Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

THỜI ĐÀM (XXVI): ÁM CHỈ


Ám chỉ là một cách thức ngầm ẩn để phê phán một sự kiện, hiện tượng mà nhiều lý do người ta không muốn (được) nói… toạc móng heo. Vừa rồi, ở làng giải trí, một danh ca chê hai đàn em là khó có đủ trình độ để truyền nghề cho các “đệ tử”. Phản pháo thế nào cũng thiếu tế nhị nên một đàn em cao tay giả vờ dạy con để ám chỉ đàn chị nghi ngờ khả năng của mình bằng những câu nói bề ngoài vô hại kiểu như: “Luôn dạy con rằng đừng bao giờ làm tổn thương người khác dù là điều nhỏ nhất!!!”. Vụ việc vẫn còn tiếp tục “nóng”, nhưng nhiều người cho rằng hành động ám chỉ như vậy là không nên, có gì không đồng tình thì nên trao đổi thẳng thắn.

Trong sinh hoạt hàng ngày, ám chỉ đã bị xem là hành động tiêu cực, khi nó đi vào sinh hoạt văn chương hành động càng bị lên án, ai trót sử dụng ám chỉ trong tác phẩm ngay lập tức bị dân trong nghề xa lánh như tránh... hủi. Cách đây gần 30 năm, một nhà văn trẻ viết vài truyện ngắn đầu tay rất mới, rất hay được dư luận rộng khắp tung hô là “vua truyện ngắn”. Chẳng hiểu cái danh hiệu hơi quá đà kia có gây ngứa tai hay không mà một giáo sư đại học hễ nhà văn trẻ kia viết được truyện gì mới là viết ngay bài phê bình chê lấy chê để. Bực tức với sự chê bai lắm khi vô lối, nhà văn trẻ kia đã viết hai truyện ngắn ám chỉ bản thân giáo sư đại học kia là chẳng hiểu gì đem lý thuyết suông cũ mèm để lý giải tác phẩm độc sáng; truyện còn lại thì quá “dị” so với quy định là cạnh khóe đến cả bậc sinh thành của giáo sư nọ! Nhiều người cầm bút trước còn quý mến nhà văn trẻ, sau lại không ưa ra mặt, có người còn tuyệt giao vì cho rằng nhà văn này có tài nhưng không có đức.

Ám chỉ trong văn chương còn có chuyện “nhức đầu” khác là nhà văn viết ra tác phẩm không hề có ý ám bất cứ một chuyện gì vẫn bị buộc tội ám chỉ. Nếu chăm theo dõi thời sự văn học, chỉ tính 5 năm trở lại đây, có khả nhiều vụ việc tác phẩm chia hai luồng ý kiến, một phía bảo là ám chỉ, phía còn lại bảo không như: Vụ bài thơ “Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ” của nhà thơ Trần Quang Đạo, bài thơ “Phía ngược” của nhà thơ Ngô Đình Miên… Một điều khá trùng hợp là hầu hết các vụ việc tác phẩm bị nghi ngờ ám chỉ đều liên quan đến thơ! Điều này không khó hiểu vì bản chất ngôn ngữ thơ ca là “mờ đục”, không rõ ràng, đa nghĩa; cho nên dẫn đến hiện tượng một bài thơ có nhiều cách đọc và nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, cách hiểu một bài thơ ở mỗi người không giống nhau, nó phụ thuộc ở nhiều yếu tố như: Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, vốn tri thức… Nói theo cách của lý luận văn học là: Tác phẩm chỉ tồn tại thông qua sự đọc!

Đành rằng, người ngoài nghề văn chương cũng có quyền phát ngôn về cách nghĩ của mình về tác phẩm; song nếu không có trực giác nghệ thuật để hiểu tác phẩm và vốn tri thức văn học để lý giải rất dễ sa vào thói nguy hiểm là “chụp mũ”. Cần nói thêm rằng, những cách hiểu sai về một tác phẩm văn học nhất là thơ ca ở đâu cũng có thậm chí nhiều tác phẩm bị đem ra tòa để phân xử như vụ bài thơ “Hú” của nhà thơ Allen Ginsberg (1926-1997) ở Mỹ vào năm 1957. Mỗi khi có vụ việc văn chương ám chỉ, dư luận chỉ còn cách trông cậy vào những tiếng nói có thẩm quyền. Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã từng phải đánh công văn để giải thích cho một vài tác phẩm bị hiểu lầm là ám chỉ, một số nhà phê bình cũng hăng hái vào cuộc bảo vệ tác phẩm vô tội bị “chụp mũ”…

Xem ra, chuyện ám chỉ và những hệ lụy đi kèm không quá khó giải quyết. Và vấn đề này cũng không bao giờ mất hẳn vì khi các cá tính bị không đồng nhất như hiện nay thì đến một câu nói vô hại có khi còn bị hiểu lầm là xiên xỏ; huống chi là tác phẩm văn chương trong thực có hư trong, hư có thực! Chỉ có điều cần nói thêm mà ít ai để ý, đã là tác phẩm có dụng ý ám chỉ từ xưa đến nay hầu như không có ai biết đến sau vài chục năm ra đời. Lý do rất đơn giản, tác phẩm văn chương sống được là khi nó được xây dựng xuất phát từ những đức tính tốt đẹp con người và kết tinh của giá trị vĩnh cửu của văn học; ám chỉ đi ngược lại khi sử dụng văn chương cho mục đích phi văn chương. Đã không vị nghệ thuật lẫn vị nhân sinh thì làm sao neo đậu trong trái tim người đọc!    

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

CÙNG BÀN LUẬN (XVI): LÀM "SỐNG LẠI" NHỮNG DI TÍCH CÁCH MẠNG


Càng đến gần những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như Quốc khánh 2-9, nhu cầu của du khách được trở về các di tích gắn liền với quá trình kháng chiến gian khổ giành độc lập tự do cho Tổ quốc của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh càng tăng lên. Vẫn biết rằng, thời nay không thiếu những phương tiện hiện đại để giáo dục truyền thống Cách mạng, nhưng không cách nào sinh động bằng được đi tận nới, nhìn tận mắt những di tích gắn liền với sự kiện và nhân vật in dấu trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho nền độc lập của đất nước, sự no ấm của nhân dân ngày hôm nay.

Tầm quan trọng của di tích Cách mạng cơ bản đã được các cơ quan chức năng nhận thức đúng đắn; từ đó, đã có những biện pháp bảo vệ, trùng tu và phát triển giá trị di tích. Như địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), những người có trách nhiệm không chỉ gìn giữ tốt một số đoạn đường hầm, mà còn giữ cả khu rừng nguyên sinh, giữ nguyên đường đất đi vào địa đạo. Cao hơn nữa là dựng lại một phần nhỏ đủ hình dung cuộc sống trong lòng địa đạo Củ Chi. Còn gì thú vị và cảm động hơn sau khi tham quan địa đạo, du khách được ăn những miếng sắn luộc từng là thức ăn của của cán bộ, chiến sĩ vùng “đất thép” gian khổ năm xưa!

Nhưng không phải ở đâu những di tích Cách mạng cũng phát huy được giá trị như địa đạo Củ Chi. Ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên)-vùng ATK trong kháng chiến chống Pháp mới chỉ có 19/129 di tích được xếp hạng. Không được xếp hạng đồng nghĩa với việc di tích không được bảo vệ trước sự hủy hoại của tự nhiên và tệ hơn là của con người. Nhiều di tích chiến tranh nổi tiếng thế giới, ghi lai chiến công hiển hách thời đại ta, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng lại rơi vào tình trạng "dự án treo" đến cả một thập kỉ, như hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra tại Quảng Trị.

Phục hồi các di tích Cách mạng là đòi hỏi cấp thiết nhưng vẫn hết sức thận trọng tránh những cách làm vô nguyên tắc. Trong quá trình phục hồi các di tích, chính quyền địa phương cần phải “cầu thị và bắt tay” chặt chẽ với các nhà khoa học (đặc biệt là các nhà sử học) để phục hồi chính xác hiện trạng di tích trong quá khứ. Bởi một khi phục dựng sai sẽ phản lại giá trị giáo dục!

Với những di tích đặc biệt không khác gì một “bảo tàng ngoài trời" khổng lồ như Điện Biên Phủ cần có những kế hoạch phục dựng trung thực bằng tầm cao nghệ thuật và khoa học hiện đại. Điểm độc đáo trong nghệ thuật quân sự của quân đội ta trận Điện Biên Phủ là chiến thuật công kiên. Đặt giả thiết rằng, những đường hào từng là “thòng lọng” kết liễu quân đội Pháp được phục hồi, du khách sẽ hiểu sâu sắc tầm quan trọng sự thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, là quyết định chính xác và "khó khăn nhất" trong đời cầm quân của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vốn chỉ được đọc trong sách vở và nghe kể như huyền thoại.    

Muộn và khó vẫn phải làm! Lịch sử giữ nước của dân tộc ta trong thế kỉ hai mươi sự thật mà ngỡ như huyền thoại. Nếu không nhanh phục dựng những di tích cách mạng thì không chỉ hôm nay thế hệ trẻ lãng quên quá khứ, mà muôn năm sau sự thật sẽ trở nên hư ảo, mờ nhạt. Sẽ rất nguy hiểm với nền văn hóa dân tộc ta, khi tuổi trẻ mai sau hiểu biết hạn chế về dân tộc, về cha ông mình, mất đi nguồn sữa truyền thống Cách mạng nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và khí phách của một dân tộc anh hùng. "Việc hôm nay chớ để ngày mai". Làm sống lại những di tích Cách mạng là việc làm vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài./.

          HÀM ĐAN