Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

THỜI ĐÀM (XXVI): ÁM CHỈ


Ám chỉ là một cách thức ngầm ẩn để phê phán một sự kiện, hiện tượng mà nhiều lý do người ta không muốn (được) nói… toạc móng heo. Vừa rồi, ở làng giải trí, một danh ca chê hai đàn em là khó có đủ trình độ để truyền nghề cho các “đệ tử”. Phản pháo thế nào cũng thiếu tế nhị nên một đàn em cao tay giả vờ dạy con để ám chỉ đàn chị nghi ngờ khả năng của mình bằng những câu nói bề ngoài vô hại kiểu như: “Luôn dạy con rằng đừng bao giờ làm tổn thương người khác dù là điều nhỏ nhất!!!”. Vụ việc vẫn còn tiếp tục “nóng”, nhưng nhiều người cho rằng hành động ám chỉ như vậy là không nên, có gì không đồng tình thì nên trao đổi thẳng thắn.

Trong sinh hoạt hàng ngày, ám chỉ đã bị xem là hành động tiêu cực, khi nó đi vào sinh hoạt văn chương hành động càng bị lên án, ai trót sử dụng ám chỉ trong tác phẩm ngay lập tức bị dân trong nghề xa lánh như tránh... hủi. Cách đây gần 30 năm, một nhà văn trẻ viết vài truyện ngắn đầu tay rất mới, rất hay được dư luận rộng khắp tung hô là “vua truyện ngắn”. Chẳng hiểu cái danh hiệu hơi quá đà kia có gây ngứa tai hay không mà một giáo sư đại học hễ nhà văn trẻ kia viết được truyện gì mới là viết ngay bài phê bình chê lấy chê để. Bực tức với sự chê bai lắm khi vô lối, nhà văn trẻ kia đã viết hai truyện ngắn ám chỉ bản thân giáo sư đại học kia là chẳng hiểu gì đem lý thuyết suông cũ mèm để lý giải tác phẩm độc sáng; truyện còn lại thì quá “dị” so với quy định là cạnh khóe đến cả bậc sinh thành của giáo sư nọ! Nhiều người cầm bút trước còn quý mến nhà văn trẻ, sau lại không ưa ra mặt, có người còn tuyệt giao vì cho rằng nhà văn này có tài nhưng không có đức.

Ám chỉ trong văn chương còn có chuyện “nhức đầu” khác là nhà văn viết ra tác phẩm không hề có ý ám bất cứ một chuyện gì vẫn bị buộc tội ám chỉ. Nếu chăm theo dõi thời sự văn học, chỉ tính 5 năm trở lại đây, có khả nhiều vụ việc tác phẩm chia hai luồng ý kiến, một phía bảo là ám chỉ, phía còn lại bảo không như: Vụ bài thơ “Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ” của nhà thơ Trần Quang Đạo, bài thơ “Phía ngược” của nhà thơ Ngô Đình Miên… Một điều khá trùng hợp là hầu hết các vụ việc tác phẩm bị nghi ngờ ám chỉ đều liên quan đến thơ! Điều này không khó hiểu vì bản chất ngôn ngữ thơ ca là “mờ đục”, không rõ ràng, đa nghĩa; cho nên dẫn đến hiện tượng một bài thơ có nhiều cách đọc và nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, cách hiểu một bài thơ ở mỗi người không giống nhau, nó phụ thuộc ở nhiều yếu tố như: Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, vốn tri thức… Nói theo cách của lý luận văn học là: Tác phẩm chỉ tồn tại thông qua sự đọc!

Đành rằng, người ngoài nghề văn chương cũng có quyền phát ngôn về cách nghĩ của mình về tác phẩm; song nếu không có trực giác nghệ thuật để hiểu tác phẩm và vốn tri thức văn học để lý giải rất dễ sa vào thói nguy hiểm là “chụp mũ”. Cần nói thêm rằng, những cách hiểu sai về một tác phẩm văn học nhất là thơ ca ở đâu cũng có thậm chí nhiều tác phẩm bị đem ra tòa để phân xử như vụ bài thơ “Hú” của nhà thơ Allen Ginsberg (1926-1997) ở Mỹ vào năm 1957. Mỗi khi có vụ việc văn chương ám chỉ, dư luận chỉ còn cách trông cậy vào những tiếng nói có thẩm quyền. Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã từng phải đánh công văn để giải thích cho một vài tác phẩm bị hiểu lầm là ám chỉ, một số nhà phê bình cũng hăng hái vào cuộc bảo vệ tác phẩm vô tội bị “chụp mũ”…

Xem ra, chuyện ám chỉ và những hệ lụy đi kèm không quá khó giải quyết. Và vấn đề này cũng không bao giờ mất hẳn vì khi các cá tính bị không đồng nhất như hiện nay thì đến một câu nói vô hại có khi còn bị hiểu lầm là xiên xỏ; huống chi là tác phẩm văn chương trong thực có hư trong, hư có thực! Chỉ có điều cần nói thêm mà ít ai để ý, đã là tác phẩm có dụng ý ám chỉ từ xưa đến nay hầu như không có ai biết đến sau vài chục năm ra đời. Lý do rất đơn giản, tác phẩm văn chương sống được là khi nó được xây dựng xuất phát từ những đức tính tốt đẹp con người và kết tinh của giá trị vĩnh cửu của văn học; ám chỉ đi ngược lại khi sử dụng văn chương cho mục đích phi văn chương. Đã không vị nghệ thuật lẫn vị nhân sinh thì làm sao neo đậu trong trái tim người đọc!    

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét