bậc sinh thành của giáo sư nọ! Nhiều người cầm bút trước còn quý mến nhà văn trẻ, sau lại không ưa ra mặt, có người còn tuyệt giao vì cho rằng nhà văn này có tài nhưng không có đức.

Ám chỉ trong văn chương còn có chuyện “nhức đầu” khác là nhà văn viết ra tác phẩm không hề có ý ám bất cứ một chuyện gì vẫn bị buộc tội ám chỉ. Nếu chăm theo dõi thời sự văn học, chỉ tính 5 năm trở lại đây, có khả nhiều vụ việc tác phẩm chia hai luồng ý kiến, một phía bảo là ám chỉ, phía còn lại bảo không như: Vụ bài thơ “Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ” của nhà thơ Trần Quang Đạo, bài thơ “Phía ngược” của nhà thơ Ngô Đình Miên… Một điều khá trùng hợp là hầu hết các vụ việc tác phẩm bị nghi ngờ ám chỉ đều liên quan đến thơ! Điều này không khó hiểu vì bản chất ngôn ngữ thơ ca là “mờ đục”, không rõ ràng, đa nghĩa; cho nên dẫn đến hiện tượng một bài thơ có nhiều cách đọc và nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, cách hiểu một bài thơ ở mỗi người không giống nhau, nó phụ thuộc ở nhiều yếu tố như: Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, vốn tri thức… Nói theo cách của lý luận văn học là: Tác phẩm chỉ tồn tại thông qua sự đọc!

Đành rằng, người ngoài nghề văn chương cũng có quyền phát ngôn về cách nghĩ của mình về tác phẩm; song nếu không có trực giác nghệ thuật để hiểu tác phẩm và vốn tri thức văn học để lý giải rất dễ sa vào thói nguy hiểm là “chụp mũ”. Cần nói thêm rằng, những cách hiểu sai về một tác phẩm văn học nhất là thơ ca ở đâu cũng có thậm chí nhiều tác phẩm bị đem ra tòa để phân xử như vụ bài thơ “Hú” của nhà thơ Allen Ginsberg (1926-1997) ở Mỹ vào năm 1957. Mỗi khi có vụ việc văn chương ám chỉ, dư luận chỉ còn cách trông cậy vào những tiếng nói có thẩm quyền. Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã từng phải đánh công văn để giải thích cho một vài tác phẩm bị hiểu lầm là ám chỉ, một số nhà phê bình cũng hăng hái vào cuộc bảo vệ tác phẩm vô tội bị “chụp mũ”…

Xem ra, chuyện ám chỉ và những hệ lụy đi kèm không quá khó giải quyết. Và vấn đề này cũng không bao giờ mất hẳn vì khi các cá tính bị không đồng nhất như hiện nay thì đến một câu nói vô hại có khi còn bị hiểu lầm là xiên xỏ; huống chi là tác phẩm văn chương trong thực có hư trong, hư có thực! Chỉ có điều cần nói thêm mà ít ai để ý, đã là tác phẩm có dụng ý ám chỉ từ xưa đến nay hầu như không có ai biết đến sau vài chục năm ra đời. Lý do rất đơn giản, tác phẩm văn chương sống được là khi nó được xây dựng xuất phát từ những đức tính tốt đẹp con người và kết tinh của giá trị vĩnh cửu của văn học; ám chỉ đi ngược lại khi sử dụng văn chương cho mục đích phi văn chương. Đã không vị nghệ thuật lẫn vị nhân sinh thì làm sao neo đậu trong trái tim người đọc!    

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

CÙNG BÀN LUẬN (XVI): LÀM "SỐNG LẠI" NHỮNG DI TÍCH CÁCH MẠNG


Càng đến gần những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như Quốc khánh 2-9, nhu cầu của du khách được trở về các di tích gắn liền với quá trình kháng chiến gian khổ giành độc lập tự do cho Tổ quốc của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh càng tăng lên. Vẫn biết rằng, thời nay không thiếu những phương tiện hiện đại để giáo dục truyền thống Cách mạng, nhưng không cách nào sinh động bằng được đi tận nới, nhìn tận mắt những di tích gắn liền với sự kiện và nhân vật in dấu trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho nền độc lập của đất nước, sự no ấm của nhân dân ngày hôm nay.

Tầm quan trọng của di tích Cách mạng cơ bản đã được các cơ quan chức năng nhận thức đúng đắn; từ đó, đã có những biện pháp bảo vệ, trùng tu và phát triển giá trị di tích. Như địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), những người có trách nhiệm không chỉ gìn giữ tốt một số đoạn đường hầm, mà còn giữ cả khu rừng nguyên sinh, giữ nguyên đường đất đi vào địa đạo. Cao hơn nữa là dựng lại một phần nhỏ đủ hình dung cuộc sống trong lòng địa đạo Củ Chi. Còn gì thú vị và cảm động hơn sau khi tham quan địa đạo, du khách được ăn những miếng sắn luộc từng là thức ăn của của cán bộ, chiến sĩ vùng “đất thép” gian khổ năm xưa!

Nhưng không phải ở đâu những di tích Cách mạng cũng phát huy được giá trị như địa đạo Củ Chi. Ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên)-vùng ATK trong kháng chiến chống Pháp mới chỉ có 19/129 di tích được xếp hạng. Không được xếp hạng đồng nghĩa với việc di tích không được bảo vệ trước sự hủy hoại của tự nhiên và tệ hơn là của con người. Nhiều di tích chiến tranh nổi tiếng thế giới, ghi lai chiến công hiển hách thời đại ta, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng lại rơi vào tình trạng "dự án treo" đến cả một thập kỉ, như hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra tại Quảng Trị.

Phục hồi các di tích Cách mạng là đòi hỏi cấp thiết nhưng vẫn hết sức thận trọng tránh những cách làm vô nguyên tắc. Trong quá trình phục hồi các di tích, chính quyền địa phương cần phải “cầu thị và bắt tay” chặt chẽ với các nhà khoa học (đặc biệt là các nhà sử học) để phục hồi chính xác hiện trạng di tích trong quá khứ. Bởi một khi phục dựng sai sẽ phản lại giá trị giáo dục!

Với những di tích đặc biệt không khác gì một “bảo tàng ngoài trời" khổng lồ như Điện Biên Phủ cần có những kế hoạch phục dựng trung thực bằng tầm cao nghệ thuật và khoa học hiện đại. Điểm độc đáo trong nghệ thuật quân sự của quân đội ta trận Điện Biên Phủ là chiến thuật công kiên. Đặt giả thiết rằng, những đường hào từng là “thòng lọng” kết liễu quân đội Pháp được phục hồi, du khách sẽ hiểu sâu sắc tầm quan trọng sự thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, là quyết định chính xác và "khó khăn nhất" trong đời cầm quân của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vốn chỉ được đọc trong sách vở và nghe kể như huyền thoại.    

Muộn và khó vẫn phải làm! Lịch sử giữ nước của dân tộc ta trong thế kỉ hai mươi sự thật mà ngỡ như huyền thoại. Nếu không nhanh phục dựng những di tích cách mạng thì không chỉ hôm nay thế hệ trẻ lãng quên quá khứ, mà muôn năm sau sự thật sẽ trở nên hư ảo, mờ nhạt. Sẽ rất nguy hiểm với nền văn hóa dân tộc ta, khi tuổi trẻ mai sau hiểu biết hạn chế về dân tộc, về cha ông mình, mất đi nguồn sữa truyền thống Cách mạng nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và khí phách của một dân tộc anh hùng. "Việc hôm nay chớ để ngày mai". Làm sống lại những di tích Cách mạng là việc làm vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài./.

          HÀM ĐAN

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

GIẢI THƯỞNG "BÚP SEN VÀNG" LẦN III-2012: CHUYỂN BIẾN VỀ CHẤT

Mới đây, giải thưởng “Búp sen vàng” lần 3 - năm 2012 đã kết thúc, nhận được những đánh giá tích cực của những người trong nghề. “Búp sen vàng” là giải thưởng hằng năm nhằm vinh danh những bộ phim truyện và phim tài liệu ngắn của các học viên dự án “Chúng ta làm phim” thuộc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam, lần thứ 3 giải được tổ chức vẫn hướng đến mục đích đưa bộ môn nghệ thuật thứ 7 đến gần hơn với khán giả và cũng như tạo cơ hội cho các bạn trẻ tự mình thực hiện phim ngắn.

Giải năm nay đã nhận được hơn 40 bộ phim tham dự, 7 giám khảo của “Búp sen vàng” năm nay là đạo diễn Phan Đăng Di, nhà quay phim Hoàng Tấn Phát, đạo diễn Trần Phương Thảo, đạo diễn Nguyễn Trinh Thi, nhà dựng phim Julie Béziau (Pháp), nhà biên kịch Bùi Kim Quy và nhà báo Phạm Hải Anh đã chọn ra 20 bộ phim tranh giải (10 phim tài liệu, 10 phim truyện ngắn). Ban giám khảo đánh giá chất lượng các bộ phim khá đồng đều, thể hiện góc nhìn sáng tạo về nhiều vấn đề của cuộc sống. Hai giải thưởng cao nhất của giải năm nay là: Giải thưởng “Búp sen vàng” cho phim tài liệu do Ban giám khảo chọn đã thuộc về bộ phim “Bạn là ai?” của đạo diễn Hoàng Huyền My và giải “Búp sen vàng” cho phim truyện do Ban giám khảo bình chọn đã thuộc về phim “Ngược dòng” của đạo diễn Lê Hoàng. “Ngược dòng” cũng đoạt giải “Búp sen vàng” cho phim truyện xuất sắc do khán giả bình chọn trong đêm chung kết.

Điều tích cực qua giải năm nay là dù tuổi đời các nhà làm phim còn rất trẻ, nhưng sự hồn nhiên trong cách diễn đạt đã tạo ra những bộ phim mới lạ. Cách làm phim tôn trọng sự thật cuộc sống, khách quan tối đa và giản dị trong thể hiện đang là xu hướng của các bộ phim hay gần đây như: “Nghệ sĩ” (Pháp), “Tình yêu” (Áo), “Người giúp việc” (Mỹ), "Sự chia ly" (I-ran).... Có thể nhận ra, các bộ phim tranh tài tại giải ngày càng bám sát xu hướng điện ảnh đương đại, công phu hơn trong cách kể chuyện. Chẳng hạn, “Cho tôi một vé về tuổi thơ” (Nguyễn Minh Phương, học sinh lớp 11) kể về những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái dưới góc nhìn từ một đứa trẻ bị gia đình cho là hư hỏng; đã phát lộ tinh tế những khác biệt về cách sống của hai thế hệ.

Một điều đáng ghi nhận khác ở giải năm nay là các bộ phim đã mạnh dạn đề cập đến những đề tài hóc hiểm đối với bất kỳ những người sáng tạo nào. Nổi bật là bộ phim tài liệu “Bạn là ai?” của Hoàng Huyền My (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) giành giải cao nhất cho phim tài liệu do Ban giám khảo chọn. Bộ phim kể về một cô gái tên Trang do hoàn cảnh mà trở nên cô độc, phong cách sống như con trai và có xu hướng chỉ có bạn là... con gái mà không rung động trước một chàng trai nào! Cô bị mọi người xem là “lập dị”. Tuy nhiên, bộ phim đã đi sâu vào cuộc sống của Trang và chỉ ra cô là người đáng thương hơn là đáng giận. Đồng thời, bộ phim còn có thông điệp khá sâu sắc: Bạn là ai không quan trọng bằng bạn có thể làm được gì tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh!

Sự trưởng thành của các nhà làm phim thông qua chất lượng các bộ phim được nâng cao đã cho thấy uy tín của giải. Đây cũng là tiền đề để hy vọng giải năm sau sẽ có những bộ phim hay hơn; và xa hơn nữa sẽ dần hình thành một đội ngũ làm phim trẻ, giàu sức sáng tạo “tiếp lửa” cho điện ảnh nước nhà.

LINH THIÊN

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XV): LỖI TỪ TẦM VĨ MÔ


Việc đoàn thể thao Việt Nam trắng tay tại kỳ Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 không mấy ai bất ngờ, thậm chí cái kết buồn này đã được dự đoán  trước khi các vận động viên đi thi thố. Một phần, chúng ta biết trình độ vận động viên Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với các anh tài trên thế giới; tuy nhiên, thất bại này còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các nhà quản lý thể thao chưa làm tốt phần việc mang tính vĩ mô.

18 vận động viên Việt Nam đến Ô-lim-pích là con số đáng tự hào. Nhưng dường như các nhà quản lý chỉ muốn số lượng đông đảo để “đánh trống ghi tên” hơn là chất lượng để ít ra có thể giành được một tấm huy chương. Nhiều người cho rằng, thay vì đầu tư dàn trải, tốn bao tiền của chỉ để có thêm 1 đến 2 suất dự Ô-lim-pích (dù có dự cũng chưa chắc qua được vòng loại!) bằng cách dùng số tiền đó tập trung cho cử tạ, bắn súng, có lẽ chúng ta đã có huy chương.

             Thất bại  của thể thao Việt Nam tại kỳ Ô-lim-pích lần này còn đến từ cung cách chuẩn bị thiếu chuyên nghiệp. Ai cũng biết thể thao Việt Nam đầu tư để tìm kiếm huy chương theo kiểu “đi tắt đón đầu” chứ không theo chiều sâu là đầu tư cơ sở vật chất trong các học đường, câu lạc bộ để có nền thể thao mạnh toàn diện và bền vững. Nhưng khi có trong tay những niềm hy vọng có thể đoạt huy chương thì lại chưa làm hết sức và chưa khoa học để những vận động viên này tiến xa hơn. Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Lụa (vật) một thời gian dài không có huấn luyện viên; xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) và Quốc Toàn (cử tạ) chỉ được đầu tư trọng điểm một thời gian ngắn trước khi thi đấu... Đó là chưa kể, thể thao Việt Nam thiếu các chuyên gia tâm lý thi đấu, dẫn đến việc các vận động viên bước vào sân chơi lớn là bị ngợp, bị choáng trước sức mạnh đối phương, vì thế, ngay cả tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) cũng thi đấu dưới sức mình.

         Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí đầu tư cho thể thao không thể lớn hơn thì cái cách làm thể thao “đi tắt đón đầu” vẫn là cách làm khả dĩ. Nhưng, các nhà quản lý thể thao cần hoàn thành trách nhiệm để không còn phải đi đổ lỗi vô duyên cho khán giả cổ vũ quá to làm vận động viên mất tập trung thi đấu.

         Nhiều chuyện buồn là vậy, nhưng Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 không đến mức đáng quên đối với thể thao Việt Nam, bởi không ít các vận động viên đã thi đấu hết mình và đã tạo lập được những kỷ lục quốc gia. Họ đáng được hoan nghênh và cần  được đầu tư  luyện tập và thi đấu nhiều hơn nữa. Quan trọng hơn, thành tích thi đấu khởi sắc trên là cơ sở để người hâm mộ kỳ vọng ở những thành công ở đấu trường quốc tế trong những năm tới.

Nhưng trước khi mơ đến những kết quả khả quan, những người làm thể thao Việt Nam cần thay đổi nhận thức để hiểu rằng: Đã đến lúc tham dự Ô-lim-pích là để giành huy chương chứ không phải đi thi đấu với tâm lý có mặt là vui, hay là học hỏi, cọ xát là chính. Sau đó, cần xác định rõ thế mạnh, nghiêm túc trong huấn luyện, tìm thầy giỏi và đầu tư dài hơi có trọng điểm thì mới hy vọng cái kết không huy chương sẽ xa rời đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường Ô-lim-pích.      

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

CHRIS HOY-HUYỀN THOẠI THỂ THAO VƯƠNG QUỐC ANH


Trong các nội dung đua xe đạp thì đua xe đạp lòng chảo ít phổ biến hơn vì đầu tư rất tốn kém; cho nên các vận động viên xuất sắc nhất đều đến từ các nước phát triển. Và nếu phải cần một cái tên VĐV-một biểu tượng của đua xe lòng chảo thì không ai khác là Crít Hoi (Chris Hoy) đến từ Xcốt-len. Ngoài đời thường, giới truyền thông gọi C. Hoi là Sir (Ngài) vì anh đã được phong tước hiệp sĩ của Hoàng gia Anh; nhưng trên đường đua xe đạp lòng chảo, anh đơn giản không có đối thủ-một ông vua suốt hơn một thập kỷ qua.  

Lúc 1 giờ sáng ngày 8-8 (theo giờ Việt Nam), C. Hoi khẳng định vị trí của mình trong lịch sử thể thao Vương quốc Anh khi giành huy chương vàng (HCV) thứ 2 tại Olympic 2012, nâng thành tích HCV tại đấu trường Olympic lên con số 6; và trở thành VĐV Vương quốc Anh vĩ đại nhất ở Olympic. Sau khi cùng các đồng đội phá kỷ lục thế giới và giành HCV ở nội dung nước rút đồng đội nam 5 ngày trước, C. Hoi tiếp tục giành HCV ở nội dung đua xe lòng chảo keirin (đua sau mô-tô đi trước dẫn đường) với thành tích 42,6 giây. C. Hoi đã bảo vệ thành công HCV ở nội dung đua xe lòng chảo keirin khi đã 36 tuổi, vượt qua đối thủ nặng ký người Đức Ma-xi-mi-li-an Lê-vi trong tích tắc.

Chiến thắng quá ngoạn mục khiến chính C. Hoi không tin nổi! Trong nước mắt, C. Hoi bày tỏ xúc động khi chiến thắng ngay tại quê nhà: “Đây là điều tôi luôn ao ước. Tôi luôn muốn giành được HCV trước sự cổ vũ của khán giả nhà”. Sự ngọt ngào của HCV càng khó quên khi đây là lần cuối C. Hoi tranh tài tại Olympic.

Thành tích của C. Hoi là HCV và 1 HCB trải qua 4 kỳ Olympic liên tiếp bắt đầu từ Olympic Sydney 2000. Nhưng nếu tính từ năm đầu tiên thi đấu xe đạp lòng chảo chuyên nghiệp (1999) đến nay, bảng thành tích của C. Hoi lớn hơn nhiều với 36 huy chương các loại tại các giải đấu lớn (trong đó có 11 HCV ở Giải vô địch thế giới đua xe lòng chảo).

Sinh ra Edinburg (Xcốt-len) vào ngày 23-3-1976, C. Hoi đã làm bạn với chiếc xe đạp từ năm 6 tuổi. Trải qua nhiều nội dung đua xe khác nhau, cuối cùng năm 1994 anh mới đến với đua xe lòng chảo chuyên nghiệp khi gia nhập CLB đua xe TP Edinburg. Thành công từ đó mới mỉm cười với anh, mà đỉnh cao là Olympic 2008 với 3 chiếc HCV. Với những gì đã làm được cho thể thao Vương quốc Anh, mới đây Nhà thi đấu Velodrome có sức chứa hơn 5000 người tại Glasgow (Xcốt-len) được xây dựng để phục vụ cho Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung 2014 đã được đặt tên C. Hoi. Niềm vui nối niềm vui! Dù thành tích không ấn tượng như tại Bắc Kinh 4 năm về trước, nhưng năm 2012 hẳn lại đáng nhớ đối với C. Hoi-huyền thoại thể thao Vương quốc Anh.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

ĐỌC HỒI KÝ 'GIA ĐÌNH, BẠN BÈ VÀ ĐẤT NƯỚC"


Suốt 10 năm sau khi về nghỉ hưu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn miệt mài với những công việc đoàn thể, xã hội của “một người về hưu bận rộn”-như cách bà tự nói về mình. Cho nên, việc hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” (NXB Tri thức, 2012) ra đời mới đây khiến nhiều người ngạc nhiên ở sức làm việc và trí tuệ minh mẫn của một người ở tuổi 85 tuổi.

Trên thế giới, hầu như những người nổi tiếng đều viết hồi ký với mục đích kể chuyện “thâm cung bí sử”, vào chêm vào những lời nhận xét gây sốc. Càng có nhiều chuyện “độc” hồi ký mới mong bán chạy! Bà Nguyễn Thị Bình là một người nổi tiếng với vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Và là người phụ nữ duy nhất ký vào 32 văn bản của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Nhưng bà Nguyễn Thị Bình đã chọn viết đơn giản, giọng điệu tâm tình như phong cách một quý bà lịch lãm, duyên dáng mà giới truyền thông quốc tế từng gọi bà với có biệt danh “Madame Bình”.

Nội dung của cuốn hồi ký đã được khái quát từ nhan đề bình dị! Trong gần 300 trang sách, bà Nguyễn Thị Bình kể lại cuộc đời mình theo kiểu biên niên sử từ nhỏ cho đến khi về già, nhưng không đi ra ngoài chuyện gia đình, chuyện những người bạn đồng cam cộng khổ và chuyện đi làm việc nước.

Rất nhiều người biết bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926). Điều may mắn cho bà Nguyễn Thị Bình là thừa hưởng truyền thống yêu nước, trọng tri thức của cha ông. Song qua hồi ký, người đọc biết thêm nhiều câu chuyện cảm động về gia đình bà như chuyện ông thân sinh bà Bình tuổi cao sức yêu phải chăm hai cháu và khi ông cụ mất bà Bình không có mặt. Hoặc là chuyện, suốt 9 năm chống Pháp, bà Bình chỉ nhận được vẻn vẹn mấy chữ: “Chúc em và cả gia đình ăn toàn, khỏe mạnh” của người yêu là sĩ quan quân đội Đinh Khang nhưng vẫn chờ đợi đến năm 1954 mới nên duyên vợ chồng. Vì nhiệm vụ trên giao bà Bình đã phải xa hai đứa con, không thể chăm sóc thường xuyên khi chiến sự căng thẳng: “Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng”. Nhưng chính trong hoàn cảnh gian khó, những người thân yêu luôn ở cạnh bà, trở thành động lực cho mọi công việc. Khi nhìn lại, bà thừa nhận mình là người hạnh phúc khi có một gia đình yên ấm: “Cũng có thể nói tôi có một cuộc đời kỳ lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc của đời tôi”.

Gần 70 năm hoạt động Cách mạng, bà Nguyễn Thị Bình tiếp xúc với nhiều người trong và ngoài nước. Nhiều người trong số đó trở thành bạn bè sát cánh trong công việc hệ trọng. Đặc biệt là ở cuộc đàm phán dài nhất lịch sử tại Paris, những người bạn và cũng là cộng sự của bà như: Lý Văn Sáu, Dương Đình Thảo, Ngọc Dung, Bình Thanh… đã luôn giúp đỡ bà rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của một trưởng đoàn đàm phán. Và còn rất nhiều những bạn bè quốc tế, cảm phục cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta và có tình cảm yêu mến riêng con người “Madame Bình” nên đã vô tư giúp đỡ Cách mạng Việt Nam.  

Cuối cùng, với đất nước, bà Nguyễn Thị Bình luôn tâm niệm phải hoàn thành mọi việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để góp phần nhỏ bé cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ năm 1946, bà Nguyễn Thị Bình đã có suy nghĩ: Việc gì có lợi cho Cách mạng thì làm! Và nay, sau ngần ấy năm, ở cuối cuốn hồi ký, quan điểm phải đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết được bà cho là điều bất di bất dịch. Khi đất nước vẫn chưa hết khó khăn và phải đương đầu với những thách thức mới, bà Nguyễn Thị Bình tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ giúp đất nước đi lên: “Tôi thích ví đất nước ta như con thuyền. Qua bao thác ghềnh, con thuyền Tổ quốc đã ra biển cả, phía trước là chân trời mới…!”

          HÀM ĐAN

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

XÂY DỰNG CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở VIỆT NAM: MUỘN CÒN HƠN KHÔNG!


Mới đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã triển khai dự án “Phát triển cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý mới cho công nghiệp văn hóa (CNVH) tại Việt Nam” thuộc chương trình “Hỗ trợ chuyên môn nhằm củng cố hệ thống quản lý nhà nước về văn hóa ở các nước đang phát triển” do UNESCO và Liên minh Châu Âu hợp tác thực hiện. Dự án này này có tham vọng bước đầu đề ra những giải pháp để thúc đẩy nền CNVH Việt Nam phát triển. 

Việt Nam chưa hình thành CNVH

Khái niệm CNVH và các lĩnh vực CNVH chưa thống nhất một định nghĩa duy nhất. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều nhấn mạnh CNVH là quá trình sản xuất, tái sản xuất và truyền bá các dịch vụ văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa. Một nền CNVH thực sự là phải để tạo ra việc làm và lợi nhuận. Theo quan điểm mới nhất, CNVH được xác định bao gồm các lĩnh vực chủ chốt là: Truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh và nghệ thuật thị giác. Tất cả đều nhấn mạnh hai yếu tố là công nghiệp và sáng tạo.
  
Dựa vào các đặc điểm của CNVH nói trên, các chuyên gia đánh giá: Việt Nam chưa có nền công nghiệp văn hóa. Các hoạt động văn hóa ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa hiệu quả, chủ yếu sống bằng bao cấp của nhà nước. Hệ thống sản xuất phân phối các sản phẩm văn hóa chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp của nhà nước đảm nhiệm, sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ còn hạn chế. Việc đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn thấp so với các ngành khác, chỉ chiếm khoảng 0,3% GDP; đồng thời, đóng góp của hoạt động văn hóa trong cơ cấu sản phẩm trong nước cũng rất hạn chế. Trong khi đó, CNVH đã trở thành ngành trụ cột trong nhiều nền kinh tế. Chẳng hạn, ở châu Âu, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 3% GDP (tương đương 500 tỷ Euro/năm) và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người.

Thực tế cho thấy, tiềm năng cho ngành CNVH ở Việt Nam không hề thua kém quốc gia nào trong khu vực do nước ta có thị trường tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, dân số trẻ có khả năng sáng tạo, trình độ truyền thông hỗ trợ CNVH cũng dần nâng cao, áp lực thuế tương đối thấp.... Tuy nhiên, đa số người dân, các doanh nghiệp lẫn các nhà quản lý lại không được hiểu một cách đầy đủ về CNVH; từ đó, chưa mạnh dạn để khai thác và làm lợi cho đất nước.

PGS, TS Lương Hồng Quang (Phó Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam) cho rằng: Các lĩnh vực trong CNVH đã xuất hiện ở Việt Nam từ chục năm trước nhưng chúng ta lại chưa có được chiến lược tổng thể để phát triển. Thậm chí, một số người đồng nhất CNVH với… thương mại hóa văn hóa nghệ thuật. Lấy ví dụ, tổng lợi nhuận khai thác từ chú mèo máy Đô-rê-mon là 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, bản thân Đô-rê-mon là sản phẩm từ trí tuệ họa sĩ, quảng bá hiệu quả do truyền thông ở Nhật phát triển... Chắc chắn sẽ không có hiện tượng thần kỳ Đô-rê-mon nếu họa sĩ không đam mê sáng tạo và cũng không biết quảng bá mà chỉ chăm chăm đuổi theo số lượng hoặc nghĩ ra các bộ truyện rẻ tiền, độc hại.

Các nghệ sĩ Việt Nam thực sự chưa quen sáng tạo những sản phẩm văn hóa hiện đại. Bản thân những đơn vị có chức năng sản xuất các sản phẩm văn hóa như: Nhà xuất bản, công ty truyền thông, công ty thiết kế... lại có thói quen mua bản quyền các sản phẩm văn hóa nước ngoài rồi tìm cách “Việt hóa”. Các làm này ở giai đoạn đầu xây dựng CNVH có thể chấp nhận được vì bắt chước là cũng là một cách học hỏi. Tuy nhiên, nếu cứ duy trì cách thức “ăn xổi ở thì” này thì CNVH Việt Nam sẽ bị kìm hãm nghiêm trọng.  

          Cho nên để CNVH Việt Nam phát triển nhanh, đúng hướng và bền vững trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của các bên liên quan về CNVH. Và đó là một trong những mục tiêu mà chương trình “Hỗ trợ chuyên môn nhằm củng cố hệ thống quản lý nhà nước về văn hóa ở các nước đang phát triển” hướng đến cho tất cả các nước được hỗ trợ, tỏng đó có Việt Nam.

Tập trung, chuyên sâu các hoạt động sáng tạo văn hóa

Sau khi khảo sát về thực trạng sinh hoạt văn hóa ở các đô thị, các chuyên gia UNESCO cho rằng: Hiện tại không có một cơ chế tài chính có hiệu quả và khung pháp lý thích hợp trong hoạt động tài trợ để hỗ trợ cho ngành CNVH. Giải quyết hai vấn đề cơ bản nói trên mới có thể nghĩ đến một ngành CNVH Việt Nam đích thực vừa sáng tạo mà cũng năng động.

Chuyên gia UNESCO Tom Fleming đề xuất: Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần kết nối với các đối tác từ công lập cho đến tư nhân và xã hội dân sự để xây dựng chiến lược phát triển cho CNVH bằng những bước đi ngắn hạn đến dài hạn. Và phục vụ cho chiến lược đó là những dự án nền tảng. Nhà nước cần tiên phong đầu tư cho các ngành CNVH mà Việt Nam có lợi thế phát triển chẳng hạn như điện ảnh. Doanh thu bán vé phim ở Việt Nam hiện nay tăng gần gấp 3 lần so với 10 năm trước khoảng hơn 30 triệu USD với 3,5 triệu khán giả. Nhưng doanh số ấn tượng này chủ yếu lại từ phim nước ngoài. Nếu nhà nước biết khai thác nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị, đầu tư cho các kịch bản phim có chất lượng, bắt tay với các hãng tư nhân có thực lực thì may ra mới có nền điện ảnh chuyên nghiệp “siêu lợi nhuận”. Điều này không có nghĩa nhà nước quay trở lại thời kỳ bao cấp kinh phí mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ gián tiếp. Nếu việc hỗ trợ đi vào thực hiện có nghĩa cơ chế tài chính sẽ chuyển từ cơ chế “xin-cho” vốn kém hiệu quả trong việc xin tài trợ cho các ngành CNVH sang mô hình “đầu tư”.

Ý kiến khác cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng một siêu vùng văn hóa hay thành phố sáng tạo theo hướng tập trung, chuyên sâu. Thành phố sáng tạo này có thể hiểu như những đặc khu phát triển CNVH, là những siêu vùng dành riêng cho nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống. Các đơn vị kinh doanh ở gần nhau sẽ thuận tiện cho nguồn cung, nhân lực, đầu ra; chính sách kinh tế, động viên về thuế, vốn vì thế cũng sẽ tập trung. Chuyên gia UNESCO William Codjo cho rằng: Thử nghiệm thành phố sáng tạo trước hết ở TP Hồ Chí Minh vì đây là một thành phố năng động, tiếp đó có thể xây dựng ở Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Trên thực tế, mô hình này đã được áp dụng ở một số vùng như Thượng Hải và khu nghệ thuật 798 ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Châu Âu cũng đã có một số vùng thành công như khu vực sáng tạo thời trang ở phía Bắc của I-ta-li-a, chùm sáng tạo phía tây thủ đô London (Anh)...

          Có thể những kinh nghiệm và lý thuyết phát triển CNVH của các nước phát triển có thể không phù hợp với điều kiện một nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng nền CNVH ở Việt Nam cần phải được trả lời ngay bằng những hành động thiết thực, quyết liệt. Muộn còn hơn không! Bởi, còn gì tốt hơn khi có một nền văn hóa đã đậm đà bản sắc dân tộc nay còn dồi dào khả năng sáng tạo; và quan trọng hơn có thể đem lại lợi ích kinh tế cho đầt nước.

          HÀM ĐAN

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

THỜI ĐÀM (XXV): TRE GIÀ MĂNG MỌC



Khoa nghiên cứu văn học chia làm ba bộ phận là: Lịch sử văn học, phê bình văn học và lý luận văn học. Ở Việt Nam, may mắn là lĩnh vực nào cũng có những thế hệ nối tiếp nhau để nghiên cứu theo chiều sâu, để lại ít nhiều thành tựu. Thế nhưng, thế hệ những người am hiểu văn hóa phương Tây lẫn phương Đông đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức làm việc kém đi nhiều. Những tiếng nói có thẩm quyền nhất trong nghiên cứu văn học hiện nay là những người được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng sắp lui vào “hậu trường”. Khoảng trống nhân lực trong khoa nghiên cứu văn học bỗng lộ ra. Những người chỉ quan tâm đến số lượng hẳn sẽ chỉ ra rất nhiều cây bút trẻ đang là nghiên cứu viên, nhà báo, nhà giáo… kiêm “nghề phụ” nghiên cứu văn học. Nhưng câu hỏi là những cây bút trẻ này liệu có thể đưa khoa nghiên cứu văn học ở nước ta phát triển hơn trong tương lai?
Không giống như bên sáng tác có thể có tài năng tuổi 16 như Chế Lan Viên hay Nguyên Hồng, đã làm nghiên cứu văn học là phải biết dằn lòng chờ đợi. Sớm nhất là phê bình văn học cũng phải tầm “tam thập nhi lập” mới có thể hành nghề bằng các bài phê bình báo chí. Riêng với lịch sử văn học và lý luận văn học, để có thành tựu phải ở tầm ngoài tuổi 40! Điều này có nghĩa, phải chờ thời gian mới có thể đánh giá thành quả của một thế hệ nghiên cứu văn học 7X và 8X. Tuy nhiên, nếu xem xét các khởi điểm của thế hệ này, sự lạc quan về số lượng sẽ qua đi, chỉ còn lại nỗi âu lo.
Không lo sao được khi không nhiều người được học hành bài bản các lý thuyết văn học một cách trực tiếp bằng con đường du học, làm nghiên cứu sinh. Đa phần đều tự đọc sách (hầu như là sách dịch mà đôi khi dịch cũng không chính xác!) nên kiến thức không thành hệ thống mà rất lỗ mỗ. Số người biết ngoại ngữ để có thể đọc nguyên bản các tài liệu lý thuyết văn học cũng không phải là nhiều. Đó là chưa kể yếu tố khách quan về vật chất cho nghiên cứu văn học cơ bản kém như bao ngành nghiên cứu khác.
Vừa rồi, tại một cuộc gặp mặt những người nghiên cứu văn học, một cây bút trẻ viết phê bình văn học đã đưa ra nhiều giải pháp để lý luận phê bình trẻ mạnh lên như: Lập một tạp chí chuyên về phê bình trẻ; hỗ trợ về kinh phí trong việc in ấn cũng như trả nhuận bút cho các tác phẩm phê bình; cần có những trại nghiên cứu như trại sáng tác dành riêng cho phê bình trẻ... Những giải pháp nói trên không có gì mới, nhiều giải pháp thực tế không cần thiết như cần lập tạp chí cho phê bình trẻ vì có khi trang web chuyên phê bình sẽ là giải pháp hiệu quả ở thời đại số.
Nhiều người khi đọc lướt qua những giả pháp trên sẽ cho rằng, nhà nước phải ra tay thì nghiên cứu văn học nước nhà mới sớm “cất cánh”. Thật ra, cốt lõi để có một tác phẩm nghiên cứu có chất lượng hay sự xuất hiện của một nhà nghiên cứu văn học tầm cỡ đương nhiên vẫn là ý chí, phương pháp làm việc của bản thân nhà nghiên cứu trẻ. Mọi hỗ trợ dù đầy đủ đến mấy mà nhà nghiên cứu trẻ không chịu khó nghiền ngẫm, tìm ra phương pháp tối ưu thì kết quả vẫn là con số không tròn trĩnh.
Sự hỗ trợ của nhà nước có chăng là tạo điều kiện để công việc nghiên cứu văn học trở nên chuyên nghiệp hơn, nhanh hơn. Ví dụ, nhà nước có thể lập một trung tâm dịch thuật các tác phẩm khoa học xã hội nhân văn kinh điển. Khi các tác phẩm liên quan đến lý thuyết văn học và các ngành bổ trợ cho nghiên cứu văn học được dịch cẩn thận, những người làm phê bình văn học sẽ lẳng lặng áp dụng để giải mã tác phẩm, chứ không còn mất công đọc và tự dịch lý thuyết để làm việc nữa.   
Có thể thế hệ nghiên cứu văn học hôm nay sẽ không làm được nhiều việc như các thế hệ trước, tạo ra một sự “đứt gãy” cho lịch sử nghiên cứu văn học; nhưng tin rằng nếu mỗi người nghiên cứu làm tốt phần việc của mình, chắc chắn vẫn sẽ góp phần nghiên cứu sâu văn học nước nhà. Và chính những điều chưa làm được của thế hệ nghiên cứu văn học hôm nay sẽ là tiền đề cho thế hệ sau bước tiếp và vượt qua để trưởng thành như quy luật “tre già măng mọc”!
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG