Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

RAYMOND CARVER, BẬC THẦY TRUYỆN NGẮN TỐI GIẢN



Với một số nhà văn, không hay ho gì khi bị các nhà nghiên cứu dán nhãn thuộc trường phái này hay chủ nghĩa nọ. Bản thân những “siêu độc giả” ít nhiều lúng túng trước tác phẩm của Jorge Luis Borges, Italo Calvino…, quá cỡ cho tham vọng quy phạm của các thuật ngữ văn học. Ngược lại, có một số nhà văn có thể định danh bằng một vài từ ngữ vì phong cách nghệ thuật xuyên suốt đời văn khá thống nhất. Như trường hợp nhà văn Mỹ Raymond Carver (1938-1988), ngay cả bạn đọc thông thường cũng dễ dàng nhận ra R. Carver là bậc thầy truyện ngắn tối giản; chí ít là qua hai tập truyện ngắn đã chuyển ngữ sang tiếng Việt là “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” (Dương Tường và Nguyễn Hạnh Quyên dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam, 2009) và “Em làm ơn im đi, được không?” (Lâm Vũ Thao dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2012).

R. Carver không phải là người tiên phong của chủ nghĩa tối giản, nhưng có thể xem ông là một nhà văn thành công nhất với phong cách tối giản. Những truyện ngắn của ông là những ví dụ hoàn hảo cho đặc tính của sự tối giản: Tránh những đoạn trần thuật rườm rà, gạt bỏ sự hư cấu mang tính chủ quan của người viết, nhanh chóng tạo dựng không khí gợi sự tò mò với người đọc… Song, truyện ngắn của R. Carver không đánh đố người đọc như bắt họ chơi trò vừa đọc truyện vừa ghép hình thông qua việc che dấu cốt truyện như thủ pháp quen thuộc của nữ nhà văn Pháp Annie Saumont. Câu chuyện trong truyện ngắn được R. Carver phơi bày rõ ràng khiến độc giả an tâm đọc một mạch từ đầu đến cuối. Chỉ ở một số truyện như “Hàng xóm” hay “Người bố”, cốt truyện được triển khai không có biến cố. Nhưng nên nhớ trong truyện ngắn, việc nhà văn tạo ra một không khí bất thường cốt chỉ để gây nên tâm trạng chờ đợi của độc giả, sau đó khiến họ ngộ ra mình bị lừa thì truyện ngắn cũng được xem như tạo một biến cố rồi. Cho nên, nhiều người không ưa truyện của R. Carver nếu họ có thói quen đọc truyện ngắn có cốt truyện kịch tính.

Sau những truyện ngắn kịch tính mẫu mực của Edgar Poe, Guy de Maupassant, O. Henry…, các nhà văn chuyên viết truyện ngắn đều cố gắng sáng tạo truyện ngắn thông qua việc loay hoay xử lý khoảnh khắc biến cố. Đến nỗi, người ta nhanh chóng đi đến kết luận khá đơn giản rằng: Nghệ thuật viết truyện ngắn là cách tạo dựng biến cố làm bất ngờ người đọc! Nhưng sau này, khi cốt truyện truyện ngắn tãi ra, “thời gian lịch sử” dài hơn “thời gian văn bản”, xuất hiện một kiểu truyện ngắn là phép cộng của một chuỗi tình tiết na ná tiểu thuyết, thể hiện tham vọng của nhà văn muốn thâu tóm càng nhiều chất liệu hiện thực, càng muốn đưa ra nhiều tầng nghĩa trong một dung lượng hạn chế. Truyện ngắn của R. Carver đi theo một ngả đường khác. Về cơ bản, truyện ngắn của R. Carver có hình thức kinh điển xuất phát từ quan niệm: Phong cách truyện ngắn là thuộc về tình tiết và sự diễn biến của truyện ngắn lại thông qua sự tập trung, dồn nén, soi chiếu của các tình tiết. Đi theo phong cách tối giản nên trong truyện R. Carver cũng không có nhiều tình tiết mà thường chỉ có một. Ít ỏi là vậy, nhưng sức nặng, tính tượng trưng và tính dự báo của các tình tiết rất đáng kể. Như truyện ngắn “Béo”, chỉ có tình tiết đơn giản là cô hầu bàn nhìn thấy thực khách to béo vào ban ngày và tối hôm đó cô chuẩn bị quan hệ với bạn trai và cảm giác béo ra. Không ai biết chắc sau ngày hôm đó, cuộc đời cô hầu bàn sẽ như thế nào nhưng chắc chắn nó đổi khác như lời cuối của truyện: “Đời tôi bắt đầu thay đổi. Tôi cảm thấy điều đó”. Nhờ sự tiết chế tối đa sự mâu thuẫn như trong tình huống kịch, R. Carver không rơi vào việc phải tìm các xử lý khoảnh khắc then chốt mà tự để câu chuyện diễn biến khách quan nhất có thể.

R. Carver thuộc mẫu nhà văn càng viết càng hoàn thiện dần những thủ pháp nghệ thuật độc đáo mang dấu ấn cá nhân. Đương nhiên, một tác phẩm văn học không chỉ có những thủ pháp nghệ thuật thuần túy, vì như vậy, vô hình trung sẽ biến công việc viết văn không khác gì công việc của người thợ thủ công; cứ cố bắt chước là sẽ có thành quả. R. Carver đã tự tìm ra cách khám phá bề sâu hiện thực cuộc sống độc đáo. Bằng cái nhìn sắc sảo, lạnh lùng cách biệt với đối tượng, ông đã mổ xẻ tài tình sự bế tắc trong cuộc sống thường nhật của một lớp người trung lưu trong xã hội Mỹ. Sự bế tắc của lớp người này không chỉ là khó khăn tiền bạc để xảy ra tình huống cười ra nước mắt khi một anh chàng tiếp thị sản phẩm cố diễn mọi trò để moi tiền một tay thất nghiệp trong truyện “Những người đi thu tiền”. Đáng kể hơn là sự nghèo nàn trong đời sống tinh thần. R. Carver đã lột tả suy nghĩ bất thường của lớp người lăn lộn để duy trì cuộc sống, giải trí thông qua phương tiện thông tin đại chúng, ngoài ra họ chẳng có thêm bất cứ điều gì tốt đẹp hơn để làm. Khá quái đản như trong truyện “Họ đâu phải chồng em”, khi người chồng bắt người vợ làm nghề hầu bàn ăn kiêng chỉ vì nghe khách hàng lui đến quán bàn về vòng ba quá khổ của người vợ. Với phong cách truyện tối giản, R. Carver không bao giờ giải quyết triệt để xung đột trong truyện; ông chỉ miêu tả tâm trạng, hành động nhân vật như một cách “mã hóa” để người đọc lờ mờ nhận ra tình cảm giữa hai người sẽ ngày càng lạnh nhạt sau yêu cầu kỳ quặc của người chồng.

Ai đó từng nói, mục đích công việc của nhà văn chỉ có một phần giống với bác sĩ là tìm ra nguyên nhân của sự bất ổn cuộc sống tưởng chừng bình thường; tìm ra giải pháp không phải là việc của các cây bút. R. Carver đã tìm ra nguyên nhân, và gieo vào tâm trí những con người đã đang và sẽ rơi vào những bất ổn một sự tỉnh ngộ. Nhưng, có vẻ R. Carver muốn đi xa hơn như trong truyện “Em làm ơn im đi, được không?” Khi người vợ tự thú có quan hệ với người đàn ông khác trước khi hôn nhân, cuộc sống gia đình đang hạnh phúc có nguy cơ đổ vỡ. Nhưng cuối truyện, mọi việc trở nên ổn thỏa khi không ai cực đoan và đều cố gắng hàn gắn tình cảm. Phải chăng, rút cuộc R. Carver đưa ra giải pháp cần mở rộng tấm lòng, giữ sự hài hòa trong tâm trí để mọi việc trong cuộc sống tốt đẹp hơn?

HÀM ĐAN

MIKHAIL BAKHTIN, NHÀ LÝ LUẬN TIỂU THUYẾT KIỆT XUẤT



     Nhắc đến Mi-khai-in Ba-khơ-tin (Mikhail Bakhtin, 1895-1975) giống như nhắc về một nhân vật huyền thoại nhiều hơn là một học giả có thật. Đến ngay những chuyên gia về M. Ba-khơ-tin cũng không thể hiểu nổi làm thế nào mà người đàn ông suốt đời đau yếu, tật nguyền, chỉ học dự thính đại học, nhiều năm sống ở vùng quê hẻo lánh lại gây dựng được sự nghiệp học thuật vĩ đại. Ngay từ khi còn sống, M. Ba-khơ-tin đã được liệt vào hàng những nhà khoa học nhân văn hàng đầu không chỉ của nước Nga mà cả trên thế giới.

     Sự nghiệp M. Ba-khơ-tin to lớn và đa dạng: Triết học, văn hóa học, mỹ học, ngữ văn học…; cho nên, người ta gọi ông là nhà bác học kiểu cổ điển cuối cùng của nước Nga. Khoảng chục năm trước khi qua đời, tên tuổi của M. Ba-khơ-tin mới được biết đến rộng rãi ở Nga và phương Tây. Đến nay, giới nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu di sản của M. Ba-khơ-tin và nhiều người kinh ngạc khi trong các công trình của M. Ba-khơ-tin có tính dự báo về một số đặc trưng của thời hậu hiện đại. Song lĩnh vực được chú ýsớm nhất và nổi tiếng nhất của M. Ba-khơ-tin vẫn là lý thuyết về tiểu thuyết.

     Trong công trình nổi tiếng “Những vấn đề thi pháp Đốt-tôi-ép-xki” xuất bản năm 1929 (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, NXB Giáo dục, 1993), M. Ba-khơ-tin đã nêu ra phát hiện về tính đa âm (polyphonique) xuất hiện lần đầu tiên trong các tiểu thuyết của Đốt-tôi-ép-xki. Đa âm là thuật ngữ M. Ba-khơ-tin mượn từ âm nhạc để chỉ hiện tượng các bè đều bình đẳng, khác với đơn âm (monologique) có phân biệt bè chính và bè phụ. M. Ba-khơ-tin chỉ rõ trong tiểu thuyết của Đốt-tôi-ép-xki không chỉ có tiếng nói và
ý thức của tác giả mà còn có nhiều giọng điệu và suy nghĩ của nhân vật bình đẳng với tác giả, lẫn vào nhau như đang cãi vã lẫn nhau. M. Ba-khơ-tin nhận xét: “Đốt-tôi-ép-xki là người sáng tạo ra tiểu thuyết đa âm… Trong tác phẩm của ông xuất hiện loại nhân vật mà tiếng nói của nó được xây dựng giống như tiếng nói của tác giả trong tiểu thuyết thông thường”. Như vậy, trong tiểu thuyết của Đốt-tôi-ép-xki, phát ngôn của nhân vật do nhà văn viết ra nhưng không biểu hiện ý thức của tác giả thay vào đó là của nhân vật.

     Lý thuyết về giọng điệu tiểu thuyết của M. Ba-khơ-tin vốn được triển khai từ nguyên tắc đối thoại đặc thù của con người. M. Ba-khơ-tin chỉ rõ Đốt-xtôi-ép-xki đã xây dựng tiểu thuyết của ông như một cuộc đối thoại lớn, dệt nên từ những cuộc đối thoại nhỏ gọi là “vi thoại” (microdialogue)-tương ứng với mỗi chữ, mỗi lời. Tinh thần đối thoại ngấm vào từng chữ, từng cử chỉ của nhân vật để diễn tả những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật như những đoạn độc thoại của Ra-cô-ni-cốp trong tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” gợi lại lời nói của những nhân vật khác xung quanh anh ta.

     M. Ba-khơ-tin cũng đã tìm ra sự khác biệt tiểu thuyết đa âm và tiểu thuyết đơn âm. Ba-khơ-tin xem hiện tượng đơn âm là tất cả những đối thoại phát xuất từ tác giả, được tác giả áp đặt suy nghĩ đối với nhân vật của mình. Trong tiểu thuyết đơn âm các nhân vật có nói chuyện với nhau nhưng không đối thoại với nhau do nội tâm nhân vật và tác giả khép kín, không hề có mối liên hệ
ý thức. M. Ba-khơ-tin kết luận rằng: Hồi ký, tự thuật, truyện lịch sử, truyện phong tục, anh hùng ca và thơ là những thể loại đơn âm.

     Qua l
‎‎ý thuyết về giọng điệu tiểu thuyết có thể xem M. Ba-khơ-tin là người tiếp tục phát triển nghiên cứu văn học thông qua hình thức. M. Ba-khơ-tin không đồng ý với các nhà hình thức Nga xem hình thức chỉ là tập hợp các thủ pháp nghệ thuật thuần túy mà thực ra phải là hình thức của cái nhìn, thể hiện thế giới quan của chủ thể.

     Trong một số công trình khác được in chung trong cuốn “L‎‎ý luận và thi pháp tiểu thuyết” (Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du xuất bản, 1992), M. Ba-khơ-tin còn nỗ lực xác định những vấn đề quan trọng khác của tiểu thuyết như: Xác định tiểu thuyết là thể loại duy nhất đang chuyển biến và còn chưa định hình; tiểu thuyết ôm chứa mọi thể loại khác và “tiểu thuyết hóa” chúng; tiểu thuyết là sự pha tạp nhiều loại phong cách (kể truyện trực tiếp, lối kể truyện truyền khẩu, lối trần thuật, lời nói của các nhân vật…) được trộn lẫn với nhau thành một hệ thống văn chương khống chế toàn bộ tác phẩm; những biến cố chính chứa đựng trong tác phẩm tạo ra nút thắt, mở trong tiểu thuyết nằm trong “thời-không-gian”…

     Theo nhà phê bình văn học Pháp gốc Bun-ga-ri T. Tô-đô-rốp thì M. Ba-khơ-tin có tham vọng phát triển các suy nghĩ của ông thành triết thuyết, nhưng do nhiều lý
do ông phải “đi đường vòng” thể hiện các tư tưởng của mình thông qua việc nghiên cứu văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Với một bộ óc thiên tài như của M. Ba-khơ-tin, sản phẩm phụ hóa lại thành một sản phẩm chính, giúp tên tuổi ông trở nên bất tử. Ngày nay, những lý luận tiểu thuyết của M. Ba-khơ-tin đã trở nên quen thuộc song không vì thế mà giảm đi khả năng ứng dụng trong việc nghiên cứu tiểu thuyết.

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (XXXIII): XIN ĐỪNG XÂY NHÀ TỪ NÓC NỮA!



“Thua sấp mặt”! Đó là cụm từ được nhắc khá nhiều sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng AFF Cup 2012. Kết quả này khiến nhiều người hâm mộ bẽ bàng và sự thất vọng nhân lên vì thái độ thi đấu của một số cầu thủ không máu lửa đến cùng. Những người trong cuộc không chóng thì chày sẽ đưa ra hàng loạt nguyên nhân giải thích thất bại của đội tuyển. Nhiều khả năng sẽ không có áp lực chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận khiến một vài vị lĩnh ấn xin từ chức. Đơn giản là những người trong cuộc cũng đã cố hết sức, chả ai muốn bị loại ê chề từ sớm nhưng lực bất tòng tâm.

     Gạt bỏ đi những chuyện ngoài chuyên môn như lục đục nội bộ (nếu có), phải chăng bóng đá Việt Nam đang tụt hậu hay là đội bóng các nước bạn tiến bộ quá nhanh? Có lẽ là cả hai! Sau chức vô địch AFF Cup 2008, những người trong ngành bóng đá lẫn người hâm mộ đều có cảm giác rất “phiêu” và rất “bay”. Thôi xong, từ đây bóng đá Việt Nam sẽ thoát khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á để bắt đầu mơ đến giấc mơ châu lục. Chỉ một số ít người tỉnh táo nhận ra dẫu đội tuyển tiến bộ hơn trước, giành chức vô địch xứng đáng, nhưng thực chất mặt bằng chung của bóng đá nước ta chưa phải là đỉnh ở ngay Đông Nam Á. Nôm na như cụm từ của các bác kinh tế hay dùng là “phát triển không bền vững”.

     Chúng ta tự hào khi có giải vô địch quốc gia số một Đông Nam Á. Nhưng kết quả có được là nhờ các đại gia bơm tiền vào, ép một số mặt của bóng đá chuyên nghiệp quá nhanh. Khốn nỗi, tình trạng bóng đá chuyên nghiệp ở nước ta khá… dị. Ai đời một ông chủ ôm hai đội bóng, cầu thủ “hạng gà” cũng phải lót tay tiền tỷ, ngoài túi tiền đại gia đội bóng không có khoản thu nào khác… Song, nguy hiểm nhất của lối đầu tư ăn xổi là bóng đá trẻ dặt dẹo, không phát triển nổi. Trừ CLB Hoàng Anh Gia Lai còn mở học viện bóng đá liên kết với CLB danh tiếng Arsenal (Anh) hoặc CLB Sông Lam Nghệ An giữ được truyền thống đào tạo cầu thủ trẻ, chẳng có mấy ông chủ thích thú việc bỏ số tiền đầu tư cho một lứa cầu thủ trẻ vì kết quả trong tương lai là bấp bênh. Chắc chắn hơn là cứ thấy cầu thủ nào đá hay là chịu chi bổ sung vào đội hình, hoặc cầu thủ nội đá kém thì nhập tịch cho cầu thủ ngoại đá thay. Bất đắc dĩ mà rớt hạng thì mua lại suất lên hạng, chờ mùa bóng sau phục thù. Tóm lại, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng "ăn xổi", “xây nhà từ nóc”.

     Một vài nguyên nhân kể trên có thể phần nào giải đáp thất bại của đội tuyển và dự báo thời gian suy sẽ còn tiếp tục. Cho nên, thất bại tệ nhất trong lịch sử của bóng đá Việt Nam tham dự AFF Cup không chỉ có nỗi buồn toàn diện. Thất bại này giúp chúng ta hiểu bóng đá Việt Nam đang ở đâu. Ngoài ra, giúp chúng ta nhận thức lại cách làm bóng đá cần bài bản chuyên nghiệp hơn. Chúng ta cần hiểu rằng, hiệu quả bóng đá mang lại cho xã hội không nằm tất cả ở thành tích của đội tuyển quốc gia. Bài học thất bại của Thái Lan do quá ham hố chạy theo thành tích lọt vào vòng chung kết World Cup đã nhãn tiền. Rất may, người Thái có hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ tốt và việc phát triển phong trào bóng đá trong quần chúng rất mạnh nên họ lấy lại vị thế khá nhanh.

     Sau thất bại tại AFF Cup 2012, nhiều người hiến kế bóng đá Việt Nam cần đi theo mô hình bóng đá Nhật Bản hay Hàn Quốc. Làm thế nào bao giờ cũng khó, nhưng chắc chắn phải dựa trên hoàn cảnh đất nước, thể chất, tư duy của người Việt Nam. Cách đây gần một năm, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục, thể thao đến năm 2020 có đặt mục tiêu đưa thể dục thể thao đi sâu vào quần chúng, giúp rèn luyện sức khỏe người dân. Nghị quyết 08 là hoàn toàn đúng đắn về mặt chiến lược, bóng đá là môn thể thao vua, đương nhiên sẽ được người dân yêu thích. Vậy nên, về lâu về dài, cần đưa bóng đá lan tỏa rộng rãi hơn nữa, cần xây dựng bóng đá từ nền móng thông qua hệ thống đào tạo và thông qua cả phong trào sâu rộng của nhân dân giúp phát triển những tài năng bóng đá đích thực, người dân được sống vui, sống khỏe. Không quan tâm xây nền móng mà chỉ thi nhau hớt ngọn sẽ không có sự phát triển bền vững cho bóng đá và như thế mãi mãi vẫn là "Giấc mơ con đè nát cuộc đời con", vẫn không thoát khỏi "vùng trũng" bóng đá. Một đội bóng quốc gia mạnh và lành mạnh chỉ có thể có được trên nền một đất nước có phong trào bóng đá mạnh, mọi người có điều kiện tập luyện thường xuyên và nuôi dưỡng tài năng từ tấm bé. Cần làm lại từ gốc, cần "xây nhà từ nền móng" cho một tương lai thể thao, đặc biệt là bóng đá Việt Nam.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆN NAM: LUÔN LÀM MỚI CHÍNH MÌNH

Trong bối cảnh hệ thống bảo tàng còn nhiều bất cập, việc TripAdvisor (tripadvisor.com) - trang web du lịch lớn nhất thế giới vừa trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chứng nhận “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” tại Hà Nội là một bất ngờ. Làm thế nào một bảo tàng dành cho giới nữ, lại sinh sau đẻ muộn và mới trở lại hoạt động sau 2 năm nâng cấp đã tạo ra thành tích đáng tự hào như vậy?

Những lời khen “có cánh”


“Ấn tượng”, “thú vị”, “hấp dẫn”… là những lời khen của du khách năm châu ghi lại ở phần nhận xét trên trang web TripAdvisor sau khi ghé thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Được biết, TripAdvisor là website du lịch lớn nhất thế giới, mang đến cho du khách những lời khuyên đáng tin cậy để có một chuyến đi hoàn hảo. Để nhận được giải thưởng “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” tại Hà Nội, vượt qua 80 điểm du lịch hấp dẫn khác của Thủ đô, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đạt được chỉ số đánh giá 4,5 sao trên tổng mức đánh giá 5 sao tiêu chuẩn do các du khách trên trang web TripAdvisor bình chọn trong vòng 12 tháng qua.

Có người nói, những lời khen “có cánh” chủ yếu là của du khách nước ngoài, người Việt Nam liệu chăng có bị Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cuốn hút? Trước hết, cần nói ngay rằng, người Việt Nam không có thói quen đi xem triển lãm trong bảo tàng như là một hoạt động giải trí và giáo dục. Vì vậy, lời khen từ trong nước có ít cũng là dễ hiểu, nhưng quan trọng hơn là lời chê tương tự như các bảo tàng vắng khách khác thì tuyệt nhiên không có ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Với một không gian không lớn và tổng diện tích trưng bày chỉ gần 2000 m2 và với 3 chủ đề lớn: “Phụ nữ trong gia đình”, “Phụ nữ trong lịch sử”, “Thời trang nữ”, tổng cộng hơn 1.000 hiện vật ở hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng thực sự dẫn dắt du khách vào hành trình khám phá về những vẻ đẹp đa chiều của người phụ nữ Việt Nam.

Để có hệ thống trưng bày hiện đại, chuẩn mực không thua kém bất cứ bảo tàng nào trên thế giới, ban lãnh đạo và chuyên viên của bảo tàng đã phải làm việc cật lực trong vòng gần 10 năm, trong đó có tới 7 năm làm công tác nghiên cứu khoa học nghiêm túc, từ quan niệm trưng bày, lựa chọn chủ đề, cách kể chuyện, thông tin trên bài viết cho đến thiết kế nội thất, đồ họa, ánh sáng, âm thanh... Bảo tàng có những quy chuẩn riêng, rất nghiêm ngặt trong việc trưng bày. Chỉ riêng bài viết và chú thích hiện vật cũng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nhọc nhằn. Để đảm bảo nội dung thông tin cô đọng, có sức thuyết phục, mỗi bài viết không được quá 1200 ký tự, mỗi chú thích hiện vật không quá 200 ký tự. Viết xong rồi, có nhóm chuyên gia dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp; rồi được một tổ chuyên gia cao cấp hiệu đính, thẩm định... Sau đó, in lên loại gỗ nào, cỡ chữ và kiểu chữ ra làm sao, màu chữ và màu nền gỗ như thế nào... mọi chi tiết đều phải có sự nghiên cứu nghiêm túc chứ không thể làm theo cảm tính. Hệ thống thuyết minh chuyên nghiệp như vậy mất đến 2 năm xây dựng.

Đó là chưa kể những điều “nhỏ nhặt” như bảo tàng xây dựng sự thân thiện với khách tham quan khi không xây dựng hàng rào mà thay bằng đài phun nước thay thế...

Nghiên cứu kỹ mới làm triển lãm

Khi hỏi về nguyên nhân thành công của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Hải Vân (Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ có những yếu tố khách quan thuận lợi như: Bảo tàng nằm ở trung tâm Hà Nội, được sự đầu tư chu đáo của Nhà nước thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài... Song, bà Nguyễn Hải Vân nhấn mạnh hai yếu tố chính là cách thức làm bảo tàng mới mẻ và thái độ phục vụ.

Với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sự hài lòng của khách tham quan là điều tối thượng. Khi triển lãm diễn ra, khách tham quan phàn nàn bất cứ một điều gì như: Cách trưng bày hiện vật, ánh sáng, âm thanh...; cán bộ bảo tàng sẽ xem xét, nếu thực sự chưa tốt lập tức có điều chỉnh thích hợp.

Thái độ phục vụ khách tham quan hết lòng đương nhiên là điều đáng trọng nhưng nếu nội dung các triển lãm nhàn nhạt, “thiếu muối” thì còn lâu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mới tạo ra thương hiệu là bảo tàng tổ chức nhiều triển lãm có tiếng vang như hiện nay. Bà Nguyễn Hải Vân lấy ví dụ về cuộc trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” đầu năm 2012 để thấy rõ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một triển lãm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Để có được triển lãm thờ Mẫu công phu, được khách tham quan đánh giá cao, các cán bộ bảo tàng mất gần 3 năm thực hiện. Công việc không chỉ có sưu tầm hiện vật, mà còn phải nghiên cứu đạo Mẫu một cách nghiêm túc thông qua sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Chỉ có hiểu được đạo Mẫu mới có thể lựa chọn những hiện vật tiêu biểu để trưng bày và có hệ thống thuyết mình bằng chữ, bằng âm thanh, hình ảnh động sinh động, chính xác. Điểm mới mà trưng bày mang lại là một phong cách trưng bày mới, sinh động do ông James Hicks - chuyên gia thiết kế bảo tàng từ Mỹ đảm nhiệm. Thiết kế sử dụng các tấm rèm làm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem. Ngoài ra, trưng bày được sắp xếp thành bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui, tương ứng với 4 màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên phủ), màu trắng (Thoải phủ), màu vàng (Địa phủ) và màu xanh (Nhạc phủ). Tất cả các tài liệu hiện vật, vật liệu cũng đi theo 4 màu ấy, đòi hỏi sự lựa chọn công phu và ăn khớp.

Không chỉ có trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui”, mà bất cứ triển lãm chuyên đề nào đều được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu kỹ, xây dựng nội dung trong cả năm trời. Ai đó từng nói, nếu kiên trì và thực tâm trong làm việc chắc chắn sẽ thu được thành quả nào đó. Có lẽ điều này đúng cho trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nơi có những con người đam mê với công việc và luôn làm mới chính mình.

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (XXXII): MỘT THÁCH THỨC... THÚ VỊ



Từ cuộc tọa đàm về truyện ngắn dự thi trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) mới đây, bước đầu lộ ra một sự thật khá nhiều người hiểu rõ từ lâu nhưng không ai mạnh miệng nói ra đó là: Truyện ngắn đang lâm vào khủng hoảng!
     Sự khủng hoảng ở đây hiểu theo hướng chất lượng chứ không phải số lượng. Người viết truyện ngắn vẫn đông đảo và luôn trẻ hóa đội ngũ - đây là điều mà ở lĩnh vực nghiên cứu văn học và tiểu thuyết luôn ghen tỵ; nhưng truyện ngắn hay, gây xôn xao dư luận cứ thưa dần. Những “cú sốc” mà truyện ngắn mang lại gần đây nhất là “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) và “Bóng đè” (Đỗ Hoàng Diệu) từ năm 2005 hay sự xuất hiện của giải nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2007 của “lão nông viết văn” Ngô Phan Lưu cũng đã qua lâu. Nền truyện ngắn rộng mà đỉnh cao ít, tại sao lại như vậy? Bao giờ thời hoàng kim truyện ngắn như những năm cuối 1980 đầu 1990 trở lại?
     Quay ngược lại lịch sử, thời kỳ văn học đầu những năm Đổi mới được xem là thời kỳ đỉnh cao của truyện ngắn Việt Nam. Thời kỳ này truyền thông đại chúng chưa phát triển, văn học đương nhiên vẫn đang chiếm ưu thế. Thêm vào đó, thời kỳ này đời sống đang vận động mạnh mẽ, nảy sinh nhiều cái mới, đôi khi tạo ra mâu thuẫn với cái cũ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ chất liệu cho truyện ngắn vì bản chất của truyện ngắn là từ một xung đột rất nhỏ cũng tạo ra một cốt truyện. Khi những yếu tố khách quan thuận lợi không còn, cộng với việc trình độ người đọc nâng cao và sự lớn mạnh của văn học dịch cũng như việc người người đua nhau viết tiểu thuyết khiến truyện ngắn thu hẹp phạm vi ảnh hưởng đáng kể.
     Đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan thì khá dễ, nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan mới khó. Truyện ngắn có khả năng biến hóa cao về dung lượng (từ vài chục từ cho đến vài chục trang), phân loại (kỳ ảo, khôi hài, hiện thực…) và nội dung (mọi thứ đều có thể tạo biến cố trong cốt truyện). Truyện ngắn tự do như vậy đồng nghĩa với việc nhà văn thỏa sức sáng tạo nhưng thực tế truyện ngắn Việt Nam đương đại không khác nhiều truyện ngắn 20-30 năm trước. Vẫn là lối kể truyện rề rà, nệ thực, lộ liễu truyền đi một thông điệp khoác cái áo nhân văn hoặc giáo dục… Sự nghèo nàn trong sáng tạo truyện ngắn xuất phát từ nhận thức cũ kỹ: Truyện ngắn hay là kể một câu chuyện bằng dung lượng ngắn một cách rõ ràng. Như đã nói ở trên, truyện ngắn tự do trong thể hiện nhưng để có một truyện ngắn có sức nặng lại đòi hỏi công phu của người viết. Chi tiết nào là chủ đạo trong truyện? Cốt truyện phát triển đến độ nào thì dừng lại để tạo ra kết cấu thích hợp? Chọn giọng điệu, kiểu ngôn từ nào hợp với tâm trạng nhân vật và đủ để truyền tải thông điệp ngầm ẩn? Chưa kể, các yếu tố trong truyện ngắn cần hài hòa với nhau để tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật. Bỏ bẵng đi nhu cầu đổi mới mà vẫn loay hoay dưới cái bóng của mô hình truyện ngắn cũ là nhược điểm chí tử của truyện ngắn hiện nay.
     Chưa bao giờ như bây giờ, yêu cầu cách tân truyện ngắn cấp thiết hơn vì cũng như mọi thứ tồn tại trên đời, truyện ngắn cần một sự biến dịch. Việc thay đổi sẽ mang lại một giá trị bất hủ, vĩnh hằng thì e rằng là tham vọng quá lớn; nhưng nếu không thay đổi cách viết truyện ngắn sẽ lặp lại chính mình, đến và đi rất nhanh trong trí nhớ người đọc. Thêm vào đó, đọc truyện ngắn khá mệt mỏi vì cũng như thơ, đòi hỏi người đọc phải đọc chậm rãi nhiều lần mới hiểu các bí mật nhà văn cất giấu đằng sau câu văn. Đòi hỏi từ khách quan bạn đọc lẫn chủ quan làm mới của thể loại là một thách thức… thú vị với các cây bút truyện ngắn Việt Nam mà sớm hay muộn họ phải thực hiện.
     Nếu được quyền lạc quan thì mong sao lại xuất hiện một cây bút truyện ngắn xuất sắc mới tinh để chí ít xua đi vẻ ảm đạm bao trùm lên truyện ngắn nước nhà. Sự xuất hiện này không chỉ kéo người đọc quan tâm đến truyện ngắn, mà còn tạo động lực cho người viết.
                                                 HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

CẦN TIẾP TỤC NUỐI DƯỠNG CẢM HỨNG VIẾT VỀ CHIẾN TRANH




Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, ông có thể nêu đặc điểm chính của văn học viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam hiện đại?
PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp: Trong thế kỷ XX, hiếm có dân tộc nào trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ khốc liệt như dân tộc Việt Nam, và cuối cùng chúng ta là người chiến thắng. Bởi thế, đề tài chiến tranh là đề tài lớn trong văn học Việt Nam, ngay cả khi đất nước đã hòa bình thì chiến tranh vẫn là một đề tài ám ảnh.

Vấn đề đặt ra là thời gian qua các nhà văn đã viết về chiến tranh như thế nào? Theo tôi có hai hướng nổi bật: Thứ nhất, viết về chiến tranh như thực trạng chiến tranh đã diễn ra. Đây là lối viết nhìn chiến tranh ở cự ly gần. Lối viết này dễ gây được hiệu quả xã hội tức thì vì mục đích của nó là biểu dương kịp thời tinh thần dũng cảm, sự quật cường của dân tộc. Giá trị chủ yếu của nó nằm ở tính nóng hổi của các sự kiện được ghi lại. Tuy nhiên, khi chiến tranh đã lùi xa, sức nóng của các sự kiện đã giảm xuống, tâm lý thị hiếu người đọc thay đổi, những tác phẩm được viết theo yêu cầu kịp thời khó lôi cuốn được độc giả vì phần lớn các tác phẩm này hoặc là ghi chép hoặc mang màu sắc truyện ký.

Lối viết thứ hai là sự gián cách với chiến tranh bằng một độ lùi cần thiết. Lối viết này thường chậm hơn so với lối viết thứ nhất, nhưng ưu thế là cái nhìn và cảm hứng lý giải về chiến tranh sâu hơn, bình tĩnh hơn. Chiến tranh là một phần của lịch sử, hơn thế, bản thân nó cũng là một lịch sử, mà diễn giải về lịch sử thì có thể xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Trong lối viết thứ hai, những suy tư cá nhân về chiến tranh, về số phận con người và dân tộc thường nổi bật hơn. Tôi nghĩ rằng lối viết này phù hợp hơn với tư duy nghệ thuật hiện đại.

Những năm gần đây, giới sáng tác và độc giả quan tâm đến đề tài lịch sử. Có loại lịch sử xa (cách chúng ta hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm), có loại lịch sử gần (cách thời hiện tại khoảng dăm chục năm). Cái khó của đề tài lịch sử gần là chưa có độ lùi thời gian để chúng ta nhìn về chiến tranh ở cả hai mặt được và mất. Và diễn giải chiến tranh của nhà văn, nếu trái chiều, trái kênh, rất dễ bị phản ứng của người đọc. Những tôi nghĩ, trong khoảng ba mươi năm qua, văn học về chiến tranh đã có nhiều tác phẩm hay của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Chu Lai, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi… Về thơ có thể kể đến thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái... Họ là những người lính viết về trải nghiệm của mình, nỗi đau và sự hy sinh của thế hệ mình và trong số phận thế hệ ấy có số phận dân tộc.Điều đáng chú ý là sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, tuy với độ lùi thời gian chưa nhiều, nhưng nhiều nhà văn đã biết nhìn chiến tranh ở cả mặt phải lẫn mặt trái của tấm huy chương. Nghĩa là giờ đây, một giọt nước mắt, một nỗi đau, một ly biệt… cũng được hiểu như là một nhân tố góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc. Tư duy nghệ thuật mới tạo nên độ mở trong cách viết của nhà văn. Trước đây, các nhà văn quan tâm đến lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp thì sau này họ nhìn chiến tranh bằng cái nhìn nhân bản. Điều đó thể hiện ở việc các nhà văn quan tâm nhiều hơn đến số phận con người, qua đó nhìn thấy số phận lịch sử và dân tộc, thay vì số phận cá nhân chỉ là minh họa cho số phận dân tộc như trước đây. Vì thế, chiều sâu nội tâm và những chấn thương tinh thần của nhân vật được miêu tả kỹ lưỡng hơn. Tôi muốn đề cập đến một tác phẩm gây nhiều tranh cãi là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Có ý kiến cho rằng, Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh để giải thiêng lịch sử, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng.... Tôi không nghĩ như vậy. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết gắn với hồi ức đứt nối của nhân vật Kiên. Chính trong sâu thẳm những dằn vặt của Kiên, chiến tranh hiện lên chân thực hơn bao giờ hết, người đọc nhận ra để có chiến thắng vĩ đại chúng ta đã trải qua biết bao đau đớn. Đọc tác phẩm này cần đến một cái nhìn chia sẻ để thấu hiểu những âu lo, khắc khoải phận người.

Đúng là trong thời đại chúng ta đang sống, những người đam mê viết về chiến tranh không còn nhiều. Nhà văn chủ yếu viết về vấn đề đô thị hóa, những thăng trầm đời sống thường nhật, thậm chí nhiều người hướng tới các đề tài “hot” như: sex, đồng tính… Theo tôi đó là chuyện bình thường. Nhưng tôi nghĩ, viết về chiến tranh vẫn là một yêu cầu riết róng đối với nhà văn bởi hiểu chiến tranh, hiểu quá khứ dân tộc là cách chúng ta bước đến tương lai một cách chắc chắn hơn.

PV: Theo phân tích của ông, thời đại đã khác phải chăng cần một cách viết khác về chiến tranh?

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Đúng thế. Thời nào có mối quan tâm của thời ấy. Chiến tranh dù đã đi qua nhưng không có nghĩa là tất cả đã khép lại. Thực ra, nó vẫn can dự đến đời sống chúng ta, tuy không trực diện và trực tiếp. Tôi nghĩ mỗi nhà văn sẽ có cách tiếp cận về chiến tranh theo suy nghĩ riêng của họ. Nhưng có hai điều đáng lưu ý trong cách viết về chiến tranh từ điểm nhìn hôm nay. Thứ nhất, diễn giải mới về chiến tranh không đồng nghĩa với việc xuyên tạc lịch sử mà đó phải là những hình thức mới mẻ khiến cho lịch sử hiện lên chân thực hơn. Xin đừng hiểu chân thực là ghi chép, nệ thực mà đó là nỗ lực miêu tả những mặt khuất kín, những hàm nghĩa chìm ẩn theo tinh thần của Xê-da (Caesar) phải trả về cho Xê-da. Tất nhiên, từ cuộc sống bình thường hôm nay viết về chiến tranh như một bất thường của lịch sử bao giờ cũng khó khăn. Nó đòi hỏi nhà văn phải nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử.

Thứ hai, kỹ thuật tự sự ngày nay có nhiều thay đổi lớn. Viết về chiến tranh không đơn giản là kể lại câu chuyện tuyến tính có đầu có cuối, mà phải biết sử dụng, sáng tạo những phương thức biểu đạt mới để thu hút người đọc trở lại một đề tài cũ mà thực ra chưa bao giờ cũ. Tất nhiên, nói nhà văn cần nuôi dưỡng cảm xúc viết về chiến tranh không có nghĩa là cổ súy cho chiến tranh mà thông qua đó, nhà văn khơi gợi niềm tự hào dân tộc, giúp người đọc hiểu rằng cuộc sống hôm nay được đánh đổi bằng hạnh phúc của bao thế hệ hôm qua. Để tái hiện chiến tranh một cách sinh động, tôi nghĩ một mặt nhà văn cần tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng viết chiến tranh; mặt khác, phải dày công nghiên cứu và có trí tưởng tượng phong phú, biết giải phóng trí tưởng tượng khỏi những sự kiện vụn vặt bằng cái nhìn nghệ thuật độc đáo, mới lạ.

PV: Theo ông, để viết về chiến tranh trong hoàn cảnh mới các nhà văn cần chuẩn bị những gì?

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Tôi đã lý giải phần nào câu hỏi này ở trên. Tôi muốn nhắc đến một nhà văn tâm huyết với lịch sử là Nguyễn Xuân Khánh. Nếu Hồ Quý LyMẫu Thượng ngàn quan tâm đến “lịch sử xa” thì Đội gạo lên chùa quan tâm đến “lịch sử gần”. Đội gạo lên chùa có phần lịch sử hiện đại là giai đoạn chống Pháp và Mỹ. Trong tác phẩm này, Nguyễn Xuân Khánh nói đến ứng xử của con người trước những biến động của lịch sử theo quan điểm tùy duyên. Ông viết về những cái được mất trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, và ngay cả thời bình, con người vẫn gặp đầy rẫy đau khổ, trong đó có những đau khổ do sự ấu trĩ và đơn giản của chính chúng ta. Tôi nghĩ viết về chiến tranh cũng thế, phải thấy cả cái hùng lẫn cái bi, cái cao cả lẫn thấp hèn, cái nhân tính và phi nhân tính. Những giá trị ấy không hẳn lúc nào cũng hiện lên theo cách phân tuyến mà nhiều khi cùng hiện hữu trong từng con người cụ thể. Trong quan niệm hiện đại, lịch sử không tồn tại tĩnh lặng, mà luôn chuyển động. Là một phần của lịch sử, chiến tranh, khi đi vào nghệ thuật, phải được diễn dịch lại, cấu trúc lại theo cái nhìn của chủ thể sáng tạo. Bởi thế, có bao nhiêu tác phẩm về chiến tranh là có bấy nhiêu lần chiến tranh được tái cấu trúc.
Còn nhớ, để miêu tả trận Borodino diễn ra gần 60 năm trước khi viết Chiến tranh và hòa bình, văn hào Lép Tôn-xtôi đã dày nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng; kết quả là ông đã miêu tả cuộc chiến một cách mĩ mãn. Thông qua việc miêu tả cuộc chiến, nhà văn đã nói lên sự vĩ đại của dân tộc Nga, tính cách Nga và tri nhận lịch sử bằng cái nhìn giàu tính nhân đạo. Sự vĩ đại của Tôn-xtôi nằm ở chỗ, sau này người ta biết đến trận Borodino qua tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của ông nhiều hơn là qua các bộ sử.

Viết về hai cuộc kháng chiến đã qua của dân tộc, việc lựa chọn điểm nhìn nào, tâm thế nào buộc nhà văn phải tính đến. Điều đó sẽ giúp họ miêu tả cuộc chiến phiến diện hay không phiến diện. Ở đây, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn cần mang chứa những quan niệm/ tư duy mới về lịch sử. Mặt khác, cần phải nhớ rằng lịch sử không phải là câu chuyện riêng của những anh hùng có tên mà còn là câu chuyện của những anh hùng không tên, những anh hùng vô danh nhưng vĩ đại.

Nói thế để thấy rằng viết về chiến tranh luôn là một thử thách đầy khó khăn đối với người cầm bút. Muốn viết hay, dứt khoát họ phải có tài năng thực, đam mê thực và một chiến lược tự sự hiện đại, hợp lý.

PV: Với tư cách là Viện trưởng Viện Văn học, ông nghĩ cần có những điều kiện gì để văn học viết về chiến tranh trở lại như xưa?

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Đây là cả một câu chuyện dài, liên quan đến nhiều phía: Sự đam mê của nghệ sĩ, sự quan tâm của các nhà quản lý, sự ủng hộ cái mới của người tiếp nhận vì không thể thẩm định những sáng tạo mới bằng đôi mắt cũ, bằng những định kiến cũ. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là niềm say mê của nhà văn, là tinh thần đối thoại lịch sử nên gốc nền nhân bản nhân văn. Tôi nghĩ, nếu nhà văn miêu tả và lý giải về chiến tranh bằng cái nhìn nhân văn hiện đại, họ không bao giờ bị lạc vào hư vô. Thậm chí, họ chính là những người khơi thức những giá trị hiện đại tiềm ẩn trong những giá trị tưởng đã vĩnh viễn trôi qua...

- Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp!

HÀM ĐAN (thực hiện)

THỜI ĐÀM (XXXI): QUAN TRỌNG LÀ VIẾT NHƯ THẾ NÀO



Mới đây, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng đã tổ chức kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm thiếu nhi kinh điển “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Sự vinh danh cho một tác phẩm văn học hiện đại là khá hiếm nhưng với trường hợp “Dế mèn phiêu lưu ký” quả xứng đáng.

     “Dế mèn phiêu lưu ký” là dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Tô Hoài. Nói đến Tô Hoài, ai ai cũng biết ông là “cha đẻ” chú dế mèn dù ông đã viết hơn 150 tác phẩm, trong đó không thiếu những tác phẩm xuất sắc như: “Giăng thề”, “Cỏ dại”, “Truyện Tây Bắc”, “Cát bụi chân ai”, “Giấc mộng ông thợ dìu”... “Dế mèn phiêu lưu ký” không chỉ là “người bạn” của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam trong suốt 70 năm qua mà còn quen thuộc với bạn đọc nhí toàn cầu khi đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng.

     Do ảnh hưởng của Nho giáo, nhà văn ở ta thường quan niệm tác phẩm văn học là một thứ gì đó rất ghê gớm, như là công cụ để truyền tải các chân lý nhằm giáo huấn “tiểu nhân”, bênh vực kẻ thấp hèn... Tóm lại là nuôi tham vọng muốn tác phẩm văn học là “vũ khí” tinh thần tác động tới xã hội. Sự kỳ vọng quá mức khiến tác phẩm khó hay như việc bắt con lừa chở quá nhiều hàng hóa khiến nó không thể cất bước. Vì thế, những đề tài to lớn, “đại tự sự” thường được nhà văn ở ta ưu tiên viết, chứ không mấy ai lựa chọn ngay từ đầu là sẽ viết về đề tài thiếu nhi vì cho nó là nhỏ nhặt, như chuyện bọn “trẻ con”. Năm xưa, ngay cả Tô Hoài để đời bởi “Dế mèn phiêu lưu ký” đã bị một đàn anh ngụ ý coi thường khi gọi ông là tác giả của mấy tác phẩm viết về giun dế!

     Những người coi thường văn học thiếu nhi đã quên đi điều sơ đẳng (nhưng quan trọng nhất) là để có một tác phẩm văn học hay là phải kể chuyện như thế nào, chứ không phải là kể về cái gì. Nghĩa là một cây bút trẻ tuổi nghề cứ an tâm viết điều mình quen thuộc nhất, tâm đắc nhất; chứ đừng quá chú ý đến hiệu quả tác phẩm. Lý luận văn học hậu hiện đại nói đến “cái chết của tác giả”, nghĩa là một khi được xuất bản, ý nghĩa tác phẩm được diễn giải thuộc về người đọc chứ không còn là của tác giả nữa.

     Hãy lấy ví dụ từ “Dế mèn phiêu lưu ký” để thấy rõ Tô Hoài có lẽ vô thức đã thực hành đúng như những gì mà lý luận văn học tân tiến định hướng. Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu ký” là từ đơn đặt hàng của Vũ Đình Long-ông chủ NXB Tân Dân; và ông chọn những gì thân thuộc của đứa trẻ ở ngoại ô Hà Nội trước 1945. Khi chất liệu văn học đã nằm lòng, viết sẽ dễ hơn ở chỗ không chỉ có chi tiết sinh động mà tâm tư tình cảm người viết đương nhiên sẽ dâng trào, thuận lợi cho sáng tạo.

     Tô Hoài từng tâm sự, ông viết “Dế mèn phiêu lưu ký” trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít đang ở thế thượng phong và ông suy nghĩ rằng các dân tộc phải có tình bằng hữu mới ngăn chặn được bọn phát xít-đại diện cho cái ác, cái xấu. Nếu gạt bỏ bối cảnh chính trị-xã hội 70 năm trước, người đọc trước hết cảm nhận đây là câu chuyện hay về loài vật và phần nào vẫn hiểu được thông điệp của tác giả. Chính nhờ cách kể chuyện tự nhiên như không, nhân cách hóa loài vật tài tình và viết truyện bằng suy nghĩ của những đứa trẻ nên Tô Hoài đã truyền tải thông điệp một cách “êm đềm” vào suy tư độc giả.

     70 năm đã trôi qua nhưng giá trị nghệ thuật và giáo dục của “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn chưa hề phai mờ. Nếu ai đó đọc một số truyện thiếu nhi nước ngoài sử dụng nhân vật chính là các loài vật sẽ thấy chẳng hay ho hơn “Dế mèn phiêu lưu ký” chút nào. Để có thể có một tác phẩm văn học thiếu nhi đạt đỉnh như “Dế mèn phiêu lưu ký” hay rộng ra là tác phẩm văn học nói chung, có lẽ các nhà văn cần có nhận thức (hoặc đôi khi là sự vô thức) về thực chất công việc mình là kể một câu chuyện hay.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

THỜI ĐÀM (XXX): NGHĨ VỀ ĐẠO THẦY TRÒ HÔM NAY



Truyền thống “tôn sư trọng đạo” có thể tìm thấy ở bất cứ xã hội nào và thời đại nào. Điều này không chỉ đơn thuần là quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức.

    Nước ta, do hoàn cảnh lịch sử, văn hóa-xã hội nên việc yêu quý người thầy, xem nghề giáo là nghề cao quý, luôn được thể hiện đậm đà. Từ thời Hoàng đế Lê Thánh Tông (cuối thế kỷ XV), khi Nho giáo độc tôn khiến cho con đường tiến thân của muôn dân chỉ còn cách duy nhất là học ngày học đêm thi đỗ để ra làm quan. Nếu không may mắn đỗ đạt thì về quê làm thầy để “hành đạo” theo lý tưởng Nho giáo. Mặt khác, Nho giáo là học thuyết cai trị thời bình, quy giản toàn bộ các quan hệ phức tạp của con người vào “tam cương, ngũ thường”. Và nếu giản lược hơn nữa là quan hệ cha-con kiểu thứ bậc cao thấp. Thầy được xem như đấng sinh thành thứ hai như lời một bài hát thiếu nhi vô tình rất đậm chất… Nho giáo: “Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền”.

Tình thầy trò tốt đẹp được duy trì ổn định suốt mấy trăm năm in dấu trong truyền thuyết về người con thủy thần học trò của thầy Chu Văn An cho đến những chuyện đời thường như thầy cưu mang trò nghèo… Ngày hôm nay, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ít nhiều bị mặt trái cơ chế thị trường làm méo mó, trong đó đáng lo ngại là tình cảm thầy trò không còn thân thiết như cha-con trong một nhà mà ngày càng thực dụng hóa. Muốn có bảng thành tích đẹp trong học tập không thể không “đi thăm” thầy với đủ quà cáp, phong bì này nọ. Tư cách người thầy ở một số giáo viên hiện đang khá thảm hại. Có chuyện một giảng viên đại học hẳn hoi lên lớp nói thẳng: "Đi dạy mà nhà trường chỉ trả vài trăm ngàn đồng thì con cái ở nhà chỉ có nước chết đói"! Những sinh viên đương nhiên không còn là những đứa trẻ ngây thơ mà thừa hiểu giảng viên đã “bật đèn xanh” thì phải làm gì tiếp theo…

Văn hóa Nho giáo là nền văn hóa biết xấu hổ. Văn hóa xấu hổ xuất phát từ tư tưởng đức trị, biến đạo đức thành một thứ luật vô hình, lạt mềm nhưng buộc chặt. Đối tượng do sợ xấu hổ vì thế mà không dám làm liều. Nhưng một khi hiện tượng đáng xấu hổ (mà không xấu hổ) trở thành phổ biến thì ai cũng có thể làm mà không bị lên án. Sự nguy hiểm của tính thực dụng trong quan hệ thầy trò ở chỗ, những học trò mai này trở thành người có tiền, có quyền, nhiều khả năng kế tục việc… “làm liều” do nhiễm tính thực dụng từ người thầy hồi còn đi học.

Chẳng khó khăn để tìm ra nguyên nhân cho những hành động vô đạo đức của những người thầy lẽ ra phải là tấm gương đạo đức cho học trò noi theo. Ai cũng biết đồng lương cho giáo viên thấp như thế nào. Những người thầy nào đa năng, giỏi quan hệ may ra mới có thu nhập kha khá; còn lại đều phải đi làm thêm những nghề lao động chân tay khác. Nỗi buồn giáo viên “tranh thủ đi dạy”, nghề chính thành nghề phụ cách đây mấy chục năm đâu đã hết. Đơn xin ra khỏi ngành cũng không phải là ít; nhiều giáo viên bỏ nghề còn ngậm ngùi: Nếu phải lựa chọn lại, họ sẽ không chọn nghề giáo nữa.

Nhiều giáo viên sống chết với nghề thì tìm cách dạy thêm ngoài giờ. Chiểu theo Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16-5-2012 không hề cấm dạy thêm nếu đáp ứng những quy định thủ tục, nhưng nhiều nơi cấm hẳn và rình bắt dạy thêm như… bắt trộm. Còn gì tủi hổ hơn khi giáo viên bị bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ, đề nghị ký xác nhận vi phạm dạy thêm trước mặt học trò. Thiết nghĩ, làm luật cần phải bám sát cuộc sống và khi thi hành luật cần có hướng tạo điều kiện cho những giáo viên sống bằng nghề một cách chân chính, đừng để họ tha hóa.

Cứ mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đến, tôi lại chợt nhớ hình ảnh anh xe ôm hiền lành, nhễ nhại mồ hôi chở tôi đi công tác ở một huyện miền núi xa xôi; rụt rè thổ lộ là Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm. Tôi tin những người thầy kiên trì vượt qua gian khó dạy chữ, dạy làm người cho học trò như anh vẫn là số đông. Nhưng, không thể để những người thầy cứ phải tự mình gánh nhiều khó khăn trong nghề nghiệp và cuộc sống như thế; sự chung tay quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội sẽ làm những người thầy vững tin hơn ở nghề nghiệp cao quý mà họ đã chọn.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

NHỮNG KINH NGHIÊM NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT CHIẾN TRANH NƯỚC NGOÀI



Chiến tranh luôn là một đề tài tạo cảm hứng bất tận cho văn học; trong đó, tiểu thuyết là thể loại văn học có nhiều thành tựu hơn cả. Mối quan hệ tốt đẹp này không hề khó hiểu. Trước hết, chiến tranh tạo ra cuộc sống bất bình thường; những cảm xúc con người lên tới cao độ, nhất là khi đối diện với cái chết. Để thể hiện sự phức tạp của chất liệu chiến tranh qua phương thức sáng tạo đặc thù của văn học thì tiểu thuyết tỏ ra có ưu thế bởi tiểu thuyết là “thể loại duy nhất còn đang chuyển biến” và “nòng cốt chưa hề rắn lại”-như nhà lý luận tiểu thuyết kiệt xuất người Nga Mi-khai-in Ba-khơ-tin (Mikhail Bakhtin, 1895-1975) từng nhận xét.

Ở các nền văn học phát triển, không chỉ có những tiểu thuyết gia từng kinh qua chiến tranh mới viết và viết hay về đề tài chiến tranh. Thời gian càng lùi xa, hiện nay, chính những nhà văn trẻ không biết đến mùi thuốc súng mới đang là chủ lực làm nên những tiểu thuyết chiến tranh hay nhất. Đặt một sự so sánh với hoàn cảnh nước ta mới dứt tiếng súng chưa lâu và trong suốt chiều dài lịch sử trải qua nhiều chiến thắng quân sự oai hùng; nhưng lại không có các tiểu thuyết xứng tầm. Vì vậy, việc tìm hiểu căn nguyên thành công của tiểu thuyết chiến tranh nước ngoài và rút ra kinh nghiệm để làm mới tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam là điều cần thiết.

***

Trước khi sáng tác, mỗi nhà văn đều có thái độ nhìn nhận cuộc chiến dưới góc nhìn cá nhân, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của các tiểu thuyết sau này. Về cơ bản thái độ của các nhà văn nhìn chiến tranh theo hai hướng sau: Thứ nhất, xem cuộc chiến là chính nghĩa hay phi nghĩa. Ví dụ ở Mỹ, các văn nghệ sĩ nói chung xem việc quân đội Mỹ can dự vào Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) là hợp đạo nghĩa khi họ chống lại phe Phát xít cứu loài người và nhất là họ bị tấn công trước trong trận Trân Châu cảng ngày 7-12-1941. Ngược lại, với cuộc chiến Việt Nam, các văn nghệ sĩ Mỹ đều bày tỏ hoài nghi về tính chính đáng trong việc tham chiến và nuối tiếc cái giá của cuộc chiến là quá lớn. Thái độ thứ hai là nhà văn nhìn bất cứ cuộc chiến tranh đều là thảm họa cho con người nói chung. Hai xu hướng trên xuất hiện song song nhau với nhau và đều để lại tác phẩm giá trị.

Việc lựa chọn khuynh hướng nhằm khẳng định tư tưởng là yếu tố chủ đạo trong tiểu thuyết chiến tranh chỉ thịnh hành hồi đầu thế kỷ XX như tiểu thuyết kinh điển “Phía Tây không có gì lạ” (1929) của nhà văn Đức E-ríc Ma-ri-a Rơ-mác (Erich Maria Remarque, 1898-1970). Ý nghĩa và mức độ tàn khốc của cuộc chiến như cách liệt kê trong sách giáo khoa lịch sử bị hạn chế tối đa trong tiểu thuyết chiến tranh đương đại.

Ngày nay, đa phần các nhà văn có thể lựa chọn bất kỳ một cuộc chiến nào với chức năng làm bối cảnh cho tiểu thuyết để đạt đến mục đích chính là khám phá tâm lý, tâm linh con người, nhất là người chiến sĩ. Như trong tiểu thuyết “Nhẫn thạch” của nhà văn Pháp gốc Áp-ga-nix-tan A-típ Ra-hi-mi (Atiq Rahimi) đoạt giải Goncourt 2008, kể về câu chuyện người phụ nữ Áp-ga-nix-tan chăm sóc người chồng trúng đạn sống “thực vật” trong một căn phòng chật hẹp. “Nhẫn thạch” có thể xem là một tiểu thuyết chiến tranh tối giản khi không khí cuộc chiến tàn khốc ở Áp-ga-nix-tan chỉ hiện diện thông qua tiếng súng vang vọng từ ngoài căn phòng. Cuốn tiểu thuyết lời độc thoại của người vợ với người chồng còn sống mà như đã chết, và cô đã nói hết tất cả những ẩn ức dồn nén của người phụ nữ Hồi giáo mà không cần e ngại vi phạm cấm kỵ. Những lời bộc bạch của cô có lẽ cũng là lời của một dân tộc đã quá suy kiệt vì chinh chiến suốt hàng thập kỷ. Qua “Nhẫn thạch”, chúng ta có thể rút ra một kinh nghiệm hay đó là một tiểu thuyết chiến tranh tầm cỡ không nhất thiết phải sử dụng chất liệu là những trận chiến đẫm máu với những mốc sự kiện lịch sử cụ thể mà cần chú trọng đến thân phận con người trong chiến tranh. Chú trọng làm rõ thân phận con người một cách cụ thể, có chiều sâu lập tức sẽ phản chiếu được tính chất, mức độ... của cuộc chiến.

***

Một vấn đề mà lâu nay người sáng tác văn học ở Việt Nam luôn mắc phải như húc vào tường là giải quyết vấn đề giữa văn học và hiện thực. Nhìn một cách cụ thể ở trường hợp của tiểu thuyết chiến tranh, nhiều người lo ngại thế hệ nhà văn trẻ trưởng thành sau năm 1975 chỉ biết đến chiến tranh thông qua tư liệu sẽ khó viết hay hơn các tiền bối đã có kinh nghiệm khi vừa cầm bút vừa cầm súng. Điều lo ngại nói trên là chính đáng nhưng không đáng... lo ngại! Quy luật văn học cho thấy, không phải cuộc chiến lớn sẽ cung cấp chất liệu để cho ra đời tác phẩm lớn; đồng thời, nhiều tiểu thuyết gia viết về chiến tranh chỉ thông qua tư liệu cũng có thể đạt được thành công như trường hợp nhà văn Pháp Alexis Jenni (A-lê-xi Gien-ni) sinh năm 1963 đã viết tiểu thuyết dày hơn 600 trang “Binh thư của người Pháp” (2011) đoạt Giải Goncourt 2011 về cuộc chiến của người Pháp Đông Dương và An-giê-ri.

Khoảng giữa thế kỷ XX là thời điểm các yếu tố đối nghịch với chất liệu trần trụi, tàn khốc của chiến tranh như trào phúng, huyền ảo... xâm nhập mạnh mẽ làm phong phú thêm tiểu thuyết chiến tranh, tạo ra những kiệt tác như tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5” (1969) của nhà văn Mỹ Cớt Vôn-nê-gớt (Kurt Vonnegut, 1922-2007) viết về cuộc du hành xuyên thời gian của anh lính Bi-li Phiêu-rum (Billy Pilgrim) đang tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Với các nền văn học đi sau như Trung Quốc, Nhật Bản... những yếu tố phi thực khi kết hợp với tư duy, văn hóa và chất liệu bản địa đều tạo ra những tác phẩm độc đáo như trường hợp các tiểu thuyết của nhà văn mới đoạt giả Nobel Văn học 2012 Mạc Ngôn. Ở nước ta, tác phẩm văn học đậm chất phi thực rất hiếm, đặc biệt là trong tiểu thuyết chiến tranh, không hiểu sao các nhà văn nước ta không thử nghiệm theo hướng sáng tạo này? Hiện tại, những tiểu thuyết chiến tranh viết theo kiểu hiện thực “soi gương” gần như không còn được chú ý! Lý do là thời buổi bây giờ là thời đại nghe-nhìn, tiểu thuyết chiến tranh không thể địch nổi với phim ảnh kể cả phim tài liệu chiến tranh; thậm chí nếu một loạt bài báo viết về một trận chiến mà công phu, hấp dẫn có khi còn nhiều người đọc hơn một tiểu thuyết chiến tranh dày cộp.

Có người sẽ lý luận rằng: Các tiểu thuyết phi thực mới mẻ, hấp dẫn đấy nhưng sẽ làm mất đi cái nhìn về đầy đủ về cuộc chiến và đề tài chiến tranh cứ phải viết theo lối viết thực mới hợp lý nhất. Nhưng những người phản bác quên mất rằng, các tiểu thuyết phi thực chỉ đi tìm cách thức diễn đạt khác chứ mục đích của nó không khác các tác phẩm hiện thực là đều muốn nêu ra bản chất khốc liệt của chiến tranh và số phận con người bị thử thách thông qua chiến tranh.

***

Đành rằng, để có một tiểu thuyết lớn nói riêng và một tác phẩm văn học nói chung điều quan trọng là tài năng cá nhân nhà văn. Song, để có một nền tiểu thuyết chiến tranh đa dạng và có chất lượng, thiết nghĩ những ai cầm bút đều phải hiểu biết tối thiểu những đặc trưng của thể loại mới có thể hy vọng có những tiểu thuyết lớn.

Đầu tiên, tiểu thuyết không phải là tác phẩm tự sự cỡ lớn như lâu nay nhiều người ở nước ta quan niệm. Tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết khi đi theo nguyên tắc truyện kể theo xu hướng tiểu thuyết hóa với yêu cầu sáng tạo tự do, mới mẻ trong cách kể. Các tiểu thuyết chiến tranh của nước ngoài không chỉ đạt đến tầm cao của tư tưởng mà còn đi rất xa trên con đường hình thức với nghệ thuật cấu trúc truyện kể tinh vi. Yếu kém trong nghệ thuật cấu trúc văn bản không chỉ có trong tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam mà còn nhìn rộng ra cả nền văn học. Giải pháp này thực ra nằm ở chính trong mỗi nhà văn khi anh ta phải luôn tìm cách đổi mới cách kể nhằm hấp dẫn người đọc.

Đặc trưng quan trọng khác của tiểu thuyết là thể loại cho phép nhà văn đổi mới ngôn ngữ triệt để. Quan niệm cũ xem ngôn ngữ là phương tiện chứ không phải mục đích vẫn khá phổ biến. Hầu hết tiểu thuyết Việt Nam đều sử dụng ngôn ngữ trung tính như lời nói hàng ngày mà quên mất rằng ngôn ngữ có nhiều biến thể mang tính thẩm mỹ ở nhiều trường hợp khác nhau có thể áp dụng vào trong tiểu thuyết. Ví dụ như, tiểu thuyết “Đàn hương hình” (2001) của Mạc Ngôn nói về cuộc loạn chiến giữa quân triều đình nhà Thanh, quân nông dân khởi nghĩa và cả quân nước ngoài; nhưng sử dụng ngôn ngữ kịch Miêu xoang nên tiểu thuyết trở nên lạ lùng khi cốt truyện hấp dẫn đặc trưng tiểu thuyết nhưng khi đọc lại cảm tưởng như đang ở trong nhà hát xem kịch cổ điển. 

Tiểu thuyết như đã nói là thể loại tự do nhất trong văn học. Cốt lõi để có tiểu thuyết hay là nhà văn có nhiều ý tưởng để sáng tạo và quan trọng là có bản lĩnh dám đi đến cùng những ý tưởng đó không. Chất liệu chiến tranh dồi dào, nhiều phương pháp sáng tác tiên tiến đã và đang được phổ cập ở Việt Nam, đó là những cơ sở để tin nhà văn Việt Nam sẽ sáng tác được nhiều tiểu thuyết chiến tranh hay trong tương lai.  

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (XXIX): CÓ LÀM MỚI BIẾT...



Từ ngày 1-11 vừa qua, 7 trang web nhạc số lớn nhất của Việt Nam đã bắt đầu thu phí tải nhạc trực tuyến với mức giá 1000 đồng/bài. 100 album nhạc số đầu tiên đã được chuẩn hóa chất lượng cao để đưa ra thử nghiệm cho việc thu phí tải nhạc. 
Việc thu phí tải nhạc được đa số người nghe hưởng ứng vì số tiền thu không nhiều và bản thân họ cũng có ý thức không thể nghe “chùa” mãi được. Sung sướng nhất có lẽ là các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc khi công sức làm ra một sản phẩm âm nhạc đã có thêm một nguồn thu. 
Cần nhắc lại rằng, theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), tỷ lệ vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam là trên 80%. Tình trạng vi phạm bản quyền đã xuất hiện tràn lan từ những năm 1990 tương ứng với làn sóng nhạc trẻ trong nước trỗi dậy đánh bại nhạc hải ngoại. Ngay cả những tên tuổi ca sĩ đình đám nhất như: Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... không thể có chuyện thu bù chi từ bán đĩa nhạc như các ca sĩ nước ngoài. Đến khi internet phát triển ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc lên tới cực điểm. Ngay cả đĩa lậu âm nhạc cũng khó bán vì nhà nhà đều tải nhạc từ trang web âm nhạc để nghe. 
Nếu ca sĩ còn có con đường kiếm bộn tiền là chạy sô thì nhạc sĩ và những người sản xuất âm nhạc khá lao đao với nạn vi phạm bản quyền. Chỉ trừ những nhạc sĩ có “số má”, sáng tác ca khúc nào là bán quyền sở hữu cho ca sĩ là có thể sống ung dung; thì các nhạc sĩ trẻ không mấy người hưởng quả ngọt từ những sáng tạo của mình. Sức ép kinh tế thị trường khiến họ phải sáng tác nhiều bài hát xứng đáng với cụm từ “thảm họa âm nhạc”. 
Dù đầu đã xuôi nhưng hiện tại, việc thu phí tải nhạc bài hát vẫn sẽ còn nhiều chuyện cần giải quyết. Một bộ phận người không nhỏ nghe vốn đã quen tải nhạc miễn phí khó quay ngoắt để bỏ tiền sở hữu file bài hát. Có cung thì ắt có cầu! Các trang web chuyên hay không chuyên âm nhạc vẫn sẽ tiếp tục vi phạm bản quyền khi cho phép người truy cập tải nhạc miễn phí; khi đó các cơ quan chức năng liệu có mạnh tay xử lý? Nhìn sang bên ngành xuất bản sách, nạn in lậu tràn lan mà thanh tra ngành xuất bản phát hiện quá ít trường hợp nhà sách, cơ sở in... vi phạm. Nếu không xử lý triệt để những trang web vi phạm bản quyền âm nhạc thì đừng mong việc thu tiền tải nhạc sẽ phát triển. 
Trong khi việc tìm các giải pháp thu phí tải nhạc đang diễn ra thì giới làm nghề nhạc đã và đang thực hiện chiến dịch “Nghe có ý thức” vận động khán giả nói “không” với tải nhạc lậu. Biện pháp này đương nhiên là cần thiết nhưng không nên quá kỳ vọng. Chỉ có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tải nhạc miễn phí từ các trang web cố tình vi phạm và sử dụng chế tài xử phạt; như ở Nhật Bản, vi phạm bản quyền âm nhạc có thể bị phạt tù từ 2 đến 10 năm và phạt tiền hàng ngàn USD.  
Sau động thái của hai gã khổng lồ là Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo trên trang web Zing.vn (thuộc Tập đoàn VinaGame-VNG) sau khi Liên minh Bản quyền Trí tuệ Quốc tế (IIPA) cáo buộc trang web được truy cập nhiều thứ 6 tại Việt Nam cho phép tải miễn phí nhiều bài hát nước ngoài; trang web này mới tá hỏa đi thỏa thuận bản quyền âm nhạc quốc tế với Universal Music và Sony Music. Không rõ, sau khi đạt được thỏa thuận bản quyền, việc tải và nghe trực tuyến các bài hát nước ngoài có vượt qua số tiền 1000 đồng/bài như trang web này đã cam kết? 
Một câu chuyện khác cũng được người nghe nhạc băn khoăn là hình thức thu phí như thế nào để tiện lợi với cả người tải lẫn người cung cấp nhạc? Cốt yếu, có lẽ vẫn cần các bên liên quan ngồi lại với nhau để tìm ra một quy chuẩn trong cách thức thanh toán cho mọi trang web có thu phí tải nhạc. 
Dù còn rất nhiều khó khăn trong thu phí tải nhạc, nhưng có làm mới biết, việc thu phí tải nhạc lúc này vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm. Sự đồng lòng của xã hội, ý thức của người nghe hy vọng sẽ giúp công việc này thuận lợi và đi vào nề nếp trong tương lai.  
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

CÙNG BÀN LUẬN (XVII): BẢO VỆ THÔNG TIN CÁ NHÂN



Thông tin cá nhân được xem là một tài sản, nếu công khai hóa mà chưa được sự cho phép của chủ sở hữu đương nhiên là hành vi phạm pháp. Thời gian gần đây, loại hình tội phạm buôn bán thông tin cá nhân xuất hiện trên môi trường internet như “nấm mọc sau mưa” và hết sức lộ liễu. Cục An ninh Thông tin - Truyền thông (Bộ Công an) đã xử lý 3 người mua, bán thông tin của các cá nhân, tổ chức nhưng chỉ đề nghị các cơ quan thẩm quyền phạt hành chính các đối tượng trên vì đối tượng khi phạm tội chưa ý thức hành vi phạm pháp.

Hành động của cơ quan công an là đáng hoan nghênh, thể hiện sự trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu cá nhân và tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, những trang web, blog… mua bán thông tin cá nhân vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn vì nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng chỉ từ 2 đến 5 triệu đồng. Trong khi mức thu lợi của những cá nhân, công ty bán dữ liệu khách hàng là rất cao có thể lên tới tiền tỷ khi nắm trong tay hàng nghìn dữ liệu thông tin cá nhân.

Dù hiện nay các thông tin cá nhân được mua bán chủ yếu dành cho các doanh nghiệp muốn tăng doanh số bán hàng khi tiếp cận những khách hàng VIP thông qua thông tin riêng tư. Hậu quả cũng mới chỉ dừng lại ở việc khổ chủ bị quấy rầy với đủ loại dịch vụ bảo hiểm, du lịch…; mà không hề có nhu cầu. Nhưng, về lâu về dài, việc các thông tin cá nhân trôi nổi trên mạng internet sẽ được các tội phạm công nghệ cao lợi dụng để kết nối liên lạc, đe dọa, tống tiền... các tổ chức, cá nhân. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thiệt hại sẽ lớn đối với kinh tế-xã hội nếu đối tượng sử dụng thông tin cá nhân kết hợp với công nghệ cao tấn công vào các mục tiêu nhạy cảm như: Ngân hàng hoặc an ninh-quốc phòng...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần mạnh tay xử lý với những cá nhân, tổ chức ngầm trong mạng lưới buôn bán thông tin cá nhân bằng truy tố hình sự và áp dụng hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Khoản b Điều 226 của Bộ luật Hình sự xử phạt người nào “mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó”. Chế tài xử lý đã có, vấn đề cần phải quyết liệt ngăn chặn, triệt phá tội phạm buôn bán thông tin cá nhân. Đồng thời, cũng cần xử lý cá nhân và tổ chức cố tình để lộ hoặc “bán đứng” khách hàng, cung cấp thông tin cho tội phạm trục lợi.

Nhiệm vụ chính chống tội phạm buôn bán thông tin cá nhân thuộc về lực lượng công an, nhưng không gì hiệu quả hơn mỗi người đề cao cảnh giác, tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Trước mắt, mỗi cá nhân cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia. Mỗi cá nhân cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cần chú ý rà soát thật kỹ, thật chắc công tác bảo mật thông tin của khách hàng trong hệ thống của mình vì đây cũng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp trong mắt khách hàng.

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (XXVIII):NÓI THÊM TỪ VỤ "CANH GÀ THỌ XƯƠNG"....



Bài đăng đã lâu giờ mới post bản đầy đủ :)

Vừa qua, ở lĩnh vực giáo dục xảy ra chuyện hài, về việc hiểu sai cụm từ “canh gà Thọ Xương” là đặc sản Hà Nội của một số em học sinh lớp 7 Trường Lomonosov (Hà Nội) mà cô giáo H.T.T.T vẫn cho 8 điểm. Bắt lỗi ai đúng ai sai thôi thì cũng không quan trọng nữa, mọi việc có vẻ đi quá xa khi phe ủng hộ lẫn phản đối cô giáo “canh gà Thọ Xương” không tiếc lời mắng nhau.

Tuy nhiên, có một chuyện đằng sau vụ việc “canh gà Thọ Xương” cần nói rõ đó chính là về văn bản 4 câu: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”, được giảng rộng rãi là ca dao.

Văn bản trên thực chất đây chưa thể gọi là ca dao được, vì các tài liệu còn sót lại chứng minh tác giả là nhà thơ Dương Khuê (1839-1902). Dương Khuê (1839-1902) người làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm Mậu Thìn (1868) thời vua Tự Đức, ông thi đỗ tiến sĩ. Là người văn hay, chữ tốt, ông sáng tác nhiều bài thơ hay trong đó có bài “Hà Nội tức cảnh”, nguyên văn như sau: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”, (dẫn theo Trần Trung Viên trong “Văn đàn bảo giám”, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926).

Rõ ràng, đây là bài thơ có giá trị vì những câu tả cảnh tuyệt vời, cho nên dễ hiểu vì sao nó đi vào trí nhớ dân chúng đến mức bị biến thành ca dao. Tất nhiên, bài thơ này cũng như thơ ca trung đại nói chung khá khó hiểu với người ngày nay do nhắc đến các địa danh cũ và tính ước lệ như: Thọ Xương là tên huyện, quanh vùng Hồ Gươm của Hà Nội ngày trước. An Thái là làng làm giấy, có tiếng giã giấy thuộc vùng Bưởi (Hà Nội). “Ngàn” tương đương với “bờ”, chứ không phải “rừng” hay “một ngàn”.
Một cô giáo trẻ như cô giáo T. và các em học sinh chắc rằng không thể biết rõ nguồn gốc của bài “ca dao” nói trên được. Có trách là tại sao những người biên soạn sách và giảng dạy cho chính cô T. đã không cẩn trọng nghiên cứu, tìm hiểu lai lịch văn bản thơ trên là bài “Hà Nội tức cảnh” của cụ Dương Khuê, vì tài liệu dẫn trên hiện lưu trữ trong Thư viện Quốc gia, tra cứu rất dễ dàng.

Có người sẽ đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải giảng dạy kỹ nguồn gốc, ‎‎nghĩa của văn bản thơ trên cho học sinh lớp 7 không? Câu trả lời là chẳng có cái gì là thừa cả. Đừng nghĩ rằng, học sinh tầm tuổi đó chỉ là đứa trẻ tuổi ăn tuổi chơi vô tư lự;  ở phương Tây, học sinh tầm tuổi này đã bắt đầu làm quen với triết học nhập môn. Đành rằng, lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, học văn là học cảm thụ cái đẹp của nội dung tác phẩm, sự tinh tế của ngôn từ và cả kỹ xảo tổ chức văn bản. Nhưng tác phẩm văn chương vốn không thể thoát ly bối cảnh văn hóa, nền tảng chính trị-xã hội thời điểm tác phẩm ra đời; cho nên, nếu học văn mà bỏ sót tìm hiểu cả những điều liên quan đến tác phẩm là điều đáng tiếc.

Quan trọng hơn, học văn còn có thể giúp tư duy học sinh phát triển ở chỗ là tìm ra nhiều cách đọc, cách hiểu cho tác phẩm. Chẳng hạn, bài thơ nổi tiếng “Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) lâu nay vẫn hiểu là bài thơ cảm động về tình bạn. Nhưng, có người đã có bằng chứng cho hay là vị khách đến chơi nhà Nguyễn Khuyến vốn không được nhà thơ yêu mến cho lắm nên làm bài thơ này để… đuổi khéo. Thực hư bối cảnh ra đời bài thơ thế nào, hãy chờ các nhà nghiên cứu văn học trung đại tiếp tục tranh luận. Chỉ biết rằng, thời xưa, các cụ đến chơi nhà nhau không như con cháu bây giờ là chỉ đến chơi một vài ngày mà là cả tháng. Với những thứ “cây nhà lá vườn” sẵn có và với thời gian một tháng, chẳng lẽ Nguyễn Khuyến không đãi khách một bữa cơm thịnh soạn mà lại phải dùng những câu tỏ vẻ nuối tiếc rằng bạn đến chơi không đúng thời điểm? Với lại, Nguyễn Khuyến là nhà nho quân tử, một khi đã ghét ai hay cái gì là dùng thơ đả kích (hoặc bóng gió) như làm thơ chửi bọn Tây lẫn bọn gái đĩ...

Còn rất nhiều vấn đề trong di sản văn chương dân tộc cần nghiên cứu kỹ hơn để hiểu những câu chuyện quá khứ, cách nghĩ của cha ông. Làm như vậy, là để học sinh có tư duy độc lập, yêu thêm lịch sử dân tộc và tránh những câu chuyện cười ra nước mắt như vụ việc “canh gà Thọ Xương”!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG